Nghĩ về cái đĩa Dĩ hữu thiên hạ

dihuuthienha

 

               Trong bài Xuân Quý tỵ nhớ chuyện cũ ở Vân Đường đăng trên Xưa và Nay số Tết Quý tỵ 2013, tác giả Trần Đình Sơn có giới thiệu một cái đĩa cổ “Dĩ hữu thiên hạ” cùng lời giải thích của nhà sưu tập Vương Hồng Sển về nội dung thư họa trên đó và mời người đọc cùng tìm hiểu thêm. Bài viết này là vài suy nghĩ về vấn đề tuy nhỏ nhặt nhưng thú vị nói trên.

               Bức tranh trên đĩa khá kỳ lạ: bên trái có một con rắn trong hốc cây thè lưỡi nhô ra, ở giữa phía dưới có một con rết cạnh khe nước ngóc lên, bên phải có một con cóc lốm đốm trên ngọn cây rướn tới, phía trên còn có một con cóc màu trắng ngồi yên. Ngoài bốn chữ Hán “Dĩ hữu thiên hạ” được cho biết là in dưới đáy đĩa, mặt đĩa có 8 chữ Hán “Tế khán nhĩ đẳng hà nhật tương phục” (Để xem ngày nào các ngươi chế phục được nhau) và hai dấu triện nhưng ảnh nhỏ quá nên không thấy rõ, cũng không thấy tác giả Trần Đình Sơn mô tả. Tuy nhiên trên cơ sở những dữ kiện đã có, cũng có thể đưa ra một cách giải thích khác về nội dung thư họa của bức tranh này.

               Trước hết là bốn chữ “Dĩ hữu thiên hạ”. Bốn chữ này là rút từ chương 8 thiên Vạn Chương hạ sách Mạnh Tử “Mạnh Tử vị Vạn Chương viết: Nhất hương chi thiện sĩ tư hữu nhất hương chi thiện sĩ, nhất quốc chi thiện sĩ tư hữu nhất quốc chi thiện sĩ, thiên hạ chi thiện sĩ tư hữu thiên hạ chi thiện sĩ. Dĩ hữu thiên hạ chi thiện sĩ vi vị túc, hựu thượng luận cổ chi nhân. Tụng kỳ thi, độc kỳ thư, bất tri kỳ nhân, khả hồ? Thị dĩ luận kỳ thế dã. Thị thượng hữu dã” (Mạnh Tử nói với Vạn Chương: Kẻ sĩ tài giỏi trong một hương thì kết giao với kẻ sĩ tài giỏi trong một hương, kẻ sĩ tài giỏi trong một nước thì kết giao với kẻ sĩ tài giỏi trong một nước, kẻ sĩ tài giỏi trong thiên hạ thì kết giao với kẻ sĩ tài giỏi trong thiên hạ. Nhưng kết giao với kẻ sĩ tài giỏi trong thiên hạ vẫn chưa đủ, còn phải tiến tới bàn luận về người xưa. Ngâm thơ của họ, đọc sách của họ mà không biết con người của họ thì liệu có được không? Đó là để bàn luận về thời của họ, tiến lên trong việc kết giao vậy).

               Chương này trong sách Mạnh Tử nói người học tu tập học nghiệp đức nghiệp tới mức nào thì tự nhiên sẽ kết giao với những người có thành tựu cùng mức ấy, nhưng nếu đã tới mức cực cao, trở thành kẻ sĩ tài giỏi trong thiên hạ mà chỉ kết giao với những người ngang mình thì vẫn chưa đủ, cần tìm hiểu không những thơ văn mà cả con người của tiền nhân để tiến tới chỗ kết giao không chỉ với người của một đời, cũng là điều bình thường trong tôn chỉ học nghiệp của Nho gia. Nhưng bốn chữ “Dĩ hữu thiên hạ” ở đây lại có chỗ bất thường, vì nó đoạn chương (cắt câu) chứ không thủ nghĩa (giữ nghĩa), giống như muốn nói “Dĩ hữu thiên hạ chi bất thiện sĩ”! Bởi vì ngoài con cóc trắng, ba con vật còn lại tuy trong môi trường “ẩn sĩ” (trong hốc cây, cạnh khe nước và trên ngọn cây) nhưng lại có dáng vẻ khó mà hiểu là “thiện sĩ”, đây là đầu mối then chốt để tìm hiểu nội dung bức tranh.

