25042024Thu
Last updateTue, 23 Apr 2024 10am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Sự hình thành, phát triển và một số vấn đề cơ bản trong nghiên cứu văn hóa đại chúng ở Trung Quốc

Tóm tắt: Quá trình nghiên cứu Văn hoá đại chúng (VHĐC) ở Trung Quốc đi theo tiến trình: Giới thiệu dịch thuật lý luận VHĐC nước ngoài → Ứng dụng lý luận VHĐC phương Tây vào nghiên cứu văn hoá Trung Quốc → Xây dựng một hệ thống lý luận VHĐC của Trung Quốc dựa trên cơ sở thực tiễn của văn hoá trong nước. (1) Thời điểm nghiên cứu VHĐC, (2) Tìm hiểu và giải thích nội hàm khái niệm VHĐC, (3) Xác định những đặc trưng của VHĐC, (4) Cơ sở ra đời của VHĐC Trung Quốc, (5) Thái độ và định hướng phát triển VHĐC Trung Quốc – đã và đang là những vấn đề cơ bản trong nghiên cứu và tranh luận về VHĐC ở Trung Quốc.

 

Nghiên cứu VHĐC thực sự mới bắt đầu ở Trung Quốc khoảng hai mươi năm gần đây, nhưng nó đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu. Từ một hiện tượng bị phê phán và ít được chú ý nghiên cứu, dần dần VHĐC đã trở thành điểm nóng, rồi chiếm địa vị chủ đạo trong nghiên cứu văn hoá hiện nay ở Trung Quốc.

1. CƠ SỞ LÝ LUẬN

Nghiên cứu VHĐC là một trong những trào lưu học thuật được nhiều người đặc biệt chú ý, có sức ảnh hưởng lớn ở phương Tây thế kỷ XX. Nó có cơ sở lý luận từ trường phái tinh anh Leavis, lý luận phê phán của trường phái Frankfurt và quan điểm của trường phái Birmingham. Các khuynh hướng nghiên cứu VHĐC ở Trung Quốc ban đầu cũng chủ yếu tiếp nhận và vận dụng lý thuyết của các trường phái này.

Trường phái  Leavis

Frank Raymond Leavis (1895 – 1978) là nhà phê bình văn học nổi tiếng người Anh đầu thế kỷ XX. Nước Anh thời ông sống, văn minh công nghiệp đã phát triển mạnh, kéo theo sự phát triển của nhiều loại hình văn hóa như điện ảnh, tiểu thuyết best seller, quảng cáo… và những thứ này được Leavis gọi là “Văn hóa đại chúng”. Theo ông, đó là loại văn hóa tiêu dùng dành cho đại chúng có trình độ văn hóa thấp và chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ, trong khi đó văn hóa chân chính ngày càng suy yếu. Leavis đã hô hào những người thuộc tầng lớp văn hóa tinh anh đứng lên chống lại VHĐC. Ông đứng trên lập trường quan điểm của chủ nghĩa tinh anh để phê phán và chỉ trích sự “uy hiếp” của VHĐC đối với văn hóa tinh anh. Leavis dùng các tiêu chí của chủ nghĩa hiện đại trong văn học, các tiêu chí của văn hóa tinh anh để đánh giá VHĐC và đi đến kết luận rằng VHĐC không có giá trị văn học hoặc giá trị thẩm mỹ, mở ra trường phái tinh anh (Leavisites) trong nghiên cứu văn hóa.

Trường phái Frankfurt (Đức)

Lý luận văn hóa công nghiệp của trường phái Frankfurt được xem là lý luận cơ sở của VHĐC. Điểm nổi bật của trường phái này là tinh  thần phê phán mạnh mẽ, vì vậy nó còn được gọi là lý luận phê phán. Walter Benjamin, Herbert Marcuse, Theodor Adorno, Max Horkheimer, Leo Lowenthal là những thành viên tiêu biểu của trường phái Frankfurt. Họ cho rằng “tính đại chúng” của VHĐC không phải được quyết định trực tiếp bởi đại chúng, mà nó bị tập đoàn thống trị xã hội chi phối, “tính đại chúng” trong xã hội hiện đại không có quan hệ gì với tính chân thực hoặc nội dung nghệ thuật, “tính đại chúng” của VHĐC nằm ngoài đại chúng, hoàn toàn không phải nảy sinh từ nhu cầu của bản thân đại chúng. Theo họ thì, “tính đại chúng” trong các sản phẩm VHĐC thực ra là một sự lừa dối, khống chế đại chúng một cách công khai của chủ nghĩa cực quyền trong xã hội tư bản thông qua các hoạt động giải trí. Trên cơ sở đó, họ đã triển khai phê phán các đặc trưng của VHĐC: (1) Xu hướng hàng hóa hóa, (2) Xu hướng kỹ thuật hóa, (3) Xu hướng tiêu chuẩn hóa, (4) Xu hướng cưỡng bức hóa.

Trường phái Birmingham (Anh)

Trung tâm nghiên cứu văn hóa đương đại của đại học Birmingham Anh là trường phái đối lập với trường phái Frankfurt về lập trường và phương pháp nghiên cứu. Trường phái này được thành lập năm 1946 với các thành viên tiêu biểu: Raymond Williams, Stuard Hall, Tony Bennett, Janet Wollacott và John Fiske. Họ cho rằng VHĐC có ba đặc trưng: (1) Không mang tính kinh điển, (2) Chú ý tính sáng tạo của người tiêu dùng trong quá trình tiếp nhận sản phẩm văn hóa công nghiệp, (3) Loại bỏ sự khác biệt giữa nghệ thuật cao cấp và VHĐC.

Trường phái Birmingham uốn nắn tinh thần phê phán mạnh mẽ của trường phái Frankfurt và tỏ thái độ lạc quan đối với VHĐC. Họ cũng không đứng trên lập trường của chủ nghĩa tinh anh trong nghiên cứu văn hóa như trường phái Frankfurt, mà cho rằng bất kỳ văn hóa nào hoặc phân tích văn hóa nào cũng đều chịu sự hạn chế bởi những lợi ích đặc thù của nhóm xã hội đặc thù. Trường phái Birmingham mở rộng nội hàm “văn hóa”, chống lại sự phân chia văn hóa cao nhã và văn hóa thấp kém, thủ tiêu địa vị hàng đầu là tiêu chuẩn thẩm mỹ trong sản phẩm văn hóa. Họ cho rằng văn hóa là thực tiễn mà cũng là kinh nghiệm, chủ đề của nghiên cứu văn hóa không chỉ giới hạn trong sản phẩm văn hóa, mà còn là quá trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm văn hóa.

Đến thập niên 70 của thế kỷ XX, Stuart Hall - đại biểu mới của trường phái Birmingham, đã kết hợp lý luận hình thái ý thức của Louis Althusser và lý luận văn hóa bá quyền của Antonio Gramsci, mở ra một hướng nghiên cứu văn hóa mới có ảnh hưởng quan trọng đối với nghiên cứu văn hóa ở Bắc Mỹ và châu Á. Đến thập niên 80, các công trình như Lý giải Văn hóa đại chúng, Tìm hiểu đại chúng, Văn hóa truyền hình, Tìm hiểu truyền hình và Huyền thoại châu Âu của John Fiske có ảnh hưởng sâu rộng đối với các nhà nghiên cứu VHĐC trên thế giới. Lý luận VHĐC của Fiske chú ý đến tính tích cực, chủ động, sáng tạo của đại chúng cũng như tính nghệ thuật và cảm giác thẩm mỹ của đại chúng trong quá trình tiêu dùng sản phẩm VHĐC. John Fiske cho rằng VHĐC không chỉ chú ý đến lợi nhuận công nghiệp, mà còn mang lại lợi ích cho đại chúng. Và ông kết luận: “một loại hàng hóa nào đó nếu muốn trở thành một bộ phận của VHĐC thì nó phải bao gồm trong đó lợi ích của đại chúng”.

