Sử thi tộc người Stiêng “Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas”

 

A. TÓM TẮT TÁC PHẨM

Krông Kơ Laas là con của vua trời Vrah Ơn Lơ Wak và bà Lươm Jiang Nơar. Vì muốn như chị của mình là Lươm Cao Vrah, được người dưới mặt đất dâng đồ cúng, Krông Kơ Laas quyết định xuống mặt đất để tìm một người vợ làm trung gian tổ chức lễ bà bóng và dâng đồ cúng cho chàng. Đồng thời, chàng nghe lời đồn đại rằng ở dưới mặt đất có nàng Rơ Liêng Mas, đã có chồng là chàng Vram, vô cùng xinh đẹp. Vì thế, bỏ mặc những lời khuyên nhủ và ngăn cản của cha mẹ, Krông Kơ Laas quyết tâm xuống đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas về làm vợ mình.

Trên đường bay xuống mặt đất, Krông Kơ Laas được thần rừng Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach đón tiếp và chiêu đãi chu đáo. Lần lượt, Krông Kơ Laas còn được các thần: thần sông, thần suối, thần núi, thần đèo chào hỏi ân cần. Krông Kơ Laas đã đi qua rất nhiều ngôi làng, nhiều khu rẫy trù phú. Chàng còn đi qua cả ngôi làng cũ của Jiang Yâu Wdra, Lươm Kơ Sap Ca, Mlach Lơ Ha Yâu Keng Rơach với cảnh vật hoang vắng, u buồn.

Sau khi vượt qua được quãng đường khá xa, vì sợ bị phát hiện, Krông Kơ Laas liền hóa thân thành con chim cu và bay tới đậu trên cây dừa rồi cây cau trước nhà nàng Rơ Liêng Mas. Được tận mắt chiêm ngưỡng sắc đẹp của Rơ Liêng Mas, Krông Kơ Laas quá mừng rỡ. Lợi dụng sự vô ý của Rơ Liêng Mas khi đang chuyện trò với chồng là Vram, Krông Kơ Laas từ lốt con chim cu liền hóa thành con ong bay đến cướp hồn của Rơ Liêng Mas rồi bay đi mất. Mặc cho lời kêu cứu thảm thiết của Vram, cơ thể Rơ Liêng Mas mễm nhũn ra vì đã mất hồn. Nghe tiếng kêu cứu, mọi người chạy đến, trong đó có anh trai Jiang Sơ Đơach Lơ[1] và chị dâu Lươm Koon Gơôr của Rơ Liêng Mas. Khi đã nghe Vram tường thuật đầu đuôi sự việc, Jiang Sơ Đơach Lơ mơ hồ nhận ra có một sự bất thường ở đây nên sai con trai là Nglon Hơr đi nhờ các thầy bà bóng đoán tìm nguyên nhân. Nglon Hơr lập tức đi tìm các thầy bà bóng. Chàng đi qua nhiều làng, đến nhà nhiều thầy bà bóng nổi tiếng nhưng tất cả đều lắc đầu bất lực. Ngay cả đến bà thầy có tiếng tăm nhất là bà Vôk Di Vrâu Da Vrah Jơ Ngơat cũng đành chịu thua. Nglon Hơr quay về trong nỗi thất vọng. Trong lúc đó, Jiang Sơ Đơach Lơ chợt nhớ ra Lươm Koon Gơôr cũng là thầy bà bóng giỏi, liền kêu Lươm Koon Gơôr hãy lên đồng đoán việc. Lươm Koon Gơôr lấy đèn sáp, lấy nhang đốt lên rồi dò tìm thật tỉ mỉ. Từ đồ dùng, vật nuôi trong nhà đến các thần: thần núi, thần suối, thần sông, thần đầu nguồn nước, thần cuối nguồn nước, thần cây to cây nhỏ, thần cây sao, thần cây sến, thần cây si, thần cây bồ đề, thần chòi rẫy, thần chòi lúa, thần đá to, thần núi lớn đều được Lươm Koon Gơôr thăm dò nhưng nàng không thể phát hiện ra một sự bất thường nào dù là nhỏ nhất.

Về phần Krông Kơ Laas, từ khi đoạt được hồn của Rơ Liêng Mas, chàng quá hạnh phúc, ngày đêm ôm ấp linh hồn ấy không rời nửa bước. Trong khi đó, Jiang Sơ Đơach Lơ vô cùng đau khổ và tìm mọi cách để cứu em gái mình. Sau một thời gian suy tính, Jiang Sơ Đơach Lơ quyết định sai Nglon Hơr tìm đến Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach nhờ nàng ta cứu giúp. Đi cùng Nglon Hơr còn có em trai của chàng là Tung Vrơlênh. Họ bay qua những cánh đồng, những khu rẫy và cuối cùng cũng đến được nhà của Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach. Sau khi nghe Nglon Hơr trình bày, Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach đồng ý giúp đỡ. Nàng lấy đèn sáp, lấy nhang đốt lửa lên rồi đọc thần chú, hai tay và môi rung lên. Một hồi thật lâu, thần đã nhập vào người. Khi tắt lửa đèn sáp và nhang, Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach mới tỉnh người và tường thuật lại cho anh em Nglon Hơr biết. Nguyên nhân là do Krông Kơ Laas, con của vua trời Vrah Ơn Lơ Wak, cướp linh hồn của Rơ Liêng Mas, muốn cho Rơ Liêng Mas ngã bà bóng. Đồng thời chàng cũng muốn sau này hàng năm Rơ Liêng Mas phải dâng đồ cúng bà bóng. Nếu không thực hiện đúng theo lời dặn tổ chức lễ bà bóng cho Rơ Liêng Mas thì nàng sẽ chết dần.

Anh em Nglon Hơr tức tốc quay trở về thông báo với làng. Mọi người gấp rút chuẩn bị lễ hội bà bóng để cứu Rơ Liêng Mas. Để tổ chức đúng theo yêu cầu, Nglon Hơr cùng với hai ba người đi chặt lồ ô ở trên đầu núi Con Ó. Họ phải chặt từng cây một, lựa chọn những cây không bị dơi đục làm tổ và không bị thấm nước bên trong. Những người khác thì mỗi người mỗi việc, nào là làm cây nêu bảy tầng, cái miếu nhỏ dâng lễ thần với nhiều cach thức, màu sắc, loại kiểu. Nhóm khác thì phụ trách đánh trống, thổi kèn, đánh cồng chiêng. Các thầy bà bóng thì đọc thần chú và lên bà bóng. Một số khác giết gà, mổ vịt, cắt tiết heo để đãi khách đủ ba ngày ba đêm.

Lễ hội diễn ra long trọng, thấu đến thiên đình nhưng mặc cho lời khuyên nhủ của bà Lươm Jiang Nơar, Krông Kơ Laas vẫn chưa muốn thả hồn Rơ Liêng Mas về mặt đất. Chàng tiếp tục đòi hỏi là phải có Tơ Boong Mas đánh trống và Vram đánh cồng chiêng. Chuyện này tới tai Jiang Sơ Đơach Lơ, lập tức Jiang Sơ Đơach Lơ sai Nglon Hơr đi mời Tơ Boong Mas tới. Tơ Boong Mas là người yêu cũ của Rơ Liêng Mas. Dù Rơ Liêng Mas đã có chồng nhưng Tơ Boong Mas vẫn còn lưu luyến chuyện ngày xưa. Ngay khi Nglon Hơr đến mời, Tơ Boong Mas tức tốc lên đường. Từng kỷ niệm tái hiện trong suốt đoạn đường đi khiến cho Tơ Boong Mas nhiều lần rơi nước mắt.

Khi Tơ Boong Mas xuất hiện, lễ hội càng thêm long trọng bởi tiếng trống và cồng chiêng của Vram. Âm thanh của lễ hội lại vang đến thiên đình và lần này Lươm Cao Vrah nghe thấy. Nàng buộc em trai phải trả linh hồn Rơ Liêng Mas trở về thể xác. Và đến lúc này, Krông Kơ Laas không thể nào làm khác được. Chàng lại hóa thân thành con chim cu, mang linh hồn Rơ Liêng Mas trả về mặt đất. Khi tỉnh dậy, Rơ Liêng Mas hòa vào đám đông và nhảy múa. Cũng trong buổi lễ này, Jiang Koon Coh Srơ Môk – một vị khách - đã thương thầm sắc đẹp của nàng. Còn Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng thì bị ngải duyên của Lươm Koon Gơôr làm cho si mê như điên dại. Chính vì vậy, hắn mưu toan cướp Lươm Koon Gơôr về làm vợ mình. Hắn giả vờ giao kèo trao đổi vật dụng giữa hai buôn làng với Jiang Sơ Đơach Lơ. Sau đó, hắn trở về làng huy động đồ đạc, vũ khí và những thanh niên khỏe mạnh nhằm thực hiện một cuộc trao đổi trá hình. Lợi dụng sự vô ý của Jiang Sơ Đơach Lơ, Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng chuốc rượu có thuốc mê cho Jiang Sơ Đơach Lơ uống rồi trói chàng vào gốc cây và đánh đập. Hắn buộc Jiang Sơ Đơach Lơ phải nhường vợ cho mình. Chuyện này bị Rơ Liêng Mas phát hiện. Ngay lập tức, nàng báo cho Lươm Koon Gơôr. Lươm Koon Gơôr hoảng hốt hóa thân thành con thằn lằn và chui trốn vào trong ống khung dệt vải. Bọn Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng kéo đến nhà Jiang Sơ Đơach Lơ để bắt cóc Lươm Koon Gơôr nhưng không tìm thấy. Chúng buộc Rơ Liêng Mas trong ba ngày phải giao nộp Lươm Koon Gơôr nếu không Jiang Sơ Đơach Lơ sẽ không được thả. Rơ Liêng Mas tìm đến nhà Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach nhờ nàng ta tạo ra một người bằng sáp ong và bạc giống hệt Lươm Koon Gơôr. Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach đồng ý. Nàng nhờ những thợ giỏi gia công bằng cách lấy bạc trộn với sáp ong đổ vào khuôn rồi đặt lên đống than quạt cho ra gió để than cháy thành lửa. Mười cái quạt gió nhập thành một rồi lửa phụt cháy lên. Ngọn lửa cao bằng nóc nhà, rồi bạc và sáp ong tan thành nước hỗn hợp với nhau trong khuôn thành một. Sau đó, các thợ nhấc ra lấy búa đập và rèn thành con người. Người thì nặn mặt mũi, người thì nặn chân tay, người thì nặn đầu làm tóc giống hệt Lươm Koon Gơôr. Rồi họ lấy nước thánh đổ vào người bằng bạc sáp ong, đặt lên khuôn và lò lạnh quạt cho đều gió. Người bằng bạc sáp ong hắt hơi, bắt đầu cựa quậy và nói được tiếng người. Sau đó, Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach rắc ngải duyên và nước thánh lên người của Lươm Koon Gơôr. Rơ Liêng Mas giao Lươm Koon Gơôr giả cho Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng và tạm gửi Lươm Koon Gơôr thật ở chỗ Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach.

Jiang Sơ Đơach Lơ sau khi được tha về, không biết người được giao cho Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng là Lươm Koon Gơôr giả nên chàng vô cùng đau buồn, không thiết ăn uống, ngày đêm than khóc vì nhớ vợ. Trong khi đó, Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng thì rất vui mừng vì cướp được vợ đẹp. Nhưng niềm vui ấy không tồn tại bao lâu, kế tráo người của Rơ Liêng Mas đã bị Lươm Cao Vrah Koon Vrah Ơn Lơwak phát hiện và nàng ta làm phép thuật khiến cho Lươm Koon Gơôr giả bị tan chảy dưới ánh nắng mặt trời gay gắt gấp mười lần mức bình thường. Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng nổi trận lôi đình. Hắn lập tức tập hợp dân làng để chuẩn bị sang đánh làng Jiang Sơ Đơach Lơ nhằm cướp Lươm Koon Gơôr một lần nữa, nhưng Jơ Lang Gak – một vị già làng có uy tín - xuất hiện. Ông ta phân tích sự ngang ngược của Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng khi đi cướp vợ người, đồng thời lên tiếng phản đối cuộc xâm lược sắp tới. Dân làng lắng nghe và hiểu ra điều hay lẽ phải. Họ nhất quyết không nghe theo lời Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng và giải tán về nhà. Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng quá đau buồn và xấu hổ, đành quay về ôm mặt khóc.

