18042024Thu
Last updateThu, 18 Apr 2024 12am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Nghiên cứu motif trên bình diện mối quan hệ giữa motif và cốt truyện

            (La Mai Thi Gia, Tạp chí Nghiên cứu văn học, 7. 2013)

            Cùng với những quan niệm về motif, quan niệm về chủ đề và cốt truyện trong truyền thống nghiên cứu truyện kể dân gian cũng được đặt ra vào những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Việc nghiên cứu bản thân các motif và sự kết hợp giữa chúng với nhau trong quá trình hình thành cốt truyện có liên quan chặt chẽ đến việc nghiên cứu về mối quan hệ giữa motif và cốt truyện cũng như nghiên cứu về bản thân cốt truyện. Khi khảo sát các cốt truyện được hình thành bởi sự kết hợp của những motif khác nhau, chúng tôi không chỉ quan tâm khảo sát từng cốt truyện cụ thể mà còn lưu tâm đến cấu tạo của kiểu truyện và thậm chí của từng thể loại truyện kể.

Trong mối tương quan với từng cốt truyện riêng lẻ, có thể có một motif nào đó giữ vai trò quan trọng không thể thiếu được trong cấu tạo cốt truyện đó, tuy nhiên khi chuyển sang một cốt truyện khác hoặc khi kết hợp với những nhóm motif khác để tạo nên kiểu truyện thì motif ấy lại chỉ giữ vai trò thứ yếu. Vì thế mối quan hệ giữa motif và cốt truyện mà nó tham gia tạo thành cũng quan trọng như mối quan hệ giữa motif và kiểu truyện, thí dụ như motif diệt rắn với kiểu truyện dũng sĩ chẳng hạn. Hoặc có những motif chỉ thực sự giữ vai trò quan trọng khi nó tham gia vào cốt truyện thuộc về một thể loại truyện kể nào đó. Thí dụ như những motif về nhân vật trợ thủ và phương tiện trợ thủ mang tính thần kỳ, những motif về vật báu có tính ma thuật… chỉ có thể là một motif cốt lõi không thể thiếu được trong thể loại thần thoại, truyền thuyết hay truyện cổ tích thần kỳ. Nếu chuyển sang cốt truyện thuộc thể loại truyện cổ tích thế tục chẳng hạn, vai trò của những motif mang tính thần kỳ chắc chắn sẽ chuyển thành thứ yếu.

            Về mối quan hệ giữa motif và cốt truyện (trong so sánh với những dị bản của cốt truyện đó), có thể nhắc đến sự quan tâm của trường phái Phần Lan trong khi họ đi tìm kiếm tất cả những biến thể của câu chuyện có chứa đựng motif mà họ quan tâm. Đồng thời, người đại diện của trường phái Thi pháp lịch sử, nhà ngữ văn học người Nga A.N.Veselovski, từ lâu trên bình diện trực giác lí luận đã ghi nhận mối liên hệ đặc thù giữa motif và cốt truyện khi cho rằng “tôi hiểu chủ đề là cốt truyện trong đó luân chuyển những tình huống – motif khác nhau” (1). Tiếp theo sau Veselovski, trong các công trình của nhà nghiên cứu người Nga B.V.Tomashevski, các quan niệm về chủ đề, cốt truyện đã được nâng lên đến mức những định nghĩa chính xác.

            Thông qua việc so sánh các dị bản truyền miệng theo trình tự địa lý và các văn bản thành văn theo trình tự lịch sử, các nhà nghiên cứu thuộc trường phái Phần Lan đã có thể tái tạo, định vị và xác định niên đại cho hình thức nguyên thủy của một truyện kể nào đó. Từ lâu các nhà nghiên cứu theo phương pháp này đã tin rằng kiểu truyện có sự tồn tại độc lập trong truyền thống, và do đó các hình thức nguyên thủy của chúng có thể mô tả được và phục hồi được từ những phiên bản mới tìm ra hiện nay. Tuy nhiên nội dung của một truyện kể thường  bao gồm nhiều hành động phức tạp, do đó họ thường chia cốt truyện ra thành nhiều biến cố đơn giản, sau đó mới khảo sát riêng từng biến cố. Đối với các nhà nghiên cứu Phần Lan, cốt truyện là sự tập hợp của nhiều biến cố (motif) và những biến cố đó là những hành động của nhân vật trong truyện kể. Họ tiến hành phân tích cốt truyện ra thành nhiều motif  khác nhau và thấy rằng từng motif này nếu xuất hiện lặp lại trong các cốt truyện khác thì ở chúng cũng có sự biến đổi và cùng với các motif khác, chúng đóng vai trò là một trong những thành tố tạo nên cốt truyện.