2. NGHIÊN CỨU VĂN HÓA ĐẠI CHÚNG VÀO TRUNG QUỐC

2.1. Qúa trình hình thành và phát triển của VHĐC ở Trung Quốc

Có thể chia quá trình hình thành và phát triển của VHĐC ở Trung Quốc thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn tiền đề

Giai đoạn này bắt đầu bằng những ảnh hưởng của VHĐC từ lãnh thổ Đài Loan và Âu Mỹ vào Trung Quốc đại lục. Các ca khúc của Đặng Lệ Quân, các bộ phim: Bến Thượng Hải, Hoắc Nguyên Giáp, phim công phu Lý Tiểu Long, tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, tiểu thuyết tình cảm của Quỳnh Dao… được đón nhận nhiệt liệt và có tác động rất lớn đến tâm lý đại chúng. Tình hình này đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự ra đời của VHĐC tại Trung Quốc.

Cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, xuất hiện hai sự kiện mà sau này được người Trung Quốc thường nhắc đến khi nói về lịch sử VHĐC Trung Quốc. Sự kiện thứ nhất diễn ra vào chiều ngày 28 tháng 1 năm 1979, đài truyền hình Thượng Hải phát một mẩu quảng cáo rượu bổ sâm quế dài 15 phút. Sự kiện thứ hai diễn ra cùng năm, tại nhà khách Đông Phương Quảng Châu với buổi tiệc trà âm nhạc khiến cho sau đó nhiều sàn nhảy và các hoạt động giải trí khác đua nhau nở rộ khắp nơi. Đến giữa thập niên 80 của thế kỷ XX, VHĐC đã thực sự bắt đầu sinh sôi nảy nở trên đất Trung Quốc.

Giai đoạn phát triển

Từ thập niên 90 trở đi, VHĐC Trung Quốc đã xác lập được vị trí và phát triển nhanh chóng. Lúc này nó đã bước vào thị trường văn hóa, nhiều sản phẩm đã lấy giá trị trao đổi và giá trị sử dụng thay cho giá trị thẩm mỹ và giá trị tinh thần, hình thức thường lấn át nội dung và chúng được tuyên truyền quảng cáo rầm rộ. Các loại phim ảnh đại chúng được sản xuất với số lượng lớn và trở thành chủ thể của văn hóa truyền hình Trung Quốc, tác dụng giải trí của chúng được đề cao nhấn mạnh, trong khi tác dụng thẩm mỹ, giáo dục bị đẩy lùi. Địa vị của đại chúng trong sản xuất và tiêu dùng văn hóa đô thị dần dần được nâng cao, số lượng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm VHĐC không ngừng tăng tiến. Các tạp chí phổ thông, sách best seller, karaoke, phim ảnh, nhạc trẻ, thời trang, internet, game, quảng cáo, tin nhắn di động, du lịch, hình ảnh ca sĩ, diễn viên… tràn ngập khắp nơi, không gian văn hóa tiêu dùng bao trùm mọi lĩnh vực và sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, phức tạp, bành trướng của VHĐC đến mức gần như không thể kiểm soát nổi.

2.2. Qúa trình hình thành và phát triển của nghiên cứu VHĐC ở Trung Quốc

Tương tự như sự phát triển của bản thân VHĐC Trung Quốc, quá trình nghiên cứu VHĐC Trung Quốc cũng diễn ra theo 2 giai đoạn cơ bản là: (1) Giai đoạn hình thành, đi từ giới thiệu, dịch thuật đến mượn lý luận của nước ngoài để nghiên cứu VHĐC Trung Quốc; (2) Giai đoạn phát triển, các nhà nghiên cứu văn hoá Trung Quốc nỗ lực tiến tới xây dựng một hệ thống lý luận riêng phù hợp với thực tế VHĐC trong nước.

Giai đoạn hình thành

Từ thập niên 80 về trước, nghiên cứu văn hóa ở Trung Quốc chỉ tập trung vào văn hóa tinh anh, rất ít người quan tâm đến VHĐC. Sang cuối những năm 80 và bắt đầu từ thập niên 90 của thế kỷ XX, tình hình nghiên cứu bắt đầu chuyển biến với những bài viết, chuyên luận đáng chú ý của các nhà nghiên cứu tại lãnh thổ Đài Loan, Hương Cảng: Nghiên cứu văn hóa (Qúy Khiếu Phong, Lý Văn Bác chủ biên), Điều kiện tinh xảo hóa Văn hóa đại chúng hiện đại (Diệp Khải Chính), Đại chúng nước Pháp và sự phân hình VHĐC (Lương Kỳ Tư), Bản chất của Văn hóa đại chúng (Hoàng Đạo Lâm), Phương tiện đại chúng và Văn hóa đại chúng (Lý Tổ Thâm). Chính những nghiên cứu này đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu Trung Hoa đại lục chú ý đến VHĐC.

Cuối những năm 80, đặc biệt là từ những năm 90 của thế kỷ XX, lý luận và thực tiễn nghiên cứu văn hoá phương Tây bắt đầu được du nhập, giới thiệu và vận dụng vào việc nghiên cứu văn hoá ở Trung Quốc. Có thể nói, Chủ nghĩa hậu hiện đại và lý luận văn hoá (bản dịch được xuất bản lần đầu năm 1986) của nhà lý luận văn hoá theo chủ nghĩa Marx người Mỹ: Fredric Jameson và Nhập môn Biện chứng pháp (bản dịch được xuất bản lần đầu năm 1990) của hai nhà nghiên cứu thuộc trường phái Frankfurt: Max Horkheimer và Theodor W. Adorno, là những công trình nghiên cứu và phê bình văn hoá phương Tây sớm nhất được dịch thuật, tiếp nhận ở Trung Quốc. Trong mấy năm đầu, khi mới được dịch và xuất bản, hai công trình kể trên không có tiếng tăm và ảnh hưởng gì đáng kể chỉ có một số nhà nghiên cứu trẻ chú ý. Nhưng từ năm 1992, chúng bắt đầu gây ảnh hưởng rộng rãi. Theo Đào Đông Phong, nguyên nhân là vì bước sang những năm đầu của thập niên 90, văn hoá xã hội Trung Quốc có những biến chuyển lớn lao, đặc biệt là sự nổi dậy của thị trường hoá, thế tục hoá và VHĐC khiến cho người ta nhận thấy được sự hấp dẫn, cần thiết của lý luận nghiên cứu văn hoá. Lúc này các nhà nghiên cứu Trung Quốc thấy rằng cần phải mượn lý luận của các nước Âu Mỹ để phân tích và giải thích sự bùng lên của VHĐC trong nước.

