Đọc Chekhov – sự tiếp nhận đa diện

Chekhov

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thường lưu lại trong trí những độc giả yêu mến Chekhov là hình ảnh một người đàn ông ngoại tứ tuần đầy vẻ đau yếu trong bộ áo sẫm màu, mái tóc và chòm râu điểm bạc, đôi mắt dịu dàng, trầm tư, u sầu nhìn qua cặp kính pince-nez. Đó là hình ảnh được gợi lên từ bức chân dung nổi tiếng do họa sĩ Iosif Braz vẽ vào thời gian cuối đời của nhà văn, được trưng bày trong Viện bảo tàng Tretiakovsky ở Moskva. Bức chân dung phù hợp với một quan niệm khá phổ biến cho rằng Chekhov là một nhà văn chuyên viết những truyện buồn và những vở kịch buồn về những con người bất hạnh, yếu đuối đang sống cuộc đời u ám tẻ nhạt. Bởi vậy khi nói về Chekhov, người ta hay dùng những tính từ như “u buồn”, “bi quan”, “dịu dàng”. Thậm chí cả khi nói đến những bước đột phá của ông trong văn xuôi và kịch, có người cũng phải thêm vào tính từ “hiền lành”, “lịch thiệp”, “dịu dàng” (Ví dụ như bài viết của Simon Karlinsky: Chekhov: The Gentle Subversive (Sự lật đổ dịu dàng), New York, Harper &Row, 1973).

Là một người mới 16 tuổi đã phải chống chọi với đám chủ nợ của gia đình sau khi cha phá sản, phải vật lộn kiếm từng đồng rúp để tự nuôi thân và để học xong trung học, một người vào năm 1890 đã vượt hàng chục ngàn cây số đến đảo Sakhalin để tìm hiểu về chế độ nhà tù Nga hoàng hà khắc, một người luôn quan tâm chữa bệnh, xây trường học cho người nghèo, chiến đấu chống nạn đói, và đến cuối đời dù đang bị bệnh lao hành hạ vẫn không thôi mong ước “nếu tôi có nhiều tiền, tôi sẽ xây một dưỡng đường dành cho các thầy giáo làng”[1]– Chekhov liệu có bằng lòng với cái nhìn của mọi người như vậy về ông? Chekhov không thích bức chân dung mà Braz vẽ. Ông viết cho em gái: “Có cái gì đó không phải là anh trong đó, và có cái gì đó của anh không có trong đó”. Và ông đùa: “Nếu tôi trở thành kẻ bi quan và bắt đầu viết những truyện buồn thì đó là tại bức chân dung”. [2]  

Đúng là Chekhov có những truyện buồn. Ông có tập truyện “Những kẻ ảm đạm” (Хмурые люди), có những truyện nổi tiếng như “Não lòng” (Мука), “Một chuyện tẻ nhạt” (Скучная история)... Nhưng ông không phải là nhà văn của sự bi quan, u buồn. Ông cũng không phải là con người của sự dịu dàng, u buồn, dù cho ông có “nụ cười hiền lành” và “giọng nói buồn buồn” (như trong hồi ức của nhiều người từng gặp ông, trong đó có Gorky). Thực ra về sau cũng có những nhà phê bình chú ý đến Chekhov không hiền lành, dịu dàng mà rất dữ dội, thậm chí “tàn nhẫn”, đến Chekhov không u buồn, bi quan mà còn đầy lạc quan tin tưởng. Về mâu thuẫn này trong sáng tác của Chekhov, hay đúng hơn là trong sự tiếp nhận của người đọc, của giới phê bình đối với sáng tác của Chekhov, nhà thơ V.V.Mayakovsky từ năm 1914 trong bài báo “Hai Chekhov” ( Два Чехова) của mình đã giải thích giản dị: bởi vì Chekhov là nghệ sĩ của ngôn từ. Mayakovsky cho rằng sau Chekhov, các nhà văn không có quyền bảo “không có đề tài để viết”, bởi Chekhov từng nói: “Hãy nhớ rằng chỉ cần có một từ hay, một tên gọi đích đáng nào đó, cốt truyện sẽ tự đến”[3]. Mayakovsky viết bài báo này trong thời kỳ ông là một trong những nhà thơ vị lai chủ nghĩa muốn làm cuộc nổi loạn về ngôn từ trong thơ ca, với ông “không phải tư tưởng làm nảy sinh ngôn từ, mà ngôn từ làm nảy sinh tư tưởng”. Và có lẽ chỉ có ở Chekhov nhà thơ mới thấy hình mẫu lý tưởng của mình[4]. Mayakovsky trong bài viết của mình đã khuyên người đọc: “Nếu như cuốn truyện Chekhov của bạn bị rách nát, thay vì đọc cả truyện ngắn, bạn hãy đọc từng hàng chữ của ông”[5].

