Nhà Việt Nam học người Nga N. I. Nikulin viết về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu

 

TÓM TẮT

Nikolai Ivanovich Nikulin là nhà Việt Nam học nổi tiếng của Nga. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với Việt Nam, Nikulin đã để lại một di sản đồ sộ những nghiên cứu về văn hoá, lịch sử và văn học Việt Nam. Ông đặc biệt quan tâm đến các nhà thơ cổ điển Việt Nam, trong đó có Nguyễn Đình Chiểu. Các bài viết về Nguyễn Đình Chiểu của Nikulin chủ yếu công bố trong các thập niên 1970 – 1980. Những quan điểm của Nikulin đối với cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu có thể phần nào đem lại cho chúng ta những gợi ý về nghiên cứu lịch sử và lý thuyết văn học cổ điển Việt Nam.

Từ khoá: N.I. Nikulin, Việt Nam học, Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên

Russian Scholar of Vietnamese Studies N. I. Nikulin on Nguyen Dinh Chieu

 

ABSTRACT

Nikolai Ivanovich Nikulin is a famous Russian scholar of Vietnamese studies. With more than half a century of dedicating to Vietnam, Nikulin has left a huge legacy of research on Vietnamese culture, history and literature. He was especially interested in classical Vietnamese poets, including Nguyen Dinh Chieu. Nikulin's writings on Nguyen Dinh Chieu were mainly published in the 1970s and 1980s. His views on the life and works of Nguyen Dinh Chieu can give us some historical and theoriotical ideas in studying classical Vietnamese literature.

Keywords: N.I. Nikulin, Vietnamese studies, Nguyen Dinh Chieu, Luc Van Tien

 

*

Nikolai Ivanovich Nikulin (1931 – 2005) có lẽ là nhà Việt Nam học người Nga được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam. Xuất thân từ một gia đình công nhân ở Moskva, năm 1949, ông vào học ở Ban Trung Hoa của Học viện Đông phương học Moskva (MIV), nghiên cứu chuyên sâu về ngôn ngữ và văn hoá của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Tuy nhiên, đến năm cuối bậc đại học ở đây, ông chuyển sang học tiếng Việt và dự các giờ giảng của giáo sư viện sĩ A. A. Guber (1902 – 1971), chuyên gia hàng đầu của Liên Xô về lịch sử Đông Nam Á tại Đại học Tổng hợp Moskva (MGU). Khi quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Liên bang Xô viết được thiết lập, biết được nhu cầu về người thông thạo tiếng Việt ở Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam, vào năm 1954, chàng trai trẻ mới ra trường Nikulin đã xin được phục vụ trong Bộ Ngoại giao Liên Xô và được cử sang Việt Nam với tư cách là thực tập sinh tu nghiệp, rồi trở thành phó lãnh sự. Kể từ đó, toàn bộ cuộc đời của ông gắn bó với việc nghiên cứu văn học, văn hoá và lịch sử Việt Nam. Từ Việt Nam trở về tổ quốc Xô viết, cùng với các đồng nghiệp Nga và Việt, ông tham gia biên soạn bộ Từ điển Việt - Nga đầu tiên được xuất bản ở Moskva vào năm 1961. Cũng trong năm này, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ với đề tài Sáng tác của Nguyễn Du (1765 – 1820) sau được xuất bản thành sách với nhan đề Nhà thơ vĩ đại Nguyễn Du (Moskva, 1965). Ông làm nghiên cứu viên tại Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, sau đó chuyển sang Viện Văn học thế giới mang tên A.M. Gorky, làm Trưởng Ban Văn học Á – Phi từ năm 1975 cho đến khi qua đời vào tháng 12 năm 2005.

