18042024Thu
Last updateThu, 18 Apr 2024 12am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Thuyết “Tri ngôn dưỡng khí”, Dương Minh học và tư tưởng giáo dục của Võ Trường Toản

 

TÓM TẮT

Thuyết “Tri ngôn dưỡng khí” 知言養 xuất phát từ Mạnh Tử孟子, sau đó được nhiều nhà nho các đời sau chú giải theo những quan điểm khác nhau. Trong đó chú giải của Chu Hi朱熹và Vương Dương Minhcó ảnh hưởng lớn nhất tới Nho học đời sau ở các nước Đông Á. Võ Trường Toản là người tiếp thu học thuyết “Tri ngôn dưỡng khí” và truyền thụ cho nhiều học trò của mình ở Gia Định. Bài viết bước đầu đi vào tìm hiểu thuyết “Tri ngôn dưỡng khí”, Dương Minh học và những ảnh hưởng của nó đến tư tưởng Nho giáo, tư tưởng giáo dục cũng như học phong Nam Bộ mà Võ Trường Toản được coi là người thầy mở đầu.

Từ khóa: Tri ngôn dưỡng khí, Võ Trường Toản, Học phong Nam Bộ, Vương Dương Minh, Dương Minh học

 

 

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Võ Trường Toản được sĩ dân Nam Kỳ tôn làm ông thầy chung với sự kính ngưỡng ít nhà nho nào sánh kịp. Tại sao như vậy? Liệu có phải chỉ ở chỗ ông có công lớn trong việc đào tạo nhân tài hay có đạo đức cao khiết? Hay trong tư tưởng học thuật của ông có gì mới có thể mở ra một trường phái, một học phong mới mẻ, riêng biệt không? Kẻ sĩ Nam Kỳ([1]) có nhiều điểm khác lạ: ít người đỗ đạt nhưng lại không thiếu nhân tài, tư tưởng của họ có mặt rất bảo thủ, nhưng lại có mặt rất khai phóng, thậm chí có nhiều điểm rất gần với một thứ Nho giáo đô thị. Tình hình ấy bắt nguồn từ những điều kiện lịch sử xã hội nhất định của vùng đất mới này, nhưng ngoài nguyên nhân ấy ra, có nguyên nhân nào bắt nguồn từ sự tiếp thu một học phái mới, một tư tưởng mới nào không? Nói đến Nho giáo Việt Nam trước nay người ta chỉ nói đến Tống Nho là hết, nhưng sau Tống Nho ra, Việt Nam có tiếp thu tưởng tưởng Nho giáo nào khác không? Cụ thể Dương Minh học là một học phái Nho học có tính thực tiễn và khai phóng, ảnh hưởng rất mạnh ở các nước Đông Á: Trung Quốc, Nhật Bản và cả Triều Tiên, nhưng dường như không thấy có công trình nào nói đến ảnh hưởng của nó đến Việt Nam trước thời cận đại. Có phải nhà Nguyễn tôn sùng Tống nho, áp dụng chế độ khoa cử nên Dương Minh học không phát triển được ở Việt Nam? Thế nhưng Triều Tiên cũng tương tự như nước ta mà Dương Minh học của họ cũng khá phát triển? Có nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ chưa giải quyết được. Bài viết này từ cách nhìn khu vực Đông Á, bước đầu tìm hiểu về Võ Trường Toản và Nho học Nam Kỳ để thử trả lời những  câu hỏi trên.

2. THUYẾT “TRI NGÔN DƯỠNG KHÍ” VÀ VẤN ĐỀ DƯƠNG MINH HỌC Ở NAM KỲ

Trong bài bi minh đề ở mộ Võ Trường Toản (Gia Định xử sĩ Sùng đức Võ tiên sinh bi minh), Phan Thanh Giản có viết: “Ông Chiêu, nhà ẩn dật là bực túc học được theo Tiên sinh (Võ Trường Toản - Đ.L.G) học thấu nghĩa “Tri ngôn dưỡng khí”, từng thấy Tiên sinh để trong sách lời này...” (Dật nhân Chiêu túc học duy tùng Tiên sinh thụ “Tri ngôn dưỡng khí” chi nghĩa tằng kiến tiên sinh di thư...)([2]). Thuyết “Tri ngôn dưỡng khí” 知言養氣mà Võ Trường Toản tâm đắc và hết sức truyền thụ cho học trò là chủ trương của học phái nào? “Tri ngôn”, “Dưỡng khí” là gì? Tìm hiểu vấn đề này trên phạm vi Đông Á, chúng tôi mới biết sự quan tâm, lý giải thuyết “Tri ngôn dưỡng khí” thường gắn liền với các nhà Dương Minh học.