Mặc dù trong quan niệm về sáng tác mang tính vị lai chủ nghĩa của Mayakovsky có những điểm cực đoan, nhưng ý kiến của ông về Chekhov gợi cho chúng ta cách nhìn cẩn thận hơn vào sáng tác của nhà văn, cách đọc cẩn thận hơn tác phẩm của ông.

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin dẫn một vài tác phẩm tiêu biểu của Chekhov cần được đọc một cách cẩn thận “từng hàng chữ”, và với cách đọc đó có thể có cái nhìn mới, phát hiện mới về tác phẩm của nhà văn.

Một truyện ngắn nổi tiếng của Chekhov là “Người trong bao” (aЧеловек в футляре). Nhiều nhà phê bình từ trước đến nay khi nói đến tác phẩm này vẫn xem nhân vật viên giáo sư trung học dạy tiếng Hy Lạp cổ tên Belikov là nhân vật chính, là hình tượng trung tâm của tác phẩm thể hiện tính hủ lậu, sự trì trệ, tâm lý sợ hãi cái mới, biến mình thành “người trong bao”. Nhân vật này lúc nào cũng muốn rúc mình vào trong bao: lúc nào cũng đeo kính, đi giầy mưa, che ô, mặc áo choàng kín mít dù là ngày nóng nực; mọi đồ vật từ to đến nhỏ của hắn cũng đều được cất kín trong bao, trong hộp; lúc ở nhà thì luôn ăn uống kiêng khem, luôn cửa đóng then cài... Việc Belikov dạy môn tiếng Hy Lạp cổ cũng là việc rúc vào chiếc bao quá khứ để trốn tránh hiện thực. Rồi hắn luôn sợ hãi: sợ các chỉ thị, sợ thanh tra, sợ cấp trên, sợ cả lũ học trò quậy phá. Đến khi ngoài 40 tuổi, hắn mới nghĩ đến chuyện lấy vợ, nhưng lại sợ xảy ra những điều không may nên băn khoăn lo nghĩ đến xanh xao vàng vọt cả người. Cuối cùng thì hắn chết và dường như chỉ khi nằm trong quan tài hắn mới thỏa nguyện: vĩnh viễn được vào trong bao không bao giờ phải chui ra nữa.

Phải chăng đây đúng là một biểu tượng của tính hủ lậu, của sự tầm thường đáng sợ đã chi phối, áp chế cả ngôi trường trung học suốt mười lăm năm trời? Hay đó đơn thuần chỉ là một bệnh nhân tâm thần đáng thương?

Chekhov là một nhà văn đồng thời là một bác sĩ. Các nhân vật – bệnh nhân trong tác phẩm của ông, đặc biệt là các bệnh nhân tâm thần, xuất hiện không ít. Những truyện nổi tiếng như “Phòng số sáu” (Палата 6), “Tu sĩ mặc đồ đen”(Черный монах)... đều nhắc đến những người mắc chứng hoang tưởng. Gromov trong “Phòng số sáu” luôn sợ có kẻ đến bắt mình, còn Kovrin trong “Tu sĩ mặc đồ đen”thấy mình thành thiên tài, một người được Chúa trời lựa chọn... Nhân vật người tâm thần trong văn chương nói chung thường đáng thương hơn đáng ghét. Dưới con mắt của một bác sĩ như Chekhov, đó còn là đối tượng cần chạy chữa, mà phương thuốc chạy chữa không phải là những căn phòng bệnh như “phòng số 6”, những thứ thuốc như “chất bromur kali”,... mà chính là một đời sống giao tiếp lành mạnh, đầy cảm thông với thế giới xung quanh, đặc biệt là với những con người họ đang chung sống.

Những mô tả bộ dạng, hành vi, cử chỉ của Belikhov đều cho thấy những triệu chứng của căn bệnh tâm thần: ăn mặc kỳ dị, nước da xanh xao vàng vọt, luôn run rẩy sợ hãi, cử chỉ không bình thường, nói năng thiếu mạch lạc,...