Jiang Sơ Đơach Lơ dần phục hồi sức khỏe nhưng nỗi buồn vẫn không vơi. Rơ Liêng Mas vì muốn thử lòng anh mình đối với vợ nên giả vờ xui khiến anh trai đến gá nghĩa với nàng Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach. Jiang Sơ Đơach Lơ quyết định đến nhà Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach với ước mong tìm được Lươm Koon Gơôr, đó là niềm hy vọng cuối cùng của chàng. Qua bao cánh đồng làng mạc, cuối cùng Jiang Sơ Đơach Lơ cũng tìm thấy nhà Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach. Chàng được Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach tiếp đón ân cần. Họ cùng ăn cơm và uống rượu với nhau rất vui vẻ nhưng khi Jiang Sơ Đơach Lơ hỏi về vợ mình thì Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach vờ lắc đầu phủ nhận. Sau đó, Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach giả vờ say rượu và đi ngủ sớm. Còn lại một mình, Jiang Sơ Đơach Lơ đánh liều đi vào buồng của Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach để tìm Lươm Koon Gơôr vì Jiang Sơ Đơach Lơ tin rằng Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach đang giấu vợ mình. Khi ấy, Lươm Koon Gơôr đang nằm trong buồng thì thấy Jiang Sơ Đơach Lơ bước vào. Nàng hốt hoảng phủ chăn khắp người để Jiang Sơ Đơach Lơ không phát hiện. Jiang Sơ Đơach Lơ cứ tưởng đó là Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach nên bôc bạch tâm sự về nỗi lòng của mình khi xa vợ, rồi chàng ngủ thiếp đi. Lươm Koon Gơôr xúc động rơi nước mắt trước tấm lòng của chồng. Nàng lấy xác trầu cau rải lên người Jiang Sơ Đơach Lơ rồi van vái cho Jiang Sơ Đơach Lơ được mơ thấy nàng. Và Jiang Sơ Đơach Lơ đã nằm mơ thấy Lươm Koon Gơôr, chàng giật mình tỉnh giấc thì chỉ thấy người nằm phủ chăn. Bán tín bán nghi, Jiang Sơ Đơach Lơ giả vờ xin ra ngoài và nhờ người kia thắp đèn. Đến lúc này thì Lươm Koon Gơôr không thể tránh mặt chồng mình được nữa. Hai vợ chồng gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Sáng hôm sau, họ từ giã Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach và quay trở về làng. Họ hàng, làng xóm hay tin Jiang Sơ Đơach Lơ tìm thấy Lươm Koon Gơôr liền tụ tập đông đủ và làm lễ cột tay ăn mừng cho Lươm Koon Gơôr. Mọi người cùng nhau vui chơi, ăn uống say sưa ba ngày ba đêm rồi ai trở về nhà nấy. Còn lại người trong gia đình, Jiang Sơ Đơach Lơ tường thuật lại câu chuyện. Hai vợ chồng lại sống hạnh phúc như xưa.

 

B. BIÊN TẬP VĂN HỌC

1. Xác định thể loại tác phẩm

Trong qua trình phát hiện, dịch thuật và tìm hiểu, chúng tôi xác định tác phẩm Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas thuộc thể loại sử thi. Đi vào phân tích tác phẩm sử thi Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas, dựa trên bốn tiêu chí nhằm xác định thể loại như: tính truyền thống (chức năng thể loại trong đời sống cộng đồng), tính diễn xướng cộng đồng (nghệ nhân hát kể trước công chúng), đề tài, nội dung có tính rộng lớn, kể về sự kiện trọng đại của quá khứ, và hình thức truyện kể tự sự trường thiên xen văn vần (yếu tố thi pháp), chúng tôi xin cụ thể hóa từng vấn đề như sau:

1.1. Tính truyền thống (chức năng thể loại trong đời sống cộng đồng)

Sử thi nảy sinh và tồn tại trong đời sống các tộc người không chỉ với tư cách một tác phẩm nghệ thuật mà còn là pho lịch sử, cuốn bách khoa toàn thư của dân tộc đó. Vì thế mà người Ấn Độ đã tự hào khẳng định “Cái gì không có trong sử thi Mahabharata thì cũng không thể tìm ở đâu trên đất nước An Độ”. Sức ảnh hưởng của sử thi đối với tâm thức con người vô cùng lớn lao, sử thi được ví như một loại thánh kinh của tộc người, là niềm tự hào của họ khi bước ra thế giới văn minh. Mỗi áng sử thi vượt qua khuôn khổ của một tác phẩm văn học để đảm nhận những chức năng quan trọng trong đời sống, tín ngưỡng, văn hóa của cộng đồng.

Khảo sát nội dung tác phẩm, chúng tôi còn nhận thấy rằng yếu tố thần linh đóng vai trò khá bền chặt trong đời sống cộng đồng. Có rất nhiều vị thần được thờ cúng trong Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas: thần sông, thần suối, thần núi, thần đèo, thần cây to, thần cây nhỏ, thần đầu nguồn nước, thần cuối nguồn nước, … Hầu như trong từng sự kiện quan trọng của tác phẩm đều có sự chạm tay của thần linh. Rơ Liêng Mas bị đoạt hồn là do Krông Kơ Laas, con của vua trời, thực hiện. Việc tìm hiểu nguyên nhân vì sao Rơ Liêng Mas bị ngất xỉu là do Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach được người cõi trên nhập hồn và mách bảo cho người dưới mặt đất biết. Ngay cả đến việc tạo dựng một Lươm Koon Gơôr giả tạo bằng bạc và sáp ong là một thành quả vĩ đại trong ước mơ của con người xưa kia thì cũng phải sử dụng nước thần và ngải duyên để Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng bị mê hoặc và không nghi ngờ. Các nhân vật đều biết bay, có thể biến hóa thành động vật /môtíp biến hình: con chim, thằn lằn, … Điều này chứng tỏ việc mô tả các sự kiện đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của lối tư duy thần thoại vào thời đại sử thi.

Với quan niệm “vạn vật hữu linh”, người Stiêng trong tác phẩm này luôn có thái độ trân trọng đối với mọi vật xung quanh. Họ có thể giao tiếp và thấu hiểu được chúng. Điển hình qua những cuộc đối thoại giữa con người và loài vật: Nglon Hơr nói chuyện với thú rừng, Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng nói chuyện với chó, Jiang Sơ Đơach Lơ nói chuyện với chó, … Chi tiết này phản ánh quan niệm tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” của người Stiêng xưa rất rõ. Với họ, loài vật cũng có đời sống xã hội giống con người nên việc loài vật nghe và hiểu tiếng người là điều dễ hiểu trong tác phẩm. Cụ thể hơn, tác phẩm còn chứa đựng một số nghi lễ tổ chức lễ hội mang tính truyền thống được giữ gìn cho đến ngày nay như: lễ hội bà bóng để dò đoán nguyên nhân và chữa trị cho người có bệnh; lễ phá bào tát cạn nước, bắt cá, rồi dùng nơm chụp cá, kéo lưới, phát cỏ và ăn uống cùng nhau, lễ cột tay dành cho những người bị bắt hoặc đi lạc được trở về, … Ngoài ra, qua sử thi này, chúng tôi còn phát hiện thêm nhiều tập tục khá thú vị của người Stiêng xưa: nếu trong nhà có heo đẻ ba con, dê đẻ bốn con và gà bay ban đêm thì phải giết ngay để tránh điềm xấu, bệnh tật; khi đến nhà người khác thì phải leo lên thang đến hàng hiên lấy nước rửa chân rửa tay và mặt rồi mới bước lên nhà; sau lễ cúng bà bóng, mỗi thầy bà bóng phải tự đi về, không cho ai đưa đón, nếu sai luật sẽ bị người cõi trên quở trách; muốn đánh thức người khác đang ngủ thì nên nhai trầu rồi lấy bã đặt lên ngực, người đó sẽ mơ thấy người đat bã và tự động thức dậy; tập tục mang trầu cau ăn theo dọc đường, … Bên cạnh đó, những nghề truyền thống của người Stiêng cũng được nhắc đến: người đàn bà dệt thổ cẩm, người đàn ông vót mây đan gùi, rèn đồ dùng và trang sức. Đây là những công việc lao động được duy trì trong một thời gian dài. Ngày nay, với sự phát triển kinh tế, đàn ông và phụ nữ có nhiều việc để làm hơn nên lao động dệt thổ cẩm và đan gùi trở nên thưa dần. Tuy nhiên, những người già trong làng vẫn còn thói quen này.

                Tính truyền thống cũng thể hiện qua thế giới ngôn ngữ trong tác phẩm. Đã có sự xuất hiện nhiều danh từ chỉ đồ vật, cây cối, cách diễn đạt, … chỉ còn trong ký ức của những nghệ nhân. Ví dụ như khi tìm hiểu Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas, chúng tôi phát hiện một số từ rất lạ: cây cao nọt trầu (cây cau), cây yau (cây nhàu), thần chòi rẫy (thần canh giữ rẫy), thần chòi lúa (thần canh giữ bồ lúa của mỗi gia đình), bào (ao nước tự nhiên mà có), phum ma hoang (nghĩa địa), … Đây cũng là đặc điểm quan trọng đã tạo nên không khí thời đại của sử thi. Vì vậy, như Davlêtôp đã nhận xét: “Chức năng của sử thi trong thời kỳ ban đầu: có một thời, những thiên trường ca mang tính chất sử thi là một pho sách độc đáo về những kiến thức cung cấp cho mỗi thế hệ mới khái niệm về lịch sử của dân tộc mình, về cuộc đấu tranh của dân tộc đó với thiên nhiên và với những bộ lạc lân cận. Loại sử thi đó xuất hiện như là truyền thuyết, như một sự củng cố những ký ức về quá khứ, và thậm chí một sự củng cố kinh nghiệm lao động[2].

1.2. Tính diễn xướng cộng đồng (nghệ nhân hát kể trước công chúng)

Trước khi phát hiện ra sử thi phương Đông thì quan niệm về sử thi thế giới chủ yếu dựa trên những ý kiến của Hêghen về tư liệu sử thi phương Tây (Iliat và Ôđixê). Đó là những tác phẩm vĩ đại của người Hy Lạp cổ đại, một dân tộc hùng mạnh mà các thành tựu văn hóa, văn minh của họ là tiền đề cho những thành tựu của châu Âu hiện đại. Trong hình dung của Hêghen và những nhà mỹ học phương Tây, sử thi được coi như thành tựu của nền văn học viết với những tác phẩm được văn bản hóa. Sử thi là thành quả của quá trình văn bản hóa lâu dài, với sự tham gia lớp lớp thế hệ những nghệ nhân chuyên nghiệp. Văn bản sử thi đó đã vĩnh viễn mất đi hoàn cảnh và hình thức diễn xướng ban đầu của nó, không còn những nghệ nhân tiếp tục truyền thống hát kể sử thi. Các tác phẩm tồn tại trên văn bản, nằm trên trang giấy.

Sử thi Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas thuộc cái nhìn mới về loại hình sử thi phương Đông. Bên cạnh những bằng chứng của việc sưu tầm, ghi âm toàn bộ tác phẩm sử thi Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas mà già làng Điểu Mí đã hát kể, chúng tôi còn được tham dự các lễ hội cúng bà bóng, cúng mừng lúa mới. Trong các buổi lễ này, yếu tố diễn xướng giữ vai trò chủ đạo. Các già làng có thể ca hát suốt mấy ngày đêm liền. Đặc biệt, sử thi Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas trên thực tế đã mang tính chất nghi lễ của tín ngưỡng dân gian bởi lẽ cho đến ngày nay thỉnh thoảng tác phẩm vẫn được dùng để hát kể trong các lễ hội cúng bà bóng thông qua những lời khấn nguyện, những câu thần chú và nghi thức tổ chức. Sử thi này được xem như là nguồn cội của lễ hội bà bóng. Trong đó, nàng Rơ Liêng Mas là hình tượng bà bóng linh thiêng cho nên việc diễn xướng tác phẩm này là điều cần thiết đối với các nghệ nhân.

