Chinh phục nghiên cứu khoa học - Khó khăn chỉ là thử thách

Nghiên cứu khoa học luôn là một vấn đề thu hút sự quan tâm của đông đảo của các bạn sinh viên. Quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học là một chặng đường dài, đòi hỏi sự kết hợp nhiều yếu tố khiến các bạn sinh viên gặp không ít khó khăn. Workshop “Điểm hẹn Nghiên cứu khoa học 2” do Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Khoa Văn học thực hiện sáng 21.11 đã phần nào giúp bạn tháo gỡ những thắc mắc xoay quanh vấn đề này.

20211202 3

Đừng ngại hỏi ý kiến thầy cô

Quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học trải qua 4 bước cụ thể: Tìm đề tài, viết thuyết minh đề tài, thực hiện đề tài, cuối cùng là báo cáo nghiệm thu thành quả của đề tài. Nếu đề tài thực hiện tốt thì có thể đi vào bước 5 để chỉnh sửa và tiếp tục đi thi ở những cuộc thi ở cấp cao hơn như giải eureka cấp thành phố, cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp Thành phố, ĐHQG,...

Theo TS. Nguyễn Thị Phương Thúy - Giảng viên khoa Văn học trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM, khâu tìm đề tài nghiên cứu rất mất thời gian nên đừng đợi tới giai đoạn Nhà trường phát động mà phải chuẩn bị từ sớm. Việc tìm đề tài có thể thông qua việc học các môn học trên giảng đường, đọc sách từ bên ngoài hoặc tham gia các sự kiện khoa học.

Cụ thể, trong quá trình dạy học, thầy cô phụ trách có thể đề cập đến những vấn đề mà giới khoa học đang quan tâm. Tuy nhiên, thông thường những nội dung thầy cô giảng dạy trên lớp đều là kiến thức đã tương đối ổn định và quen thuộc, khó đảm bảo được yếu tố mới - một trong những yếu tố rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học. Trên thực tế, có một sự thật không thể phủ nhận rằng các sự kiện khoa học luôn tạo được sự hứng thú và thu hút mối quan tâm của sinh viên. Đây là nơi phù hợp nhất để các bạn sinh viên tìm thấy niềm đam mê với nghiên cứu khoa học. Những sự kiện khoa học bao giờ cũng bàn đến những vấn đề rất đặc biệt. Chính phần gợi mở và kết luận của diễn giả cuối sự kiện sẽ gợi ý cho các bạn nghĩ ra được ý tưởng để phát triển đề tài nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, nguồn sách phong phú từ bên ngoài cũng giúp sinh viên nảy ra ý tưởng thú vị cho đề tài nghiên cứu của mình.

“Dù bạn tìm kiếm đề tài ở bất kỳ kênh nào thì đừng ngại hỏi ý kiến của thầy cô. Có thể vấn đề bạn quan tâm nhưng giới khoa học đã làm rồi và không còn quá nhiều vấn đề để tiếp tục khai thác nữa, hoặc vấn đề bạn quan tâm nhưng quá rộng với quy mô, tính chất của một nghiên cứu khoa học sinh viên. Dưới con mắt của người trong nghề, thầy cô có thể tư vấn cho bạn đề tài liệu có tính khả thi hay không” -  TS. Nguyễn Thị Phương Thúy nhấn mạnh.

Chị Nguyễn Bảo Châu - Cựu sinh viên khoa Văn học trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM khóa 2017-2021 chia sẻ: “ Liên lạc với thầy cô hướng dẫn đối với mình là chìa khóa rất quan trọng. Bởi vì khi trình bày tất cả ý tưởng với thầy cô, mình sẽ nhận được những lời khuyên bổ ích. Nhiều vấn đề được làm sáng rõ mà trước đó mình không hề nhận ra. Đừng ngại trình bày những ý kiến, quan điểm của mình cho thầy cô biết vì điều này giúp quá trình thực hiện đề tài sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Hãy để thầy cô theo sát mình trên chặng đường thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học”.