Thế nhưng tại sao con người ấy lại có thể “trấn áp tất cả mọi người”, lại có “khuôn mặt con chó sói”, lại là “tên mách lẻo”, ... và nhiều điều đáng sợ, đáng ghét khác?

Hãy lưu ý đến người kể chuyện. “Người trong bao” cùng với “Khóm phúc bồn tư” (Крыжовник), và “Về tình yêu” (О любви) là một bộ ba truyện ngắn với ba chủ đề khác nhau, kết lại bởi một truyện khung là cuộc đi săn của hai người: viên bác sĩ thú y Ivan Ivanych và viên giáo sư trung học Burkin. Họ nghỉ đêm ở trong sàn cỏ của người lý trưởng, hôm sau lại đi từ sáng sớm. Nhưng rồi trời đổ mưa và hai người ghé vào khu trại của địa chủ Alyokhin trú mưa, được đón tiếp ân cần. Và vì trời mưa suốt nên họ ở lại nhà Alyokhin cho đến tận sáng hôm sau. Những người đi săn lúc không có việc gì làm chỉ biết giải sầu bằng những câu chuyện lan man. Anh chàng địa chủ cô độc nơi thôn quê cũng có nhu cầu bộc bạch tâm sự. Và thế là Burkin, Ivan Ivanych, Alyokhin trở thành những người kể chuyện, cộng thêm với người kể chuyện chính tạo thành một dàn “bốn giọng”. Ở Chekhov, những truyện khung, những nhân vật, những chi tiết của truyện khung rất quan trọng đối với sự cảm hiểu tác phẩm (cũng như trong kịch, nhà văn rất lưu tâm đến những chỉ dẫn sân khấu, và nhiều khi ý tưởng chính của đoạn kịch, hoặc có khi cả vở kịch, nằm ở đó chứ không phải ở lời thoại của các nhân vật[6]).

Câu chuyện về anh chàng “trong bao” Belikov là do viên giáo sư trung học Burkin kể lại. Anh ta là đồng nghiệp của Belikov, là một trong số những người tự xem mình là nghiêm chỉnh, chín chắn, đứng đắn, nhưng lại phải sợ hãi, quy phục, chịu đựng Belikov. Và cũng như mọi người, anh ta vừa sợ, vừa ghét Belikov. Câu chuyện được kể lại với giọng đầy ác cảm, vậy thì không thể xem những đánh giá, những nhận xét, những mô tả về Belikov là vô tư khách quan đáng tin cậy được. Mà Burkin, và những người cùng với anh ta (mà anh ta gộp lại thành “chúng tôi”) là những con người như thế nào? Họ luôn sợ hãi: sợ không dám to tiếng, không dám gửi thư từ, không dám bắt bạn làm quen, không dám đọc sách, không dám giúp người nghèo, không dám dạy cho người mù chữ... Họ là những người tọc mạch và ngồi lê đôi mách (nếu không làm sao họ biết tường tận đến thế rằng Belikov ở nhà ăn món gì, rằng phòng ngủ hắn ta nóng và ngột ngạt ra sao, thậm chí Belikov đêm ngủ trông thế nào). Họ còn là những người vô tâm, vô tình, độc ác và thô lỗ. Belikov sống với họ mười lăm năm mà họ không hề để ý là hắn chưa có vợ. Khi xuất hiện cô gái quá thì Varenka, họ mới nghĩ đến chuyện ghép đôi cho Belikov – không phải vì nghĩ đến hạnh phúc cho hắn, mà vì đó là trò đùa giải khuây cho cuộc sống tẻ nhạt vô vị của chính họ. Belikov thất bại trong những cố gắng hòa nhập với mọi người. Hắn thường đến ngồi ở nhà các đồng nghiệp và im lặng hàng một hai giờ đồng hồ rồi bỏ đi. Hắn im lặng để soi mói, để thị uy như Burkin nhận xét, hay đơn giản chỉ là chẳng ai buồn trò chuyện, chẳng ai buồn đáp lại, chẳng ai buồn quan tâm đến nhu cầu được giao tiếp, được chia sẻ của hắn. Belikov có cảm tình với Varenka, có thể một phần do tác động của trò đùa gán ghép, nhưng chủ yếu cô ta là người duy nhất trò chuyện tâm tình với hắn khi hắn viếng thăm. Nhưng rồi cả cô cuối cùng cũng nhẫn tâm cười “ha ha” khi Belikov bị em trai cô đẩy trượt ngã lăn từ thang gác xuống trước mắt cô và những người đàn bà khác. Tâm trạng xấu hổ, sợ dư luận, sợ bị làm trò cười cho thiên hạ, sợ cấp trên cho từ chức,... tất cả đều là lời của Burkin, đều là Burkin và những người như Burkin “suy bụng ta ra bụng người” mà đổ cho Belikov. Còn anh chàng tâm thần Belikov chỉ biết run rẩy trước lũ người đó mà thốt lên: “Có những người sao lại xấu thế, độc ác thế!”