Giáo sư N.I. Nikulin

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với Việt Nam, Nikulin đã để lại một di sản đồ sộ hơn hai trăm nghiên cứu về văn hoá, lịch sử và văn học Việt Nam, trong đó có những công trình quan trọng như: Văn học Việt Nam sơ thảo (xuất bản năm 1971) là công trình đầu tiên ở Liên Xô nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam một cách hoàn chỉnh; luận án tiến sĩ khoa học được Nikulin bảo vệ năm 1974 với đề tài Những truyền thống nghệ thuật dân tộc và những mối quan hệ liên dân tộc trong sự phát triển văn học Việt Nam đã được hoàn thiện thành chuyên khảo Văn học Việt Nam từ trung đại đến hiện đại. Thế kỷ X – XIX (xuất bản năm 1977), trong đó trình bày những quy luật hình thành và phát triển của văn học kiểu trung đại của Việt Nam và sự chuyển biến của nó sang thời hiện đại, cũng như chỉ ra vai trò của những mối quan hệ văn học giữa Việt Nam với phương Đông và phương Tây ở những thời đại khác nhau. Nikulin cũng là một dịch giả, từng dịch thơ văn Hồ Chí Minh và nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ hiện đại Việt Nam như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Chế Lan Viên, Nguyễn Minh Châu, v.v... Ông còn là người hỗ trợ trong dịch thuật cho một số dịch giả Xô viết khi dịch văn học cổ điển Việt Nam sang tiếng Nga (như trường hợp dịch giả G.B. Yaroslavtsev khi dịch thơ Hồ Xuân Hương sang tiếng Nga đã sử dụng bản dịch sát nghĩa cũng như các chú giải kỹ lưỡng của Nikulin [7, tr.104]). Những năm cuối đời, ông làm chủ biên và đồng chủ biên những công trình quan trọng của Viện Văn học thế giới như Phật giáo và văn học (2003), Phương Đông trong văn học Nga thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XX (2004).

Là một chuyên gia vừa được đào tạo bài bản về Hán văn, vừa hết sức thông thạo tiếng Việt, Nikulin rất quan tâm đến mảng văn học cổ điển Việt Nam. Trong số các tác gia cổ điển của Việt Nam, ngoài Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến,... thì Nguyễn Đình Chiểu cũng được nhà Việt Nam học người Nga này đặc biệt chú ý. Những bài viết về Nguyễn Đình Chiểu của Nikulin chủ yếu công bố trong các thập niên 1970 - 1980, bắt đầu từ công trình Văn học Việt Nam sơ thảo (Вьетнамская литература. Краткий очерк) do nhà xuất bản Nauka ấn hành năm 1971, đã được Lê Sơn dịch và đưa vào trong bộ tuyển tập về lịch sử văn học Việt Nam của N.I. Nikulin do nhà xuất bản Văn học và Trung tâm Nghiên cứu quốc học tổ chức bản thảo và ấn hành vào năm 2007 [6, tr.553-878]. Là một chuyên gia văn học của Viện văn học thế giới mang tên Gorky, Nikulin tham gia vào dự án đồ sộ Lịch sử văn học thế giới gồm 9 tập[1] do Viện được tổ chức biên soạn và xuất bản trong gần 3 thập niên dưới sự điều hành và tham gia của các học giả hàng đầu về lý luận và lịch sử văn học của Liên Xô cũng như của Nga về sau, như các viện sĩ A. S. Bushmin, B. Vipper, D.S. Likhachev, M.B. Khrapchenko,  E.M. Meletinsky, B.L. Riftin,... Ông phụ trách phần về văn học Việt Nam và chia sẻ những tư tưởng về loại hình lịch sử của trường phái văn học so sánh Xô viết được thể hiện trong bộ sách này, trong đó có vấn đề phân kỳ lịch sử văn học. Đặt văn học Việt Nam trong tư thế tương đồng về mặt loại hình lịch sử với các nền văn học khác trên thế giới, cả phương Tây lẫn phương Đông, ông xem giai đoạn thế kỷ XVIII và XIX của văn học Việt Nam thuộc thời kỳ cận đại, và xem Nguyễn Đình Chiểu như đại diện cho nửa sau thế kỷ XIX – một thời kỳ thể hiện “sự đa dạng những khuynh hướng tư tưởng mà những thời kỳ trước chưa hề biết tới, phản ánh những đặc điểm làm nó gần gũi với văn học hiện đại” [6, tr.680]. Trong bối cảnh vừa đấu tranh chống lại cuộc xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp, vừa tiếp nhận chọn lọc những giá trị văn hoá, tinh thần Khai sáng đến từ châu Âu, Nguyễn Đình Chiểu cũng như những sĩ phu ở Nam Bộ cùng thời đã thể hiện tinh thần ái quốc, tinh thần nhân dân trong cuộc đấu tranh chống xâm lược. Khi nhắc đến Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Nikulin cho rằng “Nguyễn Đình Chiểu đã kêu gọi đồng bào đứng lên đánh giặc”, “thể hiện niềm tin của nhân dân vào tương lai tươi sáng”, đồng thời xem nhà thơ Việt Nam là tác gia đầu tiên của văn học Việt Nam “xây dựng hình tượng mang tính tổng hợp về người dân binh khởi nghĩa [...] vừa rời tay cày để cầm vũ khí” [6, tr.683]. Ông xem sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, giống như thơ văn của giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX, “về cơ bản vẫn phát triển trong khuôn khổ những hình thức truyền thống”, nhưng đồng thời cũng cho thấy những biến chuyển, đổi mới nội dung bên trong hình thức cũ đó, như “xu hướng dân chủ hoá văn học, ngôn ngữ văn học đã gần gũi hơn với ngôn ngữ hội thoại” [6, tr.682], hay phản ánh cuộc đụng độ giữa những tư tưởng, tín ngưỡng truyền thống với Cơ đốc giáo của châu Âu. Nikulin cho rằng nếu như trong Dương Từ - Hà Mậu, các cuộc tranh luận giữa một Phật tử với một tín đồ Cơ đốc giáo đã đi tới kết luận là Nho giáo là học thuyết chân chính nhất, nhưng “Nho giáo của Việt Nam thời bấy giờ đã không còn là bất di bất dịch” [5, tr.287], thì trong Ngư tiều y thuật vấn đáp, Nguyễn Đình Chiểu “lại đứng trên lập trường của đạo Nho mà phê phán những trật tự của nước Việt Nam phong kiến và nói lên niềm mơ ước của ông về một thế giới công bằng xã hội dựa trên cơ sở gia trưởng không tưởng” [6, tr.685].

