Tìm hiểu kinh Thiện Sinh-nội dung và giá trị

Cách đây hơn 2500 năm, đạo Phật ra đời trên mảnh đất Ấn Độ và đã lan truyền đến nhiều quốc gia trên thế giới. Ở mỗi quốc gia, dân tộc, đạo Phật, với tinh thần khế lý và khế cơ, đã nhanh chóng hội nhập vào đời sống người dân địa phương và tạo nên những nét văn hóa Phật giáo khác biệt.Tuy nhiên, những giá trị cốt lõi chung của đạo Phật thì vẫn duy trì cho đến ngày nay, nhất là đạo đức Phật giáo đã ảnh hưởng rất lớn trong lối sống, hành vi của mỗi tín đồ. Trong kho tàng kinh điển của Phật giáo có nhiều bộ kinh đề cập đến việc thực hành đạo đức, làm tròn bổn phận xã hội cho hàng Phật tử tại gia. Điều này thể hiện rõ tinh thần nhập thế và sự đóng góp của đạo Phật vào sự ổn định xã hội, hướng đến xây dựng một cuộc sống an lạc, hòa bình và mỗi thành viên đều có trách nhiệm với nhau. Với tinh thần này, chúng tôi muốn nhắc đến kinh Thiện Sinh hay còn được gọi là kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt, một kinh khá nổi tiếng trong hệ thống kinh tạng A Hàm, như một thông điệp quí báu về đạo đức xã hội của Phật giáo đến cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay.   

1. Kinh Thiện Sinh trong hệ thống kinh tạng A Hàm

            Bộ kinh A Hàm chứa đựng nhiều tinh túy của Phật giáo nguyên thủy, chuyển tải được những giá trị cơ bản của đạo Phật trong kho tàng kinh điển Phật giáo còn lại đến ngày nay. Theo Từ điển Phật học Huệ Quang cho biết: A Hàm là chỉ những giáo thuyết được truyền thừa hoặc các thánh điển do gom tập các giáo thuyết ấy tạo thành. Gọi A Hàm là kinh A Hàm, đó là thói quen xưa nay của Trung Quốc. Thời Phật giáo nguyên thủy, đệ tử Phật và các tín đồ đối với giáo pháp đã nghe thường dùng thể thơ hoặc những đoạn văn xuôi ngắn gọn hoặc dùng hình thức truyền miệng lẫn nhau để ghi nhớ truyền thừa. Giáo thuyết của đức Phật vốn đầy đủ hoàn bị, lại lần lần phát triển thành một hình thức văn học riêng biệt, cuối cùng trở thành thánh điển. Đó là nguyên do có kinh A Hàm. Kinh này được tụng vào lúc kiết tập lần thứ nhất.  Từ lần kiết tập thứ hai về sau, vào khoảng thế kỉ III trước Tây lịch, là thời kì kinh A Hàm chính thức được thành lập[1]. Ngoài ra, kinh A Hàm có một quá trình truyền thừa lâu đời và có lịch sử riêng. Sau  khi đức Phật nhập diệt 100 năm, giáo đoàn chia làm Đại chúng bộ và Thượng tọa bộ. Nhưng cho đến ngày nay, chỉ có kinh điển của Thượng tọa bộ ở phương Nam là hoàn toàn được bảo tồn, gồm 5 bộ:  Trường bộ, Trung bộ, Tương ưng bộ, Tăng chi bộ và Tiểu bộ chép bằng văn Pali. Đây là 5 bộ Nam truyền, còn gọi là 5 bộ A Hàm Nam truyền. Bắc truyền, là do gom góp các kinh điển rời rạc riêng lẻ của các bộ phái mà tạo thành 4 bộ A Hàm: Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tăng Nhất A Hàm, Tạp A Hàm. Bốn bộ kinh này được ghi bằng Phạn văn, gọi là 4 bộ A Hàm Bắc truyền. Vì 5 bộ Nam truyền được ghi bằng văn Pali, gần với ngôn ngữ thường dùng ở thời đức Phật, nên so với Bắc truyền thì Nam truyền giàu sắc thái nguyên thủy hơn. Về phương diện nghiên cứu thì học giả Trung Quốc, nhất là học giả Phật giáo Đại thừa, thường cho kinh A Hàm là kinh điển Tiểu thừa, nên về mặt lịch sử, giáo lí này ở Trung Quốc, Nhật Bản đến những năm gần đây vẫn chưa  được xem trọng. Mãi về sau, các học giả Châu Âu thời cận đại mới nghiên cứu, dần dần đánh giá  cao và xác nhận vị trí đích thực của Kinh A Hàm. Nội dung của nó bao gồm thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp thực tiễn của đức Phật, có nhiều ý nghĩa quan trọng và giá trị[2]. Ngoài ra, nội dung và giá trị của kinh A Hàm còn  được nhận định như sau:”Bộ kinh A Hàm này được thể hiện qua những lời chỉ dạy của đức Phật như hàng vạn đóa sen tỏa ngát hương thơm tung bay khắp muôn phương. Giáo lí của Ngài là một dòng nước cam lồ, rưới mát vào tâm linh của chúng sinh, xóa tan bao nỗi ưu phiền, tham lam, sân hận, tà kiến. Chính đời sống và chân lí của Ngài là một quyển kinh sống động, nhiều vấn đề hiện thực đa dạng giáo dục từ trong gia đình cho đến xã  hội đều được đức Phật chỉ dạy[3]