Số phận của những nhân vật tâm thần trong truyện Chekhov luôn bi thảm bởi họ không tìm được sự sẻ chia trong cuộc đời. Belikov cũng vậy, anh ta cuối cùng phải chết trong cô đơn. Vẻ nhẹ nhõm thanh thản của Belikov khi nằm trong quan tài phải chăng là vì anh ta tìm thấy cái bao nhốt mình vĩnh viễn, như Burkin nghĩ, hay là bởi anh ta đã thoát được khỏi cái tầm thường đê hèn của những “kẻ trong bao” đích thực sống quanh anh ta? (Nhân vật Kovrin cuối tác phẩm “Tu sĩ mặc đồ đen” cũng chết với “nụ cười sung sướng còn đọng trên gương mặt” vì được giải thoát, “vì tấm thân anh mảnh dẻ đã không còn có thể dùng làm cái bao cho thiên tài nữa”) Thái độ của những người đưa tiễn Belikov ra sao: tất cả đều có cảm giác “khoái trá” dẫu phải cố giữ vẻ mặt buồn rầu nhũn nhặn, trừ một mình Varenka khóc òa lên khi hạ huyệt (phải chăng vì cô ta chỉ có hai trạng thái: hoặc khóc hoặc cười, hay là vì chỉ duy nhất cô ta mới có chút lòng thương và ân hận về những gì đã xảy đến với Belikov?)

Tóm lại, truyện “Người trong bao” không phải nói về anh chàng Belikov đáng thương bị kết tội oan là hủ lậu, trì trệ, mà là nói về những kẻ tự xem mình là “chín chắn, đứng đắn” đã giết chết một mạng người bằng sự vô tình nhẫn tâm, độc ác của mình, và rồi lại có thể đem câu chuyện đó kể lại để mua vui giết thời gian mà lương tâm không hề bị cắn rứt. Những dòng mô tả ngoại hình của Burkin ở cuối truyện rất đáng chú ý: đó là một người không cao lắm nhưng to béo, đầu hói bóng lì – hẳn đó không phải là hình ảnh của một người có chiều sâu nội tâm. Nếu như câu chuyện Belikov làm cho người bạn đi săn của Burkin là Ivanych xúc động, bực bội về những kẻ “trong bao” đích thực còn đang sống đầy xung quanh, bứt rứt không ngủ được, thì Burkin tránh cuộc bàn luận, hai lần cắt lời bạn, giục đi ngủ và đã thiếp ngủ một cách dễ dàng, nhanh chóng.

Tiến sĩ Đào Tuấn Ảnh trong bài viết “Cách tân nghệ thuật của Anton Chekhov” (Nghiên cứu văn học, 8/2004) có dẫn chi tiết trong truyện vừa “Trong khe núi” của Chekhov: nhân vật Aksinya sau khi đổ nước sôi giết đứa trẻ mới sinh con trai người anh chồng mà vẫn “cười ngây thơ như thường lệ”, và so sánh với Raskolnikov trong “Tội ác và trừng phạt” để thấy sự vạch trần chất dã man, tàn bạo của chủ nghĩa tư bản Nga nơi Chekhov dữ dội không những không kém, mà còn hơn rất nhiều so với sự vạch trần nơi “thiên tài tàn bạo” Dostoevsky. Phân tích của chúng tôi về truyện “Người trong bao” ở trên cũng là một bổ sung cho ý kiến này.

