24042024Wed
Last updateTue, 23 Apr 2024 10am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Tô Thức

 

 

Tô Thức 蘇 軾 (1037-1101) tự Tử Chiêm 子 瞻, hiệu Đông Pha cư sĩ 東坡居士, người đất Mi Sơn 眉 山 (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên), là Tiến sĩ năm Gia Hựu 嘉祐, làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ. Ông còn để lại tác phẩm Đông Pha thất tập東 坡 七 部. Cha ông là Tô Tuân 蘇 洵 (1009-1066), tự Minh Duẫn 明允, có tác phẩm Gia Hựu tập嘉 祐 集. Em trai Tô Thức là Tô Triệt 蘇 轍 (1039-1112) tự Tử Do 子由, có bộ Loan thành tập欒 城 集. Cả ba cha con đều nổi tiếng về văn chương, người đời gọi là Tam Tô.

 

Suốt đời Tô Thức quyết liệt đấu tranh chính trị. Trong quá trình đấu tranh càng lúc kịch liệt giữa hai phái cấp tiến và bảo thủ, Tô Thức là một phần tử trí thức tiến bộ, xuất thân từ giai cấp trung-tiểu địa chủ. Trong tình hình ấy, ông nhận thức được nguy cơ của xã hội lúc bấy giờ, và rất đồng tình với nỗi cùng khổ của nhân dân, mong muốn cải cách chính trị, làm cho đất nước được giàu mạnh. Vì thế, trong các tác phẩm Tiến sách 進 策  và Tư trị luận 思 治 論 , ông đề xuất yêu cầu cải cách chính trị, nhưng Vương An Thạch 王 安 石 (là Tể tướng) áp dụng biện pháp cấp tiến, thực hiện tân pháp. Tô Thức đứng về phe bảo thủ phản đối lại, vì thế ông bị bài xích và cầm tù. Về sau, phe bảo thủ dành được quyền chấp chính, muốn dẹp bỏ hết phe cấp tiến, nhưng Tô Thức lại cho là không nên, cần chủ trương “suy lường thiệt hơn, sử dụng sở trường của họ” 校 量 利 害, 參 用 所 長 (Biện thức quán chức sách vấn trát tử 辯 試 館 職 策 問 札 子). Ông lại bị phe của Tư Mã Quang và Trình Hi phản đối. Chức quan của ông vì thế cũng không ổn, ông phải bị điều sang nơi khác làm việc. Sau cùng, phe cấp tiến lại chấp chính, tiến hành trả thù phe bảo thủ. Ông nhiều lần bị biếm, cuối cùng phải đến đảo Hải Nam. Công việc chính trị mà ông đảm nhiệm phản ánh đặc điểm tư tưởng phức tạp và mâu thuẫn của ông.

 

Tư tưởng của Tô Thức có một phần của Nho gia, lại cũng có ảnh hưởng của Phật và Lão. Tô Thức nói “Ban đầu ta thích đọc sách của Giả Nghị, Lục Chí bàn việc trị loạn xưa nay, không nói suông. Khi đọc Trang Tử, ông bùi ngùi than rằng: “Xưa tôi thấy được từ trong lòng, nhưng miệng chưa nói ra được. Nay tôi có được sách Trang Tử, thì thỏa lòng tôi Về sau, đọc sách Phật, ngộ được sâu sắc thực tướng của vạn pháp. Khi đọc lại sách Khổng, Lão, biện luận rộng sâu, thông suốt, linh hoạt vô cùng” 初好贾誼,陸贄書,論古今治亂,不為空言吾昔有見於中,口未能言,今見莊子,得吾心矣。後讀釋氏書,深悟實相,參之孔,老,博辯無礙,浩然不見其涯也 (Đông Pha tiên sinh mộ chí minh東坡先生墓誌銘). Nhận xét này về phương diện văn học, đều mang tính phức tạp. Một mặt, ông theo Nho gia, cần chính yêu dân, tích cực nhập thế; mặt khác lại bảo thủ, trung dung. Ông lĩnh hội Tạp gia, Đạo gia, Phật gia, không bị đóng khung bởi truyền thống Nho gia, khiến ông phóng khoáng, thông đạt về phương diện lập thân, xử thế và quan sát mọi vấn đề, nhưng đôi khi lại thể hiện khuynh hướng hư vô tiêu cực. Ông yêu cầu cải cách chính trị, nhưng lại phản đối cấp tiến, quay về với tư tưởng vô vi của Lão Tử để làm chính trị. Ông nói: “Bậc trí giả khi tính toán, quí ở chỗ không để lại dấu vết”智者所圖,貴於無跡 (Thượng hoàng đế thư 上皇帝書), “Cai trị để không phải cai trị mới là sự cai trị thâm sâu” 治之以不治者,乃所以深治之也 (Vương giả bất trị di Dịch luận王者不治夷狄論). Ông quan tâm đến hiện thực, lại bất mãn với hiện thực, nhưng ở phương diện nhận thức và đối đãi với hiện thực, lại thường có thái đội “siêu nhiên ngoại vật”. Ông nói: “Người quân tử có thể gửi ý mình nơi vật, nhưng không thể sa đà, bám chấp vào vật. Nếu giữ ý vào vật, tuy vật có nhỏ mọn cũng đủ tạo niềm vui; dù vật có lớn lao cũng không đủ để gây hại. Còn nếu bám chặt vào vật, dù vật có nhỏ mọn cũng đủ để gây hại; vật có lớn lao cũng không đủ tạo niềm vui” 君子可以寓意於物,而不可以留意於物。寓意於物,雖微物足以為樂,雖尤物不足以為病;留意於物,雖微物足以為病,雖尤物不足以為樂 (Bảo hội đường ký 寶繪堂記). Ông lại bảo: “Ta không đi và không vui. Vì thế vượt ra ngoài mọi việc” 余之無所往而不樂者,蓋遊於物之外也 (Siêu nhiên đài kí超然臺記). Theo đó, ông thể hiện tư tưởng tiêu cực rằng phải “lắng nghe hành vi” 聽其所為và “không gì có thể cùng tranh đoạt được” 莫與之爭 (Vấn dưỡng sinh 問養生). Tuy thông hiểu đạo Phật, đạo Lão nhưng không hoàn toàn sống theo đó, đôi khi ông còn thấy những ảnh hưởng không lợi ích của hai tư tưởng này. Ông bảo: “Người học Phật, Lão vốn đặt kì hạn nơi tịnh và đạt. Tịnh giống như rời ra, đạt giống như buông bỏ. Học giả nào chưa đạt đến kì hạn ấy, không làm sao vô hại được”學佛老者本期於靜而達,靜似懶, 達似放; 學者或未至其所期,而先得其所似,不為無害 (Đáp Tất Trọng Cử thư 答畢仲舉書). Những quan điểm này tuy không giống nhau nhưng ràng buộc, ảnh hưởng lẫn nhau, cấu thành hệ thống tư tưởng của bản thân ông. Về mặt lí luận văn học, cũng có cùng sự phản ánh theo khuynh hướng như thế.

 

Sau Âu Dương Tu, Tô Thức là người lãnh đạo cuộc vận động cách tân văn học. Đường thời, sự việc sáng tác thi từ theo cổ văn của ông đều có những thành tựu đáng kể. Những tác phẩm về lí luận văn học của ông đều nhấn mạnh đến nội dung và tác dụng xã hội, xem trọng đặc trưng văn học nghệ thuật. Nhiều lần ông khẳng định rằng bản thân văn học đều có vàng tốt ngọc sinh, tự nó đánh giá được nó (Đáp Lưu Miện Đô Tào thư 答劉沔都曹書 ). Luận điểm của ông trong Đáp Tạ Dân Sư thư 答謝民師書 vốn không giống với nhà lí luận Dung Hủ, cũng không giống nhà chính trị luôn lấy trị giáo, chính lệnh làm chủ yếu. Ông tương đối gần gũi với Âu Dương Tu, nhưng lại có sự phát triển không ít. Trình Hạo nói: “Học giả ngày nay chia thành ba nhóm: kẻ giỏi văn chương được gọi là văn sĩ, người luận kinh điển mà nghiền ngẫm được gọi là giảng sư, chỉ có người biết Đạo mới là Nho” 今之學者歧而為三能文者謂之文士,談經者泥為講師,惟知道者乃儒也(Hà Nam Trình thị di thư 河南程氏遺書). Trần Thiện bảo: “Văn chương đời Đường ba lần biến đổi. Văn chương triều ta cũng có ba lần biến đổi. Kinh Công chuyên về kinh thuật, Đông Pha chuyên nghị luận, họ Trình chuyên tính lí. Cả ba đều muốn lập một cõi riêng, không dẫm đạp nhau” 唐文章三變,本朝文章亦三變矣荊公以經術,東坡以議論,程氏以性理,三者要各立門戶,不相蹈襲 (Môn sắt tân thoại 捫虱新話). Về phương diện học thuật và văn học đương thời, thực tế hình thành ba phái theo kiểu đó, Tô Thức chính là đại biểu cho phái Văn sĩ.

 

I. Hữu vi nhi tác

 

            Khi luận về văn chương, Tô Thức nhấn mạnh tinh thần “hữu vi nhi tác” 有為而作 (theo hữu vi mà sáng tác), yêu cầu nội dung của văn học phải sát hợp với hiện thực, phản đối kiểu nói suông. Trong tác phẩm Phù Dịch tiên sinh thi tập tự 鳧繹先生詩集敘, khi dẫn lời cha ông (Tô Tuân) bình luận về thơ văn của Nhan Phù Dịch, ông còn phát triển thêm ý tưởng như sau:

 

            Văn thơ của ông đều có tinh thần “hữu vi nhi tác”, cô đọng mà sắc bén, nói đúng những nhầm lẫn của xã hội đương thời. Văn rõ ràng giống như ngũ cốc, chắc chắn có thể giúp người ta thoát đói khổ; dứt khoát như là thuốc có thể trị được bệnh. Những câu chuyện du thuyết ông cho là cao cả, những bài từ chi tiết ông khen hay, đẹp, còn về bản thân thì không có một lời. Sau hơn 20 năm cha tôi mất, nhưng lời nói ấy vẫn còn. Kẻ sĩ khi sáng tác, không ai không vượt qua sự biểu hiện hình thức bên ngoài, lời ít mà ý luận rất cao, đã nói về sự bỉ lậu đời Hán, Đường, nói thẳng mà không phạm thượng, giống như văn của tiên sinh, người đời không ai không quí trọng.先生之詩文皆有為而作,精悍確苦,言必中當時之過,鑿鑿乎如五穀必可以療飢,斷斷乎如藥石必可以伐病。其遊談以為高,枝詞以為觀美者,先生無一言焉。其後二十餘年,先君既沒,而其言存。士之為文者,莫不超然出於形器之表,微言高論,既已鄙陋漢唐,而其反復論難,正言不諱,如先生之文者世莫之貴矣。

 

