19042024Fri
Last updateThu, 18 Apr 2024 12am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn trong định hướng của một đại học nghiên cứu

Đoàn Lê Giang(*)

Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) là khoa học nghiên cứu về những quan hệ xã hội và về bản thân con người. KHXH&NV có liên quan mật thiết đến các lĩnh vực chính trị, xã hội, đạo đức, nhân cách, tư tưởng, văn hóa của dân tộc, cho nên cùng với khoa học tự nhiên là hai lĩnh vực khoa học cơ bản của con người. KHXH&NV có chức năng tổng kết và lưu giữ kinh nghiệm, tư vấn và phản biện xã hội, dự báo và định hướng tương lai rất rõ nét.

Nằm trong hệ thống Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH KHXH&NV có chức năng đào tạo và nghiên cứu về KHXH & NV. Có thể nói với truyền thống đã tạo được trong quá khứ, với lực lượng đang có và không ngừng được bổ sung lớn mạnh, với chức năng nhiệm vụ được giao, Trường ĐH KHXH&NV  đang là một trong hai trường đại học giảng dạy và nghiên cứu về KHXH&NV lớn nhất trong toàn quốc.

Từ kinh nghiệm hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của Khoa Văn học và Ngôn ngữ (VH&NN), quan sát hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường ĐH KHXH&NV, chúng tôi nhận thấy hoạt động NCKH trong những năm gần đây có nhiều điểm khởi sắc, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

 

1. NHỮNG ƯU ĐIỂM NỔI BẬT

1.1. Hoạt động nghiên cứu khoa học đã được quan tâm hơn với kinh phí lớn hơn và phân bố rộng hơn

Trong vòng 5 năm trở lại đây hoạt động NCKH đã được quan tâm hơn trước.

Các dự án đầu tư như xây dựng bảo tàng văn hoá, phòng thực tập báo chí, phòng nghiên cứu ngữ âm, và tới dây nữa là Phòng Sưu tầm và Nghiên cứu di sản Hán Nôm… khiến cho cơ sở vật chất, trang thiết bị NCKH tăng lên mau chóng.

Các đề tài nghiên cứu các cấp: cấp trường, cấp bộ, cấp trọng điểm ĐHQG, cấp nhà nước với kinh phí từ 15-20 triệu đồng lên đến hàng trăm triệu đồng liên tục được triển khai đã tạo nên không khí học thuật sôi nổi hơn hẳn những năm trước.

Các hội nghị khoa học cấp khoa, cấp trường, hội nghị khoa học trẻ, hội nghị khoa học sinh viên được thực hiện hàng năm, khiến cho Trường ĐH KHXH&NV thực sự có sức hút lớn, là nơi hội tụ của nhiều nhà khoa học từ nhiều ngành, nhiều cơ quan, nhiều địa phương khác nhau. Năm 2007-2008, tức là trước khi có khủng hoảng kinh tế thế giới và trước khi có chủ trương cắt giảm kinh phí, là thời điểm cao trào của các hội nghị khoa học.

1.2. Định hướng nghiên cứu hài hoà giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu thực tiễn địa phương, nghiên cứu ứng dụng

          Trong các đề tài được thực hiện ở các khoa, chúng ta đã thấy có sự hài hoà giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu thực tiễn địa phương, nghiên cứu ứng dụng. Các khoa cơ bản như Văn học và Ngôn ngữ, Lịch sử, Triết học, Nhân học, Văn hoá học, Giáo dục học… đã có nhiều đề tài nghiên cứu chuyên sâu về những vấn đề thuộc khoa học cơ bản: những vấn đề mới trong lý luận và phê bình văn học, văn học Việt Nam và thế giới, những vấn đề của lịch sử, triết học, tư tưởng, văn hoá Việt Nam và thế giới…

          Việc nghiên cứu thực tiễn địa phương qua các đề tài trọng điểm ĐHQG như về văn học quốc ngữ Nam Bộ từ cuối TK.XIX đến 1945, từ 1945 đến 1954; văn hoá Nam Bộ; tôn giáo Nam Bộ; lịch sử và khảo cổ Nam Bộ…đã khẳng định vị trí của Trường ĐH KHXH&NV đối với khu vực Nam Bộ, Nam Trung bộ và Nam Tây Nguyên.

