Từ Văn hành tiểu dẫn bàn về quan điểm soạn sách của Trương Vĩnh Ký

In bài này

1. Trương Vĩnh Ký là một nhà bác học uyên thâm tri thức đông tây. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm mà đến nay chúng vẫn còn nguyên giá trị. Tác phẩm của Trương Vĩnh Ký “Không những phong phú về số lượng, mà còn có một chất lượng khoa học đáng kể, không những đề cập tới những vấn đề thuộc các bộ môn khác nhau của khoa học xã hội, mà còn đề cập tới những bộ môn khác nhau của khoa học tự nhiên nữa” [21;2].

Tác phẩm của Trương Vĩnh Ký phong phú trên nhiều phương diện và đặc biệt nổi bậc trong “Khai thác vốn cổ của phương đông hơn là phương tây. Từ các tác phẩm dịch thuật, các sách chữ Hán như Tứ thư, minh tâm bửu giám… đến các tác phẩm phiên ra chữ quốc ngữ từ những bản cổ văn Việt Nam như truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Phan Trần…đến cả các sáng tác như Kiếp phong trần, Phép lịch sử của người An Nam… người ta đều thấy rõ rệt khuynh hướng đó” [33;1].

Trương Vĩnh Ký còn được đánh giá có công truyền bá chữ quốc ngữ giai đoạn đầu thông qua các tác phẩm của mình, nhất là các tác phẩm kinh điển Hán Nôm được phiên ra quốc ngữ. “Sự chuẩn bị và những khởi động đầu tiên cho công việc này đã được tiến hành từ nửa sau thế kỷ XIX, chữ quốc ngữ có điều kiện và cần được phổ cập sớm hơn. Và người có công đầu tiên trên lĩnh vực này là Trương Vĩnh Ký, nhà bác học biết rất nhiều ngoại ngữ nhưng vẫn dành phần tâm huyết cho công việc phiên âm các văn bản văn chương cổ điển và biên soạn văn học dân gian bằng quốc ngữ” [11;4].

Đó là những nhận định xác đáng về tác phẩm của Trương Vĩnh Ký, nhất là trên lĩnh vực văn học. Nhưng không phải không có những lời chê trách như “Trương không đem tài học của mình để “kinh bang”, để “cứu nước”, Trương lại cam tâm làm tay sai cho giặc Pháp. Cái học vấn của Trương càng uyên bác bao nhiêu thì cái tác hại của Trương đã làm càng lớn bấy nhiêu. Trương đã làm công việc tuyên truyền có lợi cho giặc Pháp rất nhiều” [45;6]. Và “Kể đến phần đóng góp của Trương Vĩnh Ký vào văn học nước nhà, chúng ta không bỏ qua, nhưng cũng không đánh giá cao, coi như là phong phú lắm hay quý lắm. Vì loại trừ tính tư tưởng phản động và hữu lậu ra, nó còn lại những gì? Có chăng là một số tài liệu tham khảo vào việc nghiên cứu” [31;5].

Những nhận định về tác phẩm của Trương Vĩnh Ký, tùy từng người, từng giai đoạn mà có những quan điểm đánh giá khác nhau. Ở đây chúng tôi không bàn đến nó. Điều chúng tôi muốn nói là tác phẩm của Trương Vĩnh Ký là một công trình đồ sộ có vai trò nhất định, cần được nhìn nhận và nghiên cứu. Theo các công trình biên khảo về Trương Vĩnh Ký trước đây thì có khoảng 100 tác phẩm, cả được xuất bản hoặc ở dạng bản thảo. Đó chưa kể các thư từ, công văn trong suốt thời gian hoạt động của Trương Vĩnh Ký mà các thư viện khắp nơi hiện nay còn lưu giữ được. Nhìn chung các tác phẩm ấy có thể nói là truyền bá chữ quốc ngữ, vì chúng được viết ra để phục vụ cho nhu cầu đọc hiểu tác phẩm, hiểu biết văn hóa, lịch sử, địa lý… bằng chữ quốc ngữ. Bên cạnh đó, nó còn là những quyển sách mang tính giáo dục sâu sắc, cả giáo dục đạo đức lẫn bồi dưỡng kiến thức văn hóa, và nhất là chữ quốc ngữ mà Trương Vĩnh Ký là người có công đầu, như các quyển: Tiểu giáo trình địa lý Nam kỳ (1875), Sơ học vấn tân (1877), Đại học (1877), Sách tập nói chuyện tiếng An Nam và tiếng Phang sa (1882), Phép lịch sự của người An Nam (1883), Huấn mông khúc ca (1884), Sơ học vấn tân quốc ngữ diễn ca (1884), Tam thiên tự giải âm (1887), Tứ thư (1889), Minh tâm bửu giám (1893), Lục Vân Tiên (1897), Kim Vân Kiều Truyện (1898)…Trừ các quyển có tính chất như giáo trình, còn lại hầu hết là sách phiên dịch từ chữ Hán ra quốc ngữ.