            Có thể thấy điều gọi là “hữu vi nhi tác” yêu cầu phải “nói cho được những nhầm lẫn đương thời” (ngôn tất trúng đương thời chi quá), vận dụng văn học làm vũ khí đấu tranh chính trị, phát huy đầy đủ tác dụng xã hội “giúp không đói, trị được bệnh” (khả dĩ liệu cơ), đúng vào thời kì “nương theo ý nghĩa của thi nhân, gửi gắm sự việc vào lối châm biếm, ngõ hầu có được sự lợi ích cho đất nước” 緣詩人之義,託事以諷,庶幾有補於國 (Tô Triệt-Đông Pha tiên sinh mộ chí minh 東坡先生墓誌銘). Vì thế, ông phản đối lối văn hoa mĩ “không bệnh mà rên”無病呻吟, chỉ chuộng hình thức bên ngoài. Ông cũng phản đối những nhà lí học với kiểu nói ít mà lí luận quá cao xa, thoát li hiện thực, không ích lợi gì cho đời. Ông nói: “Căn bệnh của nhà Nho là hay nói suông mà ít thực dụng. Cái học của bọn Giả Nghị, Lục Chí gần như không truyền lại được cho đời”儒者之病多空文而少寶用,賈誼,陸贄之學,殆不傳於世 (Đáp Vương Tường thư 答王庠書). Ông khen ngợi cái học của Giả Nghị, Lục Chí chính là ở chỗ văn chương của họ có thể “luận cổ kim trị loạn, không nói suông”論古今治亂,不為空言. Trong Đề Liễu Tử Hậu thi 題柳子厚詩, ông cũng nhấn mạnh “Thi ca nên được sáng tác theo tinh thần hữu vi”詩須要有為而作. Ý này muốn nói đến tư tưởng lấy văn thơ châm biếm nền chính trị đương thời, chấp nhận sự chê trách của thi nhân phái Giang Tây. Hoàng Đình Kiên nói: “Văn chương của Đông Pha hết sức kì diệu, chỗ thiếu sót của ông là ở chỗ khéo léo công kích, nhưng hãy cẩn thận, chớ có bắt chước cung cách của ông!” 東坡文章妙天下,其短處在好罵,慎勿襲其軌也(Đáp Hồng Câu Phụ thư答洪駒父書). Trần Sư Đạo cũng nói: “Thơ của họ Tô mới đầu học theo Lưu Vũ Tích, nên có nặng lời mỉa mai châm biếm. Khi học ông, không thể không thận trọng” 蘇詩始學劉禺錫,故多怨刺,學不可不慎也 (Hậu Sơn thi thoại後山詩話). Những nhận xét trên đều xem lối châm biếm mỉa mai là khuyết điểm trong tác phẩm của Tô Thức. Họ phản đối việc lấy văn chương làm vũ khí đấu tranh chính trị của ông. “Hữu vi nhi tác” là thái độ sáng tác yêu cầu thơ văn nên theo tinh thần hữu vi, để có được những tác phẩm ưu tú tác động đến con người. Trước hết, điều này thể hiện đầy đủ tính hiện thực, tính hiện thực có được từ sự cảm thụ và thể hội những vấn đề mắt thấy tai nghe. Ông nói: “Xưa, kẻ làm văn nếu không thể làm cho hay cho khéo thì phải cố làm cho hay cho khéo. Núi sông có ráng mây, cỏ cây có hoa trái, đầy đủ, chan hòa mà nhìn ra bên ngoài. Dù muốn không viết thế cũng có được đâu… Núi sông tươi đẹp, phong tục chất phác, sự tích của hiền nhân quân tử cùng với sự tiếp nhận tinh tế từ mắt thấy tai nghe, tác động mạnh mẽ vào bên trong mà phát ra lời vịnh thán” 夫昔之為文者,非能為之為工,乃不能不為之為工也.山川之有雲霧,草木之有華實,充滿勃鬱而見於外,夫雖欲無有,其可得耶?...山川之秀美,風俗之樸陋,賢人君子之遺跡,與凡耳目之所接者,雜然有觸於中,而發於詠歎 (Nam hành tiền tập tự南行前集敘). Tô Thức còn cho rằng tác giả phải tiếp xúc với hiện thực, từ núi sông, phong tục, sự tích cho đến những điều thực tế mắt thấy tai nghe mà thâm nhập, cảm thụ và “tác động mạnh mẽ vào bên trong” (tạp nhiên hữu xúc ư trung) mới có thể làm cho nội dung phong phú, nhanh chóng xung động đến nỗi tất yếu “không thể không làm” (bất năng bất vi). Cái lối “không thể không làm” (bất năng bất vi) khiến cho “hữu vi nhi tác” trở thành cơ sở của sự chân thực. Đồng thời điều này cũng nói rõ về nội dung mang đầy đủ tính hiện thực, hình thức giản dị mà đẹp đẽ. “Đầy đủ, chan hòa mà nhìn ra bên ngoài” (sung mãn bột uất nhi kiến ư ngoại) chính là ý tưởng này.

 

            Tô Thức nhấn mạnh “hữu vi nhi tác”, nhưng nhân sinh quan của ông lại hẹp hòi. Khi Tiêu Thống bàn về tác phẩm Nhàn tình phú 閒情賦 của Đào Uyên Minh, có nói thật ra bài văn không có nghĩa châm biếm, chỉ là “vết nhỏ trên viên ngọc trong mà thôi” , thì Tô Thức cho rằng đấy là cách nhìn sai lầm: “Nhàn tình phú của Đào Uyên Minh chính là nói về phong tục đất nước, hiếu sắc mà không dâm, tuy không thể sánh ngang với thiên Chu nam trong kinh Thi, nhưng có khác gì với tác phẩm của Khuất Nguyên, Tống Ngọc? Thế mà Tiêu Thống lại chê bai. Đó là kiểu trẻ con lại cưỡng cầu giải thích hết mọi việc vậy” 淵明閒情賦正所謂國風好色而不淫,正使不及周南,與屈宋所陳何異?而統乃譏之,此乃小兒強作解事者(Đề văn tuyển題文選). Ông xem Nhàn tình phú có điểm gần gũi với tác phẩm của Khuất Nguyên, Tống Ngọc, tức gửi gắm suy tư vào sự việc mà châm biếm. Điều này là khá thông đạt.

 

II. Đạo có thể đạt đến nhưng không thể tìm cầu

 

          Trong cuộc vận động cổ văn, Tô Thức kế thừa được truyền thống của Hàn Dũ, Âu Dương Tu. Về phương diện sáng tác, ông có những cống hiến quan trọng. Ông ca ngợi Hàn Dũ như sau: “Văn (của Hàn Dũ) đã vực dậy được sự suy thoái của tám đời. Đạo (của Hàn Dũ) cứu vớt sự chết đuối của thiên hạ”文起八代之衰,道濟天下之溺 (Triều châu Hàn Văn công miếu bi 朝州韓文公廟碑). Ông cũng khen Âu Dương Tu ngang với Hàn Dũ. Ông bảo: “Sở học của Âu Dương Tu vượt Hàn Dũ, Mạnh Tử, vừa đạt hơn Khổng Tử, sáng tác hiện thực về lễ nhạc, nhân nghĩa, vừa hợp với đại Đạo” 其學推韓愈孟子,以達於孔氏,著禮樂仁義之實,以合於大道 (Cư sĩ tập tự居士集敘). Điều này thể hiện sự tôn trọng của ông đối với “Đạo” và  “văn” của Hàn Dũ, Âu Dương Tu.

 

Tô Thức luận về văn có nói về Đạo, nhưng những lí giải về Đạo, cố nhiên không giống những nhà lí học, cũng không hoàn toàn tương đồng với Hàn Dũ, Âu Dương Tu. Quyển Trung dung luận thượng 中庸論上có nói: “Đạo thì khó rõ ràng được! Luận về tác giả thì không thông. Bàn về chi tiết thì lan man, không thể xem xét được. Cái tệ này bắt đầu từ các nhà Nho xưa tìm đến với Đạo của thánh nhân mà không có điều sở đắc, nên phải quay về sáng tác loại văn chương khó hiểu này. Những người đời sau lại cho mình hiểu sâu sắc loại văn chương ấy lắm. Những kẻ thấy đuợc điều khó hiểu ấy mà không biết được sự rỗng tuếch của nó, còn cho rằng có sự sáng tạo sâu sắc ở nơi Đạo. Rồi họ tự xấu hổ về sự bất tài của mình, đành phải theo và hòa hoãn cho là đúng vậy thôi. Vì họ lừa dối nhau ca ngợi loại văn chương ấy là cao cả, quen khen đó là sâu sắc, nên cái Đạo của thánh nhân ngày một xa vời”甚矣道之難明也!論其著者,鄙滯而不通,論其微者,汗漫而不可考.其弊始於昔之儒者,求為聖人之道而無所得,於是務為不可知之文,庶幾乎後世之以我為深知之也.後之儒者,見其難知而不知其空虛無有,以為將有所深造乎道者而自恥其不能則從而和之曰然.相欺以為高相習以為深,而聖人之道日以遠矣. Ở đây khi luận về Đạo, Tô Thức thể hiện một cái nhìn thô thiển đối với những nhà Nho tầm thường và thái độ bất mãn mạnh mẽ đối với những nhà lí học nói suông “khen nhau là cao siêu, là sâu sắc” (tương khi dĩ vi cao,tương tập dĩ vi thâm), xa rời thực tế. Hàn Dũ là một đại gia cổ văn được mọi người suy tôn. Tô Thức cũng ca ngợi ông, nhưng về phương diện này, Tô Thức cũng phê phán: “Hàn Dũ đối với Đạo của thánh nhân có lẽ cũng hiểu được lẽ hiếu danh, nhưng lí lẽ, lập luận của ông không tinh sâu, rời rạc, lan man, thường đi ngược lại lời nói của mình mà không hay biết” 韓愈之於聖人之道,蓋亦知好其名矣,而未能樂其實.何者?其為論甚高其待孔子孟軻甚尊,而拒揚墨佛老甚嚴,此其用力亦不可謂不至矣,然其論至於理而不精,支離蕩佚,往往自叛其說而不知 (Hàn Dũ luận 韓愈論). Ông phê bình Hàn Dũ đối với Đạo thì thích danh mà không biết vui với thực tế, bộc lộ khuyết điểm phiến diện và vụn vặt. Có thể thấy lập luận về Đạo và quan hệ giữa “Đạo” và “văn”, Tô Thức có kiến giải riêng. Trong Nhật dụ 日喻, ông nói: “Cho nên trong số người nói về Đạo, có kẻ theo cái mình thấy mà đặt tên cho Đạo; có kẻ chưa từng biết gì, chỉ tưởng tượng mà thôi, đó đều là những sai lầm của việc cầu Đạo” Vậy thì cuối cùng, Đạo có thể tìm được không? Tô Thức nói: “Đạo có thể đạt đến nhưng không thể tìm cầu. Thế nào là “trí” (đến nơi đến chốn)? Tô Vũ bảo: “Kẻ đánh giỏi hiểu rõ người khác, không để cho họ nắm được mình”. Tử Hạ thì cho rằng: “Trăm người thợ chỉ có thể sống ở xưởng mới làm tốt công việc của mình, người quân tử có kiên trì học hỏi mới thấu  hiểu được Đạo”. Không có thứ gì chỉ mong cầu mà tự đến được, còn Đạo tự đến thì gọi là thông đạt hay sao? Phương Nam có nhiều người biết bơi vì mỗi ngày phải sống chung với nước, bảy năm mới biết bơi, mười năm biết nổi, mười lăm năm sau mới có thể bơi lặn đứng nước tùy ý. Chẳng lẽ tự nhiên họ biết bơi hay sao? Tất nhiên họ phải nắm được qui luật vận hành của nước. Mỗi ngày họ sống chung với nước, đến mười năm thì cũng nắm được qui luật của nó mà thôi. Sống mà không hiểu gì về nước thì tuy có khỏe mạnh, có thuyền rồi cũng sợ nước. Vì thế, những kẻ dũng cảm ở phương Bắc hỏi những người biết bơi phương Nam bày cho cách bơi lặn. Họ theo đó lặn thử xuống sông, thì không ít người chết đuối”. 故世之言道者,或即其所見而名之,或莫之見而意之,皆求道之過也.然則道卒不可求歟?蘇子曰:道可致而不可求.何謂致?蘇武曰:善戰者致人不致於人.子夏曰:百工居肆以成其事,君子學以致其道.莫之求而自至斯以為致也歟?南方多沒人,日與水居也.七歲而能涉,十歲而能浮,十五而能沒矣.夫沒者豈苟然哉!必將有得於水之道者.日與水居,則十五而得其道;生不識水,則雖壯見舟而畏之.故北方之勇者,問於沒人,而求其所以沒,以其言試之河,未有不溺者也.