          Các đề tài có tính ứng dụng cao thuộc các lĩnh vực: lịch sử, giáo dục, địa lý dân số, môi trường, du lịch, xã hội, quản lý đô thị…cũng cho thấy ý nghĩa thực tiễn của hoạt động NCKH của các nhà khoa học trong Trường.

          Chính hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường ĐH KHXH&NV cho thấy đẳng cấp thực sự của nó so với các trường đại học khác có đào tạo về lĩnh vực này.

1.3. Nghiên cứu khoa học bắt đầu có tính liên kết vùng và liên kết quốc tế

Vài năm trở lại đây hoạt động NCKH của Trường ĐH KHXH&NV đã vươn ra khỏi khuôn viên của đại học, nhiều đề tài đã được thực hiện theo yêu của địa phương. Những khoa đẩy mạnh xu hướng này là các khoa Lịch sử, Văn học và Ngôn ngữ, Triết học, Đông Phương, Việt Nam học, Văn hoá học, Xã hội học, Địa lý... Một số đề tài được thực hiện với sự liên kết giữa các nhà khoa học Trường ĐH KHXH&NV với các nhà khoa học của trường, viện nghiên cứu khác như các đề tài về lịch sử Nam Bộ, văn hoá Nam Bộ, văn học quốc ngữ Nam Bộ…

Một vài đề tài được thực hiện từ sự liên kết giữa các nhà khoa học của Trường ĐH KHXH&NV và nước ngoài, đơn cử như đề tài nghiên cứu về các nhà Trung Quốc học thế giới là sự liên kết giữa Khoa Văn học và Ngôn ngữ với một nhóm nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Đài Bắc.

Gần đây có sự gia tăng nhanh chóng các giảng viên Trường ĐH KHXH&NV đi dự hội thảo khoa học quốc tế ở Mỹ, Canada, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lãnh thổ Đài Loan…, đồng thời có một số hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức ở Trường như: Hội thảo quốc tế về Việt ngữ học do Khoa Việt Nam học chủ trương, Hội thảo quốc tế về hiện đại hoá văn học ở các nước Đông Á do Khoa VH&NN chủ trương… đã hé lộ khuynh hướng vươn ra thế giới của các nhà khoa học của Trường ĐH KHXH&NV. 

1.4. Các công trình được xuất bản từ hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng nhiều

          Xem danh mục sách xuất bản của NXB. ĐHQG TP.HCM, danh mục sách của các nhà xuất bản khác, thấy có khá nhiều sách của các nhà nghiên cứu của Trường ĐH KHXH&NV. Có thể thấy từ hoạt động NCKH mà nhiều giáo trình, sách chuyên luận, tài liệu tham khảo đã được xuất bản. Điều ấy cho thấy hoạt động NCKH của các giảng viên trong Trường đã đi đúng hướng và có những thành quả rõ rệt.

Những thành quả nói trên đã nâng vị thế của Trường ĐH KHXH&NV lên một bước, thực sự xứng đáng là trường đàn anh về KHXH trong hệ thống các trường đại học trong vùng và trong cả nước, bước đầu tạo nên uy tín của Trường  trong các đại học khu vực Đông Á, Đông Nam Á.

 

2. NHỮNG ĐIỂM TỒN TẠI

2.1. Còn có sự không đồng đều trong hoạt động nghiên cứu khoa học giữa các cá nhân trong một bộ môn, các bộ môn trong khoa và giữa các khoa trong trường

          Theo thống kê chưa đầy đủ thì chỉ có khoảng 30% giảng viên tham gia NCKH. Trong mỗi bộ môn còn có nhiều giảng viên ít tham gia nghiên cứu, trong mỗi khoa có bộ môn nghiên cứu mạnh có bộ môn còn yếu, và trong trường cũng thế. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, nhiệm vụ NCKH đặt gánh nặng lên vai những khoa truyền thống - những khoa cơ bản của trường mà đứng đầu là văn - sử  - triết và những chuyên ngành phái sinh từ đấy. Nhưng ngay cả những khoa như vậy vẫn tồn tại sự thiếu đồng đều về hoạt động NCKH giữa các các nhân và các bộ môn.

2.2. Công tác xét duyệt đề tài, nghiệm thu và sử dụng đề tài vẫn còn nhiều bất cập

          Việc xét duyệt đề tài còn có nhiều bất cập như: có không ít đề tài chưa đảm bảo nghiêm nhặt tính mới và tính cần thiết của đề tài. Việc cấp kinh phí còn có biểu hiện nể nang hay cào bằng, mà chưa thực sự đưa uy tín khoa học, chi phí thực hiện đề tài vào thành những tham số quan trọng để cấp phát kinh phí.