2.1. Thuyết “Tri ngôn dưỡng khí”

Nguồn gốc của thuyết “Tri ngôn dưỡng khí” là từ Mạnh Tử. Thực ra Mạnh Tử đề cập đến ba vấn đề riêng rẽ: Dưỡng khí, Tri ngôn và Tập nghĩa, chứ không nhập lại thành một ngữ đoạn. Trong Mạnh Tử - Công Tôn Sửu thượng- 2 có đoạn đề cập đến 3 khái niệm này:  

“Công Tôn Sử hỏi rằng: Phu tử được cất nhắc lên ngôi khanh tướng nước Tề, có dịp đem đạo ra thi thố, tuy nhờ vậy mà giúp vua Tề làm bá, làm vương chẳng có gì lạ, nhưng như thế thầy có động tâm hay không?

Mạnh Tử đáp: Không. Từ hồi 40 tuổi ta không còn động tâm (bất động tâm) nữa.

Công Tôn Sửu nói: Nếu vậy Phu tử vượt Mạnh Bôn rất xa vậy.

Đáp: Việc đó chẳng khó gì. Cáo Tử còn không động tâm trước ta  nữa.

Hỏi: Việc không động tâm có quy tắc chăng?

Đáp: Có. Cách nuôi dưỡng dũng khí của Bắc Cung Ẩu là: không máy thịt, không chớp mắt. Ai làm nhục một mảy may, ông ta coi như bị đánh đòn nơi triều đình hoặc chợ búa. Ông ta không nhịn một người áo vải xốc xếch, cũng chẳng nhịn một ông vua vạn thặng; coi việc hành thích một ông vua vạn thặng cũng như một người áo vải xốc xếch vậy. Ông ta không hề sợ các vị chư hầu. Ai mắng mỏ một câu, ông mắng lại liền. (...)

Dám hỏi Phu tử sở trường về điều gì?

Đáp: Ta hiểu được ý người khác định nói, và ta khéo nuôi khí hạo nhiên của ta (Ngã tri ngôn, ngã thiện dưỡng ngô hạo nhiên chi khí).

Dám hỏi tại sao lại gọi là khí hạo nhiên?

Đáp: Khó nói lắm. Đó là cái khí rất lớn lao, rất cứng cỏi; nếu biết theo lẽ cương trực mà nuôi dưỡng và đừng làm hại nó, thì nó che lấp khuất khoảng trời đất. Đó là cái khí cần phải phối hợp với nghĩa, với đạo, nếu không nó sẽ hư hoại đi.

Phải tích chứa việc nghĩa (tập nghĩa), thì khí hạo nhiên sẽ nảy sinh. Không phải lâu lâu chộp lấy vài việc nghĩa mà có thể giữ nổi khí hạo nhiên. Làm việc gì không thỏa trong lòng, ắt khí hạo nhiên phải hư hoại đi. Vì thế ta mới nói rằng Cáo Tử chưa từng hiểu rõ về điều nghĩa, là vì anh ta cho rằng nghĩa là điều bên ngoài của tâm (...)

Hiểu được ý người khác định nói (tri ngôn) nghĩa là sao?

Đáp: Nghe lời lắt léo, biết là trong tâm có điều che lấp; nghe lời phóng đãng, biết rằng tâm tư chìm đắm vì tư dục; nghe lời tà khúc, biết rằng lòng dạ xa rời chính đạo; nghe lời luẩn quẩn, biết rằng tâm khí khốn cùng. Những điều như thế một khi nảy sinh trong lòng sẽ làm hại tới việc chính trị, và nếu phát ra trong chính sách sẽ làm hại tới sự nghiệp. Dẫu cho thánh nhân có trở lại đời này, tất cũng công nhận những lời ta vừa nói.”

(Công Tôn Sử vấn viết: Phu tử gia Tề chi khanh tướng, đắc hành đạo yên, tuy do thử bá vương bất dị hĩ, như thử, tắc động tâm phủ hồ?

Mạnh Tử viết: Phủ. Ngã tứ thập bất động tâm.

Viết: Nhược thị, tắc Phu tử quá Mạnh Bôn viễn hĩ.