 

Qua đây có thể thấy, khi giảng về Đạo, Tô Thức đã đột phá truyền thống của Nho gia, khiến người đọc ý thức được hiện tượng uyển chuyển, tự nhiên của Đạo, của xã hội lẫn phương diện văn học; thấm thía qui luật và đặc trưng của sự việc. Lập luận của ông không giống kiểu luân lí bị hạn chế của Liễu Khai, Thạch Giới, cũng không giống kiểu nói khó hiểu của các nhà lí học khi nói về “minh tâm kiến tánh chi học, thiên lí nhân dục chi biện” 明心見性之學,天理人欲之辨. Tô Thức xem thường các vị tục Nho cầu đạo, câu nệ vào những dấu hiệu cá biệt, những kẻ chủ quan thiên kiến, điên đảo, không hiểu được chút nào về thực tế đối với Đạo. Tô Thức cho rằng chỉ có sinh hoạt thực tiễn không ngừng mới có thể nắm được đặc trưng và qui luật của sự vật. Câu nói “Trăm người thợ chỉ có thể sống ở xưởng mới làm tốt công việc của mình” (bách công cư tứ dĩ thành kỳ sự) của ông chính là để nói rõ vấn đề này. Người phương Nam “mỗi ngày sống chung với nước, mãi rồi cũng phải biết bơi, mới có nhiều cơ hội học tập thực tiễn. Vì thế, “bảy năm mới biết bơi, mười năm mới biết nổi, mười lăm năm sau mới có thể bơi lặn, đứng nước tùy ý”. Họ nhanh chóng nắm được qui luật của nước lũ. Người phương Bắc không có kinh nghiệm thực tiễn, chỉ theo một vài lí luận bơi nước của người phương Nam, khua chân xuống nước, phải chết chìm thôi. Qua ví dụ này, Tô Thức đã nói rõ ý nghĩa quan trọng của việc sống thực tiễn để “trí Đạo” (thấu hiểu được Đạo). Đó cũng chính là nói Đạo không thể tìm cầu suông, chỉ có thể nắm bắt được ý nghĩa của Đạo trong thực tiễn mà thôi. Cố nhiên, cách nói này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chuyện xưa “Thừa điêu”, “Đạo thủy” trong thiên Đạt sinh (1) của Trang Tử.

 

Khi không ngừng nhấn mạnh đến tính thực tiễn, Tô Thức cũng đồng thời xem trọng sự quan sát trong tĩnh lặng. Muốn nhận thức hiện thực đa dạng, phức tạp, cần thiết phải có thái độ khách quan. Ông nói: “Kẻ chèo thuyền thường lo không thấy được khúc quanh nước xoáy. Còn người đứng trên bờ quan sát thì có thể thấy được. Tại sao? Vì kẻ chèo thuyền thân ở trạng thái động, còn người quan sát thường đứng yên” 夫操舟者常患不見水道之曲折,而水濱之立觀者常見之.何則?操舟者身寄於動,而立觀者常靜故也. (Triều từ phó Định châu luận sự trạng朝辭赴定州論事狀). Vấn đề này có vẻ mâu thuẫn với Nhật dụ thuyết日喻說 , nhưng thực ra không phải như vậy. Khi quan sát sự việc, chẳng những cần phải không rời thực tiễn mà còn phải có sự tĩnh lặng trong tâm và thái độ khách quan. Nếu động và tĩnh, thực tiễn và khách quan kết hợp được thì nhận thức hiện thực mới toàn diện, sự thấu hiểu Đạo mới được sâu sắc.

 

Câu thơ sau của ông trong Đề Tây Lâm bích題西林壁: “Hoành khán thành lĩnh, trắc thành phong. Viễn cận cao đê vô nhất đồng. Bất nhận thức Lô sơn chân diện mục. Chỉ duyên thân tại thử sơn trung”橫看成嶺側成峰.遠近高低無一同.不識廬山真面目.只緣身在此山中. (Nhìn ngang là dãy, nghiêng thành đỉnh. Xa gần cao thấp có như nhau? Không nhận núi Lô chân diện mục. Chỉ mé men theo núi này thôi) cũng muốn chỉ ra rằng thân ở nơi cao xa tĩnh lặng mà quan sát mới có thể lý giải sự việc một cách toàn diện đuợc.

 

Khi luận về văn học nghệ thuật, Tô Thức trong bài thơ Tống Tham Liêu sư送參寥師,  càng phát triển thêm quan điểm này: “Thoái Chi (Hàn Dũ) bàn về thảo thư, mọi bày ra đó. Lo buồn khí bất an. Tìm vui qua ngòi bút. Lạ thay kẻ tu Phật. Xem thân như giếng khô (2). Dại gửi nơi thanh vắng. Ai giúp cho dũng mãnh. Nghĩ sâu lại không thế. Khéo thật không giả dối. Muốn lời thơ kì diệu. Phải thật rỗng và lặng. Lặng nên thấu suốt động. Rỗng chứa được muôn cảnh. Xem người đời bôn ba. Riêng mình nằm đỉnh núi. Chua mặn xen vị ngọt. Vị ấy mãi thường còn. Phép thơ không ngăn ngại. Lời này càng muốn thưa”.退之論草書,萬事未嘗屏,憂愁不平氣,一寓筆所騁.頗怪浮屠人,視身如丘井.頹然寄淡泊.誰與發豪猛,細思乃不然.真巧非幻影.欲令詩語妙.無厭空且靜.靜故了群動.空故納萬境.閱世走人間.觀身臥雲嶺鹹酸雜眾好.中有至味永.詩法不相妨.此語當更請.

 

Ở đây, Tô Thức nhằm vào bài Tống Cao Nhàn thượng nhân tự送高閒上人序 nhân bàn về thơ của Tham Liêu Tử, đã đưa ra cách nhìn của mình. Hàn Dũ cho rằng Trương Húc nổi tiếng về thảo thư vì ông có cái tâm bất bình “hỉ nộ quẩn cùng”喜怒窘窮, “oán hận tư mộ”怨恨思慕 đều gửi cả vào chữ. Nhờ thế, ông tạo ra được những tuyệt phẩm nổi tiếng mãi cho đời sau. Nhưng Cao Nhàn là một vị tăng sĩ, vượt ra ngoài thế vật, sống đời đạm bạc, trong tâm không mống động, không ham mê sự đời, ông trở thành bậc danh gia về thảo thư. Có phải vì vị tăng sĩ này có bản lĩnh “giỏi huyễn hoặc, nhiều tài năng” không? Tô Thức nhận ra ý kiến này của Hàn Dũ là sai lầm. Cao Nhàn, Tham Liêu Tử đều là tăng sĩ, vừa giỏi thư pháp, vừa giỏi thơ ca, kỉ xảo nghệ thuật của họ tuyệt không phải do huyễn ảnh, mà thật sự có từ cơ sở thực tế. Câu “Duyệt thế tẩu nhân gian, quan thân ngọa vân lĩnh” (Xem người đời bôn ba. Riêng mình nằm đỉnh núi) cho thấy phương diện “xem người đời bôn ba”, mà ở họ cũng có cả hai mặt này. Cho nên họ cũng có khả năng sáng tác và khá nhiều tác phẩm thành tựu. Thành tựu đó không phải do thuật huyễn hoặc thần bí như Hàn Dũ nói. Ở đây Tô Thức đã đưa ra lí thuyết về “không-tĩnh”.

 

“Không-tĩnh” chính là hư tĩnh. “Hư tĩnh” vốn do Lão-Trang đề xướng, là mục đích cuối cùng quay về sự chân phác. Tuân Tử cũng nói về hư-tĩnh, nhưng lại cho đó là thủ đoạn của cái biết. Thiên Giải tệ 解蔽篇 nói: “Làm sao con người hiểu biết được Đạo?”. Đáp: “Do tâm”. Tâm làm sao hiểu biết? Đáp: “Rỗng suốt mà tĩnh lặng”. 人何以知道?曰:心.心何以知?曰:虛壹而靜. Người dùng thuyết này để bàn về văn chương là Lưu Hiệp. Thiên Thần tư 神思trong Văn tâm điêu long文心雕龍 có nói: “Hun đúc tư duy về văn chương, quí ở chỗ hư-tĩnh. Thanh lọc ngũ tạng, nhuần gội tinh thần. Học nhiều để tích lấy bảo vật. Xét suy lí lẽ để phát triển tài năng. Nghiên cứu soi sáng đến tận cùng. Thuần thục để lần ra mối chữ”陶鈞文思,貴在虛靜.疏瀹五藏,澡雪精神.積學以儲寶,酌理以富才.研閱以窮照.馴致以繹辭. Tuân Tử cho rằng hư-tĩnh có thể giải thích sự hiểu biết sai lầm. Lưu Hiệp cho rằng hư-tĩnh giúp cho cấu tứ sáng tác, tích lũy sở học, xem xét lí lẽ, quan sát mọi vật, rèn luyện dùng từ, tất cả đều có mối liên hệ với nhau. Vì “tĩnh” có thể quan sát mọi vật, “hư” có thể dung chứa mọi vật, chính là ý của câu “‘Tĩnh’ có thể quan sát mọi vật, ‘hư’ có thể dung chứa mọi vật”. Cách nói của Tô Thức bắt nguồn từ Lão Trang, lại giống với Tuân Tử. Khi ông bàn về văn chương lại càng gần với Lưu Hiệp. Tuy nhiên, bài thơ này lại gửi cho một nhà thơ tăng sĩ nên ít nhiều cũng nhuộm thêm màu sắc triết lí của Thiền môn. Trong bài thơ này, một mặt ông nói “Muốn lời thơ kì diệu. Phải thật rỗng và lặng”, mặt khác lại nói: “Pháp, thơ không ngăn ngại. Lời này càng muốn thưa”. Ý này nhấn mạnh đến phương diện không-tĩnh, thể hiện khuynh hướng tiêu cực thoát li hiện thực trong thơ ca, làm tăng thêm phong khí không hay của việc lấy Thiền luận thơ và lấy Thiền ví dụ cho thơ.

 

III. Ưa chuộng tự nhiên, thoát khỏi trói buộc

 

