19042024Fri
Last updateThu, 18 Apr 2024 12am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Những nguồn mạch chính và khả năng ứng dụng mới của lý luận văn học cổ điển Trung Quốc

Lý luận văn học cổ điển Trung Quốc có lịch sử lâu dài, có khối lượng đồ sộ  và có những thành tựu rực rỡ không thua kém bất cứ nền lý luận văn học nào trên thế giới. Những tên tuổi lớn làm vang danh cho nền lý luận ấy có thể kể ra ở đây như: Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử với những tư tưởng sâu sắc có tính định hướng cho văn học; rồi Tào Phi với Điển luận – Luận văn, Lục Cơ với Văn phú, Lưu Hiệp với Văn tâm điêu long, Chung Vinh với Thi phẩm, Nghiêm Vũ với Thương Lang thi thoại, Kim Thánh Thán với việc phê bình Lục tài tử thư, Viên Mai với Tuỳ Viên thi thoại…Những tên tuổi ấy vốn không hề xa lạ đối với học giới Việt Nam. Sở dĩ được như thế là nhờ những cố gắng dịch và giới thiệu không mệt mỏi của nhiều thế hệ những người nghiên cứu nước ta, mà công đầu thuộc về nhà trí thức bách khoa Lê Quý Đôn(1). Giữa một rừng tư tưởng lý luận văn học Trung Quốc như thế, để cho khỏi lạc đường, cần phải nhận ra những nguồn mạch chính, chảy xuyên suốt lịch sử. Đồng thời theo những nguồn mạch ấy để xem xem, những tư tưởng lý luận, phê bình văn học như thế còn có thể giúp ích gì cho lý luận, phê bình cũng như sáng tác văn học  hiện nay.              

                                                                                                          

Có nhiều cách chia lịch sử lý luận phê bình văn học Trung Quốc, ở đây chúng tôi xin chia ra thành những khuynh hướng chính, trong đó có 2 khuynh hướng hình thành từ thời cổ đại, còn một khuynh hướng hình thành vào giai đoạn Hậu kỳ trung đại(2). Những khuynh hướng này gắn liền với những học thuyết lớn chi phối toàn bộ đời sống tinh thần Trung Quốc: Nho, Phật, Đạo và trào lưu văn hóa thị dân. Giới nghiên cứu Trung Quốc học có thể dễ dàng thống nhất với nhau ở quan niệm này:

  - Nho giáo là tư tưởng đạo đức, chính trị, xã hội, nhìn chung có tính chất nhập thế. Nó là dòng chính của tư tưởng, văn hóa Trung Quốc, đồng thời là hạt nhân của Đạo thống (về phương diện tư tưởng, chính trị) và Văn thống Trung Quốc (về phương diện văn học).

- Đối lập với nó là tư tưởng Lão Trang, và sau này chịu ảnh hưởng thêm Phật giáo, nhất là phái Thiền tông. Vì hai tư tưởng này có nhiều điểm gần gũi, tâhm nhập vào nhau, nên người ta hay gọi chung là tư tưởng Thiền – Lão. Tư tưởng Thiền Lão đề cao Tự nhiên, Đạo, Không, cùng những đặc tính của Đạo: Hư, Vô, Tịch, Tĩnh, Nhã, Đạm…

- Vào Hậu kỳ trung đại, từ đời Đường và đậm nét hơn là đời Minh xuất hiện trào lưu văn hóa thị dân, trong đó đã bắt đầu xuất hiện tiếng nói khẳng định ý thức cá nhân, mà người Trung Quốc (cũng như Nhật Bản, Triều Tiên) gọi là “Tự ngã”, cùng với nó là chủ trương Tôn tình (đề cao tình cảm, nhất là tình yêu nam nữ) và khẳng định loại văn học thông tục, xuất hiện ở đô thị như tiểu thuyết, hý khúc.

Tương ứng với những khuynh hướng văn hóa, tư tưởng, văn học ấy  là những khuynh hướng chính về lý luận phê bình văn học Trung Quốc.

 I. KHUYNH HƯỚNG ĐỀ CAO ĐẠO ĐỨC, CHÍNH TRỊ, XÃ HỘI TRONG SÁNG TÁC VĂN HỌC

  Trong khuynh hướng này có thể thấy 2 loại: một là quan niệm văn học của những nhà tư tưởng, cụ  thể là các nhà nho, họ thường quan tâm đến những mối quan hệ giữa văn học với những vấn đề bên ngoài văn học: đạo đức, chính trị, xã hội.  hai là quan niệm văn học của các nhà văn, mặc dù cũng gắn bó với tư tưởng Nho gia và chịu sự chi phối của nó, nhưng vì là người sáng tác hay những nhà phê bình tri âm với nhà văn, nên họ chú ý nhiều đến những vấn đề thuộc về tâm lý sáng tạo nghệ thuật.

