Người tù Kavkaz

 Trần Thị Phương Phương dịch

Lời người dịch: Truyện ngắn Người tù Kavkaz (Кавказский пленник) là một trong số ít những tác phẩm mà Tolstoy cho là “nghệ thuật đích thực”, là “kiểu mẫu về các thủ pháp và ngôn ngữ” để “viết cho các tác phẩm lớn”.

Tác phẩm được viết năm 1872, in trên tạp chí Zaria, sau đó được đưa vào quyển 2, tập thứ tư của bộ bốn tập Sách tập đọc tiếng Nga (Русские книги для чтения), xuất bản những năm 1874-1875, cùng với bộ Sách học vần (Азбуки) nhằm phục vụ hoạt động giáo dục của nhà văn ở Yasnaya Polyana. Sách tập đọc tiếng Nga sau đó được tái bản nhiều lần, trở thành một trong những sách giáo khoa được sử dụng rộng rãi trong các trường học ở nông thôn Nga cuối thế kỷ XIX.

 

I

Có một sĩ quan tên Zhilin phục vụ trong quân đội ở Kavkaz.

Một ngày kia, chàng nhận được thư nhà. Đó là thư của mẹ chàng. Bà viết: “Mẹ đã già rồi, mẹ muốn được trông thấy thằng con trai yêu quí của mình một lần trước khi chết. Con hãy về chào mẹ và chôn mẹ đã, rồi sau đó, nếu Chúa phù hộ, thì con quay lại Kavkaz phục vụ cùng với lời chúc phúc của mẹ. Nhưng mẹ có tìm được cho con một con bé, thông minh và tốt bụng, lại có chút của cải nữa. Nếu con có thể yêu nó được, thì con cưới nó và ở lại nhà.”

Zhilin nghĩ ngợi rất lung. Đúng là bà cụ đã yếu lắm rồi và có khi chàng chẳng còn dịp nào để gặp lại bà nữa. Còn nếu cô gái kia dễ thương, thì sao chàng lại không cưới cô ta nhỉ?

Thế là chàng đến gặp ông đại tá chỉ huy xin giấy nghỉ phép, chào tạm biệt bạn bè, đãi đám lính bốn thùng đầy vốtca chia tay, và chuẩn bị ra đi.

Thời gian đó đang có chiến tranh trên Kavkaz. Đêm hay ngày đi đường đều nguy hiểm. Nếu một người Nga nào mạo hiểm cưỡi ngựa hay cuốc bộ đi xa khỏi pháo đài của anh ta thì bọn Tartar[1] sẽ giết anh ta ngay, hoặc bắt anh ta lên núi. Bởi vậy người ta bố trí một đội lính hai lần mỗi tuần đi từ pháo đài này sang pháo đài kế tiếp để hộ tống lữ khách. Lính đi đằng trước và đằng sau, còn khách đi ở giữa.

Lúc đó đang là mùa hè. Tảng sáng, những cỗ xe thồ tập hợp phía sau pháo đài; những người lính bước ra, và tất cả khởi hành. Zhilin cưỡi ngựa, cỗ xe đựng hành lý của chàng đi cùng với đội xe thồ. Họ phải đi hai lăm dặm. Đoàn xe đi trong yên lặng, thỉnh thỏang đám lính dừng lại, hoặc là bánh của một cỗ xe thồ nào đó bị trật ra, hoặc ngựa không chịu đi, và thế là tất cả đều phải đợi.

Đến quá trưa bọn họ mới đi chưa được nửa đường. Trời thật bụi và nóng, nắng như thiêu đốt mà chẳng có lấy một chỗ trú nào cả, xung quanh tuyền đồng không mông quạnh, không một cái cây, không một bụi rậm nào bên đường.

Zhilin cưỡi ngựa đi trước, rồi dừng lại chờ đội xe thồ theo kịp mình. Chàng nghe tiếng tù và rúc đằng sau; đoàn người lại phải dừng lại. Chàng bắt đầu nghĩ: “Hay tốt hơn là mình đi một mình? Ngựa của mình rất tốt, nếu bọn Tartar tấn công, mình có thể phi nước đại bỏ chạy. Có khi thế còn hay hơn là phải đợi chờ thế này”.

Trong khi chàng đang ngồi ngẫm nghĩ vậy thì Kostylin, một anh chàng sĩ quan mang súng phi ngựa tới chỗ chàng và nói:

“Này Zhilin, ta đi một mình thôi đi. Thật khủng khiếp, tớ đói lắm rồi, và nóng khiếp quá, thử vắt áo tớ mà xem”.

Kostylin là một anh chàng mập mạp, nặng nề. Mồ hôi chảy ròng ròng trên khuôn mặt đỏ lựng của anh ta. Zhilin nghĩ một chút, rồi hỏi: “Súng của cậu nạp đạn rồi chứ?”. “Rồi.” “Vậy thì ta đi thôi, nhưng với điều kiện là ta phải luôn đi cùng nhau”.

Thế là họ phi tới trước, xuyên qua thảo nguyên, mắt luôn trông chừng hai bên. Trông rõ được khắp xung quanh. Nhưng sau khi vượt qua thảo nguyên, con đường lại chạy vào một thung lũng giữa hai ngọn đồi, và Zhilin nói: “Tốt hơn là ta lên trên đồi và xem xét xung quanh, kẻo bọn Tartar tấn công ta trước khi ta kịp biết”.

Nhưng Kostylin lại bảo: “Xem gì cơ chứ? Cứ đi thôi.”

Tuy nhiên, Zhilin không đồng ý. Chàng bảo: “Không, cậu có thể đợi ở đây nếu cậu muốn, còn tôi sẽ đi xem xét xung quanh đây”. Và chàng rẽ ngựa sang trái, đi lên đồi. Con ngựa của Zhilin là một con ngựa săn, nó mang chàng lên đồi mà như được chắp đôi cánh. (Chàng mua nó với giá một trăm rúp khi nó còn là con ngựa non mới ra đàn và đã quen với nó). Chàng gần lên đến đỉnh đồi thì trông thấy khoảng ba chục tên Tartar cách chàng chỉ chưa đến trăm mét phía trước mặt. Vừa trông thấy bọn chúng, chàng vội quay ngựa ngay, nhưng những người Tartar đã trông thấy chàng. Họ lập tức phi nước đại đuổi theo chàng, vừa đuổi vừa rút súng. Zhilin thúc ngựa cật lực phóng xuống đồi, hét lên với Kostylin: “Cầm súng lên đi”.

Và chàng thầm nói với con ngựa: “Đưa tao thoát khỏi vụ này đi cưng, đừng vấp ngã nhé, nếu ngã là tiêu đấy. Tao mà có súng rồi thì chúng đừng hòng bắt được tao”.

Nhưng thay vì đứng đợi, Kostylin vừa trông thấy bọn Tartar bèn quay ngựa chạy hết tốc lực về hướng pháo đài, quất con ngựa của hắn hết bên này đến bên kia, và cái đuôi vung vẩy của con ngựa là tất cả những gì Zhilin còn nhìn thấy trong đám bụi.

Zhilin thấy nguy rồi: súng không còn, chàng có gì nữa ngoài thanh kiếm. Chàng quay ngựa về phía đội hộ tống, định chạy trốn. Nhưng sáu tên Tartar đã cắt đường chạy của chàng. Ngựa của chàng rất hay, nhưng ngựa bọn chúng còn hay hơn, ngoài ra, chúng lại đang chắn ngang đường đi của chàng. Chàng cố kìm con ngựa lại để chạy đường khác, nhưng nó đang đà chạy nhanh quá không thể dừng lại được, lại lao thẳng vào chỗ bọn Tartar. Chàng trông thấy một tên Tartar râu hung cưỡi trên một con ngựa xám, súng giương cao, đi tới chỗ chàng, la hét chìa cả hàm răng ra. “A, - Zhilin nghĩ – tao biết bọn mày mà, đồ quỉ sứ. Nếu bọn mày bắt sống tao sẽ nhét tao xuống hầm và bán tao chứ gì. Đừng hòng bắt sống được tao.” Zhilin tuy không phải là anh chàng to lớn, nhưng rất dũng cảm. Chàng rút kiếm xông vào tên râu hung, thầm nghĩ: “Hoặc là ta húc hắn ngã xuống, hoặc đâm hắn bằng lưỡi kiếm này”. Chỉ còn cách tên râu hung một quãng bằng chiều dài con ngựa thì chàng bị bắn từ đằng sau, và ngựa của chàng trúng đạn. Nó đổ phịch, hất Zhilin ngã xuống đất.

