Qua thăm 25 ngôi chùa cổ Nhật Bản

Du ký 

             Được sự giúp đỡ của Hòa thượng Yoshimizu Daichi và sư cô Tiến sĩ Thích Tâm Trí ở chùa Nisshinkutsu (Tokyo) cùng nhiều cơ quan hữu quan, chúng tôi đã có dịp du ngoạn đến đất nước Nhật Bản tươi đẹp. Trên tinh thần chung, đây là đoàn làm phim giới thiệu về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa Nhật Bản và tập trung trước hết vào 25 ngôi chùa cổ. Đoàn đi có năm người, ba vị bên Đài Truyền hình Việt Nam, nhà nghiên cứu mỹ thuật Lê Cường và tôi.

Chuyến bay đáp xuống sân bay Kansai ở thành phố Ôsaka khi trời vừa hửng sáng. Đoàn ra khỏi cửa sân bay đã gặp Hòa thượng Yoshimizu Daichi và sư cô Thích Tâm Trí ra đón. Không một phút nghỉ ngơi, đoàn lên xe đi chừng vài ba chục cây số thì đến chùa Tứ Thiên Vương. Theo chương trình, đây là ngôi chùa đầu tiên mà đoàn đến chiêm bái. Hóa ra việc quay phim, chụp ảnh nơi nhà chùa chẳng phải dễ dàng. Từ nhiều tháng trước, Hòa thượng và sư cô đã lên lịch, phối hợp với cơ quan Đại sứ quán và gửi thư liên hệ với từng chùa, ghi chính xác tới cả ngày giờ. Khi vào chùa, bao giờ đoàn cũng đến chào các vị trụ trì, sau đó có nhà sư đi cùng giới thiệu sự tích và cảnh quan nhà chùa, nói rõ nơi nào được ưu tiên quay phim, chụp ảnh, nơi nào chỉ được quay nhưng không được mang theo giá đỡ và nơi nào tuyệt đối cấm chỉ.

Ngôi chùa cổ Tứ Thiên Vương thuộc hàng quốc tự, còn được gọi theo âm Hán tên người sáng lập là Thánh Đức Thái Tử (574-622). Tương truyền ông là người góp công đầu trong việc truyền bá kiến thức Phật học và khởi xướng tư tưởng dung hòa “Thần đạo – Phật – Nho” ở Nhật Bản. Trên thực tế, ngôi chùa đã nhiều lần bị thiên tai, hỏa hoạn và chủ yếu mới được trùng tu trong khoảng một thế kỷ gần đây. Trước chùa là một khoảng sân rộng, qua bảy bậc thềm mới đến tam quan nhưng chỉ mở cửa chính. Phía trong sân chùa trải toàn sỏi. Nghe nói mỗi sớm các sư lại chang sỏi một lần. Không ai bước chân xuống sân sỏi ấy. Du khách chỉ có thể men theo hành lang đi vòng theo bốn phía. Trong khuôn viên chùa có tháp cao năm tầng. Một bên thấy có giếng cổ đề chữ “Tỉnh hộ” và tượng rồng bằng đồng. Biểu tượng Rồng gắn với Giếng (Long Tỉnh) và Ao (Long Trì) vốn không xa lạ gì ở Việt Nam. Nơi nhà chùa lại có cả Giếng Rồng, có lẽ cũng là dấu ấn hiện tượng trầm tích văn hóa bái vật giáo thời cổ, cả ở Nhật Bản cũng như Việt Nam. Tại chùa 6 bảo vật quốc gia, 21 di sản văn hóa vật thể, có thêm lễ hội Thánh linh tổ chức vào ngày húy kị của Thánh Đức Thái Tửlễ hội này được coi là tài sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Nhật Bản. Nêu cao tinh thần Phật giáo hỷ xả và kế thừa lý tưởng từ thiện của Thánh Đức Thái Tử nên nhà chùa còn mở các trường trung, cao, đại học xây dựng bệnh viện, công trình phúc lợi xã hội. Ngoài các kỳ khóa lễ, thuyết pháp, cầu an, chùa còn tổ chức hoạt động nghiên cứu và xuất bản sách báo. Qua đây mới thấy được qui mô của chùa cũng như khả năng mở rộng từ hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đến các lĩnh vực văn hóa, xã hội, du lịch và ý nghĩa giáo dục, nhuần thấm những giá trị nhân văn – lịch sử cho mọi con người.