Viết: Thị bất nan. Cáo Tử tiên ngã bất động tâm.

Viết: Bất động tâm, hữu đạo hồ?

Viết: Hữu. Bắc Cung Ẩu chi dưỡng dũng dã: bất phu não, bất mục đào. Tư dĩ nhất hào tỏa ư nhân nhược thát chi ư thị triều. Bất thụ ư hạt khoan bác, diệc bất thụ ư vạn thặng chi quân, thị thích vạn thặng chi quân nhược thích hạt phu. Vô nghiêm chư hầu. Ác thanh chí tất phản chi.  (...)

Cảm vấn: Phu tử ô hồ trường?

Viết: Ngã tri ngôn, ngã thiện dưỡng ngô hạo nhiên chi khí.

Cảm vấn: Hà vị hạo nhiên chi khí?

Viết: Nan ngôn dã! Kỳ vi khí dã, chí đại, chí cương; dĩ trực dưỡng nhi vô hại, tắc tắc hồ thiên địa chi gian. Kỳ vi khí dã, phối nghĩa nhi dữ đạo; vô thị nỗi dã.

Thị tập nghĩa sở sinh giả. Phi nghĩa tập nhi thủ chi dã. Hành hữu bất khiếm ư tâm, tắc nỗi hĩ. Ngã cố viết Cáo Tử vị thường tri nghĩa, dĩ kỳ ngoại chi dã (...)

Hà vị tri ngôn?

Viết: Bí từ, tri kỳ sở tế; dâm từ, tri kỳ sở hãm; tà từ, tri kỳ sở ly; độn từ, tri kỳ sở cùng. Sinh ư kỳ tâm, hại ư kỳ chính. Phát ư kỳ chính, hại ư kỳ sự. Thánh nhân phục khởi, tất tùng ngô ngôn hĩ.)

Trên đây là đoạn hết sức quan trọng trong sách Mạnh Tử, quan trọng không chỉ ở chỗ thể hiện tư tưởng Mạnh Tử, mà chính là ở chỗ: đoạn ấy với ba khái niệm căn bản Tri ngôn, Dưỡng khí, Tập nghĩa đã được nhiều học giả, nhiều thời đại khác nhau chú giải kỹ lưỡng. Những chú giải ấy không phải là chú thích thông thường, mà nó thể hiện tư tưởng của người chú giải, quan niệm một học phái. Ở phương Đông việc chú giải khác nhau như thế thực chất là tranh luận triết học, và góp phần làm cho triết học phát triển. Có thể nói Tri ngôn, Dưỡng khí, Tập nghĩa trở thành những từ khóa để hiểu tư tưởng của các học phái.

Theo nghiên cứu của GS. Hoàng Tuấn Kiệt黃俊傑 (Đại học Đài Loan) trong công trình Từ Nho học Đông Á bàn về cách Jeong Je-du giải thích thuyết “Tri ngôn dưỡng khí” của Mạnh Tử, thì có sự khác nhau rất sâu sắc giữa cách chú giải của Chu Hi và Vương Dương Minh về ba khái niệm này([3]). Có thể tóm lược như dưới đây:

Chu Tử đứng trên lập trường Lý học (Lý nhất nguyên luận) chỉ ra: “Đoạn ‘Tri ngôn dưỡng khí’ trong sách Mạnh Tử chuyên lấy ‘Tri ngôn’ làm chủ, sau đó mới đến ‘Tập  nghĩa’. ‘Tri ngôn’ chính là chỉ ‘Cùng lý’ (truy cứu đến cùng Lý)”. Ông viết tiếp: “Chu Hi tôi trộm coi cái học của Mạnh Tử lấy ‘Cùng lý’, ‘Tập nghĩa’ làm khởi đầu, ‘Không động tâm’ là hiệu quả. Nói chung ‘Cùng lý’ thì có thể ‘Tri ngôn’, còn ‘Tập nghĩa’ thì có thể nuôi được khí Hạo nhiên. Lý sáng thì không nghi ngờ, Khí sung thì không sợ, cho nên có thể đảm đương việc lớn mà không động tâm, khảo luận chương này có thể thấy rõ điều ấy”.