2. Khảo qua các tác phẩm của Trương Vĩnh Ký, một vấn đề đặt ra: Ông là một nhà Hán học uyên thâm thì có thể có trước tác bằng chữ Hán hay không, vì rõ ràng trong thời đại Trương Vĩnh Ký sống, chữ Hán vẫn được dùng phổ biến. Chế độ thi cử, tuyển chọn quan lại vẫn được tiến hành bằng chữ Hán. Là một nhà văn hóa - giáo dục tiên phong trong buổi giao thời chắc chắn ông không chỉ phục vụ “một chiều” cho tân học. Và quả đúng như vậy, tại thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm hiện nay còn tồn giữ 5 tác phẩm bằng chữ Hán của Trương Vĩnh Ký. Trong đó có quyển Văn hành lược thuật rất đáng được quan tâm nghiên cứu. Trong bài viết có giới hạn của mình, chúng tôi chỉ giới thiệu phần tiểu dẫn để tìm hiểu mục đích Trương Vĩnh Ký biên soạn sách này. Thông qua đó là tìm hiểu cách biên soạn một đầu sách của ông như thế nào.

3. Sách Văn hành lược thuật soạn năm Tân Mão (1889), dày 55 trang chép tay, mỗi trang có 8 dòng, mỗi dòng trên dưới 20 chữ. Sách gồm một tiểu dẫn, một đề mục cách thức và các bài văn mẫu được lấy trong sử sách của Trung Quốc và Việt Nam. Đây là quyển sách tập hợp các thể loại văn học dùng trong thi cử thời xưa. Phần đề mục cách thức là nói tổng quát về cách làm từng thể loại, ở mỗi thể loại có vài bài văn mẫu tương ứng để người học tham khảo. Như vậy sách này có thể xem như một “đề cương ôn tập” cho các sĩ tử trước khi dự thi Hán học. Riêng phần biên tuyển các thể loại vào tập sách này cũng là một công tác văn hiến có giá trị. Sách gồm 9 thể loại dùng trong thi cử qua các giai đoạn (chiếu, chế, dụ, biểu, luận, kinh nghĩa, văn sách, thơ, phú) được biên soạn, sắp xếp rất công phu, khoa học.

Phần tiểu dẫn sách nói rất rõ mục đích làm sách và hầu như “sách nào của Trương Vĩnh Ký cũng đều có lời tựa hoặc lời dẫn là lời khuyên học” [100;8]. Đây là một việc làm rất đáng trân trọng, thể hiện tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học và cầu tiến của Trương Vĩnh Ký. Lời dẫn sách của ông không chỉ nói rõ tác dụng của sách, mục đích làm sách, mà còn khuyên mọi người chăm chỉ học hành, học để làm người, học để làm việc, học để có văn hóa. Trong lời tựa một sách dạy chữ Hán ông viết: “Sự học đời nay tủa ra nhiều tua, nhiều nhánh, không phải là học chữ một mình là thôi, cái chi cũng học cho trí tri cách vật mới nên người thành thục lịch sự”. Và trong Tiểu dẫn Đại học đoan ca ông viết:

“Người đời chăm việc chi đầu,

Việc chi có học mới hầu đặng nên.

Nhất là học đạo thánh hiền

Nên người vả lại nghề trên mọi bề.

Có văn có chất nhiều bề

Nước nhà mọi lẽ nào hề ở đâu.

Vậy nên nghề học phải cầu

Cầu chăng ở sách mới hầu làm xong.