  1. Dòng Nho gia:

 Nhà tư tưởng tiêu biểu nhất cho tư tưởng Nho gia cũng như lý luận văn học Nho gia, cố nhiên là Khổng Tử. Tuy nhiên trước khi Khổng tử xuất hiện thì những mầm mống ban đầu của tư tưởng lý luận văn học Nho gia cũng đã hình thành. Đó là quan niệm Quan chí, Quan phong trong Kinh Thi. Theo đó thơ là phương tiện để người cầm quyền quan sát chí hướng của dân chúng, để xem xét phong tục các vùng để mà giáo hóa. Vì thế vào thời Tây Chu có lệ là các tiểu vương ở các xứ (có đến trên ba trăm nước) phải “cống thơ” (cống thi) cho thiên tử. Quan niệm văn học rất nổi tiếng sau này là “Thi ngôn chí” (Thơ là để nói chí) cũng đã xuất hiện từ rất sớm trong sách Thượng thư – thiên Nghiêu điển. Mặc dù nội dung mệnh đề ấy cũng được nhiều sách nói đến như Trang Tử (Thiên hạ thiên), Tả truyện (Tương Công nhị thập thất niên), Tuân Tử (Nho hiệu thiên), nhưng qua thời gian, cuối cùng thì chỉ có mỗi Nho gia đi đến cùng quan niệm này, vì thế nó trở thành một trong những tư tưởng lý luận quan trọng của Nho gia. Theo quan niệm đó, thì thơ ca không phải là phương tiện thổ lộ nỗi lòng tự nhiên của con người, mà nó phương tiện để thể hiện chí. Như chiết tự của chữ Chí: Sĩ + Tâm, thì Chí nghĩa là tâm hồn, tấm lòng của kẻ sĩ, và như vậy nó phải gắn bó với những vấn đề chính trị, xã hội.

Khổng Tử xuất hiện, ông là con người Trung Hoa nhất trong những người Trung Hoa. Về phương diện lý luận văn học, ông tuyên bố những tư tưởng quan trọng nhất, và những tư tưởng ấy sẽ chi phối văn học Trung Hoa hơn 2000 năm sau. Ông dạy rất nhiều: “Để chí ở Đạo, giữ lấy Đức, theo điều Nhân, vui chơi ở lục nghệ (lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số)”, “Người quân tử hổ thẹn vì có lời văn hay mà không có đạo đức, có đạo đức mà lại không làm được gì”, “Từ chỉ cần đạt mà thôi”. Ông đánh giá cao chức năng của thơ ca, ông nói “Không học Kinh thi thì lấy gì để nói”, hay thơ có thể “hưng, quan, quần, oán”, “gần thì thờ cha mẹ, xa thì thờ vua”. Ông dạy về làm văn chương như thể dạy tư cách làm người, chẳng hạn ông chủ trương : không chỉ người, mà cả thơ cũng phải “ôn, nhu, đôn, hậu”.

 Những tư tưởng lý luận văn học Nho gia được kết tinh trong Thi đại tự (Bài tựa lớn của Kinh Thi) một bài luận ngắn, nhưng ý nghĩa của nó lại to lớn và ảnh hưởng của nó rất lâu dài. Về bản chất của Thơ, Thi đại tự nói: “Thơ là nơi thể hiện chí. Ở trong lòng là chí, phát ra lời là thơ. Tình động ở  trong mà thành hình ra lời. Lời nói không đủ nên phải thở than. Thở than không đủ cho nên phải ca ngâm. Ca ngâm mà vẫn không đủ thì bất giác tay múa chân giậm.” Thơ bắt rễ từ Tình, nhưng Tình với Chí cũng thống nhất làm một. Không chỉ là tình - chí của một cá nhân, mà thơ cũng phản ánh âm thanh của thời đại, nghe thơ mà hiểu được lòng dân, hiểu được chính sách của người cầm quyền và số phận của đất nước : “Âm thanh thời thịnh thì yên mà vui, vì chính sự thời ấy ôn hòa. Âm thanh thời loạn thì oán mà giận, vì chính sự thời ấy sai trái. Âm thanh lúc nước mất thì buồn mà lo, vì dân nước ấy đang khốn cùng.” Tác dụng của Thơ  thật là to lớn, nó có thể  « làm ngay được chuyện được mất, động đến trời đất, cảm được quỷ thần, không gì gần hơn thơ. Tiên vương dùng thơ để giữ luân thường chồng vợ, khiến người ta biết hiếu kính, làm dày thêm đạo đức, làm đẹp giáo hóa và làm thay đổi phong tục. » Cuối cùng Thi đại tự nói đến 6 phạm trù cơ bản của Thơ, trong nguyên văn gọi là «lục nghĩa » : Phong, Phú, Tỉ, Hứng, Nhã, Tụng. Những phạm trù này còn được sử dụng mãi đến sau này.