Chu Hi dùng khái niệm “Cùng lý” để quán thông cả hai khái niệm Tri ngôn và Dưỡng khí của Mạnh Tử; dùng “Cùng lý” để giải thích Tri ngôn, dùng tích tập các Lý khác nhau của sự vật để giải thích Tập nghĩa. Ông viết: “Nói ‘Tập nghĩa’ cũng như nói ‘Tích Thiện’, nói chung muốn mọi chuyện hợp với Nghĩa vậy”. Chu Tử giải thích chữ “Tập” trong Tập nghĩa bằng “Tụ tập”; giải thích chữ “Nghĩa” bằng chữ Lý của vạn vật phân biệt; “Tập nghĩa” là: Tích tụ Lý khác nhau của sự vật. Như vậy Tập nghĩa đã trở thành một loại hoạt động tri thức bên ngoài.

Vương Dương Minh mặc dù có kế thừa tư tưởng của Chu Hi, nhưng ông cho rằng học thuyết của mình rất khác Chu Hi: “Riêng học thuyết của Chu Hi là bất đồng với ta, đó là điều ta luôn nhức nhối trong lòng” (Độc ư Chu Tử chi thuyết, hữu tương để ngộ, hằng  cửu ư tâm)([4])

Điều khác biệt cơ bản nhất giữa Vương Dương Minh và Chu Hi là ở chỗ họ Vương đứng trên lập trường Tâm học còn họ Chu thì Lý học.

Về Tri ngôn, Vương Dương Minh cho rằng “nội ngoại quán thông” nên Tri ngôn là Tri tâm.  Jeong Je-du/ Trịnh Tề Đẩu 鄭齊斗 (1649-1736), nhà Dương Minh học cổ điển Triều Tiên coi Tri ngôn gắn với Tâm (chứ không phải với Lý như Chu Hi), ông viết: “Tri là biết phải trái của lời nói thường, đều từ đúng sai của Tâm. Biết được sai thì hại đến chính sự. Ngược lại cầu ở Tâm, thì Ngôn và Tâm quán thông nhau vậy (Ngôn dữ Tâm quán)”.

Về Dưỡng khí, Vương Dương Minh cho rằng Khí tại Tâm, Tâm thông với Khí, vì vậy Dưỡng khí chính là bồi bổ, nuôi dưỡng Tâm.

Về Tập nghĩa, cũng từ lập trường Tâm học, Vương Dương Minh cho rằng Tập nghĩa có tính chất phản tỉnh, hồi quy vào Tâm của con người. Ông viết: “Bản thể của Tâm vốn bất động. Bản thể của Tâm là Tính, Tính tức là Lý. Tính vốn bất động, Lý vốn bất động. Tập nghĩa là trở về bản thể của Tâm” (Tâm chi bản thể nguyên tự bất động. Tâm chi bản thể tức thị Tính, Tính tức thị Lý. Tính nguyên bất động, Lý nguyên bất động. Tập nghĩa thị phục kỳ tâm chi bản thể)([5]). Cũng từ lập trường Tâm học, Vương Dương Minh cho rằng cái công phu Tập nghĩa của Mạnh Tử chính là cái “Trí lương tri” 致良知 – một khái niệm cốt tủy trong học thuyết Vương Dương Minh. Ông viết: “Tập nghĩa chỉ là Trí lương tri. Nói Tập nghĩa thì có lúc chưa thấy đầu não. Nói Trí lương tri thì như người ta đương lúc xuống mà có đất để mà đi bộ, cho nên tôi khư khư chuyên thuyết giảng Trí lương tri. Tùy thời mà thành tựu là đến với Lương Tri” (Tập nghĩa chỉ thị TRí lương tri.Thuyết Tập nghĩa tắc nhất thời vị kiến đầu não. Thuyết Trí lương tri tức đương hạ tiện hữu thực địa bộ khả dụng công, cố khu khu chuyên thuyết Trí lương tri. Tùy thời tựu sự thượng trí kỳ lương tri) ([6]).

Nói tóm lại Tri ngôn, Dưỡng khí, Tập nghĩa là những vấn đề cơ bản được Mạnh Tử đề cập đến, sau đó được Chu Hi giải thích trên lập trường Lý học, truy tầm cái Lý ở sự vật từ đó thống nhất cả Tri ngôn, Dưỡng khí và Tập nghĩa. Tuy nhiên đến Vương Dương Minh và các nhà Dương Minh học sau ông đã bác bỏ cách giải thích ấy. Từ lập trường Tâm học và quan niệm “Trí lương tri”, Dương Minh học truy tầm Tri ngôn, Dưỡng khí, Tập nghĩa ở Tâm, và dùng thuyết “Tri ngôn dưỡng khí” để nhấn mạnh sự khác biệt của Dương Minh học với Chu Tử học.