Từ đầu thập niên 90, Trung Quốc cải cách mở cửa, kinh tế thị trường phát triển nhanh chóng, do đó văn hoá thị trường và văn hoá công nghiệp, VHĐC cũng nổi lên mạnh mẽ. Nhiều người trước đây làm công tác nghiên cứu văn học, nghệ thuật đã chuyển hướng sang nghiên cứu văn hoá, theo quan điểm và phương pháp nghiên cứu văn học. Ngược lại, cũng có những người vận dụng phương thức nghiên cứu văn hoá vào trong nghiên cứu văn học, tạo ra khuynh hướng liên ngành trong nghiên cứu.

Năm 1991, trên tờ Thượng Hải văn luận có một số bài viết về văn nghệ đại chúng, ở đây chưa xuất hiện khái niệm “Văn hóa đại chúng”, nhưng các bài viết đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến VHĐC như: cơ chế, đặc điểm, quy luật nghệ thuật, sản xuất, lưu thông, phương  thức tiêu dùng. Năm 1992, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã bắt đầu vận dụng lý luận văn hóa công nghiệp của trường phái Frankfurt để phê phán VHĐC, họ cũng đứng trên lập trường chủ nghĩa tinh anh để phê phán những đặc trưng hàng hóa, tiêu chuẩn, công thức, ngụy cá tính, phản nghệ thuật, chỉ chú trọng số lượng của VHĐC và chỉ trích những ảnh hưởng hưởng tiêu cực của VHĐC đối với văn hóa xã hội Trung Quốc. Hoàng Lực Chi với bài Suy nghĩ về văn hóa công nghiệp được xem là người mở ra trào lưu nghiên cứu mới trong văn hóa; tiếp sau đó là Đào Đông Phong với bài Phê phán văn hóa đại chúng đương đại, Văn nghệ ra sao trong kinh tế thị trường, Thời đại của văn hóa đại chúng và sự suy tàn của khả năng tưởng tượng, Thử bàn về văn hóa công nghiệp đương đại vận dụng lý luận của trường phái Frankfurt tiến hành phê phán VHĐC. Người phê phán VHĐC mạnh mẽ nhất là Trương Nhữ Luân với bài Bàn về Văn hóa đại chúng (trên tờ Phúc Đán học báo, số 3 – 1994), ở đây tác giả đã bàn về khái niệm “Văn hóa đại chúng”, Trương Nhữ Luân cho rằng “thực ra VHĐC là một loại văn hóa công nghiệp, mà ở đó nguyên tắc thương nghiệp thay thế cho nguyên tắc nghệ thuật, yêu cầu thị trường thay thế cho yêu cầu tinh  thần, khiến cho VHĐC trở nên tầm thường và mang tính phụ họa”.

Nhưng cũng từ thời gian này, các lý luận nghiên cứu văn hóa khác từ phương Tây đã du nhập Trung Quốc, tạo nên sự đa dạng trong nghiên cứu văn hóa ở đại lục. Người ta đã thấy được tính lịch sử tất yếu và giá trị của VHĐC, như Kim Nguyên Phố với bài Thử bàn về văn hóa công nghiệp đương đại hay Phan Tri Thường với bài Văn hóa công nghiệp: sự thách thức mới đối với mỹ học (trên tờ Văn nghệ bình luận, số 4 – 1994). Cũng trong năm này, trên tờ Đông phương (số 5) diễn ra cuộc đối thoại giữa Lý Trạch Hậu và Vương Đức Thắng, ở đây Lý Trạch Hậu cho rằng hiện nay tầng lớp trí thức phải bắt tay với VHĐC và sự liên minh này sẽ có hai tác dụng: thứ nhất loại trừ hình thái ý thức chính thống, thứ hai là hướng dẫn VHĐC đi theo hướng lành mạnh.

Năm 1996, công trình Văn hóa đại chúng và xã hội lý tưởng đương đại của Trần Cương được xuất bản. Trong công trình này tác giả đã khảo sát sự thay đổi của người tiêu dùng đối với VHĐC trong bối cảnh cải cách về thể chế chính trị và sự chuyển hình của xã hội Trung Quốc đương đại. Ông cũng chỉ ra rằng VHĐC bị chỉ trích mạnh mẽ vì lúc đó văn hóa công nghiệp là dòng văn hóa chính của Trung Quốc. Nhưng sau đó, kinh tế thị trường phát triển và đại chúng trở thành chủ nhân của thời đại mới cho nên VHĐC đã trở thành văn hóa chủ lưu và chính danh.

Giai đoạn phát triển

Bắt đầu từ năm 1999, giới nghiên cứu văn hóa Trung Quốc dần dần thoát khỏi sự “kiềm tỏa” của lý luận VHĐC phương Tây và bắt đầu cố gắng xây dựng một lý luận VHĐC Trung Quốc. Chẳng hạn như Đới Cẩm Hoa với công trình Nghiên cứu văn hóa Trung Quốc những năm 90 đã phác họa lại con đường nghiên cứu văn hóa ở Trung Quốc, theo diễn trình: bắt đầu từ Anh (trường phái Birmingham, nhìn nhận lại văn hóa của giai cấp công nhân) → Mỹ (lý thuyết đa nguyên văn hóa, lý luận hậu thực dân, không gian công cộng, nghiên cứu giới tính…) → Thực tiễn nghiên cứu văn hóa ở khu vực Asia (Trung Quốc). Đới Cẩm Hoa đã giải thích hiện tượng phong phú và phức tạp của văn hóa Trung Quốc từ cơ sở đó. Tiếp theo sau là Vương Nhất Xuyên với bài Văn hóa đại chúng đương đại và khoa học Văn hóa đại chúng Trung Quốc kêu gọi xây dựng một lý luận VHĐC phù hợp với tình hình thực tế của Trung Quốc.

Từ năm 2000, nhiều công trình nghiên cứu về VHĐC, bao gồm cả dịch thuật, đã được xuất bản. Ví dụ: Văn hóa đại chúng và các kênh truyền bá của Lục Dương và Vương Nghị, Giáo trình nghiên cứu văn hóa do La Cương và Lưu Tượng Ngu chủ biên, Nghiên cứu Văn hóa đại chúng do Vương Nghị tuyển biên và công trình dịch thuật Nghiên cứu tính hiện đại do Chu Hiến và Hứa Quân chủ biên giới thiệu các thành tựu nghiên cứu VHĐC đương đại phương Tây.

Thời gian này, nghiên cứu VHĐC trong thực tiễn Trung Quốc cũng được chú trọng. Tờ Nghiên cứu văn hóa do Đào Đông Phong, Kim Nguyên Phố và Cao Bính Trung chủ biên đã trở thành nơi công bố các nghiên cứu VHĐC của người Trung Quốc.

Nhìn lại hành trình của nghiên cứu văn hóa ở Trung Quốc, có thể thấy rằng sự quan tâm của giới nghiên cứu văn hóa Trung Quốc đã chuyển từ văn hóa tinh anh sang VHĐC, người ta cũng chú ý nhiều đến tinh thần nhân văn. Đồng thời giới nghiên cứu văn hóa Trung Quốc cũng dần dần thoát khỏi sự cứng nhắc trong lý luận văn hóa công nghiệp của trường phái Frankfurt, tiếp cận với các thành tựu lý luận khác từ phương Tây để xây dựng nên hệ thống lý luận mang tính độc lập phù hợp với thực tiễn văn hóa Trung Quốc. Phạm vi nghiên cứu cũng được liên tục mở rộng, từ nhạc trẻ, tiểu thuyết best seller, phim ảnh sang tất cả các thể loại, hiện tượng có liên quan đến VHĐC. Với sự hỗ trợ của các lý thuyết về truyền bá, giao thoa, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã mở ra nhiều hướng mới trong nghiên cứu VHĐC.

3. NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN TRONG NGHIÊN CỨU VÀ TRANH LUẬN VỀ VĂN HOÁ ĐẠI CHÚNG Ở TRUNG QUỐC

Trong quá suốt quá trình hình thành và phát triển, nhiều vấn đề của VHĐC đã được đặt ra cho giới nghiên cứu Trung Quốc. Trong đó có một số vấn đề luôn được các học giả quan tâm chú ý.

Vấn đề: Thời điểm bắt đầu nghiên cứu VHĐC ở Trung Quốc

Nghiên cứu VHĐC ở Trung Quốc bắt đầu từ bao giờ? Vấn đề này cho đến nay vẫn là một điểm nóng gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu. Nhiều học giả đã đặt ra câu hỏi: Phải chăng phong trào văn học bình dân thời Ngũ Tứ (1919), hay phong trào đại chúng hoá văn nghệ những năm 1930 là một ví dụ cho thấy Trung Quốc đã đi vào VHĐC? Phải chăng bài nói chuyện của Mao Trạch Đông ở Diên An về việc “đại chúng hoá văn nghệ” là một ví dụ về lý luận của VHĐC ở Trung Quốc?

Trong quyển Văn nghệ đại chúng, Diệp Chí Lương chia sự phát triển của VHĐC Trung Quốc làm ba giai đoạn: (1) Phong trào văn học bình dân thời Ngũ Tứ là thời kỳ gieo hạt, khởi đầu của VHĐC Trung Quốc; (2) Phong trào đại chúng hoá văn nghệ thập niên 30 của thế kỷ XX là thời kỳ nảy mầm của VHĐC Trung Quốc, thành quả đầu tiên là lý luận VHĐC của Mao Trạch Đông; (3) Từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX là thời kỳ ra đời và phát triển thực sự của VHĐC Trung Quốc. Đến giữa thập niên 90 đã bước đầu hình thành đặc trưng của VHĐC Trung Quốc.

Nhưng quan điểm trên của Diệp Chí Lương bị phần lớn các nhà nghiên cứu khác phản đối. Họ cho rằng VHĐC Trung Quốc chỉ thực sự bắt đầu ở thập niên 80 của thế kỷ XX, đánh dấu bằng sự kiện nhạc trẻ, tiểu thuyết bình dân và phim ảnh từ lãnh thổ Đài Loan, Hương Cảng qua đại lục tạo cơ sở cho sự hình thành VHĐC Trung Quốc và đến thập niên 90 thì VHĐC đã tác động toàn diện đến xã hội, xác lập địa vị chủ lưu trong văn hoá.

Vấn đề: Tìm hiểu và giải thích nội hàm khái niệm “Văn hóa đại chúng”

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng không đạt được sự thống nhất trong việc trả lời cho câu hỏi: “Văn hóa đại chúng là gì?”. Thậm chí với nhiều người, cách hiểu về khái niệm “Văn hóa đại chúng” còn khá mơ hồ, cho nên có người dịch thành “Mass Culture”, có người dịch thành “Popular Culture”. Ban đầu, phần đông các nhà nghiên cứu Trung Quốc đều thiên về cách hiểu cho rằng “VHĐC là một loại hình thái ý thức của thời đại công nghiệp” của triết gia người Pháp: Louis Althusser (1918 - 1990). Song loại hình thái ý thức ấy là gì thì không mấy ai hiểu rõ. Bởi vậy khi lý luận VHĐC chuyển hướng theo các trường phái Anh Mỹ, thì người Trung Quốc đã phải nhìn nhận lại nhiều vấn đề.

Tháng 7 – 2004, Kim Nguyên Phố công bố bài Định nghĩa Văn hóa đại chúng. Trong đó ông cho rằng, VHĐC hiện nay là một phạm trù đặc biệt, là hình thái văn hoá đương đại, chủ yếu phát triển ở đô thị đương đại và có quan hệ mật thiết với đại công nghiệp đương đại, lấy môi giới truyền bá toàn cầu (đặc biệt là kênh điện tử) làm phương tiện truyền bá.

Trong bài Nghiên cứu khái niệm Văn hóa đại chúng, Kim Nguyên Phố đã tổng hợp và giới thiệu 11 định nghĩa như sau về  VHĐC: (1) VHĐC là văn hóa được đón nhận rộng rãi hoặc được nhiều người yêu thích; (2) VHĐC là tất cả văn hóa dân gian đến từ nơi công cộng chứ không phải đến từ nơi tôn nghiêm; (3) VHĐC là văn hóa của giai cấp vô sản, có tính cách mạng, phổ cập hướng về công nông binh; (4) VHĐC là hình thái ý  thức quốc gia của giai cấp tư sản, là một loại văn hóa lấy các sản phẩm văn hóa công nghiệp với sự tiêu chuẩn hóa, cũ kỹ, bảo thủ, giả dối, phù phiếm ảo tưởng, bị lũng đoạn làm tiêu chí; (5) VHĐC là văn hóa thứ cấp hoặc văn hóa dư thừa, tức là bộ phận văn hóa còn lại sau khi đã trừ đi văn hóa cao nhã; (6) VHĐC là văn hóa thương nghiệp tiêu dùng, tức là loại văn hóa được sản xuất với số lượng lớn theo thị hiếu quần chúng, vì mục đích thương nghiệp; (7) VHĐC là tên gọi của văn hóa Mỹ hoặc hình thái ý thức nghệ thuật đại chúng của Mỹ. Người châu Âu nói VHĐC  thường là chỉ văn hóa bình dân “không chịu an phận” “riêng có” của Mỹ, là loại văn hóa từ Mỹ truyền bá sang các nước khác trên thế giới. Nước Mỹ là “ngôi nhà” của VHĐC, VHĐC ở đây có quy mô lớn nhất, nó có tính “dự báo” về sự “tiêu vong” của văn hóa quý tộc già cỗi; (8) VHĐC là văn hóa hình thành và sản sinh thông qua sự chỉ đạo về tinh thần và đạo đức của tập đoàn thống trị xã hội và được tập đoàn thống trị xã hội tán đồng; (9) VHĐC là văn hóa đến từ nhân dân, là một loại văn hóa dân gian được quần chúng nhân dân tích cực sáng tạo đáp ứng cho nhu cầu của họ; (10) VHĐC là hình thức văn hóa đương đại hình thành ở thời hậu hiện đại sau khi loại bỏ đi sự khác biệt giữa văn hóa cao nhã và văn hóa bình dân. Là loại văn hóa không phân biệt cao nhã và bình dân. Văn hóa tinh anh theo ý nghĩa ban đầu chấm dứt, thay vào đó là sự thẩm thấu hoặc giao thoa toàn diện giữa kinh tế, chính trị, khoa học kỹ thuật, thương mại và văn hóa; (11) VHĐC là loại văn hóa toàn cầu hóa, thời gian và sự kiện được truyền bá đồng bộ trên toàn thế giới thông qua kỹ thuật khoa học điện tử đương đại.