Về quan niệm cốt truyện là sự kết hợp của nhiều motif  khác nhau, nhà nghiên cứu A.N. Veselovski cũng đã đề cập đến khi đưa ra khái niệm type và motif, theo ông những truyện cổ tích thần kỳ có chung một số motif giống nhau thì sẽ thuộc một type truyện nào đó. Và motif là những yếu tố nhỏ nhất, bất biến trong cấu trúc truyện cổ tích thần kỳ, nó có thể di chuyển từ truyện này sang truyện khác và xuất hiện ở nhiều  truyện cổ tích có cấu trúc tương tự nhau trên thế giới. Sự giống nhau này có thể do nội sinh hoặc là do quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa. Vấn đề thú vị là giữa type và motif có sự chuyển hóa và thay đổi vai trò cho nhau chứ không nhất thiết motif nằm trong type và type thì bao trùm lên nhiều motif. Nếu có điều kiện thuận lợi thì một motif có thể biến thành một type và ngược lại khi một cốt truyện được lồng vào trong một cốt truyện khác thì lúc đó type có thể trở thành motif (2).

Về quan hệ giữa motif và cốt truyện, Veselovski cho rằng trong tất cả các mối quan hệ và trên tất cả các thang bậc thì motif bao giờ cũng là cái gì đó có trước và cốt truyện là cái có sau, motif luôn luôn sơ đẳng hơn, đơn giản hơn cốt truyện, motif là yếu tố nhỏ nhất cấu tạo nên type. Motif là một đơn vị cấu tạo nên cốt truyện với vai trò là một thành phần, một mắt xích của cốt truyện, vai trò là một “mắt xích” của motif được thể hiện theo khía cạnh hình thái học. Veselovski còn cho rằng, vì motif  là một thành phần của cốt truyện, một thành phần của hệ thống cốt truyện nên motif  vận hành như là một thành phần của hệ thống, nó có một vị trí xác định, một nội dung cụ thể trong hệ thống đó. Cùng với các motif khác nó tạo ra hệ thống. Mọi motif đều liên quan đến cốt truyện và liên quan đến các motif  khác trong cốt truyện, nghĩa là liên quan đến các thành phần trong cái toàn thể.

            Bên cạnh đó, Veselovski còn coi cốt truyện như là một tổ hợp của những motif, trong đó các mối quan hệ giữa chúng hoàn toàn thuần túy về mặt số lượng, một tỉ lệ phần trăm lớn các motif  lặp đi lặp lại được ông giải thích là do có sự vay mượn, du nhập. Cốt truyện với tính chất là một sơ đồ phức tạp được hình thành từ một loạt motif, trong cốt truyện có sự dịch chuyển của nhiều motif  khác nhau, đồng thời sự kết hợp có thể sẽ diễn ra tương đối phức tạp và không phải là sự tiến hóa của một vài công thức đơn giản ban đầu. Sự kết hợp của các motif càng phức tạp thì chúng càng ít có tính lôgic, các thành phần motif càng nhiều thì càng khó có thể nghĩ rằng chúng xuất hiện bằng con đường tự thể hiện về mặt tâm lý trên cơ sở các quan niệm và điều kiện sống giống nhau giữa các dân tộc. Trong trường hợp này có thể cho rằng sự giống nhau giữa các motif truyện kể dân gian giữa các dân tộc là do con đường vay mượn trong một giai đoạn lịch sử nào đó, cốt truyện được hình thành tại một nơi nào đó và được truyền đến các vùng dân tộc khác.

