Một số phương thức thư tịch cổ Việt Nam truyền vào Trung Quốc

In bài này

              Điểm qua lịch sử thư tịch Hán Nôm Việt Nam cho thấy sách vở nước ta nhiều lần bị mất mát hủy diệt, cụ thể như từ năm 1258 đến năm 1288, quân Nguyên Mông Cổ nhiều lần tấn công An Nam, khiến sách vở nước ta không thoát khỏi nạn kiếp bị hủy hoại, bốn bộ Đại Tạng KinhĐạo Đức Kinh thỉnh từ Bắc Tống về đều bị lửa thiêu rụi. Đến năm 1371, Trần Nghệ Tông Thiệu Khánh năm thứ hai (1371), quân Chiêm Thành tấn công thành Thăng Long, bắt người cướp của, hủy hoại cung điện và sách vở. Năm 1516, Hồng Thuận thứ tám, Lê Tương Dực chơi bời trụy lạc, xa xỉ, bỏ bê chính sự, nhân dân đói khổ dẫn đến nổi loạn vào cấm thành lấy đi vàng bạc, gấm vóc, ném sách vở ra đầy đường. Trong khoảng thời gian quân Minh chiếm đóng Việt Nam từ 1414 – 1427 đã thực hiện nghiêm lệnh hủy hoại thư tịch và gom về Trung Quốc. Sau này, khi quân Pháp rút khỏi Hà Nội và trong thời gian Nhật chiếm đóng Việt Nam, không ít sách vở của ta cũng bị họ lấy đi. Đó là lý do khiến cho thư tịch cổ Việt Nam bị tàn khuyết. Tuy nhiên, ngoài lý do chiến tranh, loạn lạc, sách vở nước ta còn lưu truyền đến các nước lân cận, cụ thể là Trung Quốc thông qua con đường chính thống như sứ thần tiến cống, giao lưu văn hóa, mua bán trao đổi, tặng phẩm…

Ở Việt Nam, chưa có nhiều bài viết đề cập đến hiện trạng thư tịch Hán Nôm Việt Nam cũng như con đường lưu truyền của số lượng thư tịch này đến Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Trần Lê Sáng đã từng nói “Trước đây có người đã nghĩ đến việc phải đi sưu tầm tư liệu văn học cổ nước ta trên đất Trung Quốc. Điều đó không phải không có cơ sở. Song theo chúng tôi biết, số tư liệu văn học cổ nước ta ở Trung Quốc, nay phần lớn nằm trong các sách do người Trung Quốc viết, còn những sách của nước ta nay còn biết được qua những tên sách ghi trong bộ An Nam Chí Lược của Lê Trắc (viết ở Trung Quốc, là bộ sách cổ trước đời Lê duy nhất còn lại ở Trung Quốc), ngoài ra chẳng tìm thấy sách nào[i].

Còn tại Trung Quốc, Nghiêm Văn Úc trong Trung Quốc Thư Tịch Giản Sử [ii] cho rằng “Bởi vì khí hậu Việt Nam nắng nóng và ẩm thấp, các văn bản rất dễ bị hư hỏng. Đa số sách vở in ấn và các bản gỗ đều bị hư hại, do đó sách vở Việt Nam truyền đến Trung Quốc số lượng không nhiều”.  Năm 2001, Trương Tú Dân [iii] tiên sinh đã khái quát tổng kết hiện trạng Hán văn Việt Nam tại Trung Quốc trong quyển Trung Quốc Đông Nam Á Nghiên Cứu Hội Thông Tin 中国东南亚研究会通讯. Đến năm 2002, nhà nghiên cứu Hà Thiên Niên [iv] trong bài viết Trung Quốc Lịch Đại Hữu Quan Việt Nam Cổ Tịch Khảo Thuật中国历代有关越南古籍考述đăng trên tạp chí Khoa học Xã hội của Đại học Sư Phạm Tây Nam Trung Quốc, số 6, cũng đề cập đến tình hình thư tịch cổ Việt Nam đang lưu giữ tại Trung Quốc và nước ngoài. Tháng 4-2003, ông viết về Việt Nam Truyền Nhập Cổ Tịch Lược Khảo 越南传入古籍略考trên tạp chí Văn Hiến số 2. Năm 2006, nhà nghiên cứu Lưu Ngọc Quân [v] có bài viết Việt Nam Cổ Tịch Mục Lục Khái Lược 越南目录概略, trên tạp chí Văn Hiến, kỳ 4. Đến năm 2007, ông xuất bản quyển Việt Nam Hán Nôm Cổ Tịch Đích Văn Hiến Học Nghiên Cứu [vi] 越南汉喃古籍的文獻學研究, sách nghiên cứu về mối quan hệ giao lưu ảnh hưởng giữa thư tịch Hán Nôm Việt Nam, liệt kê số lượng thư tịch Hán Nôm Việt Nam đang lưu giữ tại các thư viện tại Trung Quốc, cùng phân tích khá chi tiết con đường thư tịch Hán Nôm cổ Việt Nam truyền vào Trung Quốc.

1.                   Đề cập đến con đường để thư tịch Việt Nam truyền vào Trung Quốc, đầu tiên phải kể đến chủ đích của triều đình phong kiến Trung Quốc muốn thu gom sách vở nước ta. Lý Văn Phượng đời Minh trong quyển 5 Việt Kiệu Thư  [vii] có ghi: “Mùa xuân tháng 2, năm thứ hai niên hiệu Trung Thống đời Nguyên Thế Tổ (1261), Mạnh Giáp từ An Nam quay về, Trần Quang Bính sai người trong tộc là Thông thị đại phu Trần Phụng Công, Viên ngoai lang Chư Vệ, Kì ban Nguyễn Sâm, Viên ngoại lang Trần Diễn yết kiến ông để dâng sách”. Nhưng Nguyên Sử và sử Việt Nam đều không thấy ghi lại sự kiện này [viii].