Thời gian hát kể sử thi thích hợp nhất thường là vào những lúc mùa vụ rảnh rang, trong những ngày lễ hội, … thời điểm cụ thể là sau bữa ăn tối (khoảng 20 đến 21 giờ) và địa điểm tự do. Quá trình diễn xướng cũng không bị quy định nghiêm ngặt về mặt hình thức như: thời gian, không gian, đối tượng hát kể, nghe, …. Tuy nhiên, do quỹ thời gian của chúng tôi quá eo hẹp nên đã ngầm thỏa thuận với già làng Điểu Mí về giờ giấc diễn xướng. Già làng Điểu Mí không quá câu nệ vào địa điểm. Ông có thể hát kể ở nhà của mình, nhà của bà con, anh em trong hoặc ngoài làng, hát kể ngoài rẫy, nhà rông hoặc một nơi tập trung đông người nào đó. Điều kiện – nếu có thể gọi như vậy – mà ông mong đợi là hát kể ở trong nhà. Bởi vì ngoài lý do “ông bà xưa đều làm thế” còn một sự thật khác giúp cho ông đỡ mệt là khi giọng hát kể của ông được cộng hưởng trong một khoảng không gian hạn chế và tất nhiên là không bị gió cuốn, lẫn vào tạp âm.

Chúng tôi đã ghi lại tác phẩm này khi cùng nghe với các thanh niên trong làng ở không gian gia đình và thời gian tự do. Già làng Điểu Mí không hát kể một cách chuyên nghiệp mà mang tính gia truyền. Ông không biết chữ nhưng thuộc khá nhiều câu chuyện kể. Khi hát kể, ông có niềm tin thiêng liêng vào câu chuyện kể của mình. Có khi, chúng tôi phải liên tục di chuyển địa điểm diễn xướng vì già làng Điểu Mí cho rằng “không nên”, “sợ bề trên quở phạt”. Trước mỗi buỗi diễn xướng, chúng tôi đều dâng đồ cúng. Chúng tôi có cảm giác như ông ta tin rằng đâu đó trên ngọn cây, nơi sông suối, trên trời, … các vị thần linh, tổ tiên đang ngự trị nghe lời khấn cầu, lời hát của họ sẽ trở về. Giọng điệu của những câu hát có lúc tha thiết, trầm buồn, có khi hào hùng, sảng khoái. Sức hấp dẫn của câu chuyện không những nằm ở động tác, cử chỉ của người nghệ nhân mà còn thông qua nét mặt, sự thay đổi giọng của người nghệ nhân. Có đoạn vừa hát kể già làng Điểu Mí vừa khóc. Đó là đoạn Tơ Boong Mas trên đường đi đến lễ hội bà bóng để giúp Rơ Liêng Mas ngã ngũ bà bóng, chàng đã đi qua nhiều nơi kỷ niệm của những ngày chàng và Rơ Liêng Mas còn yêu nhau. Đây là trường đoạn đã gợi cho già làng Điểu Mí nhớ về thời trai trẻ, về những ngày lên nương, cùng bạn bè hát đối đáp bài hát này. Giờ đây, những người năm cũ đã ra đi, chỉ còn mình ông ngồi đây hát lại trong nỗi cô đơn. Trường đoạn cũng làm ông nhớ đến người vợ quá cố với nỗi thương tiếc không nguôi. Họ cũng đã từng có những kỷ niệm ngọt ngào của ngày đầu hò hẹn. Và cũng ở trường đoạn này, chúng tôi thật sự đã có sự rung cảm mãnh liệt nhất cho dù nó chiếm vị trí khá hạn hẹp trong tác phẩm. Từ đó, chúng ta thấy được rằng yếu tố diễn xướng đóng vai trò không nhỏ trong việc hình thành cảm xúc nơi người tiếp nhận.

Khi có dịp gần gũi với già làng Điểu Mí, chúng tôi có cảm giác ông là một con người hết sức bình thường, lại vừa hết sức không bình thường. Bình thường bởi ông cũng giống như bao người dân nơi đây: nghèo khó, mù chữ, thu nhập chính vẫn từ rẫy, ruộng. Ông không hề học qua bất cứ trường lớp đào tạo nào về nghệ thuật trình diễn và việc hát kể sử thi đối với ông không phải là một nhiệm vụ bắt buộc, không gắn liền với lợi ích vật chất. Dù vậy, ông vẫn được mọi người kính trọng. Nhìn chung, phẩm chất nổi bật nhất ở ông là trí nhớ bẩm sinh tuyệt vời, sức khỏe và chất giọng tốt để có thể nhớ hàng năm, bảy nghìn hay hàng vạn câu văn vần, văn xuôi, có khả năng kết nối chúng thành câu chuyện có ý nghĩa về tư tưởng và nghệ thuật cao. Tuy nhiên, tài năng của già làng Điểu Mí cũng chỉ dừng lại ở mức thuộc lòng và diễn xướng tốt tác phẩm sử thi. Ông không thể giải thích được thêm ngoài những gì đã trình bày theo “khuôn mẫu” như “ông bà xưa để lại”. Ông thường làm vừa lòng chúng tôi bằng những câu nói thật thà nhưng thật khó bắt bẻ như: Tôi kể theo ông bà xưa thôi …

Tài năng của người hát kể chính là yếu tố quyết định sự thành công của hoạt động hát kể sử thi. Phần còn lại của sự thành công ấy là vai trò của những khán, thính giả. Đề cập đến vấn đề này, tác giả sách Fônclo Bâhnar nhận xét khá chính xác rằng: “Hầu như toàn bộ người nghe đều biết rất rõ cốt truyện và diễn biến của chuyện. Một số người còn thuộc cả lời văn của vài đoạn nào đó. Song tất cả đều gnhe rất say sưa, chân thành và hết mình. (…). Họ đến để được cùng người hát – kể sống với các nhân vật và không gian – thời gian của câu chuyện” nên những “người nghe ngồi im như những pho tượng, mắt đăm đăm nhìn vào ngọn lửa trước mặt. Đến trẻ em cũng không dám ho he trong một không khí như vậy”[3]. Quả đúng như vậy, sự chú ý của đám đông trong buổi hát kể sử thi bao giờ cũng rất cao. Cộng cư liền kề, có thể họ đã biết nội dung câu chuyện ấy sẽ diễn tiến ra sao, số phận nhân vật kia sẽ như thế nào song họ vẫn háo hức chờ đợi lời kể của nghệ nhân qua từng trường đoạn. Chính vì tự cho mình cái “quyền” được trôi theo câu chuyện, vui buồn  cùng các nhân vật nên điều mong đợi của họ là việc người hát kể sẽ thay họ nói hay làm cái điều này, việc nọ với các nhân vật. Họ nghe một cách nghiêm trang đến nỗi trẻ con không dám ồn ào, nhốn nháo. Sở dĩ có sự say mê kỳ lạ này là do người hát kể lẫn người nghe đều tin rằng trong khi hát kể sử thi, các nhân vật đã hiện về sống với họ và họ được chung sống với những nhân vật huyền thoại, những thần linh trong những phút giây thiêng liêng ấy.

1.3. Đề tài, nội dung có tính rộng lớn, kể về sự kiện trọng đại của quá khứ

Sử thi biểu hiện toàn bộ đời sống văn hóa, lịch sử của cộng đồng, thể hiện quá trình vận động của tộc người đó qua các giai đoạn lịch sử xã hội khác nhau. Davlêtôp nhận xét “Trong thời đại anh hùng, cái cổ vũ các dân tộc và quyết định sự phồn vinh của thể sử thi là trình độ văn hóa của một dân tộc nhất định, đó là việc dân tộc ấy nhận thức được bản thân mình với tư cách là một tập thể vô cùng rộng lớn. Sử thi anh hùng ca là sự phản ánh việc giác ngộ của cái tập thể nhân dân đang được hình thành đó. Những tác phẩm phản ánh trực tiếp những thắng lợi của con người đối với thiên nhiên và sự tạo ra những công cụ và phương tiện sản xuất – những tác phẩm đó không chỉ là những truyền thuyết riêng lẻ, mà còn là những thiên trường ca đã cho ta một khái niệm về thời kỳ đầu tiên của sự phát triển xã hội[4].

            Như vậy, sử thi bao trùm một nội dung rộng lớn. Khi tìm hiểu sử thi Tây Nguyên, tác giả Phan Đăng Nhật cho rằng có ba hệ đề tài phổ biến của sử thi là chiến tranh, lao động và hôn nhân, trong đó chiến tranh là đề tài trung tâm và chi phối các đề tài còn lại. Đúng là bản chất thẩm mỹ của thể loại sử thi phải ca ngợi những phẩm chất anh hùng của thời đại anh hùng qua việc xây dựng các nhân vật được kỳ vỹ hóa. Tuy nhiên, khi khảo sát sử thi Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas, chúng tôi nhận thấy rằng đề tài chiến tranh không hẳn đã chiếm ưu thế. Đối với dân tộc cổ sơ, chiến tranh chưa phải là vấn đề quan trọng và duy nhất. Những cuộc va chạm giữa các nhân vật sử thi, cụ thể là giữa Krông Kơ Laas với Jiang Sơ Đơach Lơ, giữa Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng và nàng Rơ Liêng Mas thực chất là những cuộc thử thách, giao tranh thay vì là chiến tranh. Đó là những điều kiện được đưa ra, những hành trình để đáp ứng và cuộc đau trí diễn ra giữa hai thế giới, hai nhân vật. Dù có lúc, Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng đã huy động toàn thể dân làng đi sang làng Jiang Sơ Đơach Lơ để cướp đoạt nàng Lươm Koon Gơôr, đã có dùng bạo lực trói và đánh đập chồng nàng là Jiang Sơ Đơach Lơ nhưng đấy không phải là cuộc chiến tranh bộ lạc. Nhưng do đặc tính quy mô hoành tráng cũng như đặc điểm thẩm mỹ của thể loại là luôn xây dựng những nhân vật anh hùng với chiến công vang dội, mang sức mạnh của cả cộng đồng nên trong sử thi thường đề cập đến bối cảnh chiến tranh. Đó là người anh hùng Krông Kơ Laas với đầy đủ tài năng và phép thuật đã cướp hồn nàng Rơ Liêng Mas xinh đẹp. Đó còn là Jiang Sơ Đơach Lơ bằng tình thương và tài năng lãnh đạo đã huy động dân làng cùng tổ chức lễ hội bà bóng, đáp ứng những điều kiện mà Krông Kơ Laas đưa ra để cứu em gái Rơ Liêng Mas. Đó cũng là nàng Rơ Liêng Mas với sự khôn ngoan mưu trí, đã cho bọn Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng một vố ra trò và cứu anh trai Jiang Sơ Đơach Lơ thoát khỏi tay bọn độc ác.

Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas có nội dung vô cùng phong phú. Bên cạnh việc phản ánh những quan niệm sống, phong tục tập quán như chúng tôi đã đề cập, tác phẩm sử thi còn chuyển tải những hoạt động xã hội như: người đàn bà dệt vải, người đàn ông vót mây đan gùi mang vai, làm đồ trang sức cho vợ hoặc người yêu, … Đó là hoạt động tiêu biểu mà Jiang Sơ Đơach Lơ, với tư cách là trưởng làng, và nàng Lươm Koon Gơôr, vợ của trưởng làng, cũng phải làm. Điều này chứng tỏ trong giai đoạn này, xã hội thị tộc của tộc người Stiêng chưa có sự phân công lao động xã hội cụ thể mà tất cả đều phải lao động như nhau. Có nghĩa là đối với họ, việc tạo lập cuộc sống, xây dựng bản làng, tổ chức sản xuất cũng nắm vai trò không nhỏ trong đời sống, mang cả ý nghĩa sống còn.

