Tào Phi và thuyết văn khí

1.Có thể nói, Nguỵ Tấn Nam Bắc Triều là thời rực rỡ nhất của lý luận văn học cổ điển Trung Quốc với sự xuất hiện của ba tác phẩm lý luận quan trọng bậc nhất, xếp theo thứ tự thời gian là Luận văn của Tào Phi, Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp và Thi phẩm của Chung Vinh. Đây cũng là thời kỳ hình thành, phát triển, hoàn chỉnh vô số thể loại văn học, từ thơ ca cho đến văn xuôi; và nhiều tưởng triết học quan trọng như Huyền học, Phật học… của Trung Quốc.

Hay nói cách khác, Nguỵ Tấn Nam Bắc Triều là thời kỳ của cuộc đại cách mạng đầu tiên và cũng là vĩ đại nhất trong lịch sử văn học cổ điển của Trung Quốc, nó có ảnh hưởng vô cùng lớn lao đối với văn học Trung Quốc các giai đoạn sau. Nhưng cuộc cách mạng ấy, sự vĩ đại ấy, tầm ảnh hưởng ấy lại chưa được những người nghiên cứu văn học Trung Quốc quan tâm đúng mức. Và ở Việt Nam, giai đoạn này thực sự còn là một hoang mạc mênh mông chỉ mới có một hai dấu chân người lướt qua.

Tuy Đông Hn v Tam Quốc l thời kỳ chiến tranh lin min, nhưng văn học giai đoạn ny lại đạt được nhiều thnh tựu đáng kể. Nổi bật nhất l thời Kiến An “ti ba rực rỡ”, ph vỡ cục diện tiu trầm, đơn điệu của văn học thời Hn với sự xuất hiện của Tam To, Thất tử v hình thnh nn “phong cốt Kiến An” đặc sắc, thể hiện phong cch chung đặc th của cả một thời đại. V công lao cũng như đóng góp của ba cha con họ Tào đối với thành tựu văn học Trung Quốc giai đoạn này là hết sức to lớn.

Tinh hoa của văn học Kiến An tập trung trong Tam Tào (ba cha con họ Tào: Tào Tháo, Tào Phi, Tào Thực) và Thất Tử (Khổng Dung, Vương Xán, Từ Cán, Nguyễn Vũ, Lưu Trinh, Trần Lâm). Họ chính là linh hồn của văn học Kiến An. Trong Tam Tào, thì Tào Tháo thành tựu nhất ở thể thơ tứ ngôn, được đánh giá là người phục hưng Kinh Thi; Tào Thực là bậc đại sư tối thượng về thơ ngũ ngôn thời Tam Quốc; còn Tào Phi nổi trội với vai trò là người người tiên phong trong lịch sử văn học Trung Quốc ít nhất ở hai phương diện: thơ thất ngôn và lý luận văn học. Trong bài viết này, tôi chỉ kịp giới thiệu và trình bày sơ bộ về Thuyết Văn Khí của Tào Phi.

2.

Tào Phi (187–226), tự là Tử Hoàn. Người huyện Tiêu, đất Bái (nay thuộc An Huy, Trung Quốc). Ông vốn là con thứ của Tào Tháo và phu nhân họ Biện, sau Tào Ngang. Nhưng khi Tào Ngang chết trận, thành ra con trưởng; là anh ruột của Tào Thực (192 – 232). Năm Kiến An thứ 16, thời Hán Hiến đế, Phi giữ chức Ngũ quan Trung lang tướng, phó Thừa tướng; năm thứ 22, được lập làm Ngụy Thái tử. Đến năm thứ 25, Tào Tháo chết, Tào Phi kế tập làm Ngụy Vương, Thừa tướng. Cùng năm đó, ông phế vua Hán, tự xưng đế, quốc hiệu là Ngụy, truy phong cha (Tào Tháo) là Ngụy Vũ đế. Tào Phi tại vị được bảy năm thì mất, thụy là Văn đế.

Ông sinh ra và lớn lên vào thời Hán mạt (Hán Linh đế), khắp nơi loạn lạc, chiến tranh liên miên, trăm họ điêu linh cùng khổ. Trong bài Cảo lí hành, “Thi sử” Tào Tháo từng viết:

Bạch cốt lộ vu dã,

Thiên lí vô kê minh.

Sinh dân bách di nhất.

 

Đồng hoang xương phơi trắng,

Ngàn dặm tiếng gà không.

Trăm người sống sót một.

Hay chính Tào Phi trong Lê Dương tác (bài 3) cũng có những câu rất sống động về cảnh chiến trận đương thời:

 Thiên kị tùy phong vũ,

 Vạn kị chính long tương.

 Kim cổ chấn thượng hạ,

 Can thích phân tung hoành.

 

 Ngàn quân theo gió lướt,

 Vạn binh đầu ngẩng cao.

 Trống trận rền trời đất,

 Dọc ngang những kiếm đao.


Tào Phi từ nhỏ đã sống trong quân lữ, lại từng nhiều phen theo Tào Tháo chinh chiến các nơi. Thực tế xã hội lúc ấy đã có tác động to lớn và để lại dấu ấn sâu sắc trong các sáng tác của ông. Chẳng hạn; trong thiên Tự tự (Điển luận), ông tự thuật: “Khi năm tuổi, bốn phương nhiễu loạn, cha cho học cung tiễn, sáu tuổi đã biết bắn; lại học cưỡi ngựa, tám tuổi đã thạo”(1); trong thơ ca là các bài: Lê Dương tác, Quảng Lăng quan binh, Tạp thi…

Cũng như Tào Tháo (155–220) và Tào Thực (192–232), Tào Phi rất yêu thích văn học và thực sự có tài trong lĩnh vực này. Ông yêu lại trân trọng và thu hút được nhiều văn tài về với mình; thường sáng tác, bàn luận thơ phú, xướng họa… với những người này. Tào Tháo với quyền lực, niềm say mê và tài năng đã tập hợp được quanh mình những văn nhân ưu tú nhất của thời ấy, bảo hộ cho họ và trở thành lãnh tụ của một văn đàn nức tiếng bấy giờ. Và sau khi Tào Tháo chết, vị trí lãnh tụ văn đàn Nghiệp Hạ chuyển qua tay Tào Phi.

Nếu luận về quân sự, chính trị thì Tào Phi không bằng Tào Tháo, nếu luận về thơ ca thì ông không nổi tiếng bằng Tào Thực. Và trong Tam Tào, có lẽ ông vẫn thường bị đánh giá là ngôi sao mờ nhất, thậm chí có người còn cho thơ văn Tào Phi là tầm thường, thua Tào Thực ngàn dặm (khứ Thực thiên lí). Chung Vinh (?–518) trong “Thi phẩm” liệt Tào Phi vào hạng trung phẩm và nhận xét rằng: “trong hơn trăm bài, đại để đều có vẻ thô tục, quê mùa, chỉ có hơn mười bài “Tây bắc hữu phù vân” là đẹp đẽ phong phú có thể thưởng ngoạn và thấy được sự dụng công, gọt giũa ở đó(2).