Tân Nguyên Sử-Thế Tổ Bản Kỷ cho biết vào năm 1284 “Ngạc Châu Đạt Lỗ Hoa Xích, Triệu Trứ Tề Tỉ có biên thư dụ nước An Nam, sưu thập tài liệu trong thiên hạ về cất riêng như “Thiên Văn Đồ Sấm, Thái Ất Lôi Công Thí, Thất Diệu Lịch, Thôi Bối Đồ, Miêu Thái Giám Lịch, thu giữ sách vở và đem cất giữ là có tội[ix]. Nhưng đây chỉ là hành vi đơn thuần của triều đình, không phải là lệnh thu thập tài liệu học thuật. Sử Việt Nam có đề cập đến việc nhà Minh từng sai người qua Việt Nam thu thập tư liệu. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi: “Mùa thu tháng bảy năm Mậu Tuất 1418, nhà Minh sai hành nhân Hạ Thanh, tiến sĩ Hạ Thì qua thâu lấy các loại sách vở ghi chép sự tích xưa nay của nước ta[x]. Trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục có chép vào năm 1419, hai năm sau khi vua Lê bình định đất nước: “Phàm tất cả sách vở ghi lại sự tích của ta từ thời Trần trở về trước đều bị thu thập đem về Kim Lăng[xi]. Nhưng mục lục in trong Văn Uyên Các Thư Mục đời Minh chỉ có một bộ 3 quyển Đại Việt Sử Lược, chưa thấy các sách khác. Đây chính là điểm để học giả Hà Thiên Niên đặt nghi vấn: có chăng chuyện sách vở nước ta bị thu thập đem về Kim Lăng [xii]. Nhưng ông không phủ nhận việc các sứ giả hoặc người Trung Quốc khi qua Việt Nam thường ghi lại những điều mắt thấy tai nghe về phong tục, tập quán, cảnh vật, thơ phú ca ngâm của nước Việt [xiii] để đem về nước.

2.                  Ngoài lệnh thu thập tài liệu của triều đình Trung Quốc là một yếu tố quan trọng để  sách vở nước ta hiện diện trên đất nước Trung Hoa rộng lớn thì phải kể đến vai trò của sứ thần Việt Nam. Họ là người không chỉ có nhiệm vụ đem các sách vở Trung Quốc về truyền bá trong nước mà còn đem các thư tịch Việt Nam qua giới thiệu với triều thần Trung Quốc. Thời phong kiến, các đoàn sứ giả ta vào một số dịp đặc biệt hoặc theo định kì lại lên đường sang Yên Kinh tiến cống nhằm giữ sự giao hảo, hòa hiếu với Trung Quốc. Cũng vào những dịp đó, sứ thần nước ta có dịp gặp gỡ sứ thần các nước, cùng quan viên, văn sĩ Trung Quốc. Bằng hình thức xướng họa thơ ca, họ giới thiệu văn hóa, trình độ học thuật của dân tộc mình và thông hiểu nhau hơn.

Đời Thanh, năm Đạo Quang thứ 29 (1849), Giả Trăn nhận nhiệm vụ tiếp sứ thần Việt Nam. Trong Tiếp Hộ Việt Nam Cống Sứ Nhật Ký của ông có ghi lại ngày 3, tháng 7 năm 1849, đoàn sứ thần Việt Nam là Mai Đức Thường “khi ra về có dâng tặng lễ vật, đồng thời đem các tập thơ của Tòng Quốc công Nguyễn Miên Thẩm nhờ ta góp ý[xiv]. Nguyễn Thuật [xv] trong Vãng Tân Nhật Ký cũng nhiều lần đề cập đến việc thi tập của ba người này nhiều lần được đem tặng các nho sĩ Trung Quốc như sau:

Tự Đức năm thứ 35, tháng chạp, ngày 15, dời đến nhà khách, cùng với các anh em nói chuyện xưa, lấy lễ phẩm (heo,  rượu, bánh nếp, cùng sách vở, các loại thuốc) tặng quan nhà Thanh.

Tự Đức năm thứ 36, tháng 1, ngày 20, sai người tặng sách (các tập thơ văn Thương Sơn, Vi Dã, Diệu Liên, Trương Quảng Khê)

Tự Đức năm thứ 37, tháng 3, ngày 21, lấy Vi Dã Thi Văn hợp Tập tặng Mai Tiểu Thụ.

Ngày 4 tháng 4, đem Vi Dã Thi Văn Hợp Tập tặng Chu Quan Sát [xvi].

Thỉnh Anh Nhật Ký của Đường Cảnh Tung đời Thanh có ghi lại việc Nguyễn Thuật tặng sách, ngày mùng 9 tháng 12 năm năm Quang Tự thứ 8,1882: “Nguyễn Thuật tặng nhục quế, đậu khấu, các bản in dập từ văn bia, tập thơ Diệu Liên, Vi Dã[xvii]. Hiện nay, thư viện quốc gia Trung Quốc, thư viện Phúc Đán đều có bản bản in năm Tự Đức Kỷ Hợi 1875.

Đồng Trị năm Tân Mùi 1871, Mã Tiên Đăng có viết việc tiếp sứ thần Việt Nam đến tiến cống trong Tái Tống Việt Nam Cống Sứ Nhật Ký. Chính vào dịp này, ông được đọc các sáng tác của Trương Đăng Quế, và ông đã trích Việt Sử Ứng Chế Thi đưa vào phần phụ lục trong nhật ký, đồng thời thuyết minh rằng: “Tự Đức năm thứ 10 (1875), Trực học sĩ Diễn Phương Trương Đăng Quế, khắc in bốn quyển Quảng Khê Thi Tập. Quyển đầu vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836) có hai bài tựa của Lương Khê Phan Thanh Giản và Thương Sơn Miên Thẩm. Trong quyển này có một bài ngũ ngôn cổ thể là Độc Việt Sử Ứng Chế. Đối với việc thay đổi triều đại của nước ấy, lời lẽ tường tận được trích lục ở cuối tập. Nhờ đó, ta có thể nghe được những điều trước đây chưa từng nghe, chưa từng biết”. Bài tựa của Hán Nam Xuân Liễu Từ như sau: “Mùa đông năm nay, sứ giả Việt Nam đi đến Vũ Xương, viên phó sứ là Vương Hữu Quang có đem tập thơ của đại thần nước ấy đến dâng tặng và nhờ ta sửa chữa. Ta do thời gian làm việc có hạn, chưa nhàn rỗi, xem lướt qua vài quyển rồi buộc lại mà trả cho ông ấy. Trong đó, Quốc công Miên Thẩm của Việt Nam và Phan Tĩnh, bút thơ tinh diệu, không thua người đời Đường[xviii]. Khảo sát về con đường lưu truyền này, có thể thấy thư tịch Việt Nam lưu truyền tại Trung Quốc có sự lan truyền rộng lớn tác phẩm của hoàng tử Miên Thẩm đời Nguyễn cùng em ông là Miên Trinh và đại thần Trương Đăng Quế. Tác phẩm của ba người được đem làm lễ vật tặng quan viên Trung Quốc cùng giới văn sĩ, là chất xúc tác cho mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa văn sĩ hai nước Trung-Việt.