            Về phương diện hình thức của văn học, Tô Thức ưa chuộng tự nhiên, phản đối sự  trau chuốt màu mè, cố gắng tìm đến loại ngôn từ biểu đạt đầy đủ sự tự do tư tưởng, tình cảm phức tạp của tác giả, triệt để thoát khỏi sự trói buộc của những khuôn phép về hình thức. Khi tự bình văn của mình, ông nói: “Văn của tôi như vạn hộc suối nguồn, không cần chọn đất để phun trào, trên đất bằng thì nước chảy ào ạt. Chỉ một ngày mà nước chảy xa đến ngàn dặm không gì cản trở. Nước len lỏi cả núi đá khúc khuỷu, tùy theo hình dáng của vật cản mà tạo hình, không cố định. Những kẻ hiểu được thơ tôi thường đi vào những chỗ đáng đi, dừng ở chỗ đáng dừng, chỉ như thế mà thôi. Còn những điều khác, dù là tôi cũng không thể biết được” 吾文如萬斛泉源,不擇地而出,在平地滔滔汩汩,雖一日千里無難,及其與山石曲折,隨物賦形而不可知也.所可知者常行於所當行,止於不可不止,如是而已矣,其他雖吾亦不能知也. (Văn thuyết文說). Thi, từ, tản văn của Tô Thức về phương diện trau chuốt nghệ thuật, thực sự thể hiện những đặc trưng này. Trong Đáp Tạ Dân Sư thư答謝民師書, ông cũng phát huy một quan điểm tương tự: “Cái gọi là sách cũng như thi phú tạp văn, nên xem đến chỗ thuần thục. Nói chung, giống như mây trôi nước chảy, mới đầu chưa định ra bản chất, nhưng thường đi đến chỗ đáng đi, dừng ở chỗ đáng dừng, lý lẽ tự nhiên, tư thái phóng khoáng”所示書教及詩賦雜文觀之熟矣.大略如行雲流水,初無定,但常行於所當行,常止所不可不止,文理自然,姿態橫生. Ý muốn nói việc miêu tả hình tượng là chủ trương sáng tác của ông, phản ánh yêu cầu về hình thức nghệ thuật và đặc trưng rèn luyện trau chuốt về kỉ xảo. Căn cứ vào yêu cầu của sự vật được biểu hiện mà tự do sáng tác, giản dị trôi chảy, đạt đến mức độ “lý lẽ tự nhiên, tư thái phóng khoáng” (văn lí tự nhiên, tư thái hoành sinh), thể hiện ra như mây trôi nước chảy, những tình cảnh tự nhiên, sinh động. Cái gọi là “đi đến chỗ đáng đi, dừng ở chỗ đáng dừng” (hành ư sở đáng hành, chỉ sở bất khả bất chỉ) là thuộc về phạm vi qui luật nghệ thuật, cho sức sáng tạo được hoạt động tự do trong hạn độ rộng nhất. Trong Thư Ngô Đạo Tử họa hậu書吳道子畫後, Tô Thức nói: “Trình bày ý tưởng mới trong pháp độ, gửi gắm lí lẽ kì diệu ra ngoài sự hào phóng”出新意於法度之中寄妙理於豪放之外, càng thể hiện cơ sở của qui luật pháp độ, phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo nghệ thuật. Chính vì thế, ông mới phản đối loại văn màu mè, diễm lệ đương thời, cũng như kiểu u áo, tối nghĩa của cổ văn. Trong Thướng Mai Long đồ thư上梅龍圖書, ông nói: “Thức tôi lớn lên nơi hương đồng cỏ nội, không đuợc học văn đương thời, nên ngôn từ chất phác, không trang điểm màu mè” 軾長於草野,不學時文,詞語甚樸,無所藻飾. Trong Tạ Âu Dương nội hàn thư謝歐陽內翰書, ông cũng nói: “Bỏ đi lối văn phù phiếm, diễm lệ, đầy dẫy những màu sắc lòe loẹt, chạy theo tàn dư thời Lưỡng Hán, rồi dần dần trở về kiểu xưa thời Tam đại. Sĩ đại phu không thấu hiểu tấm lòng các bậc thiên tử, dụng ý quá đáng, kẻ muốn tìm đến sự thâm diệu lại đi đến mức giả dối. Người thích điều kì lạ thì quái đản viết nên tác phẩm không thể đọc được. Phong cách dư âm chưa dứt, thì tệ mới lại hoành hành. Trong khi những kẻ đại nhân chạm trổ vàng đá để truyền lại lâu xa, thì những kẻ tiểu nhân quay sang thích viết, rồi gọi đó là cổ văn, tự do phóng bút, không ai cấm cản gì được cả!”罷去浮巧輕媚叢錯采繡之文,將以追兩漢之餘,而漸復三代之故士大夫不深明天子之心,用意過當,求深者或至於迂,務奇者怪僻而不可讀,餘風未殄新弊復作.大者鏤之金石,以傳久遠,小者轉相摹寫,號稱古文,紛紛肆行,莫之或禁. Tô Thức đã chỉ ra trong cuộc vận động cách tân của văn học đương thời xuất hiện những hiện tượng không hay như thế. Về vấn đề này, Lý Cấu đã sớm nói qua: “Học giả ngày nay ai mà không sáng tác văn chương! Nhìn chung, họ đều say mê Mạnh Tử, kính nể Xương Lê (Hàn Dũ), bài nam bổ bắc, nhiễm cũ viết mới, thật đều có thể trở thành những bậc danh sĩ, không biết phân biệt được thế nào là vụng về hay khéo léo nữa!” 今之學者誰不為文,大抵摹勒孟子,卻掠昌黎,…拆南補北,染舊作新,盡可為名士矣,何工拙之辨哉! (Đáp Hoàng trứ tác thư答黃著作書). Kiểu văn “phong cách dư âm chưa dứt, thì tệ mới đã hoành hành” đã ngăn trở sự phát triển mạnh mẽ của văn học đương thời. Một mặt, Tô Thức phản đối văn chương đương thời, mặt khác lại đấu tranh với tệ tục mới của cổ văn.

 

            Đồng thời, Tô Thức bộc lộ sự khinh thị đối với loại văn chương có trình tự nghìn thiên nhất luật, hình thức cố định (Đáp Vương Tường thư答王庠書). Ông tỏ thái độ bất mãn với mưu đồ của Vương An Thạch muốn đem tư tưởng thống nhất văn đàn giới học đương thời: “Cái suy của văn tự có những điều không giống như ngày nay, nguyên nhân thực ra xuất phát từ họ Vương. Văn của họ Vương không phải là không hay, nhưng mối lo ở chỗ ông ta muốn mọi người giống hệt như mình. Ngay cả Khổng Tử cũng không thể làm cho người khác giống mình. Đức nhân của Nhan Uyên, đức dũng của Tử Lộ cũng không thể làm cho kẻ khác phải thay đổi theo, mà họ Vương lại muốn đồng hóa sở học của mình cho mọi người. Cái đẹp của một vùng đất là ở chỗ mọi sinh vật đều sống, nhưng sự sống mỗi mỗi đều khác nhau. Chỉ có loại đất mặn hoang vu cằn cỗi mới mong có được loại tranh vàng cỏ trắng. Cái này thì không khác với họ Vương” 文字之衰未有如今日者也,其源實出於王氏.王氏之文未必不善也,而患在於好使人同己.自孔子不能使人同,顏淵之仁,子路之勇,不能以相移,而王氏欲以其學同天下!地之美者同於生物,,不同於所生.惟荒瘠斥鹵之地彌望皆黃茅白葦,此則王氏之同也.(Đáp Trương Văn Tiềm thư答張文潛書).

 

            Vấn đề “văn tự” mà Tô Thức nói đến ở đây là loại văn chương học thuật, chính trị và tư tưởng chính trị của họ. Đúng sai không phải là chỗ cần bàn luận mà vấn đề ở đây là Tô Thức cũng có khen văn chương của Vương An Thạch. Nhưng với thái độ “muốn làm cho mọi người giống mình” của Vương An Thạch, thì Tô Thức cho rằng sẽ tạo thành sự “hoang vu” cho văn đàn giống như mảnh đất mặn cằn cỗi, càng muốn tất cả đều là “tranh vàng cỏ trắng” thì càng hình thành sự nghèo khốn cho giới học giả. Quan điểm này của Tô Thức xuất phát từ phương diện văn học. Ông chủ trương tự do trong văn học, cần có nhiều loại phong cách và đề tài, phản đối sự bó buộc về định cách và trình thức.

 

IV.  Luận về từ đạt

 

            Trên cơ sở ưa chuộng tự nhiên, ngôn từ phải biểu đạt đầy đủ sự tự do, Tô Thức tiến thêm một bước phát triển lí luận cổ đại liên quan đến từ đạt, trình bày ý tưởng khá mới mẻ. Điều này thể hiện sự coi trọng “văn” của Tô Thức. Trong Đáp Vương Tường thư答王庠書, ông nói: “Từ đạt mà thôi” 辭達而已矣, từ mà đến chỗ đạt được rồi thì mới có thể dừng lại, không thể thêm gì hơn nữa.

 

            Trong Đáp Tạ Dân Sư thư答謝民師書, ông cũng nói: “Khổng Tử bảo: ‘Lời nói mà không có chất văn (hoa mỹ) thì hành động không đi xa được”. Ông còn nói: “Từ đạt mà thôi”. Lời nói dừng lại ở sự đạt ý, nếu không “văn”, thì thật là không đúng, vì việc tìm đến diệu tính của sự vật sẽ giống như cột gió bắt bóng mà thôi. Kẻ có thể khiến cho sự vật đúng như vậy bằng tâm, có lẽ triệu người không được một vạn, nói chi kẻ có thể khiến cho sự vật đúng như vậy chỉ bằng miệng và tay? Đó gọi là từ đạt. Từ có đạt thì “văn” mới không thể vượt trội (nội dung) được”. 孔子曰:言之不文,行之不遠.又曰:辭達而已矣.夫言止於達意,即疑若不文,是大不然.求物之妙如繫風捕影,能使是物了然於心者,蓋千萬人而不一遇也而況能使了然於口與手者乎?是之謂辭達.辭至於能達,則文不可勝用矣.

 

            “Từ đạt” mà Tô Thức nói có cách giải thích mới so với “từ đạt mà thôi” của Khổng Tử. Câu nói ấy trong quá khứ đều là cách lí giải từ góc độ sùng chất khinh văn, cho rằng văn từ chỉ cần biểu hiện ra thành nội dung, chỉ cầu sự thông đạt, không cần văn vẻ. Tô Thức nói thật sự ngược lại. Ông cho rằng văn từ “đạt ý” không thể không có sự hoa mĩ, đó lại là cảnh giới tối cao của nghệ thuật ngôn từ. Nhìn chung, người ta cho “đạt ý” là giai đoạn ban đầu của sự biểu đạt ngôn từ, còn ông lại cho đó là tiêu chuẩn tối cao. Vì thế ông nói “Lời lẽ phải đạt mới thôi, để không thể thêm gì nữa”辭至於達止矣,不可以有加矣 và “Ngôn từ có thể đạt, thì văn mới không thể vượt trội hơn được”辭至於能達則文不可勝用矣. Văn phong của cuộc vận động cách tân cổ văn đời Tống nói chung đều hướng về sự phát triển của ngôn từ bình dị thông đạt. Đề xướng từ đạt, về mặt nắm vững qui luật nghệ thuật, ý kiến này đã triệt để thoát khỏi sự trói buộc về hình thức. Khi sử dụng ngôn từ phản ánh nội dung đã có đầy đủ phuơng diện tự do biểu đạt, tạo cho sự nỗ lực thêm một bước, và có ý nghĩa tích cực đối với tình hình văn học đương thời.

 

            Sự trình bày về “từ đạt” của Tô Thức có đối lập với lí luận về “gian thâm”艱深 (sự thâm sâu trắc trở) của Dương Hùng. Khi bàn về văn chương, Dương Hùng nhấn mạnh đến nguyên đạo tông kinh, làm văn phải vui với sự uyên áo trắc trở và chuộng sự bắt chước. Ông là một nhân vật quan trọng về văn thống, đạo thống được những người như Hàn Dũ, Liễu Khai, Thạch Giới nhất trí suy tôn. Về phương diện này, Tô Thức cũng phê phán các tác phẩm cũng như một số luận điểm của ông ta: “Dương Hùng thích viết lời lẽ hiểm sâu, trắc trở để nói về loại văn nông cạn, bình dân. Nếu chỉnh sửa ngôn từ ấy thi ai ai cũng hiểu. Đó chính là cách nói “điêu trùng triện khắc” (chạm trổ). Những “Thái huyền”, “Pháp ngôn” của ông ta đều giống như vậy, nhưng ông chỉ cảm thấy hối hận về bài phú thôi, là thế nào? Khuất Nguyên làm “Li tao kinh” với nhiều lần biến hóa phong nhã, tuy có thể tranh sáng với mặt trời mặt trăng, nhưng chẳng lẽ cũng giống bài phú mà gọi là chạm trổ hay sao? Suốt đời lo chạm trổ chỉ biến hóa được âm thanh, tiết tấu thôi mà cũng được cho là “kinh điển”, thì có được không? Nếu Giả Nghị mà gặp Khổng Tử, chắc phải nhiều lần thăng đường! Tuy nhiên nếu lấy thể phú đánh giá thấp ông thì thậm chí đến cả người cùng khoa là Tư Mã Tương Như còn thấp kém hơn nhiều lần so với sự quê mùa như vậy của ông”.揚雄好為艱深之辭,以文淺易之說,若正言之,則人人知之矣.此正所謂:雕蟲篆刻者,其太玄法言皆是類也,而獨悔於賦,何哉?終身雕篆而獨變其音節,便謂之經,可乎?屈原作離騷經,蓋風雅之再變者,雖與日月爭光可也,可以其似賦而謂之雕蟲乎?使賈誼見孔子,升堂有餘矣;而乃以賦鄙之,至與司馬相如同科,雄之陋如此比者甚眾.

