Lễ hội tưởng niệm anh hùng dân tộc Trương Định tại Gò Công (Tiền Giang) từ góc nhìn văn hóa du lịch

TÓM TẮT

Với sự quan tâm và hỗ trợ đặc biệt của Đảng và Nhà nước, ngành du lịch Việt Nam đang từng bước hoàn thiện và củng cố. Với định hướng phát huy và sử dụng tiềm năng vốn có, việc khai thác lễ hội truyền thống gắn liền với hoạt động du lịch là một cách thức làm đa dạng và phong phú thêm các sản phẩm du lịch ở mỗi địa phương. Xuất phát từ xu hướng này, việc khai thác lễ hội tưởng niệm anh hùng dân tộc Trương Định gắn với hoạt động du lịch cũng trở thành định hướng của thị xã Gò Công nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung trong bối cảnh hội nhập và giao lưu kinh tế, văn hóa trong thời kỳ hiện đại.

***

1. Đặt vấn đề

Từ thế kỷ XIX, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với địa thế nhiều sông rạch, giồng đất cao, cây cối rậm rạp, vùng đất mới Gò Công đã được khai khẩn và trở nên trù phú, thu hút đông đảo lưu dân Việt dừng chân định cư. Nơi đây được xem là vùng đất “địa linh nhân kiệt” và cũng là quê hương bên họ ngoại của vua Tự Đức. Từ lịch sử đó, Gò Công ngày nay sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng quý giá với nhiều huyền sử, huyền thoại đi vào lòng người cùng khá nhiều di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội truyền thống đậm tính nhân văn, văn hóa ẩm thực nổi tiếng với các món cung tiến… Gò Công của Tiền Giang đã ghi dấu vào lòng người với những bản sắc văn hóa địa phương ngay từ thuở bước chân “Nam tiến” của thế hệ cha ông vừa đặt chân lên mảnh đất “xứ Gò”.

Xác định tầm quan trọng của việc khai thác lễ hội gắn với du lịch nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch là nhu cầu tất yếu trong hoạt động du lịch, bên cạnh đó du lịch cũng là môi trường để quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội; chính quyền thị xã Gò Công đã và đang thực hiện phương án quy hoạch và khai thác sản phẩm du lịch văn hóa hiện có tại Gò Công để trình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang nhằm phát triển thị xã Gò Công thành vùng du lịch trọng điểm thứ hai của tỉnh.

 

2. Những tiền đề phát triển du lịch văn hóa ở thị xã Gò Công

2.1. Về tự nhiên, dân số                                                                           

Gò Công xưa kia có tên gọi là Khổng Tước Nguyên (xuất phát từ đặc điểm vùng đất gò có nhiều chim công sinh trưởng) nằm trên trục lộ Quốc lộ 50, phía Tây cách Mỹ Tho khoảng 35km, phía Đông cách biển Tân Thành khoảng 15km và phía Bắc cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 60km theo hướng QL50 qua phà Mỹ Lợi. Trong tương lai, cầu Mỹ Lợi được hoàn thành, giao thông đường bộ thuận tiện sẽ là điều kiện tốt để phát triển du lịch văn hóa ở Gò Công. Trải qua những thăng trầm và biến động của lịch sử - xã hội với nhiều tên gọi, ngày nay Gò Công chính thức là một thị xã của tỉnh Tiền Giang theo quyết định số 37/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành vào ngày 16/2/1987.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 09/2008/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2008 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây để mở rộng thị xã Gò Công tỉnh Tiền Giang, thị xã Gò Công có diện tích tự nhiên 102 km2; dân số 97.709 người phân bố trên 12 đơn vị hành chánh trực thuộc bao gồm: 5 phường (1, 2, 3, 4, 5) và 7 xã (Long Chánh, Long Hoà, Long Hưng, Long Thuận, Bình Đông, Bình Xuân và Tân Trung).