Bực nào cũng phải học thay

Lấy mình làm gốc nước hay trăm lành.

Ba điều can lãnh ở mình

Minh tâm chí thiện là tình người ta”

Đó gần như là “tôn chỉ” khi soạn sách của Trương Vĩnh Ký. Và lời tiểu dẫn cho sách Văn hành lược thuật cũng thế. Cũng nhấn mạnh đạo học là đạo quan trọng nhất, học để làm người, để làm quan và để cống hiến. Dưới đây xin nêu nguyên văn và lời dịch để tham khảo.

      文行小引

夫文行公器也,科舉坦途也。我國文治大興一意文章取士。故人皆家門素講以行拜獻。先資設有科名,歷朝相沿罔替其間。曾有更改体格不外于文理枰衡。亦不失蜚聲仕路,真可謂士子梯階也。暨夫李運戈甲紛穰,至學回無琢磨自文章堙晦。故人事隨以變更亦時乎一機會也。雖然教化正俗不可無學,而明倫達德亦不可無學。是學正為人之本也。至若科甲乃朝廷用人將以為佐理正事之責。故未有無學術而能得預選。乎此所以鄉會課核題目等規式場務用作中格也。玆敢列陳從來題顏格式是為監觀,庶不負古法今人,並國家教育作人之至意也。謹此小引。

Phiên âm:  Văn hành tiểu dẫn

Phù văn hành (1) công khí dã, khoa cử thản đồ dã. Ngã quốc văn trị đại hưng, nhất ý văn chương thủ sỹ. Cố nhân giai gia môn tố giảng dĩ hành bái hiến. Tiên tư thiết hữu khoa danh, lịch triều tương duyên võng thế kỳ gian. Tằng hữu cánh cải thế cách, bất ngoại vu văn lí xứng hành. Diệc bất thất phỉ thanh sỹ lộ, chân khả vị sỹ tử thê giai dã. Kỵ phù Lý vận qua giáp phân nhương, trí học hồi vô ma trác tự văn chương nhân hối. Cố nhân sự kỳ dĩ biến cánh diệc thời hồ nhất cơ hội dã. Tuy nhiên giáo hóa chính tục bất khả vô học, nhi minh luân đạt đức diệc bất khả vô học. Thị học chính vi nhân chi bản dã. Chí nhược khoa giáp (2) nãi triều đình dụng nhân tương dĩ vi tá lý, chính sự chi trách. Cố vị hữu vô học thuật nhi năng đắc dự tuyển. Hồ thử sở vi hương hội khóa hạch đề mục đẳng quy thức, trường vụ dụng tác trúng cách dã. Tư cảm liệt Trần tòng lai đề nhan các thức thị vi giám quan, thứ bất phụ cổ pháp kim nhân, tịnh quốc gia giáo dục tác nhân chi chí ý dã. Cẩn thử tiểu dẫn.

  Tạm dịch:  Văn hành tiểu dẫn.

Ôi văn hành là công cụ của đường khoa cử. Nước ta nền văn trị hưng thịnh, luôn dùng văn chương để thu nạp kẻ sỹ. Cho nên mọi người đều mong giảng rõ để làm theo. Trước đem tài học của mình sắp đặt khoa danh, trải các triều đều noi theo quy củ ấy. Cũng từng thay đổi thể thức nhưng không vượt ra ngoài cái ý nghĩa văn chương và phê bình về nó. Cũng không làm mất tiếng tốt của con đường làm quan, có thể nói đó đúng là bậc thang cho kẻ sĩ bước lên. Như khi nhà Lý chiến tranh liên miên đến nỗi việc học không được giũa mài, văn chương mờ mịt. Cho nên việc nhân sự tùy cơ ứng biến theo thời vậy. Tuy nhiên việc giáo hóa chính tục không thể không học, và để hiểu rõ luân lý đỉnh đạc đạo đức cũng không thể không học. Việc học là cái gốc làm người vậy. Đến như việc khoa giáp và việc triều đình dùng người giúp đỡ triều chính cũng chưa từng có việc không có học mà được dự tuyển. Việc đó là do xét hạch ở địa phương theo quy tắc trường thi để lấy người trúng cách. Dám xin kê bài các nhan đề, cách thức từ đời Trần đến nay để xem xét, cũng chẳng phụ phép xưa người nay và việc giáo dục của quốc gia làm cho con người được sáng sủa. Kính cẩn làm tiểu dẫn này.