Khi đề cập đến các sáng tác và sức lan truyền các tác phẩm của Miên Thẩm ở Trung Quốc, học giả Lưu Ngọc Quân có nhắc đến trường hợp Cổ Duệ Từ. Đây là một từ tập của Việt Nam, hiện nay trong nước chưa tìm thấy nhưng đang được lưu giữ và bảo tồn tại Trung Quốc. Lưu Ngọc Quân dẫn lời Dư Đức Nguyên [xix] trong lời bạt Cổ Duệ Từ để nói về lai lịch và quá trình từ tập này lưu truyền sang Trung Quốc: “Tháng 3 năm thứ 4 Hàm Phong đời Thanh (1854), viên sứ thần Việt Nam trên đường đến kinh đô, khi đi qua vùng Quảng Đông có mang theo Thương Sơn Thi Sao và tập từ này. Lúc đó cậu của cha ta là Thuận Hóa Lương Tụy Xa đang làm ở phủ đô đốc Quảng Đông, thấy tập từ này và rất thích nó. Tự tay sao lại toàn bộ và lưu trong rương, khi quay về tặng cho cha ta là Kính Dung Công [xx], vì cha ta là môn đệ giỏi nhất có thể thi đậu tiến sĩ. Ta từ lâu đã muốn khắc in tập từ này mà vẫn chưa làm được. Nay may mắn là toàn soạn Từ Học Quý Khán ở Thượng Hải muốn thu thập tác phẩm nổi danh của các danh gia để công bố cho mọi người biết đến, ta bèn chép ra một bản tặng và gửi đến họ, để người đời biết được những điều trước nay chưa từng công bố”. Huống Chu Di trong Huệ Phong Từ Thoại có viết: “Năm Canh Dần, ta đến làm khách Thượng Hải, có mượn được một quyển Cổ Duệ Từ của Miên Thẩm, điệu ngắn đẹp đẽ thanh thoát đáng ca ngợi, trường điệu cũng có khí phách [xxi]”.

Cổ Duệ Từ là một từ tập của Việt Nam hiện nay trong nước chưa tìm thấy bản chữ Hán, nhưng chúng ta biết sơ lược nột dung từ tập này nhờ học giả Phan Văn Các. Năm 1999, ông đã dịch ra Việt văn 14 bài từ trong Cổ Duệ Từ và lấy tên gọi “Khúc hát gõ mái chèo” [xxii].  Ông có nói về lai lịch của nó như sau: “Vào năm thứ tư niên hiệu Hàm Phong nhà Thanh (tức năm Giáp Dần 1854), một sứ bộ tuế cống của nước ta trên đường đi đã dừng lại Quảng Đông, một thành viên của sứ đoàn có mang theo Thương Sơn thi sao và tập từ này, đem ra giới thiệu với một quan chức Trung Hoa lúc đó, tên là Lương Tụy Xa, ông này thích thú chép tay lại...”. Như vậy là hoàn toàn trùng khớp với lời Dư Đức Nguyên đã nói ở trên.

Sau đó, trên Thông báo Hán Nôm học 2001, tr.385-396, nhà nghiên cứu Trần Nghĩa nói rõ hơn về nguồn gốc 14 bài từ mà mà Phan Văn Các đã dịch: “Tập từ chép tay sau đó được Lương Tụy Xa đem tặng lại cho học trò yêu của mình là Kính Duy Công, rồi người con trai của Kính Duy Công lại đem tập từ chép tay nhân bản lần nữa, và viết thêm lời Bạt để gửi cho Toà soạn Từ học quý san ở Thượng Hải. Kết quả là Cổ duệ từ được Toà soạn Từ học quý san chọn ra 14 bài, ghép với một số bài từ của các tác giả Triều Tiên, Nhật Bản để in chung dưới tiêu đề Vực ngoại từ tuyển công bố năm 1934. Khúc hát gõ mái chèo do Phan Văn Các dịch và giới thiệu chính là dựa vào phần Cổ duệ từ "tuyển" in trong Vực ngoại từ tuyển, được Nhà xuất bản Thư mục văn hiến Bắc Kinh in lại vào năm 1981”.  Ngoài ra, ông tiết lộ rằng: “vào những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, khi còn lưu học tại Sơn Đông, rồi Kinh Bắc, tôi đã được các chuyên gia Trung Quốc giúp đỡ tìm kiếm những sách vở, tài liệu Hán Nôm Việt Nam đang tản lạc tại đất nước Trung Hoa, và trong bộ sưu tập của tôi hồi này, đã có mặt Cổ duệ từ của Bạch Hào Tử”. Sau đó, ông cung cấp cho người đọc tên 104 bài từ cùng từ điệu của Cổ Duệ Từ.

Từ trường hợp Cổ Duệ Từ cho thấy tính cấp thiết của việc tìm hiểu nguồn tư liệu Hán Nôm Việt Nam tại nước ngoài vì có một số sách vở được lưu giữ tại những nơi đấy mà trong nước không có, nên chúng ta chưa biết đến sự tồn tại của chúng, hoặc chúng ta chưa có toàn văn. Đó là trường hợp An Nam Chí Lược của Lê Trắc được nhà sách Lạc Thiện Đường in và xuất bản ở Thượng Hải, năm Quang Tự thứ 10 (1884). Lê Trắc vốn người An Nam làm quan đến thị lang, sau hàng triều Nguyên, được làm Phụng nghị đại phu ở đất Hán Dương và trong thời gian ở Trung Quốc viết nên An Nam Chí Lược [xxiii]. Về An Nam Chí Lược, Trần Văn Giáp cho là “Sách này tuy tàn khuyết nhưng vẫn bổ ích nhiều cho việc tham khảo trong khi nghiên cứu cổ sử Việt Nam[xxiv]. Ông nói tàn khuyết bởi vì ở nước ta hiện chỉ có 19 quyển và thiếu quyển 20. Nhưng tại Trung Quốc có bản hiệu đính đầy đủ An Nam Chí Lược của Trung Hoa thư cục [xxv].