Chekhov có những tác phẩm đọc rất hay, nhưng để hiểu chúng không phải dễ. Người đọc nhiều khi có thể băn khoăn: câu chuyện thật cảm động, nhưng rốt cục nhà văn muốn nói lên điều gì? Ví dụ như “Một chuyện đùa”- một truyện rất ngắn Chekhov viết vào năm 1886. Chàng trai và cô gái là hàng xóm của nhau. Một ngày mùa đông, chàng trai cố thuyết phục cô gái cùng ngồi lên chiếc xe trượt để trượt từ trên ngọn đồi phủ đầy băng tuyết xuống phía dưới. Cô gái sợ hãi, nhưng chàng trai cứ nằn nì, động viên mãi và cô đành chiều theo. Họ cùng trượt xuống, chiếc xe bay vèo như phát đạn, gió quất vào như muốn ngắt đầu khỏi vai. Đúng vào giây phút sợ hãi nhất, chàng trai thầm thì vào tai cô gái: “Nadia, tôi yêu em!” Xuống tới chân dốc, cô gái tái nhợt, thở thoi thóp vì chuyến mạo hiểm kinh hoàng, nhưng lúc hoàn hồn thì nàng trở nên băn khoăn về lời tỏ tình: có không hay nàng nghe nhầm. Cố vượt qua nỗi sợ hãi, nàng đề nghị chàng trai trượt lần nữa. Vẫn tái mét, nàng lẩy bẩy bước lên xe trượt cùng chàng lao xuống, và giữa lúc gió quất, giữa lúc kinh hoàng nhất chàng lại nói: “Nadia, tôi yêu em!” Trò đùa của chàng trai cứ thế tiếp tục những ngày sau đó, cô gái không còn sự bình yên nữa. Nàng không thể sống thiếu các cuộc trượt tuyết. Thực ra nàng vẫn khiếp hãi như trước, nhưng nàng đã nhiễm phải câu tỏ tình và mong khám phá điều bí ẩn đối với nàng: ai đã nói lời yêu nàng: chàng trai hay trận gió. Và có lần, quyết tìm ra bằng được, nàng mạo hiểm trượt một mình. Nhưng nàng có nghe được lời tỏ tình không, có lẽ chính nàng cũng chẳng rõ, vì nỗi sợ hãi khi trượt tuyết một mình đã làm nàng mất khả năng nhận biết mọi âm thanh. Rồi mùa xuân tới, băng tuyết tan, trò chơi trượt tuyết chấm dứt, cô gái ủ sầu, khổ não vì vắng những lời tỏ tình. Chàng trai chuẩn bị lên thủ đô. Trước ngày ra đi, chàng đứng nép bên hàng rào nghé nhìn trộm sang nhà nàng, thấy nàng bước ra hiên, buồn bã. Những cơn gió xuân thổi tới, nàng rướn lên như cầu khẩn, và chàng rình chờ lúc một cơn gió thoảng qua khẽ nói: “Nadia, tôi yêu em!” Cô gái reo lên, bừng sáng, giang hai tay đón cơn gió. Thời gian trôi qua, cô gái lấy chồng, có con. Còn chàng trai, khi đã trở thành một người đứng tuổi, vẫn không hiểu tại sao mình lại nói những câu đùa đó.      

Thông điệp nào nhà văn gửi đến độc giả qua câu chuyện trữ tình, lãng mạn đó? Có nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra. Một nhà phê bình đương thời với Chekhov là A.Basargin khi chú ý đến sự lạ thường của tình huống truyện, đã nêu lên những câu hỏi “bức xúc” cho các độc giả: “... tại sao lại làm cho người khác phải buồn khổ vô ích và tiếc nuối cái không thể có, cho dù chỉ là chuyện đùa (...) Những đau khổ ấy để làm gì? Chơi đùa với tình cảm của người khác để làm gì? Ai cho con người ta cái quyền được làm như thế?” (“Moskovskie vedomosti”, 1900, số 270, ngày 30 tháng 9). Một nhà phê bình khác, A.I.Bordanovich, lại nhận ra âm hưởng trữ tình của tác phẩm như trong một bài thơ, và nhận xét về cái kết của truyện: “...trong đoạn kết dù sao vẫn xuất hiện cảm xúc buồn, như cuộc sống nói chung vẫn buồn như thế, nếu như trong cả cuộc đời, ký ức xúc động nhất và tuyệt vời nhất được lưu giữ lại chỉ là cái trò vớ vẩn của những ngày trẻ tuổi” (“Mir bozhii”, 1900, số 11, tr.92-93)[7]. Theo hai cách khác nhau, cả hai nhà phê bình đều nhìn thấy trong tác phẩm ý nghĩa phê phán, đều nói đến nỗi buồn gợi lên từ tác phẩm: nỗi buồn thương cảm với cô gái, nỗi buồn chê trách sự nhẫn tâm của chàng trai, nỗi buồn tiếc nuối cho cuộc đời một con người trôi đi trong vô vị.

