Chúa biết sự thật nhưng chẳng nói ngay

 Trần Thị Phương Phương dịch

Lời người dịch:

Câu chuyện về người lái buôn già bị kết tội oan từng được kể trong “Chiến tranh và hoà bình” qua lời nhân vật Karataev (tập 4, phần 3, chương XIII), sau đó được Tolstoy phát triển thành truyện ngắn “Chúa biết sự thật nhưng chẳng nói ngay” (Бог правду видит, да не скоро скажет, xuất phát từ một thành ngữ Nga). Truyện đăng trên tạp chí “Đàm thoại” năm 1872, rồi được nhà văn đưa vào tập 3 của “Sách tập đọc tiéng Nga”, với phụ chú về thể loại sau nhan đề là “быль” – tức truyện viết về sự kiện có thật.

 

 

Ở thị trấn Vladimir có một người lái buôn trẻ tuổi tên là Ivan Dmitrich Aksionov. Anh ta có hai cửa hàng và một ngôi nhà riêng.
Aksionov là một anh chàng đẹp trai, tóc xoăn chải chuốt, vui tính và rất thích ca hát. Thời còn rất trẻ anh ta mê uống rượu và thường gây ồn ào những khi quá chén, tuy nhiên sau khi lấy vợ thì anh ta bỏ rượu, chỉ thi thoảng mới uống.
Một mùa hè nọ Aksionov chuẩn bị đi chợ phiên ở Nizhny, khi anh ta chia tay với gia đình thì chị vợ bỗng nói: " Anh Ivan Dmitrich, anh đừng đi hôm nay, em mới mơ một giấc mơ chẳng lành về anh".
Aksionov cười phá lên và nói: "Em lại sợ anh đi đến chợ sẽ bù khú chứ gì."
Vợ anh ta đáp: "Em không biết là sợ cái gì nữa, chỉ biết là em mơ một giấc mơ không lành. Em mơ thấy anh từ thành phố trở về, và khi anh bỏ mũ ra thì em thấy tóc của anh bạc hết".
Aksionov cười: "Đó là dấu hiệu may mắn đấy- anh ta nói- rồi xem anh có bán được hết hàng và mua ở chợ về cho em một ít quà không nào."
Thế là anh ta tạm biệt gia đình và ra đi.
Khi đi được nửa đường thì anh gặp một người lái buôn khác quen biết anh và họ vào nghỉ đêm ở cùng một quán trọ. Họ uống trà với nhau và sau đó đi ngủ trong hai căn phòng sát cạnh nhau.
Aksionov không có thói quen dậy trễ, hơn nữa lại muốn lên đường khi trời còn mát mẻ, bởi vậy trời chưa sáng anh đã đánh thức người đánh xe dậy và sai anh ta thắng ngựa.
Sau đó anh sang chỗ chủ quán trọ (ông này sống trong căn nhà tranh ở đằng sau), trả tiền trọ và tiếp tục cuộc hành trình.
Đi được chừng hai mươi lăm dặm, anh dừng lại để cho ngựa ăn. Aksionov ngồi nghỉ một lát ở ngoài hiên một quán trọ, sau đó bước vaò trong sảnh, kêu đun nóng ấm xamôva và lôi cây đàn guitar ra bắt đầu gảy.
Bỗng nhiên một chiếc xe ngựa chuông leng keng cập tới, một người sĩ quan bước xuống, theo sau anh ta là hai người lính. Viên sĩ quan tiến đế chỗ Aksionov và bắt đầu hỏi anh ta là ai và từ đâu tới. Aksionov trả lời đầy đủ và mời: "Các anh có uống chút trà với tôi không?" Nhưng viên sĩ quan tiếp tục lục vấn anh ta: Anh trọ ở đâu đêm qua? Anh đi một mình hay đi với bạn buôn khác? Anh có nhìn thấy người lái buôn kia sáng nay không? Tại sao anh lại rời khỏi quán trọ trước khi trời sáng?