            Kinh Thiện Sinh là một phần trong bộ kinh Trường A Hàm. Cũng theo Từ điển Phật học Huệ Quang, kinh này gồm 22 quyển và do ngài Phật Đà Da Xá và ngài Trúc Phật Niệm cùng dịch vào năm 413 đời Hậu Tần, Trung Quốc và được xếp vào Đại Chính Tạng, tập một. Đây là một trong bốn bộ A Hàm Bắc truyền. Sở dĩ gọi là Trường A Hàm là do các nguyên nhân sau: Nhiều bài kinh dài mà gọi là Trường A Hàm, phá các ngoại đạo đó là Trường A Hàm  hay trường là nói những việc lâu xa, nghĩa là trải qua nhiều kiếp không đứt đoạn. Toàn kinh có 4 phần, 30 kinh[4]. Kinh Thiện Sinh là một trong 15 kinh thuộc phần thứ 2 của kinh Trường A Hàm.

            Như vậy, kinh Thiện Sinh cũng không nằm ngoài những nội dung và tư tưởng chủ đạo của Phật giáo nguyên thủy. Kinh này còn được người đời sau nhắc đến nhiều vì nó gói gọn được quan điểm của Phật giáo về đạo đức xã hội, bổn phận và trách nhiệm của hàng đệ tử tại gia trong cuộc sống hàng ngày. Kinh Thiện Sanh như một kim chỉ nam sống cho con người trong đời sống vốn có nhiều mối quan hệ xã hội cùng tồn tại, đan xen và thậm chí phức tạp. 

 