Thế nhưng, dựa vào những tác phẩm còn lại và những tài liệu ghi chép về Tào Phi, chúng ta lại thấy một Tào Phi rất khác và vị trí của ông trong lịch sử văn học Trung Quốc không tầm thường chút nào. Ở đây chỉ xin trình bày giản lượcb những cống hiến của ông đối với văn học cổ điển Trung Quốc như sau:

Thứ nhất, thơ ca của Tào Phi có thể thức tự do, tự nhiên và linh hoạt không gò bó cứng nhắc, câu dài câu ngắn biến hóa thoải mái; thể trường thiên và thể ca hành của ông có ảnh hưởng sâu rộng về sau. Riêng hai bài Yên ca hành được xem là bài thơ thất ngôn hữu danh hoàn chỉnh sớm nhất của Trung Quốc và nó chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong lịch sử phát triển thơ thất ngôn ở đất nước này, có thể gọi là “thất ngôn thi chi tổ”, Hồ Ứng Lân (1511–1602) trong Thi sô khen là “khai thiên cổ diệu cảnh”.

Thứ hai, về phương diện văn hóa, ông đã chủ trì biên soạn một bộ sách loại quy mô lớn, trước đó chưa từng có. Thu thập hơn ngàn thiên văn chương, kinh truyện của các thời trước, lại chia ra thành hơn 40 bộ, mỗi bộ gồm hàng chục thiên, tổng cộng hơn 800 vạn chữ, thường gọi là Hoàng lãm, có thể gọi là “thư loại chi tổ”. Tuy bộ sách ấy nay không còn nhưng nó đã mở ra truyền thống biên soạn sách loại qui mô lớn do đích thân hoàng đế chỉ đạo biên soạn cho các triều đại sau này.

Thứ ba, về tản văn, chủ yếu là thư và luận, trong đó tiêu biểu là: Dữ Ngô Chất thư, Hựu dữ Ngô Chất thư, Dữ Phồn Khâm thư Luận văn. Thời bấy giờ, số lượng tản văn được làm ra không phải ít, nhưng tản văn của Tào Phi cũng có phong cách riêng, Lưu Hiệp (465-520) trong thiên Chiếu sách cũng phải khen rằng “Ngụy Văn đế hạ chỉ, từ nghĩa đa vĩ”. Cho nên Tào Phi cũng trở thành một tác gia tiêu biểu trong thể loại này trong thời Ngụy Tấn. Riêng thiên Luận văn (một thiên còn lại của Điển luận) có một giá trị đặc biệt, có thể nói đây là tác phẩm tiêu biểu nhất của Tào Phi, nó được xem là một chuyên luận văn học sớm nhất của Trung Quốc.

 

3.

Điển luận là trứ tác “thành nhất gia chi ngôn” (lời của một nhà), ước chừng được Tào Phi hoàn thành vào cuối thời Kiến An (196 – 219). Sinh thời Tào Phi rất quí tác phẩm này, ông từng dùng lụa trắng sao một bản gửi cho Tôn Quyền, lại chép một bản gửi cho Trương Chiêu. Thời Ngụy Minh đế, Điển luận còn được trang trọng khắc đá, dựng ngoài triều môn. Toàn Điển luận đề cập đến nhiều phương diện: chính trị, đạo đức, luân lí, sinh hoạt, văn hóa… nhưng đã bị tản thất vào khoảng thời Tống (nước Tống thời Lục Triều), chỉ còn lại hai thiên tương đối hoàn chỉnh là Tự tựLuận văn.

Toàn thiên Luận văn chỉ hơn 580 chữ nhưng bàn về nhiều vấn đề quan trọng của văn học: bình luận về các tác giả; bàn về văn thể “văn phi nhất thể”; bàn về giá trị và tác dụng của văn chương (cái văn chương kinh quốc chi đại nghiệp, bất hủ chi thịnh sự); thái độ phê bình… tuy có những vấn đề chỉ mang tính khơi gợi, nhưng Luận văn vẫn giữ một vị trí trọng yếu trong lịch sử phê bình văn học Trung Quốc, nó đề xuất một quan điểm mới mẻ về văn học, mở ra không khí phê bình sôi nổi, là cơ sở và ảnh hưởng không nhỏ đến những nhà phê bình đời sau như Lục Cơ 261-303) với Văn phú, Lưu Hiệp với Văn tâm điêu long…

 Phạm vi đề cập của Luận văn rất rộng, cho nên bài viết nhỏ này chỉ xin cố gắng trình bày phần luận về các tác giả trong ấy. Trong phần này, Tào Phi đã vận dụng khái niệm Khí “Văn dĩ khí vi chủ” (Văn lấy khí làm chủ) để trình bày.

Khí, trong quan niệm của người Trung Quốc là một phạm trù rộng lớn, rất phức tạp, cả về nội dung, cách hiểu lẫn nguồn gốc tương tự như khái niệm Đạo của Lão Trang. Khí cũng là thứ “nghe không thấy tiếng, nhìn không thấy hình”, “đầy rẫy cả trời đất, bao trùm vũ trụ”. Nó như mây khói (khí nhược vân yên), là thứ tinh vi của trời đất (thiên địa chi tinh vi dã) và “bất sinh bất tử”. Thế nhưng sở dĩ người ta cảm biết được nó, cái vô hình, là thông qua cái hữu hình, tức sự hiện hữu của sự vật hiện tượng; giống như Đức là biểu hiện của Đạo vậy. Người ta dùng Khí để giải thích rất nhiều điều(3) và Tào Phi thì dùng nó để luận về văn chương.

 Bình luận về nhóm Thất tử, Tào Phi viết: “Vương Xán sở trường về từ phú, Từ Cán có khi có khí văn của nước Tề, nhưng Xán có thể sánh được với Cán, chẳng hạn ở các bài: “Sơ chinh”, “Đăng lâu”, “Hòe phú”, “Chinh tư”của Xán, và các bài: “Huyền viên”, “Lậu chi”, “Viên phiến”, “Quất phú” thì dù họ Trương họ Sái cũng không thể vượt qua. Thế nhưng ở những bài văn khác của họ thì chắc gì đã được như vậy. Nói về biểu chương và thư, kí của Lâm và Vũ thì đều là những áng văn kiệt tác đời nay. Ứng Sướng khoan hòa mà không mạnh mẽ, Lưu Trinh mạnh mẽ nhưng lại không chặt chẽ. Khổng Dung có khí cốt văn chương cao diệu, có chỗ hơn người nhưng lại thiếu tài biện luận, lí không vượt được từ, thậm chí còn có những lời cợt đùa, nhưng chỗ khéo léo trong văn chương ông có thể sánh với Dương Hùng, Ban Cố được(4). Những lời bình luận này tuy ngắn gọn, khái quát nhưng đã chỉ ra được sở trường, sở đoản của cả nhóm Thất tử, lại có sự đối chiếu, so sánh ý vị. Phương pháp này của Tào Phi có ảnh hưởng không nhỏ đối với phê bình văn học đời sau.