 

            Nhấn mạnh về từ đạt, Tô Thức phản đối kiểu trắc trở sâu kín của Dương Hùng, phê bình khuyết điểm nội dung quá đơn giản nhưng văn từ thì quá uyên áo. Ông còn phê bình quan điểm phiến diện của Dương Hùng xem nhẹ phú, coi nặng kinh. Theo Tô Thức, Thái huyền太玄, Pháp ngôn法言 của Dương Hùng chẳng qua chỉ là “sự biến đổi âm tiết rồi gọi là kinh” (biến kì âm tiết, tiện vị chi kinh) mà thôi, cũng tựa như chạm trổ điêu khắc, chẳng có giá trị gì. Từ phú có chất lượng cao thấp, không thể đều coi là “chạm trổ điêu khắc” (điêu trùng triện khắc). Li tao離騷 của Khuất Nguyên có thể tranh sáng với mặt trời, mặt trăng, thì sáng tác của Giả Nghị lại có thể xem thường được sao? Bài phú của Tư Mã Tương Như không thể sánh cùng giá trị với Giả Nghị được. Những ý kiến này của Tô Thức phản ánh quan điểm văn chương của ông, đối với nhận định đánh giá từ phú của Khuất Nguyên, Giả Nghị, Tư Mã Tương Như, ông cũng có phần chừng mực.

 

            Tô Thức cho rằng muốn được từ đạt, trước tiên cần như “cột gió bắt bóng” (hệ phong bổ ảnh) mới tìm đến sự kì diệu của đối tượng sự vật (cầu vật chi diệu). Muốn vậy cần phải có được nhận thức khách quan, toàn diện và nghiêm túc, đạt đến sự liễu ngộ nơi tâm (liễu nhiên ư tâm), hình thành được ý trong bài văn, lại được sự ngập tràn công năng sử dụng liên tục ngôn ngữ nghệ thuật. Từ ý cảm xúc mà biểu đạt một cách sinh động, diễn tả đến được cảnh giới “liễu đạt nơi miệng và tay” (liễu nhiên ư khẩu dữ thủ). Ở đây Tô Thức đã kết hợp chặt chẽ văn từ biểu đạt ngoại vật với nội tâm. “Liễu ngộ nơi vật” (liễu nhiên ư vật) vốn rất khó, ý kiến sáng tạo cũng khó thực hiện, từ đạt cũng không dễ dàng gì. Điều này thể hiện tư tưởng xem trọng vật và ý cũng ngang như từ. Lục Cơ đã sớm có nhận định này, rằng Tô Thức “mãi lo ý không hợp với vật, văn không kịp với ý”恆患意不稱物,文不逮意 (Văn phú文賦). Đây là một vấn đề trọng yếu trong sáng tác. Dù rằng đối với sự vật, tác giả phải tường tận, có ý sáng tạo rõ ràng, thú vị, nhưng thật ra còn phải thể hiện nghệ thuật kỉ xảo của năng lực. Vì thế, Tô Thức nói: “Tuy nhiên, có đạo, có nghệ thuật. Có đạo mà không có nghệ thuật thì tuy vật thể hiện nơi tâm, nhưng không thể hiện ra ngoài bàn tay”雖然有道有藝.有道而不藝則物雖形於心,不形於手. (Thư Lí Bá Thời sơn trang đồ hậu書李伯時山莊圖後). Đây là câu nói ngọt ngào từ trong thực tiễn sáng tác, chống lại những ý trọng đạo khinh văn, hay là những nhà cổ văn dùng đạo thay văn, hoặc những điều mà các nhà lí học không thể lí giải được sâu sắc, hoặc không hoàn toàn hiểu được. Đương nhiên, muốn từ đạt, trước hết cần tường tận sự vật từ nơi tâm. Điểm này là sự nhấn mạnh của Tô Thức, cũng là điều sâu sắc nhất trong lí luận của ông.

 

            “Cây trúc lúc mới nhú được một tấc mà đốt và lá đều có đủ, từ có vân (như vân trên bụng con ve và vảy ngang trên mình con rắn), cho đến như cây gươm vung ra khoảng 10 tầm, mới vung lên là có đủ thế lực rồi. Nay người vẽ vẽ từng đốt từng đốt, từ lá mọc ra, chẳng phải có được cây trúc hay sao? Cho nên muốn vẽ trúc, trước hết phải hình thành cây trúc từ trong lòng. Cầm bút nhìn cho thuần thục, sẽ thấy được hình ảnh mình muốn vẽ. Vừa nhanh nét bút liền có được ngay theo cái mình thấy, tựa như con thỏ vừa khởi chạy, chim ưng liền sà xuống ngay. Không linh hoạt thì sẽ bị ngưng trệ. Dữ Khả (3) dạy ta vẽ như thế, ta không thể cho là đúng, nhưng trong lòng biết là đúng. Ôi, tâm đã biết là đúng mà không thể cho là đúng, trong ngoài bất nhất, tâm và tay không tương ưng, thì không thể học gì hơn được cả. Cho nên thông thường nếu có thấy được điều gì bên trong mà chưa nắm chắc một cách thuần thục thì nên lặng lẽ tự soi cho rõ ràng, để khi gặp chuyện bất ngờ mới không bị mất mát. Điều này chẳng lẽ chỉ áp dụng cho việc vẽ trúc thôi sao?” 竹之始生,一寸之萌耳,而節葉具焉.自蜩腹蛇蚹,以至於劍拔十尋者,生而有之也.今畫者乃節節而為之,葉葉而累之,豈復有竹乎?故畫竹必先得成竹於胸中,執筆熟視,乃見其所欲畫者,急起從之,振筆直遂以追其所見,如兔起鶻落,少縱則逝矣.與可之教予如此,予不能然也,而心識其所以然.夫既心識其所以然而不能然者,內外不一,心手不相應,不學之過也.故凡有見於中,而操之不熟者,平居自視了然,而臨事忽焉喪之,豈獨竹乎? (Văn Dữ Khả họa vân đương cốc yển trúc kí文與可畫篔簹谷偃竹記).

 

            Đây là luận về hội họa, thực tế, ý này còn có thể sử dụng thích hợp cho các loại nghệ thuật, bất kể là tự sự, trữ tình, khắc họa nhân vật, phản ánh những hiện tượng xã hội rắc rối, phức tạp. Nếu tác giả không có sự lí giải sâu sắc toàn diện, không nắm chắc được thực chất tinh thần của những hiện tượng xã hội và sự kiện của nhân vật, thì cũng giống như trong lòng không có tiếng nói hình thành cây trúc vậy. Lúc ấy, anh ta viết không thể chân thực, không thể hay được, không thể tạo ra sức hấp dẫn nghệ thuật, tác động lòng người được. Nói “trong ngoài bất nhất, tâm và tay không tương ưng” (nội ngoại bất nhất, tâm thủ bất tương ứng) chính là sự thống nhất hoàn chỉnh nội dung, hình thức. Nhà nghệ thuật phải cảm được sự khó khăn này. Đây là nói về nghệ thuật, một loại giữa tâm và tay ấy. Ở đây Tô Thức đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của thực tiễn và sự chuyên cần học tập, khổ luyện. Chúng ta kết hợp những ý kiến này với cách nói từ đạt của ông, thì thấy được sự thể hội càng sâu sắc hơn.

 

            Trên cơ sở đó, Tô Thức luận về họa, về thơ, đều quí ở thần tự (giống ở cái thần), mà coi thường hình tự (chỉ giống hình ảnh bề ngoài). Họa sĩ nào trong lòng có trúc thì có thể cất bút vẽ ngay, theo đuổi hình ảnh mình thấy được, giống như con thỏ vừa chạy, chim ưng liền sà xuống ngay cùng lúc.

 

            Nếu “vẽ từng đốt từng đốt, từng lá từng lá rậm dày lên” thì chỉ là mô phỏng vẻ ngoài, chỉ được nhánh đốt mà thôi, còn không đủ đạt thành một tác phẩm nghệ thuật được.

 

            Thơ văn cũng vậy. Tác giả phải thật sự có thể “tìm đến sự kì diệu của sự vật” (cầu vật chi diệu), “tường tận nơi tâm” (liễu nhiên ư tâm), còn hình thức lại có thể tiến một bước “thấu đáo nơi tay và miệng” (liễu nhiên ư thủ dữ khẩu), đạt đến cảnh giới trong ngoài nhất trí, tâm-thủ tương ưng. Nếu được vậy, nhất định tác giả sẽ không mô phỏng chi li, không cam lòng cho việc chạm trổ, không câu nệ nơi sự sắp xếp, không giới hạn nơi hình tự, bất kể vẽ vật, tự sự, vẽ cảnh, trữ tình đều có thể phát huy kỉ xảo “tùy vật phú hình” (tùy vật tạo hình), thể hiện nét diệu bút truyền thần làm kinh động lòng người. Vì thế, ông nói: “Luận về hội họa, nếu vẽ theo hình tự, cũng tựa như xem tranh với trẻ con hàng xóm. Nếu thi phú mà như bài thơ này, thì nhất định người đọc không hiểu được thi nhân. Thơ họa cùng một luật lệ. Mới thật khéo léo và mới mẻ” 論畫以形似,見與兒童鄰.賦詩必此詩,定非知詩人.詩畫本一律,天工與清新 (Họa Yên Lăng vương chủ bạ sở họa chiết chi畫鄢陵王主箔所畫折枝). Tô Thức là nhà văn học, lại là họa sĩ. Ông lí giải cùng đặc trưng về thi ca thư họa, nên thường liên hệ giữa thư họa và thi ca “Thiếu Lăng, văn chương không hình họa, nét vẽ Hàn Cán chẳng nói thơ”少陵翰墨無形畫,韓幹丹青不語詩 (Hàn Cán Mã韓幹馬), “Thưởng thức thơ của Ma Cật, trong thơ có họa. Xem bức họa của Ma Cật, trong họa có thơ” 味摩詰之詩,詩中有畫.觀摩詰之畫,畫中有詩. (Thư Ma Cật Lam Điềm yên vũ họa書摩詰藍田煙雨圖). Ông xem thường mức độ hình tự, quí tinh thần lấy truyền thần để diễn ý, ca ngợi cảnh giới nghệ thuật “Nước trong mọc phù dung, thiên nhiên làm trang sức”清水出芙蓉,天然去雕飾 (Lí Bạch). Ông trước cũng nói đến tinh thần “sơ vô định chất” (gần như không có chất cố định), “tùy vật phú hình” (tùy vật dựng hình), “văn lí tự nhiên” (văn từ lí lẽ tự nhiên), “tư thái hoành sinh” (tư thái bất ngờ linh động) là tương thông. Nó cũng có liên hệ mật thiết với cách nói về từ đạt của ông. Tuy nhiên, nếu cho rằng vẽ con ngựa mà không cần phải vẽ cho giống con ngựa, làm thơ mà không cần phải sát với chủ đề thì đó là một sai lầm lớn. Vương Nhược Hư nói: “Nếu luận về điều kì diệu ở bề ngoài lối vẽ hình tự, thì sẽ không để lại được điều gì. Muốn không lúng túng nơi chủ đề thì phải không lạc đề. Như thế thôi”論妙在形似之外,而非遺其形似;不窘於題,而要不失其題,如是而已耳. (Hô Nam thi thoại滹南詩話, quyển trung). Lí giải như vậy là chính xác. Trong Thư Bồ Vĩnh Thăng họa hậu書蒲永昇書後, Tô Thức càng nói cụ thể vấn đề này như sau: “Xưa nay vẽ sông nước, phần lớn người ta thường vẽ mặt nước lăn tăn xa xa. Người vẽ giỏi lắm, bất quá có thể vẽ ngọn sóng dập dờn, thậm chí có thể khiến người xem dùng tay mà nắm lấy được, rồi cho rằng có chỗ nhấp nhô mới gọi là vẽ đạt đến cái diệu mầu. Tuy nhiên, thực chất của bức vẽ so với ấn phẩm vẽ sông nước trên giấy, thì nét vẽ khéo hay vụng chỉ  ở khoảng cách hào li mà thôi. Đời Đường, niên hiệu Quảng Minh, có ẩn sĩ Tôn Vị  đưa ra ý mới, yêu cầu vẽ ngọn sóng lớn, nước chảy xiết có núi đá chắn ngang, thì nên theo vật vẽ hình, đạt đến sự biến đổi của nước, gọi là  có thần”古今畫水多作平遠細皺,其善者不過能為波頭起伏,使人至以手捫之,謂有窪隆,以為至妙矣.然其品格,特與印板水紙爭工拙於毫釐間耳.唐廣明中,處士孫位始出新意,畫奔湍巨浪,與山石曲折,隨物賦形,盡水之變,號稱神逸. Vẽ sóng nước “bất quá có thể vẽ ngọn sóng dập dờn” (bất quá năng vi ba đầu khởi phục) như vậy chỉ mới có hình ảnh. Nếu có thể phát ra ý mới, đạt đến sự thần diệu của nước, mới có thể gọi là có thần. Đây chính là sự khác nhau giữa “hình tự” (giống hình) và “thần tự” (có thần) của sự thành tựu nghệ thuật và cảnh giới nghệ thuật. Ông cho rằng hội họa cũng thế, thi ca cũng không khác, “thi họa vốn cùng một luật lệ” (thi họa bản nhất luật), tinh thần của chúng là tương thông.