Trong những lần đi sứ Trung Quốc, sứ thần nước ta thường đưa thi tập cùng các sáng tác của mình cho danh sĩ Trung Quốc và các nước nhờ viết lời tựa, lời bạt, bình phẩm, san định. Chánh sứ Triều Tiên Lý Chi Phong (1563-1628) từ mối giao hảo với Phùng Khắc Khoan trong lần đi sứ Trung Quốc mà viết bài tựa cho tập thơ Vạn Thọ Thánh Tiết của Phùng Khắc Khoan [xxvi]. Hay như, Quần Thư Khảo Biện của Lê Quý Đôn đã được trạng nguyên Hồng Khải Hi, chánh sứ Triều Tiên đề năm Càn Long thứ 22 (1757) và hai vị quan Trung Quốc là Chu Bội Liên, Tần Triều Vu viết bài tựa nhưng không đề niên hiệu. Liên quan đến địa điểm Lê Quý Đôn viết Quần Thư Khảo Biện, các học giả phương Tây L.Cadière và P.Pelliot cho rằng sách làm tại Trung Quốc, nhưng Trần Văn Giáp đã bác bỏ giả thuyết này và cho biết “Lê Quý Đôn làm ở Thăng Long với ý định đem đi Trung Quốc đưa các học giả Trung Quốc bình duyệt và vì vậy mà đề niên hiệu Kiền Long[xxvii]. Trong Việt Nam Hán Nôm Cổ Tịch Đích Văn Hiến Học Nghiên Cứu, Lưu Ngọc Quân cho rằng Lê Quý Đôn đã biên soạn sách này vào năm Đinh Sửu 1757. Ông cung cấp cho chúng ta một số thông tin như sau: “trong Công Bộ Thượng Thư Lê Tướng Công Niên Phổ có ghi lại sự kiện vào tháng 1, năm Cảnh Hưng thứ 22 (1761), Lê Quý Đôn (1726-1784) trong lần đi sứ qua nhà Thanh: “khi trở về, có người bạn đưa đến gặp Tần Triều Vu là người học rộng tài cao. Xem quyển Sử Biện của Lê Quý Đôn, ông vô cùng ngưỡng mộ. Do đó có vài lần cùng Lê Quý Đôn tranh luận và sau vài lần gặp mặt ấy thì vô cùng tán dương …”. Đốc học Quảng Tây - Chu Bội Liên - đã được Lê Quý Đôn tặng cho hai quyển sách, Bội Liên hết lời khen ngợi sách Sử Biện lấy gốc rễ từ kinh truyện, kiến thức uyên bác”. Lưu Ngọc Quân còn nói rõ thêm rằng, Sử Biện chính là Quần Thư Khảo Biện của Lê Quý Đôn, nội dung sách tiến hành khảo chứng và bình luận về các nhân vật, sự kiện, lịch sử của Trung Quốc từ thời Hạ, Thương, Chu đến thời Tống, Quần Thư Khảo Biện tuy hiện nay không có giữ ở Trung Quốc nhưng bản chép đang được lưu giữ ở Việt Nam chính là bản có bài tựa do Chu Bội Liên và Lễ bộ ngoại lang Trần Triều Vu viết. Bắc Sứ Thông Lục ghi lại những sự việc trên đường sang sang Yên Kinh (tức Bắc Kinh ngày nay) của Lê Quý Đôn có bài tựa trong Quần Thư Khảo Biện Thánh Mô Hiền Phạm Lục do Ngô Bội Liên viết. Có thể thấy hai bộ sách này của Lê Quý Đôn đã được lưu truyền đến Trung Quốc với mục đích “thỉnh bạt, đề từ”.

Hoặc như trường hợp thi tập Mỗi hoài ngâm thảo của Nguyễn Thuật. Với thân phận sứ bộ tả thị lang trong lần đi sứ Trung Quốc vào năm thứ 33 Tự Đức, ông xướng họa với các nhà thơ Trung Quốc, đề vịnh về các danh lam thắng cảnh trên đường đi, rồi nhờ Hoàng Kiến Nguyên, Trần Khải Thái (năm Quang Tự thứ 7, 1881) và Mai Bảo Lộ đời Thanh (Quang Tự thứ 9, 1883) viết bài tựa và bài bạt cho sách này. Ở Ninh Ba gác Thiên Nhất đang tàng trữ hai bộ [xxviii].

Các sứ thần trên đường sang Trung Quốc tiến cống, mỗi khi đến một trạm thường có quan viên Trung Quốc tiếp đón và khi đó xướng họa thơ ca trở thành phương thức để hai bên trao đổi, giao lưu. Trong bài khải dâng lên chúa Trịnh của phó sứ đoàn sang nhà Thanh tiến cống năm 1673, Đào Công Chính, có nhắc đến chuyện này: “Trên dọc đường, có làm thơ xướng họa, mua vui một thời, nội dung là thưởng ngoạn phong cảnh, tiếp đón quốc khách, vui chơi đàm đạo cùng bè bạn. Xét về tình cảm và lời thơ đều vụng về, chẳng thể đem đọc cho người khác nghe, huống chi là dâng lên cho chúa xem. Nhưng vì đã nhận mệnh chúa, đâu dám vì vụng về thô lậu mà chối từ, xin chép lại những lời mộc mạc để trình lên chúa[xxix].

Lời sứ thần Triều Tiên, Lý Chi Phong tán dương sứ thần nước ta - Phùng Khắc Khoan: “Nay tôi thấy sứ thần Phùng Khắc Khoan mái tóc bạc phơ, người gầy. Tuổi bảy mươi mà sắc mặt hồng hảo, đi bộ ba trạm đường không nghỉ, ung dung làm sứ giả ở chốn cung đình nhà Minh. Những bài thơ chúc mừng lễ vạn thọ do ông làm, thuật hoài du dương, từ ý đôn hậu, đủ để nhả ngọc phun châu mà thanh điệu như tiếng vàng tiếng ngọc, há chẳng phải là người khác thường đó sao!” [xxx] cùng Việt Hành Ngâm Thảo của Lí Văn Phức làm lúc đi công cán ở Quảng Đông, năm 1833, trong đó có nhiều bài là phần xướng họa giữa ông và người Trung Quốc; tập thơ xướng họa Đại Châu Sứ Bộ Xướng Thù của Bùi Văn Dị với các danh nhân Việt Nam và Trung Quốc, trong dịp đi sứ nhà Thanh năm Bính Tí (1876), Đường Cảnh Phong (Trung Quốc) và Nghê Mậu Lễ (Trung Quốc) đề tựa…. Từ đó cho thấy những sáng tác của các tác giả Việt Nam trên đất Trung Quốc đương nhiên là một trong những nguyên do dẫn đến sự lưu truyền của thư tịch Việt Nam tại nước này.