Ngang sang bên kia sân sỏi là lối vào hẹp hơn, phía ngoài có gian thờ nhỏ. Người vào chùa chủ yếu đi theo lối này. Nơi đây cũng có hình thức xin thẻ và ném những đồng tiền xu xuống một cái bể giếng nhân tạo. Trước khi vào chùa, bao giờ khách thập phương cũng tuân theo nghi thức tẩy trần, múc nước rửa tay sạch sẽ. Liền sau đó người khách sẽ tùy tâm bỏ tiền vào hòm công đức rồi kéo dây, thỉnh một tiếng chuông ngân dài trong nắng thu mênh mang. Được biết, chính mấy gian nhà nhỏ rêu phong này là nơi nguồn cội và bảo lưu được nhiều dấu tích, tập tục và những nét đặc sắc của ngôi chùa cổ.

Buổi trưa, cả đoàn mua cơm hộp và ăn ngay trên xe, tranh thủ đến thăm thành cổ Ôsaka rồi lại đi ngược về tỉnh Nara, nói đúng hơn là cố đô Nara, được thành lập từ năm 710. Chúng tôi ở lại Nara hai ngày, qua thăm 5 chùa, trong đó 4 chùa được Tổ chức Văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) xếp hạng di sản văn hóa thế giới. Nơi đây có chùa Pháp Long được xây dựng từ năm 607 (rộng trên 18 vạn mét vuông với quần thể kiến trúc từ đường bằng gỗ được coi là cổ xưa nhất thế giới); chùa Đường Chiêu Đề được xây dựng năm 759 (hiện có 18 hiện vật quốc bảo và 200 di vật tài sản quốc gia); chùa Dược Sư do Thiên hoàng Temmu xây dựng năm 680 để cầu cho hoàng hậu khỏi bệnh (đến năm 718 thì di dời về địa điểm hiện nay); chùa Đông Đại do Thiên hoàng xây dựng năm 728 nhân lễ cầu siêu cho thái tử (chùa có 15 tháp, khoảng 60 chùa, viện trực thuộc và nhiều cơ sở giáo dục, có cổng Nam Đại đồ sộ và nuôi rất nhiều hươu). Cuối cùng là chùa Đại An được xây dựng từ năm 622 nhưng sau nhiều biến cố đã chuyển về địa điểm hiện tại, cách khuôn viên chùa cũ chừng vài trăm mét. Đây là ngôi chùa nhỏ, cảnh quan tương đối giống với chùa Việt Nam. Cổng tam quan bình dị. Phía bên trái có vườn tre, loại tre bương mọc thưa thoáng, xanh tốt, vươn cao. Bên phải là vườn cỏ bằng phẳng theo lối vườn thiền, có vài bóng cây xen giữa những dãy đá giả sơn, đá lớn đá nhỏ kề bên nhau. Chùa có hai pho tượng Thập Nhị Diện Quan Âm và Mã Đầu Quan Âm xếp loại di sản văn hóa quốc gia, được coi là “bí Phật”, nhà chùa cất giữ cẩn mật, mỗi năm chỉ mở một lần vào tháng ba cho chúng dân chiêm bái. Hòa thượng Hà Giả Lương Văn trụ trì chùa cho chúng tôi xem sách Đại An tự sử - Sử liệu (Lịch sử chùa Đại An – Sử liệu) dày tới 1016 trang. Chà, chỉ viết về một ngôi chùa thuộc loại nhỏ mà sách đã dày đến thế! Sách này cho biết, vào nửa đầu thế kỷ VIII (năm Thiên Bình thứ tám, 736), có vị sư từ Chăm Pa (vùng Nam Trung Bộ ngày nay) tên là Phật Triết đã đến ở chùa Đại An này và qua dự lễ khai nhãn Phật bên chùa Đông Đại… Hệ thống truyền thuyết, bức liễn cổ và tấm bia hậu đều ghi nhận sư Phật Triết đã mang theo cả điệu múa Chăm, từ đó ảnh hưởng sâu rộng trong nhà chùa và cả lễ nhạc dân gian Nhật Bản. Được tận mắt chứng kiên ngôi chùa và nghe câu chuyện cổ, ông Lê Cường ngậm ngùi: “Đã mười mấy thế kỷ rồi! Ngày ấy đường đi muôn trùng cách trở, vậy mà các cụ đã đến tận nơi đây”… Khoảng cách đất nước như rút gần lại. Tưởng như bóng người xưa còn thấp thoáng đâu đây, dưới rặng tre, bên mái tam quan nhìn ra cánh đồng lúa đang vào độ chín…