 

V.  Những khuynh hướng khác nhau trong thi luận

 

          Tô Thức luận về thơ ca, nhấn mạnh đến ý nghĩa “theo hữu vi mà sáng tác” và dựa vào sự châm biếm để bổ túc cho đời. Ở phương diện này, ông suy tôn Đỗ Phủ là thi nhân đứng đầu xưa nay. Tuy nhiên, tác phẩm của chính Tô Thức phong phú hơn tinh thần chủ nghĩa lãng mạn. Ông múa bút an nhiên, phong cách siêu tuyệt, ngang tàng, gần với Lí Bạch. Những bài loại thất cổ thất tuyệt của ông thể hiện rõ hơn các đặc điểm này. Đến như “lấy văn tự làm thơ, lấy tài học làm thơ, lấy nghị luận làm thơ”以文字為詩,以才學為詩,以義論為詩 (Thương Lang thi thoại滄浪詩話), lại gần với Hàn Dũ. Đây là mặt chủ yếu của thi ca Tô Thức. Tuy nhiên, tập trung trong 120 bài Họa Đào thi畫陶詩, ông lại hết sức khen tụng, ca ngợi phong cách đạm nhã cao xa của Đào Uyên Minh. Người đời đa số cho ông là tự mâu thuẫn. Kì thực điều này có thể lí giải đuợc. Đằng sau những luận điểm của tác phẩm này, phần nhiều đều xuất hiện từ khoảng cuối đời ông. Các mặt sinh hoạt chính trị, tư tưởng của ông thay đổi đều có liên hệ khắng khít với các luận điểm này. Tô Triệt nói: “Thơ ông vốn giống thơ Lí-Đỗ, về sau vui với Đào Uyên Minh. Những tác phẩm như vậy gần như khắp cả”公詩本似李杜,晚喜陶淵明,追和之者幾遍 (Đông Pha tiên sinh mộ chí minh東頗先生墓誌銘). Còn trong Truy họa Đào Uyên Minh thi dẫn追畫陶淵明詩引, có dẫn dụng lời của Tô Thức, nói rõ thi cảnh và tâm cảnh của ông lúc cuối đời, giúp cho chúng ta lí giải được vấn đề này: “Đông Pha bị biếm đến Đam Nhĩ, dựng nhà ở La Phù, cõng con nhỏ vượt qua biển cả, lợp nhà mà ở. Mỗi ngày ông phải ăn khoai, trong lòng không còn tồn tại ý niệm về nhà cửa sang trọng, thức ăn cao lương mĩ vị nữa…Thư ông viết: ‘Thi nhân xưa làm thơ theo xưa, nhưng chưa có ai truy họa cổ nhân. Truy họa cổ nhân chỉ mới bắt đầu từ ta. Ta không hoàn toàn thích thi nhân lắm, chỉ thích thơ của Đào Uyên Minh. Uyên Minh làm thơ không nhiều, nhưng thơ ông có thực chất, đẹp đẽ, gọn gàng, phong phú, từ Tào, Lưu, Bão, Tạ, Lí, Đỗ, không ai sánh được…Sao ta chỉ thích thơ Đào Uyên Minh? Thơ ông vì tha nhân, thật có cảm xúc. Uyên Minh lúc lâm chung mới nghiêm cẩn nói rằng: ‘Ta lúc nhỏ cùng khổ, mỗi khi gia đình quá túng bấn, phải đi khắp nơi, ta tính tình cứng cỏi, tài năng kém hèn, đối với mọi việc đều ngang bướng. Sau, ta tự suy xét bản thân, thấy rằng nếu cứ như thế, chắc sẽ gây họa về sau, khi từ giã cõi đời sẽ khiến các ngươi đói rét’. Những lời Uyên minh nói có lẽ được ghi chép lại. Ta thực cũng có bệnh này mà không biết sớm. Nửa đời làm quan, vì phạm phải họa hoạn, nên lấy làm hổ thẹn với Uyên Minh, nay ta muốn dùng khí tiết của tuổi già làm tấm gương soi một chút”東頗先生謫居儋耳,寘家羅浮之下,獨與幼子過負擔度海,葺茅竹而居之,日啗藷芋,而華屋玉食之念不存於腦中…書來告曰:古之詩人有擬古之作矣,未有追和古人者也.追和古人則始於吾.吾於詩人無所甚好,獨好淵明之詩.淵明作詩不多,然其詩質而實綺,癯而實腴,自曹,劉,鮑,謝,李,杜諸人,皆莫及也…然吾於淵明,豈獨好其詩也哉?如其為人,實有感焉.淵明臨終疏告儼等:吾少而窮苦,每以家弊東西游走,性剛才拙,與物多忤,自量為己,必貽後患,黽免辭世,使汝等幼而飢寒.淵明此語,蓋實錄也.吾真有此病,而不早自知,半生出仕,以犯世患,此所以深愧淵明,欲以晚節師範其萬一也.

 

            Tô Thức mất năm 1101. Thời gian bị biếm đến Huệ Châu, Đam Nhĩ (đảo Hải Nam, tháng 5 năm 1100), chính là lúc cuối đời của ông. Hơn ba mươi năm, ông suốt đời chìm nổi đấu tranh chính trị kịch liệt trong nội bộ giai cấp thống trị, dãi dầu với lo toan, họa hoạn, long đong khắp chốn. Đây là lần đầu tiên ông bị biếm đến Hải Nam, thật là nỗi cùng khổ cơ cực nơi chốn hoang vu, cuộc sống hết sức khốn đốn, lại thêm tuổi đã về già, tâm hồn ông từ xán lạn trước kia, nay trở thành lãnh đạm, thờ ơ. Ông nói với một người bạn rằng: “Sinh cảnh khốn đốn, muôn vàn lao nhọc… Lòng mãi mong về cố hương”生事狼狙,勞苦萬狀…回望鄉國,真在天末 (Dữ Lâm Tế Phủ與林濟甫). Trong Dữ Ngô tú tài thư與吳秀才書, ông nói: “Qua Quảng Châu, ta mua được vài cân đàn hương. Sau khi ổn định rồi, ta đóng cửa đốt hương, nhắm mắt tĩnh tọa, nghĩ nhiều đến những điều sai trái trong năm mươi chín năm qua”過廣州,買得檀香數斤,定居之後,杜門燒香,閉目清坐,深念五十九年之非耳.. Ông lại nói: “Ta mang theo ‘Đào Uyên Minh tập’. Họ Đào viết về sự uất ức của ông chính là căn cứ vào đây mà thôi” 隨行有陶淵明集,陶寫伊鬱,正賴此耳. (Đáp Trình Toàn Văn suy quan答程全文推官, bài 1). Ông còn nói: “Vất vưởng chốn hải đảo tựa như trốn vào hang sâu, đã không ngộ được lời nào, lại không có sách vở chi, chỉ có được một tập Đào Uyên Minh, vài quyển văn thơ của Liễu Tử Hậu. Ta thường để luôn bên cạnh, xem như hai người bạn thân”流轉海外如逃深谷,既無與晤語者,又書籍舉無惟陶淵明一集,柳子厚詩文數冊,常置左右,目為二友. (Đồng thượng同上, bài 3). Trong hoàn cảnh sinh hoạt cuối đời, ông muốn xem Đào Uyên minh là tấm gương soi, nghĩ đến Đào Uyên Minh để tìm cầu kí thác: “Gởi lại tâm kiêu ngạo, nghi ngờ hôm nay là đúng. Tìm cầu vinh quang, cảm xúc hôm qua là sai”寄傲疑今是,求榮感昨非 (Tập Qui khứ lai thi集歸去來詩). “Học tập phong cách nhu nhã phóng khoáng của Đào Uyên Minh, họa trăm thiên thơ mới”師淵明之雅放,和百篇之新詩 (Họa sư khứ lai hề từ和師去來兮辭). Ở đây, rõ ràng Đạo xuất phát từ tâm tình của ông vào cuối đời. Đạo tạo cho ông sự hâm mộ con người và niềm yêu thích, cảm thụ thơ ca. Do tâm tình và sự cảm thụ này, ông ngưỡng mộ Đào Uyên Minh ở chỗ không mong tinh thần hòa hợp và thái độ sinh hoạt nhàn nhã, luôn tự an ủi mình vào cuối đời. Rồi ông tiến một bước trong thơ ca, thể hội được đặc chất nghệ thuật về cái đẹp của chất và thực, nét héo hon và đầy đặn (chất nhi thực ỷ,cụ nhi thực du), khen ngợi những thi cảnh lạnh lùng, thờ ơ. Điều này phản ánh sự gặp gỡ và hình thái tư tưởng chính trị vào cuối đời của Tô Thức qua phong cách thơ ca của ông. Đó là tinh thần diện mạo của một thời kì, biểu hiện sự khế hợp với Đào Uyên Minh. Liễu Tông Nguyên cả đời bị biếm truất, có điểm giống với Tô Thức. Thơ ca Tô Thức dù có phần phẫn uất, cũng có mặt của sự tĩnh lặng xa xăm. Vì thế, vào cuối đời, ngoài Đào Uyên Minh, ông còn rất yêu thích thơ của Liễu Tông Nguyên. “Thơ của Liễu Tử Hậu ở sau thơ Đào Uyên Minh, ở trên thơ Vi Tô Châu. Thơ của Thoái Chi phóng khoáng hiểm hóc hơn thơ ông, nhưng không thâm trầm, sâu sắc bằng. Quí ở chỗ khô-lặng, gọi là ngoài khô khan, trong lại ướt át, tựa như sự tĩnh lặng và tuyệt mĩ. Uyên Minh, Tử Hậu được lưu truyền là nhờ đó”柳子厚詩在淵明下,韋蘇州上.退之豪放奇險則過之,而溫麗靖深不及也.所貴乎枯澹者,謂其外枯而中膏,似澹而實美,淵明,子厚之流是也. (Đông Pha đề bạt東頗題跋).