Chúng tôi thử đọc lại “Một chuyện đùa”, cũng theo cách đọc “Người trong bao” ở trên, và thấy từ  tác phẩm này ánh sáng khác, sắc màu khác.

Cũng lại bắt đầu từ  cái “tôi” – người kể chuyện. Nhiều truyện của Chekhov tuy không có truyện khung, nhưng nhà văn thường chú thêm sau nhan đề tác phẩm những từ như: chuyện của một “nhà duy tâm” (“Nhân cách sáng tươi”), chuyện của một họa sĩ (“Ngôi nhà với căn gác nhỏ”), chuyện của một người qua đường (“Rượu sâm banh”), chuyện của người phu xe (“Sự cố”), chuyện của những người chứng kiến (“Những kẻ gian phi”), chuyện của một người cho thuê nhà (“Ngôi nhà cũ”) v.v... “Một chuyện đùa” tuy không có lời chú đó, nhưng những thông tin về quá trình sáng tác cho biết: tác phẩm được nhà văn chỉnh sửa mấy lần. Ban đầu ông cho in truyện ở một tờ tạp chí hài có tên “Dế mèn” (Сверчок) vào năm 1886, bên dưới ký tên là “Người không nước mắt” (Человек без слезенки). Sau đó trước khi đưa vào bản in năm 1899 (của A.F.Mark), ông đã sửa tác phẩm một cách căn bản: nhân vật- người kể chuyện từ một anh chàng sắc sảo lém lỉnh tự tin vào quan niệm sống của mình biến thành một chàng trí thức tinh tế nhưng ít hài lòng về bản thân; kết truyện cũng đổi: thay cho cuộc hôn nhân giữa hai người là việc chàng trai lên thủ đô, cô gái lấy chồng là người khác.[8]

Như vậy, nhân vật “tôi” rất quan trọng đối với việc hiểu tác phẩm. Chúng tôi thử đọc từng câu trong tác phẩm với lưu ý rằng đây là chuyện do nhân vật “tôi” kể, mọi sự  kiện, mọi chi tiết đều được đặt dưới cái nhìn chủ quan của “tôi”. Và kết quả là: những băn khoăn, đau khổ của cô gái, câu hỏi dằn vặt nàng (ai đã tỏ tình, chàng trai hay ngọn gió?), sự cố gắng kiềm chế của nàng để không thốt ra câu: “Không thể đó là gió nói!Và tôi không mong rằng đó là gió nói!”... – tất cả những điều đó đều là sự suy đoán, sự tưởng tượng của chàng trai. Còn cô gái chẳng hề thốt ra câu nào thêm ngoài câu phát biểu cảm tưởng về nỗi sợ hãi sau chuyến trượt đầu tiên (thề không bao giờ trượt nữa), câu đề nghị rụt rè “trượt thêm lần nữa” vài phút sau đó, câu thú nhận ngập ngừng “Tôi... tôi thích trò trượt này” với đề nghị trượt lần thứ ba, và tờ giấy nhắn chàng trai gọi mình đi trượt vào ngày hôm sau. Vì sao cô gái trở nên thích trò trượt tuyết cho dù nó làm nàng sợ đến tái nhợt cả người? Có thể là vì câu đùa “Tôi yêu em” và vì cô gái mong đó là lời tỏ tình của chàng trai (nếu quả là như thế thì cái kết mà Chekhov đã bỏ - hai người lấy nhau – chắc sẽ thích hợp hơn). Nhưng cũng có thể (đây là suy đoán của chúng tôi dựa trên văn bản tác phẩm, dĩ nhiên cũng có phần chủ quan như suy đoán của chàng trai) vì trò chơi đã tạo nên một điều kỳ diệu: giữa lúc lao vào mạo hiểm cô gái khám phá được tình yêu – tình yêu của thiên nhiên, tình yêu của cuộc sống (mà chàng trai bên nàng, cũng trẻ trung, hồn nhiên, trong sáng như chính bản thân nàng, là một phần của cuộc sống đó). Nàng muốn trượt để lần nữa, lần nữa giao hòa vào thiên nhiên rất dữ dội nhưng rất đẹp đẽ, để nghe lời tỏ tình huyền bí từ cuộc sống dành cho nàng. Chính vì vậy mà lần cuối cùng, khi nghe những tiếng “Nadia, tôi yêu em!” mà nàng tưởng là của ngọn gió xuân, nàng đã reo lên vui sướng, rạng rỡ. Niềm hạnh phúc thời con gái hồn nhiên, trong sáng, ngây thơ đó hẳn đáng để nhớ cả đời lắm chứ.