Về phần viết thuyết minh đề tài, TS. Nguyễn Thị Phương Thúy cho rằng, lịch sử nghiên cứu vấn đề là mục sinh viên nên làm đầu tiên. Điều này giúp các bạn biết được đã có những ai nghiên cứu, những thông tin nào có liên quan đến vấn đề bạn quan tâm. Bên cạnh đó, các bạn cũng tránh được việc lặp lại những gì đã được nghiên cứu hoặc tham gia đóng góp tri thức khoa học bằng đề tài nghiên cứu khoa học của mình nếu phát hiện đề tài trước đó còn sơ sài, chưa có tính hệ thống,...


Những khó khăn thường gặp nhất của sinh viên khi tham gia nghiên cứu khoa học. Ảnh chụp màn hình

Làm việc có kế hoạch

TS. Nguyễn Thị Phương Thúy cho biết, điều kiện quan trọng nhất của một sinh viên có thể làm đề tài nghiên cứu khoa học chính là yếu tố làm việc có kế hoạch. Về cơ bản mỗi người sẽ có cách quản lý thời gian của riêng mình. Tuy nhiên, phải chắc chắn rằng kế hoạch đã luôn luôn nằm trong đầu bạn và phải hình dung được đến khoảng thời gian nào sẽ hoàn thành xong công việc đó. Công trình khoa học bắt buộc phải phân bổ thời gian một cách phù hợp. Khi việc làm nhóm thì tổ chức công việc càng đòi hỏi phải khoa học và rõ ràng.

Đề cập về vấn đề này, chị Nguyễn Bảo Châu cho biết: Việc lên kế hoạch giúp công việc nghiên cứu đạt nhiều hiệu quả cao. Điều này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thành hay bại của đề tài nghiên cứu khoa học. Nếu như có lịch làm việc cụ thể và chi tiết thì sẽ không rơi vào tình trạng phải chạy deadline sát ngày. Lúc đó, mình không thể hoàn thành được bản ưng ý nhất và sẽ phải tiếc nuối nhiều thứ”.

TS. Nguyễn Thị Phương Thúy lưu ý: “Từ tài liệu tham khảo bạn mới biết được lịch sử nghiên cứu vấn đề. Vì vậy, chúng ta cần phải có danh mục tài liệu tham khảo hoàn chỉnh”. Đây cũng là một trong những vấn đề sinh viên đặc biệt quan tâm. Thực tế, việc tìm nguồn tài liệu tham khảo không hề dễ dàng khi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học.

Hiện nay, thư viện là kênh tài liệu chính thống quan trọng nhất và đa phần đã có hệ thống dữ liệu toàn văn. Có những hệ thống thư viện sinh viên hoàn toàn có thể lên mạng tìm kiếm online như Thư viện ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM, Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện tài liệu quốc gia Việt Nam,...Những thư viện này góp phần giúp sinh viên có thể hình thành được kho tài liệu tham khảo của mình.

Trả lời thắc mắc của sinh viên làm sao để có thể tiếp cận tài liệu ngoại Văn trong khi khả năng ngoại ngữ của bản thân còn hạn chế, TS. Nguyễn Thị Phương Thúy nhận định, cách tốt nhất để có thể tiếp cận hiểu rõ và hiểu đúng tài liệu ngoại Văn chỉ có thể là nâng cao năng lực ngoại ngữ của chính mình. Tuy nhiên, các bạn sinh viên cũng có thể linh hoạt sử dụng Google dịch. Công cụ này sẽ hỗ trợ các bạn hiểu một cách khái quát nội dung nhưng không được trích dẫn. Vì vậy, sinh viên phải tận dụng một cách thông minh công cụ Google dịch để giúp ích cho công việc nghiên cứu đề tài khoa học của mình.

Bên cạnh niềm đam mê và sự nỗ lực, kiên trì thì bản thân các bạn sinh viên cần phải nắm vững vàng những kiến thức cơ bản khi bắt tay vào thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Những gì các bạn trang bị được sẽ giúp cho công việc nghiên cứu khoa học trở nên dễ dàng hơn, gặt hái được thành công và tránh khỏi những sai lầm không đáng có.

Ánh Trinh

Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60844483
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4262
13943
60844483

Thành viên trực tuyến

Đang có 382 khách và không thành viên đang online

Danh mục website