Cần có tiêu chí khoa học để phân biệt người đọc hiện đại và cổ điển

Vấn đề nguời đọc và cách đọc văn học là vấn đề thời sự, bởi không biết đọc, không thay đổi hệ hình đọc đang là vấn đề trở ngại cho tiếng nói phê bình văn học hôm nay. Một số người yêu cầu phải có đánh giá thống nhất trước mọi hiện tượng văn học, lại có người chủ trương cần có trọng tài phán xử đánh giá văn học. Những yêu cầu đó đều là biểu hiện của người đọc kiểu cũ.

 

Trong bài báo Khi người đọc xuất hiện (Văn học nước ngoài số 9 – 2009) Đỗ Lai Thuý coi các tiêu chí phân biệt người đọc cổ điển và người đọc hiện đại bao gồm: đứng ngoài/ đứng trong, thụ động/ chủ động, tuyến tính/ phi tuyến tình, đọc nghĩa tồn tại/ nghĩa kiến tạo. Tôi đã phê bình, coi là phi lí, không có cơ sở khoa học (Xem báo Văn nghệ số 24, ngày 12-6-2010). Sau bài báo ấy Đỗ Lai Thuý viết bài Người đọc như là... (Văn nghệ số 27, ngày 3-7-2010) giải thích lại quan điểm của anh để tránh mũi phê bình của tôi. Bây giờ anh coi bốn tiêu chí vừa nêu chỉ là tiêu chí phụ, tiêu chí định lượng, dùng để nhận diện. Còn tiêu chí cơ bản theo anh là do quan niệm tác phẩm thay đổi và do cách đọc khác trước. Nhưng tôi xin được nói rõ, những tiêu chí đã sai lầm thì nó không có giá trị nhận diện, và cả hai tiêu chí mới được anh nhấn mạnh cũng đều không có sức thuyết phục về mặt khoa học, nên cần phải tiếp tục thảo luận để đông đảo bạn đọc có được nhận thức rõ ràng đối với một số vấn đề lí luận hiện đại mà một số người nói xưng xưng như là chân lí, mà thực ra là “sai sự mục đích hết”. Lập thuyết cũng như phê bình không phải là câu chuyện phát biểu tuỳ hứng, tuỳ tiện.

1. Tiêu chí một, anh Thuý viết: “Từ chỗ coi tác phẩm như là kết quả của con người tiểu sử, tác giả của một trạng thái văn hoá - lịch sử, của một hoàn cảnh kinh tế - xã hội,... từ chỗ coi tác phẩm chỉ là văn bản... đến chỗ coi tác phẩm là văn bản + sự đọc (tức sự hiểu) thì người đọc (mới) xuất hiện. Nói điều tưởng như nghịch lí này là nói đến một thứ người đọc khác, phi truyền thống, thứ người đọc không chỉ cố tìm ra nghĩa tồn tại của văn bản, hay nghĩa chủ ý của tác giả, mà còn gián tiếp cùng tác giả xây dựng nên nghĩa kiến tạo, nghĩa ngoài chủ ý của tác giả, vừa như một đối sánh kinh nghiệm sống và kinh nghiệm thẩm mĩ của đôi bên, vừa như một cộng gộp chân trời của tác giả vào chân trời của người đọc. Tôi gọi loại hình người đọc này là người đọc hiện đại, còn người đọc trước là người đọc cổ điển”. Trong đoạn văn này cái quan niệm cho rằng chỉ khi coi tác phẩm là văn bản + sự đọc thì người đọc (mới) xuất hiện là không có cơ sở, bởi vì, theo lí thuyết tiếp nhận, bất cứ người đọc nào khi đọc tác phẩm nào cũng đã biết ít nhất sự đánh giá của người đọc trước (sự đọc) về văn bản, chứ không phải chỉ trần trụi một mình văn bản. Nếu là người đọc đầu tiên thì anh ta cũng biết qua nhan đề, qua thể loại, qua từ ngữ liên văn bản mà anh ta bắt gặp, nghĩa là không chỉ một mình văn bản....Chưa đọc Đỗ Phủ người ta đã biết thơ Đỗ Phủ hay rồi. Chưa đọc Nguyễn Tuân người ta đã biết văn Nguyến Tuân độc đáo rồi. Chưa đọc tác phẩm Bóng đè thì đã biết tác phẩm hoặc là lạ hoặc là miêu tả tính dục lộ liễu... Do đó đó không phải là tiêu chí phân biệt người đọc cổ điển hay hiện đại. Những người đọc kiểu cũ trước đây đã đọc văn bản với rất nhiều suy diễn ngoài chủ ý của tác giả để mà phê phán tác phẩm như Cây táo ông Lành, Vào đời... đặng mà xử lí về mặt tư tưởng hoặc tổ chức. Ở đây họ cũng đã cộng gộp kinh nghiệm của cá nhân, xã hội vào với nội dung văn bản rồi, quy cho chúng những tư tưởng tày trời ngoài chủ ý của tác giả. Người đọc phê bình mới Anh Mĩ đầu thế kỉ XX, chưa biết giải cấu trúc là gì, thuộc hệ hình người đọc cũ cũng đi tìm nghĩa ngoài chủ ý của tác giả, càng cho thấy đó không phải là tiêu chí phân biệt được hai loại hình người đọc.