Văn học Việt Nam sơ thảo – Nikulin Nikolay Ivanovich.

Đánh giá cao vai trò của Nguyễn Đình Chiểu đối với sự hình thành nền văn học yêu nước, đấu tranh giải phóng của Việt Nam, Nikulin gọi Nguyễn Đình Chiểu là “nhà thơ thân yêu của miền Nam Việt Nam” [любимый поэт вьетнамского Юга] như tên một bài báo ông viết nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của nhà thơ, đăng trên tạp chí Văn học nước ngoài [Иностранная литература] số tháng 7 năm 1972 [4, tr.272-275]. Bản dịch tiếng Việt bài viết này, cũng của dịch giả Lê Sơn, đã được đưa vào trong cuốn Nguyễn Đình Chiểu - Tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật [8, tr.390-396].

Ở đoạn đầu bài viết, sau khi dẫn câu nói nổi tiếng của Phạm Văn Đồng về Nguyễn Đình Chiểu như “ngôi sao sáng trong bầu trời văn nghệ Việt Nam”, với một thái độ đầy ngưỡng mộ, Nikulin miêu tả về cụ Đồ Chiểu – một “ông già mù và điếc”, nhưng “có cái dáng oai nghiêm của vị gia trưởng” đã khiến viên quan đại diện cho chính quyền thực dân Pháp ở Bến Tre là Michel Ponchon[2] phải e ngại và đích thân tìm đến tận nhà để dụ dỗ cụ theo Pháp mà không thành. “Uy tín lớn lao về đạo đức của Đồ Chiểu (mà ông đúng là một nhà giáo có nhiều học trò), thái độ bất hợp tác của ông đối với bọn thực dân, đã khiến cho nhà thơ trở thành một sức mạnh lớn lao, mặc dầu ông không có binh tướng trong tay. Về thực chất, Nguyễn Đình Chiểu là linh hồn của phong trào giải phóng, là người cổ vũ phong trào đó. Và văn thơ của ông đã tìm được con đường đi thẳng vào trái tim của nhân dân.” [8, tr.391]

Nguyễn Đình Chiểu – Tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật (Viện Văn học phát hành).