2. Những nội dung chủ yếu của kinh Thiện Sinh

            Kinh Thiện Sinh được mở đầu với câu chuyện như sau: Một ngày nọ, đức Phật như thường lệ đắp y, mang bát vào thành đi khất thực. Trong thành La Duyệt lúc này có con ông trưởng giả tên là Thiện Sinh. Sáng sớm, anh này đi ra khỏi thành, vào vườn dạo cảnh và hướng về các phương Đông, Tây, Nam, Bắc, trên và dưới để lễ lạy. Thấy vậy, đức Phật bèn hỏi nguyên do lễ lạy các phương. Thiện Sinh trả lời rằng đây là việc làm theo lời cha mình căn dặn lúc lâm chung mà không hiểu rõ nguyên do, mục đích của sự lễ lạy. Tiếp đó, đức Phật đã chỉ rõ việc lễ lạy theo pháp Hiền Thánh, không phải lễ lạy theo sáu phương này mà có cung kính đâu[5]. Thiện Sinh đã một mực kính nghe lời đức  Phật dạy. Pháp Hiền Thánh mà đức Phật nói chính là những nội dung căn bản của kinh Thiện Sanh. Sự việc này cho thấy việc đức Phật truyền đạo khi xưa là tùy duyên ứng biến, nội dung thiết thực rõ ràng, gắn với thực tiễn cuộc sống, không hướng con người vào thế giới hư vô, huyễn hoặc như Bà La Môn giáo chủ trương. Đức Phật đã đưa Thiện Sinh về cuộc sống thực tại, giảng dạy cho những đạo lí làm người nhằm hoàn thiện bản thân, tạo được nghiệp lành để có đời sống hạnh phúc, an lạc như Ngài đã chỉ rõ trong kinh: “Hoặc là trưởng giả, hoặc là con trưởng giả từ bỏ bốn kết nghiệp và bốn xứ, kính lễ sáu phương, chẳng những đời này được phước lành mà đời sau cũng được hưởng quả báo lành, chẳng những đời này có nền tảng vững chãi mà đời sau cũng thế. Ở trong hiện tại được bậc trí khen ngợi, hưởng được ba mươi mốt quả lành, khi thân hoại mạng chung thì sanh về cõi trời”[6]. Nhìn chung, những lời đức Phật dạy trong kinh Thiện Sinh bao gồm các nội dung cơ bản như sau:

     2.1. Những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng, suy thoái đời sống con người

            Đầu tiên, theo đức Phật, những ác nghiệp mà con người tạo ra dẫn đến khủng hoảng, suy thoái đời sống cá nhân là bốn kết nghiệp và bốn xứ. Theo đó, bốn kết nghiệp là: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ. Còn bốn xứ là: Dục, nhuế, bố, si. Nếu ai phạm vào thì: “Dục, sân, bố và si. Người có bốn pháp này, danh dự  ngày tổn giảm, như trăng về cuối tháng[7]. Vì thế, nếu muốn có lợi lạc trong cuộc sống thì không làm những điều này. Ai làm được sẽ là người “khéo sống”, có nền tảng vững chắc và hưởng được phước báu.

            Tiếp theo, Phật Thích Ca nói đến những hành vi cụ thể ảnh hưởng không tốt đến đời sống cá nhân của con người. Về tổn tài thì có 6 nghiệp nên tránh là: Đam mê rượu chè, cờ bạc, phóng đãng, say mê kĩ nhạc, kết bạn với người ác, lười biếng. Mỗi nghiệp này sẽ đưa con người đến hậu quả xấu và dễ nhận thấy trong cuộc sống, nhất là làm suy thoái sự nghiệp. Theo kinh, uống rượu có 6 lỗi: Mất của, sanh bệnh, gây gổ, tiếng xấu đồn xa, dễ sanh nóng giận, trí huệ mỗi ngày giảm dần. Ai đam mê cờ bạc sẽ gặp 6 lỗi: Tài sản hao mòn, thắng thì bị người oán, người trí chê cười, mọi người không kính trọng, bị người xa dần, sanh tâm trộm cắp. Phóng đãng cũng dẫn đến các lỗi: Không tự giữ lấy thân, không giữ gìn được của cải, không bảo trợ được con cháu, thường sợ hãi, những điều ác khổ sẽ ràng buộc xác thân, thường sanh dối trá. Nếu kết bạn với người ác thì sẽ gặp các lỗi sau: Dễ sanh khinh lờn, ưa chỗ thầm kính, dụ dỗ người nhà khác, mưu đồ chiếm đoạt tài sản của  người, mưu đồ  tài lợi về mình, ưa phanh phui lỗi của người. Cuối cùng, lười biếng sẽ có hậu quả là: Khi giàu sang không chịu làm việc, khi nghèo hèn không chịu làm việc, khi lạnh không chịu làm việc, sáng sớm không chịu làm việc, chiều tối không chịu làm việc[8].   