Trong bài viết Văn hóa đại chúng đương đại và khoa học Văn hóa đại chúng Trung Quốc, Vương Nhất Xuyên cho rằng định nghĩa VHĐC cần chú ý tới bốn vấn đề: (1) Thứ nhất, VHĐC hoàn toàn không phải là hiện tượng đi kèm với tất cả các hình thái xã hội, mà chỉ là hình thái văn hoá xuất hiện trong văn minh công nghiệp, vận hành theo quy luật của hàng hoá thị trường; (2) Thứ hai, VHĐC là sản phẩm của xã hội đô thị hoá, đối tượng của chủ yếu của nó là thị dân; (3) Thứ ba, VHĐC mang tính vui vẻ cảm tính đối lập với tính đấu tranh quyền lực chính trị hoặc đấu tranh tư tưởng; (4) Thứ tư, VHĐC không phải là cái thần thánh cao siêu, mà là cái đời thường.

Sau đó, Vương Nhất Xuyên cũng giới thiệu 6 định nghĩa về VHĐC kèm theo những phê phán về tính hợp lý cũng như tính phiến diện trong mỗi định nghĩa của nhà nghiên cứu John Storey trong công trình An Introduction to Cultural Theory and Popular Culture (1998): (1) Là văn hóa được rất nhiều người yêu thích, định nghĩa này nhấn mạnh đến ưu thế tuyệt đối về mặt số lượng, nhưng không suy nghĩ về giá trị; (2) Là văn hóa còn lại sau khi xác định được văn hóa cao nhã (high culture), định nghĩa này chú trọng đến sự phân biệt rõ ràng giữa VHĐC và văn hóa cao nhã, nhưng xem nhẹ mối quan hệ phức tạp giữa chúng với nhau; (3) Là văn hóa quần chúng (mass culture) mang màu sắc thương mại, ít tính phân biệt và được nhiều người tiêu dùng, định nghĩa này lý giải VHĐC từ việc phê phán hoặc phủ định ý nghĩa của nó, mà không chú ý đến ý nghĩa tích cực có thể của nó; (4) Là văn hóa của nhân dân, vì nhân dân (culture of the people for the people), định nghĩa này nhấn mạnh đến tính chủ động sáng tạo của “nhân dân”, nhưng chưa chỉ ra được những hạn chế bên trong của ngữ cảnh văn hóa mà loại sáng tạo này phải chịu; (5) Là nơi đấu tranh giữa nhóm thống trị và các nhóm tòng thuộc trong xã hội, định nghĩa này không lý giải VHĐC như một thực thể, mà lý giải nó như sự đấu tranh giữa các nhóm xã hội, nhưng không chú trọng sự thỏa hiệp của các bên; (6) Là loại văn hoá mang ý nghĩa hậu hiện đại sau khi đã phá vỡ giới hạn giữa văn hóa cao nhã và VHĐC, định nghĩa này nêu bật được xu thế giao thoa, thẩm thấu lẫn nhau giữa văn hóa cao nhã và VHĐC gần đây, nhưng có khả năng vì vậy mà xóa mất tính khác biệt giữa chúng.

Vấn đề định nghĩa VHĐC, như các bài Sự suy yếu của văn hoá tinh anh và sự lớn mạnh của Văn hóa đại chúng (Trần Cương); Văn hóa đại chúng: Khái niệm - ngữ cảnh và vấn đề (Lý Phụng Lượng); Về sự phân biệt tính chất và khái niệm Văn hóa đại chúng (Quý Thuỷ Hà); Văn hoá tinh anh và Văn hóa đại chúng (Cao Hồng Phúc)… thể hiện những cách nhìn khác nhau về đặc điểm, tác dụng, ảnh hưởng và tiền đồ phát triển của VHĐC. Tuy cũng có không ít ý kiến phê bình chỉ trích đối với VHĐC (ví dụ các bài viết trong quyển Văn hóa đại chúng và lý tưởng đương đại, Nxb. Tác gia, 1996), nhưng lý luận VHĐC Trung Quốc vẫn từng bước được hình thành.

Đồng thời, thông qua việc giới thiệu và tìm hiểu, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng thể hiện quan điểm của mình trong việc chọn lựa những định nghĩa “Văn hóa đại chúng” mà họ cho là hợp lý, hoặc cố gắng đưa ra những định nghĩa riêng. Ví dụ dựa trên việc xác định các cơ sở của VHĐC, nhà nghiên cứu Vương Nhất Xuyên đã định nghĩa VHĐC như sau: “VHĐC là hình thái văn hóa thường nhật, có phương tiện truyền bá đại chúng (máy móc điện tử), vận hành theo quy luật thị trường hàng hóa, mục đích là mang lại cho đông đảo thị dân sự vui vẻ cảm tính”. Ông giải thích thêm: Như vậy, thơ đại chúng, tiểu thuyết đăng dài kỳ trên báo chí, sách best seller, nhạc trẻ, kịch truyền hình, điện ảnh, quảng cáo là những sản phẩm thuộc về VHĐC. Định nghĩa trên cũng khu biệt VHĐC với một số khái niệm tương quan như văn hóa dân gian, văn hóa cao nhã. VHĐC và văn hóa dân gian đều có đặc điểm chung là dễ hiểu và được tiêu thụ với số lượng lớn, nhưng văn hóa dân gian xưa nay tồn tại trong văn hóa bình dân mang tính tự phát của truyền thống dân gian, còn VHĐC chỉ là hình thái văn hóa thị dân ra đời trong tiến trình đô thị hóa và công nghiệp hóa hiện đại. Ngày nay, văn hóa dân gian và VHĐC hình thành nên mối quan hệ đa dạng phức tạp. Văn hóa cao nhã (high culture) cũng như văn hóa tinh anh (elite culture) cùng tồn tại ở đô thị giống VHĐC, nhưng đối tượng của văn hóa cao nhã/ văn hóa tinh anh là thiểu số những người có trình độ thẩm mỹ tương đối cao như tầng lớp trí thức và mục đích của nó là thể hiện cảm hứng thẩm mỹ, đánh giá giá trị và thể hiện vai trò lịch sử của họ.

Vấn đề: Xác định những đặc trưng của VHĐC

Đây là một trong những vấn đề trọng tâm của nghiên cứu VHĐC, được nhiều người quan tâm tìm hiểu nghiên cứu và tranh luận. Trong bài Văn hóa đại chúng đương đại và khoa học Văn hóa đại chúng Trung Quốc, tác giả Vương Nhất Xuyên đã dẫn ra 5 đặc trưng của VHĐC: (1) Được sản xuất với số lượng lớn, được đông đảo quần chúng ưa thích; (2) Có  tính phổ biến và tính công thức; (3) Không chú trọng đến cái “điển hình” hay “cá tính” như văn hóa cao nhã; (4) Có tính giải trí hằng ngày; (5) Có tính vui vẻ. Những tác phẩm VHĐC dù có kết thúc là bi hoặc hài, đều luôn hướng tới hiệu quả vui vẻ trên nghĩa rộng, thỏa mãn nhu cầu giải trí hoặc nghỉ ngơi của công chúng tiêu dùng.