Chàng cố đứng dậy, nhưng hai tên Tartar hôi hám đã ngồi lên người chàng và bẻ tay chàng ra sau lưng. Chàng lấy hết sức bình sinh hất chúng ra, nhưng ba tên khác đã nhảy khỏi ngựa của chúng và bắt đầu dùng báng súng đánh chàng. Chàng tối tăm mặt mũi, ngã ngửa ra. Bọn Tartar tóm lấy chàng, và lấy đai ngựa dự trữ trên yên buộc quặt tay chàng ra sau lưng, trói chàng vào yên ngựa bằng sợi thừng của người Tartar. Chúng giật mũ khỏi đầu chàng, lột ủng, lục soát khắp người, xé quần áo và lấy mất tiền và cái đồng hồ của chàng.

Zhilin đưa mắt tìm con ngựa của mình. Con vật khốn khổ nằm nghiêng như lúc nó vừa ngã xuống, dãy dụa, bốn vó chổng lên trời không thể nào chạm xuống đất được. Một lỗ thủng trên đầu nó, và máu đen túa ra, làm ướt đám bụi đất xung quanh đến một arshin.

Một tên trong bọn Tartar đến gần con ngựa và bắt đầu tháo yên cương, con ngựa vẫn còn đá được, nên hắn rút dao găm ra cắt họng con vật. Một tiếng rít bật ra từ họng nó, con ngựa giãy dụa, và rồi hết đời nó.

Bọn Tartar gỡ lấy chiếc yên và dây thắng. Tên râu hung leo lên ngựa của hắn, và bọn còn lại nhấc Zhilin lên chiếc yên sau lưng hắn. Để chàng khỏi ngã, chúng cột chàng vào thắt lưng tên râu hung, rồi sau đó tất cả phi ngựa lên đồi.

Thế là Zhilin ngồi như thế, lắc lư từ bên này sang bên kia, đầu chàng thúc vào cái lưng hôi hám của tên Tartar. Chàng không thể trông thấy gì ngoài cái lưng cuồn cuộn thịt, cái cổ gân guốc và cái gáy cạo nhẵn xanh xanh sát bên. Zhilin bị thương ở đầu, máu trên mắt bắt đầu khô, nhưng chàng không thể thay đổi tư thế ngồi trên yên ngựa, cũng như không thể lau máu đi. Tay chàng bị trói chặt đến nỗi xương cổ đau buốt.

Họ cưỡi ngựa một chặng đường dài, lên xuống các ngọn đồi. Sau đó họ đến một con sông, lội qua khúc cạn và tới một con đường dẫn qua thung lũng.

Zhilin cố nhìn xem họ đi đâu, nhưng mí mắt chàng bị dính lại vì máu, và chàng cũng không thể xoay mình được.

Hoàng hôn buông xuống; họ băng qua một con sông nữa và trèo lên một sườn núi đá. Có mùi khói và tiếng chó sủa. Họ đến một Aoul[2]. Những người Tartar tháo ngựa, lũ trẻ chạy tới vây quanh Zhilin, la hét và ném đá vào chàng.

Tên Tartar xua lũ trẻ đi, đỡ Zhilin xuống ngựa và gọi người tới. Một gã Nogay[3] chạy lại. Tên râu hung ra lệnh cho hắn. Hắn chạy đi và mang tới mấy cái cùm là hai khúc gỗ sồi có gắn vòng sắt, một cái móc và ổ khóa được hàn vào một trong hai vòng sắt.

Bọn họ cởi trói tay cho Zhilin, đeo cùm vào chân chàng và lôi chàng tới nhà kho, đẩy vào và khóa cửa lại.

Zhilin ngã xuống một đống phân. Chàng nằm im một lúc rồi sờ soạng tìm một chỗ êm và nằm xuống.

 

II

Đêm đó Zhilin hầu như không chợp mắt. Đó là thời kỳ trong năm mà đêm rất ngắn, và ánh sáng ban ngày chưa gì đã len qua kẽ nứt trên tường. Chàng ngồi dậy, khoét cho khe nứt rộng ra, và hé nhìn ra.

Qua lỗ hổng, chàng nhìn thấy con đường dẫn xuống chân đồi; phía bên phải là một ngôi nhà của người Tartar có trồng hai cái cây gần đó, một con chó đen nằm trên hiên, một con dê cái cùng lũ con loanh quanh đó, ve vẩy những cái đuôi. Rồi chàng trông thấy một người đàn bà Tartar còn trẻ trong chiếc áo rộng dài màu sáng, hai ống quần và đôi ủng cao thò ra dưới áo. Chị ta trùm áo khoác lên đầu, đội trên đó một chiếc bình kim loại lớn đựng nước. Một chú bé con đầu gần như cạo trọc, không mặc gì ngoài chiếc áo sơ mi, nắm tay chị dẫn đi; chị ta cố giữ thăng bằng nên cơ lưng chị rung lên. Người đàn bà này mang nước vào trong nhà, và ngay sau đó, tên Tartar râu hung của ngày hôm qua bước ra, mặc một chiếc áo chẽn bằng lụa, dao găm cán bạc đeo bên hông, chân đi dép, và chiếc mũ đen cao bằng da cừu đội lệch ra sau. Gã bước ra ngoài, vươn mình và vuốt chòm râu hung. Gã đứng một lúc, ra lệnh cho tên đầy tớ và đi khỏi.

Rồi hai gã trai đi tắm ngựa về phi qua. Mũi những con ngựa còn ướt. Vài chú nhóc tóc cạo cởi truồng, mặc mỗi áo sơ mi, chạy ra. Chúng xúm lại với nhau, chạy tới nhà kho, nhặt que thọc qua khe nứt. Zhilin quát lên, lũ trẻ la hét và chạy vụt đi, những đầu gối nhỏ nhắn để trần lấp lánh khi chúng chạy.

Zhilin rất khát; cổ họng chàng khô ran, và chàng nghĩ: “Giá mà họ đến mà xem mình nhỉ”.

Rồi chàng nghe tiếng ai đó mở khóa nhà kho. Gã râu hung bước vào, đi cùng là một gã khác nhỏ bé hơn, da ngăm đen, có đôi mắt đen sáng, má đỏ hồng và để râu ngắn. Hắn ta có khuôn mặt vui tươi, như sắp cười đến nơi. Gã đàn ông này thậm chí ăn mặc còn sang hơn gã kia. Hắn mặc một cái áo chẽn lụa màu xanh thêu chỉ vàng, con dao găm bạc ở thắt lưng, đôi dép Marốc đính bạc, và ngoài đôi giày hắn còn có chiếc mũ da cừu trắng trên đầu.

Gã Tartar râu hung bước vào, lầu bầu gì đó như đang bực mình, và đứng tựa lưng vào cửa, nghịch nghịch con dao găm, nhìn Zhilin đầy vẻ nghi ngại như một con sói. Gã ngăm đen nhanh nhẹn, linh hoạt, nhún nhảy như lò xo, đến thẳng bên Zhilin, ngồi xổm xuống trước mặt chàng, vỗ vai chàng và bắt đầu nói rất nhanh bằng tiếng dân tộc. Hàm răng của hắn chìa ra, hắn không ngừng nháy mắt, tắc lưỡi và nhắc đi nhắc lại: “Nga tốt, Nga tốt”.

Zhilin không hiểu được một từ nào, nhưng cũng nói: “Nước! Cho tôi nước uống!”

Gã da ngăm đen chỉ cười: “Nga tốt” và tiếp tục nói thứ tiếng của mình.

Zhilin ra hiệu bằng môi và tay rằng chàng muốn uống cái gì đó.

Gã da ngăm đen hiểu ý và cười. Rồi hắn nhìn ra ngoài cửa, gọi ai đó: “Dina!”

Một cô bé chạy vào: cô khỏang mười ba tuổi, sáng sủa mảnh mai, giống hệt gã Tartar ngăm đen. Cô cũng có đôi mắt đen trong trẻo, và khuôn mặt dễ coi. Cô mặc một chiếc áo xanh dài ống tay rộng và không có thắt lưng. Đường viền ở vạt trước và tay áo thêu màu đỏ. Cô mặc quần và chân xỏ đôi dép, trên dép lại là đôi giày bền chắc gót cao. Cô đeo một cái vòng cổ làm bằng những đồng xu bạc của Nga. Cô để đầu trần, và mái tóc đen được tết lại, buộc bằng dây nơ cùng sợi dây mạ vàng và những đồng xu bằng bạc.

Cha cô ra mệnh lệnh, và cô bé chạy đi rồi trở lại với cái bình kim loại. Cô mang nước đến cho Zhilin rồi ngồi xuống, thu mình lại khiến đầu gối nhô cao hơn đầu, và cô ngồi như vậy với đôi mắt mở to nhìn Zhilin uống nước, làm như chàng là một con vật hoang vậy.

Khi Zhilin trả chiếc bình không lại cho cô bé, cô bất ngờ nhảy ra sau như con dê hoang, làm cha cô bật cười. Gã sai cô bé đi làm một việc gì khác nữa. Cô cầm chiếc bình chạy đi và mang lại một ít bánh không men đặt trên tấm thớt tròn, và lại ngồi xuống co chân lại nhìn Zhilin với đôi mắt sáng rỡ.