 Từ sau đời Hán đến hết thời Nam Bắc triều không thấy xuất hiện những bậc đại  Nho nữa, nhưng không vì thế những tư tưởng lý luận văn học của Nho gia không được tiếp tục. Cuốn «kỳ thư» của lý luận văn học Trung Quốc là Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp, tuy thể hiện sự hòa trộn tuyệt vời tam giáo, nhưng những nguyên lý cơ bản nhất của sáng tác văn học đều thể hiện một cách chặt chẽ những nguyên tắc Nho gia: Văn bắt nguồn từ Đạo (Nguyên Đạo), căn cứ vào Thánh nhân (Trưng Thánh), học theo các kinh (Tông Kinh).

 Đến đời Tống, các nhà Lý học đã làm một cuộc phản kích triết học chống lại những nguy cơ ảnh hưởng của Phật – Lão. Về lý luận văn học, chủ đề mà các nhà Lý học đời Tống quan tâm nhất là mối quan hệ giữa Văn và Đạo. Các học giả, văn sĩ Đường Tống bàn nhau không ngớt : «Văn là cái nơm của Đạo » (Liễu Khai), «Văn là cái dụng của Đạo » (Thạch Giới), «Văn  là khí cụ để quán triệt Đạo » (Lý Hán), «Văn là để làm sáng tỏ Đạo » (Liễu Tông Nguyên)… Cuối cùng người ta dừng lại ở kết luận « Văn dĩ tải đạo », mà người khởi xướng nó là Chu Đôn Di, và người nói hùng hồn về nó nhất là Chu Hy. Mặc cho cách hình dung của các ông là thô sơ nhất, cơ giới nhất, và « ngoại đạo » nhất, nhưng mệnh đề «Văn dĩ tải Đạo » lại có tầm ảnh hưởng rộng lớn nhất và sâu sắc nhất.

 Các triều đại sau đời Tống chủ yếu là  thực hiện chủ trương «Tông Đường học Tống » nên không có ý tưởng quan trọng nào nữa. Đến đời Thanh, tư tưởng bảo thủ cáng ngày càng mạnh, nhất là nguy cơ xâm lăng về học thuật cũng như quân sự đang đến càng ngày càng gần. Trong tình hình ấy, Chương Học Thành đề xướng quan niệm “Văn sử thông nghĩa” (văn sử có nghĩa tương thông với nhau), điều ấy càng nhấn mạnh vào nội dung đạo đức, chính trị, xã hội của văn học nhưng đồng thời cũng thủ tiêu luôn những đặc trưng riêng biệt của văn chương.

  2.Dòng văn gia :

Về cơ bản cũng thống nhất với những quan niệm văn học của Nho gia như dã nói ở trên, cũng chú ý vào nội dung chính trị xã hội của văn học, nhưng có điều khác là họ đi sâu vào những nguyên lý sáng tác. Có thể coi người mở đầu là nhà sử học, đồng thời cũng là nhà văn vĩ đại Tư Mã Thiên với quan niệm “Phát phẫn trứ thư” –  văn chương được sáng tác ra từ sự phẫn uất của người nghệ sĩ. Quan niệm ấy được hình thành từ sự trải nghiệm đau đớn và uất ức của ông: ông bị cung hình (thiến) chỉ vì dám bênh vực người bạn mình là Lý Lăng. Ông đau buồn như điên dại, nhiều lúc đã nghĩ đến cái chết, nhưng ông vẫn sống và dành toàn bộ thời gian sức lực còn lại của mình để chu du khắp các danh tháng, các di tích lịch sử trên đất nước Trung Hoa mênh mông. Trở về ông đóng cửa thư phòng lại để viết ra bộ Sử ký kỳ vĩ nhất trong các bộ sử - truyện của đất nước mình. Từ kinh nghiệm cá nhnâ, Tư Mã Thiên đã suy rộng ra: từ Văn Vương, Khổng Tử, đến Tôn Tẫn, Hàn Phi, Lã Bất Vi, Khuất Nguyên, ai cũng vì có điều phẫn uất ở trong lòng mình mà sáng tác ra những tác phẩm để đời.

Các nhà lý luận, phê bình “chuyên nghiệp” thời Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều đều nhấn mạnh vào phong cách cứng cỏi của văn chương như là nguyên tắc hàng đầu: Tào Phi với “Văn khí” – “Văn dĩ khí vi chủ”; Lưu Hiệp với “Phong cốt” – “văn từ cần cốt như cơ thể cần bộ xương; tình cảm chứa đựng phong (phong hóa, giáo hóa) cũng như cơ thể bao bọc lấy khí vậy. » ; còn Chung Vinh thì nói tới “Khí cốt” – dùng khí cốt để phẩm bình và xếp hạng các thi sĩ.