Trong khi đó, Đàm Tác Kiện trong bài Làm thế nào để phát triển Văn hóa đại chúng đương đại kê ra bảy đặc trưng của VHĐC: (1) Nội hàm văn hóa được bản địa hóa. Bởi Trung Quốc có cơ sở truyền thống văn hóa lâu đời, cho nên quá trình sinh tồn và phát triển của VHĐC luôn gắn với các nhân tố truyền thống. Trí thức Trung Quốc từ xưa đến nay luôn có ý thức xã hội và họ đã đưa tinh thần nhân văn, giáo dục vào VHĐC, hình thành nên nội hàm VHĐC mang đặc sắc Trung Quốc; (2) Sự phồn vinh của VHĐC đương đại có quan hệ mật thiết với khoa học kỹ thuật hiện đại. Việc sản xuất, truyền bá, mua bán các sản phẩm văn hóa đều ứng dụng rộng rãi các thành tựu của khoa học kỹ thuật hiện đại; (3) Có khuynh hướng giải trí. Tác dụng chủ yếu của VHĐC là tiêu khiển giải trí, bởi vậy, những sản phẩm văn hóa giải tỏa những căng thẳng, áp lực, buồn phiền… cho con người mới được công chúng ưa thích; (4) Mang tính thế tục. Văn hóa đáp ứng thị hiếu giải trí cảm tính của đại chúng sẽ dẫn tới sự nghèo nàn về nội hàm tinh thần và sự dung tục về hình thức. Sự tiêu chuẩn hóa, quy phạm hóa trong quá trình sản xuất và số lượng sản xuất lớn làm mất đi tính độc đáo của sản phẩm; (5) Khác với tính tự phát, tính tập thể, tính phi công lợi của văn hóa dân gian hay văn hóa bình dân truyền thống, VHĐC là sản phẩm của kinh tế thị trường, chịu những quy định của thị trường và nó cũng phải tuân thủ theo quy tắc thương mại; (6) Có tính công nghiệp hóa. VHĐC có hệ thống sản xuất, quảng bá và mua bán với quy mô lớn. Nó đã trở thành ngành công nghiệp quan trọng của quốc gia, hiện tại có một số trường đại học đã mở các khoa văn hóa công nghiệp; (7) “Ăn nhanh”. Mục đích lợi nhuận thương mại của VHĐC tất yếu dẫn đến yêu cầu nguồn tiêu thụ sâu rộng, trong khi thị hiếu của người tiêu dùng lại luôn thay đổi, dẫn đến VHĐC có đặc trưng “ăn nhanh”, tức là thỏa mãn thị hiếu của đại chúng trong một thời gian ngắn.

Trong số 7 đặc trưng của VHĐC mà Lý Xuân Hoa đưa ra trong tác phẩm Hàm nghĩa cơ bản của Văn hóa đại chúng, có nhiều điểm tương đồng với Đàm Tác Kiện. Tuy nhiên, cách lý giải ở đây lại có nhiều điểm khác biệt đáng chú ý.

(1) Tính hiện đại. VHĐC ra đời trong thời công nghiệp hóa hiện đại, là sản phẩm của xã hội công nghiệp hiện đại. Vì vậy nó khác với văn hóa dân gian tiền công nghiệp và các hình thức văn hóa khác; (2) Tính thương mại. VHĐC là một loại văn hóa thương mại điển hình. Khoa học kỹ  thuật hiện đại là phương tiện quan trọng trong sản xuất và tiêu dùng VHĐC, nó khiến cho VHĐC nhanh chóng được truyền bá rộng rãi trong một thời gian ngắn. Thực tiễn VHĐC phương Tây đã chứng tỏ rằng, giữa VHĐC và thị trường tồn tại một mối quan hệ mật thiết tự nhiên, trong đó tính hàng hóa nổi bật. Trong quá trình lưu chuyển, VHĐC cũng thể hiện rõ mục đích công lợi. VHĐC hình thành trong quá trình mở rộng thị trường hóa của thời đại công nghiệp và thị trường là môi trường thử thách nó, tiêu dùng càng nhiều thì đại chúng hóa càng mạnh; (3) Tính thế tục. VHĐC hướng về cuộc sống đời thường, mà bản chất của nó là một loại văn hóa thị dân, nguyên tắc cơ bản của nó cũng chính là thỏa mãn những nhu cầu bình thường của đại chúng. Làm vừa lòng đại chúng là yêu cầu giá trị quan trọng của VHĐC. Trên hình thức biểu hiện, VHĐC đả phá kiểu “tự sự anh hùng” hoặc “tự sự hoành tráng” trong văn hóa cũ và nó xây dựng kiểu “tự sự đời thường”, chú ý đến các hiện tượng bình nhật trong đời sống của đại chúng. VHĐC có nhiều khác biệt so với tính tinh thần cá thể của văn hóa cao nhã. Sự tiếp nhận VHĐC như quảng cáo, phim truyền hình, nhạc trẻ, thời trang, sách best seller… diễn ra trong môi trường cuộc sống hàng ngày. Tính đời thường có thể khiến nghệ thuật gần gũi với đại chúng, nhưng mặt khác nó cũng dễ khiến nghệ thuật sa vào sự dung tục tầm thường; (4) Tính hạn định về thời gian (thời hiệu). Nếu như nói tính thế tục đời thường là đặc trưng biểu hiện không gian của VHĐC, thì thì tính hạn định về thời gian là đặc trưng biểu hiện thời gian của VHĐC. VHĐC vừa phải hợp thời vừa phải tạo ra hiệu quả to lớn, đặc biệt phải dựa vào điện ảnh, truyền hình làm phương tiện truyền bá, điều này càng nhấn mạnh hơn đến tính hạn định về thời gian của VHĐC. Hình thức của một loại VHĐC nào đó ban đầu thường là tiếp thu một số đặc điểm của văn hóa cao nhã và văn hóa dân gian để công chúng chú ý và ưa thích. Nhưng khi đã được công chúng tiếp nhận, thì nó sẽ  mô phỏng, lặp lại, mất đi tính mới mẻ ban đầu và cũng từ đó mà mất đi giá trị lưu hành vì không thu hút được sự quan tâm chú ý của công chúng nữa, buộc nó phải tìm kiếm một hình thức khác thay thế. Điều này là không thể tránh vì đó chính là quy luật về tính hạn định về thời gian của VHĐC; (5) Tính giải trí. Nội dung chủ yếu của VHĐC là cảm giác, cảm xúc và các hành vi sinh hoạt hằng ngày, vì vậy nó đặc biệt chú ý đến hiệu quả giải trí cảm quan của đại chúng. VHĐC kích thích và làm thỏa mãn những nhu cầu cảm tính của con người, hướng dẫn con người tiêu khiển, vui chơi, giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống; (6) Tính ảnh hưởng rộng lớn. Số lượng thông tin lớn và số lượng người tiêu dùng lớn đã tạo nên sức ảnh hưởng to lớn của VHĐC; (7) Những cảnh thường xuất hiện trong các bộ phim như: người tốt – người xấu, tình nhân – tình địch, thuận cảnh chuyển sang nghịch cảnh hoặc ngược lại… phần lớn đã được “đóng” trong một loại hình cố định. Nó khác với việc chú trọng đến cái “điển hình”, cái “cá tính” trong văn hóa cao nhã.