Rồi những người Tartar bỏ đi, khóa cửa lại.

Một lúc sau, tên người Nogay đên và nói: “Ayda, ông chủ, Ayda!”

Hắn cũng không biết tiếng Nga. Tất cả những gì Zhilin có thể đoán được là hắn bảo chàng đi đâu đó.

Zhilin theo sau tên Nogay, nhưng khập khiễng vì những cái cùm kéo chân chàng làm chàng hầu như không thể bước được. Vừa ra khỏi nhà kho, chàng trông thấy khu làng của người Tartar với khoảng mươi nóc nhà, và một thánh đường có tháp chuông nhỏ. Ba con ngựa đã thắng yên cương đứng trước một ngôi nhà; những chú nhóc giữ dây cương của chúng. Gã Tartar ngăm đen bước từ ngôi nhà đó ra, vẫy tay ra hiệu cho Zhilin theo gã. Rồi gã cười, nói gì đó bằng tiếng của mình, và quay vào lại trong nhà.

Zhilin bước vào nhà. Một căn phòng rất tốt, tường trát bằng đất sét rất phẳng phiu. Cạnh tường là đống giường gối nhồi lông rực rỡ; bức tường bên cạnh được bao phủ đầy thảm là chỗ để treo đồ, trong đó có những khẩu súng dài, súng ngắn đã lên đạn và kiếm, tất cả đều được khảm bạc. Sàn nhà sạch bóng. Một khoảng rộng trong góc trải tấm nỉ, trên tấm nỉ là thảm, còn trên thảm là những tấm đệm nhồi lông tơ. Trên những tấm nệm đó có năm gã Tartar đang ngồi, gã ngăm đen, gã râu hung, và ba người khách. Họ đều mang dép đi trong nhà, mỗi người có một tấm nệm lót lưng. Trước họ là những cái bánh kê đặt trong khay tròn, bơ lỏng trong bát và một bình buza, tức bia của người Tartar. Họ ăn cả bánh lẫn bơ đều bốc bằng tay.

Gã ngăm đen đứng lên và ra lệnh cho Zhilin ngồi một bên, không phải trên thảm mà dưới đất, rồi hắn lại ngồi xuống thảm, mời các vị khách bánh kê và bơ. Người đầy tớ đẩy Zhilin ngồi xuống sau khi đã tháo giày của chàng đặt ra ngoài cửa nơi để những đôi giày khác, rồi hắn ngồi xuống cạnh ông chủ trên tấm nỉ xem những người kia ăn và liếm mép.

Những người Tartar ăn đến kỳ no, và một người đàn bà mặc cùng kiểu quần áo như cô bé gái – áo dài và mặc quần, đội khăn trên đầu – đến thu dọn đi những gì còn thừa, rồi mang tới một cái chậu lớn và một bình đựng nước có vòi hẹp. Những người Tartar rửa tay, nắm tay lại, quỳ xuống, thổi phù ra bốn góc và cầu nguyện. Sau khi trò chuyện một lúc, một người khách quay sang Zhilin và nói bằng tiếng Nga:

“Mày bị Kazi Mohammed bắt”, hắn nói và chỉ vào gã râu hung, “còn Kazi Mohammed đem mày cho Abdul Murat”, hắn chỉ ra gã ngăm đen, “Abdul Murat bây giờ là ông chủ của mày”.

Zhilin im lặng. Rồi Abdul Murat bắt đầu nói, cười và chỉ vào Zhilin, và nhắc lại: “Lính Nga, Nga tốt”.

Người thông dịch nói: “Ông ấy ra lệnh cho mày viết thư về nhà bảo người nhà gửi tiền chuộc đến, khi nào tiền đến thì ông ấy sẽ thả mày”.

Zhilin nghĩ giây lát, và nói: “Ông ấy muốn bao nhiêu tiền chuộc”

Bọn Tartar nói với nhau một lúc, rồi gã thông dịch nói: “Ba ngàn rúp”.

“Không, Zhilin đáp, tôi không thể trả từng đó tiền”

Abdul nhổm lên và xua tay, nói gì đó với Zhilin, cứ nghĩ là chàng hiểu được. Gã thông dịch dịch lại: “Thế mày muốn bao nhiêu?”

Zhilin nghĩ một lúc rồi nói: “Năm trăm rúp”.

Lúc này bọn Tartar tranh nhau nói và nói rất hăng. Abdul bắt đầu hét lên với gã râu hung, đến nỗi văng cả nước bọt. Còn tên râu hung chỉ làu bàu.

Khi bọn họ ngừng nói, gã thông dịch bảo: “Năm trăm rúp là ít đối với ông chủ. Ông ấy đã phải mất hai trăm để trả mua mày. Kazi Mohammed thiếu nợ ông ấy, ông ấy lấy mày để trừ nợ. Ba ngàn rúp, không ít hơn. Còn nếu mày không viết thư, thì sẽ cho mày xuống hố và đánh bằng roi.

“Chà, Zhilin nghĩ, với bọn này càng sợ chúng thì càng tệ”.

Chàng chồm dậy và nói: “Ông nói với con chó ấy rằng nếu muốn dọa tôi thì tôi sẽ không trả xu nào hết, cũng không viết thư gì hết. Tôi không sợ đâu, và cũng sẽ không sợ lũ chó các người đâu”.

Người thông dịch nói lại, và tất cả lại tranh cãi.

Nói qua nói lại một lúc lâu, rồi gã ngăm đen đứng dậy lại gần Zhilin, nói: “Nga, zhigit, zhigit Nga!”

Zhigit theo tiếng họ có nghĩa là “giỏi lắm”. Và gã tự bật cười, nói gì đó với gã thông dịch, rồi gã kia nói: “Một nghìn rúp”

Zhilin kiên quyết: “Không đưa hơn năm trăm rúp. Còn nếu giết tôi thì các ông không được gì hết”.

Bọn Tartar lại nói với nhau, sai tên đầy tớ đi đâu đó, còn bản thân họ thì lúc nhìn Zhilin, lúc nhìn ra cửa. Tên đầy tớ quay lại, và sau hắn là một người nào đó, cao, gầy, đi chân đất và rách tơi tả, chân cũng bị cùm.

Zhilin kêu a lên, chàng nhận ra Kostylin. Cả anh ta cũng bị bắt. Hai người được cho ngồi cạnh nhau, bắt đầu kể chuyện cho nhau, còn bọn Tartar thì yên lặng nhìn.

Zhilin kể chuyện xảy ra với mình, Kostylin thì kể ngựa của anh ta không chịu đi, súng bị hóc và chính cái gã Abdul đuổi theo và bắt anh ta.

Abdul chồm dậy chỉ Kostylin và nói gì đó. Gã thông dịch dịch lại rằng hai người bây giờ có chung một ông chủ và ai đưa tiền trước thì được thả trước. Hắn nói với Zhilin: “Đấy, mày thì nóng giận, trong khi bạn mày thì hiền hơn, nó đã viết thư về nhà rồi, năm nghìn rúp sẽ được gửi tới. Người ta sẽ cho nó ăn ngon và không xúc phạm nó”.

Zhilin vẫn nói: “Anh bạn này muốn thế và có thể thế, vì anh ta giàu, còn tôi không giàu. Tôi đã nói thế nào thì sẽ như thế. Các người muốn giết thì giết, nhưng chẳng được lợi gì, còn nhiều hơn năm trăm rúp là tôi không viết thư”.

Bọn Tartar im lặng. Bỗng Abdul đứng dậy, mở rương lấy giấy bút và lọ mực đưa cho Zhilin, vỗ vai chàng, chỉ: “Viết đi”. Gã đồng ý với năm trăm rúp.

“Khoan đã, Zhilin nói với gã thông dịch, ông nói ông ta phải cho chúng tôi ăn tử tế, quần áo giày dép tử tế và được ở chung với nhau, như thế chúng tôi sẽ vui hơn, và phải tháo cùm ra”

Chàng nhìn gã chủ và cười. Gã chủ cũng cười, lắng nghe và bảo: “Tao sẽ cho áo quần đẹp nhất, cả áo khóac và ủng đủ để cưới vợ. Sẽ cho ăn ngon như các ông hoàng. Còn nếu muốn ở cùng nhau thì cho ở trong nhà kho. Nhưng cùm thì không tháo được, sẽ trốn mất. Đến tối tao mới tháo”. Gã đứng dậy, vỗ vai: “Mày tốt, tao tốt!”

 

Zhilin viết thư, nhưng trên thư đề địa chỉ để thư không tới nơi được. Chàng tự nhủ: “Mình sẽ đi khỏi đây”.