Trong Dữ Ngô Chất thư Tào Phi cũng có đoạn tương tự: “Xem các văn nhân xưa nay, hầu hết không kiểm điểm những chuyện nhỏ nhặt, ít lấy danh tiết để tự lập, mà Vĩ Trường (Từ Cán) về văn tài phẩm chất lại có thể đứng một mình, điềm đạm, ít ham muốn, chí ở trên núi Ki, có thể nói là bậc quân tử văn tài và phẩm hạnh đều kiêm toàn. Trứ tác “Trung luận” hơn 20 thiên của ông thành ra lời của một nhà, từ nghĩa điển nhã, đủ để truyền về sau, làm cho ông bất hủ vậy. Đức Liên (Ứng Sướng) văn vẻ lại có ý muốn trước tác, tài của ông đủ sức viết sách, nhưng cái ý nguyện cao đẹp đó lại không được toại nguyện, thật là đáng thương tiếc biết bao! Gần đây, đọc qua văn chương của chư tử, lại nhớ đến ông mà sa lệ, rồi lại tự nghĩ đến mình. Chương biểu của Khổng Chương (Trần Lâm), rắn rỏi, tinh vi mà phong phú. Công Cán (Lưu Trinh) có cái khí phiêu dật bay bổng nhưng chưa được mạnh mẽ, ông là người giỏi về thơ ngũ ngôn, sự tuyệt diệu của thơ ông khiến người ta động lòng. Thư, kí của Nguyên Du (Nguyễn Vũ) thì nhẹ nhàng đẹp đẽ, đọc lên làm người ta khoan khoái vui vẻ. Trọng Tuyên (Vương Xán) giỏi về từ phú, tiếc là thể khí yếu không đủ làm cho văn sống động, dài lâu, nhưng về sở trường của ông thì không kém người xưa là mấy”(5).

Ở đây, Tào Phi đã dùng khái niệm Khí để luận văn chương của các văn nhân Kiến An: Vương Xán “thời hữu Tề khí”, Khổng Dung “thể khí cao diệu”, “Công Cán hữu dật khí”, Vương Xán “thể nhược, bất khởi kì văn”.

 Bàn về quan hệ giữa Khí và Văn, Tào Phi viết: “Văn lấy khí làm chủ; mà khí thì có loại trong, loại đục, không thể gắng sức mà đạt được. Ví như âm nhạc, tuy khúc phổ tương đồng, tiết tấu cùng một phép tắc vậy nhưng đến lúc vận hơi thì lại không đều nhau, khéo hay vụng là do tố chất tự nhiên qui định, dù là cha anh cũng không thể  truyền dạy cho con em của mình được”(6).

Tuy Thuyết Văn Khí bắt đầu từ Luận vănDữ Ngô Chất thư của Tào Phi, nhưng không phải do cá nhân ông hoàn toàn sáng tạo ra, mà ông dã kế thừa và tiến thêm một bước mới, đưa “khí” trở thành một khái niệm quan trọng trong phê bình văn học Trung Quốc thời cổ điển.

 Từ thời tiên Tần, người ta dùng khí để giải thích sự hình thành của vũ trụ và một số hiện tượng tự nhiên xã hội. Khí là một phạm trù quan trọng trong vũ trụ quan của người Trung Quốc cổ đại. Từ Chu Dịch cho đến Quản tử, Trang tử, chư tử đều có ghi chép bàn luận về nó. Thời đó, người ta quan niệm trời đất và vạn vật đều do khí cấu thành, tất cả đều từ nguyên khí sinh ra. Thiên Bản huấn trong Tiềm phu luận viết: “Sự vận động của trời, sự tĩnh tại của đất, ánh nắng của mặt trời, ánh sánh của vầng trăng, bốn mùa ngũ hành, quỷ thần, con người, hàng vạn hàng triệu giống loài, xấu tốt, lành dữ, chẳng phải đều do khí mà sinh ra hay sao?”(7). Trong Đạo đức kinh, chương 42, Lão tử viết: “Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật; vạn vật cõng âm bồng dương, điều hòa bằng xung khí”(xung khí dĩ vi hòa).

 Người ta còn dùng Khí để giải thích nhân thể, chẳng hạn:

- Trong thiên Tâm thuật hạ, Quản tử viết: “Khí giả chi sung dã” (Người có khí thì thân thể sung mãn).

- Trong Trí Bắc hải, Trang tử cũng cho rằng sinh mệnh con người là do Khí quyết định, Khí tụ thì sống, Khí tán thì chết.

- Sách Lã thị xuân thu còn dùng Khí để thuyết minh các hiện tượng bệnh lí của cơ thể con người.

- Trong Tả truyện, có đoạn viết: “Dân hữu hảo ác thiện nộ ai lạc, sinh ư lục khí” nghĩa là tính cách, tình cảm của con người sinh ra từ “lục khí” (sáu khí ấy là: âm dương, mưa gió, sáng tối)…

Như vậy, Khí ở đây lại được dùng để lí giải các hiện tượng về tinh thần.

- Mạnh tử trong thiên Dưỡng khí lại nói đến “khí hạo nhiên”, cho đây là phần tinh anh, thiêng liêng của trời đất, sông núi hun đúc nên những hiền tài, trung thần nghĩa sĩ; mỗi người đều nhận được một phần cái khí hạo nhiên, khác nhau là ở cách nuôi dưỡng; và ông cho rằng điều này rất khó giải thích vì nó thuộc về mặt tinh thần.

- Tuân tử trong thiên Tu thân đề xuất thuật “trị khí dưỡng tâm” cho huyết khí và tính cách con người có quan hệ với nhau…

- Lão tử cho rằng giữa Khí và Tài có mối liên hệ đặc biệt: Những người có “đại khí” tức chí lớn, tài lớn thì “muộn thành” (chương 41).

- Đến đời Hán, Vương Sung lại nói lại dùng sự dày mỏng, ít nhiều của khí của giải thích sự đa dạng của thế giới và sự hiền ngu của con người: “bẩm khí hữu hậu bạc, cố tính hữu thiện, hữu ác dã”, “nhân chi thiện ác, cộng nhất nguyên khí, khí hữu thiển đa, cố tính hữu hiền ngu”.

- Hoài Nam tử trong chương Tinh thần huấn giảng nghĩa: cái tinh thần là do chịu của trời, cái hình thể là do bẩm sinh ở đất.

Thời Tam Quốc, khái niệm Khí đã được dùng để diễn tả tài năng và khí chất của con người một cách khá phổ biến. Có vô số những ví dụ để minh chứng cho điều này. Chẳng hạn:

- Thân Đồ Bàn bẩm khí huyền diệu, tính mẫn tâm thông (Hậu Hán thư, Thân Đồ Bàn truyện).

- Ứng khí thục linh, thực hữu mệnh nghi, nhi khí như oánh (Đồng ấu Hồ Căn bi), Bẩm càn khí chi thuần ý (Ngụy Nguyên phi).

- Hàm nguyên hưu thanh minh chi khí, trì tạo hóa anh triết chi tính (Trung luận tự).

- Chu Thành vương thể thượng thánh chi hưu khí (Tào Phi, Chu Thành vương, Hán chiêu luận).