Hoàn thành công việc khảo sát các chùa ở Nara, chúng tôi tranh thủ mua cơm hộp ăn trưa trên đường đến cố đô Kyoto. Tới đây thì gặp sự cố. Dự kiến đoàn đến chùa Đông Tự vào một rưỡi chiều nhưng chậm mười lăm phút nên nhà chùa không tiếp, cho dù sư cô Tâm Trí đã “Ngàn lần xin lỗi, vạn lần xin lỗi”. Thế mới biết giờ giấc ở Nhật nghiêm thật, ngay đến chốn cửa Phật cũng không hề nương tay từ bi với kẻ sai giờ. Vậy là chúng tôi phải chuyển sang ngôi chùa tiếp theo và hai ngày sau mới có dịp quay lại chùa này.        

Trong bốn ngày ở Kyoto chúng tôi đã qua thăm 12 ngôi chùa, trong đó có 11 chùa xếp hạng di sản văn hóa thế giới và một chùa xếp loại quốc bảo: Tam Thập Tam Gian Đường (xây dựng từ năm 1164, có ngôi điện gỗ dài nhất thế giới với 33 gian, 120 mét; có 1001 pho tượng thiên thủ thiên nhãn và hội thi bắn cung tổ chức vào đầu xuân hàng năm), chùa Tướng Quốc (khởi công từ 1382, theo phái Lâm Tế, hiện có tới 100 ngôi chùa chi nhánh), chùa Kim Các (nghĩa là Chùa Vàng vì có chùa giữa hồ nước dát vàng lá, nguyên tên Lộc Uyển – vườn nai, xây dựng từ năm 1397), chùa Ngân Các (nghĩa là Chùa Bạc vì gác chùa có dát bạc, tạo lập từ năm 1482), chùa Diên Lịch (địa thế đẹp, dựa vào núi Tỉ Duệ, xuất hiện từ năm 780, tổ đình tông Thiên Thai), chùa Đề Hồ (được kiến lập từ năm 874, quần thể rộng 65 ha, hiện còn bảo tháp năm tầng), chùa Nam Thiền (khởi lập từ 1291, hiện còn 12 tháp, 430 tự viện, nổi tiếng với tranh tường và cổng tam quan duy nhất ở Kyoto), chùa Kiến Nhân (xây dựng từ năm 1202, có nhiều vườn thiền, tranh vẽ rồng, ngựa), chùa Trí Ân (theo phái Tịnh độ, có chuông lớn nhất Kyoto), chùa Trí Tích (chùa đồng thời là học viện, trường đại học, nhiều vườn thiền, nhiều tranh phong cảnh từ thế kỷ XIV-XV), chùa Đông Tự (thuộc Mật tông, ở về phía đông thành phố, gần mặt đường, khởi lập từ năm 794, có bảo tháp năm tầng bằng gỗ lớn nhất Nhật Bản, cao 56,4m)… Đặc biệt ở đây có chùa Thanh Thủy, chốn sơn thủy hữu tình, được coi là một trong ba ngôi chùa cổ, đẹp và nổi tiếng nhất Nhật Bản. Lối lên chùa nhỏ hẹp, hai bên có nhiều hàng quán bán đồ lưu niệm và ăn uống, người đi lại tấp nập như trên phố cổ. Bấy giờ đã quá trưa, chúng tôi lên tầng hai nhà hàng. Mỗi người ăn một bát mì, đại khái trông như mì vằn thắn, có thêm hai miếng thịt lợn mỏng bay, ba