Như vậy, cùng với hành trình của các sứ thần mà thư tịch Hán Nôm Việt Nam đã lưu truyền qua Trung Quốc, có thể đó là lễ phẩm tiến cống cũng có thể đem theo để “thỉnh bạt đề từ”. 

3.                  Lưu Ngọc Quân trong công trình nghiên cứu của mình có đề cập trường hợp thư tịch Việt Nam sau khi truyền nhập Trung Quốc được các văn sĩ Trung Quốc in khắc rồi lại từ Trung Quốc quay về Việt Nam. Đó là tập Sử Luận của Nguyễn Đạm Như Phủ [xxxi]. Vào năm Đồng Trị thứ 10 (1871), Nguyễn Hữu Lập, học sĩ Hàn Lâm Viện, được lệnh đi sứ Trung Quốc, khi qua sông Trường Sa, tình cờ gặp gỡ Tương Âm Lý Phụ Diệu mà ca tụng tập Sử Luận của bác ông là Nguyễn Đạm Như Phủ, viết về lịch sử Trung Quốc từ Thượng Cổ đến triều Minh, các câu trong bài luận đều là những câu có sẵn trong Thập Tam Kinh. Sách này sau được Từ Thụ Minh, Ngọc Khởi Vận, Tương Âm Lý Phụ Diệu đề tựa, do họ Lý vào năm Đồng Trị thứ 13 (1874) in khắc. Thư viện Quốc Gia Trung Quốc có hai bản khắc in năm 1874 với tên Sử Luận ký hiệu 142429 và 72095 [xxxii] còn tại Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội lại là hai bản viết tay, một đề Nguyễn Thám Hoa Đạm Như Phủ Sử Luận Thập Tam Kinh Tập Cú (VNV.1728), một bản đề Sử Luận Tập Cú (A.234). Do hai bản lưu tại thư viện Quốc gia Trung Quốc là bản khắc in, còn hai bản lưu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm là bản viết tay nhưng ở phần mục lục đều có bài đề tựa của Từ Thụ Minh, Ngọc Khải Vận và bài bạt của Lý Phụ cho nên Lưu Ngọc Quân cho rằng có thể bản chép lưu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm là chép từ bản khắc Trung Quốc.

Tuy nhiên, thời Nguyễn là giai đoạn hưng thịnh của nghề in tại Việt Nam“Về sách vở và cơ sở in thời Nguyễn, thì theo thống kê của Mai Hồng và Nguyễn Hữu Mùi ở nước ta thời này có khoảng 318 “nhà in”, đại bộ phận đều mang niên đại Nguyễn. Có một số sách gắn với vài cơ sở in có tiếng và tuổi thọ khá lâu như Phường in Hồng - Liễu 211 tuổi (1683-1904), Đa Bảo Tự 216 tuổi (1665-1881), Vinh Khánh Tự 157 tuổi (1750-1907), Đoan Nghiêm Tự 216 tuổi (1763-1903), Quốc Tử Giám 89 tuổi (1820-1909), Liễu Văn Đường 91 tuổi (1834-1925)[xxxiii], cho nên chúng tôi cho rằng suy đoán sách này in tại Trung Quốc rồi người Việt Nam chép lại của Lưu Ngọc Quân chưa hoàn toàn thuyết phục.

Tuy thế, con đường thư tịch Hán Nôm Việt Nam được truyền qua Trung Quốc rồi từ Trung Quốc lại quay ngược về Việt Nam là có tồn tại. Dựa trên bài tựa của Hà Tiên Thập Vịnh của tổng binh Hà Tiên, Mạc Thiên Tích cho ta thấy điều đó: “Mùa xuân năm Bính Thìn (1736), ông Trần Tử Hoài ở Việt Đông (tức Quảng Châu) đi thuyền tới đây, tôi trọng đã là bậc khách quý, mỗi khi hoa sớm trăng khuya, ngâm vịnh không chán; tôi nhân đem mười cảnh Hà Tiên ra cùng xướng họa. Ông Trần dựng cờ Tao đàn, thù xướng phong nhã. Đến khi trở về Châu Giang, lại đưa những đề ấy cho các bạn làng thơ họa vần. Được các thi gia đoái tới, theo đề vịnh thơ, ông Trần chép thành một tập, gửi sang cho tôi xem, tôi đem khắc in ra[xxxiv].

Hay trường hợp Nam Chi Tập của chí sĩ yêu nước Nguyễn Thượng Hiền mà nhà nghiên cứu Lưu Ngọc Quân có đề cập đến. Thi tập này vốn được in ở nhà in Vương Triển Thành, Tiền Đường (Hàng Châu) vào năm ất Sửu (1925). Do đó, thư viện Quốc Gia Trung Quốc, thư viện Triết Giang, thư viện Liêu Ninh đều có bản in năm 1925. Bài tựa và bài bạt [xxxv] cho biết vào năm 1882 khi Pháp đem quân đánh Bắc kỳ Việt Nam, Nguyễn Thượng Hiền đã từng nhận lệnh vua Tự Đức cầu viện nhà Thanh. Từ Lương Bạt (Trung Quốc) viết bài bạt năm 1912, Chương Bính Lân (Trung Quốc) lúc tị nạn ở Giang Hộ cảm thông với nỗi đau mất nước của Nguyễn Thượng Hiền mà viết bài tựa cho Nam Chi Tập (năm 1913). Lời văn khảng khái, tình cảm bi thiết lay động lòng người của Nguyễn Thượng Hiền đã được La Đôn Dung, đời Thanh, nhắc đến trong Tân Thoái Tùy Bút [xxxvi]: “Việt Nam thành thuộc địa của nước Pháp, người Pháp cai trị nước Việt khắc nghiệt bạo tàn không tình người, di dân Việt Nam là Nguyễn Thượng Hiền người Hà Nội, hiệu Đỉnh Nam, mùa hạ năm Quý Sửu tháng 6 đến qua kinh đô và có bài Tang Hải Lệ Đàm đối đáp cùng người Hàn Quốc. Giọng văn vô cùng chua xót, phát phẫn vì không quên được nỗi đau mất nước, tình ấy thật đáng thương, chí ấy thật đáng kính”. Trần Nghĩa và François Gros trong Di Sản Hán Nôm Việt Nam Thư Mục Đề Yếu cũng cho biết Nam Chi Tập của Nguyễn Thượng Hiền được in tại nhà in Vương Triển Thành ở Tiền Đường (Hàng Châu) vào năm ất Sửu (1925) [xxxvii]