 Trong các thi sĩ Thịnh Đường, người nặng lòng với trách nhiệm xã hội của thơ ca nhất là Bạch Cư Dị. Trong các trước tác của mình, nhất là trong bức thư nổi tiếng Thư gửi Nguyên Chẩn, Bạch Cư Dị đã trình bày toàn bộ những suy nghĩ của mình về ý nghĩa và quá trình phát triển của thơ ca, trong đó ông cho rằng giá trị của văn thơ ca lớn nhất là phúng thích chính trị, “vì vua vì tôi vì dân vì vật mà viết chứ không vì văn mà viết vậy”. Cuối cùng ông đi đến mệnh đề: văn chương là khí cụ dùng để “Bổ sát thời chính” (bổ sung cho việc xem xét nền chinh trị đương thời).

 Người khởi xướng phong trào Cổ văn thời Trung Đường là Hàn Dũ. Ngoài công lao của ông là chống lại thói hư văn và giải phóng văn thể, nhất là văn xuôi, ông còn nổi tiếng với quan niệm sáng tác “Vật bất bình tắc minh” – mọi vật vì bất bình mà phải kêu lên. Và văn chương cũng vậy, vì sự bất bình với thực tại mà người nghệ sĩ mới phải kêu lên, mà sáng tạo ra tác phẩm: “Nói chung vật không được quân bình thì kêu lên. Cỏ cây không có âm thanh, gió đùa mà phát ra tiếng; nước không có âm thanh, gió xao động mà phát ra tiếng. Nó sẽ vọt lên nếu có ai chặn nó ; nó sẽ cuốn đi nếu có ai ngăn trở nó ; nó sẽ sôi lên nếu ai nấu nó. (…) Đối với người ta cũng vậy. Cái tinh hoa của tiếng người là lời nói, văn từ so với lời nói thì lại càng là tinh hoa; lựa lấy những tiếng kêu hay, mượn nó để kêu lên nỗi niềm.» (Tống Mạnh Đông Dã tự)

 Nhà văn hàng đầu đời Tống là Âu Dương Tu. Ông thách thức dư luận bằng quan niệm đầy tranh cãi: “Thi cùng nhi hậu công” (người cùng thì thơ mới hay).

 Nói chung quan niệm ấy cũng như các quan niệm của Tư Mã Thiên, Hàn Dũ đều nhấn mạnh vào sự trải nghiệm cuộc sống và sự bất bình của người nghệ sĩ đối với thực tại. Quan niệm của Nho gia và văn gia như trên có thể coi là dòng chính thống của văn chương Trung Quốc – tức là Văn thống như người đời Đường, đời Tống vẫn nói, một cách nói phát triển ra từ Đạo thống. 

  II. KHUYNH HƯỚNG ĐỀ CAO TỰ NHIÊN, HƯ TĨNH TRONG VĂN HỌC

Khuynh hướng này chịu ảnh hưởng sâu sắcn tư tưởng Lão trang, sau đó là Phật giáo, nhất là phá Thiền tông. Trước hết nói đến tư tưởng văn nghệ Lão Trang, tư tưởng ấy thể hiện ở  những điểm chính yếu sau :  

1. Sùng thượng tự nhiên, đề cao cái đẹp Giản, Phác

Nghệ thuật cũng lấy “vô” làm gốc: “đại âm hy thanh, đại tượng vô hình” (âm thanh lớn thì ít có tiếng, hình ảnh lớn thì không có hình) (Lão Tử, chương 41), còn các loại nghệ thuật có hình có tiếng cụ thể chỉ là sự thể hiện của nó thôi. “Vô thanh chi âm”, “vô hình chi tượng” được xem như là sự thể hiện của “đạo”.

Trang Tử rất tán thưởng vẻ đẹp của “thiên lại” (sáo trời), gọi nó là “thính chi bất văn kỳ thanh, thị chi bất kiến kỳ hình, sung mãn thiên địa, bao lý lục cực” (nghe mà chẳng thấy tiếng của nó, nhìn mà chẳng thấy hình của nó, đầy khắp trời đất, gồm cả luc cực) (Trang Tử, Thiên vận). Trang Tử phản đối nghệ thuật nhân tạo, cho rằng loại nghệ thuật này là “tàn phác dĩ vi khí” (phá bỏ khối ngọc để làm đồ vật) (Trang Tử, Mã đề), chỉ có thể làm phương hại đến vẻ đẹp toàn vẹn tự nhiên diệu tạo.

   2. Đề cao cái Vô, Hư tĩnh:

  Trang Tử cho rằng : cái giá trị của sự vật là cái Vô chứ không phải cái Hữu, ngôn từ không thể diễn tả được tính chất của sự vật.