2.2. Tiềm năng phát triển du lịch văn hóa

Trong quá trình mở đất về phương Nam, lưu dân Việt đã mang theo hành trang văn hóa từ nguồn cội trên đường “khai khẩn” và “khai cơ” đồng thời giao lưu và tiếp biến văn hóa với các dân tộc anh em trên vùng đất mới để làm phong phú và đa dạng thêm vốn văn hóa của mình. Mảnh đất Gò Công chịu sự tác động và chi phối bởi vị trí địa lý và bối cảnh lịch sử - xã hội cũng đã tạo nên các giá trị tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn nhất định. Đây là nơi phát tích của Phạm Đăng Hưng và con gái là Phạm Thị Hằng (Từ Dũ Thái hậu) và cũng là nơi xuất thân của một số nhân vật nổi tiếng như: danh tướng Võ Tánh, Nam Phương Hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Lan, linh mục Nguyễn Bá Tòng, nhà văn Hồ Biểu Chánh, nữ sĩ Manh Manh… Và đi kèm với những nhân vật ấy là các di tích lịch sử - văn hóa có giá trị. Vùng đất Gò Công còn ghi dấu các chiến công oanh liệt của các lớp ông cha đi trước trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta, trong đó, chúng ta không thể không nhắc đến vị anh hùng dân tộc Trương Định.

Trong những năm qua, lễ hội tưởng niệm anh hùng dân tộc Trương Định luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát trong công tác tổ chức của chính quyền tỉnh Tiền Giang nói chung, thị xã Gò Công nói riêng. Chính quyền các cấp làm tốt công tác này ngoài việc nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần và sự quan tâm tìm hiểu của du khách trong và ngoài tỉnh, còn là để thể hiện lòng ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân, ghi khắc sự đóng góp công sức cũng như trân trọng tấm gương yêu nước của vị anh hùng Trương Định của người dân xứ Gò. Hằng năm, lễ hội đã thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan với ước vọng bày tỏ lòng biết ơn của cá nhân mình đối với tấm gương trung dũng của ông.

Đến tham dự lễ giỗ Trương Định, từ thành phố Hồ Chí Minh, du khách có thể đến Gò Công từ hướng Cần Đước (Long An), từ phà Mỹ Lợi hay đi từ hướng Mỹ Tho đều thuận lợi và dễ dàng.

 

3. Lễ hội tưởng niệm anh hùng dân tộc Trương Định

3.1. Lịch sử lễ hội

Cuộc đời và sự nghiệp của ông được ghi chép nhiều trong chính sử triều Nguyễn và các tài liệu sử học khác. Theo Đinh Xuân Lâm, “Trương Định (1820 – 1864) sinh tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) là con của Trương Cầm, một võ quan triều Nguyễn. Lớn lên, ông theo gia đình vào lập nghiệp ở Tân An. Ông là người rất thông minh, cương nghị, thông binh thư và giỏi võ nghệ. Vì có công chiêu mộ dân khai hoang lập ấp nên được triều đình cử làm Phó Quản cơ đồn điền (Quản Định)”.

Năm 1859, giặc Pháp đánh vào Gia Định, Trương Định đã đưa đội quân gồm những nông dân đồn điền ra mặt trận. Nhiều trận quân địch bị thua, từ đó nhân dân rất mến phục, tin cậy và theo ông rất đông. Năm 1861, ông đóng đại đồn ở Tân Hòa, Gò Công. Thanh thế và lực lượng của nghĩa quân rất mạnh. Được giúp sức về tổ chức và chỉ huy binh lực cùng sự bày mưu, hiến kế của các sĩ phu yêu nước như: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Hồ Huân Nghiệp, Võ Duy Dương, Phan Văn Đạt,… ông như hổ thêm cánh, ra lệnh cho nghĩa quân tập kích bất ngờ vào nơi đóng quân của giặc Pháp gây cho chúng nhiều thiệt hại nặng nề và lắm phen khốn đốn.

Vào năm 1862, triều đình Huế đầu hàng Pháp. Vua quan nhà Nguyễn đã sai Phan Thanh Giản đến bắt ông phải giải binh và buộc ông đi nhậm chức ở nơi khác. Lúc đầu ông định tuân lệnh, nhưng nhân dân và nghĩa quân đã giữ ông lại. Họ kéo ra đứng trước ngựa của ông và nhất trí suy tôn ông là “Bình Tây Đại Nguyên Soái”. Ông đã vui vẻ nhận chức do nhân dân phong tặng, nhận trách nhiệm nhân dân giao phó, quyết tâm lãnh đạo nghĩa quân vùng Gò Công kháng Pháp đến cùng. Phan Thanh Giản đã phải bốn lần làm trung gian đưa thư của Pháp dụ Trương Định ra hàng nhưng đều bị ông cự tuyệt. Mặc cho triều đình nhà Nguyễn cách chức, bọn địch tìm mọi cách mưu hại, ông vẫn không nao núng và kiên tâm cùng nghĩa quân kháng Pháp đến cùng.