Cũng theo nhà nghiên cứu Lưu Ngọc Quân, ở thư viện Quốc Gia Trung Quốc còn lưu giữ hai bản in Hoàng Việt Địa Dư ChíNam Kỳ Lục Tỉnh Địa Dư Chí, cả 2 quyển này đều có dấu khắc của cư sĩ Duy Minh Thị (1872), trên trang bìa Hoàng Việt Địa Dư Chí có ghi “Việt Đông Phật Sơn Phúc Lộc Đại Nhai Kim Ngọc Lâu tàng bản”, kèm thêm dòng chữ “Nhất tại Đề Ngạn Hòa Nguyên Thịnh phát khách”. Có thể thấy sách này do nhà in Kim Ngọc Lâu ở Quảng Đông thông qua thương hiệu Hòa Nguyên Thịnh ở Nam kỳ Chợ Lớn phát hành tại Việt Nam. Lưu Ngọc Quân dẫn ra một trường hợp khác là sách Nam Kỳ Lục Tỉnh Địa Dư Chí. Trên sách này tuy không có tên hiệu nhà in nhưng dựa trên sự tương đồng giữa loại giấy và hình thức văn bản cùng hai dấu đỏ, một tròn một vuông ở ngoài bìa sách (dấu tròn có hình nhân vật, dấu vuông có bốn chữ 姑蘇原版) mà Lưu Ngọc Quân suy đoán Nam Kỳ Lục Tỉnh Địa Dư ChíHoàng Việt Địa Dư Chí có cùng thời gian khắc in. Ngoài ra, trên Nam Kỳ Lục Tỉnh Địa Dư Chí có dòng chữ “Tại Đề Ngạn Đại Thị Quảng Thịnh Nam phát khách”. Bên trong từ trang 1 đến trang 3 đều có dòng chữ “Tại Đề Ngạn Đại Thị Hòa Nguyên Thịnh phát khách”. Như vậy, có thể con đường lưu hành của sách này và Hoàng Việt Địa Dư Chí là tương đồng. Trong bài tựa Hoàng Việt Địa Dư Chí, Duy Minh Thị có nói rằng: “sách Hoàng Việt Địa Dư Chí là một bản quý, ở đời chẳng dễ gì xem được. Ta từng hâm mộ sách này mà chưa được thấy nó, may có ông Louis đại phú người Pháp yêu thích sách vở nước Nam, đã mua được ở Bắc Kỳ, báo ta biết”. Duy Minh Thị mang sách này đến Quảng Đông khắc in, bởi vì khi ấy việc buôn bán qua lại giữa Việt Nam và Quảng Đông là vô cùng mật thiết. Ở trang bìa sách, dùng năm can chi mà không lấy niên hiệu đương thời, có thể để tiện việc lưu hành ở cả hai nước.

4.                  Thương nghiệp mậu dịch cũng là một trong những con đường đưa sách vở Việt Nam truyền vào Trung Quốc. Có thể thấy, từ rất sớm giao dịch qua lại giữa trung thổ và Giao Châu đã khá phồn vinh nhưng các sách sử lại ít ghi lại tường tận câu chuyện thư tịch Việt Nam thông qua con đường mậu dịch đến Trung Quốc. Trong Trung Quốc Thư Tịch Giản Sử chỉ đề cập đến chi tiết đời Tam Quốc, Giao Châu là trung tâm văn hóa ở phía nam, vô cùng yêu thích sách vở Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc cũng nhiều lần cho in sách vở xuất qua Việt Nam [xxxviii]. Theo nhà nghiên cứu Lưu Ngọc Quân, căn cứ vào các con dấu, đề từ trên sách vở Việt Nam còn lưu giữ ở Trung Quốc có thể đoán được đôi điều. Trong số 17 quyển sách bản xưa của An Nam đang lưu giữ tại thư viện Quốc Gia Trung Quốc thì 8 quyển Hoàng Việt Địa Dư Chí của nhà in Quan Văn Đường, Trung Học Việt Sử Toát Yếu Giáo Khoa, Việt Sử Yếu, Ngự Chế Việt Sử Tổng Vịnh, Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca - bản in Quan Văn Đường, Việt Sử Thăng Bình, Bắc Sử Tân San Toàn Biên, Việt Sử Kính, có dấu mộc đỏ của “Hội An Diệp Đồng Nguyên” nhưng hình dạng các con dấu không giống nhau. Hoặc là phối hợp thêm chữ Latinh Việt văn hoặc là thêm dòng chữ “經售” hoặc có dòng chữ “發貨圖章餘事不同”. Trong đó, quyển Việt Sử Thăng Bình của Nguyễn Đức Đạt bản in của Liễu Văn Đường vào mùa thu, năm Duy Tân Nhâm Tí 1912 ở Hà Nội, dưới con dấu đỏ thương hiệu Hội An Diệp Đồng Nguyên có thêm mười chữ “西藥新書綢縐金漆什貨” . Diệp Đồng Nguyên là một thương hiệu kinh doanh vật phẩm, ngoài sách vở còn kinh doanh dược phẩm, vải vóc, hàng hóa… Hội An ngày xưa từng là cảng quốc tế, do đó rất đông các thương nhân người Hoa đến đây để buôn bán và tập trung sinh sống. Trong đó đông nhất là Hoa kiều người Phúc Kiến, ở Hội An hàng hóa các nước vô cùng phong phú. Do đó, Diệp Đồng Nguyên rất có thể là một thương hiệu do người Hoa sáng lập. Hình thức các con dấu đỏ không giống nhau cho thấy Diệp Đồng Nguyên có thể có không ít phân hiệu và các hàng hóa của Việt Nam bao gồm các sách vở thông qua các điểm mua bán này mà đến Trung Quốc.