            Nhìn chung, trong nội dung này, đức Phật đã chỉ rõ mối quan hệ nhân quả cho những ai tạo nghiệp bất thiện sẽ nhận lấy quả báo (chánh báo và y báo). Chính những nghiệp này sẽ dẫn đến hậu quả là làm suy thoái cuộc sống của con người (chánh báo), nhất là dần hủy hoại sản nghiệp gia đình (y báo). Kinh này là những lời dạy của đức Phật cho con của một trưởng giả và là một trưởng giả trẻ- người đang nắm trong tay khối lượng sản nghiệp rất lớn[9]. Cho nên, những lời này là rất quí báu đối với Thiện Sinh. Qua đây cho thấy một trong những quan niệm của đạo Phật đối với hàng đệ tử tại gia là phải biết giữ gìn và phát huy sự nghiệp của mình, nhất là kinh tế, để có một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Trong Bát chánh đạo, điều này còn được gọi là chính nghiệp :”Chính nghiệp là hành động đúng, ở đây cũng có nghĩa là hành động phù hợp với lý duyên sinh. Một hành động thuận theo lý duyên sinh là một hành động chắc chắn đem lại kết quả tốt[10]. Đồng thời, nó cũng rất gần gũi với ngũ giới căn bản mà đức Phật răn dạy.   

     2.2. Cách nhận biết các mối quan hệ  xã hội tốt, xấu

            Tiếp đến, đức Phật giảng dạy cho Thiện Sinh về cách nhận biết những mối quan hệ xã hội nào lợi và hại đối trong cuộc sống với từng hạng người cụ thể. Trong kinh, Phật chỉ cho Thiện Sinh hai loại người không nên và nên giao du là hạng oan gia và hạng đáng thân cận.

            Về hạng người oan gia, theo kinh này gồm: Hạng úy phục, hạng mỹ ngôn, hạng kính thuận, hạng ác hữu. Đức Phật nói rõ về những loại người này như sau: Hạng úy phục có bốn là trước cho sau đoạt lại, cho ít mong trả nhiều, vì sợ nên gượng làm thân, vì lợi nên làm thân. Hạng mỹ ngôn cũng có bốn loại gồm lành dữ đều chiều theo, gặp nạn thì lánh xa, ai có điều lành thì âm thầm ngăn đón, khi thấy lâm nguy thì liền bài xích và đả đảo. Hạng kính thuận là bốn loại trước dối trá, sau dối trá, hiện tại dối trá, thấy có chút lỗi đã vội lánh xa. Còn hạng ác hữu là khi uống rượu là bạn, lúc đánh bạc là bạn, lúc dâm dật là bạn, lúc ca vũ là bạn[11]. Với những người này thì nên xa lánh họ như tránh đi  vào con đường nguy hiểm cho mình.

            Hạng người đáng thân cận gồm: Hạng ngăn mình làm quấy, hạng có lòng thương xót, hạng lợi người và hạng đồng sự. Kinh Thiện Sinh ghi rõ từng hạng người này như sau: Hạng ngăn quấy chính là thấy người làm ác thì hay ngăn cản, chỉ bày cho những điều ngay thẳng, có lòng thương xót, chỉ bày cho người con đường lớn. Hạng từ mẫn thì gồm mừng thay thấy người được lợi, buồn thay thấy người gặp nạn, hay khen ngợi đức của người, thấy người làm ác thì can ngăn. Còn loại người lợi ích là người hộ vệ người không phóng dật, hộ vệ sự phóng dật của người khỏi hao tài, hộ vệ người khiến không sợ hãi, cân nhắc người lúc ở chỗ vắng. Cuối cùng, hạng đồng sự là người vì người mà không tiếc thân mạng, vì người không tiếc của báu, giúp người khỏi sự sợ hãi, khuyên bảo người khi ở chỗ vắng[12]. Đức Phật Thích Ca cũng nói rõ lợi ích của bốn hạng người đáng thân này là sẽ giúp đỡ mọi người thoát khỏi khổ đau, phiền não, tạo an lạc cho chúng sinh như lửa sáng soi người.