Tháng 2 năm 1863, địch tổng công kích đại bản doanh của Trương Định ở Gò Công. Cuộc chiến đấu đã diễn ra vô cùng ác liệt trong ba ngày liền. Hai phó tướng của ông là Đặng Kim Chung và Lưu Bảo Đường đều tử trận. Nghĩa quân thế yếu phải rút về Phước Lộc, dựa vào khu rừng Sát để tiếp tục chống giặc.

Ngày 20/8/1864, tên Việt gian đầu hàng Pháp là Huỳnh Công Tấn (Đội Tấn) bí mật đưa quân địch vào vây bắt ông tại “Đám lá tối trời”. Sau một trận chiến đấu rất anh dũng, ông bị trọng thương; quyết không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tự sát. Nhân dân, nghĩa quân, sĩ phu tất cả các nơi đều tiếc thương và coi ông là một vị anh hùng trong sự nghiệp chống Pháp xâm lược thời kỳ đầu. Trong sách Sài Gòn xưa - Ấn tượng 300 năm của nhà văn Sơn Nam có đoạn viết: “Yêu nước đậm đà, khẳng khái trước nghĩa lớn, đứng hàng đầu trong phong trào kháng Pháp ở Nam Kỳ vẫn là Trương Định”.

Hằng năm từ ngày 19 đến 20 tháng 8 dương lịch, lễ tưởng niệm anh hùng dân tộc Trương Định được tổ chức tại đền thờ Trương Ðịnh (tại thị xã Gò Công), đình Gia Thuận (huyện Gò Công Ðông) và các nơi có đền thờ ông. Riêng ở thị xã Gò Công, có thêm lễ rước linh và dâng hoa tại tượng đài anh hùng dân tộc Trương Ðịnh với nhiều nghi lễ truyền thống thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến thăm viếng.  

 

Cúng Trương Định tại nhà vào ngày 20/8 hằng năm. Ảnh: Tác giả chụp tại nhà ông Phan Văn Sâm tại xã Gia Thuận, năm 2012 

Đặc biệt, người dân vùng Gò Công, từ sau cái chết của ông đã lập bàn thờ Trương Định trong nhà và thờ cúng như người thân của mình. Tục lệ này lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đến nay, chưa ai làm công tác kiểm kê xem có bao nhiêu hộ gia đình lập bàn thờ Trương Đinh, tuy nhiên, cứ vào ngày 20/8 dương lịch, những gia đình này cũng sắm sửa, bày biện hương án, lễ vật cúng ông như cúng tổ tiên của dòng họ mình. Đây chính là nét riêng đặc thù thờ Trương Định dưới dạng thờ nhân thần của người Việt ở Tiền Giang.

3.2. Nơi thờ tự

Lăng mộ và đền thờ Trương Định tọa lạc tại đường Phan Đình Phùng, khu phố 1, phường 1, thị xã Gò Công ngày nay. Năm 1864, khi ông tuẫn tiết, bà Trần Thị Sanh (vợ thứ Trương Định) nhận thi hài của ông mang về an táng rất trọng thể. Lúc này thi hài của ông thiếu đầu do giặc Pháp đem bêu ở chợ, bà Trần Thị Sanh đã cho người mang số tiền tương đương với 10.000 giạ lúa [1] đưa cho bọn giặc để xin chuộc đầu ông về làm lễ an táng. Mộ Trương Định được làm bằng hồ ô dước và trên bia đá có khắc mấy chữ: Đại Nam - An Hà Lãnh Binh Kiêm Bình Tây Đại Tướng Quân Trương Công Húy Định Chi Mộ. Nhà cầm quyền Pháp bắt đục bỏ hàng chữ Bình Tây Đại Tướng Quân và phạt bà Trần Thị Sanh 10.000 quan tiền về tội lập bia mộ trái phép.