5.                  Hai nước Trung - Việt có mối quan hệ văn hóa lâu đời, vị trí địa lý kề cận, nhân dân hai nước qua lại mật thiết. Trong số thư tịch cổ Việt Nam hiện đang lưu giữ tại thư viện Quốc gia Trung Quốc, theo nhà nghiên cứu Lưu Ngọc Quân có hai quyển khá đặc biệt, đó là bản Việt Sử Kính [xxxix] in Duy Tân năm thứ 3 (1909), trên trang đầu của sách có chú: “tôi đọc sách này ở Hội An, do đồng cảm mà mua”, quyển nữa là Việt Sử Tân Ước [xl] in năm Thành Thái Bính Ngọ 1906, trên quyển sách có dán một tờ giấy hồng, ghi rằng: “Phụng tặng Lại Dĩ Nhân tiên sinh để làm tài liệu nghiên cứu lịch sử, Hoa kiều Song Khê Trương Năng Đạo”. Như vậy, cả hai quyển sách này đi vào Trung Quốc thông qua con đường bạn hữu giao tiếp biếu tặng. Trong những năm Dân Quốc, có không ít học giả Trung Quốc sang Việt Nam và được tặng sách mang về nước. Khoảng những năm 1938 Trương Dụng Lộ trong lúc đến Hà Nội mua được một số sách toán học, sau đó do Lý Nghiêm (1882-1963) sao lại, hiện đang lưu ở phòng Nghiên cứu Khoa học Tự nhiên Sử - Viện Khoa học Trung Quốc. Có thể thấy, Trung-Việt, hai nước kề cạnh nhau, một số người Hoa di dân đến định cư tại Việt Nam và người dân hai nước kết hôn, buôn bán qua lại. Một khi có sự giao tiếp trong dân gian thì đương nhiên một bộ phận sách vở Việt Nam sẽ được lưu truyền đến Trung Quốc.

6.                  Không loại trừ trường hợp một số tư liệu Hán Nôm Việt Nam đang được lưu giữ tại Trung Quốc chính là do người Hoa đã chụp lại từ các thư viện khác trên thế giới. Đó là trường hợp Toàn Việt Thi Lục (bản microfilm) hiện đang lưu giữ tại một thư viện tư gia ở Bắc Kinh mà tháng 11 năm 2001, một giảng viên đại học Sư Phạm Hà Nội [xli] đã sao chụp và đem về Việt Nam. Sau khi xem xét, phân tích, đối chiếu, giảng viên này đã kết luận Toàn Việt Thi Lục tại Trung Quốc chính là chụp lại từ bản Toàn Việt Thi Lục lưu tại Pháp mà trong Di sản Hán Nôm Việt Nam-Thư mục đề yếu có nhắc đến với ký hiệu Paris. SA.HM.2139:23, 6x16.

            Như vậy, thông qua một số con đường đã kể trên mà thư tịch cổ Hán Nôm Việt Nam truyền nhập Trung Quốc. Có thể thấy, số lượng sách Hán Nôm cổ Việt Nam tại Trung Quốc không ít nhưng do chưa có nhiều học giả tiến hành thống kê, hoặc sách vở có giá trị đang nằm trong các thư viện, tủ sách tư nhân. Do đó, việc khảo sát và tìm hiểu tình hình thư tịch Hán Nôm Việt Nam hiện đang lưu giữ tại nước ngoài và đặc biệt tại Trung Quốc là việc làm cần thiết và hứa hẹn nhiều điều bất ngờ về diện mạo thư tịch Hán Nôm Việt Nam.



[i] Trần Lê Sáng, Cuộc đấu tranh trên mặt trận văn học của nhân dân ta chống chính sách bành trướng bá quyền của phong kiến Trung Quốc, Tạp chí Văn học, số 2-1979, tr.34.

[ii] Nghiêm Văn Úc, Trung Quốc Thư Tịch Giản Sử, nxb Thương Vụ Đài Loan, 1995, tr.129-131.

[iii] Trương Tú Dân 张秀民 (1908-2006), là nhà mục lục học và chuyên gia về lịch sử in ấn, hơn 40 năm công tác trong thư viện, từng là tổ trưởng tổ nghiên cứu thư viện Bắc Kinh, ủy viên hội học thuật thư viện Trung Quốc lần thứ 2, hội viên danh dự thường trực trong Hội liên hiệp kỹ thuật in ấn Trung Quốc.

[iv] Hà Thiên Niên 何仟年, sinh năm 1972, người An Huy An Khánh. Năm 2002, ông làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Dương Châu, chủ yếu nghiên cứu và chỉnh lí Hán văn văn hiến Việt Nam.

[v] Lưu Ngọc Quân  刘玉珺, sinh năm 1976, người Nam Hải, Quảng Đông, hiện là giảng viên khoa Trung văn Đại học Giao Thông Tây Nam, hướng nghiên cứu chính là Hán văn học ở nước ngoài, văn hiến và văn học Hán - Đường, Tứ khố học.

[vi] Trương Bá Vệ chủ biên, Việt Nam Hán Nôm Cổ Tịch Đích Văn Hiến Học Nghiên Cứu, Lưu Ngọc Quân tác giả, Trung Hoa thư cục xuất bản, 2007.

[vii] Trong những năm Gia Tĩnh, Lý Văn Phượng (quan viết sử của triều Minh) viết Việt Kiệu Thư, 12 quyển, đây là một tác phẩm đề cập đến lịch sử Việt Nam. Lời tựa của sách cho biết bối cảnh sáng tác như sau: khi nhà Mạc soán ngôi nhà Lê, triều đình Trung Quốc định đưa binh qua thảo phạt, nhưng ý kiến bàn luận nổi lên không ngớt, tác giả bèn viết sách này để khảo sát phong tục, tập quán, lịch sử, sông núi nước An Nam.

[viii] Lưu Ngọc Quân, Việt Nam Hán Nôm Cổ Tịch Đích Văn Hiến Học Nghiên Cứu, Trung Hoa thư cục xuất bản, 2007, tr.65.

[ix] Dẫn theo nhà nghiên cứu Lưu Ngọc Quân, Kha Thiệu Mân, Tân Nguyên Sử, quyển 11, Nxb Trung Quốc, 1988, tr.47.

[x] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản kỷ, quyển 10, Lê Thái Tổ kỷ.

[xi] Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, phần chính biên, quyển 13.

[xii] Hà Thiên Niên, Việt Nam Truyền Nhập Cổ Tịch Lược Khảo, tạp chí Văn Hiến số 2, tr.259.