 

            Phong cách nghệ thuật thực tế phản ánh phong cách con người. Cảnh giới nghệ thuật cũng chính là phản ánh cảnh giới sinh hoạt. Tô Thức nói: “Vì sao ta chỉ thích thơ Đào Uyên Minh? Thơ ông vì tha nhân, thật có cảm xúc”豈獨好其詩也哉?如其為人實有感焉. Sự biến đổi phức tạp tư tưởng, cuộc sống của một tác gia tất nhiên ảnh hưởng đến sáng tác và lí luận. Chỉ có thể xuất phát từ đây mới có thể thuyết minh chính xác vấn đề này. Đa số người trước nói, Tô Thức làm thơ phóng khoáng nhìn xa, nhưng nét tĩnh lặng xa xăm cũng có điều không nói hết, nên xướng lên thơ ca để chê những điều tệ hại. Chu Hi cũng từng nói: “Đông Pha mang bệnh Lí-Đỗ và suy tôn Vi-Liễu. Cho nên ông cũng hối hận những việc đã làm và chưa thể tự vượt lên chính mình lúc đời thường” 坡公病李杜而推韋柳,蓋亦自悔其平時之作而未能自拔者(Đáp Cũng Trọng Chí答鞏仲至). Nếu như liên hệ đến sự thay đổi về cuộc sống và tư tưởng của Tô Thức, thì đối với những khuynh hướng bất đồng trong lí luận thơ ca của ông thực chất lại có sự nhận thức toàn diện hơn.

 

            Tô Thức có bài Thư Hoàn Tử Tư thi tập hậu書黃子思詩集後 được sáng tác vào cuối đời, cũng nói về vấn đề phong cách thơ ca, biểu hiện cảnh giới riêng, yêu thích siêu nhiên, sự đơn giản, sự cao cả tuyệt vời.

 

            “Sự thành công thiên phú của Tô, Lí, tính tự đắc của Tào, Lưu, nét siêu nhiên của Đào, Tạ có lẽ cũng đến thế. Lí Thái Bạch, Đỗ Tử Mĩ tư thái tuyệt luân, vượt xa trăm đời, thi nhân xưa nay đều không sánh bằng. Nhưng từ đời Ngụy Tấn về sau, người cao phong hơn đời cũng ít đi. Sau Lí, Đỗ, thi nhân kế tục sáng tác, tuy gián đoạn, có phong vận khác xa, nhưng tài không kịp ý. Chỉ có Vi Ứng Vật, Liễu Tông Nguyên mới biết điều chỉnh lúc ít ỏi, lúc phồn thịnh nơi giản cổ, gửi gắm những điều thú vị nhất nơi đạm bạc, chẳng ai sánh kịp. Cuối đời Đường, Tư Không Đồ trong thời gian binh loạn, mà thơ văn lại cao nhã, vẫn còn lưu lại phong khí bình lặng. Luận về văn thơ, ông nói: “Mai dừng lại ở độ chua. Muối dừng lại ở độ mặn”. Ăn uống thì không thể thiếu độ chua, độ mặn, nhưng vị ngon lại ở bên ngoài vị chua mặn ấy’. Cho nên ta tự xếp các bài thơ tiêu biểu, về văn tự được hai mươi bốn vần, nhưng hận đương thời không hiểu được sự thâm diệu ấy. Ta lại bao lần lên tiếng mà rất đau lòng”. 蘇李之天成,曹劉之自得,陶謝之超然,蓋亦至矣.而李太杜子美以英瑋絕世之姿,凌跨百代,古今詩人盡廢;然魏晉以來,高風絕塵,疑少衰矣.李杜之後,詩人繼作,雖間有遠韻,而才不逮意..獨為應物柳宗元發纖穠於簡古,寄至味於澹泊,非餘子所及也.唐末司空圖崎嶇兵亂之間,而詩文高雅,猶有承平之遺風,其論詩曰:梅止於酸,鹽止於鹹,飲食不可無鹽梅,而其美常在鹹酸之外.蓋自列其詩之有得於文字之表者二十四韻,恨當時不識其妙,予三復其言而悲之.

 

            Ở đây, một mặt ông suy tôn Lí, Đỗ “tư thái tuyệt luân, vượt xa trăm đời” (dĩ anh vĩ tuyệt thế chi tư,lăng khoa bách đại), đồng thời ngưỡng mộ nét cao nhã tuyệt trần của các thi nhân đời Ngụy Tấn, ca ngợi “Vi Ứng Vật, Liễu Tông Nguyên mới biết điều chỉnh lúc ít ỏi, lúc phồn thịnh nơi giản cổ, gửi gắm những điều thú vị nhất nơi đạm bạc” (phát tiêm nùng ư giản cổ, ký chí dị ư đạm bạc) đều phản ánh diễn biến phong cách nghệ thuật, thái độ nhân sinh vào cuối đời ông; phản ánh nét sinh hoạt thú vị của việc tìm cầu sự thâm trầm, tĩnh lặng và tư tưởng siêu nhiên của Phật, Lão. Về phương diện nhân sinh quan, nghệ thuật quan của ông, sản sinh ra những ảnh hưởng rõ ràng. Chính vì vậy, ông rất thích lí luận thơ ca của Tư Không Đồ, khen những tác phẩm của Không Đồ dù ở trong hoàn cảnh binh loạn mà vẫn có sự cao nhã, vẫn lưu lại phong khí bình lặng. Như vậy, cả hai có cùng luận điểm “hữu vi nhi tác”, “văn từ phải nói đúng những sai lầm của đương thời” (ngôn tất trúng đương thế chi quá), biểu hiện thái độ bất đồng.

 

            Tô Thức luận về văn chương, không xem trọng đạo thống, mà quan trọng giá trị bản thân và đặc trưng của văn học nghệ thuật. Đối với cách nhìn về Đạo, trên một trình độ nhất định ông đã đột phá truyền thống của Nho gia, phản đối “không cầu” (tìm cầu vô vị), chủ trương thực trí (tìm hiểu đến cùng thực chất của sự việc). Về phương diện nội dung văn học, ông nhấn mạnh “hữu vi nhi tác”, chú ý đến tác dụng xã hội. Về phương diện hình thức, ông nhấn mạnh đến “từ đạt”, ưa chuộng tự nhiên, phản đối các loại văn phong chạm trổ, mài dũa, bắt chước tạo sự huyền hoặc khó hiểu. Ông chủ trương, các tác giả nên trên cơ sở qui luật nghệ thuật, mạnh mẽ phát huy sức sáng tạo ngôn ngữ. Ông đặc biệt xem trọng nhận thức khách quan về sự vật, đó gọi là “tìm đến sự thâm diệu của sự vật”, “trong lòng đã có sẵn cây trúc”, từ “hiểu rõ nơi tâm” cho đến “tường tận nơi miệng và tay”. Về khắc họa hình tượng, người sáng tác nên lấy truyền thần làm quí và giảm bớt những nét vẽ giống bên ngoài. Đây đều là những kiến giải rất hay, đương thời trong cuộc vận động cách tân văn học, nó có ý nghĩa tích cực, làm phong phú cho nghệ thuật lí luận, tạo nên ý nghĩa cống hiến rất lớn cho lí luận văn học.

 

VI.  Tô Tuân và Tô Triệt

 

            Quan điểm về lí luận văn học của Tô Thức chịu ảnh hưởng nhiều đến cha ông (Tô Tuân). Khi luận về văn, Tô Tuân cũng nhấn mạnh “hữu vi nhi tác”, xem trọng văn, coi nhẹ đạo thống. Trong Thuợng Âu Âu Dương nội hàn, đệ nhất thư上歐陽內韓第一書, ông kể chuyện trong bảy, tám năm đọc văn của Luận ngữ, Mạnh Tử, Hàn Dũ và của các thánh nhân, hiền nhân khác, điều mà ông quan trọng hơn cả là ở văn, chứ không phải đạo của họ. Những điều như “Tác phẩm của Mạnh tử, lời gãy gọn mà ý rất sâu… Tác phẩm của Hàn Dũ như sông dài nước lớn” 孟子之文語約而意盡…韓子之文如長江大河v.v… đều chỉ ra nghệ thuật và phong cách văn chương của họ. Trong Thượng Điền xu mật thư上田樞密書, cũng thể hiện quan điểm như vậy. Tô Tuân giỏi về chính luận, tự cho mình là “viết sách không dài dòng điều gì khác, vì không phải sở trường của ông. Còn nói về quân sự, luận tình hình thế trận xưa nay, thậm chí ông tự sánh ngang với Giả Ngh誼ị” 著書無他長及言兵事論古今形勢,至自比賈(Thượng Hàn xu mật thư上韓樞密書). Tô Triệt nói cha ông “rộng hiểu nghị luận cổ kim, coi Lục Chí là giỏi”博觀古今議論而以陸贄為賢 (Lục Chí陸贄). Trong Trọng huynh tư văn phủ thuyết仲兄字文甫說, Tô Tuân luận về chuyện gió với nước gặp nhau, tự nhiên thành văn, “hai thứ ấy không thể làm thành văn được, nhưng không thể không làm văn. Vật tác động nhau thì văn mới xuất hiện ở khoảng giữa hai thứ ấy. Cho nên đó mới là rất “văn” trong thiên hạ. Nay ngọc chẳng phải vì không đẹp một cách nhu nhã mà không được cho là văn; sự trau chuốt, thêu dệt không phải vì không văn hoa mà không thể luận bàn một cách tự nhiên được”二物者非能為文而不能不為文也,物之相使而文出於其間也故此天下之至文也.今夫玉非不溫然美矣,而不得以為文;刻鏤組繡,非不文矣而不可與論乎自然. Ở đây, ông nhấn mạnh đến cảnh giới nghệ thuật tùy vật mà tạo hình, trời cho tự thành hình. Những luận điểm này, Tô Thức đều chịu ảnh hưởng, hơn thế nữa, trong văn luận của ông đã phát huy thêm một bước tiến bộ.

 

            Lấy “khí” luận về văn chương, bắt đầu từ Tào Phi, sau đến Lưu Hiệp, Hàn Dũ đều có luận thuật. Em Tô Thức là Tô Triệt tiến thêm một bước, nói về quan hệ giữa khí và văn. Bài Thướng xu mật Hàn thái úy thư上樞密韓太尉書 của ông có nói: “Triệt bình sinh thích làm văn, tư duy rất sâu sắc, cho rằng văn là sự hình thành của khí, nhưng văn không thể nhờ học mà có thể sáng tác được. Khí có thể nuôi dưỡng mà phát triển đến cùng. Mạnh tử nói: ‘Ta khéo nuôi dưỡng cái khí hoạt nhiên của ta’. Nay xem văn chương của ông sâu rộng bao la, lấp đầy khoảng trời đất, gọi đó lớn khắp bốn biển, giao du với các bậc anh hào của nước Yên, nước Triệu, nên văn của ông khoáng đãng, có khí chất kì diệu. Hai người này chẳng lẽ đã từng cầm bút học sáng tác hay sao? Khí chất đó khắp ở bên trong, tràn đầy hình mạo, động ở lời nói, thấy được ở văn, mà ông không tự biết”轍生好為文,思之至深,,以為文者氣之所形,然文不可以學而能,氣可以養而致.孟子曰:我善養吾浩然之氣,今觀其文章,寬厚宏博,充乎天地之間,稱其氣之小大.太史公行天下,周覽四海名山大川與燕趙間豪俊交游,故其文疏蕩,頗有其氣.此二子者,豈嘗執筆學為如此之文哉;其氣充乎其中而溢乎其貌,動乎其言而見乎其文而不自知也. Ông cho văn chương là “sự hình thành của khí”(khí chi sở hình), “khí chất khắp ở bên trong”(khí sung hồ kỳ trung), văn lại được thấy ở bên ngoài. Cho nên, các tác giả xem trọng ở dưỡng khí. Dưỡng khí, một là do tu dưỡng nội tâm, một là do tiếp xúc với ngoại vật. Mạnh Tử thuộc loại tu dưỡng nội tâm. Tư Mã Thiên thuộc loại ngoại lãm (xem xét bên ngoài). Còn theo lập luận của Tô Triệt, thì ông nghiêng về cái sau. Ông bảo văn của Mạnh tử khoáng đạt, thâm sâu, văn của Tư Mã Thiên cũng khoáng đãng, mạnh mẽ, chủ yếu đều chỉ phong cách, khí thế của văn chương, đều đặc biệt nhấn mạnh đến quá trình sinh hoạt khoáng đãng, có tác dụng kích phát tác dụng của chí khí và văn khí mà thôi. Tô Thức khi luận về văn chương, rất coi trọng sự trợ giúp cảm xúc của ngoại cảnh núi sông. Còn đối với lí luận của Tô Triệt, về tinh thần, có chỗ tương đồng với anh trai. Còn sáng tác của ông thì khoáng đạt, hào sảng, chính nhờ khí thế tràn trề.