Họ đưa Zhilin cùng Kostylin về nhà kho, mang tới đó rơm, bình nước, bánh mì, hai chiếc áo cherkeska cũ và hai đôi ủng lính đã mòn vẹt. Chắc là lấy được của mấy người lính chết. Đêm họ tháo cùm và khóa cửa kho lại.

 

III

Zhilin sống cùng anh bạn như vậy suốt một tháng. Gã chủ cứ cười suốt: “Mày, Ivan, tốt – tao, Abdul, tốt”. Nhưng cho ăn rất tồi, toàn bánh dẹt không men làm bằng kê nướng lên, hoặc đôi khi chỉ là cục bột nhồi chưa nướng.

Kostylin lại viết thư về nhà lần nữa, trông đợi tiền chuộc gửi tới và buồn rũ. Anh chàng hoặc suốt ngày ngồi trong nhà kho tính xem ngày nào thư đến, hoặc ngủ. Còn Zhilin thì biết bức thư của mình chẳng bao giờ đến, mà cũng chẳng viết thư khác.

“Mẹ mình lấy đâu ra số tiền như vậy mà trả chứ. Bà cụ sống thêm được như thế này là nhờ tiền mình gửi. Nếu bắt bà gom đủ năm trăm rúp thì có mà phá sản; Chúa phù hộ, mình sẽ tự lo liệu”. Chàng nghĩ vậy, và bắt đầu xem xét, nghĩ ngợi xem sẽ trốn ra sao.

Chàng đi lại trong làng, huýt sáo; không thì ngồi một chỗ hí hoáy làm gì đó, khi thì nặn những con búp bê bằng đất sét, khi thì lấy cành non tết thành những cái giỏ. Zhilin vốn giỏi những món thủ công này.

Có lần chàng nặn con búp bê có mũi, tay, chân và mặc váy của người Tartar, rồi đặt con búp bê lên mái.

Các thiếu phụ Tartar đi lấy nước qua. Dina, con gái gã chủ, trông thấy con búp bê trên mái kho, gọi các bà lại. Các bà bỏ bình, đứng ngắm con búp bê và cười. Zhilin mang con búp bê xuống tặng họ. Họ cười nhưng không dám lấy. Chàng để con búp bê lại, đi vào kho và ngó xem chuyện gì xảy ra.

Cô bé Dina chạy tới, nhìn quanh, chộp lấy con búp bê rồi bỏ chạy.

Buối sáng sớm chàng thấy Dina bước ra cửa với con búp bê. Con búp bê được bọc vải đỏ, như em bé, còn cô bé thì hát ru bằng tiếng dân tộc mình. Bà già đi ra, mắng mỏ cô bé, giật con búp bê bẻ gẫy và sai Dina đi đâu đó.

Zhilin làm con búp bê khác, còn đẹp hơn, và đưa cho Dina. Có lần cô bé mang bình đến cho chàng, đặt xuống, ngồi xuống và nhìn chàng, cười và chỉ vào cái bình.

“Con bé cười cái gì thế nhỉ?”- Zhilin thầm nghĩ. Chàng cầm bình bắt đầu uống, tưởng là nước, hóa ra là sữa. Chàng uống hết bình sữa.

“Tốt quá”- chàng nói.

Dina sung sướng làm sao!

- Tốt quá, Ivan, tốt quá! – cô bé nhảy lên, vỗ tay, rồi giật lấy cái bình và bỏ chạy.

Từ hôm đó cô bé lén mang sữa đến cho chàng hàng ngày. Người Tartar làm các bánh phomát từ sữa dê và phơi chúng trên mái nhà, cô bé cũng lén lấy những bánh phomát đó mang cho chàng. Có hôm nhà chủ xẻ thịt cừu, cô bé giấu một miếng thịt cừu trong tay áo mang cho chàng. Vứt xuống và bỏ chạy.

Một hôm có bão rất to, hàng giờ liền mưa như trút từng xô nước xuống. Các con suối dâng đầy nước, chỗ nào vốn chỉ là rãnh nhỏ thì nay dâng lên đến hai arshin, nước chảy mạnh cuốn trôi cả đá. Khắp nơi suối chảy, ào ào trên núi. Khi bão tan, những con suối nhỏ chảy khắp làng. Zhilin mượn ông chủ con dao, gọt một cái trục, mấy tấm bảng nhỏ, lắp bánh xe vào, rồi làm hai con búp bê gắn vào hai đầu bánh xe.

Các cô bé mang vải vụn đến, chàng mặc áo quần cho hai con búp bê: một đàn ông, một đàn bà; gắn chặt chúng rồi đặt bánh xe xuống dòng nước. Bánh xe quay tròn, hai con búp bê nhảy nhót.

Cả làng xúm lại xem: các chú bé, các cô bé, các bà phụ nữ; những người Tartar đi đến, chắc lưỡi: “Ái chà, Nga! ái chà, Ivan!”

Abdul có một cái đồng hồ của Nga đã hỏng. Gã gọi Zhilin tới, chỉ cho chàng, chắc lưỡi. Zhilin nói: “Đưa đây tôi chữa cho”.

Chàng cầm đồng hồ, lấy dao tháo các bộ phận ra, xếp lại rồi đóng vào, đưa lại cho gã chủ. Đồng hồ lại chạy.

Gã chủ mừng rỡ, mang chiếc áo beshmet cũ đầy mụn vá của mình đến tặng chàng. Chẳng biết để làm gì, nhưng chàng nhận, để đêm đắp cũng được.

Từ đó Zhilin nổi danh là thợ lành nghề. Người từ các bản làng xa cũng tìm đến chàng: người có súng bị hóc cần chữa, người cần chữa đồng hồ. Gã chủ mang cho Zhilin mấy thứ đồ nghề: đinh ốc, kim băng, và một cái cưa nhỏ.

Có lần một người Tartar bị ốm, họ tới tìm Zhilin. “Anh tới chữa đi”. Zhilin chẳng biết chữa bệnh bao giờ. Chàng tới, xem xét, nghĩ “Ôi chào, tự hắn sẽ khỏe lại thôi mà”. Chàng vào kho lấy  nước và cát hòa vào nhau. Trước mặt những người Tartar, chàng nói thầm thì vào ca nước rồi đưa người bệnh uống. May cho chàng là người đó khỏi bệnh. Zhilin đã hơi hiểu một chút tiếng Tartar. Một số người Tartar đã trở nên quen thân với chàng, có gì cần là “Ivan, Ivan”; nhưng một số khác vẫn coi chàng như thú dữ.

Gã râu hung không ưa Zhilin. Hễ trông thấy chàng là gã cau mày và quay đi chỗ khác, hoặc chửi rủa. Còn có một lão già, lão không sống trong làng, mà từ dưới núi lên. Zhilin chỉ gặp lão khi đến thánh đường cầu nguyện. Lão người thấp bé, một miếng băng trắng buộc trên mũ. Râu ria cắt gọn, trắng như tuyết, khuôn mặt nhăn nheo đỏ lựng như gạch, mũi khoằm như mỏ diều hâu, đôi mắt xám rất dữ, và móm sọm, chỉ còn lại hai chiếc răng nanh. Lão đi ngang qua, chiếc mũ không vành trên đầu, mình tựa vào cây gậy, đưa mắt nhìn xung quanh như một con sói. Nếu thấy Zhilin, lão khịt mũi giận dữ và quay đi chỗ khác.

Một lần Zhilin xuống núi để xem lão già sống ở đâu. Chàng đi theo con đường mòn và tới một khu vườn nhỏ bao quanh bởi bức tường bằng đá; sau bức tường chàng trông thấy những cây anh đào và mơ, và căn nhà mái bằng. Chàng lại gần hơn, và trông thấy những cái tổ ong bện bằng rơm, lũ ong bay ù ù xung quanh. Lão già đang quỳ xuống, bận rộn làm gì đó với cái tổ ong. Zhilin nhướn người để xem, cái cùm kêu loảng xoảng. Lão già quay lại, quát lên, rút súng ra khỏi thắt lưng và bắn vào Zhilin lúc chàng vừa kịp nấp vào sau bức tường đá.

Lão già đến gặp gã chủ của Zhilin phàn nàn. Gã chủ gọi Zhilin lại và vừa cười vừa bảo chàng: “Sao anh lại đến nhà lão già làm gì?”

“Tôi không làm hại gì lão cả, tôi chỉ muốn xem lão sống ra sao thôi”.

Gã chủ nhắc lại lời Zhilin nói. Nhưng lão già vẫn tức giận; lão huýt gió, lẩm bẩm chửi, nhe răng, giơ ngón tay chửi chỉ vào Zhilin.

Zhilin không hiểu hết, nhưng chàng đoán lão già bảo Abdul không được giữ người Nga trong làng, mà phải giết họ. Cuối cùng lão già bỏ đi.