Là chuyên gia về văn học, dĩ nhiên Nikulin quan tâm hơn cả đến những giá trị văn học nghệ thuật trong di sản của Nguyễn Đình Chiểu, mà trước hết là truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên, “tác phẩm lớn đầu tiên của Việt Nam được dịch ở châu Âu” từ năm 1864 [8, tr.391]. Theo Nikulin, đây là một nghịch lý của lịch sử, rằng việc lựa chọn một tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam để dịch sang tiếng Pháp (cũng như được in đi in lại với các bản dịch hay phiên âm khác nhau), phục vụ cho ý đồ tô điểm chính sách khai hoá của thực dân, lại rơi đúng vào tác phẩm của nhà thơ tiên phong trong phong trào chống thực dân, trong khi những tác phẩm khác có nội dung ái quốc của nhà thơ lại bị chính quyền thực dân truy quét, cấm đoán. Điều này đã phương hại đến việc bảo tồn di sản văn học của Nguyễn Đình Chiểu [8, tr.392].

Trong bài viết “Nhà thơ thân yêu của miền Nam Việt Nam”, cũng như trong các công trình khác bàn về lịch sử văn học Việt Nam như Văn học Việt Nam sơ thảo, Văn học Việt Nam từ trung đại đến hiện đại (thế kỷ X – XIX), hay ở phần viết về Nguyễn Đình Chiểu trong bộ Lịch sử văn học thế giới  tập 7 [9, tr.651-652], khi đặt Nguyễn Đình Chiểu cũng như thể loại truyện thơ Nôm ở nửa sau thế kỷ XIX vào giai đoạn chuyển giao từ cổ điển sang hiện đại, Nikulin xem Lục Vân Tiên là tác phẩm vừa kế thừa truyền thống truyện thơ cổ điển, vừa thể hiện sự phá vỡ chuẩn mực bằng việc đưa vào những yếu tố tự truyện. Nhân vật Lục Vân Tiên mang nhiều yếu tố tiểu sử của nhà thơ (chẳng hạn như chàng bị mù khi chịu tang mẹ, bị gia đình người vị hôn thê khước từ), và hơn thế nữa, “hình tượng Lục Vân Tiên còn là nơi tập trung những nguyện vọng chủ quan của nhà thơ”, “thể hiện những quan điểm và chính kiến của tác giả mà Đồ Chiểu suốt đời đã trung thành” [8, tr.393]. “Việc đưa những sự kiện có thật trong cuộc đời nhà thơ vào thiên trường ca nói lên rằng nhà thơ đã coi những sự kiện đó là đáng kể, đáng chú ý tới” [6, tr.677]. Tuy nhiên, Lục Vân Tiên không phải “cái tôi thứ hai” của tác giả, mà là hình tượng nghệ thuật do trí tưởng tượng của nhà thơ dựng lên. “Đó là một vị văn nhân uyên bác, một nhà thơ, đổng thời là một trang tráng sĩ đã cứu nàng Kiều Nguyệt Nga xinh đẹp khỏi tay bọn lục lâm” [8, tr.393]. Nikulin đặc biệt chú ý đến ý nghĩa của tình tiết Lục Vân Tiên đột ngột bị mù. Nó tác động cả đối với bản thân chàng lẫn những người xung quanh. Đó là biểu hiện thi pháp truyện dân gian, và cả thi pháp những truyện thơ Nôm cổ điển như Truyện Kiều, thực hiện chức năng thử thách đạo đức của các nhân vật. Việc Lục Vân Tiên sáng mắt cũng vậy, “có thể hiểu điều đó theo nghĩa bóng vì bây giờ chàng đã hiểu thấu những cái mà trước kia được giấu kín trong lòng người”[8, tr.394]. Cái kết có hậu (Lục Vân Tiên lập công đánh tan giặc ngoại xâm, kết hôn với Kiều Nguyện Nga) là theo mô hình truyền thống – là một trong những điều khiến cho người dịch đầu tiên Lục Vân Tiên sang tiếng Pháp là Gabriel Aubaret[3] nhầm lẫn đó là một truyện dân gian.