            Nhìn chung, quan điểm của Veselovski trong các nghiên cứu kết cấu – hình thái học  folklore cũng đã bộc lộ những thiếu sót và tính sơ lược, trước hết là từ thể loại anh hùng ca. Tuy nhiên cho đến nay người ta vẫn không thể phủ nhận được tầm quan trọng của việc nghiên cứu tác phẩm folklore bắt đầu từ motif của ông. Đặc biệt đối với các tác phẩm folklore hiện đại, các nhà nghiên cứu đều phải công nhận rằng muốn hiểu cốt truyện nói chung thì phải hiểu các motif cấu tạo nên nó và người ta đã cố gắng tìm ra một loạt những thủ pháp làm việc với motif. Song song đó, các quan điểm truyền thống xuất phát từ Veselovski vẫn tiếp tục giữ thế thượng phong trong việc tiếp cận với motif như là một đơn vị cấu thành nội dung.

            Cách tiếp cận cốt truyện thông qua việc tiếp cận với từng motif trong cốt truyện sau này được B.V.Tomashevski nhắc đến trong cuốn sách giáo khoa Thi pháp học của mình. Ông định nghĩa motif hoàn toàn thông qua tiêu chí chủ đề, ông cho rằng chủ đề là sự kết hợp, liên kết chất liệu ngôn từ của tác phẩm. Có chủ đề của cốt truyện và có chủ đề của từng thành tố trong cốt truyện. Khi tiếp cận cốt truyện, đầu tiên phải chia cốt truyện ra thành những chủ đề nhỏ và những chủ đề của những thành tố không thể phân chia được nữa được ông gọi là motif. Theo ông, motif với tính cách là một chủ đề đơn giản nhất, là “nguyên tử” mang tính chủ đề của nội dung. Về mặt này ta thấy khái niệm motif – chủ đề của Tomashevski cũng tương đồng với khái niệm motif là một đơn vị hình tượng không thể phân chia được nữa của Veselovski. Đồng thời mối quan hệ giữa motif và cốt truyện một lần nữa lại được Tomashevski đề cập đến khi ông phân biệt hai khái niệm câu chuyện và cốt truyện. Theo ông “câu chuyện là toàn bộ các motif trong liên kết thời gian – nhân quả mang tính logic của chúng, còn cốt truyện cũng là toàn bộ các motif đó trong tính liên tục và mối liên kết mà chúng có trong tác phẩm”(3). Ông cũng cho rằng các motif đó có thể chuyển từ cốt truyện này sang cốt truyện khác, và ở mỗi cốt truyện, motif đó có thể phân chia được nữa hay không thì không phải là vấn đề quan trọng. Mà quan trọng là ở chỗ dù ở trong cốt truyện nào thì các motif đó vẫn xuất hiện ở dạng toàn bộ, là cái “không thể phân chia được về mặt lịch sử”, là cái vẫn giữ được tính thống nhất của mình trong khi đi từ tác phẩm này sang tác phẩm khác.

            Như vậy có thể thấy rằng, phương pháp nghiên cứu motif dựa trên bình diện mối quan hệ giữa motif và cốt truyện với vị trí của motif như là một trong những thành tố tạo ra cốt truyện không chỉ được ứng dụng trong nghiên cứu một cốt truyện cụ thể mà còn trong các kiểu truyện khác nhau và trong từng thể loại truyện kể, thậm chí trong cả một loại hình tự sự truyền thống của một dân tộc nào đó. Dưới đây chúng tôi sẽ đưa ra một vài thí dụ về cách ứng dụng nghiên cứu bình diện mối quan hệ giữa motif và cốt truyện trong những phạm vi kể trên.

            a. Motif trong mối quan hệ với một cốt truyện cụ thể

Một trong những nghiên cứu tận dụng kỹ thuật phân tích nội dung truyện kể ra thành những motif  đơn giản và quan trọng nhất trong quá trình hình thành diễn biến cốt truyện là chuyên khảo Kaiser und Abt của nhà folklore học người Đức Walter Anderson – ông là một trong những người góp phần quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu văn học dân gian theo phương pháp địa lý – lịch sử. Trong chuyên khảo này ông đã chia cấu tạo của cốt truyện King John and the Bishop (Vua Jonh và giám mục) ra thành những motif giữ vai trò quan trọng trong quá trình hình thành cốt truyện. Khi khảo sát 640 dị bản của câu chuyện này, Anderson phát hiện ra rằng có sự khác biệt khá lớn giữa phần đặt câu hỏi và câu trả lời trong các bản kể khác nhau. Ông nhận thấy tất cả các bản kể đều được cấu thành bởi các motif có nội dung chính là (1) những người có liên quan đến diễn biến cốt truyện + (2) nội dung các câu đố + (3) những chi tiết còn lại của câu chuyện. Và ông trình bày cấu tạo của cốt truyện King John and the Bishop thành một sơ đồ như sau:

            (1). Các nhân vật có liên quan (số người tham gia, người đặt câu hỏi, người trả lời)

            (2). Các câu đố (số câu hỏi, những câu hỏi thực tế và các câu trả lời đúng)

            (3). Những chi tiết khác trong truyện (Vì sao có câu hỏi, hạn trả lời, hình phạt nếu trả lời sai, sự giống nhau giữa người được hỏi và người trả lời, sự thay thế được thực hiện như thế nào và kết thúc của câu chuyện)(4).

Sự trình bày như trên của Anderson không nhằm phá vỡ cốt truyện ra thành các motif đơn giản mà đúng hơn là một sự sắp xếp cần thiết để có thể hiển thị ra tất cả các khả năng có thể biến đổi của motif khi xuất hiện trong các bản kể khác nhau. Từ chuyên khảo này của Anderson, ta thấy rằng nhà nghiên cứu không chỉ quan tâm đến sự kết hợp của các motif đã hình thành nên cấu tạo của cốt truyện như thế nào mà ông còn quan tâm đến những biến đổi của motif khi chúng di chuyển từ cốt truyện này sang cốt truyện khác.

            Nguyễn Tấn Đắc trong nghiên cứu “Từ truyện quả bầu Lào đến huyền thoại lụt Đông Nam Á”, đã khảo sát rất nhiều biến thể của truyện kể về huyền thoại lụt trong khu vực để tìm ra những motif điển hình, bất biến trong cấu tạo cốt truyện. Nhà nghiên cứu đã đưa ra rất nhiều dạng type khác nhau của huyền thoại này và cho rằng có thể rút ra một cái lõi chung nhất của huyền thoại lụt theo sơ đồ như sau: Lụt lớn hủy diệt - > ít người may mắn sống sót - > tái tạo loài người và cuộc sống trên mặt đất. Và cái sơ đồ cốt truyện này sẽ được biểu hiện ra bằng sự kết hợp giữa các motif đặc trưng có tính chất loại hình của huyền thoại lụt Đông Nam Á. Đó là các motif quả bầu-thuyền, con vật chịu ơn-trả ơn (báo tin lụt), cặp anh trai-em gái (kiểu hôn phối trái thường và không tự nguyện), sự sinh đẻ kỳ dị (quả bầu, bọc thịt)(5). Đồng thời khi nghiên cứu về một cốt truyện truyền thuyết cụ thể trong “Đọc lại truyện Sơn Tinh-Thủy Tinh”, Nguyễn Tấn Đắc cho rằng khi giản lược đi tên tuổi, địa điểm và một số chi tiết, ta sẽ thấy cốt truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh được cấu tạo nên bởi các motif: công chúa kén chồng, sự thi tài giữa những người cầu hôn và sự đánh nhau để dành công chúa. Theo ông, motif đánh nhau để giành công chúa diễn ra sau khi đã kết thúc motif thi tài mới là sự kiện trung tâm của chuyện. Và motif thi tài chỉ là cái cớ, được mượn để giải thích cho lý do vì sao có sự xuất hiện của motif đánh nhau để dành công chúa(6).

b. Motif trong mối quan hệ với kiểu truyện

            Hướng tiếp cận nghiên cứu motif trong mối quan hệ với kiểu truyện được ứng dụng tương đối công phu trong nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam, có thể kể ra ở đây ba kiểu truyện tiêu biểu trong kho tàng truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam đã được các nhà nghiên cứu tiếp cận theo bình diện này là kiểu truyện Tấm Cám, kiểu truyện Thạch Sanh và kiểu truyện Nhân vật xấu xí mà tài ba

Nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Đắc trong bài viết “Từ truyện Kajong và Halêk của người Chăm đến type truyện Tấm Cám ở Đông Nam Á”, đã đưa ra một cấu tạo điển hình cho kiểu truyện Tấm Cám ở Đông Nam Á là bao gồm các motif kết cấu chứa đựng các chủ đề và diễn biến của cốt truyện như motif tình huống (sự giống nhau như hệt dẫn đến xung đột không thể dung hòa được giữa hai chị em), motif giải pháp (bắt cá để phân định chị em), motif chuyển tiếp (cái duy nhất biểu hiện sự can thiệp của thần linh: con cá duy nhất), motif lựa chọn (cái duy nhất chọn lựa: chiếc giày), motif tái khẳng định sự chọn lựa (sự hóa thân nhiều lần). Từ cái kết cấu chứa đựng những motif mang ý nghĩa tạo chủ đề trên đây, nhà nghiên cứu đã đặt ra một câu hỏi có tính gợi ý là “phải chăng truyện Tấm Cám là type truyện của motif về cái duy nhất làm giải pháp cho tình huống sự giống nhau không thể dung hòa?”. Theo ông hình như truyện Tấm Cám còn ẩn giấu tính logic nội tại của các motif mà motif mang chủ đề sự giống nhau như hệt đưa đến xung đột không thể dung hòa được tất yếu phải dẫn đến motif cái duy nhất và nhiều hình thức biến thể đa dạng của nó như cái duy nhất biểu hiện sự can thiệp của thần linh, cái duy nhất chọn lựa, cái duy nhất khác thường chứa đựng sự tái sinh(7).

Trong chuyên luận Nhân vật xấu xí mà tài ba trong truyện cổ tích Việt Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Huế đã đưa ra một sơ đồ cấu tạo chung cho kiểu truyện này dựa trên sự diễn biến của cốt truyện có liên quan trực tiếp đến hình tượng nhân vật. Theo bà hình tượng nhân vật phát triển theo một kết cấu chung là Nguồn gốc nhân vật - > Hình thức nhân vật - > Sự thử thách đối với nhân vật - > Tài năng của nhân vật – > Nhân vật kết hôn - > Tai họa và kẻ gây tai họa - > Sự trợ giúp - > Kết quả nhân vật đạt được. Đồng thời ứng với các giai đoạn đó là xâu chuỗi các motif đóng vai trò đậm nhạt khác nhau trong kết cấu cốt truyện.  Để xác định được một truyện cổ tích bất kỳ nào đó có thuộc kiểu truyện nhân vật xấu xí mà tài ba hay không cần dựa sự xuất hiện của 8 motif dưới đây: (1) Motif sinh nở thần kỳ, (2) Motif người mang lốt, (3) Motif thử thách, (4) Motif tài năng, (5) Motif kết hôn, (6) Motif tai họa, (7) Motif vật phù trợ, (8) Motif đoàn viên(8).  Đồng thời nhà nghiên cứu còn đưa ra rất nhiều các biến đổi khác nhau về hình thức của các motif khi chúng xuất hiện trong các cốt truyện khác nhau. Tuy nhiên ở mỗi hình thức chuyển hóa đó, nội dung ngữ nghĩa của motif hay chức năng hành động của nhân vật chính vẫn không hề thay đổi.

Trong chuyên luậnThạch Sanh và kiểu truyện dũng sĩ trong truyện cổ tích Việt Nam và Đông Nam Á, nhà nghiên cứu Nguyễn Bích Hà cũng đã xem các motif chính trong kiểu truyệnThạch Sanh như là những thành phần hợp thành và tạo nên cốt truyện, sự lặp lại của nhóm các motif đó trong những cốt truyện khác nhau đã hình thành nên kiểu truyện Thạch Sanh không chỉ trong văn học dân gian Việt Nam mà còn trong kho tàng truyện kể dân gian của các nước Đông Nam Á. Bà phân tích cốt truyện Thạch Sanh ra thành các motif cấu tạo nên nội dung truyện và ở mỗi motif bà cũng liệt kê tất cả những dạnh thức chuyển hóa của motif đó: (1) Motif sự ra đời thần kỳ, (2) Motif dũng sĩ diệt rắn ác, (3) Motif dũng sĩ diệt đại bàng, (4) Motif đi xuống thủy cung, (5) Motif người câm, (6) Motif tiếng đàn thần kỳ, (7) Motif chiến tranh giữa những người cầu hôn (chống xâm lược), (8) Motif nêu cơm thần, (9) Motif kết hôn và lên ngôi(9).