Vấn đề: Cơ sở ra đời của VHĐC Trung Quốc

Văn hóa đại chúng xuất hiện không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên, càng không phải chỉ do ảnh hưởng ngoại lai hay chỉ do các nhân tố bên trong của Trung Quốc quy định. Mà sự hình thành và phát triển của VHĐC Trung Quốc là kết quả của cả sự tác động bên ngoài lẫn các nhân tố nội sinh bản thổ.

Vương Nhất Xuyên cho rằng có 3 nhân tố cơ bản đưa đến sự ra đời của VHĐC Trung Quốc: (1) Ảnh hưởng của VHĐC ngoại lai, tức là VHĐC đến từ Đài Loan, Hương Cảng và các nước Âu Mỹ xâm nhập thành thị Trung Quốc. Đặng Lệ Quân, Lý Tiểu Long, tiểu thuyết của Quỳnh Dao và Kim Dung, các bộ phim Tam Tiếu, Người đến từ lòng Đại Tây dương… đã thể hiện một không khí văn hóa giải trí mới trước mắt người Đại lục. Và không khí văn hóa ấy càng ngày càng được người ta yêu thích, kết quả tất yếu là để đáp ứng nhu cầu của mình, người Trung Quốc đã sản xuất mô phỏng theo các sản phẩm VHĐC du nhập ấy; (2) Sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, máy tính, internet; (3) Ngay bản thân văn hóa cao nhã cũng phải điều chỉnh chính nó cho phù hợp hơn với thời đại mới.

Còn theo Lý Xuân Hoa thì cơ sở ra đời của VHĐC thể hiện ở 4 nhân tố: (1) Chính sách cải cách mở cửa đưa Trung Quốc già nua cũ kỹ hội nhập phong trào toàn cầu hóa; (2) Sự phát triển của kinh tế thị trường. Đầu những năm 90, Trung Quốc chính thức xác nhận tính chất của nền kinh tế xã hội đương đại Trung Quốc là “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”. Tính tư bản bị kiềm chế bấy lâu nay ở Trung Quốc được giải phóng, một mặt nó nắm bắt nhu cầu, thị hiếu giải trí của đại chúng để thu lợi nhuận; mặt khác nó cũng mở ra, thậm chí là tạo ra tầm đón đợi tiêu dùng của đại chúng; (3) Sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng. Phương tiện truyền thông của con người đến nay đã phát triển qua ba giai đoạn: văn hóa truyền khẩu, văn hóa in ấn và văn hóa điện tử. Phương  tiện truyền thông hiện đại đã mở ra một thế giới mới, các thông tin không còn bị một số ít người lũng đoạn mà văn hóa lúc này thực sự trở thành văn hóa bình dân bởi tính phổ biến và tính dân chủ. Do vậy có thể nói phương tiện truyền thông hiện đại là tiền đề vật chất cho sự phát triển của VHĐC; (4) Quá trình đô thị hóa. Quá trình hiện đại hóa luôn kéo theo quá trình đô thị hóa, đây là quy luật phổ biến ở tất cả các nước trên thế giới. Theo số liệu thống kê quốc gia, từ cuối những năm 80, Trung Quốc đã có 640 đô thị, tổng dân số ở các thành thị (bao gồm cả nhân khẩu làm nông nghiệp trong thành thị) chiếm 43% tỉ trọng dân số toàn quốc, nếu chỉ tính số nhân khẩu phi nông nghiệp thì cũng chiếm 25% tổng dân số của cả nước. Sự phát triển nhanh chóng của các đô thị khiến dân số thị dân tăng cao, đây cũng là tiền đề quan trọng đối với sự phát triển của VHĐC.

Vấn đề: Xác định thái độ đối với VHĐC và định hướng phát triển cho VHĐC Trung Quốc

Đồng thời với việc nghiên cứu tìm hiểu các vấn đề trên, các nhà nghiên cứu VHĐC Trung Quốc cũng nỗ lực trong việc nhận định đánh giá đặc điểm của VHĐC nước mình và cố gắng đề xuất những ý kiến, phương hướng giải quyết cũng như phát triển VHĐC ở Trung Quốc hiện nay. Ví dụ những ý kiến đáng chú ý dưới đây của Đàm Tác Kiện.

(1) VHĐC đã trở thành một bộ phận của chỉnh thể văn hóa Trung Quốc đương đại. Phải thừa nhận sự khác nhau của các hình thái văn hóa, cũng như tạo môi trường và không khí đối thoại bình đẳng, giao lưu giữa các loại hình văn hóa khác nhau. Văn hóa chủ lưu, văn hóa tinh anh và VHĐC cùng tồn tại trong một môi trường lịch sử xã hội Trung Quốc đương đại và chúng cũng là biểu hiện sự đa nguyên hóa về sự phát triển của văn hóa, là kết quả của sự phân hóa thị hiếu thẩm mỹ của đại chúng. Vì vậy chúng ta không thể phân biệt đánh giá cao – thấp, hơn – kém về bản chất đối với ba loại hình văn hóa này, mà phải nhận thức rằng chúng chỉ là những bình diện khác nhau của văn hóa. Cần phải hết sức chú trọng đến tác dụng của văn hóa chủ lưu và văn hóa tinh anh. Văn hóa chủ lưu phản ánh ý thức quốc gia, giá trị xã hội, nó là cơ sở tâm lý xã hội của sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị, tiến bộ xã hội và đoàn kết dân tộc. Nó cũng là sức mạnh tinh thần thúc đẩy sự chuyển đổi, cải tạo xã hội thành công. Văn hóa tinh anh là hình thái biểu hiện chủ yếu của văn hóa trí thức, có tính phê phán và tính sáng tạo cao, thúc đẩy sự hình thành những tri thức mới, quan niệm mới, phương pháp mới, có tác dụng to lớn đối với sự phát triển xã hội ở nhiều phương diện. Cần tăng cường tính dân chủ trong nhận định đánh giá và thiết lập tiêu chuẩn của văn hóa. Văn hóa là do nhân dân sáng tạo, sử dụng, kế thừa và phát  triển, cho nên sự đánh giá đối với văn hóa cũng phải do quần chúng nhân dân tiến hành, như vậy mới có thể phát huy hết mức sự phồn vinh của văn hóa. Xây dựng văn hóa dân chủ cần có quy phạm và được bảo đảm về mặt pháp chế. Chỉ có như vậy mới thực hiện được một cục diện văn hóa phát triển hài hòa, chỉ có như vậy mới hạn chế được các hiện tượng văn hóa quái dị, văn hóa ru ngủ, văn hóa chuyên chế và văn hóa bá quyền.