- Khí chí hưu ý (Tôn Quyền, Chiêu Tôn Lự Tiết khai phủ tự bán châu).

- Thụ khí thuần hòa (Lục Tích, Thuật huyền)…

- Vô nãi Lý Quảng chi khí, tuần phát ích nộ, lạc nhất đương Thiền Vu dĩ tận dư phần hồ (Khổng Dung, Di Trương Hoành thư).

- Hoắc quang hoài trầm dũng chi khí (Kê Khang, Minh đảm luận).

- Chí khí trung liệt, lâm nan bất cố (Trương Kí, Biểu Vô Khâu Hưng).

- Chí tráng khí cương (Dương Hí, Lý Hán phụ thần tán).

- Tài bác khí mãnh (Tam Quốc chí, Ngụy thư, Từ Mạc truyện)…

Và những khái niệm: khí thuần hòa, khí thục (khí diệu lành), linh khí huyền diệu, khí thanh minh (khí trong sáng), khí hưu ý… đều là dùng để nói về phẩm cách tốt đẹp, thuần chính, trong sáng và trí tuệ kiệt xuất của con người. Còn những ví dụ như: khí, khí kiên cường, khí trầm dũng, mãnh khí… được dùng để chỉ tính cách và trung liệt phẩm chất quả cảm kiên định của con người. Ngoài ra, còn nhiều tài liệu khác như: Liệt dị truyện, Ngô thư, Thư gửi Nguyễn Tịch của Phục Nghĩa, Truyện Nhâm Thành vương (Tam Quốc chí)… có nói đến các dạng khác của khí: khí cường, cao khí, kinh vĩ chi khí, tướng lĩnh chi khí…

Tóm lại, bắt đầu từ thời Tiên Tần, Khí đã được dùng để giải thích sự sinh thành của vạn vật trong vũ trụ và người ta còn dùng Khí để thuyết minh về nhân thể và một số phương diện tinh thần. Đến thời Hán, Khí được dùng để giải thích phẩm cách, tài năng, chí khí của con người. Cuối thời Hán, sang thời Tam Quốc, Khí được sử dụng để bình giá về các nhân vật cụ thể.

Ngoài ra, người ta còn lấy Khí để hình dung ngôn từ. Ví dụ:

- Sách Luận ngữ, thiên Thái Bá viết: “Xuất từ khí, tư viễn bỉ bội hĩ” (nói năng, biểu lộ tính khí qua lời thì phải tránh xa những chỗ thô thiển và trái lẽ).

- Sách Hàn thi ngoại truyện, quyển 9 viết: “từ khí bỉ tục”.

- Sách Tam Quốc chí, Ngô thư, Trương Cố chư cát bộ truyện khí nói về Trương Chiêu cũng viết: “từ khí kiển kiển” (từ khí thẳng thắn), “từ khí tráng lệ”. Thiên Tang Hồng truyện viết: “từ khí khảng khái”…

Việc dùng Khí để hình dung ngôn từ ở đây cũng rất gần với việc dùng Khí hình dung văn chương. Thiên Văn vương quan nhân trong sách Đại đái lễ kí còn chỉ ra rằng, sự khác nhau về thanh âm, ngôn ngữ của người ta là do khí bẩm sinh không giống nhau: “Người tính dối trá thì tiếng ấp úng. Người tính thuận tín thì tiếng trôi chảy. Người tính hẹp hòi ngang ngược thì tiếng xấu xa. Người tính rộng lượng thì tiếng ôn hòa”(8); tức nói đến mối quan hệ giữa ngôn từ và tính cách (tâm khí).

Sau này, Hàn Dũ (768-824) cũng viết:“Khí là nước, còn ngôn từ lại trôi nổi trong nước. Khi nước lớn tất cả mọi vật đều trôi nổi trên bề mặt. Quan hệ giữa khí và từ là như vậy. Khi khí đầy đủ thì sự ngắn dài của câu cũng như sự cao thấp của âm thanh tất cả đều đi vào khuôn phép”. Đến đời Thanh, Chương Học Thành (1738-1801) lại nói: “cổ chi năng văn giả tất tiên dưỡng khí” (điều kiện tiên quyết đấu tiên để rèn luyện văn chương vào thời cổ xưa là dưỡng khí).

 Khí còn được vận dụng để thuyết minh cho nhạc. Người ta thấy rằng, thập nhị luật của nhạc có quan hệ chặt chẽ với khí âm dương của trời đất, tiếng ca phát ra cũng có quan hệ mật thiết với nội khí của con người. Và ngày xưa, thơ - ca – nhạc - vũ đều luôn thống nhất với nhau thành một thể. Trong các sách: Lễ kí, Lễ kí huấn toản, Sử kí chính nghĩa… đều có ghi chép.

Ngay Tào Phi cũng dùng khái niệm “thanh khí” để tán dương sự kì diệu của tiếng nhạc lời ca. Trong bài “Thiện tai hành” của ông có câu: “Trường địch thổ thanh khí” (Ống sáo dài phát ra âm thanh trong trẻo); lại viết: “Hữu mĩ nhất nhân… thiện vi nhạc phương. Ai huyền vi diệu, thanh khí hàm phương” (Có một người đẹp… giỏi giang âm nhạc. Tiếng đàn vi diệu, thanh âm trong trẻo giấu hương thơm).

Như vậy, trước Tào Phi, người ta cũng đã dùng Khí để bình thuật về các nhân vật, thuyết minh mối quan hệ giữa văn và ngôn từ, âm nhạc. Đây là những cơ sở, tiền đề hết sức quan trọng trong việc hình thành quan niệm dùng Khí luận văn của Tào Phi, nó cho thấy ông đã kế thừa và phát huy Khí như thế nào. Để bình luận về các nhà văn, Tào Phi lấy Khí làm nền tảng, cơ sở quan trọng nhất để đánh giá, ông viết “Văn dĩ khí vi chủ”. Chủ ở đây nghĩa là chính, chủ yếu nhất, quan trọng nhất. Khi phẩm bình về các tác giả, đương nhiên ông phải lấy tác phẩm làm cơ sở đánh giá giá trị tác phẩm, nhưng mặt khác, ông cũng kiêm chỉ cả khí chất của các tác giả đó. Nghĩa là ông cho rằng văn khí của tác phẩm và khí chất của tác giả có sự nhất trí.

Luận văn khi bàn về Từ Cán viết “Từ Cán hữu Tề khí” (Văn chương của Từ Cán có cái khí của nước Tề). Từ Cán người ở Bắc Hải, mà Bắc Hải xưa vốn thuộc đất Tề. Như phần trên đã trình bày, người Hán có cách nhìn nhận khá phổ biến rằng, tính khí của người dân là do khí thủy thổ ở đất ấy quyết định. Và người ta cho rằng nhân dân đất Tề có phong khí thư thái, khoan hòa (thư hoãn). Trong Luận hành, thiên Suất tính, Vương Sung có viết: “Sở Việt chi nhân, xứ Trang Nhạc chi gian, biến vi thư hoãn…” (Người Việt, người Sở ở giữa đất Trang, đất Nhạc cho nên tính tình khoan hòa thư thái…). Và ở đây Tào Phi cũng cho rằng phong cách văn chương của Từ Cán có cái thư thái, nhẹ nhàng của đất Tề là vậy.