Nhưng cũng có thể cô gái chỉ đơn giản vui thích với trò chơi mà chẳng suy tư gì cả, và có khi cũng chẳng hề nghe thấy lời tỏ tình (Hãy nhớ rằng chàng trai nói vào lúc nàng kinh hoàng nhất trong chuyến mạo hiểm “tưởng như ma quỷ hiện hình gào thét... lôi chúng tôi xuống địa ngục” thì nàng làm gì còn khả năng nghe. Còn lần cuối cùng, chàng trai đứng tận ngoài bờ rào, lại chỉ nói khẽ - вполголоса trong nguyên văn, liệu nàng có nghe thấy không). Và “Một chuyện đùa” như thế sẽ chỉ là câu chuyện tình yêu của một chàng trai dành cho một cô gái trẻ trung, xinh đẹp và thật dễ thương (nàng có yêu chàng không thì không chắc, nhưng chàng trai chắc chắn đã phải lòng nàng, từng câu chữ trong truyện đều nói lên điều đó) . Tuy nhiên, chàng trai, một người trí thức, một người tinh tế, nhưng lại thiếu tự tin, đã không dám thổ lộ trực tiếp với nàng, mà phải mượn lời của gió, mà phải thì thầm từ xa. Thậm chí khi đã trưởng thành hơn, nhớ lại và kể lại, chàng cũng không dám thú nhận tình yêu của mình dành cho nàng, không dám thú nhận cả sự nuối tiếc của mình vì cô gái ấy đã đi lấy người khác, có con với người khác... (Nhân vật này gợi nhớ đến chàng trai trong bài thơ “Người hàng xóm” của Nguyễn Bính).

Dù thế nào đi chăng nữa thì “Một chuyện đùa” vẫn là một truyện ngắn đầy chất lãng mạn tươi sáng về cuộc sống, về tình yêu. Liệu có nên gán cho nó ý nghĩa phê phán xã hội, vẽ lên nó màu sắc u buồn?

Chúng tôi không dám nghĩ rằng cách hiểu của mình về hai tác phẩm “Người trong bao” và “Một chuyện đùa” là đúng như ý đồ sáng tác của Chekhov, lại càng không nghĩ đó là cách hiểu duy nhất đúng. Nhưng nó không phải không có lý.

Khi nói về đặc điểm truyện Chekhov, người ta thường nói đó là “truyện không có truyện” (cũng như kịch của ông là “kịch không có kịch”). Nhưng nếu dựa vào câu nói của Chekhov mà Mayakovsky đã dẫn “chỉ cần có một từ hay, một tên gọi đích đáng nào đó, cốt truyện sẽ tự đến”, và qua phân tích hai tác phẩm trên, có thể thấy ngược lại: truyện của Chekhov là “truyện của rất nhiều truyện”. Nhiều cốt truyện chồng chất trong một truyện, có cái nổi lên trên bề mặt, có cái lặn xuống dưới, vì vậy mà có “văn bản” (текст) và “dưới văn bản” (подтекст), có “dòng chảy ngầm” (подводное течение) dưới mỗi câu từ trong mỗi tác phẩm. Việc khám phá các cốt truyện tùy thuộc vào điểm nhìn của độc giả, vào trường tiếp nhận của độc giả ở những không gian và thời gian khác nhau.

Trở lại với những danh hiệu “ca sĩ của cuộc sống buồn”, “ca sĩ của hoàng hôn”, của “những con người ảm đạm”, “Chekhov dịu dàng”, “Chekhov tàn nhẫn”... mà các nhà phê bình và độc giả đã từng dành cho Chekhov. Có lẽ nhà văn không thích hợp với bất cứ danh hiệu nào, vì ông là tất cả. Ông nổi tiếng với các tập truyện “Trong bóng hoàng hôn”( В сумерках,1887), “Những người ảm đạm”(Хмурые люди, 1890)... nhưng ông nổi tiếng trước tiên với tập “Những truyện sặc sỡ”(Пестрые рассказы, 1886). Tại sao lại “sặc sỡ”? Mayakovsky trong “Hai Chekhov” đã viết về sáng tác của Chekhov trong bối cảnh văn học Nga thế kỷ XIX từ thời đại của Pushkin: “... cái quán nhỏ biến thành một khu chợ ồn ào sặc sỡ. Ùa vào cuộc sống trại ấp bình yên là đám đông của Chekhov với đủ giọng điệu của những vị luật sư, những kẻ thu thuế, những viên quản lý, những người đàn bà và lũ chó nhỏ”[9]. Sáng tác của Chekhov sặc sỡ, đầy âm thanh, màu tối chỉ là một mảng màu trong bức tranh cuộc sống muôn màu, giọng buồn chỉ là một giọng trong dàn đồng ca muôn giọng của cuộc sống.