Sau khi đưa ra các motif cấu tạo nên kiểu truyện Thạch Sanh, Nguyễn Bích Hà cho rằng trong số những motif trên đây có các motif độc lập có thể kết hợp với các motif khác theo những cách khác nhau để tạo nên những cốt truyện thuộc kiểu truyện khác với kiểu truyện Thạch Sanh. Đó là các motif người câm, motif đi xuống thủy cung, motif tiếng đàn thần kỳ và motif nêu cơm thần. Đồng thời trong số những motif trên chỉ có ba motif là thuộc vào nhóm chức năng hành động của nhân vật, có liên quan trực tiếp đến hành động của nhân vật dũng sĩ mà thôi. Đó là các motif dũng sĩ diệt rắn ác, motif dũng sĩ diệt đại bàng và motif dũng sĩ chống quân xâm lược. Theo bà đây là những motif quan trọng của kiểu truyện về nhân vật dũng sĩ và những truyện cố tích thuộc kiểu truyện Thạch Sanh nhất thiết phải chứa đựng ít nhất là một trong ba motif này. Và các motif quan trọng cốt lõi này sẽ tiếp tục kết hợp với các motif riêng lẻ khác để tạo nên nhiều cốt truyện khác nhau.

c. Motif trong mối quan hệ với một thể loại truyện kể

Nhà nghiên cứu folklore người Mỹ Alan Dundes đã đề cập đến vấn đề tìm kiếm cấu trúc của cả một hệ thống truyện kể dân gian trong bài viết Hệ thống loại hình cấu trúc trong truyện cổ dân gian da đỏ Bắc Mỹ thông qua việc nghiên cứu các motif đã hình thành nên hệ thống truyện kể này.

Dựa theo lý thuyết hình thái học của nhà folklore người Nga V.Ia.Propp về 31 chức năng của nhân vật hành động tạo nên cấu trúc của truyện cổ tích thần kỳ, Alan Dundes đã đưa ra một mô hình cấu trúc cơ bản của thể loại truyện kể dân gian người da đỏ Bắc Mỹ là một chuỗi trình tự các motifem (motif bất biến), các motifem này khi di chuyển vào nhiều câu chuyện cụ thể khác nhau sẽ được biểu hiện thành các allomotif (motifem biểu hiện – những biến thể của các motif bất biến). Do vậy, với một kết cấu tương đối đơn giản thì một truyện kể dân gian da đỏ Bắc Mỹ thường được tạo nên bởi sự kết hợp tối thiểu của hai motifem cơ bản là (1) Lack (sự thiếu) + (2) Lack liquidated (sự thiếu được bù đắp). Đồng thời ông còn tiếp tục đưa ra một cấu trúc phức tạp hơn của truyện dân gian Bắc Mỹ là bao gồm một trình tự điển hình gồm 4 motifem, và đây là cấu trúc phổ biến của đa số câu chuyện mà ông sưu tầm được. Đó là trình tự: (1) Sự cấm chỉ + (2) Sự vi phạm + (3) Hậu quả + (4) Sự cố gắng giải thoát từ hậu quả. Ông cho rằng motifem thứ (4) Sự cố gắng giải thoát từ hậu quả, có thể xuất hiện hoặc không xuất hiện trong một số cốt truyện, và nếu có xuất hiện thì hành động cố gắng giải thoát có thể thành công hoặc thất bại. Điều này tùy thuộc và nền văn hóa mà câu chuyện đó ra đời hoặc còn phụ thuộc vào người kể chuyện nữa.

            Để minh họa cho mô hình truyện kể bao gồm trình tự bốn motifem kể trên, Dundes đưa ra thí dụ về một truyện kể dân gian của người Swampy Cree: Một chú bé được chị gái khuyên là không được bắn vào con sóc khi con sóc đang ở gần nước (sự cấm chỉ), chú bé bắn con sóc (sự vi phạm), khi cậu tìm cách vớt mũi tên bị rơi xuống nước thì cậu bị một con cá nuốt vào bụng (hậu quả), người chị tìm cách mổ bụng cá để cứu em ra (sự cố gắng giải thoát). Bằng các thí dụ tương tự mà Dundes đưa ra, ta có thể nhận thấy rằng các motifem trong cấu trúc truyện kể nêu trên có thể được biểu hiện ra thành các allomotif khác như:

(1)                 Motifem Sự cấm chỉ - > các allomotif (bà lão khuyên các chàng trai khi ra khơi không được bắt chước tiếng cá voi, cấm đòi lại quà tặng, cấm vớt rong biển đang trôi hay cấm nghịch phân…).