Tiếp theo, bàn về Khổng Dung, Tào Phi viết: “Khổng Dung thể khí cao diệu”. Thể khí ở đây cũng có nghĩa như Khí. Chẳng hạn, trong Luận hành, thiên Vô hình, Vương Sung viết: “Thể khí dữ hình hài tương bão” (thể khí và hình hài bao bọc nhau), ông cho rằng thể khí là cái bên trong, hình hài là cái bên ngoài, nghĩa gần như thể khí là khí bên trong được hình hài bao bọc. Kê Khang trong Dưỡng sinh luận nói: “(quân tử) thể khí hòa bình”. Diêu Tín trong Sĩ vĩ viết: “Trần Trọng Cử thể khí cao liệt” (Thế thuyết tân ngữ). Như vậy, có thể nói rằng “thể khí” ở đây cũng chính là “khí”. Khổng Dung khí độ vượt người thường cho nên văn chương của ông cũng khiến người khác không theo kịp. Trong trường hợp này, Tào Phi còn dùng Khí để tả phong cách cao diệu trong văn chương cũng như tính cách và tài năng của Khổng Dung.

“Công Cán hữu dật khí, đãn vị tù nhĩ”, bình luận về Lưu Trinh, Tào Phi cho rằng ông ta có “dật khí” tức là có phong cách tiêu sái, phóng khoáng, không bị câu thúc; nhưng lại thiếu sự mạnh mẽ, hào tráng.

“Vương Xán thể nhược, vị túc khởi kì văn”. Như trên đã nói, thể khí cũng là khí, cho nên nói thể nhược cũng có nghĩa như nói khí nhược và cũng có thể gọi tắt là thể, hay thể chất, thể tính; cũng thường để chỉ tính cách, khí chất… các khái niệm này đều có nghĩa tương cận với khái niệm Khí.

Trong “Thỉnh truy tặng Quách Gia biểu”, Tào Tháo tán tụng Quách Gia rằng: “trung lương uyên thục, thể thông tính đạt” tức là tả cái khí chất trung lương, trí tuệ, sự sáng suốt, nhìn nhận sự việc một cách thấu đáo của Quách Gia. Hay như trong Hiếu sinh (Khổng tử gia ngữ) có nói tới “thể mãnh” có nghĩa là “khí mãnh” (khí mạnh mẽ mãnh liệt). Lại như Tiết Tông trong Nhượng tuyển Tào Thượng thư biểu tiến Cố Đàm viết: “Đàm tâm linh thể mật” (tính cách kín đáo, thận trọng). Trong Văn tuyển, Lý Thiện chú “khí nhược vị chi thể nhược” (khí yếu thì cũng gọi là thể yếu).

Nói Vương Xán “thể nhược” nghĩa là Tào Phi cho rằng phong cách văn chương của Vương Xán không đủ nội lực, sinh khí, không vững bền.

- Trong Luận hành, phần Nho tăng, Vương Sung viết: “khí nãi lực dã bất túc khởi kì văn, ngôn văn thái phỉ nhiên, nhi sinh khí, khinh kiện tắc bất túc” ý nói khí cũng như lực, nếu không đầy đủ thì văn không tươi đẹp, không có sức sống.

- Thiên Chương biểu trong Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp cũng có câu: “khí dương thái phi” nghĩa là văn khí thịnh tráng ngôn từ tươi đẹp thì có sức bay bổng. Ngược lại, khí yếu tất sẽ không đủ sức làm cho văn chương sống động.

- Chung Vinh trong Thi phẩm bình luận về Vương Xán cũng nói “văn tú chất luy” (văn đẹp chất yếu) cũng rất gần với ý của Tào Phi.

- Đời Thanh, Diêu Nãi (1732-1815) cũng nhận định: “Nếu khí lực sung mãn, chỉ cần nhìn vào tác phẩm, tuy xa cách trăm đời sau, vẫn như thấy tác giả hiện ra trước mặt cùng ta đàm đạo. Còn nếu chẳng có chút khí lực gì, thì cũng giống như mớ chữ nghĩa chồng chất lên nhau mà thôi vậy”.

Qua những lời bình luận của Tào Phi, có thể thấy ông đề cao phong cách, khí cốt mạnh mẽ.

Luận văn lại viết: “khí chi thanh trọc hữu thể, bất khả lực cưỡng nhi trí”. Bẩm khí của con người có thứ trong, cũng có thứ đục, nó mang tính thiên bẩm không thể gắng gượng mà đạt được. Tài tính cũng như vậy, có thứ hôn ám, có thứ sáng láng, trong việc làm văn đương nhiên cũng có người cao người thấp khác nhau.

Người xưa khi nói về thể khí, nhân tính thì thường lấy sự trong sáng làm cao quí, sự ô đục làm thấp tiện. Ví như:

Trang tử trong Nam hoa kinh, đoạn Hoàng đế trả lời Bắc Môn Thành về khúc nhạc Hàm Trì: “ta tấu nó bằng người, mà lựa nó bằng trời; làm nó bằng nhân nghĩa: dựng nó bằng khí rất trong”, “bốn mùa đắp đổi dậy: muôn vật lần lượt sinh. Một thịnh, một suy: văn vũ bậc thường. Một trong, một đục: âm dương diều hòa. Làm cho tiếng nó lưu loát, sáng láng” (Thiên vận).

Rồi các sách như: Xuân thu phồn lộ, các thiên: Thông quốc thân, Thiên địa chi hành. Hay như Vương Sung (27-97 TCN) trong Luận hành, thiên Bản tính… đều cho rằng sự trong-đục của tâm người ta với khí thiên bẩm có quan hệ với nhau và lấy sự trong đục làm tiêu chuẩn đánh giá.

Lưu Thiện trong Nhân vật chí viết: “cốt trực khí thanh tất hưu danh sinh yên, khí thanh lực kình tắc liệt danh sinh yên” (cốt thẳng khí trong thì tất gọi là đẹp, khí trong lực mạnh thì tất là tốt).

Lưu Bính chú Nhân vật chí cũng nói: “chất trọc khí ám chung lão vô thành” (chất đục khí hôn ám thì cả đời cũng không thành tựu).

Đến thời Ngụy Tấn, Viên Chuẩn trong Tài tính luận lại khái quát hơn khi ông viết: “vật hà cố mĩ? Thanh khí chi sở sinh dã. Vật hà cố ố? Trọc khí chi sở thi dã” (Vật thế nào là đẹp? Là do sinh ra từ khí trong. Vật thế nào là xấu? Là bởi khí đục mà ra).

Can Bảo (Đông Tấn) trong Sưu thần kí cũng lấy quan hệ giữa sự trong đục của khí và ngũ hành (kim-mộc-thủy-hỏa-thổ) để từ đó thuyết minh nhân tính và cho là khí trong ở hàng thánh nhân, khí đục ở hạng thứ dân(9).