            Nội dung này đã cho thấy sự tinh tường và kinh nghiệm của đức Phật  trong việc nhận biết tâm thiện hay xấu của con người thông qua những hành vi cụ thể. Đây là những tri thức xã hội trong việc lựa chọn bạn bè, người thân cho mình để đồng hành trong cuộc sống và công việc. Nếu ai có được tri thức này sẽ dễ dàng hội nhập với xã hội, biết phát huy được những mối quan hệ xã hội tốt đẹp để dần hoàn thiện và phát triển bản thân. Đó là một phần của chánh tri kiến trong Bát chánh đạo của tư tưởng Phật giáo.

     2.3. Về bổn phận và trách nhiệm xã hội của con người

            Đây là nội dung quan trọng nhất của kinh Thiện Sinh, là lời giải thích của đức Phật về sáu phương trong pháp Hiền Thánh của Người. Sáu  phương ấy hoàn toàn khác với sáu phương mà Thiện Sinh lễ lạy: “Phải biết rõ về sáu phương. Những gì là sáu? Cha mẹ là phương Đông, sư trưởng là phương Nam, thê thiếp là phương Tây, bạn bè là phương Bắc, tôi tớ là phương dưới và những người đức hạnh là phương trên[13]. Sáu phương mà Phật Thích Ca chỉ rõ không gì khác là sáu mối quan hệ xã hội căn bản của con người.  Do vậy, cần chăm lo vun vén, bồi dưỡng để những quan hệ ấy được phát triển và mang lại lợi ích cho cuộc sống.  Hay nói cách khác chính là con người phải biết bổn phận, ứng xử có trách nhiệm với từng mối quan hệ trên. Trong kinh Thiện Sinh, đức Phật nói rất rõ về sáu mối quan hệ này:

            _ Với quan hệ cha mẹ: Phàm làm con phải lấy năm điều để kính thuận với cha mẹ. Đó là: Cung phụng hiếu dưỡng cha mẹ không để thiếu thốn, phàm làm điều gì trước phải thưa cho cha mẹ biết, cha mẹ làm điều gì mình phải kính thuận không được chống báng, không trái với việc làm của cha mẹ, không ngăn cản việc lành của cha mẹ. Ngược lại, cha mẹ cũng phải chăm sóc, quan tâm con cái với năm điều sau đây: Ngăn con không cho nghe, xem và làm điều ác, chỉ dạy cho con điều lành, thương yêu thắm thiết tận xương tủy, thường lấy tâm bình đẳng đối xử với các con, tùy thời mà phân chia tài sản, cung cấp cho con những điều cần dùng.

            _ Với quan hệ sư trưởng: Đệ tử kính thuận sư trưởng lại có năm điều sau đây-chính là hầu hạ, cung cấp điều cần thiết, cung kính cúng dường, tôn trọng quí mến, thầy dạy bảo điều gì phải kính thuận không chống trái, theo thầy nghe pháp nhớ kĩ không quên. Tương tự, bậc sư trưởng lấy năm điều sau để săn sóc đệ tử: Dạy dỗ có phương pháp, dạy những điều chưa biết, giới thiệu bạn lành cho đệ tử, làm sáng tỏ những gì đệ tử chưa hiểu, đem hết sự hiểu biết của mình truyền dạy không tiếc.

            _ Với quan hệ vợ chồng: Chồng đối với vợ có năm điều căn bản, bao gồm: Lấy lễ đối đãi với nhau, oai nghiêm đỉnh đạc, ăn mặc tùy thời, trang sức hợp thời, giao phó việc nhà. Mặt khác, vợ cũng phải lấy năm điều sau đây để cung kính với chồng: Dậy trước, ngủ sau, nói lời hòa nhã, kính nhường tùy thuận, sớm nhận lãnh ý chồng.

            _ Với quan hệ bà con họ hàng: Làm người phải lấy năm điều thân kính với bà con là giúp đỡ tiền bạc, nói lời điều hòa, làm việc lợi ích, chung làm chung hưởng, không hề khi dối. Trái lại, bà con cũng phải lấy năm điều sau để giúp đỡ: Hộ vệ khiến họ không phóng dật, hộ vệ về sự phóng dật để khỏi mất của, khuyên răn nhau ở chỗ không người, thường ngợi khen nhau, giúp đỡ lẫn nhau.