Zhilin hỏi gã chủ xem lão già là ai. “Ông ấy là một người tuyệt vời”, gã chủ đáp, “Ông ấy là người dũng cảm nhất trong bọn tôi, đã giết rất nhiều người Nga và có thời từng rất giàu. Ông ấy có ba bà vợ và tám đứa con, họ sống ở trong làng này. Rồi người Nga đến phá tan ngôi làng, giết chết bảy đứa con ông ấy. Chỉ còn một thằng con, nó lại đi theo người Nga. Ông ấy cũng bỏ đi, ra hàng và sống với người Nga ba tháng. Cuối đợt đó ông ấy tìm ra thằng con, tự tay mình giết nó và bỏ trốn. Sau đó ông ta không đánh nhau nữa, đến Mecca cầu nguyện Chúa; bởi vậy nên ông ấy mới đội mũ không vành. Ai đã đến Mecca rồi thì được gọi là “Hadji” và đội mũ không vành. Ông ấy không ưa người các anh. Ông ấy bảo tôi phải giết anh. Nhưng tôi không thể giết anh. Tôi đã trả tiền mua anh rồi, hơn nữa tôi cũng thích anh, Ivan ạ. Tôi sẽ không giết anh, cũng như tôi cũng không muốn anh phải bị chuộc đâu nếu như tôi không lỡ hứa rồi”. Gã cười, rồi tự nói bằng tiếng Nga: “Mày. Ivan, tốt, tao, Abdul, tốt!”

 

IV

Zhilin sống như thế thêm một tháng nữa. Ban ngày chàng đi khắp làng hoặc sửa chữa, nặn khắc gì đó, còn khi đêm về, khi cả làng yên tĩnh lại, thì chàng bắt đầu đào đất trong nhà kho. Đào trên đất đá rất khó nhọc, nhưng chàng dùng giũa giũa chúng, cuối cùng cũng được một lỗ dưới chân tường vừa đủ một người chui qua.

“Chỉ cần mình biết được địa hình ở đây, và biết phải đi lối nào, nhưng chẳng có người Tartar nào bảo cho mình cả”.

Chàng chọn một ngày chủ nhà đi vắng, và bố trí sau bữa chiều thì trèo xuống núi ở sau nhà để quan sát xung quanh. Nhưng trước khi đi, gã chủ đã dặn thằng con trai nhỏ trông chừng Zhilin, không được rời mắt khỏi chàng. Cho nên chú nhóc chạy theo Zhilin kêu lên: “Đừng đi, cha không cho phép đâu. Nếu ông không quay lại tôi kêu hàng xóm đấy”.

Zhilin cố thuyết phục chú bé, bảo: “Tôi không đi đâu xa đâu, tôi chỉ muốn trèo xuống núi này, tôi muốn tìm ít cỏ để chữa bệnh cho mấy người ốm. Cậu có thể đi với tôi nếu thích. Làm sao tôi chạy trốn được khi đeo cùm thế này? Ngày mai tôi sẽ làm cho cậu một cái cung và tên bắn nhé”.

Chàng dỗ được chú bé, và họ cùng đi, xuống xem núi. Nó không xa lắm, nhưng chân bị cùm rất khó đi, chàng đi, đi và kiệt sức. Zhilin ngồi xuống, quan sát khu vực. Phía nam đàng sau nhà kho là một thung lũng, bãi chăn gia súc ở đó, còn dưới thấp nữa là một làng khác. Sau làng đó là một ngọn núi khác cao hơn, sau núi đó lại có núi nữa. Giữa những dãy núi là cánh rừng xanh um, rồi sau đó lại núi, càng lúc càng cao. Cao nhất là những ngọn núi tuyết phủ trắng như đường, ngọn cao nhất như đội một cái mũ tuyết. Phía đông và tây cũng toàn núi như thế, đây đó những ngôi làng tỏa khói trong các khe núi. “Hừ, Zhilin thầm nghĩ, toàn là đất của họ”.

Chàng nhìn sang phía đất của Nga. Chàng thấy dòng sông dưới chân, và ngôi làng chàng đang ở được bao bọc bởi những khu vườn. Chàng có thể trông thấy những phụ nữ nhỏ như những con búp bê ngồi bên sông giặt giũ. Sau ngôi làng là một ngọn núi, thấp hơn những ngọn phía nam, và sau nó là hai ngọn nữa cây phủ đầy, giữa hai ngọn này là một bình nguyên xanh rờn, và xa hơn nữa xuyên qua bình nguyên là cái gì đó như một đám khói. Zhilin cố gắng nhớ mặt trời thường mọc và lặn hướng nào khi chàng còn đang ở trong pháo đài, và chàng thấy rằng mình không lầm: pháo đài của người Nga phải ở chỗ bình nguyên đó. Khi trốn chàng sẽ chạy giữa hai ngọn núi đó.

Mặt trời bắt đầu lặn. Những ngọn núi phủ tuyết trắng chuyển sang màu đỏ, và những dãy núi đen thẫm lại càng đen thẫm hơn, sương xuống trong khe núi, và thung lũng, nơi chàng cho rằng pháo đài Nga ở đó, như bị đốt cháy bởi ráng chiều. Zhilin xem xét một cách cẩn thận. Có gì đó như khói bếp vương trong thung lũng, và chàng càng chắc chắn là pháo đài ở đó.

Đã muộn lắm rồi. Nghe tiếng giáo sĩ kêu to (Mulla, giáo sĩ Hồi giáo kêu to vào sáng sớm, trưa và tối để ra lệnh cho những người Hồi giáo đi cầu nguyện). Người ta đang lùa gia súc về, lũ bò rống lên. Chú nhóc giục “Ta đi thôi”, mà Zhilin không muốn rời khỏi đây.

Trở lại nhà, Zhilin nghĩ “Thế là bây giờ mình biết chỗ rồi, phải chạy thôi”. Chàng muốn trốn ngay đêm đó. Đêm rất tối, không có trăng. Không may những người Tartar đã về. Thường khi họ trở về hay dắt theo gia súc và rất vui vẻ. Nhưng lần này thì không mang theo gì, chỉ có trên yên ngựa xác một người Tartar bị giết, em trai của gã râu hung. Họ trở về đầy tức giận, mọi người tập họp lại làm đám ma. Cả Zhilin cũng ra xem. Người ta quấn người chết trong vải, không có quan tài, khiêng ra dưới cây tiêu huyền ngòai bìa làng, đặt lên trên cỏ. Giáo sĩ tới, những người già tập hợp lại, họ đều buộc băng trên mũ, bỏ dép ra, và ngồi xệp xuống trước người chết.

Giáo sĩ ở đằng trước, ba ông già phía sau xếp thành một hàng, đội mũ không vành, còn sau họ là những người Tartar nữa. Họ ngồi xuống, nhìn xuống đất và im lặng. Họ im lặng rất lâu. Rồi giáo sĩ cất đầu lên và nói: “Allah!” – nói chỉ đúng một từ, rồi lại cúi mặt xuống im lặng rất lâu; họ ngồi như vậy, không đụng đậy. Giáo chủ lại cất đầu: “Allah!”, và mọi người cùng nói: “Allah!” rồi lại im lặng. Người chết nằm trên cỏ bất động, còn mọi người ngồi yên như người chết. Không một ai nhúc nhích. Chỉ nghe tiếng lá cây tiêu huyền gió thổi xào xạc. Sau đó giáo sĩ đọc lời cầu nguyện, tất cả đứng dậy, nhấc người chết lên khiêng đi. Họ khiêng tới một cái hố; hố không phải đào đơn giản, mà được khoét vào đất như một căn hầm. Họ nắm tay và chân người chết, gập lại và nhẹ nhàng thả xuống, để ngồi dưới đất, bẻ tay anh ta đặt trước bụng.

Gã Nogay lôi tới một bó cây xanh, họ nhanh chóng chèn vào trong hố, rồi lấp đầy đất lên, cào bằng, chỗ đầu người chết đặt một hòn đá làm bia mộ. Họ nện chặt đất, lại ngồi xuống thành hàng trước mộ, im lặng rất lâu.

“Allah! Allah! Allah!” – họ thở dài và đứng dậy.

Gã râu hung đưa tiền cho các ông già, sau đó đứng dậy, cầm sợi thừng quật mình ba phát vào trán và đi về nhà.

Sáng ra, Zhilin trông thấy gã râu hung dắt ngựa ra ngoài làng, sau hắn là ba người Tartar. Họ ra khỏi làng, gã râu hung cởi áo beshmet, xắn tay áo lên lộ ra đôi cánh tay khỏe mạnh, rút dao găm mài trên tảng đá. Những gã Tartar kia giữ một con ngựa cái, nâng đầu nó lên, gã râu hung bước lại, cắt họng con vật, xô ngã nó và bắt đầu lột da. Các bà các cô đến rửa bộ lòng. Sau đó họ xẻ thịt con ngựa, lôi vào trong nhà. Và cả làng lại tụ tập ở nhà gã râu hung để tưởng nhớ người chết.