 

VII.  Trương Lỗi

 

            Niềm vui của Tô Thức ở chỗ bồi dưỡng nhân tài, khuyến khích hậu tiến. Về mặt này, ông rất giống Hàn Dũ và Âu Dương Tu. Lịch sử văn học gọi là “Tô môn tứ học sĩ”蘇門四學士, “Tô môn lục quân tử”蘇門六君子. “Tứ học sĩ” là chỉ Hoàng Đình Kiên, Tần Quan, Bổ Chi, Trương Lỗi. “Lục quân tử” gồm bốn vị vừa nêu còn thêm Trần Sư Đạo và Lí Tiến. Họ nổi tiếng hoặc về thơ hoặc về từ. Mỗi người đều có sự thành tựu riêng. Hoàng Đình Kiên về thơ văn và lí luận, trở thành nhất gia, khai sáng thi phái Giang Tây. Trương Lỗi tương đối được tiếp cận với Tô Thức. Ở đây chỉ giới thiệu sơ lược.

 

            Trương Lỗi (1052-1112) tự là  Văn Tiềm, người đất Hoài Âm, Sở Châu (naylà Tịnh Giang, tỉnh Giang Tô), đậu Tiến sĩ, từng làm qua các chức vụ Thái thường, Thiếu khanh. Thơ Trương Lỗi ảnh hưởng Bạch Cư Dị và Trương Tịch, phản ánh sinh hoạt xã hội, lời thơ bình dị, tự nhiên, có tác phẩm Kha Sơn tập柯山集.

 

            Trương Lỗi khi bàn về văn, lấy “lí” làm chủ trương. Ông nói: “Từ lục kinh trở về sau cho đến chư tử trăm họ, tao nhân biện sĩ khi lí luận, đa số đều dùng công cụ ngụ lí. Cho nên, lí mà vượt trội thì văn không hẹn hay mà vẫn hay. Lí bị cong vạy thì sự khéo xảo trở thành bột thấm theo kẽ hở mà ra… Vì thế, đầu mối của việc học văn gấp ở chỗ minh lí”自六經以下至於諸子百氏騷人辯士論述,大抵皆將以為寓理之具也.是故理勝者文不期工而工,理詘者巧為粉澤而隙間百出…故學文之端急於明理 (Đáp Lí Thôi Quan thư答李推官書). “Minh lí”明理 mà Trương Lỗi nhấn mạnh không giống với “minh đạo”明道, “quán đạo”貫道 mà các văn gia thời xưa đề cập đến. Hàn Dũ, Âu Dương Tu khi bàn về văn chương, không gì không lấy Đạo làm trọng, đều xuất phát từ lục kinh của Nho gia.

 

            Sở học của Trương Lỗi xuất phát từ Tô Thức, không chỉ giới hạn ở lục kinh. Theo đó, ông cho rằng: “Từ lục kinh về sau cho đến chư tử trăm họ, tao nhân biện sĩ đều luận thuật”自六經以下,至於諸子百氏騷人辯士論述, đều có lí lẽ cả. Kiến giải này tương đối thông đạt. Ông nhấn mạnh “Lí vượt trội thì văn không hẹn hay mà vẫn hay”理勝者文不期工而工 là chủ trương yêu cầu phải có sự thích hợp giữa hình thức và nội dung, phản đối việc chỉ chuyên dùng kỉ xảo văn tự sao cho đạt được sự kì thắng. Ông nói: “Nước sông nước biển muôn ngàn, muốn bài văn đạt lí, thì không cần cố gắng cho lạ lùng, đặc biệt, mà nó vẫn có. Cố khuấy động để tìm đến sự kì đặc của nước, sẽ không thể thấy được lí lẽ, nói chi đến việc muốn dùng ngôn ngữ câu chữ làm cho văn chương kì diệu. Văn của lục kinh không phẩm nào đặc biệt hơn Kinh Dịch, giản dị hơn Xuân thu, chẳng lẽ đều lấy sự kì đặc và giản dị làm gốc hay sao? Cái thế tự nhiên nó vậy đó thôi… Từ đời Đường đến nay, văn nhân ưa thích sự kì đặc là không giống nhau. Những kẻ thích nhiều thì làm khuyết cú đoạn chương, khiến mạch lí luận không phù hợp, lại lấy sự huấn hỗ của sách xưa ép vào những điều nghe biết, cố làm cho phù hợp. Vì thế, họ chỉ được chữ, câu, chứ không được sự tuyệt mĩ, ngay cả sự nghiền ngẫm cũng chẳng có nữa. Đây là cái tệ của văn chương” 江河淮海之水,理達之文也,不求奇自至矣.激溝瀆而求水之奇,此無見於理,而欲以言語句讀為奇之文也.六經之文莫奇于易,莫簡于春秋,夫豈以奇與簡為務哉?勢自然耳…自唐以來至今,文人好奇者不一,甚者或為缺句斷章,使脈理不屬,又取古書訓詁希于見聞者撏撦而牽合之,或得其字,不得其句,或得其句,不得其章,反復咀嚼,卒亦無有,此最文之陋也(Đáp Lí Thôi Quan thư答李推官書).

 

            Từ thời trung Đường đến Tống sơ, không ít văn nhân kế thừa mặt kì quái, hình thành văn phong quái dị, cổ kín, hiểm mật. Các ông Vương Vũ Xứng, Âu Dương Tu, Tô Thức biểu thị sự bất mãn đối với vấn đề này. Trương Lỗi, về phương diện này tiến hành phê phán nghiêm ngặt. Nhưng ông không phải mù quáng phản đối tính “kì đặc”. Trong cùng một bài văn, ông nói: “Khơi nước ở sông ngòi biển cả, nước thuận đường mà chảy ồ ạt ngày đêm không ngừng, mài mòn trụ đá, khơi sông ngòi, chảy ra biển cả. Khi êm ả, rồi vỗ sóng, gió bạt xô, nước giận dữ như sấm sét, giao long cá rùa phun nước lặn sâu. Đó là sự biến đổi kì diệu của nước. Còn nước lúc ban đầu chẳng lẽ là thế ư! Đó là cái thế ‘thuận đường mà khơi thông, theo đó mà thích hợp và biến sinh” 夫決水于江河淮海也,水順道而行,滔滔汩汩日夜不止,沖砥柱,絕呂梁,放于江湖而納之海,其舒為淪漣,鼓為波濤,激之為風飆,怒之為雷霆,跤龍魚黿噴薄出沒,是水之奇變也.而水初豈如此哉?是順道而決之,因其所適而變生焉. Ở đây nói “kì biến”奇變 cần phải thích ứng với nhu cầu và sự sản sinh, chứ không phải nói đến sự cố ý sáng tạo ra. Loại “kì biến” này là thế phù hợp với tự nhiên. Vì vậy, ông ưa thích văn phong tự nhiên, thẳng thắn, rõ ràng, mạch lạc. Ông bảo: “Đối với con người, văn chương có sự vừa ý, phát triển, xuất khẩu mà thành, không phải đợi đến tư duy, trau chuốt, không đợi chạm trỗ cho đẹp đẽ. Đó đều là sự tự nhiên của lẽ trời và cái đạo của tính tình”文章之於人有滿心而發肆口而成,不待思慮而工,不待雕琢而麗者皆天理之自然,而性情之道也. (Hạ phương hồi nhạc phủ tự賀方回樂府序). Ông lại nói: “Văn chương thời xưa tuy thể sáng tác không cùng đầu mối, nhìn chung chẳng qua chỉ là kí sự biện lí mà thôi. Kí sự mà có thể tùy thời, biện lí sao cho đủ để khai vật, đó đều là nhờ có từ đạt…Có lẽ là do quan sát ở nơi ta ư? Thẳng thắn thì văn giản dị, sự việc rõ ràng, dù chỉ khiến cho đàn bà con trẻ phải lắng nghe. Cong vạy là lời lẽ chia chẽ xa vời, văn rườm rà, sự việc tối nghĩa. Người đọc phải ba bốn lần cố đọc mà vẫn không thấy được cái tình. Đây không phải đợi chờ để có như thế”古之文章雖制作之體不一端,大抵不過記事辨理而已.記事而可以垂世,辨理而足以開物,皆詞達者也…盍觀於語者乎?直者文簡事核而明,雖使婦女童子聽之而喻;曲者枝詞游說,文繁而事晦,讀之三反而不見其情,此無待而然也. (Đáp Uông Tín Dân thư答汪信民書). Ở đây ông đề xướng sự tự nhiên, từ đạt, phản đối loại văn rườm rà, sự vật hôn ám và sự trau chuốt thành quái dị v.v… Lập luận của ông sâu sắc, đều xuất phát từ Tô Thức, có chỗ ông tiến bộ hơn một bước. Thậm chí chữ “lí”理 mà ông nói tuy không giới hạn ở lục kinh, những cũng từng nói: “Tuy có Đạo, văn từ sinh ra từ lí. Lí có gốc ở tâm. Nếu tà khí không vào được tâm, việc học không tiếp nhận từ tai mắt, trong thì hòa với cái khí chính đại tràn trề, phát ra thành văn từ ngôn ngữ, chưa hề không rõ ràng”雖然有道詞生於理,理根於心,苟邪氣不入於心,僻學不接於耳目,中和正大之氣溢於中,發於文字語言,未有不明白條. (Đáp Uông Tín Dân thư答汪信民書). Tinh thần ấy lại gần với những nhà lí học.

ĐOÀN ÁNH LOAN dịch

 

CHÚ THÍCH

(1) Thừa điêu: chiếc gậy có bôi keo để bắt ve. Thiên Đạt sinh達生 trong Nam hoa kinh南華經 của Trang tử chép chuyện Khổng Tử đến nước Sở, qua cánh rừng, thấy một ông lão đang dùng chiếc gậy bôi keo bắt ve dễ dàng. Khổng Tử hỏi bí quyết, ông lão đáp nhờ tập trung tinh thần, không chú ý đến vật gì khác ngoại trừ cánh con ve.

      Đạo thủy蹈水: bơi lội. Thiên Đạt sinh trong Nam hoa kinh của Trang tử chép chuyện Khổng Tử đến đất Lã Lương, thấy một người đàn ông đang bơi dưới thác nước dữ. Khổng Tử hỏi bí quyết, người này đáp được như vậy là do bản tính cá nhân, thói quen và biết thuận theo qui luật của nuớc chứ không theo chủ quan của bản thân.  

(2) Giếng khô: tức khâu tỉnh. Kinh Duy-ma-cật惟摩詰, phẩm Phương tiện có câu: “Thị thân như khâu tỉnh, vi lão sở bức”是身如丘井為老所逼. (Thân ấy như giếng khô, bị sự già nua bức hại).

(3) Dữ Khả: có sách đọc là Dữ Khá.