               Rắn, rết và cóc nói chung đều là sinh vật có độc, cùng với nhện và bọ cạp được gọi là Ngũ độc vật trong văn hóa truyền thống Trung Hoa. Ở Việt Nam thì bọ cạp độc và nhện độc không phổ biến lắm, nên bức tranh chỉ có Tam độc vật rắn rết cóc. Nhưng Tam độc vật ở đây là hình tượng ẩn dụ về “Tam độc” (tiếng Phạn là trivisa) – còn gọi là “Tam bất thiện lương” (tiếng Phạn là akusala-mula), là từ của Phật giáo dùng gọi chung ba loại phiền não tức tham (tham ái ngũ dục), sân (sân khuể vô nhẫn), si (ngu si vô minh). Con rắn, con rết và con cóc lốm đốm ở đây theo thứ tự chính tượng trưng cho tham sân si, và chưa cần nói tới Phật điển Thiền lý sâu xa, ngay dáng vẻ hung hăng hăm hở trong tư thế của chúng cũng đã là những dấu hiệu trái ngược với yếu chỉ tu tập của Phật giáo. Cho nên chủ thể của phát ngôn “Để xem ngày nào các ngươi chế phục được nhau” chỉ có thể là con cóc trắng (cũng là cóc nhưng trắng, có lẽ còn là một nho sĩ loại Thầy đồ cóc) tượng trưng cho kẻ “thiện sĩ”. Dĩ nhiên theo cách hiểu này thì từ thiện sĩ ở đây không mang ý nghĩa “kẻ sĩ tài giỏi” của đạo Nho mà là “người học đức hạnh” nơi cửa Phật, có phẩm chất của bậc chân tu.

               Từ những điều nói trên, có thể thấy bức tranh này mang đề tài “thời sự tôn giáo”, trong đó tác giả vận dụng kinh điển Nho gia để nêu ra một phản đề phê phán một số người trong cửa Phật, đồng đạo mà cứ chống báng nhau, tu tập chỉ để chế phục nhau. Tuy nhiên nội dung đầy ý vị humour mà bức tranh thể hiện lại là một hiện thực phổ biến không chỉ trong tôn giáo mà còn trên toàn xã hội, một loại thời sự vĩnh cữu thường xuyên tái diễn. Chính từ chỗ này, người ta có thể lãnh hội ý tưởng mà tác giả gởi gắm qua bức tranh, đó là những kẻ nhiều tư tâm thì cho dù kết giao khắp thiên hạ, treo bảng hiệu đồng đạo, giương ngọn cờ đồng chí gì gì vẫn không bao giờ có được sự thống nhất và gắn bó. Nói thêm bằng một thuật ngữ thời thượng, thì những cộng đồng như thế không có “vốn xã hội”, và vì thế cũng không thể có đóng góp tích cực nào cho sinh hoạt xã hội nói chung.

               Theo tác giả Trần Đình Sơn, cái đĩa nói trên thuộc bộ sưu tập của nhà sưu tập Vương Hồng Sển, năm Quý sửu 1973 Vương tiền bối đoán chừng đã được 150 năm, tức được chế tác trong đời Minh Mạng (1820 – 1840). Nhưng niên đại ra đời của cái đĩa chưa chắc là niên đại ra đời của bức tranh, đây là một chi tiết còn phải tiếp tục tìm hiểu.

Tháng 3. 2013

 

               Nguồn: http://hocsinhmiennam.com/nghi-ve-cai-dia-di-huu-thien-ha/

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website