Ba ngày họ ăn thịt ngựa, uống buza và tưởng nhớ người chết. Tất cả đàn ông đều ở nhà. Đến ngày thứ tư, Zhilin thấy họ chuẩn bị đi đâu đó. Ngựa được dắt tới, khỏang mười người tập  hợp và ra đi, cả gã râu hung cũng đi, chỉ có Abdul là ở nhà. Trăng vẫn còn khuyết, nên đêm vẫn rất tối.

“Nào, bây giờ phải trốn thôi”, Zhilin nghĩ, và nói với Kostylin. Nhưng Kostylin sợ hãi: “Làm sao mà trốn được, ta không biết đường mà”. “Tôi biết đường rồi”. “Nhưng ta không đi ban đêm được đâu”. “Nếu không đi đêm được thì ta sẽ ngủ trong rừng. Tôi chuẩn bị bánh rồi đây này. Cậu ngồi ở đây làm gì? Được thôi, nếu người nhà gửi tiền đến, nhưng nhỡ họ không gom đủ tiền thì sao. Mà bọn Tartar giờ dữ lắm, bởi người Nga giết người của bọn chúng. Bọn họ đang bàn bạc, muốn giết bọn ta”.

Kostylin nghĩ đi nghĩ lại. “Nào thì đi!”

 

V

Zhilin chui xuống lỗ, khoét nó rộng ra để Kostylin có thể chui qua được; rồi họ ngồi chờ cho đến khi làng trở nên yên ắng.

Mọi người trong làng vừa yên lặng, Zhilin chui xuống dưới tường, thoát ra ngoài. Chàng thì thào với Kostylin: “Chui qua đi!” Kostylin chui qua, vấp chân vào hòn đá, rên lên. Canh gác cho gã chủ là con chó săn. Một con chó dữ tên là Ulyashin. Zhilin trước đó đã cho nó ăn. Ulyashin nghe động, định sủa và chạy tới, sau lưng nó là những con chó khác. Zhilin khẽ huýt sáo, vứt một mẩu bánh, Ulyashin nhận ra, vẫy đuôi và ngưng sủa.

Gã chủ nghe tiếng, quát chó từ trong nhà: “Hây, hây, Ulyashin!”

Còn Zhilin xoa xoa sau tai con chó. Con chó im lặng, cọ vào chân chàng, đuôi ve vẩy.

Họ ngồi yên trong góc. Mọi thứ lại im lặng, chỉ nghe tiếng ho của con cừu trong chuồng, và tiếng nước chảy dưới khe đá. Trời tối, những vì sao ở tít trên cao, vầng trăng non đỏ quạch sau rặng núi vênh hai cái sừng lên trên. Dưới những thung lũng, sương trắng như sữa.

Zhilin đứng dậy, nói với bạn: “Nào anh bạn, đi thôi!”

Họ vừa nhúc nhích thì nghe tiếng giáo chủ hát lên ở phía mái nhà: “Allah, Besmilla! Ilrahman!” Nghĩa là mọi người phải đi ra thánh đường. Họ lại ngồi xuống, nép sát vào tường, đợi cho đến khi mọi người đi qua khỏi. Cuối cùng thì tất cả lại yên tĩnh trở lại.

“Nào bây giờ thì, chúa phù hộ chúng ta”, họ làm dấu thánh, và khởi hành. Họ băng qua sân và đi xuống núi, lội qua dòng suối và đi dọc thung lũng.

Sương dày đặc nhưng nằm là là mặt đất, phía trước sao chiếu khá sáng. Zhilin định hướng đi bằng sao. Trời sương nên mát mẻ, và đi dễ dàng, mỗi tội ủng của họ không thoải mái, đã cũ và kêu. Zhilin tháo ủng vứt đi, đi chân không, nhảy từ tảng đá này sang tảng đá khác, tiếp tục định hướng bằng sao. Kostylin bắt đầu tụt lại đằng sau.

“Gượm đã”, anh ta nói “đôi ủng quái quỉ này làm phồng cả chân rồi”.

“Cậu tháo cởi ủng ra, dễ đi hơn đấy”

Kostylin tháo ủng đi đất, nhung lại còn tệ hơn, đá đâm cắt chân, và càng tụt lại sau. Zhilin bảo anh ta: “Chân có rách thì sẽ lành, còn nếu họ đuổi kịp ta thì sẽ giết ta, thế còn tệ hơn.

Kostylin không nói năng gì, đi khập khiễng. Họ lầm lũi đi rất lâu. Nghe thấy phía bên phải tiếng chó sủa, Zhilin dừng lại, xem xét, trèo lên núi, hai tay sờ soạng.

Chàng nói: “Ôi chúng ta lạc lối rồi, ta đi về phía bên phải rồi. Đây là một làng khác, tôi trông thấy nó từ trên núi rồi, phải đi ngược lại và sang bên trái, lên núi. Phải có rừng ở đó.”

Nhưng Kostylin nói: “Dừng lại một chút đi đã, nghỉ cái đã, chân tôi chảy máu hết rồi”.

“Ê người anh em, chân sẽ lành thôi, tốt hơn là cậu nhảy lên, như thế này này”

Và Zhilin chạy ngược về phía sau sang bên trái vào núi, vào rừng.

Kostylin vẫn bị tụt lại và kêu oai oái. Zhilin suỵt suỵt với anh ta, và vẫn tiếp tục đi.

Họ leo lên núi, quả ở đó có rừng. Họ vào rừng, những bụi gai xé rách hết áo. Cuối cùng họ cũng ra được đường. Đi tiếp.

“Dừng lại!” Họ nghe thấy gì đó như tiếng vó chạy trên đường, đứng lại, lắng nghe. Như tiếng ngựa chạy, rồi dừng lại. Hai người đi tiếp, lại nghe tiếng vó. Họ dừng lại, nó cũng dừng lại. Zhilin bò lại gần và lúc không tối lắm, chàng thấy cái gì đó đứng trên đường, không hẳn là con ngựa, trên con ngựa đó có cái gì đó lạ lạ, không giống người. Nghe tiếng phì phì. “Cái quái gì thế nhỉ!” Zhilin khẽ huýt gió, lập tức vật đó vụt rời con đường chạy vào rừng, và xào xạc tiếng cây gãy như cơn bão đi qua.

Kostylin ngã xuống đất vị sợ quá. Còn Zhilin bật cười, nói: “Hươu đấy. Cậu có nghe sừng nó làm gẫy cây không. Bọn mình sợ nó, còn nó sợ bọn mình”.

Họ đi tiếp. Chòm sao Đại Hùng Tinh đã hạ thấp xuống. Đã sắp sáng tới nơi rồi. Mà họ đi có đúng đường không, họ cũng chẳng biết nữa. Zhilin nghĩ rằng đây là con đường mà người ta đã đưa chàng đi qua, tức là còn chừng mười dặm nữa là đến pháo đài, nhưng chẳng có dấu hiệu nào cả, mà ban đêm chẳng phân biệt được cái gì. Họ ra một cánh rừng thưa, Kostylin ngồi xuống nói: “Anh muốn gì thì muốn, tôi không đi tới nơi được đâu, chân tôi không đi nổi nữa rồi.”

Zhilin lại dỗ dành anh ta. “Không, anh ta nói, không đi nữa, không thể đi nổi”

Zhilin nổi cáu, nhổ nước bọt và chửi mắng anh ta. “Thế thì tôi đi một mình, vĩnh biệt”.

Kostylin chồm lên, đi tiếp. Họ đi được bốn dặm. Sương trong rừng càng dày đặc hơn, không nhìn thấy gì ở trước cả, những vì sao chỉ thoáng hiện ra.

Bỗng họ nghe thấy tiếng ngựa phi phía trước. Nghe rõ tiếng móng ngựa đập vào đá. Zhilin nằm sấp xuống áp tai xuống đất lắng nghe. “Đúng rồi, ngựa chạy về hướng chúng ta!”

Họ chạy khỏi đường, ngồi vào trong bụi và đợi. Zhilin bò lại ra đường xem: một tên Tartar cưỡi ngựa lùa một con bò, lầm bầm gì đó một mình. Tên Tartar đi qua, Zhilin quay lại chỗ Kostylin. “Nào, lạy chúa, dậy đi thôi”.

Kostylin đứng dậy nhưng ngã xuống: “Không thể đi được, lạy chúa, tôi không thể, hết sức rồi”. Gã đàn ông to lớn, lông lá, đầm đìa mồ hôi; lạnh cóng vì sương đêm trong rừng, chân rách tóac, anh ta gần như phải lết đi. Zhilin lấy hết sức nâng anh ta dậy. Kostylin kêu lên: “Ối đau quá!”