Ngoài ra, sự kiện Jiang Sơ Đơach Lơ đã cùng dân làng tổ chức lễ hội bà bóng để cứu Rơ Liêng Mas thoát khỏi Krông Kơ Laas không chỉ đơn thuần là một chi tiết trong sử thi mà nó còn mang ý nghĩa lịch sử, phản ánh ước mơ và sự khẳng định khả năng của người Stiêng trong giai đoạn này. Họ mơ ước có được sức mạnh và sự thấu hiểu đấng siêu nhiên, nên có hình tượng Rơ Liêng Mas và một số bà bóng khác là lực lượng trung gian giữa thần linh và dân làng. Bên cạnh đó, việc Jiang Sơ Đơach Lơ cứu Rơ Liêng Mas từ tay Krông Kơ Laas bằng cách tổ chức lễ bà bóng chứng tỏ rằng con người đã có đủ khả năng để thực hiện những việc thần linh đòi hỏi là làm lễ bà bóng và yêu cầu thần linh công nhận khả năng của mình bằng cách trả hồn Rơ Liêng Mas về với thể xác, từ đó không còn quấy nhiễu được nữa. Hay là việc các thầy thợ đã tạo ra được một nàng Lươm Koon Gơôr như thật từ bạc và sáp ong đã cho thấy người Stiêng trong giai đoạn này có sự tưởng tượng rất phong phú. Sức tưởng tượng này phản ánh quá trình chuyển biến tư duy và khát vọng sáng tạo ra thân xác một con người như ý muốn và bằng chính đoi tay của mình chứ không phụ thuộc vào cơ chế sinh học. Tác phẩm đã cho thấy sự vận động và phát triển về mặt xã hội, những thành tựu văn minh buổi đầu của cộng đồng: sáng tạo con người và chinh phục lực lượng siêu nhiên để bảo vệ cuộc sống cộng đồng.

            Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas phản ánh rõ nét tập tục hôn nhân cướp vợ của người Stiêng xưa. Sự kiện Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas và Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng dùng mưu kế để cướp nàng Lươm Koon Gơôr từ tay Jiang Sơ Đơach Lơ đã cho chúng ta có cái nhìn rõ hơn về tập tục này. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự giao tranh giữa Jiang Sơ Đơach Lơ và Krông Kơ Laas với ý nghĩa là quá trình con người chinh phục lực lượng siêu nhiên, và sự đấu trí giữa Rơ Liêng Mas với Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng như là sự giao tranh giữa hai người thủ lĩnh.

Bên cạnh đó, tác phẩm còn phản ánh sự đồng hiện hai chế độ: chế độ phụ hệ và chế độ mẫu hệ trong cộng đồng. Với quá trình song hệ ấy, vai trò của người đàn ông và người phụ nữ đều ở vị trí ngang nhau. Hình tượng Jiang Sơ Đơach Lơ tài ba, dũng cảm và hình tượng nàng Rơ Liêng Mas thông minh, xinh đẹp là hai hình tượng rực rỡ nhất trong tác phẩm. Họ như hai trụ cột vững chãi cùng đứng sóng đôi bên nhau với những quyền uy bình đẳng. Chế độ song hệ đã khiến cho không khí trong tác phẩm thấm đẫm tình người. Ở đây, không có sự tranh chấp giữa địa vị của người đàn ông và người đàn bà trong xã hội. Nếu như ở sự kiện thứ nhất, nàng bị Krông Kơ Laas đoạt hồn thì người đứng ra cứu giải là anh trai Jiang Sơ Đơach Lơ của nàng, được phát triển theo đúng kết cấu của môtíp chiến công đánh cứu người đẹp thì ở sự kiện thứ hai, Jiang Sơ Đơach Lơ bị mắc độc kế cướp vợ của Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng, người đứng ra bảo vệ Lươm Koon Gơôr và giải cứu Jiang Sơ Đơach Lơ chính là nàng kiều nữ Rơ Liêng Mas. Điều này chứng tỏ không hề có một sự yếu thế nào giữa hai giới tính. Rất công bằng và hợp lý! Nếu người đàn ông luôn có ý thức bảo vệ buôn làng, cai quản ruộng nương bằng chính tài năng và sức mạnh của mình thì người phụ nữ cũng đã đứng lên nắm giữ vai trò thủ lĩnh trong các cuộc giao tranh và giành chiến thắng vẻ vang bằng tài năng, mưu trí tuyệt vời của mình. Từ đây đã mở ra một thời kỳ mới trong chế độ thị tộc, thời kỳ song hệ.

            Điểm đáng chú ý trong tác phẩm là lối “trì hoãn sử thi”. Đây là đặc trưng mang tính thẩm mỹ của thể loại. Trong mỗi chuyến đi của từng nhân vật đều có những đoạn miêu tả cảnh vật, tắm giếng, hút thuốc, ăn trầu, đối thoại vơi loài vật. Cụ thể với các nhân vật như: Krông Kơ Laas, Nglon Hơr và Tung Vrơlênh, Jiang Sơ Đơach Lơ, … Để làm rõ hơn, chúng tôi xin được viện dẫn cuộc hành trình đi đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas của Krông Kơ Laas. Trên đường từ nhà trời xuống mặt đất, chàng đã gặp thần canh giữ cây to Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach và được nàng mời về nhà ăn cơm, uống nước, hút thuốc, ăn trầu. Sau khi tiếp tục đi, chàng lại gặp các vị thần sông, thần suối, thần núi, thần đèo, cũng được chào hỏi ân cần và mời ghé nhà uống nước, ăn cơm. Chàng đã hai lần dừng chân nghỉ ngơi, tắm giếng, hút thuốc, ăn trầu. Đoạn Krông Kơ Laas đi qua khu rẫy làng của nàng Rơ Liêng Mas và làng hoang cũ của Jiang Yâu Wdra, Lươm Kơ Sap Ca, Mlach Lơ Ha Yâu Keng Rơach được đặc tả với cây trái, hoa màu đa dạng và rực rỡ. Thủ pháp này khiến thời gian của sự kiện bị kéo dài ra, tạo nên sức hấp dẫn độc đáo của tác phẩm. Nó còn góp phần thực hiện chức năng phản ánh của thể loại: mô tả được toàn diện mọi mặt đời sống của cộng đồng. Chính thủ pháp này tạo nên tính phổ quát rộng lớn của sử thi, làm nên giá trị của thể loại. Như vậy, “sử thi trong khi tránh miêu tả những sự kiện lịch sử có thật, đã phản ánh một cách chân thực dưới dạng khái quát những quá trình lịch sử chủ yếu đã bao hàm những tài liệu rất chính xác về lịch sử của những quan hệ xã hội, gia đình, của nền văn hóa[5].

1.4. Hình thức truyện kể tự sự trường thiên xen văn vần (yếu tố thi pháp)

Hình thức tồn tại của sử thi là những câu chuyện kể văn xuôi xen lẫn văn vần. Đó là những thiên tự sự trường thiên, là sự tổng hòa nhiều thành tựu văn học, nghệ thuật của các tộc người. Xét về quy mô, nếu chúng ta so sánh tác phẩm với tác phẩm thì khó có thể tìm thấy một văn bản sử thi Việt Nam nào sánh được với Iliat, Ôđixê hay là hai bộ sử thi hoành tráng của người Ấn Độ nhưng nếu nhìn một cách tổng thể thì từng bộ sử thi sẽ có tính chất vĩ đại của riêng nó. Thời cổ sơ của các tộc người khiến chúng ta không có một Hôme hay một Vyara, những nghệ nhân chuyên nghiệp, để có thể xâu chuỗi, gắn kết các tác phẩm đơn lẻ thành một pho sử thi vĩ đại. Nhưng bên cạnh đó, khảo sát qua thực trạng của sử thi Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas, chúng tôi thấy được những trạng thái nguyên sơ của sử thi: tính hồn nhiên của tư duy, tính cổ xưa của ngôn ngữ, tính giản đơn của kết cấu và đặc biệt là tính sống động của diễn xướng. Giá trị của Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas không nằm ở độ dài bởi lẽ đây là tác phẩm được phát hiện bước đầu trong trường hợp chỉ mới khảo sát ở xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, chưa có sự khai thác trên quy mô rộng lớn, chưa có sự vận dụng đến nhiều lĩnh vực liên quan như dân tộc học, nhân học văn hóa, lịch sử, … Giá trị của nó thể hiện rõ nét ở những đặc điểm nội dung thẩm mỹ của thể loại sử thi, hàm chứa những nét kết tinh nhất định về mặt ngôn ngữ diễn đạt, có được kết cấu tiêu biểu cũng như khả năng xây dựng nên những hình tượng nhân vật điển hình của thể loại sử thi.

Cách nói ví von hằng ngày được mọi người dân trong cộng đồng hết sức ưa chuộng và được trình diễn trong lời kể tả của sử thi. Cách diễn đạt như vậy giúp cho nghệ nhân có thể dùng lời ít mà diễn tả ý nhiều, khiến cho câu văn thêm cô đọng, súc tích. Đặc biệt hình thức dùng từ điệp láy sóng đôi cho thấy rõ nét văn hóa, đặc tính của các tộc người trong việc biểu đạt: ưa ví von, lối nói bằng hình tượng cụ thể, đậm nét hồn nhiên tươi mát, … Chẳng hạn những câu miêu tả về chuyến đi cướp hồn nàng Rơ Liêng Mas của Krông Kơ Laas tràn đầy tính luyến láy nhờ sự kết hợp của cặp từ sóng đôi liên tục: “Chàng đi hoài đi mãi qua sông qua suối, qua núi qua đèo”, “Krông Kơ Laas liền đi bay đi nhảy thật nhanh đến khu rừng già”, “Krông Kơ Laas ơi, đi đâu mà đi vội đi vàng, mà bay nhanh như gió vậy?”. Hay là những câu nghĩ bụng của Krông Kơ Laas cũng tràn đầy tính luyến láy: “Chính vì như thế này mà mình ăn không ngon, ngủ không yên, phải đi ngày lẫn đêm, lội sông qua suối, lên núi qua đèo, sông sâu cũng lội đèo cao cũng qua đến độ cha mẹ ngăn cản cũng không được”.

Dường như trong từng câu, người nghệ nhân hát kể ngoài trí nhớ tuyệt vời, một chất giọng tốt còn phải là người nhớ nhiều và biết vận dụng những làn điệu dân ca vào trong những câu hát. Những làn điệu dân ca này được xen kẽ vào lời kể, tạo nên sự đa dạng trong sắc thái biểu cảm, phù hợp với giọng điệu, ngôn ngữ của các nhân vật, diễn tả được những trạng thái cảm xúc khác nhau. Có thể minh họa điều này qua đoạn miêu tả cảnh Krông Kơ Laas đến rẫy làng của nàng Rơ Liêng Mas: “Chàng đi một lúc thì đến khu rẫy của Lươm Koon Gơôr Sai Jiang Sơ Đơach Lơ. Rẫy rộng mênh mông cò bay mỏi cánh không hết rẫy. Bên trái là rẫy Siđa, bên phải là rẫy Koon Nơ Ong, đầu đường là rẫy Kơ La Đôh, đầu dốc là rẫy Kơ Nơ Hing Bâân, chân đồi là rẫy Vlôc Di Pung, ở giữa là rẫy Rơ Liêng Mas, bãi cát suối là rẫy Mei Lươm Koon Gơôr. Trong rẫy họ trồng đủ thứ loại lúa, nào là lúa ít ngày, lúa sơm, lúa lỡ, lúa mẹ. Nào là lúa ngon cơm, nào là lúa dẻo gạo. Và họ còn trồng nhiều loại củ như: củ khoai lang, củ từ, củ mì, … Dưới bè suối họ trồng rau muống, trên gò họ trồng cây thuốc hút, xung quanh chòi họ trồng nào là mía, chuối, bo bo. Họ còn trồng dưới gầm cây ngã nào là hành hoặc là hẹ, hay ớt gồm đủ loại. Trái rất sai từ gốc đến ngọn, chủ hái một thì khách hái hai; hái một thêm hai, hái hoài trái không hết. Còn chòi canh ở rẫy của Mei Lươm Koon Gơôr rất rộng và bền chắc, cả trăm người lên ở không đầy. Krông Kơ Laas thầm khen ngợi rẫy của Mei Lươm Koon Gơôr rất rộng rãi và tốt tươi. Chàng đã hiểu vì sao người ta lại đồn đại về nàng Mei Lươm Koon Gơôr – vợ Jiang Sơ Đơach Lơ - rất giàu có”. Sẽ không thể nào bắt gặp ở bất cứ tác giả văn học viết nào những đoạn miêu tả thật đặc sắc với nhiều hình ảnh, đa sự kiện nhưng không bị vụn bởi hệ thống ngôn từ miêu tả hồn nhiên, chất phác, giản dị nhưng đầy sức ví von, liên tưởng và đôi lúc có phần ngoa dụ, phóng đại của loại ngôn ngữ mộc mạc như trên.