Sách Trung dung chính nghĩa có ghi: “cảm ngũ hành ở người là ngũ thường, nếu được khí trong thì làm ra thánh nhân, nếu được khí đục thí hóa làm người ngu. Từ bậc thánh nhân trở xuống, người ngu trở lên đều là do bẩm khí nhiều hoặc ít mà ra, không thể nói là một, cho nên mới chia thành 9 loại”(10).

Cát Hồng (284-364) trong Bão phác tử lại vận dụng sự trong-đục của khí giải thích sự cao thấp về văn tài, trong Từ nghĩa viết: “phù tái hữu thanh trọc, tự hữu tu đoản, tuy tịnh thuộc văn, sâm si vạn phẩm”; trong thiên Thượng bác lại nói: “Thanh trọc sâm si, sở bẩm hữu chủ, lãng muội bất đồng khoa, cường nhược các thù khí” (trong đục đối nhau là do bẩm sinh vậy, cũng như sáng tối không cùng khoa, mạnh yếu khí khác nhau)… ý cho rằng sự trong đục của “tài” đều do bẩm khí mà ra, chỉ có điều là chưa trực tiếp nói khí trong đục.

Về sau, Lưu Hiệp cũng viết: “Tuy nhiên tài năng có kẻ tầm thường có kẻ tài tuấn phi phàm, khí chất có kẻ cương dương, có người âm nhu, học vấn có kẻ nông cạn, có người sâu sắc… Khả năng tài tuấn, xuất khẩu thành chương, không thể không do bản chất phú bẩm quyết định…”(Thể tính).

Trong bối cảnh như vậy, có thể thấy ý của Tào Phi cũng vận dụng quan niệm của những người đi trước sự trong đục mà luận bình văn chương của các văn nhân thời ông. Từ đó ông cho rằng những người có bẩm khí trong sáng thì tài tính nổi trội, tác phẩm của họ cũng sáng sủa sống động; những người có bẩm khí đục thí tài tính hôn ám, do đó tác phẩm của họ cũng tối tăm, không có sinh khí.

Nhiều người sau Tào Phi cũng lấy sự trong đục để luận văn như Lục Cơ (Văn phú), Chung Vinh (Thi phẩm), Vương Phu Chi (Cổ thi bình tuyển, quyển 1)… Chẳng hạn, trong Văn phú, Lục Cơ viết: “hoặc tập cố di tân duyên trọc nhi cánh thanh” (hoặc học theo cái cũ để bổ trợ cho cái mới, hoặc gạn đục mà khơi trong); hay Lưu Hi Tải trong sách Nghệ khái cũng nói: “khí hữu thanh trọc hậu bạc, cách hữu cao đê nhã tục…” (khí có trong đục, dày mỏng; phẩm cách có cao thấp, nhã tục)… những cách dùng sự trong đục của khí để luận văn như vậy, rõ ràng là không thể không ít nhiều có ảnh hưởng từ Tào Phi.

Như vậy, đối với người xưa, khí trong hay đục là do bẩm sinh, tự nhiên, nó quyết định sự đẹp xấu cũng như là hay dở của văn chương và cũng là cái chủ yếu quyết định thiên tài, con người không thể gắng gượng đạt được, vì vậy Tào Phi mới nói “bất khả lực cưỡng nhi trí”.

Đương thời triết lí Lão Trang rất thịnh, cho nên không khó hiểu khi người ta rất mực sùng thượng cái tự nhiên, mọi cái được coi là tốt đẹp đều phải quy về tự nhiên bẩm sinh vốn có. Trong Cửu nhật dĩ Chung Diêu thư, Tào Phi viết: “chí ư phương cúc, phân nhiên độc vinh, phi phù hàm càn khôn chi thuần hòa, thể phân phương chi thục khí, thục năng như thử (đến như cúc thơm một mình tươi tốt, nếu không ngậm cái khí thuần hòa của trời đất, khí lành ngùn ngụt thì sao có thể được như vậy?). Trong Luận hành, Vương Sung có đoạn: “Tổ trọc duệ thanh, bất phương kí nhân… dương gia bất thông, trác hữu tử vân, hoàn thị kê cổ duật xuất Quân sơn. Cánh bẩm ư nguyên, cố năng trước văn” (thiên Tự kỉ) ý nói tổ tiên tuy có thể không hiển hách, nhưng con cháu lại tiếp thu được cái nguyên khí mới, cho nên có thể làm văn chương. Trong thiên Siêu kì, Vương Sung lại cho rằng người thời nay làm văn chương sở dĩ không kém cổ nhân là vì người thời nay cũng hấp thụ được nguyên khí của trời như người xưa (thiên bẩm nguyên khí, nhân thụ nguyên tinh, khởi vi cổ kim giả, sai sát tại?). Lại như Dương Tu trong Đáp Tào Thực thư tán tụng Tào Thực văn chương xuất chúng, rằng: “phi phù thể thông tính đạt, thụ chi tự nhiên, kì thùy năng chí ư thử hồ? (nếu thể khí không thông đạt, hấp thu được khí tự nhiên, thì sao có thể được như vậy?).

Từ trong thực tiễn sáng tác, Tào Phi nhận thức được rằng, làm văn chương thực không phải là chuyện dễ dàng. Bởi vậy ông rất trân trọng văn chương và cảm được sự kì diệu đồng thời là khó khăn trong vấn đề truyền đạt ngôn từ.

 

4.

Kể từ sau khi Tào Phi mất, có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về các tác phẩm của ông, song ngày càng có nhiều ý kiến khẳng định tài năng và vị trí của ông lịch sử văn học Trung Quốc hơn, chẳng hạn sách Ngụy chí, Văn đế kỉ viết: “Văn đế thiên tư văn tảo, hạ bút thành chương, bác văn cường thức, tài nghệ kiêm cai”.

Chung Vinh lấy tiêu chuẩn “công” (khéo) và “mĩ” (hoa lệ) của thời đại ông để đánh giá tác phẩm của Tào Phi nên đã biến ưu điểm tự nhiên, chân chực của Tào Phi trở thành khuyết điểm(11). Vương Thế Trinh trong Nghệ uyển chi ngôn đã cho cách đánh giá của Chung Vinh như vậy là “bất công” cho Tào Phi.

Sau này, Lưu Hiệp đã đánh giá chính xác hơn khi viết trong Văn tâm điêu long, thiên Tài lược rằng: “Tài của Ngụy Văn đế mênh mông trong đẹp, người xưa dìm ông, cho là cách xa Tào Thực ngàn dặm. Nhưng Tào Thực tứ nhanh và tài sắc, thơ đẹp mà bên ngoài lại khỏe khoắn. Tử Hoàn thì nghĩ kĩ và sức chậm cho nên không tranh hơn được. Tuy vậy, các bài của Tào Phi như những bài nhạc phủ thì lại trong sáng tuyệt vời, thiên Điển luận – Luận văn bàn được đến cái cốt yếu. Nếu xem chỗ sở trường và sở đoản thì cũng không có gì thẹn. Nhưng người đời khen chê cứ hùa theo nhau. Điều đó khiến cho Văn đế ở địa vị tôn quý mà tài bị giảm bớt”.