            _ Với quan hệ chủ tớ: Chủ đối với tớ có năm điều dạy bảo là tùy khả năng mà sai khiến, tùy thời mà cho ăn uống, tùy thời mà thưởng công lao, khi bệnh thì lo thuốc thang điều trị, để tôi tớ có thì giờ nghỉ ngơi. Mặt khác, tôi tớ phải lấy năm điều sau để phụng sự  chủ mình: Dậy sớm, làm việc cẩn thận, của không cho thì không lấy, làm việc có thứ tự, khen ngợi danh đức của chủ.

            _ Về quan hệ với những người đức hạnh (Sa môn, Bà la môn): Người tín đồ (đàn việt) phải thực hiện năm điều sau đây: Thân làm từ thiện, miệng nói từ thiện, ý nghĩ từ thiện, đúng thời cúng thí, không ngăn cản khi thấy người đến nhà thọ thí. Trái lại, các bậc Sa môn, Bà la môn phải lấy sáu điều sau để dạy bảo tín đồ: Phòng hộ không cho làm ác, chỉ dạy điều lành, dạy giữ tâm lành, làm cho họ nghe điều chưa nghe, điều đã nghe làm cho họ hiểu rõ, mở bày con đường sanh thiện.[14]

            Thiện Sanh, sau khi nghe đức Phật giảng về bổn phận và trách nhiệm của một con người, đồng thời nói đến lợi ích to lớn của chúng, thì hoan hỉ vô cùng, nhận thức rõ hơn về vai trò của mình trong từng mối quan hệ xã hội. Trong kinh ghi lại những lời xúc động của Thiện Sanh như sau: “Bạch Thế Tôn! Hay thay! Thật là quá chỗ mong ước của con. Vì Ngài dẫn dụ ý nghĩ về lời dạy của cha con, khiến con như người áp mặt  xuống được ngước lên, những gì đang đậy kín được mở ra, như người đang mê được tỉnh ngộ, như trong nhà tối thắp đèn lên để người có mắt thấy được các vật chung  quanh…Kể từ ngày hôm nay cho đến trọn đời con nguyện không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu[15]. Cuối cùng, đức Phật nhận lời và trao truyền tam qui, ngũ giới cho Thiện Sinh. Như vậy, Thiện Sinh đã trở thành đệ tử tại gia của Phật trong một buổi sáng trong lành, tâm trí của chàng mở ra khi nghe và hiểu được pháp Hiền Thánh của Phật Thích Ca.

            Sáu mối quan hệ mà Thiện Sinh cần quan tâm cũng chính là những giềng mối căn bản xã hội của con người. Điều này cũng cho thấy đạo Phật không khích lệ các hình thức tự cô lập hoặc tách rời bản thân ra khỏi tương quan gia đình, xã hội và tâm linh. Trong tương quan gia đình, mỗi người có trách nhiệm đạo đức với vợ-chồng, cha mẹ-con cái và anh-chị-em. Về tương quan xã hội, mỗi người có trách nhiệm đạo đức với tha nhân gồm thầy cô-học trò, chủ lao động-người lao động, nhà quản trị quốc gia-công nhân trong nước. Ngoài các tương quan gia đình, xã hội, để sống hạnh phúc hơn, mỗi người còn có tương quan tâm linh, tức giữa bản thân với tư cách tín đồ với cách nhà tâm linh Phật giáo, những người hướng dẫn kinh nghiệm thực tập tâm linh Phật giáo. Mối tương quan tâm linh giúp ta sống an lành, thong dong và tự tại ở mọi nơi, dù gặp thuận duyên hay nghịch cảnh[16]. Ngoài ra, với từng mối quan hệ này, đức Phật luôn nhấn mạnh đến mối quan hệ hai chiều dựa vào nguyên lí tương sinh với nhau.