Chú thích: (1) Văn hành: văn là văn chương, hành là cân nặng nhẹ. Văn hành là nói về quyền hành lấy hoặc bỏ người dự thi văn chương. Vì thế mà gọi văn hành là văn chương thi cử. Ta có từ chưởng văn hành tức là quan giám khảo. Văn hành còn có nghĩa là phê bình, bình phẩm văn chương nói chung. (2) Khoa giáp: Thời Hán Đường chia kẻ sỹ dự thi thành khoa giáp và khoa ất. Sách Hán thư nói rằng thời Hán Tuyên Đế cho người đỗ khoa giáp làm Lang; thời Hán Bình Đế có kỳ thi Bác sỹ đệ tử, cho người đỗ khoa giáp làm Lang trung, cho người đỗ khoa ất làm Thái tử xá nhân. Những người đỗ khoa giáp hay khoa ất đều được bổ làm quan chưởng quản về văn hoc. Chế độ thi tiến sỹ thời Đường có khoa giáp và khoa ất, nhưng thực tế lại rất ít tổ chức khoa ất. Cho nên đời sau gọi thi cử là khoa giáp, những người trải qua thi cử thì gọi là khoa giáp xuất thân.

Qua lời tiểu dẫn trên và các đoạn tiểu dẫn khác ta thấy Trương Vĩnh Ký đúng là rất chuộng chữ Hán và nền văn hóa Hán học. Mặc dù cổ xúy cho chữ quốc ngữ mới hình thành nhưng nó luôn được nuôi dưỡng bằng tinh thần đạo đức phương đông. Và trãi khắp các tác phẩm của ông đã nói lên điều đó. Vì sao sách vở ông thấm nhuần tư tưởng đó? Trong một tư liệu chép tay của mình ông bộc bạch: “Mục đích của các triết gia sáng lập ra nho học là mục đích chính trị xã hội, đề ra nguyên tắc bền vững để dìu dắt con người trong những mối quan hệ của họ với đời, với gia đình và với cuộc sống xã hội”. Tác phẩm của ông rõ ràng là phục vụ cho mục đích ấy chứ không chỉ là truyền bá chữ quốc ngữ đơn thuần. Vì vậy cho nên lúc Trương Vĩnh Ký mất, các học trò làm văn tế khóc ông có câu:

“Việc chữ nghĩa nhọc lòng biên đặt, lắm thủa công phu.

Dạy học hành ra sức vun trồng, nhiều lời khuyên dỗ”.

“Song cú” ấy đã nói rất đúng về Trương Vĩnh Ký.

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:#0400; mso-fareast-language:#0400; mso-bidi-language:#0400;}

Tạ Đức Tú

Bộ môn Ngữ văn - Khoa Sư phạm

Trường Đại học Càn Thơ

  Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Khắc Đạm - Cần nhận rõ chân tướng Trương Vĩnh Ký để đánh giá cho đúng. Tạp chí nghiên cứu lịch sử (TC NCLS) số 59 -1964.

2. Mai Hạnh - Tìm hiểu thực chất vấn đề Trương Vĩnh Ký trong lịch sử Việt Nam. TC NCLS số 58 -1964

3. Trương Vĩnh Lý - Văn hành lược thuật. Sách Hán Nôm 1989.

4. Phong Lê - Chữ viết và yêu cầu xây dựng một nền quốc văn mới ở Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XX. TC NC Hán Nôm số 5 - 2004.

5. Trần Huy Liệu - Nhận định về Trương Vĩnh Ký. TC NCLS số 63 -1964

6.Mẫn Quốc - Trương Vĩnh Ký, một nhà bác học trứ danh đã ngang nhiên đóng vai trò đặc vụ tình báo, làm tay sai đắc lực cho giặc Pháp. TC NCLS số 60-1964

7. Lê Thanh - Trương Vĩnh Ký biên khảo. Tân văn xuất bản phát hành.

8. Nguyễn Văn Trấn- Trương Vĩnh Ký- Con người và sự thật. Ban Khoa học xã hội, Thành ủy TP Hồ Chí Minh, 1993.