Hoạt động bảo tồn các di sản văn hóa trong phát triển du lịch

 (Đặng Hoàng Lan,  Tạp chí Văn hoá  và Du lịch, số 11, tháng 5 năm 2013)

 

TÓM TẮT

Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khá đa dạng, phong phú. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng trong phát triển du lịch văn hóa của đất nước. Hoạt động bảo tồn di sản văn hóa có ý nghĩa lớn đối với phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc hiểu đúng về yêu cầu của công tác bảo tồn, hơn nữa bảo tồn để khai thác cho phát triển du lịch, thì không hẳn đã có quan điểm thống nhất.

***

1. Đặt vấn đề

Di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hoá nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Trong các loại hình di sản văn hóa ở Việt Nam, có những giá trị di sản mang tầm vóc thế giới, được vinh danh gồm:

 02 di sản thiên nhiên thế giới: Vịnh Hạ Long (năm 1994, 2000), Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (năm 2003);

05 di sản văn hoá vật thể: Quần thể di tích cố đô Huế (năm 1993), Phố cổ Hội An (năm 1999), Thánh địa Mỹ Sơn (năm 1999), Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long (năm 2010), Thành nhà Hồ (năm 2011);

06 di sản văn hóa phi vật thể: Nhã nhạc Cung đình Huế (năm 2003), Không gian văn hoá Cồng Chiêng Tây Nguyên (năm 2005), Dân ca quan họ Bắc Giang và Bắc Ninh (năm 2009), Ca trù (năm 2009), Hội Gióng ở Phù Đổng và Đền Sóc (năm 2010), Hát xoan (Năm 2011)

03 di sản tư liệu: Mộc bản triều Nguyễn (năm 2009), Bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám (năm 2010), Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm (năm 2012);

và 01 loại hình di sản thiên nhiên  Cao nguyên đá Đồng Văn được xếp vào Mạng lưới công viên địa lý toàn cầu (năm 2010).

Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khá đa dạng, phong phú. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng trong phát triển du lịch văn hóa của đất nước. Hoạt động bảo tồn di sản văn hóa có ý nghĩa lớn đối với phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc hiểu đúng về yêu cầu của công tác bảo tồn, hơn nữa bảo tồn để khai thác cho phát triển du lịch, thì không hẳn đã có quan điểm thống nhất.

2. Những vấn đề trong bảo tồn di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch

Đã có một thời, bảo tồn các di tích văn hóa được hiểu như là việc bảo vệ giữ gìn càng cẩn thận, càng chắc chắn các di tích càng tốt. Theo phương châm đó, nhiều nơi đã bảo tồn bằng cách “cất giấu” thật kỹ di tích, di sản hoặc cấm mọi người tiếp cận, nhất là những công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị. Ngày nay, các nhà khoa học đã đưa ra khái niệm mới về bảo tồn di sản - gọi là “bảo tồn tích cực”, nghĩa là đưa di sản vào phục vụ cuộc sống. Các di sản văn hoá phải được bảo vệ, tôn tạo và tổ chức giới thiệu rộng rãi cho công chúng biết, chiêm ngưỡng, nghiên cứu. Du lịch là một phương thức để đưa di sản đến với công chúng. Thông qua hoạt động du lịch, những di sản văn hoá vốn đang “khô cứng” hoặc đang bị “bảo tàng hóa” trở thành những di sản sống, được phục vụ, được cống hiến với sứ mạng nhân văn cao cả.

Trường hợp các ngôi đình nổi tiếng ở miền Bắc như Tây Đằng, Mông Phụ,… đang trở thành phế tích hoặc xây tường vây kín, trái với ý niệm không gian mở vốn có của công trình đình làng truyền thống.

