Đề thi tốt nghiệp phổ thông môn Ngữ Văn năm 2012: có làm giảm bớt được “thói dối trá” trong việc học văn và thi văn không?

Đề thi tốt nghiệp môn Văn năm nay vẫn theo quy cách ra đề mọi năm: Đề có 3 phần, phần 1 kiểm tra kiến thức giáo khoa, phần 2 nghị luận xã hội, phần 3 nghị luận văn học. Trong khuôn khổ chật hẹp và cũ kỹ ấy, nhóm ra đề đã cố gắng có sáng tạo, ra đề sát chương trình, khiến học sinh dễ làm bài, vừa kiểm tra được phần nào trình độ học sinh, vừa cố gắng thoát ra khỏi khuôn sáo, hướng thí sinh đến những vấn đề xã hội và đạo đức. Việc ra đề về vấn đề "thói dối trá" trong câu 2 thực sự có ý nghĩa đối với học sinh, đồng thời cũng báo động một vấn nạn của đất nước ta hiện nay và đánh động lương tri xã hội.

Tuy nhiên những câu về văn học (câu 1, câu 3a, 3b) vẫn theo lối mòn từ mấy chục năm nay mà những người dạy văn mới chỉ đọc lên đã thấy chán chường và xấu hổ vì vẫn là một đề  "văn mẫu". Câu 1 có mục đích kiểm tra kiến thức giáo khoa, câu 3 kiểm tra khả năng diễn đạt và cảm thụ văn chương; thế nhưng thực chất cả hai câu đều là những câu học thuộc bài. Những bài ấy đã được bình giảng, in thành sách, dạy luyện thi, được “dò bài” hết năm này qua năm khác - mấy chục năm rồi, đến nỗi nhão ra, viết về nó không còn có gì là sáng tạo, là hứng thú nữa!

Những cách thức ra đề ấy không đạt được mục tiêu giáo dục môn văn mà nhà trường và xã hội mong muốn. Tất cả chỉ còn có học thuộc lòng, chỉ có nhai lại. Tôi chưa thấy ở nước nào môn văn bị khinh bỉ như thế qua cách ra đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nó là cú đánh knock-out vào hứng thú học tập môn văn của học sinh. Thậm chí hứng thú ấy đã chết rồi, nhưng năm nào Bộ cũng dựng người học lên để đấm mãi!

Không có con đường nào khác là phải thay đổi cách ra đề môn Ngữ văn. Thay đổi bằng cách nào? Theo tôi Bộ cần mạnh dạn lên kế hoạch thay đổi:

- Phần kiểm tra kiến thức:  bên cạnh kiểm tra kiến thức Văn học, cần tăng thêm kiểm tra khả năng dùng tiếng Việt. Về kiến thức văn học, bên cạnh văn học hiện đại, cần phải kiểm tra cả văn học cổ điển để cho học sinh khỏi mất gốc, hơn nữa để cho học sinh hiểu rằng văn học cổ điển của ông cha ta sáng tạo ra cũng đáng học không kém gì văn học hiện đại. Để kiểm tra kiến thức rộng như thế thì tốt nhất là dùng phương pháp trắc nghiệm khách quan.  

- Phần nghị luận văn học: phải ra bài, trích đoạn, vấn đề mới mà học sinh chưa được học để kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức, phương pháp phân tích tác phẩm, khả năng cảm thụ và diễn đạt của học sinh. Người thầy chỉ dạy học sinh phương pháp để họ vận dụng vào tác phẩm mới tương tự, chứ không dạy học sinh học vẹt.

Việc làm này đã được nói đến từ lâu, Bộ từng hứa đến năm 2009 sẽ thay đổi cách ra đề văn, thế nhưng 3 năm qua rồi mọi chuyện vẫn như cũ.

Việc thay đổi thế này có khó quá không? Không có gì khó cả, Bộ chỉ cần quy định thay đổi cách ra đề Văn từ đầu năm học là thầy trò có thể chuẩn bị được ngay. Cách ra đề như tôi vừa nói vẫn đang được các xung quanh như: Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc... thực hiện. Không có nước nào ra đề Ngữ văn như chúng ta ra bao giờ.

Các thầy cô được mời ra đề là những người có trình độ, nhưng họ vẫn phải ra những đề mà chính họ không muốn, không phải vì họ không có khả năng mà chỉ vì phải làm theo sự chỉ đạo từ trên xuống. 

Đề thi môn Ngữ văn không phải là chuyện nhỏ. Học sinh của ta đã quen thi gì học nấy, nên nếu đề thi chỉ yêu cầu thuộc văn mẫu, học vẹt thì học trò cũng chỉ học như thế mà thôi. Họ sẽ không nói ra ý tưởng của mình, cách hiểu cách cảm của mình, mà sẽ chỉ nói những điều đã được mớm sẵn. Thế thì dẫu có bắt họ phê phán “thói dối trá” như trong câu 2 thì họ cũng sẽ học và thi một cách dối trá mà thôi! 

Đ.L.G

(Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG TP.HCM)

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website