Các dịch giả và học giả người Pháp ở nửa sau thế kỷ XIX, dù có công đầu trong việc dịch thuật sang ngôn ngữ châu Âu, cũng như xuất bản Lục Vân Tiên bằng chữ Quốc ngữ, nhưng đều có những nhận định và đánh giá chưa đúng về Nguyễn Đình Chiểu và tác phẩm của nhà thơ. Aubaret, trong bài tựa bản dịch tác phẩm sang tiếng Pháp năm 1864 xem việc nó được phổ biến rộng rãi trong giới bình dân ít học ở Nam Kỳ và được viết bằng “tiếng địa phương”, “tiếng nói dân gian”, “khẩu ngữ” là dấu hiệu của một tác phẩm dân gian, một “huyền thoại” (légende) [1, tr. 1-2], còn Gustave Janneau trong lời tựa bản phiên âm Lục Vân Tiên ra chữ Quốc ngữ đầu tiên năm 1867 thậm chí còn phủ nhận vai trò tác giả của Nguyễn Đình Chiểu, cũng như phủ nhận cả nền văn học viết bằng ngôn ngữ dân tộc của Việt Nam có từ trước đó [2, tr.7].

Nếu so sánh những nhận định của Nikulin với các ý kiến của người Pháp kể trên có thể thấy rõ sự khác biệt. Nơi nhà Việt Nam học người Nga không phải là cái nhìn thực dân phiến diện, mà là một quan điểm học thuật dựa trên cơ sở nghiên cứu những tư liệu đầy đủ hơn về tiểu sử và sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, cũng như về toàn bộ tiến trình lịch sử của văn học Việt Nam, trong đó có thể loại truyện thơ Nôm và mối quan hệ của nó với văn học hiện đại (ví dụ ông có bài viết “Truyện thơ Việt Nam thế kỷ XVIII – giữa thế kỷ XIX và tiểu thuyết hiện đại” in trong tập sách Nguồn gốc tiểu thuyết trong các nền văn học Á – Phi: Những ngọn nguồn dân tộc của thể loại do Viện Văn học thế giới mang tên Gorky và nhà xuất bản Nauka ấn hành năm 1980). Trong cái nhìn tổng quan về tiến trình lịch sử văn học Việt Nam như thế, Nikulin xem việc sử dụng ngôn ngữ bình dân, thông tục gần gũi với phương ngữ Nam Bộ, hay việc đưa bức tranh sinh hoạt thường nhật với những yếu tố trào phúng, châm biếm (như chi tiết thầy pháp chữa bệnh cho Lục Vân Tiên) vào tác phẩm là dấu hiệu tiệm cận quá trình hiện đại hoá. Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, theo Nikulin, là “sự kết thúc chặng đường lịch sử của trường ca tự sự” [6, tr.677].

*

Có thể nói, những trang viết về Nguyễn Đình Chiểu không nhiều trong tương quan so sánh với những công trình về Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh và các tác gia hiện đại Việt Nam, hay những nghiên cứu về văn hoá dân gian và văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam (Mường, Bana, Êđê...) của nhà Việt Nam học này. Tuy nhiên, với những gì mà chúng tôi có được trong tư liệu về Nguyễn Đình Chiểu của Nikulin, có thể thấy sự quan tâm sâu sắc và niềm yêu mến, cảm phục mà ông đã dành cho nhà thơ của Việt Nam như một con người tài năng và bản lĩnh, một nhân cách lớn. Những quan điểm của Nikulin đối với cuộc đời và sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu có thể phần nào đem lại cho chúng ta những gợi ý có tính chất phương pháp luận trong nghiên cứu văn học cổ điển Việt Nam. Ngoài ra, là một dịch giả văn học Việt Nam, tuy không công bố riêng biệt ấn phẩm dịch Nguyễn Đình Chiểu sang tiếng Nga, nhưng trong các bài viết của mình, Nikulin đã trích dịch nhiều câu thơ từ các tác phẩm, truyền đến cho người đọc Nga vẻ đẹp của thơ Nguyễn Đình Chiểu. Ông đặc biệt yêu thích hai câu nổi tiếng trong Dương Từ - Hà Mậu:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