3. Một  số nhận định về nội dung và giá trị của kinh Thiện Sinh

            Nội dung của Kinh Thiện Sinh phản ánh rõ những giáo lí căn bản của Phật giáo là Duyên khởi, Tứ diệu đế và Bát chánh đạo. Những giáo lí này là nền tảng để nhận thức đời sống con người, giúp cho con người có một đời sống an lạc thân và tâm. Cho nên, trong kinh, đức Phật đã chỉ rõ cho Thiện Sinh con đường để làm sao có một cuộc sống tốt đẹp thông qua những việc làm cụ thể trong từng mối quan hệ xã hội. Các mối quan hệ đó là 2 chiều, tương  tác với nhau, có nhân thì có quả, con người sống phải có trách nhiệm lẫn nhau. Qua kinh Thiện Sinh, những giá trị cốt lõi của đạo Phật đã được đức Phật vận dụng một cách cụ thể, sinh động và rất thực tế để đưa con người quay trở lại với thực tại cuộc sống, biết cách sống và sống tốt  hơn để góp phần phát triển xã hội. Kinh Thiện Sinh còn góp phần cho thấy tính nhập thế, nội dung xã hội rất lớn trong kinh điển Phật giáo. Hay nói cách khác, Phật giáo không hề tách rời khỏi cuộc sống mà thậm chí là rất hiểu, gắn bó  đời sống của con người như bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng trong kinh Pháp Bảo Đàn:

                            “Phật pháp ở trong đời

                        Không lìa đời giác ngộ

                        Lìa đời tìm chánh giác

                        Chẳng khác tìm sừng thỏ [17]

 

            Giá trị lớn nhất của kinh Thiện Sinh là đạo đức xã hội rất cần thiết cho bất kì xã hội nào. Ở đây hướng đến con người phải có một lối sống đạo đức, nhân văn và biết tôn trọng lẫn nhau. Theo Hòa thượng Thích Minh Châu, lời dạy của đức Phật trong kinh này, tuy không tránh khỏi mang tính hạn chế của lịch sử, nhưng tinh thần bình đẳng, nhân bản, dân chủ thật sự toát ra từ những lời dạy ấy vẫn mãi mãi là bài học quí gia cho con người hiện tại, xã hội và quốc gia hiện đại. Ở đâu có đạo đức thì ở ấy có hạnh phúc. Ở đâu có hạnh phúc thì ở đấy có đạo đức. Đạo đức và hạnh phúc hòa nhau như nước với sữa, không thể tách rời[18]. Do vậy, kinh Thiện Sanh được các chùa Việt Nam giảng dạy phổ biến cho hàng đệ tử tại gia, cho tầng lớp thanh thiếu niên và áp dụng cho tổ chức Gia đình phật tử. Gần đây, trong nghi lễ Hằng thuận cho đôi vợ chồng cưới, Tăng Ni thường hay đọc và giảng dạy kinh này cho hai người chuẩn bị bước vào đời sống gia đình, tạo lập sự nghiệp, nuôi dạy con cái để họ thấm nhuần lời dạy của  đức Phật về bổn phận và trách nhiệm của con người trong xã hội, để có một cuộc sống tốt đẹp, vững vàng, hạnh phúc. Ngoài ra, giá trị này còn là một giá trị xã hội mang tính phổ quát của nhân loại, đặc biệt là bối cảnh xã hội ngày hôm nay. Điều này góp phần lí giải vào việc Phật giáo ngày nay có một tầm ảnh hưởng lớn và có sức sống mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

 TS. Trần Hoàng Hảo

                                                                              Th.S. Dương Hoàng Lộc

                                                                        (Trường Đại học KHXH&NV TpHCM)

                                                Tài liệu tham khảo

  1. Huệ Năng Lục Tổ, Kinh Pháp bảo đàn (Thích Nữ Trí Hải dịch), Hà Nội, NXB.Tôn giáo, 2010.
  2. Kimura TaiKen, Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận (Thích Quảng Độ dịch), Hà Nội, Nxb Tôn giáo, 2007.
  3. Thích Minh Cảnh (chủ biên), Từ điển Phật học Huệ Quang, (tập 1 và 7), Tp.HCM, Nxb. Tổng hợp Tp.HCM, 2003.
  4. Thích Minh Châu (chủ biên), Đạo đức học Phật giáo, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1995.
  5. Thích Nhật Từ, Gia đình xã hội và tâm linh-ứng dụng kinh Thiện Sanh trong cuộc sống, Nxb. Hồng Đức, 2013.
  6. Thích Huyền Quang-Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày, TpHCM, Nxb. Phương Đông, 2010.
  7. Thích Giác Thiện (sưu tập), Kinh A Hàm, Tp.HCM, Nxb. Phương Đông, 2011.