          Việc nghiệm thu đề tài cũng còn để lọt một số đề tài yếu, việc đánh giá xếp loại cũng còn nể nang. Tình trạng nghiệm thu trễ hạn vẫn còn xảy ra phổ biến.

          Nhiều đề tài làm ra xong cất ngăn kéo, không thể sử dụng được hoặc không có phương án sử dụng, xuất bản. Điều ấy gây lãng phí không ít.

2.3. Kinh phí hội nghị khoa học bị cắt giảm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch hoạt động nghiên cứu khoa học của các khoa

          Năm 2009 do những ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế mà Trường ĐH KHXH&NV đồng loạt cắt hoàn toàn các hội nghị khoa học chuyên môn cấp khoa và hội nghị khoa học trẻ. Hội nghị khoa học ở một số khoa có thể còn hình thức, nhưng ở những khoa có bề dày truyền thống NCKH như Khoa VH&NN thì chỉ với số kinh phí hạn hẹp - chừng 10-15 triệu, nhưng các hội nghị được tổ chức cũng có  nội dung khoa học rất chuyên sâu và mới mẻ. Ví dụ như:

-         Hội thảo Lý luận văn học Trung Quốc

-         Huyền thoại và văn học

-         Văn học so sánh – lý thuyết và thực tiễn

-         Văn học Việt Nam và văn học Đông Á, Đông Nam Á

-         Đổi mới chương trình và phương pháp dạy văn ở đại học

-         Thơ Việt Nam đương đại

-         Nghiên cứu Hán Nôm và nghiên cứu văn hoá VN…

Chúng tôi cho rằng hội thảo cấp khoa do tính chất chuyên ngành của nó nên mới có nội dung khoa học đích thực. Từ các hội thảo này mà Khoa VH&NN có thể in được các tập kỷ yếu khoa học có giá trị không kém gì các sách chuyên luận, các giảng viên có thể công bố công trình ở các tạp chí khoa học chuyên ngành…Việc Nhà trường cắt kinh phí hội thảo khoa học cấp khoa và hội nghị khoa học trẻ làm không khí NCKH năm 2009 bị chùng xuống. Cho đến nay các hội thảo  như vậy vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. 

2.4. Tạp chí Trường và công tác xuất bản còn chưa đáp ứng được yêu cầu của NCKH

          Mặc dù là một trường đại học có lực lượng nghiên cứu hùng hậu, số lượng  học viên cao học, nghiên cứu sinh đông đảo, thế nhưng tạp chí khoa học của Trường ĐH KHXH&NV không có mà chỉ có tờ nội san với số lượng phát hành rất ít, gần như không được giới khoa học biết đến. Đây là điều không thể chấp nhận được nếu chúng ta so với một số trường đại học ở nước ngoài hay ngay cả với Đại học Văn khoa Sài Gòn trước 1975.

          NXB. ĐHQG TP.HCM cũng thế, NXB này chủ yếu là in giáo trình và sách kinh doanh, còn sách nghiên cứu cũng có in, nhưng do quy chế nên sách gần như không thể bán được ở hệ thống phát hành sách bên ngoài. Trong khi đó ở nước ngoài các NXB đại học là nơi cung cấp những sách khoa học mới mẻ, sâu sắc của giới chuyên môn, rất được xã hội biết đến và nể trọng.

 

3. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VÀ GIẢI PHÁP

3.1. Cần làm tốt hơn nữa công tác xét duyệt đề tài và nghiệm thu đề tài

Cần quan tâm đến việc xét duyệt đề tài, tránh cấp kinh phí cho những đề tài không mới, tránh cào bằng về kinh phí giữa đề tài chi phí nhiều với đề tài chi phí ít, giữa những chuyên gia có uy tín với những người không có kinh nghiệm NCKH hoặc mới bước vào nghề.

Khuyến khích dịch thuật khoa học như một hoạt động khoa học và được tính điểm ít nhất là bằng 70% so với một công trình nghiên cứu. Dịch thuật là một công việc khó khăn, đòi hỏi phải có trình độ ngoại ngữ và trình độ chuyên môn cao. Ý nghĩa của công việc này rất lớn: nó là con đường tốt nhất để rút ngắn khoảng cách giữa nước ta với các nước có nền khoa học phát triển. Việc dịch khoa học mở ra hướng phát huy khả năng chuyên môn của các giảng viên thuộc các khoa ngoại ngữ.