  Lưu Hiệp, trong chương Thần tứ trong Văn tâm điêu long nói: “thị dĩ đào quân văn tứ, quý tại hư tĩnh, sơ thược ngũ tạng, tháo tuyết tinh thần” (cho nên việc nhào nặn tứ văn, quý ở hư tĩnh, khơi thông ngũ tạng, gội sạch tinh thần). Tô Thức, cũng lấy “hư tĩnh” làm tiền đề của sáng tác, thần hoá tác phẩm nghệ thuật, ông cho rằng: “Dục linh thi ngữ diệu- vô yếm không thả tĩnh -  Tĩnh cố liễu quần động - không cố nạp vạn cảnh” (Muốn lời thơ kỳ diệu, chẳng chán tĩnh và không. Tĩnh vốn từ vật động, Không vốn chứa muôn hình) (Tống Tham Liêu sư). Việc đề cao cái Vô và Hư tĩnh sẽ mở ra mỹ học về cái “dư bạch“ trong hội họa, cái “dư vị” trong thơ, với những “ý tại ngôn ngoại”, “lời đã hết mà ý vẫn còn”…

  3. Thần hóa:

  Cái đẹp cao nhat của nghệ thuật là đạt đến mức độ “Thần hóa”.

  Trong thiên Dưỡng sinh chủ, Trang Tử có kể chuyện người mổ bò cho Văn Huệ Quân dùng dao đến 19 năm mà không phải thay, vì “không dùng con mắt để nhìn mà dùng “thần” để xem : ngũ quan dừng lại mà “thần“ thì muốn đi, nương theo thiên lý”.

  Trong thiên Đạt sinh, Trang Tử có kể chuyện Khổng Tử đi đến nước Sở nhìn thấy một ông già lưng gù trong rừng đang dùng gậy có bôi keo để bắt ve dễ dàng như nhặt nó. Sở dĩ làm được như vậy là do có quá trình tập luyện 5, 6 tháng ròng : lúc đầu ném 2 viên bi lên đầu gậy, sau đến 3 viên, cho đến khi ném 5 viên bi lên đầu gậy mà không trượt lần nào. Lúc ấy đi bắt ve, thấy dễ dàng như nhặt vật nó lên vậy. “Ta đứng ổn định thân thể như một gốc cây, tay ta cầm gậy dài chẳng khác gì cành cây khô, tuy trước mặt là trời đất rộng rãi, vạn vật phồn tạp, nhưng trong mắt trong tâm ta chỉ chú ý nhìn cánh con ve. Ta tụ tập tinh thần, không chú ý gì đến sự chuyển động của vạn vật bên ngoài trừ cánh ve, như vậy làm sao mà không bắt được?”. Khổng Tử phải khen ông lão là loại người “Dùng chí không phân tán, để cho ngưng tụ tinh thần” (Dụng chí bất phân, nãi ngưng ư thần).

  Trang Tử thần hoá kỹ thuật bằng hai cách thực hành cụ thể: 1) Tích luỹ thực tiễn lâu dài, như chuyện đẽo bánh xe, đã bảy chục tuổi mà già này vẫn tự đẽo bánh xe,  (Trang Tử, Thiên đạo). Luyện tâm pháp: đắc tâm ứng thủ, xuất thần nhập hoá. 2) Chuyên tâm hết mực, không vọng niệm “dụng chí bất phân, nãi ngưng vu thần” (dùng chí không phân tán, tập trung tinh thần) (Trang Tử, Đạt sinh).

  Rèn luyện công phu như thế thì có thể đạt tới trình độ từ tâm ứng ra tay (tâm ứng thủ), vui đùa với mũi dao mà không bị thương (du nhận vô thương), bắt ve dễ dàng như nhặt nó (thừa điêu do xuyết chi), đi lại trong nước như đi trên đất bằng (đạp thủy như lý bình địa)…Đó chính là đạt tới mức độ “thần hóa”

  4. “Đắc ý nhi vong ngôn” :

  Trong thiên Ngoại vật sách Nam hoa kinh, Trang Tử có đề ra nguyên tắc ngôn ngữ : «Đắc ý vong ngôn) (được ý mà quên lời). Khi nói đến cach viết của mình, Trang Tử từng nói thế này: “Dĩ mậu du chi thuyết, hoang đường chi ngôn, vô đoan nhai chi từ, thị tứ túng nhi bất đảng, bất dĩ kỳ kiến chi dã. Dĩ thiên hạ chi trầm trọc, bất khả dữ trang ngữ, dĩ chi ngôn vi mạn diễn, dĩ trọng ngôn vi trân, dĩ ngụ ngôn vi quảng” (Dùng thuyết viển vông, lời nói hoang đường, từ ngữ không đầu không đuôi, phóng túng mà không loạn, không nhìn phiến diện. Bởi thiên hạ chìm trong ô trọc, không thể dùng những lời trang nghiêm, nên dùng chi ngôn để suy diễn, lấy trọng ngôn làm thật, lấy ngụ ngôn để mở mang rộng ra) (Trang Tử, Thiên hạ).