Zhilin chết lặng. “Cậu kêu gì đấy? Gã Tartar đang ở gần đây, nó nghe thấy đấy”. Còn bản thân chàng thì nghĩ “Thằng cha này thực sự yếu lắm rồi, mình phải làm sao đây? Không thể bỏ bạn được”.

“Nào, chàng nói, dậy đi rồi trèo lên lưng tôi, tôi cõng đi nếu cậu đi không nổi”.

Zhilin đặt Kostylin trên lưng, chống hai tay lên đùi, cõng bạn bước ra đường. “Chỉ có điều đừng quàng tay vào họng tôi, lạy Chúa, bám lấy vai ấy”

Zhilin rất vất vả, chân chàng cũng bật máu. Chàng cúi xuống, chỉnh sửa sao cho Kostylin ngồi cao hơn trên lưng và tha anh ta trên đường.

Rõ ràng tên Tartar đã nghe tiếng Kostylin kêu. Zhilin nghe thấy có người đi đằng sau và quát gọi bằng tiếng Tartar. Zhilin lao vào trong bụi. Tên Tartar giơ súng bắn, nhưng trượt, hắn hét to bằng tiếng của mình và phi ngựa chạy mất.

“Chúng ta tiêu rồi, anh bạn ạ,” Zhilin nói, “Thằng chó đó bây giờ sẽ gọi người đuổi theo chúng ta. Nếu ta không chạy được ba dặm nữa thì tiêu”. Nhưng trong lòng thầm nghĩ: “Quỷ bắt mình phải lôi cái cùm này theo mình. Một mình mình thì đã chạy thoát từ lâu rồi”.

Kostylin bảo: “Anh đi một mình đi, kẻo vì tôi mà anh tiêu mất”.

“Không, tôi không đi, bỏ bạn lại là không được”.

Chàng lại kéo anh ta lên vai lảo đảo đi. Chàng đi được chừng một dặm, tòan rừng là rừng, không thấy lối ra. Sương bắt đầu tan, những đám mây sà xuống thấp. Không trông thấy sao nữa. Zhilin đã kiệt sức. Một nguồn nước từ khe đá chảy ra ven đường. Zhilin dừng lại, đặt Kostylin xuống: “Để tôi nghỉ uống miếng nước đã, chàng bảo, ta ăn ít bánh đi. Có lẽ không xa nữa.

Chàng vừa nằm xuống uống nước thì đã nghe tiếng vó ngựa đằng sau. Họ lại lao sang bên phải vào bụi rậm dưới sườn dốc và nằm đó.

Có tiếng bọn Tartar, chúng dừng lại trên đường đúng chỗ họ vừa rời đi. Chúng nói chuyện một lúc, rồi hình như bắt đầu cho chó đánh hơi. Có tiếng cành cây lao xao, và một con chó lạ xuất hiện ngay sau bụi cây. Nó dừng lại và bắt đầu sủa.

Sau đó bọn Tartar, cũng toàn người lạ, leo xuống tóm lấy Zhilin và Kostylin, trói họ lại, đưa lên ngựa và mang họ đi.

Khi chạy được khoảng ba dặm, họ gặp gã chủ Abdul cùng hai người Tartar nữa. Abdul trao đổi gì đó với những người Tartar, chuyển Zhilin và Kostylin sang ngựa của gã, đưa hai người trở lại làng.

Abdul không cười nữa và không nói lời nào với họ cả.

Rạng sáng, họ được đưa về đến làng, thả xuống đường. Bọn trẻ con chạy theo hò reo, ném đá, dùng dây thừng đánh họ.

Bọn đàn ông Tartar tụ lại thành nhóm, cả lão già dưới núi cũng lên. Bắt đầu bàn luận. Zhilin nghe thấy những người Tartar bàn chuyện chàng và Kostylin xem nên làm gì với họ.

Một số người bảo phải đưa họ vào núi sâu hơn. Còn lão già nói: “Phải giết chúng đi”. Abdul cãi lại, nói: “Tôi đã trả tiền mua họ. Tôi sẽ lấy tiền chuộc”. Nhưng lão già nói: “Chúng sẽ không trả gì đâu, chỉ toàn mang họa tới thôi. Nuôi bọn Nga là có tội đấy. Giết đi là xong”.

Đám người giải tán. Gã chủ đến chỗ Zhilin nói chuyện với chàng. Gã nói: “Nếu như người ta không gửi tiền chuộc các anh, thì hai tuần nữa tôi sẽ không để yên đâu. Nếu anh còn định chạy trốn nữa tôi sẽ giết anh như giết chó. Viết thư đi, viết cho tử tế vào.”

Giấy được mang đến, và họ viết thư. Cùm lại bị đeo vào chân, họ bị dẫn ra phía thánh đường, ở đó có một cái hố khoảng năm arshin. Và người ta đẩy họ xuống dưới đó.

 

VI

Cuộc sống trở nên vô cùng tồi tệ. Cùm không được tháo ra và hai người không được ra ngoài. Người ta vứt xuống bột nhồi chưa nướng, như vứt cho chó, nước thì đổ vào bình. Trong hố hôi thối, ngột ngạt và ẩm ướt. Kostylin hoàn toàn đổ bệnh, người sưng phồng, đau nhức toàn thân, anh ta suốt ngày rên rỉ hoặc ngủ. Còn Zhilin thì ủ rũ, thấy rằng mọi chuyện thật tồi tệ. Và chàng không biết làm sao thoát khỏi đây.

Chàng bắt đầu đào bới, nhưng dưới đất thì chẳng đào đi đâu được. Gã chủ trông thấy, dọa giết.

Một lần, chàng đang ngồi dưới lòng hố nghĩ ngợi về cuộc sống tự do, và cảm thấy buồn chán vô cùng. Bỗng một cái bánh rơi thẳng vào chân chàng, rồi một cái nữa, rồi những quả anh đào. Chàng ngước nhìn lên, Dina đứng trên đó. Cô bé nhìn Zhilin, cười và bỏ chạy. Zhilin bỗng nghĩ: “Liệu Dina có giúp không nhỉ?”

Chàng dọn sạch một chỗ trong hố, moi đất sét, bắt đầu nặn búp bê. Chàng làm những hình người, ngựa, chó, và nghĩ: “Nếu Dina đến sẽ ném cho cô bé”

Ngày hôm sau không thấy Dina. Nhưng Zhilin nghe tiếng vó ngựa chạy, ai đó đến, rồi những người Tartar tập hợp ở thánh đường, cãi cọ, la hét và nhắc đến người Nga. Nghe thấy tiếng của lão già. Chàng không nghe rõ lắm, và đoán rằng những người Nga đã đến gần đây, người Tartar sợ người Nga sẽ vào làng, và họ không biết nên làm gì với mấy người tù.

Họ tranh cãi rồi bỏ đi. Bỗng Zhilin nghe tiếng sột soạt bên trên. Chàng thấy Dina ngồi bệt trên đất, đầu gối nhô cao hơn đầu. Cô bé cúi người xuống, những đồng xu treo lủng lẳng trên hố. Đôi mắt cô lấp lánh như sao. Cô bé rút từ tay áo ra hai chiếc bánh phomai ném cho chàng. Zhilin đón lấy bánh và nói: “Sao lâu không thấy em? Anh làm cho em đồ chơi đấy. Đây này!” Chàng ném từng món lên, nhưng cô bé lắc đầu không nhìn.

“Không được đâu!” - cô bé nói. Cô ngồi im lặng một chút, rồi nói: “Ivan, người ta muốn giết anh đấy”. Cô đưa tay ngang cổ ra dấu.

“Ai muốn giết cơ?”

“Bố em, những người già bắt thế, mà em thương cho anh”

Zhilin bèn nói: “Nếu như em thương anh, thì em mang cho anh một cái cây thật dài đi”

Cô bé lắc đầu “không được”. Chàng chắp tay cầu khẩn cô bé: “Dina, làm ơn đi, Dinushka, mang đến đi nào”.

“Không được đâu, mọi người nhìn thấy mất, cả nhà đang ở nhà mà”, cô bé nói, và bỏ đi.

Tối đó Zhilin ngồi nghĩ ngợi: “Làm sao đây?” Và nhìn mãi lên trời. Những ngôi sao đã hiện ra, nhưng trăng thì chưa mọc. Giáo chủ kêu gọi, rồi tất cả yên lặng. Zhilin bắt đầu thiu thiu, thầm nghĩ: “Cô bé sợ.”

Bỗng một mẩu đất sét rơi xuống đầu chàng, chàng ngước lên. Một cây sào dài từ mép hố nhô ra, nhô ra, hạ xuống và trườn xuống dưới hố. Zhilin mừng rỡ, chộp lấy kéo xuống. Một cái sào chắc chắn. Chàng trước đây đã trông thấy nó trên mái nhà của gã chủ.