bởi sự độc đáo của nghệ thuật thơ ca cả trên phương diện hình thức lẫn nội dung, và luôn dẫn chúng như những tuyên ngôn nghệ thuật của nhà thơ Việt Nam Nguyễn Đình Chiểu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Aubaret G. (traducteur) (1864), Luc-Van-Tiên, poème populaire annamite, Imprimerie Impériale, Paris.
  2. Janneau G. (transcripteur) (1873), Lục Vân Tiên, poème populaire annamite, Challamel Aîné, Libraire-Editeur, Paris.
  3. Nikulin N. I. (1971), Văn học Việt Nam sơ thảo [Вьетнамская литература. Краткий очерк], Nxb. Nauka, Moskva.
  4. Nikulin N.I. (1972), “Nhà thơ thân yêu của miền Nam Việt Nam” [“Любимый поэт вьетнамского Юга”], Tạp chí Văn học nước ngoài, Moskva, tr.272-275.
  5. Nikulin N.I. (1977), Văn học Việt Nam từ trung đại đến hiện đại. Thế kỷ X – XIX [Вьетнамская литература. От средних веков к новому времени. X-XIX вв], Nxb. Nauka, Moskva.
  6. Nikulin N. I. (2007), Lịch sử văn học Việt Nam (Nhiều người dịch), Nxb. Văn học và Trung tâm Nghiên cứu quốc học, TP. Hồ Chí Minh.
  7. Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (1968), Hồ Xuân Hương. Thơ (Хо-Суан-Хыонг. Стихи) (G.B. Yaroslavtsev dịch, N.I. Nikulin giới thiệu và chú giải), Nxb. Nauka, Moskva.
  8. Viện Văn học (1973), Nguyễn Đình Chiểu - Tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  9. Viện Văn học thế giới mang tên M.A. Gorky (1991), Lịch sử văn học thế giới gồm 9 tập [История всемирной литературы: В 9 томах], tập 7, Nxb. Nauka, Moskva.

 


[1] Quá trình hình thành bộ sách này bắt đầu từ giữa thập niên 1960, dự kiến ban đầu là 10 tập, sau đổi thành 9 tập, nhưng chỉ có 8 tập được xuất bản (1983 – 1994), do sự tan rã của Liên Xô và những thay đổi về chính trị, tư tưởng thời kỳ Hậu Xô viết. Tuy nhiên, nhan đề trên bìa lót của các tập sách vẫn ghi 9 tập, cũng như bản mẫu (maquette) của tập 9 còn được lưu trong các thư viện ở Nga.

[2] Ở đây, Nikulin nhắc đến sự kiện Michel Ponchon đến thăm Nguyễn Đình Chiểu tại nhà riêng của cụ, điều được chính vị quan chức Pháp này viết và đăng trên tờ L’Indépendant de Saïgon ngày 17/11/1883.

[3] Gabriel Aubaret (1825 – 1894) là một trong những nhân vật nổi tiếng của thực dân Pháp ở Việt Nam giai đoạn những năm 60 thế kỷ XIX. Vốn là một sĩ quan trong hải quân hoàng gia Pháp, Aubaret thông thạo nhiều thứ tiếng, biết chữ Hán và chữ Nôm, từng làm phiên dịch cho phái đoàn của Phan Thanh Giản trong các cuộc đàm phán với chính quyền Napoléon III để chuộc lại những vùng đất bị mất sau hoà ước 1862, và dự thảo cho hoà ước mới từ các cuộc đàm phán này (nhưng không được ký kết) được người Pháp gọi theo tên ông là Dự thảo hoà ước Aubaret. Aubaret sau đó được bổ nhiệm làm lãnh sự Pháp tại Bangkok (Thái Lan). Ngoài Lục Vân Tiên, Aubaret còn dịch Gia Định thông chí [Histoire et description de la basse Cochinchine (Pays de Gia-dinh), 1863], Hoàng Việt luật lệ [Code annamite. Lois et règlements du royaume d'Annam, 1865], biên soạn các sách như Từ vựng Pháp – Annam và Annam – Pháp [Vocabulaire Français-Annamite et Annamite-Français, 1861], Ngữ pháp tiếng Annam [Grammaire de la langue Annamite, 1864], ...

Trên trang Gallica của Thư viện Quốc gia Pháp có bản dịch Lục Vân Tiên, do nhà xuất bản Hoàng gia ở Paris in năm 1864, trên trang bìa có ghi thông tin về dịch giả Gabriel Aubaret khi đó đang làm lãnh sự Pháp tại Bangkok (Consul de France à Bangkok), cũng như xác định thể loại của tác phẩm là “truyện thơ dân gian An-nam” (poème populaire annamite). Xem: https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5844254h.texteImage

Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM số 32-33

http://tuanbaovannghetphcm.vn/nha-viet-nam-hoc-nguoi-nga-n-i-nikulin-viet-ve-nha-tho-nguyen-dinh-chieu-tap-chi-32-33/

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website