Aksionov không hiểu tại sao mình lại bị hỏi những câu như vậy, nhưng anh vẫn mô tả tất cả những gì xảy ra và sau đó nói thêm:" Tại sao ngài lại tra hỏi tôi y như tôi là kẻ trộm hay là kẻ cướp vậy? Tôi đang đi công chuyện của tôi và không cần phải tra hỏi tôi."
Khi đó viên sĩ quan kêu mấy người lính lại và nói:"Tôi là sĩ quan cảnh sát của vùng này, tôi phải tra hỏi anh bởi vì người ta tìm thấy người lái buôn ngủ đêm cùng anh hôm qua bị cắt cổ. Chúng tôi phải lục soát đồ của anh."
Rồi họ vào trong nhà. Mấy người lính và viên sĩ quan cảnh sát tháo đồ đạc của Aksionov ra lục soát. Bỗng viên sĩ quan lôi từ trong một chiếc túi ra một con dao. Y la lên:" Con dao này là của ai?"
Aksionov nhìn và kinh hoảng khi thấy con dao dính máu được lôi ra từ túi của anh ta.
"Tại sao lại có máu trên con dao này?"
Aksionov cố trả lời, nhưng không làm sao nói được, chỉ lắp bắp:"Tôi...không biết...không phải của tôi".
Viên sĩ quan nói:"Sáng nay người lái buôn được tìm thấy với vết cắt trên cổ. Anh là người duy nhất có thể làm việc đó. Nhà thì bị khóa ở phía trong, và không có ai khác ở đó cả. Và đây là con dao dính máu trong túi anh, cả khuôn mặt và cử chỉ của anh cũng tố cáo anh! Hãy nói cho tôi biết anh giết anh ta như thế nào và cướp được bao nhiêu tiền?"
Aksionov thề rằng anh ta không hề làm điều đó, rằng anh không gặp lại người lái buôn từ sau lúc họ uống trà với nhau, rằng anh ta không có tiền nào ngoài tám ngàn rúp là tiền của anh ta, và rằng con dao kia không phải là của anh ta. Nhưng giọng anh ấp úng, mặt anh tái nhợt, anh run lên vì sợ hãi, hệt như chính anh là kẻ phạm tội vậy.
Viên sĩ quan ra lệnh cho mấy người lính trói Aksionov lại đưa lên xe ngựa. Khi bị trói và ném vào xe, Aksionov làm dấu thánh và bật khóc.Tiền và hàng hóa của anh bị lấy đi, anh bị đưa đến một thị trấn cách đó không xa và bị giam ở đó.Người ta đến Vladimir điều tra lý lịch của Aksionov. Lái buôn và dân cư ở đó nói rằng trước kia anh ta cũng có uống rượu và chơi bời, nhưng anh ta là người tốt. Sau đó phiên tòa diễn ra: Aksionov bị kết tội giết chết người lái buôn từ Ryazan và cướp của người đó hai mươi ngàn rúp
Vợ anh ta đau khổ không biết tin vào đâu. Con của chị còn quá nhỏ, một đứa còn đang bú mẹ. Lôi cả lũ con theo mình, chị tới thị trấn nơi anh chồng bị giam. Đầu tiên người ta không cho chị gặp, song sau khi van xin hết lời, chị xin được giấy phép và được đưa đến chỗ anh ta. Khi nhìn thấy chồng trong bộ quần áo tù và đeo xiềng, bị nhốt chung cùng bọn trộm cướp và tội phạm, chị ngã vật xuống, hồi lâu mới tỉnh lại. Sau đó chị kéo lũ con lại gần mình, ngồi xuống bên chồng. Chị kể mọi chuyện ở nhà, hỏi chuyện xảy ra với anh. Anh cũng thuật lại hết cho chị, rồi chị hỏi:" Chúng ta phải làm gì bây giờ?"
"Chúng ta phải cầu xin Nga hoàng không để cho người vô tội phải bỏ mạng".