  “Đắc ý vong ngôn” của Trang Tử trở thành thuyết “ngôn bất tận ý” của các nhà huyền học Ngụy, Tấn. Văn phú của Lục Cơ có nói: “Hằng hoạn ý bất xưng vật, văn bất đãi ý” (Thường lo ý không nêu được sự việc, lời văn không theo kịp ý).. Chương Ẩn tú trong Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp đề xuất quan niệm “ý tại ngôn ngoại”. Tư Không Đồ đời Đường: “vận ngoại chi trí”, “vị ngoại chi chỉ” (Đáp Lý sinh luận thi thư). Đến đời Tống trở thành tiêu chuẩn nghệ thuật cơ bản. Trong Lục nhất thi thoại của Âu Dương Tu có dẫn lời cua Mai Nghiêu Thần: “Hàm bất tận chi ý, hiện vu ngôn ngoại” (hàm ý vô tận, nằm ở ngoài lời). Nghiêm Vũ trong Thương Lang thi thoại của có nói “ngôn hữu tận nhi ý vô cùng” (lời có hết nhưng ý không dứt) (Thương Lang thi thoại, Thi biện).

  Việc đề cao trực giác, cái linh diệu trong hoạt động sáng tạo của Trang Tử rất có ích cho sáng tạo nghệ thuật. Bản thân Nam hoa kinh của ông là bằng chứng rõ ràng nhất về khả năng tưởng tưởng, sáng tạo của một tác phẩm triết học – văn chương. Vì thế không phải là vô lý khi Kim Thánh Thán, nhà phê bình văn học thời Minh, Thanh đã xếp Nam hoa kinh vào vị trí đứng đầu của “Lục tài tử thư”([1]), coi đó là tác phẩm khơi nguồn cho văn chương tài tử – loại văn chương có giá trị nhất trong văn học Á Đông thời trung đại.

  Khuynh hướng lý luận văn học đề cao Tự nhiên, Hư Tĩnh có  vai trò rất lớn. Nó tạo ra cái đẹp “Âm nhu” (mềm mại, nữ tính) của mỹ học Trung Quốc. Đó là phong cách “Thanh Trừng Đạm Viễn” (trong lặng mờ xa) trong thơ Đào Uyên Minh và nhất là Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên, là nguyên tắc “Bình đạm” trong hội họa và thơ sơn thủy, là nguyên tắc “nhập thần”  trong thi luận của Nghiêm Vũ, Tô Đông Pha.

  III.  KHUYNH HƯỚNG ĐỀ CAO CÁI TỰ NGÃ, THUYỀT TÔN TÌNH VÀ VĂN CHƯƠNG THÔNG TỤC

 Thời đại nhà đường đã tạo ra một bước ngoặt mới trong lịch sử, tư tưởng, cũng như văn học Trung Quốc. I.Konrat trong công trình Phương Đông Phương Tây đã mạnh dạn đưa ra quan niệm đời đường chính là thời Phục hưng của Trung Quốc. Kế thừa quan niệm đó, với một thái độ cẩn trọng hơn, chúng tôi coi đời Đường  là giai đoạn mở đầu Hậu kỳ trung đại thứ nhất, tiếp theo nó, thời Minh Thanh là Hậu kỳ trung đại thứ hai. Hậu kỳ trung đại đánh dấu bằng sự xuất hiện của các đô thị phong kinế, cùng với tầng lớp thị dân ngày một đông đảo. Cùng với nó là một nền văn hóa mới: văn hóa thị dân, càng ngày càng khẳng định vị trí và giá trị của nó.

 Quan niệm Tôn tình (đề cao tình cảm), bước đầu khẳng định cái tôi cá nhân – gọi là “Tự ngã” cùng  những thể loại “văn chơi”: truyện truyền kỳ đời Đường; thoại bản đời Tống, Nguyên; hý khúc thời Nguyên, Minh; tiểu thuyết thời Minh Thanh…Quan niệm đề cao tình cảm thường được người ta truy  nguyên ra từ Lục Cơ – bài Văn phú: “Thi duyên tình” để đối lập với “Thi ngôn chí” của Nho gia. Tuy nhiên theo chúng tôi, ý của Lục Cơ trong câu ấy không nhằm đề cao nguyên tắc thể hiện tình cảm trong thơ, mà chỉ nhấn mạnh sự tương ứng giữa nội dung và hình thức của thể loại: “Thi duyên tình nhi ỷ mỹ; Phú thể vật nhi lưu lương” (Thơ nương theo tình cảm nên cần phải đẹp đẽ; Phú tả vật nên phải rực rỡ sáng tươi), điều kiện xã hội thời Tấn chua cho phép ra đời tư tưởng “Tôn tình”. Phải đến Đỗ Phủ với những vần thơ đầy băn khoăn đau đớn về mối quan hệ giữa thơ ca và thân phận, và số mệnh của  người nghệ sĩ thì quan niệm đề cao ý thức cá nhân và đề cao tình cảm mới ra đời:

  - Văn chương tăng mệnh đạt

     (Văn chương thường ghét những người có số phận tốt)

  - Văn chương thiên cổ sự/ Đắc thất thốn tâm tri

    (Văn chương chuyện ngàn đời/ Được mất riêng lòng biết)

  - Ngâm thành ngũ cá tự/ Dụng phá nhất sinh tâm

     (Được câu thơ năm chữ / Phá nát tâm một đời)

Tiếng nói đề cao tình cảm trong sáng tac văn học càng ngày càng mạnh mẽ với đông đảo người tham gia. Đó là Dương Thành Trai, người đời Tống đề cao phong thú mà chống lại cách điệu khuôn sáo; là Lý Chí với thuyết “Đồng tâm” – người làm thơ phải giữ được tấm lòng trong trắng, chân thực của trẻ thơ; là Viên Hoằng Đạo với thuyết “Tính linh” – Thơ ca phải thể hiện Tính linh của con người. Và nhất là Viên Mai, nhà lý luận phê bình thơ ca có tính tập đại thành của khuynh hướng văn chương thị dân. Ông làm sống lại thuyết Tính linh với hàm nghĩa là tình cảm chân thực của con người, là sự nhạy cảm, linh diệu trong tâm hồn, tài năng của người làm thơ; ông đề cao thơ diễm tình của phụ nữ; ông ngợi ca thơ ca chân thực, chất phác của “những người đàn bà con gái ít học”; ông kết một cách tuyệt diệu những thành tựu của khuynh hướng văn nghệ Thiền Lão với trào lưu văn chương đô thị. Ông viết:  “Thơ nên đạm chứ không nên nồng, nhưng phải là cái mđạm sau khi đã rất nồng. Thơ  nên vụng chứ không nên khéo, nhưng phải là cái vụng của đại khéo léo” (Tùy Viên thi thoại). và cuối cùng là Kim Thánh Thán, nhà trạng sư của các thể loại văn thông tục. Bnằg danh sách “Lục tài tử thư”, ông đã xác lập những tiêu chuẩn giá trị rất khác lạ so với Văn thống Trung Hoa từ trước đến nay. Ông bình thơ của thi bá Đỗ Phủ; say sưa với vở hý khúc viết về tình yêu, tính dục và sự phản bội: Tây sương ký; đề cao giá trị của cuốn tiểu thuyết viết về những người nông dân phản loạn: Thủy hử truyện…Những quan niệm ấy vừa bồi đắp cho những giá trị mới của văn chương trung đại Hậu kỳ, vừa chuẩn bị tống tiễn thời Trung đại vào quá khứ.

 Nếu những điều viết về ba nguồn mạch lớn của lý luận văn học cổ điển Trung Quốc như trên chỉ là một câu chuyện cũ, một câu chuyện sang trọng ở những phòng văn nhàn rỗi thì chúng ta không có lý do gì phải ngồi với nhau ở dây. Chúng tôi cảm thấy những điều ấy gợi mở và hứa hẹn giúp cho chúng ta rất nhiều để có thể ứng dụng những thành quả ấy vào công việc nghiên cứu và sáng tác văn học hiện nay.

 KẾT LUẬN: NHỮNG KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG MỚI  CỦA LÝ LUẬN VĂN HỌC CỔ ĐIỂN TRUNG QUỐC

  1. Nghiên cứu, phê bình văn học cổ điển Trung Quốc và Nhật Bản, Triều Tiên

Đã đến lúc chúng ta phải tìm hiểu sâu những nền văn học gần gũi với chúng ta, cùng mô hình vối chúng ta, không chỉ Trung Quốc mà cả Nhật Bản, Triều Tiên. Các nước này nằm chung trong khu vực gọi là “Khu vực văn hóa chữ Hán”. Muốn hiểu được văn học các nước trong khu vực thì phải hiểu được nền lý luận ra đời cùng với nền văn học ấy, rồi quay trở lại tác động và dẫn dắt nền văn học ấy. Những bài tựa nổi tiếng của văn học Nhật Bản như: Cổ kim Hòa ca tập tự, Tân cổ kim hòa ca tập, Mỗi nguyệt sao, Nhàn ngâm tập, lý luận của Hayashi Razan, lý luận phê bình về haiku cổ điển đều thấp thoáng một cuộc đối thoại, hồi đáp với lý luận văn học cổ điển Trung Quốc. Trường hợp Triều Tiên cũng tương tự.

  2. Nghiên cứu về lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam

 Lý luận phê bình văn học cổ điển Việt Nam là phần tự ý thức của của nền văn học ấy. Ý thức của nó có thể thấy qua bài phát biểu về ca nhạc của sư Nguyễn Thường, qua những bài tựa Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên, Trích điễm thi tập của Hoàng Đức Lương, Hoàng Việt văn hải của lê Quý Đôn cùng nhiều thư từ tự bạt khác. Muốn hiểu được lý luận phê bình văn học cổ điển Việt Nam thì phải hiểu biết về lý luận văn học Trung Quồc – không có con đường nào khác. Đã đến lúc phải cho ra đời những tập lịch sử lý luận phê bình văn học cổ điển Việt Nam. Tình hình tư liệu, tình hình nghiên cứu đã cho phép điều ấy.