Trở lên, qua việc vận dụng tác phẩm Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas vào trong lý thuyết về các đặc điểm thi pháp của sử thi, chúng tôi có thể khẳng định rằng: Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas là một tác phẩm sử thi đích thực.

2. Giá trị văn hóa tinh thần của tộc người Stiêng qua tác phẩm Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas

Trong lời tựa cho tác phẩm Bài ca Đăm Xăn, các tác giả có viết: “Làm sao để hiểu biết một dân tộc có hiệu quả hơn là truyền bá các bài ca này trong đó chứa đựng tất cả đời sống xã hội, phong tục, hy vọng không thành, quá khứ huy hoàng đã trôi qua”. Các tác giả này rất chú trọng đến đời sống văn hóa tinh thần của một dân tộc trong tác phẩm sử thi. Họ đề cao vai trò của sử thi trong bước đường tìm hiểu dân tộc ấy. Vì vậy, khi tiếp cận một tác phẩm sử thi của một tộc người, bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng nhất chính là tìm hiểu đời sống văn hóa và đời sống tâm linh của tộc người đó. Việc truyền bá một tác phẩm nói chung và tác phẩm sử thi nói riêng là một quá trình cần thiết cho sự lưu hành và trường tồn của tác phẩm ấy đối với thời gian. Tuy nhiên, yếu tố quyết định sức sống của tác phẩm và tạo nên sự đồng cảm của người đọc đối với tác phẩm đó chính là nội dung mà tác phẩm chuyển tải. Nội dung ấy là “tất cả đời sống xã hội, phong tục, hy vọng không thành, quá khứ huy hoàng đã trôi qua”. Cho nên, nếu chỉ có thể thuộc lòng và kể lại một cách rành mạch tác phẩm chưa hẳn đã là tốt. Mà quan trọng hơn chính là việc chúng ta đã hiểu hết về những giá trị văn hóa và tinh thần mà nó chứa đựng chưa? Chúng ta đã hiểu về dân tộc đó như thế nào sau khi đã tìm hiểu những nét văn hóa tinh thần của tộc người ấy thông qua tác phẩm sử thi? Nhận thấy quan điểm này hoàn toàn đúng đắn và cần thiết; cho nên khi tiếp cận tác phẩm Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas, chúng tôi tiến hành tìm hiểu những giá trị văn hóa tinh thần của tộc người Stiêng được thể hiện qua tác phẩm này.

Sử thi Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas đã phản ánh được bản sắc văn hóa của người Stiêng xưa. Những bản sắc ấy là những nét độc đáo, đặc sắc của văn hóa dân tộc. Nó hình thành, chắt lọc và tồn tại trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc, dưới sự tác động của các yếu tố môi trường, đời sống kinh tế, hoàn cảnh lịch sử, truyền thống văn hóa. Và bản sắc được trao truyền qua các thế hệ, đảm bảo tính thống nhất của văn hóa dân tộc, đồng thời phân biệt giữa dân tộc này và dân tộc khác. Bản sắc là cái gì đó trừu tượng, tiềm ẩn, thường tồn, nhưng lại được thể hiện thông qua các sắc thái cụ thể, chúng bộc lộ và mang tính khả biến hơn.

Bản sắc văn hóa đầu tiên có thể nhận thấy qua tác phẩm này chính là tình đoàn kết trong buôn làng. Trong nội bộ các làng có một sự cố kết rất chặt chẽ, rất bền vững. Người trong một buôn thuộc về phạm trù đối lập với người ngoài buôn. Người trong buôn luôn yêu thương đùm bọc nhau, giúp đỡ nhau hết sức tận tình và không hề tính toán trong mọi trường hợp. Khi có người gặp hoạn nạn, mọi người hợp lại cùng giúp đỡ. Điển hình như lúc Rơ Liêng Mas bị ngất xỉu, cả làng xúm lại chăm sóc. Khi biết Krông Kơ Laas yêu cầu tổ chức lễ bà bóng cho Rơ Liêng Mas, cả làng cùng nhau thực hiện theo sự phân công của Jiang Sơ Đơach Lơ. Rồi khi Jiang Sơ Đơach Lơ rơi vào trạng thái tuyệt vọng vì mất vợ thì người ở bên cạnh an ủi, động viên và chăm sóc chính là những người trong buôn làng. Chính tinh thần đoàn kết ấy là sức mạnh giúp cho mọi người vượt qua thử thách của thần linh. Và niềm vui, thắng lợi của một người là niềm vui, thắng lợi chung, tất cả đều hưởng, đều san sẻ. Những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, những ché rượu cần lăn quay theo tiếng cười hạnh phúc khi Rơ Liêng Mas bình phục, khi Lươm Koon Gơôr trở về là những biểu hiện rõ nét nhất trong Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas. Tinh thần cộng đồng làng buôn này được xây dựng trên cơ sở một xã hội về cơ bản không có bóc lột, không có thống trị. Người đứng đầu làng – Jiang Sơ Đơach Lơ – là người có kinh nghiệm sản xuất, có công trong chiến đấu do toàn dân cử ra để lo công việc chung. Chàng không có đặc quyền đặc lợi gì cả. Chàng vẫn là người lao động và hơn hết là lao động giỏi. Nói tóm lại, xã hội người Stiêng trong tác phẩm sử thi này mà đơn vị cơ sở của nó là buôn, làng; là xã hội trong đó tất cả mọi người là một, một người cũng như tất cả. Hân hoan, đau khổ, giận hờn của một người là của tất cả. Danh dự của một người là danh dự của cả làng. Một người bị xúc phạm tất cả đều sẵn sàng xông lên trả thù. Trong nội bộ nói chung không có đối lập, không có giằng xé, không có bi kịch trừ khi là mâu thuẫn giữa cái thiện và cái ác như trong trường hợp giữa Jơ Rông Sut Kon Sơ Đơach Tăng và Jơ Lang Gak. Khi đó, cái xấu, cái ác phải nhường bước cho chân lý, cho cái đẹp. Vì vậy, tình đoàn kết trong buôn làng là nét văn hóa tinh thần mang tính truyền thống của người Stiêng đã được thể hiện rõ nét qua tác phẩm sử thi Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas. Trong mối quan hệ xã hội, con người Stiêng vào thời đại sử thi đã sống trong bầu không khí chan hòa lòng tin,yêu thương, đùm bọc nhau; một tinh thần tự do, bình đẳng, dân chủ. Đó là cơ sở thực tế – lịch sử cho sự nảy nở cảm quan thẩm mỹ: sự cao cả, tuyệt vời, hùng tráng.

Một nét văn hóa khác cũng được thể hiện rõ nét qua tác phẩm này chính đời sống tâm linh của người Stiêng. Họ sống trong một thế giới những niềm tin ngây thơ về các lực lượng siêu nhiên. Hêghen gọi đó là “niềm tin tươi mát và sinh động về thần linh”. Đó là linh hồn và là sức sống của tác phẩm. Thật vậy, trong tinh thần của người Stiêng qua tác phẩm này, không những có sự thống nhất hòa đồng trong xã hội con người, mà cả giữa con người với thế giới siêu nhiên. Thế giới siêu nhiên trong quan niệm của người Stiêng mặc dầu chưa được sắp xếp thành hệ thống, chưa hình thành nên các hình dạng, cá tính, đặc điểm, lai lịch, nhưng rất phong phú.

Hẳn là do bắt nguồn từ quan niệm “vạn vật hữu linh” nên đối với người Stiêng, trong từng sự vật hiện tượng đều có mang dáng dấp của một vị thần. Thế giới siêu nhiên ở cạnh con người, cùng sống và hoạt động với con người. Họ góp phần điều chỉnh, ổn định xã hội, tham gia vào nhiều việc cụ thể, giải quyết một số khó khăn và đôi khi họ còn kết hôn với con người. Điển hình trong tác phẩm này là cuộc hôn nhân giữa Jiang Sơ Đơach Lơ và Lươm Cao Vrah. Dù họ không cùng sống với nhau trong một không gian, dù kẻ thiên đàng người hạ thế nhưng tình nghĩa vợ chồng vẫn không phai. Hàng năm, Jiang Sơ Đơach Lơ vẫn dâng vật lễ cho thần linh và cũng chính là vợ của mình. Thế giới siêu nhiên dường như cũng rộng mở cánh cửa đón lấy sự thành khẩn của con người. Đứng trước một sự việc nào đó, bao giờ người Stiêng cũng tìm hiểu ngọn nguồn và hỏi ý kiến của thần linh thông qua lực lượng trung gian kết nối giữa thần linh với con người, với mệnh danh là thầy bà bóng. Vì vậy, thế giới siêu nhiên là một thực tại “như có thật” hòa hợp với thực tại xã hội con người. Hiện thực và hư ảo xen cài vào nhau, tạo nên một cảm quan về cái hư ảo chân thực, hư ảo có thực cho tác phẩm. Thế giới nhân vật trong tác phẩm được mở rộng thêm để đi vào một cuộc sống không có thực nhưng có thực. Tuồng như họ có thêm những giác quan mới, nghe được, thấy được những điều kỳ lạ. Họ nói chuyện được với thần linh, hiểu được những gì thần linh mách bảo và yêu cầu.

Chính cảm quan hư ảo – chân thực ấy đã tạo nên sự hòa hợp giữa cái phi thường và cái bình thường, giữa hư ảo và hiện thực cho tác phẩm. Nhưng có một điều quan trọng là thế giới siêu nhiên trong tác phẩm có vị trí và vai trò như một tín ngưỡng, một niềm tin tôn giáo. Trong đó, quan hệ của con người với thần linh, ma quỷ là mối quan hệ giữa một kẻ yếu cần sự che chở giúp đỡ với một thế lực mạnh hơn, ban phát sự che chở ấy. Và con người phải luôn tôn trọng tập quán do thần linh “đã định”. Chính vì vậy mà nghi lễ lễ hội cúng bà bóng cho Rơ Liêng Mas trong tác phẩm đã trở thành nghi lễ lễ hội phổ biến cho đến ngày này. Hôm nay, nghi lễ ấy không còn dành riêng cho nàng Rơ liêng Mas xinh đẹp và huyền thoại nữa mà nó dành cho tất cả mọi người. Trong không khí của tác phẩm, các thần không xuất hiện nhiều và không hoạt động nhộn nhịp nhưng họ hoàn toàn sai khiến con người, định đoạt sẵn số phận cho con người. Con người sống trong sự chi phối của thần linh. Nàng Rơ Liêng Mas dù thông minh, xinh đẹp và tài ba nhưng vẫn phải tuân theo sự sắp đặt của thần linh Krông Kơ Laas, phải trở thành “người thông ngôn” cho chàng.

Một biểu hiện nữa trong đời sống văn hóa tinh thần của người Stiêng có thể tìm thấy qua tác phẩm này là những quan niệm về linh hồn. Như đã nói ở trên, người Stiêng quan niệm “vạn vật hữu linh”, có nghĩa là vạn vật đều có hồn vía, kể cả vật vô sinh. Người có linh hồn của người và vật có linh hồn của vật. Mọi vật xung quanh con người từ xa đến gần như: núi, sông, cây cỏ, vật dụng, gia súc, gia cầm, … đều có linh hồn. Con người có thể hiểu và giao tiếp với chúng bằng ngôn ngữ của mình. Trong tác phẩm, điển hình là qua những cuộc đối thoại giữa con người và loài vật: Nglon Hơr nói chuyện với thú rừng, Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng nói chuyện với chó, Jiang Sơ Đơach Lơ nói chuyện với chó, … Qua đó, quan niệm tín ngưỡng này đã tạo nên sức giao cảm tinh tế giữa người và vật, một tình thương của con người đối với muôn vật, có thể gọi đó là tính nhân văn của tác phẩm. Nó khiến cho người tiếp nhận tác phẩm có những cảm xúc thăng hoa, những sức tưởng tượng đặc biệt nâng cao đôi cánh cho những sáng tạo nghệ thuật. Nhưng cũng chính từ đây, quan niệm ấy đã tạo ra một hậu quả là con người luôn bị bao vây bởi một thế giới trùng điệp những linh hồn, họ sống trong sự lo sợ triền miên. Để bảo vệ và nâng cao đời sống của mình, để hết ốm đau bệnh tật, để giữ gìn mùa màng khỏi mưa gió bão lụt, hạn hán, để có nhiều ngô lúa thóc gạo, để đi săn được nhiều con thịt, đi đánh được nhiều loài cá, … tất cả đều phải cầu viện đến thế giới siêu nhiên và linh hồn của mọi vật xung quanh. Nói tóm lại, trong các quan hệ chính với cộng đồng người cũng như với thần linh (thiên nhiên được siêu linh hóa), con người thời đại sử thi luôn có cảm giác về nhu cầu được hưởng tự do, dân chủ, tình yêu thương và họ không biết đến sự đè nén, ràng buộc nào cả.