Chị vợ nói với anh rằng chị đã gửi đơn thỉnh cầu lên Nga hoàng nhưng không được chấp nhận.
Aksionov không trả lời, chỉ buồn rầu nhìn xuống đất.
Chị vợ khi đó nói:" Không phải tự nhiên mà em mơ thấy tóc anh bạc xám, anh có nhớ không? Lẽ ra hôm đó anh không nên đi". Rồi vừa lùa những ngón tay vào tóc chồng chị vừa nói:" Anh Vanya thân yêu, hãy nói thật cho vợ anh nghe đi, có phải anh làm điều đó không?"
"Cả cô cũng không tin tôi ư!" Aksionov nói và hai tay bưng lấy mặt. Sau đó một người lính tới báo đã đến lúc chị vợ và lũ trẻ phải đi về, và Aksionov chia tay với vợ con lần cuối cùng.
Khi họ đã đi khỏi, Aksionov nhớ lại những gì đã được nói ra, và anh nhớ rằng cả vợ của anh cũng nghi ngờ anh, anh tự nhủ:"Có lẽ chỉ có Chúa mới biết được sự thật, chỉ có nơi Người là ta có thể thỉnh cầu, chỉ có nơi Người ta có thể chờ đợi sự ân xá". Và Aksionov thôi không viết đơn thỉnh cầu nữa, không còn hy vọng gì, chỉ còn cầu Chúa.
Aksionov bị tuyên phạt đánh roi và đưa đi lao động khổ sai ở mỏ. Anh bị đánh bằng roi da, rồi khi những vết thương do bị đánh lành lại thì anh được chuyển tới Siberia cùng với các phạm nhân khác.
Hai mươi sáu năm Aksionov sống cuộc đời một phạm nhân ở Siberia. Tóc ông trở nên trắng như tuyết, chòm râu của ông mọc dài, thưa và xám bạc. Sự vui tươi đã rời bỏ ông, lưng ông còng xuống, ông đi chậm, nói ít và không bao giờ cười, nhưng ông thường xuyên cầu nguyện.
Trong tù Aksionov học cách làm ủng và kiếm được ít tiền mà ông dùng để mua cuốn sách "Cuộc đời của các vị thánh". Ông đọc cuốn sách đó khi trong tù còn đủ ánh sáng, vào các chủ nhật ông đọc kinh và hát trong dàn đồng ca ở nhà thờ của nhà tù vì giọng của ông vẫn còn tốt.
Quản giáo nhà tù thích Aksionov vì tính hiền lành, còn các bạn tù thì kính nể ông, họ gọi ông là "ông nội" và "ông thánh". Khi họ muốn xin nhà tù điều gì, họ luôn để Asionov làm người phát ngôn, và khi giữa các tù nhân có cãi cọ, họ gọi ông tới dàn xếp, phân xử sự việc.
Aksionov không nhận được tin tức gì của gia đình, ông thậm chí không biết vợ con ông có còn sống hay không.
Một ngày kia có một toán phạm nhân mới được đưa tới nhà tù. Buổi chiều, những tù nhân cũ tụ họp quanh những người mới để hỏi han xem họ từ làng xã hay thị trấn nào tới và bị kết tội gì. Aksionov vào sau và ngồi xuống cạnh một tù nhân mới, cúi đầu buồn rầu lắng nghe mọi người nói.
Một trong số tù nhân mới, một người đàn ông cao lớn khỏe mạnh khoảng sáu mươi tuổi với bộ râu xén ngắn, kể cho mọi người nghe vì sao ông ta bị bắt.