Trong tiêu chí này anh Thuý còn phân biệt nghĩa tồn tại, nghĩa kiến tạo một cách giả tạo. Trong bài báo trước, tôi đã chứng minh rằng, do văn bản là một cấu trúc mời gọi, trong đó có nhiều chỗ để trống, để trắng, nhiều điểm chưa xác định, cho nên bất cứ người đọc nào cũng phải dựa vào dữ kiện của văn bản để kiến tạo nghĩa của văn bản thì mới hiểu được nó, cho nên nghĩa kiến tạo không phân biệt được người đọc cổ điển với người đọc hiện đại. Thêm nữa, theo lí thuyết tiếp nhận, cái gọi là nghĩa của văn bản bao giờ cũng là sản phẩm tác động qua lại giữa văn bản và hoạt động đọc của người đọc. Ngoài nghĩa đó ra không có nghĩa tồn tại nào hết. Do đó tách hai thứ nghĩa đó ra là không có cơ sở. Xem nghĩa tồn tại là nghĩa mà người đọc tin là có, là cái mà người đọc đi tìm, là nghĩa thông điệp, cũng không có cơ sở, bởi ngoài sự đọc thì không có nghĩa nào hết, mà nếu nghĩa xuất hiện qua sự đọc thì đó chỉ là nghĩa kiến tạo. Cả lí luận và thực tiễn đều sai cả.