Chúng tôi mạn phép thêm một hình ảnh so sánh nữa: tác phẩm của Chekhov giống như viên kim cương đa diện lóng lánh, nếu từ một điểm nhìn, ta thấy nó ánh lên màu này, nhưng chỉ chếch đi một chút thôi đã thấy chuyển sang màu khác. Chính vì vậy, có thể có nhiều cách đọc Chekhov, và nếu càng đọc cẩn thận sẽ càng khám phá được nhiều ánh sáng, nhiều màu sắc từ những viên kim cương nhà văn đã tạo nên và tặng lại cho đời.

 



[1] Gorky M. Reminiscenes of Tolstoy, Chekhov & Andreyev, The Viking Press, New York, 1959, tr.69.

[2] Dẫn theo: Troyart H., Chekhov, Translated from the French by Michael Henry Heim, E.P.Dutton, New York, 1973, tr. 211.

[3] Mayakovsky V.V. Hai Chekhov, trong cuốn: A.P. Chekhov: pro et contra. Sáng tác của Chekhov trong tư tưởng Nga cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX. SPb. RKhGI, 2002, tr.969-975. (tài liệu này chúng tôi lấy từ Internet)

[4] Trong “tuyên ngôn” dưới cái tên: “Cái tát vào thị hiếu xã hội”(1912), các nhà thơ vị lai chủ nghĩa, trong đó có Mayakovsky, đã tuyên bố vứt bỏ Pushkin, Dostoevsky, Tolstoy ra khỏi Con tàu Hiện đại, phỉ nhổ hàng loạt nhà văn nhà thơ hiện thực, tượng trưng đương thời: Balmont, Bryusov, Blok, Andreev, Gorky, Bunin, Kuprin, v.v... Chỉ trừ Chekhov không có mặt trong danh sách đó, có nghĩa là chỉ mình Chekhov đi đến với tương lai. Trong “Hai Chekhov”, Mayakovsky viết: “Tôi muốn chào mừng ông một cách trân trọng như một người đến từ triều đại “Các Vua của Ngôn từ”

[5] Mayakovsky V.V. Tài liệu đã dẫn.

[6] Một ví dụ: Tác phẩm “Vườn anh đào” được hoàn tất và công diễn vào thời gian cuối đời của Chekhov. Nhà văn gọi nó là “hài kịch bốn hồi”, nhưng đạo diễn Stanilavsky viết cho Chekhov sau khi đọc vờ kịch: “... đó không phải là hài kịch như anh viết... đó là bi kịch... Tôi đã khóc như một phụ nữ, muốn kìm lại mà không được” (những lời này đã khiến Chekhov rất bực bội). Nhiều người đọc cũng có thể cảm thấy như Stanislavsky. Tuy nhiên, nếu chú ý kỹ các chỉ dẫn sân khấu như nơi phản ánh ý tưởng của tác giả, thì có thể phát hiện rằng ngoài câu chuyện về khu vườn anh đào xinh đẹp của chị em nhà quý tộc phá sản bị bán đấu giá cho một tay tư sản mới lên và bị chặt phá thô bạo để biến thành khu nhà nghỉ, còn có câu chuyện về những kẻ hậu đậu luôn vấp ngã, đánh rơi đánh mất đồ đạc, dở khóc dở cười, nửa thức nửa tỉnh... trước cuộc đời đang đổi thay – và “Vườn anh đào” sẽ lập tức biến thành hài kịch.

[7] Ý kiến của A.Basargin và của A.Bogdanovich được dần theo: A.P.Chekhov, Toàn tập tác phẩm, tập 5, tr.613.

[8] Dần theo: A.P.Chekhov, Toàn tập tác phẩm, tập 5 (phần chú dẫn), Moskva, “Nauka”, 1984, tr.612.

[9] Mayakovsky V.V. Tài liệu đã dẫn.

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website