"Thế đấy các bạn ạ, ông ta nói, tôi chỉ dắt đi con ngựa đang được thắng vào một chiếc xe trượt tuyết, vậy mà bị bắt và bị kết tội ăn cắp. Tôi nói tôi chỉ lấy nó để đi về nhà cho nhanh hơn thôi rồi sau đó sẽ thả nó ra, hơn nữa anh đánh xe lại là bạn thân của tôi. Thế nên tôi nói " Vậy có sao đâu". " Không đâu, họ bảo, ông ăn cắp nó". Nhưng tôi ăn cắp như thế nào và ở đâu thì họ chịu không nói được. Tôi quả đã có lần làm điều bậy bạ, lẽ ra theo luật pháp thì tôi phải đến đây từ lâu rồi, nhưng lần đó họ lại không tìm ra tôi. Còn bây giờ thì tôi bị vào tù chẳng tại làm sao cả... Ê, nhưng mà tôi nói láo đấy, tôi trước kia từng ở Siberia rồi, nhưng tôi ở không lâu."
"Thế ông từ đâu tới?" Một người nào đó hỏi.
"Từ Vladimir. Gia đình tôi sống ở thị trấn đó. Tên tôi là Makar, người ta còn gọi tôi là Semionich".
Aksionov ngẩng đầu lên và nói:" Này Semionich hãy nói cho tôi biết, ông có biết gì về gia đình người lái buôn Aksionov ở Vladimir không? Họ có còn sống không?"
"Biết họ ấy à? Dĩ nhiên là biết rồi. Nhà Aksionov giàu lắm, mặc dù ông bố bị đi đày ở Siberia: cũng là phạm nhân như chúng ta thì phải. Còn ông, ông nội, làm sao mà ông phải vào đây?"
Aksionov không thích nói về sự rủi ro của mình. Ông chỉ thở dài và nói:"Tôi đã ở trong tù hai mươi sáu năm vì tội của tôi".
"Tội gì vậy?" Makar Semionich hỏi.
Nhưng Aksionov chỉ nói:" Vâng vâng, tôi đáng phải chịu như vậy." Ông định không nói nhiều hơn, nhưng các bạn tù của ông đã kể cho người tù mới tới nghe chuyện Aksionov bị đến Siberia như thế nào: một người nào đó đã giết chết một người lái buôn rồi bỏ con dao vào giữa đồ đạc của Aksionov, và ông đã bị kết án oan.
Makar Semionich nghe vậy bèn nhìn Aksionov, vỗ gối và thốt lên: " Ô, kỳ lạ thật, kỳ lạ thật! Nhưng mà sao mà ông đã già như thế hở ông nội?"
Những người khác hỏi hắn ta tại sao lại ngạc nhiên như vậy, hắn từng gặp Aksionov trước kia ở đâu, nhưng Makar Semionich không trả lời. Hắn chỉ nói: "Thật kỳ lạ là chúng ta lại gặp nhau ở đây ông bạn ạ!"
Những lời nói đó khiến cho Aksionov phải tự hỏi phải chăng người đàn ông này biết ai giết người lái buôn, vì vậy ông nói:"Semionich, có lẽ ông có nghe về vụ đó, hay là ông từng thấy tôi trước kia?"
"Làm sao mà tôi không nghe được? Xung quanh đầy những tin đồn. Nhưng mà đã lâu lắm rồi và tôi cũng quên mất những gì tôi nghe thấy rồi."
"Có lẽ ông cũng có nghe ai là kẻ giết người lái buôn chăng?" Aksionov hỏi. Makar Semionich cười đáp:"Đó phải là kẻ nào mà trong túi của hắn có con dao! Nếu có ai khác dấu con dao vào đó, thì như người ta nói ấy "Hắn không phải là kẻ trộm khi hắn chưa bị tóm". Mà làm sao ai có thể bỏ dao vào túi của ông được khi nó ở dưới đầu ông? Làm thế chẳng hóa là đánh thức ông dậy ư?"