Giá trị văn hóa tinh thần của người Stiêng còn được thể hiện qua những lễ nghi và phong tục trong tác phẩm. Bức tranh về đời sống văn hóa của người Stiêng đã hiện lên một cách sinh động và rõ nét. Nét văn hóa đầu tiên mà chúng ta có thể thấy được đó là lễ hội. Bao trùm tác phẩm là lễ hội bà bóng, một lễ hội mang đậm yếu tố tâm linh trong đời sống cộng đồng. Với niềm tin chất phác và cố hữu vào thần linh, lễ hội bà bóng đã được duy trì từ ngàn xưa cho đến ngày nay và tác phẩm Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas có ý nghĩa như là “giấy khai sinh”/ một dạng truyện sự tích của lễ hội này. Từ tác phẩm, lễ hội bà bóng đã bước ra ngoài cuộc sống với những bước đi tự tin, sức bành trướng mạnh mẽ và trụ vững với thời gian. Nguyên nhân tồn tại và cơ cấu của lễ hội đã được tác phẩm miêu tả rất rõ: vì nàng Rơ Liêng Mas bị thần linh bắt hồn và thông qua sự mách bảo của thầy bà bóng (với tư cách là lực lượng trung gian giữa người dưới mặt đất và thần linh trên trời), mọi người mới biết được thần linh yêu cầu phải tổ chức lễ hội bà bóng thì mới mong cứu nàng thoát khỏi cái chết. Để tổ chức được lễ bà bóng thì phải có sự phân công rõ rệt và và cả làng cùng chung tay. Một nhóm sẽ lên núi chặt cây lồ ô. Họ phải chặt từng cây một, lựa chọn những cây không bị dơi đục làm tổ và không thấm nước bên trong. Một nhóm khác thì phụ trách lên rừng tìm cây tốt mang về trang trí dựng làm cây nêu. Cây nêu là vật không thể thiếu trong lễ hội. Tùy theo quy mô lễ hội mà cây nêu có tầm vóc lớn hoặc nhỏ. Nếu ở lễ hội cồng chiêng, cây nêu phải được tạo dựng thật đồ sộ thì ở lễ hội bà bóng, cây nêu có kích thước vừa phải. Nếu cây nêu của người Kinh làm bằng tre thì cây nêu của người Stiêng trong lễ hội được làm từ cây lồ ô. Công đoạn tiếp theo của quá trình tổ chức lễ bà bóng là làm những chòi miếu nhỏ để dâng lễ cho thần linh. Rồi một nhóm khác phụ trách đánh trống, thổi kèn. Một số khác phụ trách giết gà, mổ vịt, cắt tiết heo để đãi khách. Sau khi các công đoạn đã được chuẩn bị một cách chỉnh chu thì lễ hội chính thức bắt đầu. Từ đây trở đi, toàn bộ trách nhiệm của buổi lễ đặt lên vai của các thầy bà bóng. Lễ hội diễn ra suốt ba ngày ba đêm. Khách đến tham dự được ăn uống no say và được xem các thầy bà bóng đọc thần chú, lên đồng và ca hát.

Đó là toàn bộ quy trình tổ chức lễ hội bà bóng qua tác phẩm Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas. Lễ hội này đã sống cùng năm tháng và đến hôm nay vẫn giữ được nguyện vẹn quy trình, quy cách. Khi thực hiện công tác thực địa, chúng tôi đã có dịp tham dự một buổi lễ cúng bà bóng. Có thể nói, nghi thức lễ hội bà bóng xuất phát từ tác phẩm này đã ăn sâu vào máu thịt của người Stiêng. Mọi nghi thức đều diễn ra như khi xưa. Tuy nhiên, lễ hội bà bóng hiện tại vẫn có một số nét mới. Nét khác biệt thứ nhất đó là người được cúng bà bóng. Nếu năm xưa Rơ Liêng Mas vì bị thần linh bắt hồn và yêu cầu tổ chức lệ hội bà bóng thì dân làng mới tổ chức thì hôm nay, những người bị bệnh chính là đối tượng được cúng bà bóng. Theo chúng tôi, điều này có thể được lý giải thông qua tín ngưỡng của người Stiêng. Vì họ quá tin tưởng và lệ thuộc vào thần linh nên bất cứ hiện tượng không bình thường nào đều được họ căn cứ vào ý muốn của thần linh. Điển hình là khi một người bị bệnh thì cả làng tin rằng người đó đã bị thần linh quở trách, bắt bớ. Và khởi nguồn từ việc nàng Rơ Liêng Mas bị thần Krông Kơ Laas đoạt hồn, cả làng lập tức tổ chức lễ hội bà bóng, dâng vật lễ cho thần linh để cầu mong người bệnh được tha tội. Ở đây, chúng ta thấy văn hóa lễ nghi tín ngưỡng của người Stiêng từ trong tác phẩm ra ngoài đời thường rất đậm nét. Chúng đã và đang được duy trì cho đến ngày nay.

Bên cạnh đó, một số lễ hội khác cũng được nhắc đến trong tác phẩm: lễ phá bào, lễ cột tay. Lễ phá bào là lễ hội mà ở đó, những người dân trong làng cùng nhau tập trung ở một ao nước lớn, tự nhiên của làng rồi cùng nhau tát nước, bắt cá, dùng nơm chụp cá, kéo lưới, phát cỏ. Sau khi thu hoạch với số lượng cá lớn, mọi người quây quần bên nhau ăn uống, ca hát rất vui vẻ. Khi trời đã ngã bóng cũng là lúc họ chia nhau số cá rồi nhà ai nấy về.

Lễ cột tay là lễ hội dành cho những người bị bắt hay đi lạc mới trở về. Nghi thức của lễ này khá đơn giản: khi người bị bắt hay đi lạc vừa trở về, tất cả bà con họ hàng của người đó và toàn thể dân làng liền tập trung tại nhà anh ta. Tại đây, nghi lễ cột tay chính thức diễn ra. Đầu tiên, cha mẹ của đương sự  được cột tay sẽ van vái cầu xin thần linh chứng giám cho buổi lễ và ban phước lành cho anh ta. Van vái xong, họ sẽ lấy một đoạn chỉ đỏ cột lên cánh tay của người đó. Sau khi cha mẹ đã cột tay xong sẽ đến lượt anh em, họ hàng và dân làng xúm lại cột tay người đi lạc và cầu chúc sức khỏe và may mắn. Khi người cuối cùng cột tay xong thì buổi lễ kết thúc. Sau đó, mọi người cùng bày tiệc ăn mừng, ngồi quấn quýt bên nhau suốt cả ngày.

Hai lễ hội này đã phản ánh được những nét văn hóa đặc sắc của người Stiêng xưa qua tinh thần đoàn kết trong buôn làng. Tất cả đều mang tính cộng đồng, mọi người vì nhau. Người trong buôn làng cùng ăn uống vui chơi và chia sẻ cho nhau bao khó khăn trong cuộc sống, luôn cầu chúc cho nhau được bình yên và may mắn.

Nét văn hóa của người Stiêng còn được thể hiện thông qua những vật lễ cúng tế trước khi già làng hát kể tác phẩm sử thi Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas. Vì môi trường diễn xướng tại gia nên không có sự quy định nghiêm ngặt đối với lễ vật dâng cúng trước khi diễn xướng. Lễ vật phụ thuộc vào thành ý của người muốn nghe hát kể. Nhưng trong những lễ vật ấy, nhất thiết phải có rượu trắng. Già làng Điểu Mí trước khi hát kể sẽ rót rượu trắng ra một cái chén nhỏ, vừa rót vừa đọc thần chú. Sau đó, ông rưới rượu từ trong chén lên chiếc dĩa có đặt sẵn cau trầu đã têm vôi và thức ăn chúng tôi dâng cúng. Rồi ông rưới rượu ra sàn nhà, đổ xuống nền đất qua khe hở của nhà sàn. Với số rượu còn lại trong chén đã rót, ông uống một ngụm, rồi đưa cho vợ hớp một ngụm, rồi đến con cái trong nhà. Sau cùng là chén rượu được đưa đến tay chúng tôi – những người nghe diễn xướng – ai cũng phải hớp một ngụm rượu. Tất cả những công đoạn đó đều gắn liền với giọng van vái lầm rầm của già làng Điểu Mí. Ông cầu xin thần linh ban cho ông ân huệ được hát kể câu chuyện này cho mọi người cùng nghe. Đó là trường hợp diễn xướng tại gia hoặc diễn xướng tự do. Nếu diễn xướng trong môi trường làng xã, rộn ràng với điệu nhạc cồng chiêng thì lễ vật phải thực hiện theo đúng yêu cầu: một con gà, vài ống cơm lam và rượu trắng.

Khi hát kể, già làng Điểu Mí ngồi xếp bằng đối diện với chúng tôi. Ăn trầu là một trong những tập tục rất phổ biến ở hầu hết các nước Đông Nam Á. Trầu cau gắn liền với mọi nghi thức trong cuộc sống hàng ngày: cưới xin, ma chay, lễ hội, tết nhất, … Ở người Stiêng cũng vậy, quả cau lá trầu được dùng để tế lễ, được mang ra mời khách vì “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Do vậy, lễ vật không thể thiếu bên cạnh già làng Điểu Mí khi ông diễn xướng là mâm cau trầu. Đọc qua tác phẩm, chúng ta cũng có thể thấy được rằng các nhân vật luôn mang theo cau trầu trên mỗi chặng hành trình, khách đến nhà chơi được mời trầu và khi ra về còn được gói thêm những miếng trầu vừa kịp têm. Điều này chứng tỏ trầu cau trở thành một nghi thức không thể thiếu trong không khí tác phẩm sử thi và cả trong môi trường diễn xướng tác phẩm đó. Nó là bản sắc văn hóa truyền thống của cư dân Đông Nam Á nói chung và các dân tộc Việt Nam nói riêng đã được gìn giữ cho đến ngày nay. Trầu cau này vừa là vật cúng trước khi diễn xướng, vừa để già làng Điểu Mí ăn cho môi đỏ, giọng thanh trong khi diễn xướng. Khi hát kể hết một trường đoạn nào đó, ông đều dừng lại, ăn trầu cho dịu giọng rồi tiếp tục hát kể. Hương trầu thoang thoảng, mùi vôi cay nồng, câu chuyện lôi cuốn, người hát kể như xuất thần hóa thân vào nhân vật, tất cả hòa vào nhau làm cho không khí diễn xướng trở nên thiêng liêng cực độ. Khi diễn xướng, mắt ông nhắm nghiền như thể để cho bao nhiêu cảm xúc được thăng hoa. Tất cả những tập tục trong khi diễn xướng tác phẩm rất đỗi gần gũi và quen thuộc với chúng ta. Điều này chứng tỏ bên cạnh những giá trị văn hóa mang tính đặc trưng thì người Stiêng cũng có sự tương đồng về văn hóa với các dân tộc trong đất nước Việt Nam.