sợi măng to hơn đầu tăm, giá 250 yên, khoảng 80 ngàn đồng Việt. Nơi đây được gọi là Mon Zenmachi – Môn Tiền Đính (Chợ Trước Chùa). Cửa hàng cửa hiệu có những cái tên thật cổ kính và đều được viết bằng chữ Hán: Mai Sơn Đường, Vinh Sơn Đường, Chiêu Nhật Đường, Lâu Sĩ Đường, Thanh Nhã Đường, Thanh Nhã Đường Đào Uyển, Đại Kế Khê Sơn Đường, Cổ kinh Am, Nhật Nguyệt Am, Sâm Đào Khí Quán, Đằng Mộc Thương Điếm… Có nhiều người đứng trước cửa hiệu tay nâng khay bánh vừa cất tiếng rao vừa mời thưởng thức miễn phí. Sư cô Tâm Trí dẫn giải, chùa được khởi dựng vào năm Bảo Qui thứ chín (778) gắn với truyền thuyết về tượng Quan Âm tạc bằng gỗ thiêng, qua 33 năm mới mở một lần. Đến nay diện tích chùa rộng khoảng 13 vạn mẫu, trong đó chánh điện được xếp loại quốc bảo, ngoài ra còn có 15 khu lầu thất xếp hạng tài sản văn hoá trọng yếu của quốc gia, thu hút khách du lịch, tham bái đông nhất Kyoto. Nơi đây còn có thác nước Âm Vũ linh thiêng gắn với lời nguyện cầu về thi cử, tình yêu và sức khỏe. Gọi là thác nước nhưng vào độ mùa thu này chỉ còn là một dòng chảy vừa đủ chia thành ba ống nước nhỏ. Đoàn người xếp hàng dài, đưa thêm 200 yên lệ phí để rồi được lấy gáo hứng nước lộc thánh. Xin nhớ mỗi người chỉ nên cầu nguyện không quá hai điều, uống nước không quá hai dòng, nếu được thi cử và tình yêu thì thôi sức khỏe, được tình yêu và sức khỏe thì thôi đường thi cử, chớ nên tham lam cầu đủ cả ba điều. Đến với chùa Thanh Thủy, chúng tôi xúc động nhớ lại câu chuyện Hòa thượng Onishi Ryokei (1875-1983) khi nhận tin Bác Hồ qua đời năm 1969 đã có ngay bài thơ viếng: Cứu quốc chân nhân thăng bích không/ Mê đồ dân chúng khốc bi trung/ Cổ kim hy kiến lão anh kiệt/ Nhất diệp phiên phong thu sắc mông (Dịch nghĩa: Con người cứu nước chân chính đã lên trời xanh/ Dân chúng trên đường mê khóc bi thương/ Cổ kim hiếm thấy lão anh kiệt/ Một chiếc lá bay đi sắc thu thật ảm đạm). Nhà Hán học Trần Duy Vôn dịch thơ: Trời xanh đón người cứu nước về/ Đau lòng chúng sinh trên đường mê/ Xưa nay hiếm bậc lão anh kiệt/ Chiếc lá thu bay trời ủ ê (Báo Thống nhất, số 194, ra ngày 19-5-1973)…

Thăm viếng xong ngôi chùa cuối cùng ở Kyoto, chúng tôi tất tả ra ga. Sau khoảng hai tiếng trên tàu tốc hành, chúng tôi vượt qua gần sáu trăm cây số đến thủ đô Tokyo, ăn nghỉ tại chùa Nisshinkutsu.