Gần hơn, có ý kiến như của Thực Dương Phi (cận đại) nhận xét Tào Phi qua tư liệu tìm được về ông là: “Bất thị nhất vị tầm thường đích tài liệu” (Không phải là người có tài liệu tầm thường). Và đặc biệt là đánh giá của Lỗ Tấn (1884-1936) về Tào Phi: “Về sau lại có những người không cho cách lí giải của ông (Văn dĩ khí vi chủ, Thi phú dục lệ) là đúng. Ông nói thơ phú không cứ phải ngụ những điều giáo huấn, phản đối lối giải thích thơ phú phải mang tính giáo hóa đương thời. Dùng nhãn quan của văn học cận đại mà xem xét thì có thể nói thời đại của Tào Phi là “thời đại tự giác của văn học” hoặc như cận đại gọi là một phái của “nghệ thuật vị nghệ thuật” (Art for Art’s Sake). Sở dĩ Tào Phi làm thơ phú rất hay, cũng là vì ông lấy “khí” làm chủ, và ngoài vẻ hoa lệ còn thêm sự hào tráng (cố vu hoa lệ dĩ ngoại, gia thượng tráng đại)”. Ở đây, Lỗ Tấn lại lấy cái Khí “hoa lệ” và “tráng đại” để luận văn chương của Tào Phi.

Như vậy, có thể nói, với những đóng góp lớn lao của mình đối với văn học thời Ngụy Tấn nói riêng và cho lịch sử văn học Trung Quốc nói chung, ước mơ “bất hủ chi thịnh sự” của Tào Phi có thể nói là đã toại nguyện.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

A. Tiếng Hán:

1.           Vương Vận Hi, Cố Dịch Sinh chủ biên. Trung Quốc văn học phê bình thông sử (quyển nhị: Ngụy Tấn Nam Bắc triều phê bình văn học sử). Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 1996.

2.           Sơn Đông Đại học Văn Sử Triết nghiên cứu sở chủ biên. Trung Quốc lịch đại trứ danh văn học gia bình truyện (quyển nhất). Sơn Đông Giáo dục xuất bản xã, 1985.

3.           Tiêu Thống. Chiêu Minh văn tuyển. Lí Thiện chú (hạ quyển). Kinh Hoa xuất bản xã, 2000.

4.           Tào Minh Cương. Ngụy Tấn Nam Bắc triều tản văn. Thượng Hải thư điếm xuất bản xã, 2001.

5.           Triệu Phúc Đàn. Tào Nguỵ phụ tử thi tuyển. Tam Liên thư điếm, 2001.

6.           Chu Di Đình chủ biên. Trung Quốc truyền thống lí luận tư tưởng sử. Hoa Đông Sư phạm Đại học xuất bản xã, 2003.

7.           Lưu Mộng Khê chủ biên. Trung Quốc hiện đại học thuật kinh điển (Lỗ Tấn quyển). Hà Bắc Giáo Dục xuất bản xã, 1996.

8.           Từ Bân. Ngụy Tấn huyền học tân luận. Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 2000.

9.           Ngô Tiểu Như - Vương Vận Hi - Chương Bồi Hoàn - Lạc Ngọc Minh - Tào Đạo Hành… Hán Ngụy Lục triều thi giám thưởng từ điển. Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 2001.

10.        Lưu Hiệp. Văn tâm điêu long văn bạch. Bắc Kinh Yên Sơn xuất bản xã, 2001.

 

B. Tiếng Việt:

11.        Trương Lập Văn chủ biên. Khí. Hoàng Mộng Khánh dịch. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.

12.        Tào Phi. Điển luận – Luận văn. Huệ Chi dịch và chú. Tạp chí Văn học Nước ngoài, số 4/1996.

13.        Dương Ngọc Dũng. Dẫn nhập tư tưởng lí luận văn học Trung Quốc. NXB Văn Học, 1999.

14.        Trang tử. Nam hoa kinh. Nhượng Tống dịch. NXB Văn Học – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2001.

15.        Lão tử. Đạo đức kinh. Nguyễn Tôn Nhan dịch. NXB Văn Học, 1999.

16.        Chu Hy. Tứ thư tập chú. Nguyễn Đức Lân dịch và chú. NXB VHTT, 1998.

17.        Lưu Hiệp. Văn tâm điêu long. Phan Ngọc dịch (trong sách Aristote-Nghệ thuật thơ ca và Lưu Hiệp-Văn tâm điêu long). NXB Văn Học, 1999.

18.        Quế Đường Lê Qúi Đôn, Vân Đài loại ngữ. Phạm Vũ - Lê Hiền dịch. NXB Miền Nam, Sàigòn, 1973.

 

 

 

 

 



(1) Dư thời niên ngũ tuế, thượng dĩ tứ phương nhiễu loạn, giáo dư học xạ, lục tuế nhi tri xạ, hữu giáo dư kị mã, bát tuế nhi tri kị hĩ.

(2) Sở kế bách hứa thiên, suất giai bỉ chất như ngẫu ngữ, duy “Tây bắc hữu phù vân” thập dư thủ, thù mĩ thiệm khả ngoạn, thủy kiến kì công hĩ.

(3) Trong cuốn “Khí” do Trương lập Văn chủ biên, các tác giả đã trình bày khá chi tiết, tỉ mỉ sự ra đời và quan niệm về “Khí” của người Trung Quốc từ khởi thuỷ cho đến Tôn Trung Sơn. Xin liệt kê cụ thể những tiêu đề chính trong quyển sách này như sau:

1. Sư ra đời của khái niệm Khí.

2. Phạm trù Khí trong sách của Tả truyện, Quốc ngữ.

3. Tư tưởng “xung khí” và “khí âm dương: của Đạo gia.

4. Tư tưởng “Tinh khí tạo ra muôn vật” và “khí hạo nhiên” của Nho gia.

5. Tư tưởng “tinh khí” của Quản tử.

6. Tư tưởng “khí sinh lý” trong Hoàng đế nội kinh.

7. Tư tưởng vũ trụ sinh khí trong Hoài Nam tử.

8. Tư tưởng “khí âm dương trung hoà” của Đổng Trọng Thư.

9. Tư tưởng “nguyên khí” của Dương Hùng, Trương Hành, Vương Phù.

10. Tư tưởng “nguyên khí biến dịch” của Vi Thư.

11. Tư tưởng “khí âm dương ngũ hành” của “Bạch hổ thông”.

12. Tư tưởng “khí tự nhiên” của Vương Sung.

13. Tư tưởng “khí thái bình” của Thái Bình kinh.

14. Tư tưởng của Huyền học gia luận về Khí theo quan niệm Hữu-Vô.

15. Tư tưởng “chí vô là gốc của hình khí” của Trương Trạm, Liệt tử.

16. Tư tưởng “vạn vật đều phải nhờ vào khí mà sinh tồn” của Đạo giáo.

17. Phật giáo tiếp thu phạm trù Khí của Nho giáo và Đạo giáo.

18. Tư tưởng Khí của Phật giáo.

19. Tư tưởng đạo dẫn thần khí của Đạo giáo.

20. Tư tưởng “bẩm thụ hoà khí hợp chính tính” của Nho gia.

21. Tư tưởng muôn vật được sinh ra rừ khí” của Lý Cấu, Vương An Thạch.

22. Tư tưởng “Thái hư tức khí” của Trương Tải.

23. Tư tưởng “Lý là gốc của quá trình khí hoá” của nhị Trình.

24. Tư tưởng “khí bắt rễ ở tính” của Hồ Hồng, Trương Thức.

25. Tư tưởng “nguyên khí là nguồn gốc của vũ trụ” của Dương Vạn Lý.

26. Tư tưởng “Lý là gốc, khí là ngọn” của Chu Hy.

27. Tư tưởng “Khí từ tâm mà ra” của Lã Tổ Khiêm.

28. Tư tưởng “Khí là âm dương” của Hứa Hành.

29. Tư tưởng “Có khí tức có lý” của Ngô Trừng.

30. Tư tưởng “Tâm tồn tại trong hình và khí” của Trạm Nhược Thuỷ.

31. Tư tưởng “Khí làm cho lương tri tụôn chảy” của Vương Thủ Nhân.

32. Tư tưởng “Khí tức thái hư” của Nguỵ Triệu.

33. Tư tưởng “Khí là tổ tông của tạo hoá” của Vương Đình Tương.

34. Tư tưởng “Khí là thuỷ tổ của thiên địa vạn vật” của Ngô Đình Hàn.

35. Tư tưởng “Khí hoá hình, hình hoá khí” của Tống Ưng Tinh.

36. Tư tưởng “Khí đầy khắp trong trời đất” của Lưu Tôn Chu.

37. Tư tưởng “Giữa khoảng trời đất chỉ có nhất khí” của Hoàng Tôn Nghĩa.

38. Tư tưởng “Khí hoả nhất thể” của Phương Dĩ Trí.

39. Tư tưởng “Khí là bản thể của mây khói mịt mù” của Vương Phu Chi.

40. Tư tưởng “Khí tức là thiên khí” của Nhan Nguyên, Lý Cung.

41. Tư tưởng “Khí hoá lưu hành” của Đới Chấn.

42. Tư tưởng “Khí sinh vạn vật” của Khang Hữu Vi.

43. Tư tưởng “Khí là nguyên tố” của Nghiêm Phục.

44. Tư tưởng “âm thanh và ánh sáng đều là khí” của Đàm Tự Đồng.

45. Diễn biến tư tưởng Khí của Chương Thái Viêm và Tôn Trung Sơn.

Công trình này rất quý, nhưng chỉ chuyên chú vào triết học, hoàn toàn không đả động gì đến văn học, cho nên trong bài viết này, tôi không dẫn nhiều.

(4) Vương Xán trường ư tư phú, Từ Cán thời hữu Tề khí, nhiên Xán chi thất da. Như Xán chi “Sơ chinh”, “Đăng lâu”, “Hòe phú”, “Chinh tư” Cán chi “Huyền viên”, “Lậu chi”, “Viên phiến”, “Quất phú”, tuy Trương Thái bất quá dã. Nhiên ư tha văn, vị năng xưng thị. Lâm, Vũ chi chương biểu thư kí kim chi tuấn da. Ứng Sướng hòa nhi bất tráng, Lưu Trinh tráng nhi bất mật. Khổng Dung thể khí cao diệu, hữu quá nhân giả, nhiên bất năng trì luận, lí bất thắng từ. Dĩ chí hồ tạp dĩ trào hí, cập kì sở thiện Dương Ban trù dã.

(5) Quan cổ kim văn nhân, loại bất hộ tế hành, tiên năng dĩ danh tiết tự lập. Nhi Vĩ Trường độc hoài văn bão chất, điềm đạm quả dục, Ki sơn chi chí, khả vị bân bân quân tử giả hĩ. Trước Trung luận nhị thập dư thiên, thành nhất gia chi ngôn, từ nghĩa điển nhã, túc truyền vu hậu, thử tử vi bất hủ hĩ. Đức Liên thường phỉ nhiên hữu thuật tác chi ý. Đức Liên thường phỉ nhiên hữu thuật chi tác ý. Kì tài học túc dĩ trước thư, mĩ chí bất toại, lương khả thống tích. Gian giả lịch lãm chư tử chi văn, đối chi vẫn lệ, kí thống thệ giả, hành tự niệm dã! Khổng Chương chương biểu thù kiện, vi vi phồn phú. Công Cán hữu dật khí, đãn vị tôn nhĩ, kì ngũ ngô chi thiện giả, diệu tuyệt thời nhân. Nguyên Du thư kí phiên phiên, chí túc lạc dã. Trọng Tuyên tục tự thiện, vu từ phú, tích kì thể nhược, bất túc khởi kì văn. Chí vu sở thiện, cổ nhân vô dị viễn quá.

(6) Văn dĩ khí vi chủ, khí chi thanh trọc hữu thể, bất khả lực cường nhi trí. Tỉ chư âm nhạc khúc độ tuy quân, tiết tấu đồng kiểm, chí vu dẫn khí bất tề xảo chuyết hữu tố. Tuy tại phụ huynh bất năng dĩ di tử đệ.

(7) Thiên chi dĩ động, địa chi dĩ tĩnh, nhật chi dĩ quang, nguyệt chi dĩ minh, tứ thời ngũ hành, quỷ thần nhân dân, ức triệu xú loại, biến dị cát hung, hà phi khí nhiên.

(8) Tâm khí hoa đản giả, kì thanh lưu tán; tâm khí thuận tín giả, kì thanh thuận tiết, tâm khí bỉ lệ giả, kì thanh tư xú; tâm khí khoan nhu giả, kì thanh ôn hảo.

(9) Thiên hữu ngũ khí, vạn vật hóa thành, mộc thanh tắc nhân, hỏa thanh tắc lễ, kim thanh tắc nghĩa, thủy thanh tắc trí, thổ thanh tắc tư. Ngũ khí tận thuần, thánh đức bị dã. Mộc trọc tắc nhược, hỏa trọc tắc dâm, kim trọc tắc bạo, thủy trọc tắc tham, thổ trọc tắc ngoan. Ngũ khí tận trọc, dân chi hạ dã.

(10) Đãn cảm ngũ hành, tại nhân vi ngũ thường. Đắc kì thanh khí bị giả tắc vi thánh nhân, đắc kì trọc khí giản, giả tắc vi ngu nhân. Hàng thánh dĩ hạ, ngu nhân dĩ thượng, sở bẩm hoặc đa hoặc thiểu, bất khả ngôn nhất, cố phân vi cửu đẳng.

(11) Lê Qúy Đôn trong Vân Đài loại ngữ nhận xét: “những bài ca, bài hành, của Nhạc phủ đời Hán, đời Ngụy, còn có ý vị đời cổ. Từ đó về sau, thanh luật bị trói buộc, âm vận bị hạn chế, người có tài còn lo vấp váp, kẻ vô tài khổ về câu nệ, do đó lời thơ ở tự trong tâm phát ra không được thực”. Như vậy có nghĩa rằng ông đề cao phong cách văn học thời Hán Ngụy.

Danh mục website