2.2. Dương Minh học ở các nước Đông Á

2.2.1. Một số nội dung chính của Dương Minh học: Có thể hiểu về Dương Minh học qua một số khái niệm có tính chất chìa khóa sau đây:

(1) Dương Minh học tiếp thu Tứ thư Ngũ kinh, trong đó chú trọng nhất ở sách Đại học. Sách Lịch sử triết học Trung Quốc của Phùng Hữu Lan có viết: “Ý tứ chủ yếu trong sự giảng học [của Vương Dương Minh] hiện rõ trong thiên Đại học vấn 大学問của ông. Đệ tử của ông là Tiền Đức Hồng viết: “Đại học vấn là giáo điển của sư môn. Người mới vào học được học nó trước tiên”([7]). Sách Nho giáo của Trần Trọng Kim cũng viết tương tự: “Dương Minh dạy các môn đệ thường lấy chương đầu sách Đại học và sách Trung dung mà chỉ rõ cái toàn công của thánh học, khiến học giả biết đường lối mà vào (...). Sau môn nhân chép những lời ông dạy làm thành một thiên gọi là Đại học vấn, nghĩa là câu hỏi về sách Đại học.” (Quyển hạ, Bộ Giáo dục, Trung tâm học liệu tái bản, Sài Gòn, 1971, tr. 264)

(2) Cốt lõi tư tưởng Vương Dương Minh là Tâm học. Trong sách Đại học, họ Vương bàn nhiều về Cách vật 格物, Trí tri致知, Thành ý . Từ lập trường Tâm học, Vương Dương Minh giải thích Cách vật cũng bắt đầu từ Tâm; Trí trí phát triển thành Trí Lương Tri 致良知. Ông viết: “Ta nói Trí tri, Cách vật là “trí” cái “lương tri” của tâm ta ở sự sự vật vật. Lương tri của tâm ta tức là cái gọi là Thiên lý vậy. “Trí” cái “thiên lý” trong lương tri của tâm ta ở sự sự vật vật, thì sự sự vật vật đều được cái lý. Trí cái lương tri ở tâm ta là Trí tri vậy; sự sự vật vật đều được cái lý, là Cách vật vậy”. Từ Thành ý mà phát triển thành khái niệm Thành . Thành vừa từ Thành ý, vừa phát triển từ Trí lương tri, quán thông cả Cách vật, Trí tri, đồng thời cũng chính là Chí thiện([8]). Chí thiện là cái tột cùng của “Đại học” (chỉ ư chí thiện). Như vậy Thành – một khái niệm thuộc đạo đức học và nhận thức luận, chính là khái niệm trung tâm của Dương Minh học.

(3) Tư tưởng “Tri hành hợp nhất” 知行合一 (Biết và làm phải thống nhất với nhau) của Vương Dương Minh ra đời từ việc chống lại khuynh hướng vu khoát, xa rời thực tiễn của Chu Tử học. Tư tưởng ấy đã mở đường đưa Dương Minh học trở thành triết học của thực tiễn, triết học của hành động và có tính cách mạng – nhất là qua cách chú giải của các nhà Dương Minh học cận đại Nhật Bản.

2.2.2. Dương Minh học ở Trung Quốc

Sau khi Vương Dương Minh mất đi các học trò của ông tiếp tục nghiên cứu, truyền  bá tư tưởng của ông, và hình thành nhiều môn phái khác nhau. Vương Kỳ 王畿, La Hồng Tiên 羅洪先đi sâu vào Tâm học và dần dần ngả sang khuynh hướng Thiền học. Tiền Đức Hồng 錢徳洪, Châu Thủ Ích 鄒守益đi sâu vào thuyết “Tri hành hợp nhất” mà giữ được tính thiết thực của Dương Minh học. Nhà Minh mất đi, nhà Thanh của bộ tộc Nữ Chân thay thế. Nho giáo đời Thanh có khuynh hướng tôn sùng Tống học. Dương Minh học ở Trung Quốc dần dần lụi tàn. Đến cuối TK.XIX Khang Hữu Vi康有為, Lương Khải Siêu梁啓超, những lãnh tụ của phong trào Duy tân Trung Quốc đã du nhập Dương Minh học cận đại của Nhật Bản về với tinh thần thực tiễn và cách mạng, nhờ vậy mà Dương Minh học Trung Quốc lại tái sinh và phát triển mạnh mẽ.