[xiii] Hà Thiên Niên, Trung Quốc Lịch Đại Hữu Quan Việt Nam Cổ Tịch Khảo Thuật, tạp chí Khoa học Xã hội- Đại học Sư Phạm Tây Nam Trung Quốc, số 6, tr.130.

[xiv] Dẫn theo nhà nghiên cứu Lưu Ngọc Quân: Giả Trăn, Tiếp Hộ Việt Nam Cống Sứ Nhật Ký, bản khắc in năm thứ 4 Hàm Phong (1851).

[xv] Nguyễn Thuật, hiệu Hà Đình, làm chức Tả thị lang bộ Lễ.

[xvi] Dẫn theo Lưu Ngọc Quân: Vãng Tân Nhật Ký, trang 20, 25, 35, 37

[xvii] Dẫn theo nhà nghiên cứu Lưu Ngọc Quân: Đường Cảnh Tung đời Thanh, Thỉnh Anh Nhật Ký, bản in năm Quang Tự, 1895, Đài Loan Bố Chính.

[xviii] Dẫn theo Lưu Ngọc Quân: Trần Nãi Càn, Thanh Danh Gia Từ, quyển 9, nxb Thượng Hải, 1982, tr.10.

[xix] Người sở hữu Cổ Duệ Từ.

[xx]  Chúng tôi phiên âm là Kính Dung Công dựa trên chữ Hán 敬鏞公 mà Lưu Ngọc Quân viết.

[xxi] Dẫn theo Lưu Ngọc Quân: Huống Chu Di, Huệ Phong Từ Thoại, quyển 5, nxb Văn học Nhân dân, 1960, tr.124

[xxii] Phan Văn Các sưu tầm phiên dịch, Bạch Hào Tử: Khúc hát gõ mái chèo (Cổ Duệ Từ); Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản, HN, 1999.

[xxiii] Xem thêm tiểu sử Lê Trắc, Trần Văn Giáp, Tìm Hiểu Kho Sách Hán Nôm – tập 1, Thư viện Quốc gia xuất bản, HN, 1970, tr.319

[xxiv] Trần Văn Giáp, Tìm Hiểu Kho Sách Hán Nôm – tập 1, Thư viện Quốc gia xuất bản, HN, 1970, tr. 341

[xxv] Hà Thiên Niên,Trung Quốc Lịch Đại Hữu Quan Việt Nam Cổ Tịch Khảo Thuật, tạp chí Khoa học Xã hội , Đại học Sư Phạm Tây Nam, Trung Quốc, số 6, tr.130.

[xxvi] Lý Xuân Chung, “Bước đầu tìm hiểu quan hệ bang giao Việt-Hàn trong lịch sử qua các thư tịch Hán văn”, Tạp chí Hán Nôm, số 4 (77) 2006, tr. 74 – 77. Xem thêm, Bùi Duy Tân, “Lý Toái Quang - Phùng Khắc Khoan; quan hệ sứ giả - Nhà thơ mở đầu tình hữu nghị Hàn - Việt, tham luận Hội thảo quốc tế Hàn - Việt, HN, 21-12-1996.

[xxvii] Trần Văn Giáp, Tìm Hiểu Kho Sách Hán Nôm – tập 1, Thư viện Quốc gia xuất bản, HN, 1970, tr.198.

[xxviii] Lưu Ngọc Quân, Việt Nam Hán Nôm Cổ Tịch Đích Văn Hiến Học Nghiên Cứu, Trung Hoa thư cục xuất bản, 2007, tr.59.

[xxix] Hoàng Văn Lâu, “Đào Công Chính với Bắc Sứ Thi Tập”, Thông báo Hán Nôm học 2004, tr.314-318, HN.

[xxx] Lý Xuân Chung, “Bước đầu tìm hiểu quan hệ bang giao Việt-Hàn trong lịch sử qua các thư tịch Hán văn”, Tạp chí Hán Nôm, số 4 (77) 2006, tr. 74 – 77.

[xxxi] Thám hoa Nguyễn Văn Giao (1810 – 1863), hiệu Đạm Như Phủ, người Nghệ An, Thanh Chương, ông từng làm ở Hàn Lâm Viện, nội các thừa chỉ, thị giảng học sĩ.

[xxxii] Bản 72095 không có bài tựa của Lý Phụ Diệu.

[xxxiii] Lê Quốc Việt và Cung Khắc Lược, Nghề in và đồ họa sách thời Nguyễn, Thông báo Hán Nôm học 1998, HN, tr.481-496.

[xxxiv] Trần Văn Giáp, Tìm Hiểu Kho Sách Hán Nôm, tập 2, nxb KHXH, HN, 1990, tr.119.

[xxxv] Từ Lương Bật 徐 良 弼 (Trung Quốc) viết bài bạt năm 1912. Chương Bính Lân 章 炳 麟 (Trung Quốc) viết bài tựa năm 1913.

[xxxvi] Việt Nam Di Dân Lệ Đàm trong Tân Thoái Tùy Bút, Trung Hoa Dã Sử, triều Thanh, quyển 4, tr. 4043 –Dẫn theo Lưu Ngọc Quân.

[xxxvii] Trần Nghĩa và François Gros (chủ biên), Di Sản Hán Nôm Việt Nam Thư Mục Đề Yếu, nxb. KHXH, HN, 1993.

[xxxviii] Nghiêm Văn Úc, Trung Quốc Thư Tịch Giản Sử, nxb Thương Vụ Đài Loan, 1995, tr.129.

[xxxix] Việt Sử Kính, Hoàng Khải Cao soạn, Trần Tụng bình chú, Phạm Văn Thụ bình, sách luận về sử Việt Nam, có 5 hồi viết về nước Việt Nam cùng với nước Pháp bảo hộ và mối quan hệ đối với nước Pháp. Thư viện quốc gia (Trung Quốc) và thư viện Nam Kinh có lưu bản năm thứ 3 Duy Tân 1909.

[xl] Nội dung thuật lại những sự kiện lịch sử trọng yếu từ thời Hùng Vương đến Tây Sơn như truyện phế lập hậu phi, Minh triều sắc phong, quan chế. Quyển thượng từ Hùng Vương trở đi. Quyển hạ từ Lê Thái Tố đến cuối Tây Sơn.

[xli] Hà Minh, “Có bản sao Toàn Việt Thi Lục tại Trung Quốc”, Tạp chí Hán Nôm, Số 4 (77) 2006, tr.74-77.