Năm 1874, bà Sanh làm đơn xin tu sửa mộ cho chồng. Lần này mộ được xây bằng đá hoa cương, có ba bức hoành phi và sáu trụ đá ghi lại thân thế và sự nghiệp của ông. Một lần nữa, các hoành phi và trụ đá bị Pháp ra lệnh đục bỏ... Trải qua nhiều năm Pháp thuộc, mộ Trương Định trở thành hoang phế. Sau có bà Huỳnh Thị Điệu, còn gọi là bà Đốc Phủ Hải, cho sửa chữa lại. Năm 1956, mộ lại được sửa sang lần nữa. Từ năm 1972 đến năm 1973, xây thêm đền thờ Trương Định do ông Cung Tất Mai làm Trưởng Ban dựa theo bản vẽ của kỹ sư Nguyễn Ngọc Thiệt. Đền thờ được xây dựng theo lối kiến trúc phương Đông vừa cổ kính, vừa tân thời với các án thờ, khuôn biển chạm trổ sơn son thiếp vàng.

Ngày 18 tháng 7 năm 1973 âm lịch, lễ khánh thành Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định diễn ra rất trọng thể và trang nghiêm. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gò Công đã đầu tư kinh phí để đầu tư, tôn tạo di tích. Lăng mộ và đền thờ Trương Định đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia ngày 6/12/1989.

3.3. Giá trị của lễ hội

Lễ tưởng niệm anh hùng dân tộc Trương Định trở thành lễ hội lớn tại thị xã Gò Công, được tổ chức hằng năm với mục đích và ý nghĩa ghi nhớ công lao của ông đối với quê hương đất nước, ôn lại thân thế, sự nghiệp của vị anh hùng dân tộc đối với xứ Gò Công trong kháng chiến chống thực dân Pháp nói riêng và vùng đất Nam Bộ nói chung, thể hiện truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, luôn mang trong tâm thức “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, đạo lý bất diệt của người Việt Nam.

Ngày lễ tưởng niệm vị anh hùng dân tộc Trương Định còn là ngày dạy bài học lịch sử trực quan nhất mà không cần có người thầy đứng lớp. Bản thân nó đã chuyển tải đến các thế hệ hôm nay và mai sau về lòng tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam mà Trương Định là một trong những tấm gương tiêu biểu, cụ thể nhất, sinh động nhất. Từ đó, các thế hệ trẻ hôm nay kính cẩn đứng trước tượng đài của ông để tưởng niệm tinh thần bất khuất, quật cường, hết lòng vì Tổ quốc thân yêu và sẵn sàng dùng cái chết để tỏ lòng yêu nước của Trương Định. Sự hy sinh cao quý của ông nói riêng và của các bậc anh hùng, chiến sĩ nói chung trong các cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta mang một ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, giáo dục lịch sử và tinh thần dân tộc cho các thế hệ trẻ. Đồng thời, chính những hy sinh anh dũng đó đã tạo một nền tảng ý thức cho thế hệ hôm nay và mai sau có sự suy ngẫm về bản thân trước vận mệnh của quốc gia - dân tộc trong thời đại mới, cần phải làm gì để không hổ thẹn với các bậc ông cha ngày trước.

 

4. Những định hướng cho tương lai

Cần đầu tư, phát triển giao thông, kết cấu hạ tầng cơ sở, xây dựng các dịch vụ phục vụ du lịch lễ hội với chất lượng cao. Huy động mọi nguồn vốn đầu tư cho lễ hội từ chi phí nghiên cứu, chi phí quản lý và đào tạo, chi phí quảng bá cho đến chi phí chương trình sân khấu hóa lễ hội, phục trang…;

Phối hợp du lịch lễ hội với du lịch sinh thái tại tỉnh Tiền Giang, phát triển lễ hội truyền thống trên nền tảng phát triển du lịch bền vững và phát triển du lịch cộng đồng nhằm tạo lợi ích về kinh tế - xã hội, gắn liền với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh”;

Phục hồi, trùng tu các di tích lịch sử - văn hóa; nâng cấp các điểm du lịch, khu du lịch, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hiện có tại “xứ Gò” để đa dạng sản phẩm du lịch văn hóa như: Hò cấy Gò Công, nhà cổ Gò Công, làng nghề đóng tủ thờ Gò Công, lễ hội kỳ yên ở Gò Công Tây, lễ hội Nghinh Ông ở Vàm Láng, khu du lịch biển Tân Thành (Gò Công Đông), v.v.