2.2.3. Dương Minh học ở Triều Tiên

Dương Minh học Triều Tiên bắt đầu từ Jeong Je-du/ Trịnh Tề Đẩu鄭齊斗 (1649-1736). Jeong Je-du có đóng góp lớn trong việc giải thích thuyết “Tri ngôn dưỡng khí” và đưa thuyết ấy truyền bá rộng rãi ở Triều Tiên. Ông được coi là học giả Dương Minh học tiêu biểu nhất của Triều Tiên. Đến cuối TK.XIX – đầu TK.XX, các sĩ phu duy tân Triều Tiên cũng du nhập tư tưởng Dương Minh học cận đại mới mẻ của Nhật Bản về nước mình.

2.2.4. Dương Minh học ở Nhật Bản

Dương Minh học Nhật Bản phát triển mạnh mẽ vào thời Edo cùng với nhiều phái Nho học khác như: Chu Tử học phái, Cổ học phái... Đứng đầu Dương Minh học thời Edo là Nakae Toju中江 藤 樹 (1608 – 1648). Toju từng làm thủ hạ cho một lãnh chúa vùng Kansai, vì bất bình với chính sách của Mạc phủ, ông bỏ về quê sinh sống bằng nghề nấu rượu. Sau đó được mời ra làm việc, nhưng ông cũng không ra. Toju chuyên nghiên cứu tư tưởng Vương Dương Minh, truyền bá  Dương Minh học với thuyết “Tri hành hợp nhất” vào Nhật Bản. Về tư tưởng, Toju chủ trương coi Khí là chủ. Khí tại tâm con người, Tâm nhờ Khí mà có tư tưởng, tư tưởng tùy hoàn cảnh mà thích nghi biến đổi. Muốn tiến bộ người ta phải sống tùy theo Khí ở Tâm. Quan niệm này chống lại chính sách cố định thành phần của Mạc phủ. Sau Nakae Toju, Dương Minh học tiếp tục phát triển với Kumazawa Banzan 熊沢蕃山 (1619-1691), Fuchi Kouzan 岡山 (1617-1687)...

Cuối thời Mạc phủ và đầu thời Minh Trị xuất hiện một nhà Dương Minh học có tính cách mạng là Yamada Houkoku 山田方谷 (1805-1877). Houkoku xuất thân từ vũ gia, đến đời ông thì suy thoái.  Năm 29 tuổi Houkoku bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu Dương Minh học. Houkoku có một cái  nhìn độc lập về Dương Minh học qua việc đánh giá những ưu điểm và khuyết điểm của học phái này. Ông cho rằng Dương Minh học giúp cho người ta hiểu được Tâm của mình, đi đến hiểu được bản chất của tính người, có thể phân biệt được đúng sai, đạt được thành quả trong sự nghiệp. Nhưng khuyết điểm của Tâm học là khiến người ta chạy theo hành vi của Tâm mà ngộ nhận trong phán đoán đạo đức. Ông cố gắng truyền thụ cho học trò mặt tích cực của Dương Minh học. Houkoku có nhiều hoạt động thực tiễn rất đáng chú ý: ông nhiều lần đề nghị cải cách chính trị ở các Phiên, các đề nghị ấy được tập hợp thành các sách: Lý tài luận, Nghĩ đối sách

Đến thời Minh Trị duy tân, Dương Minh học Nhật Bản phát triển theo hướng thực tiễn, cách mạng. Học giả tiêu biểu nhất cho Dương Minh học cận đại là Oshio Heihachiro大塩平八郎 (1793-1837). Các chí sĩ duy tân Nhật Bản nổi tiếng như Yoshida Shôin吉田松陰 (1830-1859), Saigô Takamori西 郷 隆 盛1827―1877... đều tự nhận mình chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Dương Minh học. Thông qua các chí sĩ duy tân này mà Dương Minh học được truyền bá mạnh mẽ ở các nước Đông Á khác.

2.3. Vấn đề ảnh hưởng của Dương Minh học đối với tư tưởng Võ Trường Toản và Nho giáo Nam Kỳ

Trước nay khi nói đến Nho giáo Việt Nam, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều không đề cập đến Dương Minh học mà chỉ dừng lại ở việc trình bày ảnh hưởng của Tống Nho. Nếu nói như vậy, dường như chúng ta không thể trả lời được những câu hỏi sau:

- Tại sao các nước Đông Á chịu ảnh hưởng của Nho giáo đều có Dương Minh học ở mức độ khác nhau, mà riêng chỉ có Việt Nam là không có?