2. Tiêu chí hai được anh Thuý coi là tiêu chí cơ bản. Đỗ Lai Thúy viết, “Tiêu chí cơ bản để phân biệt hai mô hình người đọc cổ điển và người đọc hiện đại là ở vấn đề nghĩa của văn bản. Người đọc cổ điển là người đi tìm nghĩa, tức thừa nhận trong văn bản có tồn tại một thứ nghĩa, nghĩa tồn tại, là thông điệp của tác giả gài vào. Với loại nghĩa lộ thì người đọc chỉ việc “bắt vòi” vào, còn đối với nghĩa ngầm thì phải mất công đào bới, làm “nổ tung” văn bản. Có người đào trúng, có người đào chệch, có người suy diễn, có người phán đoán, thậm chí có người “chẳng” thèm biết tác giả nghĩ gì thì cũng đều nhằm tìm cái nghĩa tồn tại ấy. Do đó, mọi thứ nghĩa (tưởng như) ngoài nghĩa thực chất cũng chỉ là những chuyến bay quanh cái nghĩa tồn tại [...]. Chỉ khi cấu trúc bị giải cấu trở nên phi trung tâm hoặc đa trung tâm chủ thể - đọc được tự do khỏi cấu trúc, thì mới có khả năng tạo ra nghĩa khác, nghĩa kiến tạo”. Đoạn này có những điều mâu thuẫn với đoạn trên và sai trong nội dung. Một là, ở đoạn văn trên anh còn thừa nhận có sự cộng gộp giữa nghĩa trong văn bản với sự đọc của người đọc, còn ở đoạn này anh lại tách rời nghĩa tồn tại với cái gọi là nghĩa kiến tạo (tức nghĩa của người đọc). Hai là anh lại còn sai về việc xác lập tiêu chí. Nguyên tắc đưa ra tiêu chí phân loại là đặc điểm của loại này không được chồng chéo vào loại kia, cái có ở loại này thì không được có ở loại kia, nếu không thì hai loại chập làm một và như thế việc phân loại không thành và tiêu chí không có giá trị khoa học. Như thế ta có thể hiểu, nếu người đọc cổ điển đi tìm nghĩa, thừa nhận có nghĩa, coi văn bản là thông điệp, tức là người đọc hiện đại không có các đặc điểm ấy, nếu không thì người đọc hiện đại chẳng khác gì người đọc cổ điển cả. Nếu hiểu như vậy tức là vô lí, bởi vì nếu người đọc hiện đại không thừa nhận có nghĩa, không đi tìm nghĩa, không coi tác phẩm là thông điệp thì họ đến với tác phẩm làm gì? Thứ ba, Đỗ Lai Thuý hiểu sai về giải cấu trúc, theo anh giải cấu trúc giải cấu thì không còn cấu trúc nữa, và người đọc tự do khỏi cấu trúc để tạo nghĩa kiến tạo. Điều này sai hoàn toàn, bởi vì giải cấu trúc chỉ giải cái cấu trúc trung tâm cứng nhắc, đơn nghĩa dể tạo ra nhiều nghĩa chứ không phải là xoá bỏ cấu trúc. Cấu trúc là một phát hiện lớn của nhân loại, nhờ nó mà người ta biết ý nghĩa được tổ chức như thế nào và phân tích ra sao. Cấu trúc là phương pháp tạo nghĩa. Nếu tự do khỏi cấu trúc thì không thể nào tạo được nghĩa nữa. Thứ tư, ở đoạn trên anh thừa nhận người đọc hiện đại cũng có đọc nghĩa tồn tại, ngoài ra mới có thêm nghĩa kiến tạo, còn ở đoạn dưới thì tuyệt nhiên không thừa nhận người đọc hiện đại có đọc nghĩa tồn tại. Rõ ràng anh hiểu vấn đề không đến nơi đến chốn, diễn đạt tuỳ hứng, tuỳ tiện các vấn đề khoa học nghiêm túc. Như thế, các học trò của anh sẽ tiếp thu như thế nào?

Phân tích những đoạn này không phải vì nhu cầu bắt bẻ, bới lông tìm vết, mà muốn chỉ ra rằng, Đỗ Lai Thuý cho đến bài viết này vẫn chưa có tiêu chí phân biệt được người đọc cổ điển và người đọc hiện đại, hơn thế nữa anh không có nguyên tắc khoa học để nêu ra tiêu chí phân loại. Khi nhà văn sáng tạo tác phẩm bao giờ cũng đều hứa hẹn với người đọc một thứ nghĩa để cho người đọc đi tìm, không có tác phẩm nào không có nghĩa tồn tại dưới dạng tiềm ẩn. Vấn đề chỉ là mức độ rõ rệt hay mơ hồ, đậm nhạt, nhưng không bao giờ thiếu vắng. Lại nữa xét theo lí thuyết tiếp nhận thì mọi cái nghĩa của tác phẩm đều là sản phẩm chung của nghĩa vốn có trong văn bản với sự phát hiện sáng tạo của người đọc, hoàn toàn không có chuyện tách rời nghĩa tồn tại với nghĩa kiến tạo. Hiểu theo nghĩa đó, nghĩa tồn tại chỉ là một nghĩa ảo, nằm trong niềm tin, không phải là nghĩa tồn tại thực. Mọi nghĩa tồn tồn tại (do phát hiện ra mà tồn tại) đều là sản phẩm chung của văn bản và người đọc kiến tạo mà nên. “Nghĩa của tác phẩm là là do sự tương tác giữa văn bản và người đọc tạo thành”. Theo Jauss, cái văn bản mà chúng ta đọc không bao giờ có thể tách rời với lịch sử tiếp nhận nó. Phê bình tính chất phi khoa học trong các tiêu chí phân biệt người đọc cổ điển và người đọc hiện đại không phải là tôi không thấy có sự phân biệt của hai loại người đọc cổ điển và hiện đại, mà là phải nhìn nhận nó theo những tiêu chí khác. Nói về nghĩa của văn bản, bao giờ cũng là sản phẩm tác động qua lại của văn bản và người đọc, do đó không thể tách rời nghĩa tồn tại và nghĩa kiến tạo. Đó là sự tách rời giả tạo.