Trở lên, chúng tôi đã phác họa bức tranh văn hóa của tộc người Stiêng trong sử thi. Điều nhận xét rút ra là: xã hội và con người trong ơ ngoài đời sử thi là hình ảnh rõ nét của xã hội và con người thực nhưng giàu sang hơn, cao đẹp hơn. Là hiện thực mà cao sang hơn hiện thực, điều đó tạo nên vẻ đẹp cho tác phẩm sử thi Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas. Nó đã tạo nên sự hài hòa giữa hai mặt đối lập, tạo nên những cảm xúc và ý niệm chân thực về cuộc đời với làng buôn, nương rẫy, bà con, … Nhưng cuộc đời thực còn nhiều điều chưa vừa ý, người Stiêng tìm đến cuộc đời lý tưởng tồn tại trong sử thi. Ở đó, những điều mong đợi đang đến và sẽ đến. Sử thi là nơi hài hòa giữa cuộc sống đang có và cuộc sống muốn có, giữa thực tại và tương lai.

 

3. Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas là một “sử thi sống”

Công chúng, độc giả trên toàn thế giới đã hết sức hâm mộ các sử thi lừng danh như Iliat, Ôđitxê, Ramayana, Mahabharata, … Nhưng chúng đều ra đời cách đây hàng thiên niên kỷ, hiện chỉ còn tồn tại trên những trang giấy. Trong lúc đó, tác phẩm sử thi của các dân tộc Tây Nguyên ở Việt Nam vẫn còn đang tồn tại trong đời sống của dân chúng, trong cuộc sống thực khiến giới khoa học đều gọi chúng là sử thi sống. Các nhà khoa học trên thế giới đã đánh giá rất cao việc khám phá ra loại sử thi sống này. V.M.Gatxăc, chuyên gia nổi tiếng về văn hóa dân gian, viết “Việc khám phá ra truyền thống sử thi sống đã làm thay đổi khái niệm sử thi và lịch sử sử thi được hình thành từ hàng trăm năm nay trên những tác phẩm sử thi cổ đại và trung thế kỷ[6]. “Việc khám phá” kỳ diệu này đang là thực trạng của sử thi Tây Nguyên ở Việt Nam. Chúng ta có thể quan sát những buổi trình diễn sử thi, nghe tiếng hát, xem điệu bộ, trang phục đạo cụ của nghệ nhân, tìm hiểu cuộc đời của họ, … Có thể theo dõi sự vận động của sử thi trong không gian và thời gian, trong môi trường xã hội và môi trường folklore. Như vậy, một mặt sử thi sống của Tây Nguyên Việt Nam đem đến những cảm xúc thẩm mỹ toàn diện, sinh động và sâu sắc; mặt khác cho phép chúng ta trực tiếp tìm hiểu, nghiên cứu để nắm được thực chất của hiện tượng quý hiếm này.

Xét về phương diện tồn tại và lưu truyền, người ta chia sử thi làm hai loại: sử thi viết và sử thi sống (còn gọi là sử thi truyền miệng). Trong thực tế lịch sử, ban đầu tất cả vốn là sử thi sống. Trong một hoàn cảnh và điều kiện nhất định, người ta ghi chép sử thi trên giấy, lúc bấy giờ, đồng thời, sử thi vẫn tồn tại trong đời sống nhân dân. Có một nghịch lý là, đối với một dân tộc, nhiều thế kỷ trôi qua, sinh hoạt sử thi sống đã biến mất trong xã hội và trong trí nhớ của con người, người ta chấp nhận sử thi viết và coi sử thi chỉ tồn tại dưới dạng viết. Đó là sự lầm lẫn kéo dài. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Liên Xô trước đây đã chỉ ra sự sai lầm của quan niệm cũ về sử thi và đánh giá cao sự khám phá ra sử thi sống: “Một trong những điều đầu tiên là sự khiếm khuyết của quan niệm cũ (về sử thi) … Với sự xuất hiện của Kalêvala, một hiện tượng lạ so với những gì đã biết trước đây, sơ đồ cũ của sử thi đã tỏ ra không đứng vững” … “Sự khám phá truyền thống sử thi sống đã làm thay đổi nội dung khái niệm sử thi và lịch sử sử thi cũ, vốn được hình thành hàng trăm năm nay, trên tư liệu thời cổ đại và trung thế kỷ[7].

Bên cạnh việc xác định tác phẩm Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas là một sử thi đích thực. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi còn được biết đây lại là một “sử thi sống”. Khái niệm “sử thi sống” được chúng tôi vận dụng vào trong khóa luận là dựa vào những nhận xét của các nhà nghiên cứu nổi tiếng: Phan Đăng Nhật, Ngô Đức Thịnh. Theo nhận định của nhà nghiên cứu Phan Đăng Nhật: “Sử thi sống có biểu hiện bề ngoài dễ thấy là được lưu truyền bằng diễn xướng. Nhưng không phải chỉ có thế, đặc điểm cơ bản của sử thi sống là nó gồm một hệ thống cấu trúc, chứa đựng nhiều tầng bậc (từ 4 đến 6). Các tầng bậc này có sự vận động và toàn bộ hệ thống cấu trúc sử thi cũng vận động theo sự chi phối, nhiều hoặc ít, của sự vận động của lịch sử[8]. Vì vậy, tiêu chí đầu tiên để chúng tôi xác nhận Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas chính là yếu tố lưu truyền bằng diễn xướng. Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh cũng làm rõ tính chất “sống” của sử thi Tây Nguyên: “Diễn xướng sử thi Tây Nguyên là diễn xướng sử thi sống … Có nơi, khi diễn xướng sử thi, người ta ngồi, có khi nằm, có khi lại tắt đèn để tạo không gian cho nghệ nhân hát kể sử thi … Hình thức diễn xướng không có âm nhạc đệm và thường không gắn với tín ngưỡng một cách rõ rệt”[9]. Dựa vào thực tế diễn xướng tại xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, chúng tôi đã dẫn ra nhận định này như một tiêu chí xác định tác phẩm Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas là “sử thi sống”. Khi hát kể cho chúng tôi nghe, già làng Điểu Mí ngồi xếp bằng giữa gian nhà, không có âm nhạc đệm và trong trường hợp này không gắn với một nghi lễ tín ngưỡng nhất định. Trước khi diễn xướng, già làng lấy một ít đồ cúng do chúng tôi mang đến, đặt vào dĩa rồi rót nước, rót rượu đổ lên dĩa thức ăn, đổ xuống sàn, lầm thầm khấn nguyện, sau đó uống rồi mới hát kể. Đó chỉ là nghi thức phép tắc ngỏ lời với thần linh, xin được diễn xướng sử thi Stiêng, của già làng Điểu Mí. Trên thực tế, giống như sử thi mo Đẻ đất đẻ nước của tộc người Mường được diễn xướng trong nghi lễ tang ma, sử thi Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas diễn xướng nhằm phục vụ một nghi lễ tín ngưỡng cụ thể là lễ cúng bà bóng của đồng bào Stiêng từ xưa đến nay.

Nhựa sống của Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas còn thể hiện ở chỗ, cho đến ngày nay, người ta vẫn tổ chức lễ hội bà bóng với những nghi thức được miêu tả trong tác phẩm. Ngoài ra, trong suốt quá trình lễ hội, tuy các thầy bà bóng không hát lại toàn bộ nguyên văn tác phẩm sử thi Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas nhưng từng câu thần chú, từng lời cầu xin van vái được dùng khi cúng bà bóng cho Rơ Liêng Mas trong tác phẩm này đều được hát kể liên tục. Một điều vô cùng đáng tiếc là mặc dù chúng tôi đã cố gắng bằng hết khả năng để thuyết phục cộng tác viên dịch thuật Điểu Hích dịch những câu thần chú, những lời van vái thành khấn ấy ra tiếng Việt nhưng ông đã không thực hiện. Bởi lẽ những lời ấy, theo ông, thuộc về tín ngưỡng thiêng liêng được người Stiêng lưu truyền từ xưa đến nay. Ông không dám vì không được phép chuyển nghĩa chúng sang tiếng Việt. Chính điều này càng tạo nên tính huyền bí, linh thiêng trong văn hóa tín ngưỡng của người Stiêng. Người Stiêng đã không cho chúng tôi chạm vào nơi linh thiêng nhất của họ. Vì vậy, công cuộc mã hóa nghi lễ cúng bà bóng của người Stiêng ở trường hợp xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước của chúng tôi chỉ có thể dừng lại ở việc giới thiệu những nghi thức tổ chức. Hy vọng rằng trong thời gian tới, bằng tâm huyết của chúng tôi và sự quan tâm của mọi giới, việc tìm hiểu những đoạn mang nội dung thần chú, khấn nguyện ấy sẽ được thực hiện một cách triệt để. Đó chính là mấu chốt quan trọng để chúng ta có điều kiện đi sâu hơn vào đời sống tâm linh của người Stiêng ở địa phận xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Trở lại vấn đề, chúng ta thấy rằng chính vì tính phổ biến và đầy sức sống như đã nói ở trên của tác phẩm Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas mà ngày nay, bên cạnh những già làng, một số thanh niên trong làng đều có biết đến câu chuyện quen thuộc này. Tuy phần lớn không có khả năng nhớ và diễn xướng tác phẩm một cách đầy đủ, đúng nghi thức nhưng họ có thể nắm sơ bộ về nội dung tác phẩm. Điều này chứng tỏ Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas không phải là một tác phẩm sử thi “một đi không trở lại” và những yếu tố được phản ánh trong tác phẩm cũng không phải “một đi không trở lại”. Tất cả như đang trường tồn cùng bao sự biến đổi của thời gian để chứng minh cho nét độc đáo trong giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng tộc người Stiêng.

Một khía cạnh khác để soi rõ độ sống của sử thi là trong không gian diễn xướng, cả người hát kể lẫn người nghe đều tin những gì diễn ra trong truyện là có thật. Con người tìm đến với sử thi trong một không gian diễn xướng nhất định nào đó tức là tìm đến bằng nhu cầu hóa thân và trở thành người trong cuộc để được sống cùng với những gì đang diễn ra trong tác phẩm. Khi diễn xướng tác phẩm này, già làng Điểu Mí và chúng tôi, cùng những thanh niên trong làng đã bị tác phẩm hớp hồn theo những cách khác nhau. Cụ thể hơn, khi hát đến đoạn Tơ Boong Mas rơi nước mắt khi đi qua những nơi mà ngày xưa chàng đã từng hẹn hò cùng Rơ Liêng Mas thì già làng Điểu Mí đã nghẹn ngào rơi nước mắt. Sự xúc động của ông dâng lên đến mức giọng hát kể lúc đầu còn hòa trong nước mắt, rồi sau đó bị ngắt quãng và cuối cùng là im bặt. Già làng Điểu Mí không thể kìm hãm nỗi xúc động của mình bởi lẽ ông bây giờ đã không còn là ông nữa mà chính là chàng trai Tơ Boong Mas đa tình kia. Ông lúc đó không phải đang ngồi tại nhà hát kể tác phẩm nữa mà ông đang cùng Nglon Hơr đi qua những nơi kỷ niệm hò hẹn của Tơ Boong Mas và Rơ Liêng Mas. Chính độ “sống” của sử thi đã tạo nên sự đồng cảm mãnh liệt của già làng Điểu Mí ở trường đoạn sử thi này. Và ngay chính bản thân chúng tôi khi được thưởng thức, được nghe giọng hát, lời khóc, được thấy điệu bộ của già làng Điểu Mí, được sống trong không khí đồng cảm nghệ thuật khi ấy, cũng thấy lòng dâng lên những cảm xúc khó tả. Còn những thanh niên trong làng thì lặng lẽ để hồn trôi theo mạch cảm xúc. Họ im lặng không nói một lời nào mặc dù đã nắm rõ nội dung của tác phẩm. Cả không gian chìm theo tiếng kể, tiếng khóc và cả những tiếng lòng không nói. Tất cả cùng hòa điệu, cùng chứng nhân cho sự thăng hoa của cảm xúc, của nhựa sống đang tràn trề trong tác phẩm sử thi. Những gì thuộc về tri thức và cảm xúc, lý trí và tín ngưỡng, hiện thực và tưởng tượng, cái có thật và cái hoang đường, … cùng hòa quyện vào nhau để diễn tả thế giới quan của cả một cộng đồng người, một dân tộc.