Ngoài ra, cũng còn không ít những quan niệm sai về việc bảo tồn và đặc biệt là những nhìn nhận sai lệch về nhu cầu của du lịch đối với di sản văn hóa. Chẳng hạn, như bùng nổ về phục hồi di sản. Chính nhờ đời sống nhân dân được nâng cao, nhất là ở những vùng nông thôn, mà nhu cầu về đời sống tinh thần, nhất là đời sống tâm linh, được quan tâm. Nhiều địa phương đã tự đầu tư, bằng nguồn kinh phí từ tiền quyên góp của các tầng lớp nhân dân, để tôn tạo, khôi phục các đình chùa, miếu, lễ hội, thậm chí xây mới các công trình văn hóa, tôn giáo -tín ngưỡng... Tuy nhiên, cũng có nguyên nhân xuất phát từ phát triển du lịch. Người ta có thể nhận thấy ở đâu có di sản văn hóa, ở đó có khách du lịch đến. Mà du lịch thì sẽ kéo theo các hoạt động dịch vụ khác, sẽ mang lại nhiều lợi ích, trước hết là lợi ích kinh tế. Chính vì vậy, nhiều nơi đã rất chú trọng bảo tồn, tôn tạo và khôi phục các di sản văn hóa, tạo nên một làn sóng đầu tư tôn tạo di tích. Trường hợp mới xảy ra gần đây nhất, chính là việc trùng tu lại Chùa Trăm Gian. Khi khoản tiền dành cho việc tu bổ chùa Trăm Gian còn chưa được đưa vào thực hiện, thì Thành phố Hà Nội đã phải dành một khoản kinh phí không nhỏ để giải quyết hậu quả của việc trùng tu thiếu giấy phép vừa qua. Vậy là, nếu khoản dự toán kinh phí dành cho việc tu bổ chùa Trăm Gian  được cấp Quyết định thực hiện, ngay sau khi chủ trương tu bổ chùa Trăm  Gian được thông qua, thành phố đã không phải mất một số tiền chắc chắn lớn hơn để "giải quyết hậu quả", bằng cách xây dựng phương án và tiến hành phục hồi nguyên trạng nhà Tổ, gác Khánh và bậc cấp sân trước tiền đường. Đó là chưa kể 5 tỷ đồng mà nhà chùa đi vay và tiền công đức của dân để "làm mới" chùa[1].

Thường những di tích, di sản văn hóa được bảo tồn, tôn tạo theo dạng phong trào như vậy dễ bị làm không kỹ, chất lượng kém, thể hiện ở các chi tiết nề, mộc, tạc, tô tượng, các họa tiết chạm khắc hoa văn thiếu sự trau chuốt, đôi chỗ cẩu thả, nhất là các tượng được đắp bằng xi măng, được tô màu. Nhiều nơi còn cẩu thả trong sử dụng vật liệu mới như việc dùng cả gạch men kính để lát ban thờ, hoặc dùng xi măng trám vào các cột kèo bị mối, mọt....

Từ thực trạng của hoạt động bảo tồn di sản văn hóa và để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá đạt được hiệu quả cao, chúng ta cần quan tâm tới một số vấn đề sau:

Bảo tồn di sản phục vụ du lịch trước hết phải đảm bảo đúng yêu cầu của Luật Di sản văn hóa, nghĩa là  phải đảm bảo đúng nguyên tắc bảo lưu tối đa những giá trị nguyên gốc của di sản. Theo quan điểm của ngành du lịch, bảo tồn phải tuân thủ triệt để các quy định của quốc tế và  trong nước, tránh tác động nhiều vào di tích và cố gắng duy trì, bảo quản nguyên trạng di tích như khi phát hiện là tốt nhất. Những di tích còn giữ được nhiều nét nguyên bản, thường có giá trị hấp dẫn nhiều hơn đối với du khách. Thực tế, trên thế giới cũng có nhiều trường hợp các di sản là những di tích đổ nát, nhưng vẫn hấp dẫn du khách  như Đền thờ Acropol ở Hy Lạp, hoặc đấu trường Colixey ở La Mã.