  3. Dung hòa Đông – Tây trong lý luận văn học

 Trong thời đại ngày nay, quan niệm châu Âu trung tâm đã trở nên lỗi thời, trong lĩnh vực lý luận văn học cũng vậy. Nền lý luận có tính phân tích, khoa học của phương Tây cần phải được bổ sung cái uyên áo, thâm trầm và cách viết đầy tính nghệ thuật của lý luận phê bình văn học phương Đông. Chúng ta mơ ước có những bộ sách lý luận văn học, không chỉ trình bày tư tưởng lý luận phương Tây mà cả phương Đông nữa, để thấy rằng, phương Tây và Phương đông gần nhau lắm bởi tính nhân loại phổ biến của nó, nhưng đồng thời cũng thấy văn hóa phương Tây và phương Đông cũng có những bản sắc riêng, làm cho vườn hoa nhân loại thêm đa sắc.

  CHÚ THÍCH

  (1)  Lê Quý Đôn giới thiệu tập trung về lý luận văn học cổ điển Trung Quốc trong hai công trình Vân đài loại ngữ  và Kiến văn tiểu lục.Việc dịch và giới thiệu lý luận văn học cổ điển Trung Quốc sau đó có thể thấy qua một số công trình chính như sau: Tinh hoa lý luận văn học cổ điển Trung Quốc, Phương Lựu, Nxb.Giáo dục, HN, 1989 ; Kim Thánh Thán phê bình thơ Đường, Trần Trọng San dịch, Tủ sách ĐH Tổng hợp TP.HCM, 1990 ; Tư  tưởng văn học Trung Quốc cổ xưa, I.S Lisevich soạn, Trần Đình Sử dịch, ĐHSP TP.HCM xb, 1993 ; Lý luận văn học nghệ thuật cổ điển Trung Quốc, Khâu Chấn Thanh  soạn, Mai Xuân Hải dịch, Nxb.Giáo dục, HN, 1994 ; Điển luận – Luận văn của Tào Phi, Nguyễn Huệ Chi dịch, Tạp chí Văn học nước ngoài số 4/1996 ; Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp, Phan Ngọc dịch, Nxb.Văn học, HN, 1997 ; Thơ văn cổ Trung Quốc, mảnh đất quen mà lạ, Nguyễn Khắc Phi, Nxb.Giáo dục, HN, 1998 (có bài viết về Viên Mai và bản dịch Thư gửi Nguyên Chẩn) ; Tùy Viên thi thoại của Viên Mai, Nguyễn Đức Vân dịch, NXB.Giáo dục, HN, 1999 ; Dẫn nhập tư tưởng lý luận văn học Trung Quốc, Dương Ngọc Dũng, Nxb.Văn học, 1999 (Bàn về mối quan hệ giữa Văn với Đạo, Khí , Giới thiệu và dịch Văn phú của Lục Cơ, trích dịch Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp) ; Tùy Viên thi thoại của Viên Mai, Trương Đình Chi dịch, NXB.Văn nghệ TP.HCM, 2002 ; Tư tưởng lý luận văn học Trung Quốc- Lịch sử và tư liệu, Đoàn Lê Giang, Đề tài NCKH cấp Trường, ĐHKHXH và NV TP.HCM, 2004…

  (2) Về Hậu kỳ trung đại Trung Quốc, chúng tôi có kế thừa tư tưởng của Konrat trong Phương Đông và Phương Tây, đồng thời có tham chiếu thêm một số công trình lịch sử triết học, lịch sử văn học, lịch sử phê bình văn học khác, mà hình dung ra lịch sử văn học, lý luận văn học  Trung Quốc thời trung đại thành ra ba giai đoạn lớn : Tiền kỳ trung đại : từ Tần đến Tùy (TK.III tr.CN – TK.VII sau CN) ; Hậu kỳ trung đại I : từ Đường đến Nguyên (TK.VII – TK.XIV) ; Hậu kỳ trung đại II : Minh, Thanh (TK.XIV – TK.XIX). Tất nhiên trước Trung đại là Cổ đại (Tiên Tần) và sau Trung đại là Cận đại (cuối TK.XIX - 1949) và Hiện đại (sau 1949).

  [1] Lục tài tử thư: Sáu cuốn sách tài tử mà Kim Thánh Thán phê bình: Nam hoa kinh, Ly tao, Sử ký, thơ Đỗ Phủ. Tây sương ký, Thủy hử (theo Thánh Thán Đỗ thi giải)