 

C. KẾT LUẬN

Mặc dù không mang tầm cỡ là “bộ bách khoa thư” hay là “từ điển sống” như các bộ sử thi Tây Nguyên khác đã được công bố nhưng sử thi Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas cũng mang những giá trị phản ánh đời sống lịch sử xã hội cùng những biến chuyển của nó. Tác phẩm đã phản ánh quá trình hình thành và phát triển của các chế độ xã hội, đặc biệt ở đây là xã hội song hệ với các mối quan hệ khá đa dạng. Đồng thời, nó cũng phản ánh sự hình thành và ổn định đời sống văn hóa của dân tộc, các nghi lễ, phong tục, tập quán, … của xã hội Stiêng xưa kia. Chính điều này đã tạo nên giá trị văn hóa cao về nhiều mặt cho tác phẩm sử thi. Bên cạnh đó, tác phẩm cũng là nguồn sử liệu quan trọng trong nghiên cứu lịch sử và nguồn gốc tộc người thông qua những mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên, đời sống xã hội của tộc người nơi đây, phong tục tập quán. Từ đây sẽ góp phần tạo dựng bản sắc văn hóa tộc người.

Với tính chất sử thi và thuộc hệ đề tài lấy vợ - chiến tranh, tác phẩm Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas đã phản ánh xã hội tộc người Stiêng thời kỳ cổ sơ thông qua những tâm tư, suy nghĩ và mơ ước được cụ thể hóa bằng hình tượng các nhân vật. Tiếp cận tác phẩm, chúng ta thấy được những nghi lễ, tập quán mang tính truyền thống của người Stiêng xưa. Phần lớn những nếp ăn, nếp nghĩ ấy vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Bên cạnh những yếu tố được phản ánh, bản thân tác phẩm tuy không có sự rộng lớn về độ dài (chỉ gồm 13 giờ ghi âm và được văn bản hóa thành 41 trang tiếng Stiêng La tinh hóa và 54 trang tiếng Việt) nhưng theo nhận định của nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh: “Trên cơ sở thực tế sưu tầm, chúng tôi thấy tối thiểu độ dài diễn xướng sử thi phải là 2-3 giờ, tương đương với 2 băng ghi âm 90 phút[10]. Tuy nhiên, mọi vật đều ở lượng tương đối và người ngày nay đang dần bị cuốn theo tốc độ phát triển của cuộc sống hiện đại nên việc xác định sức sống của tác phẩm sử thi này là điều rất khó. Nó đòi hỏi mọi người cần có cái nhìn trân trọng, quan tâm và khai thác để những tác phẩm sử thi này, của tộc người Stiêng và các tộc người khác trên đất nước Việt Nam, có thể sống trong một cộng đồng sử thi có bề dày và bề sâu nhất định thông qua những mối tương quan chặt chẽ. Bên cạnh đó, do đặc tính của sử thi là lưu truyền bằng con đường truyền miệng cho nên việc sưu tầm cần được thực hiện một cách nhanh chóng và triệt để.

Trong xã hội hiện nay, sử thi vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Stiêng nói riêng và đồng bào các tộc người thiểu số nói chung. Đặc biệt là khi chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” thì việc sưu tầm, gìn giữ, phát huy những giá trị sử thi của các tộc người càng mang ý nghĩa sâu sắc. Do vậy, trong thời gian qua, các cơ quan văn hóa nhà nước đã có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ về kinh phí cũng như con người cho việc sưu tầm và xuất bản các tác phẩm sử thi của các tộc người. Điều này mang ý nghĩa vô cùng to lớn. Ý nghĩa của nó không dừng lại ở việc truyền đạt cho con cháu thế hệ mai sau mà còn góp phần làm cho các sử thi nói riêng và đời sống tinh thần của các tộc người nói chung vươn xa hơn, vươn ra thế giới bên ngoài như “không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyện, một kiệt tác truyền khẩu phi vật thể của nhân loại”.

Chúng ta may mắn được sống trong một xứ sở mà cuộc sống sinh động của sử thi đang biểu hiện trong nhân dân các dân tộc. Do vậy, trong việc nghiên cứu sử thi cần “thay đổi khái niệm sử thi và lịch sử sử thi cũ, được hình thành từ hàng trăm năm nay” và tiếp cận sử thi theo quan niệm sử thi sống. Sử thi sống chưa được ghi chép đồng nghĩa với việc chúng đang chết đi. Khối lượng sử thi to lớn của Việt Nam phần lớn đang ở trong trí nhớ của các nghệ nhân, già làng cao tuổi, già yếu. Chúng đang nhanh chóng bị xóa đi trên trái đất cùng với sự sút kém trí nhớ và sự qua đời của các nghệ nhân, già làng. Nhiệm vụ cấp cứu trước hết là của Việt Nam, đồng thời rất cần sự giúp đỡ của thế giới.

Một thực trạng đáng quan tâm hiện nay đối với khoa nghiên cứu sử thi là liệu các tác phẩm sử thi đã được phiên âm, biên dịch và in thành sách có sống lại được, có trở về được với buôn làng hay không? Mặc dù đã có nhiều chính sách được ban hành nhằm củng cố và truy hồi trữ lượng sử thi quý giá đang tiềm ẩn và có nguy cơ mất đi trong các dân tộc thiểu số bằng cách mở cửa các lớp truyền dạy sử thi. Tuy nhiên, các lớp truyền dạy sử thi hiện đang tồn tại khá èo uột, bởi việc học hát kể sử thi không đơn giản chỉ là việc học thuộc lòng. Bên cạnh đó, thanh niên dân tộc thiểu số bây giờ có xu hướng thích nghe những loại nhạc tân thời và có một số đang dần quên tiếng mẹ đẻ. Đó là những vấn đề nan giải, đòi hỏi mọi người cùng có ý thức trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ những nét văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc thông qua những hành động cụ thể và thiết thực trong thời gian tới.

Những ngày cùng ăn, cùng ở và cùng sinh hoạt vui chơi với đồng bào Stiêng đã qua, chúng tôi trở về với cuộc sống của chính mình với bao điều lo toan, suy tính. Quãng thời gian được gắn bó với họ, với chúng tôi, là sự lạc vào một thế giới khác. Thế giới có vị ngọt bùi của cơm lam, vị ấm áp lâng lâng của rượu cần, âm thanh dịu dàng huyền bí của điệu cồng chiêng và những con người chất phác, hồn hậu chỉ biết “ưng cái bụng, hay không ưng cái bụng” mà không hề tính toán lẽ thiệt hơn. Lần đầu giao tiếp với người Stiêng, chúng tôi đã khóc thét lên khi bị những đứa trẻ ném con đỉa vào người trong lúc cùng chơi đùa với chúng. Chợt nhớ đến lời cha căn dặn trước lúc đi thực tập: “Con hãy sống thật hòa đồng con nhé! Hãy sống với họ đi rồi con sẽ thấy cuộc đời này bớt mệt mỏi hơn. Sự nguyên khiết trong suy nghĩ, hành động và những câu chuyện kể của họ sẽ thanh lọc tâm hồn con. Con sẽ biết rằng cuộc đời này thật dễ sống biết bao!”. Chúng tôi bắt đầu tập làm quen với nếp sống giản dị, nghèo nàn và có phần lạc hậu. Những đêm bên ánh lửa bập bùng, chúng tôi và những chàng trai, cô gái Stiêng cùng vòng tay nhau trong điệu múa Lâm Thoon nhịp nhàng. Lời nhạc quyến rũ cho điệu múa cứ quay đi trong sự thích thú. Những ngày đi nghe diễn xướng, từng khúc hát lịch sử tộc người được lưu giữ qua bao nhiêu thế kỷ ấy như truyền thêm chất nhựa sống vào người chúng tôi. Vì vậy, mưa rừng gió núi dẫu có lúc làm cho cơ thể yếu đuối nhưng tinh thần của chúng tôi vẫn đầy căng.

Chàng trai Stiêng, đôi bàn tay thô ráp to bè vì những ngày vất vả trên nương. Cô gái Stiêng với nụ cười e ấp làm tan cả sương sớm và chiều đông. Trẻ em Stiêng lem luốc trong những bộ quần áo nhàu đất. Người già Stiêng móm mém nụ cười duyên, … tất cả đi vào trong chúng tôi nhẹ nhàng mà say đắm. Ngày về, dân làng mời chúng tôi ăn mắm chuột, uống rượu trắng. Món ăn lạ kỳ như chính con người nơi đó, đến một lần rồi nhớ mãi không thôi. Khi chúng tôi viết bài kết cho khóa luận Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas cũng có nghĩa là tháng ngày rong ruổi trong thế giới Stiêng đã kết thúc. Không thể nào diễn tả hết cảm xúc của chúng tôi trong lúc này. Tiếng cồng chiêng đôi lúc dội vào cả những cơn mơ. Đôi mắt người Stiêng sâu hun hút như cuốn chúng tôi vào lối sống bình dị, chân chất. Tạm biệt Lộc Hòa, tạm biệt đồng bào Stiêng, chúng tôi về nơi náo nhiệt. Trên chuyến trở về, chúng tôi đã thay mặt mọi người dâng tặng cuộc đời khúc hát lịch sử mang tên Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas như một tinh túy của vùng đất xa xôi. Mưa nắng miền Đông dẫu có gay gắt, lạnh lùng thì lòng chúng tôi vẫn hướng về đồng bào với tất cả tình thương yêu và sự trân trọng. Hy vọng rằng, Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas và những nhiệt huyết của chúng tôi sẽ tạo nguồn cho nhiều công trình tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, triệt để hơn về sử thi của cộng đồng tộc người Stiêng nói chung và của bà con địa phương mà chúng tôi đã đến khảo sát nói riêng.

ThS.Phan Xuân Viện

(Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQGTPHCM)

CN. Phùng Thị Thanh Lài

(Trường Phổ thông Năng khiếu – ĐHQGTPHCM)

 



[1] Jiang Sơ Đơach Lơ có ba vợ: một là nàng Lươm Cao Vrah ở trên trời, hai là nàng Lươm Koon Gơôr ở trần gian và ba là nàng Rơ Đvôl Mas.

[2] Davletop, Sáng tác dân gian – một loại hình nghệ thuật (Lê Sơn dịch), tài liệu đánh máy Thư viện Viện Nghiên cứu văn hóa, trang 5, dẫn theo: Nguyễn Việt Hùng, Bàn thêm về thuộc tính loại hình sử thi ở Việt Nam  (qua Kho tàng sử thi Tây Nguyên mới xuất bản), Tạp chí Văn hóa dân gian, số 1, năm 2008.

 

[3] Nhiều tác giả, Fônclo Bâhnar, Sở Văn hóa – Thông tin Gia Lai – Kon Tum , 1988, tr.250.

[4] Davletop, Sáng tác dân gian – một loại hình nghệ thuật (Lê Sơn dịch), tài liệu đánh máy Thư viện Viện Nghiên cứu văn hóa, trang 4, dẫn theo: Nguyễn Việt Hùng, Bàn thêm về thuộc tính loại hình sử thi ở Việt Nam (qua Kho tàng sử thi Tây Nguyên mới xuất bản), tạp chí Văn hóa dân gian, số 1, năm 2008.

 

[5] Davletop, Sáng tác dân gian – một loại hình nghệ thuật (Lê Sơn dịch), tài liệu Thư viện Viện Nghiên cứu văn hóa, trang 19, dẫn theo: Nguyễn Việt Hùng, Bàn thêm về thuộc tính loại hình sử thi ở Việt Nam (qua Kho tàng sử thi Tây Nguyên mới xuất bản), tạp chí Văn hóa dân gian, số 1, năm 2008.

 

[6] V.M.Gatxăc, Loại hình học sử thi dân gian, Nxb Khoa học, M., 1975, tr.3, dẫn theo: Phan Đăng Nhật, Nghiên cứu sử thi Việt Nam, Nxb KHXH, H., 2001, trang 303.

[7] B.M.Gatxac chủ biên, Typologhia narôtnovo êpôtxa, Nxb Nauka, 1975, tr.3, dẫn theo: Phan Đăng Nhật, Nghiên cứu sử thi Việt Nam, Nxb KHXH, H., 2001, tr.21.

[8] Phan Đăng Nhật, Nghiên cứu sử thi Việt Nam, Nxb KHXH, H., 2001, tr. 21 – 22.

[9] Vùng Sử thi Tây Nguyên, tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 10/2004.

[10] Vùng Sử thi Tây Nguyên, tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 10/2004.

 Nguồn: Nguồn sáng dân gian số 2/2010

Danh mục website