Người đọc cổ điển là người chỉ tin rằng trong văn bản chỉ có một nghĩa duy nhất, và họ đi tìm cái nghĩa duy nhất ấy, mặc dù trên thực tế người ta cú mỗi lần đọc lại có phát hiện mới, tìm được nhiều nghĩa khác bổ sung nhau. Họ có khi lại tin rằng chỉ đọc một lần là xong, và chỉ có ai có tài năng mới hiểu được cái nghĩa thâm thuý ấy, ai đọc khác thì bị coi là thiếu năng lực thẩm mĩ. Người đọc hiện đại thì tin rằng văn bản có nhiều nghĩa và mỗi người trong hoàn cảnh nhất định có thể tìm được một nghĩa nào đó, làm cho nghĩa đó hiện thực hoá, trong ngữ cảnh khác lại tìm ra nghĩa khác. Do đó người đọc hiện đại xem việc đọc khác nhau là sự thường, phụ thuộc và tầm đón nhận của họ.

Nói như thế không có nghĩa là mọi sự đọc đều cào bằng, đều có giá trị như nhau, không phân biệt được đọc có cơ sở và đọc xuyên tạc, đọc có phát hiện sáng tạo và đọc máy móc, giáo điều. Đọc xuyên tạc là bất chấp lôgích, tức là cấu trúc của văn bản. Đọc giáo điều là áp đặt nhận định có trước, suy diễn cho văn bản. Đọc sáng tạo là phát hiện những ý nghĩa ẩn chìm, những tầng nghĩa sâu kín ngoài cả tầm kiểm soát của tác giả. Hệ hình đọc mới cho phép có nhiều cách đọc khác nhau, vận dụng nhiều phương pháp khác nhau, và chúng đều bình đẳng trong phát hiện tác phẩm. Giải cấu trúc không có nghĩa là mọi cách đọc dựa vào cấu trúc nay đều vứt bỏ đi hoặc lỗi thời. Thực ra không phải vậy. Giải cấu trúc là giải cái cấu trúc trung tâm duy nhất, chỉ thừa nhận một cấu trúc với một nghĩa trung tâm. Giải cấu trúc là nền tảng của hậu cấu trúc, nghĩa là cấu trúc mở, đa nghĩa. Đối với văn học mọi cấu trúc đều là cấu trúc mở. Nhà phê bình xác lập cấu trúc để tìm nghĩa thực tế chỉ là một phương diện mà thôi, còn nhiều phương diện khác. Chẳng hạn cấu trúc phân tâm học chỉ tìm được một số nghĩa ứng với thuyết phân tâm, nhà xã hội học văn hoá sẽ tìm thấy nghĩa khác ứng với cấu trúc văn hoá, nhà thi pháp khám phá cấu trúc của thế giới nghệ thuật và tìm thấy nghĩa nghệ thuật. Riêng với nghĩa nghệ thuật này, những người đọc khác nhau vẫn có sở đắc khác nhau. Tóm lại là người đọc hiện đại đứng trước viễn cảnh có nhiều cách đọc khác, mà không cách nào áp chế cách nào. Vấn đề giản đơn chỉ có thế mà có người lại nghĩ ra đến sáu bảy tiêu chí để phân biệt một cách giả tạo, làm rối trí người đọc, không biết để nhằm mục đích gì?

Hà Nội, ngày 7 – 7 – 2010

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 20-7-10

Nguồn: http://www.viet-studies.info/TranDinhSu_NguoiDoc.htm

Danh mục website