(2) Hiện nay có sự va chạm lẫn nhau giữa các nội dung và loại hình của văn hóa trên đường đi đến thống nhất. Bối cảnh này gắn liền với sự đối thoại, giao lưu giữa các loại hình văn hóa và không có loại hình nào có thể tồn tại riêng biệt độc lập. Vì vậy VHĐC cũng phải dựa vào sự đa nguyên của văn hóa để nâng cao tiềm lực phát triển của chính nó. Cần biểu dương sức mạnh tinh thần của văn hóa chủ lưu. Trong bối cảnh mở cửa hiện nay, văn hóa chủ lưu cũng cần phải thích ứng với quy luật phát triển của kinh tế thị trường và yêu cầu đa nguyên hóa về văn hóa. Đồng thời có thái độ khoan dung đối với VHĐC để thúc đẩy nó phát triển. Cần mạnh dạn tiếp nhận những phê phán lý trí từ văn hóa tinh anh. Giữa khuynh hướng cảm tính của VHĐC và khuynh hướng lý trí của văn hóa tinh anh có một mâu thuẫn nhất định. Bởi văn hóa tinh anh hướng đến sự nghiêm túc, sáng tạo, cá tính; còn VHĐC hướng về cái trực quan cảm tính, sản xuất sản phẩm văn hóa được công thức hóa, lặp lại và không có tính phê phán. Dù vậy, VHĐC cũng không tách rời sự chỉ đạo tư tưởng và sự giúp đỡ về trí tuệ của văn hóa tinh anh. Cần tích cực tiếp thu các nhân tố hợp lý của văn hóa truyền thống, bởi văn hóa truyền thống là gốc rễ của một dân tộc. Ở Trung Quốc, VHĐC chỉ có liên kết với văn hóa truyền thống thì nó mới phát triển mạnh mẽ được. VHĐC lớn lên từ gốc của văn hóa truyền thống và lịch sử đã chứng minh rằng VHĐC gắn liền với văn hóa truyền thống là yêu cầu tất yếu của sự phát triển. Cần nỗ lực hình thành quan điểm thời đại mang tính quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, sự giao lưu ảnh hưởng với VHĐC phương Tây đang là hiện tượng nổi bật. VHĐC Trung Quốc vốn bắt nguồn từ phương Tây, vậy nên đương nhiên nó không thể không chịu ảnh hưởng của VHĐC phương Tây. Như vậy yêu cầu đặt ra ở đây là phải cố gắng bản địa hóa để có thể đối thoại với VHĐC phương Tây, tiếp thu những nhân tố tích cực của VHĐC nước ngoài.

(3) VHĐC thường chạy theo lợi ích hiện thực mà không quan tâm đến ý nghĩa tinh thần của con người. VHĐC không quan tâm đến lý trí, truyền thống, cái cao thượng, thậm chí dẫn đại chúng đến khuynh hướng hư vô, thiếu tinh thần nhân văn. VHĐC làm nảy sinh nhiều mặt trái trong xã hội, như chủ nghĩa sùng bái đồng tiền, chủ nghĩa hưởng lạc, sùng thượng cái dung tục… Vì vậy cần nâng cao tính nhân văn đối với VHĐC. Muốn đạt được điều này, việc đầu tiên là phải tăng cường nghiên cứu và nắm bắt hệ thống lý luận cũng như sự phát triển của VHĐC. Hướng sự phát triển của VHĐC theo sự tĩnh hóa, nhã hóa, mỹ hóa. VHĐC cũng có đặc trưng thẩm mỹ, chỉ có điều kiểu thẩm mỹ này gắn với cái thực dụng, bình dân.

(4) VHĐC là một hiện tượng lịch sử tồn tại khách quan, tác động mạnh mẽ vào tinh thần con người, nhưng có nhiều mặt trái. Chúng ta không thể không tiếp xúc với nó, không thể xóa bỏ nó, mà vấn đề quan trọng là làm sao giải quyết vấn đề này có hiệu quả. Về vấn đề này, Đàm Tác Kiện ủng hộ ý kiến của Vương Cương, cho rằng: cần xây dựng loại văn hóa ẩn tính, tức là một loại văn hóa có nội hàm đặc biệt thông qua phương thức tác động chìm, ngấm dần vào công chúng trong một không gian nhất định, nó là quá trình “thức tỉnh bên trong” con người. Văn hóa ẩn tính không những không gây trở ngại nhu cầu giải trí và khoái cảm cảm tính trong quá trình sử dụng, thể nghiệm VHĐC, mà nó còn có thể ngấm ngầm giáo dục đại chúng.

*

*         *

Việc nghiên cứu VHĐC ở Trung Quốc đến nay mới chỉ khoảng hai mươi năm, nhưng dần dần trở thành một ngành thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Trong khoảng thời gian ngắn này, nghiên cứu VHĐC Trung Quốc từng bước rời khỏi chiếc ghế của chủ nghĩa tinh anh, điều chỉnh lại tinh thần nhân văn. Về phương pháp, nghiên cứu VHĐC đã đi theo con đường: từ lý luận “văn hóa công nghiệp” của trường phái Frankfurt đến lý luận nghiên cứu VHĐC của Anh Mỹ, rồi đến việc Trung Quốc hóa nghiên cứu VHĐC. Sang đầu thế kỷ XXI, nghiên cứu VHĐC lại kết hợp với lý luận văn nghệ của phương Tây đương đại, sự giao thoa này khiến cho phạm vi nghiên cứu văn hóa được mở rộng hơn, phong phú hơn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

李春华, 大众文化与互联网:大众文化的基本含义, http://www.ccmedu.com/bbs20_58391.html

何兰萍,《我国大众文化研究最新动态述评》,《学术论坛》,2002年第3期。

王一川,《当代大众文化与中国大众文化学》http://pweb.nju.edu.cn/smf/index.php?PHPSESSID=90e356731fae94ac3d6a2809b315e094&topic=3673;prev_next=next

穆欣霜, 中国大众文化研究成果综述: http://muxinshuang.blog.hexun.com/3963802_d.html

九十年代文化研究的方法与语境http://www.mianfeilunwen.com/Wenhua/Zonghe/7545_5.html

从大众文化到媒介文化看精英主义, http://www.hi138.com/?i8566

从法兰克福到伯明翰——电视批评理论的西方思想资源再析, http://www.taojz.com/thesis-35173-13.html

大众化的想象与精英化的现实——文化研究中的民粹主义意识形态, http://www.xschina.org/show.php?id=583

冯宪光: 大众文化与文化大众,   http://www.lw23.com/paper_144996061_5/

王笛: 大众文化研究与近代中国社会——对近年美国有关研究的述评, http://www.lw23.com/paper_96454771_13/

宁逸, 大众文化研究概述, http://www.lw23.com/paper_144996571_4/

雷池月: 大众文化非大众的文化, http://www.lw23.com/paper_119821441_4/

邵培仁, : 媒介即意识形态 ———论法兰克福学派的媒介控制思想, http://www.gongfa.com/liliangfalankefumeijie.htm

南帆: 底层与大众文化, http://www.cul-studies.com/Article/literature/200812/5779.html

从大众文化到媒介文化看精英主义, http://www.hi138.com/?i8566

王一川:  当代大众文化与中国大众文化学http://www.hnshx.com/Article_Show.asp?ArticleID=1234&ArticlePage=2

邹广文, 常晋芳: 当代大众文化的本质特征http://www.lw23.com/paper_55881211_4/

黄念然 当前国内文化研究的发展态势与反思http://www.xueshubook.com/Article/ShowArticle.asp?ArticleID=1105

:  “文化理论前沿文化研究的理论突围http://www.cul-studies.com/Article/theory/200601/3283.html

文化研究:为何并如何?

东风: 文化研究(批评)为什么出现?http://blog.sina.com.cn/s/blog_48a348be0100enob.html

文化研究的视野:大众传播与接受http://www.ceozg.com/book/104434_2.html

Ghi chú: Các địa chỉ Internet trên được truy cập trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2009.

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội, số 10-2010