Công tác nghiệm thu công trình cần phải được làm tốt hơn, tránh nể nang, xuê xoa. Cần phải có thái độ nghiêm khắc hơn với những công trình có chất lượng khoa học thấp – hoàn thành rồi mà không thể xuất bản làm sách tham khảo cho SV, HVCH, NCS và các nhà chuyên môn.

3.2. Mở rộng liên kết nghiên cứu khoa học với địa phương, với các đại học trong nước và quốc tế

          Cần chú trọng hơn nữa việc hợp tác với các tỉnh để thực hiện những đề tài nghiên cứu phục vụ địa phương.

          Cần thực hiện những đề tài NCKH lớn trong đó quy tụ giảng viên các tỉnh. Cần tiếp tục mở những hội nghị khoa học cấp khoa, cấp trường để quy tụ các giảng viên cùng chuyên ngành ở đại học các tỉnh.

          Chú ý mở rộng quan hệ hợp tác NCKH với các đại học nước ngoài như:  mở hội thảo quốc tế, hợp tác với nhau thực hiện chung đề tài, tiến tới thành lập hoặc tham gia các học hội khoa học quốc tế.

          Tất cả những việc làm trên vừa giúp cho các tỉnh, vừa tăng thêm kinh phí, lại vừa góp phần khẳng định vị thế của Trường trong vùng, trong nước và quốc tế.

3.3. Nâng cấp nội san Khoa học xã hội và Nhân văn của Trường và đổi mới công tác xuất bản

          Việc nâng cấp nội san Khoa học xã hội và Nhân văn của Trường có thể làm bằng 2 cách:

          - Xin mã số để nội san của Trường trở thành tạp chí khoa học

          - Có thể xin phép nội san của trường thành phụ bản hay chuyên san của tạp chí Khoa học và Công nghệ của ĐHQG TP.HCM.

          Cần thay đổi phương thức xuất bản, phát hành làm sao cho sách của NXB ĐHQG TP.HCM có thể phát hành rộng rãi ở bên ngoài, NXB ĐHQG TP.HCM có thể trở thành một nhà xuất bản mạnh, trước hết là sánh với NXB. ĐHQG HN, sau đó thì hướng đến sánh với các nhà xuất bản đại học của nước ngoài.   

3.4. Tạo môi trường học thuật trong trường đại học và hướng đến một đại học nghiên cứu

Cần khôi phục lại hội nghị khoa học chuyên ngành ở cấp khoa. Trường cần chú ý cấp kinh phí hội thảo cho các khoa thực sự có nhu cầu và có thể kinh nghiệm tổ chức, tránh cấp kinh phí dàn đều có tính chất phong trào. 

          Cần khôi phục lại hội nghị khoa học trẻ để tạo môi trường quy tụ các giảng viên trẻ, NCS, HVCH, giúp cho họ có chỗ tập dượt nghiên cứu, đồng thời cũng tạo điều kiện cho họ có thể đăng bài trên tạp chí khoa học như yêu cầu đối với một HVCH, NCS.

          Chú trọng đến NCKH, hội thảo khoa học, nâng cấp tạp chí khoa học, tăng cường trang thiết bị, tư liệu phục vụ NCKH, tôn vinh những người làm khoa học chân chính… chính là tạo môi trường học thuật cho đại học. Trong tương lai, Trường ĐH KHXH&NV cần nghiên cứu và áp dụng những quy chế thích hợp của một số đại học nghiên cứu có đẳng cấp quốc tế, để có thể xây dựng Trường ĐH KHXH&NV trở thành một đại học nghiên cứu thực sự. Chỉ có con đường đó chúng ta mới tạo được cơ sở vững chắc cho sự phát triển Trường Đại học KHXH&NV, đưa Trường trở thành một trong hai trường chuyên ngành về KHXH lớn nhất trong cả nước, đáp ứng được nhiệm vụ của đất nước và nhân dân giao phó, có thể sánh ngang với những đại học danh tiếng trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong tương lai.

 

Nguồn: Tập san Đại học Quốc gia TP.HCM số 126/ 2010 (Số đặc biệt chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ Đại học Quốc gia TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015)

 

 



* PGS, TS, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH và NV – ĐHQG-HCM