Khi Aksionov nghe những lời đó, ông cảm thấy chắc chắn rằng đây chính là kẻ giết người lái buôn. Ông đứng dậy và bỏ đi. Suốt đêm đó Aksionov nằm thao thức. Ông cảm thấy vô cùng bất hạnh, và đủ mọi hình ảnh chợt hiện ra trong đầu ông. Đây là hình ảnh vợ ông lúc ông tạm biệt để đi đến phiên chợ. Ông nhìn thấy y như bà đang thực sự hiện hữu, khuôn mặt và đôi mắt bà hiện rõ trước mắt ông, ông như nghe thấy giọng nói và tiếng cười của bà. Rồi ông thấy lũ con ông, còn bé tí như chúng ngày đó: một đứa khoác cái áo choàng không tay, đứa kia trong lòng mẹ. Rồi ông nhớ chính ông ngày trước- trẻ trung và vui tươi. Ông nhớ ông ngồi chơi guitar ngoài hành lang quán trọ khi người ta đến bắt ông, lúc đó ông từng vô tư như thế nào. Ông hình dung thấy nơi ông bị đánh, thấy người đao phủ và những người đứng xung quanh; thấy những cái cùm, những phạm nhân, thấy hai mươi sáu năm tù và tuổi già tới sớm của mình. Ý nghĩ về tất cả những cái đó làm Aksionov đau khổ đến độ sẵn sàng tự tử.
"Và tất cả những cái đó là do tên côn đồ đó gây ra! Aksionov nghĩ. Sự căm giận đối với Makar Semionich lớn đến nỗi ông nóng lòng muốn báo thù cho dù ông có phải chết cũng được. Ông cầu nguyện suốt đêm nhưng không sao lấy lại được bình tĩnh. Cả ngày hôm sau ông không lại gần Makar Semionich, thậm chí không nhìn hắn.
Hai tuần lễ trôi qua như vậy. Aksionov đêm không ngủ được và khốn khổ không biết phải làm gì.
Một đêm ông đi dạo loanh quanh trong tù thì chợt nhận thấy có ít đất bị đùn lên từ dưới một trong những giường nằm của các tù nhân. Ông dừng lại để xem đó là cái gì. Đột nhiên Makar Semionich trườn ra từ dưới gầm giường và nhìn lên Aksionov với một bộ mặt hoảng sợ. Aksionov cố đi qua không nhìn hắn, nhưng Makar đã túm lấy tay ông và nói với ông rằng hắn đã đào một cái lỗ ở dưới chân tường, dấu đất đi bằng cách bỏ chúng vào trong ủng và hằng ngày đổ ra đường lúc các tù nhân được đưa đi làm.
"Chỉ cần ông giữ im lặng, lão già ạ, là ông cũng thoát luôn. Còn nếu ông mà ba hoa thì họ sẽ giết chết tôi, nhưng mà tôi sẽ giết ông trước đấy."
Aksionov run người vì giận khi nhìn vào kẻ thù của mình. Ông rút tay ra và nói:"Tôi không có ý muốn trốn, và anh cũng không cần phải giết tôi; anh đã giết chết tôi từ lâu rồi! Tôi có tố cáo anh hay không thì chỉ có Chúa mới ra lệnh được thôi."
Ngày hôm sau, khi các tù nhân được đưa đi làm việc, lính áp giải nhận thấy có ai đó trong số tù nhân đổ đất ra khỏi ủng của mình. Nhà tù được kiểm tra và đường hầm bị phát hiện. Trưởng trại giam tới tra hỏi tất cả các tù nhân để tìm ra ai là kẻ đã đào cái lỗ. Tất cả đều nói không biết. Những người biết chuyện cũng không dám tố cáo Makar Semionich, họ biết rằng nếu tố cáo thì hắn sẽ bị đánh cho đến chết. Cuối cùng trưởng trại quay sang Aksionov, người mà ông ta biết luôn luôn công bằng, và nói:"Ông là ông già chân thật, trước Chúa ông hãy nói cho tôi biết ai là người đã đào cái lỗ này?"