Chàng ngước lên trên: những vì sao lấp lánh trên bầu trời cao, còn ngay phía trên hố, đôi mắt Dina cũng sáng lấp lánh trong bóng tối như mắt mèo. Cô bé cúi mặt xuống miệng hố thì thào: “Ivan, Ivan!” còn bản thân thì xua tay liên tục, ra dấu: “Suỵt, im lặng!”

“Gì thế?” Zhilin hỏi. “Mọi người đi hết rồi, chỉ có hai người ở nhà thôi”. Zhilin bèn nói: “Này, Kostylin, ta đi thôi, thử lần cuối cùng nào; tôi đỡ cậu lên”

Kostylin đến nghe cũng không muốn: “Không, anh ta nói, tôi chắc không đi khỏi đây được đâu. Tôi còn đi đâu được nữa chứ, khi trở mình cũng không đủ sức?”

“Vậy thì thôi, tạm biệt, đừng nghĩ xấu về tôi”. Chàng ôm hôn Kostylin.

Zhilin nắm cây sào, bảo Dina giữ và chàng trèo lên. Hai lần chàng bị tụt xuống vì vướng cái cùm. Kostylin đỡ chàng, cuối cùng chàng cũng leo lên được. Dina chìa đôi tay bé nhỏ nắm tay áo chàng, cố hết sức kéo, rồi bật cười. Zhilin đưa cô bé cây sào và nói: “Mang cất về chỗ cũ đi, Dina, không mọi người phát hiện được đánh em chết”. Dina lôi cây sào đi, còn Zhilin đi xuống núi. Chàng trèo xuống dốc, nhặt một viên đá nhọn để phá khóa chiếc cùm. Nhưng ổ khóa chắc quá, không sao phá được, lại không thuận tay. Chàng nghe tiếng chân ai đó từ trên núi chạy tới, nhảy rất nhẹ nhàng. Chàng nghĩ: “Chắc là lại Dina”. Dina chạy tới, cầm viên đá và nói: “Để em làm”.

Cô bé quỳ xuống bắt đầu đập. Nhưng đôi tay bé nhỏ mảnh mai như cành cây non, không đủ sức. Cô bé vứt viên đá, òa khóc. Zhilin lại tiếp tục phá khóa, còn Dina ngồi bệt bên cạnh chàng, giữ vai chàng. Zhilin quay lại, nhìn thấy phía trái sau núi một vầng đỏ cháy lên. Trăng đang lên. “Đến khi trăng lên thì phải đi tới được thung lũng rồi vào rừng”. Chàng đứng dậy, vứt viên đá. Đành kệ cái cùm vậy, phải đi thôi.

“Tạm biệt, Dinushka, - chàng nói – Anh sẽ nhớ em mãi mãi”

Dina túm lấy chàng, tay sờ người chàng, tìm chỗ để giúi bánh. Zhilin cầm lấy bánh: “Cám ơn, em giỏi lắm. Không có anh, ai sẽ làm búp bê cho em đây?”- và chàng xoa đầu cô bé.

Dina òa khóc, lấy tay che mặt và chạy lên núi, nhảy qua các bậc đá như một con dê con. Trong bóng đêm chỉ nghe thấy tiếng những đồng xu trên bím tóc va vào lưng lanh canh.

Zhilin làm dấu thánh, rồi nắm lấy ổ khóa trên cái cùm để nó không kêu, và đi dọc theo con đường, lê cái chân bị cùm, mắt hướng về phía mặt trăng sắp lên. Bây giờ chàng biết đường rồi. Nếu như chàng đi thẳng thì sẽ phải đi khoảng tám dặm. Trước hết phải đến khu rừng, trước khi mặt trăng lên cao. Chàng lội qua con suối, phía sau núi đã sáng trắng lên. Chàng đi trong thung lũng, vừa đi vừa nhìn: vẫn chưa thấy mặt trăng. Vầng sáng tỏa ra từ một phía của thung lũng, mỗi lúc một sáng hơn. Bóng tối bò dưới núi, càng lúc càng lại gần chàng.

Zhilin tiếp tục đi, nép trong bóng tối. Chàng rất vội, nhưng mặt trăng còn chuyển động nhanh hơn, những đỉnh núi phía bên phải đã sáng lên. Khi chàng gần tới khu rừng thì mặt trăng sáng trắng đã xuất hiện sau những dãy núi, và sáng như ban ngày. Có thể trông thấy tất cả những chiếc lá trên cây. Trên núi rất sáng, nhưng yên tĩnh như tất cả đã chết, không nghe một âm thanh nào ngoài tiếng dòng sông bên dưới chảy ùng ục.

Zhilin đến được khu rừng mà không gặp phải ai. Chàng chọn một chỗ tối và ngồi xuống nghỉ.

Chàng ngồi nghỉ, ăn một cái bánh phomát. Rồi chàng kiếm được một hòn đá, lại cố đập để phá ổ khóa của cái cùm. Chàng đập đến lúc tay bỏng rát, nhưng vẫn không phá được ổ khóa. Chàng đứng dậy và đi dọc theo con đường. Sau khi đi được khoảng một dặm, chàng kiệt sức, chân đau buốt. Chàng bước thêm mười bước và dừng lại. “Chẳng còn làm gì được nữa, chàng nghĩ, mình sẽ lết đi khi nào sức vẫn còn. Chứ nếu ngồi xuống thì sẽ không thể dậy được nữa. Nếu đến sáng mà chưa tới pháo đài được thì mình sẽ vào khu rừng đằng trước nằm nghĩ, đến tối lại đi”.

Chàng đi suốt đêm. Chỉ gặp hai người Tartar cưỡi ngựa, mà chàng từ xa đã nghe tiếng bèn nấp sau cái cây.

Mặt trăng mờ dần, sương buông xuống, trời gần sáng, mà Zhilin vẫn chưa ra đến bìa rừng. Chàng nghĩ: “Nào, ta cố đi thêm ba chục bước nữa thôi, rồi sẽ chui vào chỗ đám cây ngồi nghỉ”. Chàng đi thêm ba chục bước và trông thấy rừng đã hết. Chàng bước ra khỏi rừng, trời đã sáng hẳn, và chàng nhìn thấy rõ như trong lòng bàn tay phía trước là thảo nguyên và pháo đài, còn bên trái, gần chân núi có đống lửa đang tàn dần, khói bốc lên, có mấy người ngồi quanh đống lửa.

Chàng nhìn và thấy rõ: súng lấp lánh, đó là những người lính Côdắc.

Zhilin mừng rỡ, lấy hết sức tàn bước về hướng chân núi. Trong lòng chàng thầm nghĩ: “Chúa cứu vớt, chứ trên cánh đồng trống thế này, chỉ cần một thằng Tartar cưỡi ngựa trông thấy thì dẫu có gần đến nơi mình cũng không thoát”.

Vừa nghĩ thế thì chàng trông thấy: trên mô đất phía tay trái có ba tên Tartar, cách chàng chỉ khoảng hơn hai trăm mét. Trông thấy chàng, chúng liền băng xuống phía chàng. Tim Zhilin muốn vỡ ra. Chàng huơ tay, lấy hết sức bình sinh kêu lên: “Anh em ơi! Cứu với! Anh em ơi!”

Những người Cô dắc nghe tiếng chàng, nhảy lên ngựa phi tới để chắn đường bọn Tartar. Người Cô dắc thì còn xa, bọn Tartar thì ở gần. Zhilin thu hết sức tàn, tay nắm cái cùm, chạy về phía những người Cô dắc, không còn nhớ gì nữa, vừa làm dấu vừa kêu lên: “Anh em ơi! Anh em ơi! Anh em ơi!”

Có mười lăm người Cô dắc. Bọn Tartar hoảng sợ, chưa tới nơi đã phải dừng lại. Zhilin chạy tới những người Cô dắc.

Bọn Cô dắc vây lấy chàng, hỏi han: chàng là ai, từ đâu tới? Zhilin chẳng nhớ gì hết, chỉ khóc và nhắc đi nhắc lại: “Anh em ơi! Anh em ơi!”

Những người lính chạy đi mang lại cho chàng: người mang bánh mì, người cháo, người rượu vốtca; người choàng áo khóac lên mình chàng, người phá cùm.

Các sĩ quan nhận ra chàng, đưa chàng vào pháo đài. Bọn lính vui mừng, bạn bè tụ tập lại quanh Zhilin.

Zhilin kể lại chuyện xảy ra với chàng, và nói: “Tớ về nhà cưới vợ như thế đấy! Không, số tớ rõ không phải là thế”.

Và chàng ở lại Kavkaz phục vụ. Còn Kostylin phải một tháng sau mới được chuộc ra với năm ngàn rúp. Anh ta nửa sống nửa chết lúc được đưa về tới nơi.

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] Thời bấy giờ người ta gọi những người miền núi Bắc Kavkaz theo đạo Hồi là Tartar

[2] Aoul: làng của người Tartar

[3] Nogay: một tộc người Tartar, có gò má cao.

Danh mục website