(2)                 Motifem Vi phạm - > các allomotif (các chàng trai bắt chước tiếng cá voi, kẻ tiểu nhân đòi lại áo choàng đã tặng cho viên đá, cậu bé vớt rong biển đặt trên mạn tàu, cậu bé nghịch phân…).

(3)                 Motifem Hậu quả - > các allomotif (cá voi nuốt các chàng trai vào bụng, viên đá đuổi theo kẻ tiểu nhân, tuyết bắt đầu rơi, mùa đông kéo dài liên miên khiến mọi người chết đói…).

(4)                 Motifem Sự cố gắng giải thoát - > các allomotif (cá voi bị mổ bụng để cứu các chàng trai, vật trợ thủ giúp phá hủy viên đá, dân làng hiến tế cậu bé cho thần băng giá…).

  Cuối cùng Alan Dundes còn đưa ra một cấu trúc phức tạp hơn của truyện kể dân gian da đỏ Bắc Mỹ là bao gồm một trình tự điển hình của sáu motifem: (1) Sự thiếu + (2) Sự thiếu được bù đắp + (3) Sự cấm chỉ + (4) Sự vi phạm + (5) Hậu quả + (6) Sự cố gắng giải thoát. Từ mô hình sáu motifem này Dundes cho rằng nếu có bất kỳ truyện dân gian nào bắt đầu bằng sự thiếu ban đầu thì về mặt lý thuyết có khả năng là câu chuyện dân gian đó có thể bắt đầu bằng một sự cấm chỉ và chính sự vi phạm điều cấm chỉ này đã gây ra tình trạng thiếu hụt đó. Nếu đúng là như vậy thì kiến thức về các mô hình cấu trúc thay thế nhau sẽ được sử dụng một cách đáng kể trong việc xây dựng và đánh giá những giả thuyết về lịch sử - địa lý liên quan đến từng câu chuyện dân gian(10). Ông cũng cho rằng không phải tất cả các mô hình motifem hiện có của truyện kể dân gian Bắc Mỹ đã được đề cập đến ở đây, có thể có một mô hình phổ biến khác bao gồm sự thiếu + sự lừa gạt + sự dối trá + sự thiếu hụt được bù đắp… Tuy nhiên một vài mô hình mà ông đưa ra làm thí dụ ở trên là nhằm để chứng minh truyện kể dân gian của người da đỏ Bắc Mỹ là có cấu trúc.

Sau khi tìm ra cấu trúc của truyện kể dân gian da đỏ Bắc Mỹ là những mô hình bao gồm các motifem liên kết với nhau, Dundes cũng đồng thời đặt ra câu hỏi: sự phân tích về cấu trúc vẫn chưa là cái đích cuối cùng và sự phân tích cấu trúc về truyện dân gian có tầm quan trọng gì và có ích gì? Theo ông, lợi ích xuất phát từ sự phân tích cấu trúc là tạo ra được một phương pháp mới nhằm thấu hiểu việc xác định nội dung văn hóa của những hình thức văn học giao thoa(11). Về mặt này Alan Dundes cũng giống như V.Ia.Propp ở chỗ là cả hai ông đều đã thấy được nhiệm vụ quan trọng của việc nghiên cứu cấu trúc truyện kể dân gian trước khi tìm hiểu nguồn gốc lịch sử văn học của nó.

            Tóm lại, từ những quan niệm lý thuyết về motif của các trường phái nghiên cứu văn học dân gian trên thế giới, chúng tôi nhận thấy có thể triển khai việc nghiên cứu motif trên những bình diện cụ thể bao gồm: bình diện cấu tạo của motif, bình diện nguồn gốc và sự biến đổi lịch sử của motif, bình diện mối quan hệ giữa motif và cốt truyện.