Trong bốn ngày ở Tokyo, chúng tôi đã tới đền Minh Trị Thiên Hoàng, cung Đông Chiếu, núi Phú Sĩ và qua thăm được 7 ngôi chùa cổ, đều thuộc loại xếp hạng di sản văn hóa thế giới, không kể chùa Nisshinkutsu đang ở. Đó là các chùa Tăng Thượng (còn gọi Đông Kinh, chùa ở trung tâm thủ đô, khơi mở từ năm 1385, theo phái Tịnh độ, bên phải có khu mộ gia tộc tướng quân Đức Xuyên Gia Khang hình thành từ cuối thế kỷ XVI), chùa Vĩnh Bình (theo tông Tào Động, thành lập từ năm 1243, nay rộng 30 vạn mét vuông với 70 tự viện, học viện, biệt viện phụ thuộc), chùa Tổng Trì (theo tông Tào Động, thành lập từ năm 1322, nhiều kiến trúc cổ và thường xuyên đào tạo 200 tăng sinh), chùa Trung Thiền (chùa trên núi thuộc ngoại ô trấn Nikko, cảnh đẹp, yên bình, chia thành nhiều khu); chùa Đông Bản Nguyện (thuộc phái Tịnh độ tông, có miếu đường và nhiều tòa nhà gỗ cổ kính hai tầng mái), chùa Cửu Viễn (theo phái Pháp Hoa – Nhật Liên tông, chùa ở núi Thân Diên, có tháp năm tầng, nhiều nhà cổ kèo chồng), chùa Thiển Thảo (khởi lập từ năm 628, phái Thiên Thai tông, rất đông người đến chiêm bái)…

Ở Tôkyô chúng tôi đặc biệt ấn tượng với chùa Thiển Thảo bởi sự tích hợp nhiều nguồn văn hóa cổ, vừa truyền thống vừa hiện đại, vừa dân gian vừa bác học. Tiếp nối khuôn viên và chung cổng với nhà chùa có cả Hội quán và Thần Xã vốn thuộc tín ngưỡng Thần giáo Nhật Bản cổ xưa. Nhà chùa có cả một khu chữa bệnh với ngôi nhà cao tầng đề rõ “Thiển Thảo tự bệnh viện”. Đối diện phía bên kia là một dãy hàng quán, bán các đồ kỷ niệm, chuông, khánh, sách báo, tạp phẩm, đồ ăn chay. Chùa có rất nhiều đèn lồng, đủ loại to nhỏ. Điều lạ là phía trong chùa lại có một khuôn viên chùa nhỏ hơn, ở đó có ban thờ Thiển Thảo Bất Động Tôn, Lưu Thần Đường, Địa Tạng Bồ Tát. Có thể ban đầu chùa chỉ khiêm nhường thế thôi, sau này mới phát triển to lớn gấp vài mươi lần và được xây dựng hiện đại như ngày nay. Người vào thăm chùa đông đúc, “áo quần như nêm”. Cũng như tất cả các ngôi chùa chúng tôi qua thăm, người dân không mang bất cứ thứ hoa quả, đồ cúng tế nào vào. Không có một ai níu kéo, mời chào bán vàng hương và cũng không có chỗ hóa vàng. Việc mua hương là hoàn toàn tự giác. Mỗi nắm hương có 10 thẻ nhỏ xíu, ghi rõ giá 200 yên, bằng khoảng sáu chục ngàn đồng tiền Việt. Ai muốn thắp hương thì tùy tâm bỏ tiền vào hòm công đức, không phải chuyện mua bán. Đúng là “Phật tại tâm”…

Trong mười ngày ở Nhật Bản, chúng tôi đã qua thăm 25 ngôi chùa cổ thuộc bảy tỉnh thành khác nhau. Bây giờ ngồi giữa Hà Nội kể lại những chuyện này, hình ảnh những ngôi chùa như vẫn hiện hữu đâu đây. Tất cả đã trở thành ký ức, như một giấc mơ, như là ảo ảnh. Đời người “Sinh ký tử qui” (Sống gửi thác về) thì mười ngày ở Nhật cũng là một giấc mơ đẹp tiếp nối trên hành trình về cõi hư vô…

 

Hà Nội, vãn thu 2011

Thông tin truy cập

60796253
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15754
24669
60796253

Thành viên trực tuyến

Đang có 298 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website