Để có thể thực hiện theo phương cách nêu trên, chúng ta cần bắt đầu từ việc bảo tồn các di sản văn hóa ngay chính trong đời sống cộng đồng.  Một loại hình di sản văn hóa được xem là thành công trong việc lưu giữ, khi nó vẫn tồn tại sống động trong môi trường nơi nó sinh ra, tức là đưa di sản văn hóa trở lại với chủ thể văn hóa, và tạo điều kiện tốt nhất để nó tồn tại. Cộng đồng chính là môi trường sản sinh ra các hiện tượng văn hóa phi vật thể, và là nơi nuôi dưỡng, làm phong phú nó trong đời sống.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá cũng có nghĩa là bảo vệ người kế thừa di sản văn hoá - những nghệ nhân dân gian. Thực tế đã chứng minh rằng, “chỉ cần những người kế thừa di sản văn hoá phi vật thể vẫn còn sống thì những di sản văn hoá truyền thống sẽ không bị biến mất; chỉ cần những người kế thừa di sản văn hoá phi vật thể vẫn còn tràn đầy sức sống thì di sản văn hoá phi vật thể sẽ không ngừng được sáng tạo trong quá trình trao truyền và kế thừa; chỉ cần người kế thừa di sản văn hoá phi vật thể vẫn thu nhận đồ đệ để truyền nghề, thì di sản văn hoá phi vật thể có người kế thừa, kéo dài mãi mãi” [1, 204]. Hoạt động bảo tồn di sản văn hoá, nhất thiết phải có sự tham gia trực tiếp của người dân và phải gắn với lợi ích của họ. Cộng đồng - chủ thể văn hoá, là người đóng vai trò quyết định trong việc bảo tồn một cách bền vững di sản văn hoá. Người dân, với vai trò là chủ thể sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, họ có đủ năng lực và thẩm quyền để đánh giá các giá trị của di sản văn hóa, quyết định lựa chọn các hiện tượng văn hóa nào là cần thiết để bảo tồn. Thực tế là, mọi hoạt động bảo tồn di sản văn hoá chỉ có thể mang lại hiệu quả và thành công khi có sự tham gia tự nguyện của người dân, thu hút và huy động tối đa mọi nguồn lực của chủ thể văn hoá. Ví dụ như Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, không phải chỉ công nhận Cồng Chiêng mà còn là cả cộng đồng, không  gian, chủ thể văn hóa,… đã tạo nên kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Bảo vệ, tôn tạo di sản phải nhằm mục đích giới thiệu di sản đến với công chúng. Do vậy cần chuẩn bị tốt nội dung giới thiệu về di sản. Đây cũng là yêu cầu của phục vụ phát triển du lịch. Trong quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản - văn hoá đến năm 2020 của Bộ Văn hoá, Thể Thao – Du Lịch cũng đã nêu rõ: “Ưu tiên cho công tác tư liệu hoá qua việc xây dựng hồ sơ khoa học, phim, ảnh tư liệu hoặc hình thức ghi nhận sự kiện bằng bia, đài kỷ niệm”. Nội dung giới thiệu cho du khách không cần thiết phải thật sự chi tiết, nhưng phải đầy đủ và chọn lọc. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng những hình thức giới thiệu đa dạng khác. Tuy nhiên, việc chuẩn bị nội dung giới thiệu về giá trị của các di sản cho khách du lịch hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Có nhiều bản giới thiệu, thay vì diễn giải, phân tích,  lại nặng về phần ca ngợi. Những bản giới thiệu như thế thường không đem lại sự hài lòng cho du khách. Có những điểm du lịch là hang động đẹp, trong nội dung giới thiệu, bên cạnh yếu tố huyền thoại, với những chuyện kể mang sắc thái cổ tích, cũng cần thiết có thêm thông tin mang tính khoa học, như cấu tạo địa chất, niên đại, đặc điểm,... Những thông tin này phải thực sự được chọn lọc và cần thiết để du khách có thể nhận thức được việc hình thành một kỳ quan thiên nhiên, đòi hỏi bao nhiêu thời gian.  Điều đó giúp nâng cao được ý thức bảo vệ di sản đối với du khách và cộng đồng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Chúng ta nhận thức rằng, sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa chỉ có thể được đẩy mạnh và đạt hiệu quả khi người dân tự giác tham gia. Do đó, việc giáo dục để nâng cao ý thức tự giác của người dân, khơi dậy ở họ lòng tự hào đối với di sản văn hóa của cộng đồng mình là công việc có ý nghĩa quan trọng, để hướng người dân chủ động tìm tòi, sưu tầm và bảo tồn các loại hình di sản văn hóa. Ngoài ra, cần phải làm rõ và gắn lợi ích của người dân khi tham gia các hoạt động bảo tồn. Đây cũng là cách thức thu hút đông đảo người dân tham gia lưu giữ di sản văn hóa truyền thống của mình. Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, việc vận động, tuyên truyền để nâng cao ý thức tự giác của người dân cần gắn với cuộc vận động xã hội hóa trong công tác bảo tồn. Chỉ khi người dân có ý thức trong việc bảo tồn di sản văn hóa thì mọi khó khăn đều có thể được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả. Tuyên truyền, vận động cần phải được thực hiện đồng bộ, với nhiều phương thức khác nhau, tránh làm ồ ạt. Bên cạnh việc đa dạng hóa các chương trình tuyên truyền, cần đưa vào nội dung chương trình những thông tin cụ thể, sát thực và gần gũi với đời sống, sinh hoạt của người dân, nhằm mang lại hiệu quả cao.