 Về bình diện mối quan hệ giữa motif và cốt truyện, đây là hướng nghiên cứu sẽ thực hiện có hiệu quả nếu đã nắm được cấu trúc hình thức và nội dung lịch sử chứa đựng bên trong bản thân mỗi motif. Trong đó, việc đặt motif vào trong mối quan hệ với từng cốt truyện cụ thể hoặc với từng kiểu truyện và  từng thể loại truyện kể khác nhau sẽ giúp ta hiểu được thấu đáo vị trí, vai trò và chức năng của motif trong quá trình tạo nên cốt truyện. Đồng thời để nhận thấy được có những hình thức cấu tạo mang tính công thức trong một kiểu truyện nào đó thông qua sự kết hợp giữa các motif đã tham gia tạo nên những biến thể đa dạng của nó. Bên cạnh đó nghiên cứu motif trong liên hệ với cốt truyện cũng nhằm để nhận thấy được khả năng có thể tự sản sinh cốt truyện ở những motif có tiềm năng cho dù là nó xuất hiện trong bất kỳ câu chuyện nào. Đó sẽ luôn luôn là những motif chính, đóng vai trò quan trọng nhất không thể thiếu được trong quá trình hình thành cốt truyện mà nếu không có sự kết hợp với các motif khác, nó vẫn có khả năng tự hình thành một cốt truyện độc lập và lúc này nội dung chính của câu chuyện sẽ chính là chủ đề chứa đựng bên trong bản thân motif đó.

            Như vậy, đơn vị motif trong mối quan hệ với cốt truyện không chỉ đóng vai trò là những thành phần của cốt truyện mà còn giữ vai trò là một hạt nhân quan trọng, là tình tiết cốt lõi có thể lớn lên thành cốt truyện. Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi bước đầu chỉ tập trung tiến hành việc tìm hiểu đơn vị motif như là một trong những thành phần cấu tạo nên cốt truyện, những vấn đề khác xin được tiếp tục ở những bài viết sau.

 

Chú thích:

(1). Dẫn theo B.N.Putilov (1975); “Motif như là thành tố của sự hình thành cốt truyện”, trong Tuyển tập nghiên cứu loại hình lịch sử về folklore (bản tiếng Nga); NXB Khoa học Matxơcơva; (Phạm Nguyên Trường dịch, Chu Xuân Diên hiệu  đính)

            (2). Dẫn theo S.Iu.Nekliudov (1984); “Bàn về một số khía cạnh trong việc nghiên cứu motif văn học dân gian”; Tuyển tập folklore và dân tộc học (bản tiếng Nga); NXB Khoa học, Lêningrat  (Phạm Nguyên Trường dịch, Chu Xuân Diên hiệu  đính).

            (3). Dẫn theo Silantiev (1999); Lý thuyết motif trong nghiên cứu văn học và văn hóa dân gian Nga (bản tiếng Nga);  NXB IMDI Novosibirsk; (Phạm Nguyên Trường dịch, Chu Xuân Diên hiệu  đính).

(4). Stith Thompson (1977); “The life history of folklore”, trong The folktale; NXB. London; tr. 432, 433.

(5). Nguyễn Tấn Đắc (2001); Truyện kể dân gian đọc bằng type và motif; NXB. Khoa học xã hội, H, tr.111.

            (6). Nguyễn Tấn Đắc; Tài liệu đã dẫn; tr.131.

            (7). Nguyễn Tấn Đắc; Tài liệu đã dẫn; tr.203, 204.

            (8) Nguyễn Thị Huế (1999), Nhân vật xấu xí mà tài ba trong truyện cổ tích Việt Nam. NXB. Khoa học xã hội, H, tr.58.

(9). Nguyễn Bích Hà (1998) ; Thạch Sanh và kiểu truyện dũng sĩ trong truyện cổ Việt Nam và Đông Nam Á; NXB Giáo dục, H, tr.41.

            (10). Viện Nghiên cứu văn hóa (2005), Folklore thế giới – Một số công trình nghiên cứu cơ bản, NXB. Khoa học xã hội, tr.315

            (11). Viện Nghiên cứu văn hóa; Tài liệu đã dẫn; tr.318.