Makar Semionich làm như chuyện hoàn toàn không có liên can gì đến hắn, chăm chú nhìn trưởng trại và thỉnh thoảng mới liếc sang Aksionov. Môi và tay Aksionov run bắn lên, một lúc lâu ông không thốt được nên lời. Ông nghĩ:"Tại sao ta lại phải che dấu cho hắn, kẻ đã hủy hoại cả cuộc đời ta? Hãy để hắn phải trả nợ cho những gì ta đã phải chịu đựng. Nhưng nếu ta nói ra, họ có thể sẽ giết hắn, mà biết đâu ta nghi ngờ oan cho hắn thì sao. Và sau hết, liệu điều đó có tốt gì cho ta?"
"Thế nào lão già- trưởng trại lặp lại- nói cho chúng tôi biết sự thật đi: Ai là người đào cái lỗ dưới chân tường?"
Aksionov liếc nhìn Makar Semionich và nói:" Tôi không thể nói được, thưa ngài. Chỉ có Chúa mới làm tôi nói ra! Tôi đang nằm trong tay các ngài rồi, các ngài muốn làm gì với tôi thì làm."
Dù cho truởng trại có cố gắng thế nào thì Aksionov cũng không nói thêm, và vì vậy sự việc đành phải bỏ dở.
Tối hôm đó. khi Aksionov đang nằm trên giường và bắt đầu thiu thiu ngủ thì có ai đó khe khẽ bước tới, ngồi lên giường ông. Ông nhìn kỹ qua bóng đêm và nhận ra Makar.
"Anh còn muốn thêm gì ở tôi nữa? Aksionov hỏi- Tại sao anh lại đến đây?"
Makar Semionich im lặng. Thế là Aksionov ngồi dậy và nói:"Anh muốn gì? Đi đi nếu không tôi gọi bảo vệ đấy."
Makar Semionich cúi xuống gần Aksionov và thì thào:"Ivan Dmitrich, hãy tha thứ cho tôi!"
"Vì sao?" Asionov hỏi.
"Chính tôi là kẻ đã giết người lái buôn và giấu con dao vào trong đồ của ông. Tôi định giết cả ông nữa, nhưng tôi nghe động bên ngoài nên dấu con dao vào trong túi ông rồi trốn qua cửa sổ."
Aksionov im lặng không biết phải nói gì. Makar Semionich tụt khỏi giường và quỳ xuống đất:"Ivan Dmitrich, hắn nói, hãy tha thứ cho tôi! Đội ơn Chúa hãy tha thứ cho tôi! Tôi sẽ thú nhận rằng tôi là kẻ giết người lái buôn, rồi ông sẽ được thả, rồi ông sẽ được trở về nhà."
"Anh nói thì dễ lắm- Aksionov nói- Tôi đã chịu đựng thay anh hai mươi sáu năm rồi. Tôi biết đi đâu bây giờ? Vợ tôi đã chết, còn các con tôi thì đã quên mất tôi rồi. Tôi chẳng còn nơi nào mà đi cả..."
Makar Semionich không đứng dậy mà đập đầu xuống đất:" Ivan Dmitrich, hãy tha thứ cho tôi- hắn khóc- Họ đánh tôi bằng roi da còn dễ chịu đựng hơn là nhìn thấy ông bây giờ... Ông còn thương hại tôi và không tố cáo tôi. Vì Chúa hãy tha thứ cho tôi, sao mà tôi lại hèn hạ như vậy!" Và hắn bắt đầu nức nở.
Aksionov nghe hắn nức nở, ông cũng chảy nước mắt.
"Chúa sẽ tha thứ cho anh! Ông nói- Có lẽ tôi còn trăm lần xấu hơn anh."Nói đến đó, trái tim ông bỗng vụt sáng, và niềm mơ ước được trở về nhà đã rời bỏ ông. Ông không bao giờ còn muốn rời nhà tù nữa, mà chỉ mong chờ giờ phút cuối cùng của mình.
Dù Aksionov đã nói như vậy nhưng Makar Semionich vẫn thú tội. Tuy nhiên khi lệnh tha cho Aksionov được đưa đến nhà tù thì ông đã qua đời.

1872.
(Dịch từ bản tiếng Anh “God Sees the Truth, But Waits”)

Danh mục website