Ngoài ra, bảo tồn các di sản văn hóa còn đồng nghĩa với việc bảo vệ và tôn tạo môi trường tại các khu di sản. Bảo vệ môi trường khu vực di sản là yêu cầu đặc biệt quan trọng trong phát triển du lịch. Môi trường ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội nhân văn. Môi trường du lịch tự nhiên bao gồm: môi trường nước, môi trường không khí, môi trường đất, tình hình nước thải, chất thải rắn... Môi trường xã hội nhân văn trong khu di sản thể hiện qua tình hình quản lý khu di tích, tình hình trật tự an ninh khu vực... Một môi trường tự nhiên bị ô nhiễm, cũng như môi trường văn hoá xã hội thiếu lành mạnh, sẽ làm giảm đi tính hấp dẫn của các giá trị di sản đối với khách du lịch, và đương nhiên làm giảm tính hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Do vậy, trong công tác bảo tồn các di sản, cũng cần thiết đánh giá tác động môi trường và có những giải pháp triệt để, nhằm bảo vệ và phát triển môi trường du lịch.

Như vậy, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch là một việc làm cần thiết và cấp bách. Chính vì thế mà việc phát triển du lịch cần tuân theo những nguyên tắc về bảo tồn di sản văn hóa. Giá trị các di sản là vĩnh hằng. Việc nghiên cứu, khai thác các giá trị văn hóa, để tạo thành những sản phẩm du lịch mới, tại các khu vực có di sản, là cần thiết nhằm làm tăng thêm giá trị cho các di sản, đa dạng hóa các loại hình du lịch và có thể mang lại lợi ích cho cộng đồng người dân trong khu vực.

Tài liệu tham khảo

1. Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Tập 1 (2007), Cục Di sản văn hóa xuất bản, Hà Nội.

2. Nguyễn Đăng Duy, Trịnh Minh Đức (1993), Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, Nxb Đại học Văn hóa, Hà Nội.

3.Hiến chương quốc tế về bảo tồn và trùng tu (2004), Nxb Xây dựng.

4. Luật Di sản văn hoá và một số văn bản có liên quan (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009), Nxb. Văn hoá thông tin.

5. Luật sửa đổi bổ sung Luật Di sản văn hóa và Nghị định hướng dẫn thi hành (2011), Nxb. Chính trị Quốc gia.

PRESERVING CULTURAL HERITAGE WHILE DEVELOPING TOURISM

Abstract

            Vietnam has a vast resource of tangible and intangible cultural heritage, which is very advantageous to develop the cultural tourism for the country. Preservation of cultural heritage is very important to developing tourism. However, opinions about the preservation, especially the preservation for the need of tourism, have not always been correct and agreed between many people.



[1] http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/87302/qua-dat-bai-hoc-o-chua-tram-gian.html