(Nguồn: Bài đăng trong sách: Phật giáo nguyên thủy từ truyền thống đến hiện tại, Nxb Hồng Đức, 2013)

 



[1] Thích Minh Cảnh (chủ biên), Từ điển Phật học Huệ Quang, (tập 1), Tp.HCM, Nxb. Tổng hợp Tp.HCM, 2003, trang 27-28.

[2]  Thích Minh Cảnh (chủ biên), Từ điển Phật học Huệ Quang, (tập 1), Tp.HCM, Nxb. Tổng hợp Tp.HCM, 2003, trang 28.

[3] Thích Giác Thiện (sưu tập), Kinh A Hàm, Tp.HCM, Nxb. Phương Đông, 2011, trang 588.

[4] Thích Minh Cảnh (chủ biên), Từ điển Phật học Huệ Quang, (tập 7), Tp.HCM, Nxb. Tổng hợp Tp.HCM, 2003, trang 5897-5898.

[5] Thích Giác Thiện (sưu tập), Kinh A Hàm, Tp.HCM, Nxb. Phương Đông, 2011, trang 5-6.

[6] Thích Giác Thiện (sưu tập), Kinh A Hàm, Tp.HCM, Nxb. Phương Đông, 2011, trang 6-7.

[7] Thích Giác Thiện (sưu tập), Kinh A Hàm, Tp.HCM, Nxb. Phương Đông, 2011, trang 7.

[8] Thích Giác Thiện (sưu tập), Kinh A Hàm, Tp.HCM, Nxb. Phương Đông, 2011, trang 7-9.

[9] Sách Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận cũng giải thích rõ hơn về điều này: Ở thời đại Phật, vì nền văn minh tại các đô thị phát đạt nên thế lực kinh tế rất rõ rệt. Cứ xem Ca- Chiên- Diên, khi nói với vua Ca-Thâu-La về sự bình đẳng giữa bốn giai cấp  có them vào một khoản về thế lực của tiền tài thì đủ thấy đối với các vấn đề gia đình Phật đã cho kinh tế là một yếu tố cần phải đặc biệt lưu ý và cứ nhắcđi nhắc lại về điều này. Nguồn: Kimura TaiKen, Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận, Hà Nội, Nxb Tôn giáo, 2007, trang 245.

[10] Thích Huyền Quang-Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày, TpHCM, Nxb. Phương Đông, trang 45.

[11] Thích Giác Thiện (sưu tập), Kinh A Hàm, Tp.HCM, Nxb. Phương Đông, 2011, trang 12.

[12] Thích Giác Thiện (sưu tập), Kinh A Hàm, Tp.HCM, Nxb. Phương Đông, 2011, trang 13-14

[13] Thích Giác Thiện (sưu tập), Kinh A Hàm, Tp.HCM, Nxb. Phương Đông, 2011, trang 15.

[14] Thích Giác Thiện (sưu tập), Kinh A Hàm, Tp.HCM, Nxb. Phương Đông, 2011, trang 15-19.

[15] Thích Giác Thiện (sưu tập), Kinh A Hàm, Tp.HCM, Nxb. Phương Đông, 2011, trang 22.

[16] Thích Nhật Từ, Gia đình xã hội và tâm linh-ứng dụng kinh Thiện Sanh trong cuộc sống, Nxb. Hồng Đức, 2013,  trang 2.

[17] Huệ Năng Lục Tổ, Kinh Pháp bảo đàn (Thích Nữ Trí Hải dịch), Hà Nội, NXB.Tôn giáo, 2010, trang 38

[18] Thích Minh Châu (chủ biên), Đạo đức học Phật giáo, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1995, trang 32-33. 

Danh mục website