Cần có sự liên kết ba nhà: “Nhà nước – Nhà dân – Nhà du lịch”. Trong đó nâng cao vai trò quản lý và chỉ đạo của chính quyền Nhà nước các cấp ở Tiền Giang về lĩnh vực văn hóa và du lịch, giúp Nhà dân nhận thức được tầm quan trọng của mình trong hoạt động du lịch văn hóa và tạo điều kiện tốt cho Nhà du lịch thực hiện nhiệm vụ phát triển lễ hội gắn liền với hoạt động du lịch trên tinh thần của quyết định số: 15/2012/QĐ-UBND Ban hành Quy chế về quản lý du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;

Nâng cao trình độ kiến thức và nghiệp vụ chuyên môn cho lực lượng hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm nơi có lễ hội truyền thống và các điểm tham quan di tích lịch sử - văn hóa. Trong đó, nắm vững kiến thức về văn hóa, du lịch và chuẩn hóa trình độ giao tiếp ngoại ngữ là điều kiện tiên quyết và bắt buộc;

Đầu tư, xây dựng trường Trung cấp Nghề, trường Cao đẳng Nghề Du lịch ở địa phương với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trong và ngoài tỉnh về các chuyên ngành: Quản lý văn hóa, Quản lý du lịch, Hướng dẫn viên, Thuyết minh viên tại điểm.

 

Kết luận

Trong bối cảnh giao lưu và hội nhập văn hóa, những lễ hội truyền thống được tổ chức với quy mô lớn, đặc sắc là một trong những phương thức hiệu quả để quảng bá du lịch lễ hội tại Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Nếu như có sự kết hợp du lịch văn hóa lễ hội với các loại hình du lịch khác một cách hợp lý sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn của chương trình du lịch cho du khách tại Gò Công nói riêng và cả nước nói chung.

Du lịch chính là phương tiện truyền thông hữu hiệu để bảo tồn, phát huy và chuyển giao các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự kết hợp lễ hội truyền thống và du lịch là việc làm đúng, hợp lý và khả thi. Tuy nhiên, sự kết hợp đó cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm túc cả chiều rộng lẫn chiều sâu, cần có sự phối hợp liên ngành vì mục tiêu phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc./.

 

Tài liệu tham khảo

1.        Bộ VHTTDL (2011), Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

2.        Trần Hoàng Diệu, Nguyễn Quang Ân (chủ biên) (2007), Địa chí Tiền Giang, tập 2, Ban tuyên giáo Tỉnh Ủy Tiền Giang và Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và Văn hóa Việt Nam, Tiền Giang

3.        Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh (chủ biên) (2006), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục

4.        Lê Ái Siêm (2001), Tiền Giang, những di tích nổi tiếng, Sở Thương mại - Du lịch và Sở Văn hóa - Thông tin Tiền Giang

5.        Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang (2011), Quy hoạch Phát triển Du lịch tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2025

6.        Huỳnh Quốc Thắng (2007), Khai thác lễ hội và các sự kiện góp phần phát triển du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ

7.        UBND tỉnh Tiền Giang (2012), Quyết định số 15/2012/QĐ-UBND Ban hành Quy chế về quản lý du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

 

THE COMMEMORATIVE FESTIVAL OF NATIONAL HERO TRUONG DINH

IN GO CONG TOWN, TIEN GIANG PROVINCE, FROM THE TOURISM VIEW

Abstract

            Thanks to special attention and support from the Communist Party and the government, Vietnamese tourism is promoting its potential and improving itself. The culture-based operation of traditional festivals is an effective way to increase and diversify tourism products. The commemorative festival of National Hero Truong Dinh in Go Cong Town can be associated with tourism activities. This new operation of the festival is a practical strategy of Go Cong, as well as the whole province of Tien Giang, on the way to cultural integration and economic exchange nowadays.



[1] Một giạ lúa thời ấy có thể tích bằng 40 lít