-   Nho giáo ở Nam Kỳ do điều kiện lịch sử mà có tính chất đô thị khá rõ. Một số nhà nghiên cứu đã từng lưu ý trường hợp ông Quán trong Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu: ông Quán rất uyên thâm về Nho học, nhưng bất mãn thời thế mà không chịu đi thi để làm quan mà lui về ẩn dật, nhưng ẩn dật rất đặc biệt: ông mở quán bán hàng. Hình ảnh ông Quán cho thấy có sự kết hợp giữa Nho giáo và kinh tế hàng hóa – một khuynh hướng phát triển mới của Nho giáo Nhật Bản, Trung Quốc hậu kỳ trung đại chứ không còn là Nho giáo của xã hội nông nghiệp truyền thống nữa. Đó là văn học, nhưng vể tư tưởng thì  Nho giáo Nam Kỳ có yếu tố khai phóng nào không, nhất là khai phóng theo hướng Dương Minh học?

- Nho giáo Nam Kỳ tôn sùng Võ Trường Toản là bậc thầy. Có thể xem ngoài công đức dạy học ra thì Võ Trường Toản có mở đầu cho một học phái Nho học nào mới ở Nam Kỳ không?

Xem xét kỹ trường hợp Võ Trường Toản, chúng tôi thấy có thể mạnh dạn đặt vấn đề: có thể có những ảnh hưởng của Dương Minh học trong tư tưởng của Võ Trường Toản, cũng như ở nhiều nhà nho Nam Kỳ trước thời cận đại. Tiếc rằng Võ Trường Toản trước thuật ít, tác phẩm của ông còn lại chỉ có Hoài cổ phú, vì vậy muốn hiểu được tư tưởng của ông chúng tôi buộc lòng phải sử dụng tư liệu gián tiếp: những nhận định của học trò trực tiếp hoặc học trò tinh thần về ông. So sánh những đặc điểm của Dương Minh học (mục 2.2.1 ở trên), có thể thấy những biểu hiện của Dương Minh học ở Võ Trường Toản qua những yếu tố sau:

(1) Võ Trường Toản đề cao sách Đại học trong tứ thư ngũ kinh và thuyết “Tri ngôn dưỡng khí”. Trong bài bi minh đề ở mộ Võ Trường Toản (Gia Định xử sĩ Sùng đức Võ tiên sinh bi minh), Phan Thanh Giản có viết: “Lại nghe tiên sinh (Võ Trường Toản-Đ.L.G) học rộng hết các kinh, và sở trường nhất một bộ tứ thơ. Ông Chiêu, nhà ẩn dật là bực túc học được theo Tiên sinh  học thấu nghĩa “Tri ngôn dưỡng khí”, từng thấy Tiên sinh để trong sách lời này: “Sách Đại học một ngàn bảy trăm chữ, tan ra vô số sự vật, tóm lại còn hai trăm chữ, tóm lại nữa chỉ còn một chữ”” (Hựu văn tiên sinh bác quán quần kinh, vưu trường tứ tử thư nhất bộ.  Dật nhân Chiêu túc học duy tùng Tiên sinh thụ “Tri ngôn dưỡng khí” chi nghĩa tằng kiến tiên sinh di thư: “Đại học thiên thất bách tự tản chi vô số sự vật, thâu chi chỉ chỉ nhị bách tự, hựu thâu chi tắc nhất tự vô.)([9]). Nguyễn Thông nói rõ hơn: “Một quyển Đại học phát huy hết yếu chỉ tinh vi/ Rực rỡ như Vân Hán ngời ngời trên trời thu” (Đại học nhất biên yết vi chỉ/ Hoàng hoàng thu hiệu trác Hán chương)([10]). Như chúng ta đã biết, Vương Dương Minh cũng đề cao sách Đại học qua việc ông có sách Đại học vấn (Hỏi đáp về sách Đại học) và các nhà Dương Minh học Đông Á đều quan tâm chú giải lại thuyết “Tri ngôn dưỡng khí”.

(2) Võ Trường Toản đề cao chữ Thành , một trong những khái niệm trung tâm của Tâm học, Trí lương tri của Vương Dương Minh. Trong bài viết sau mộ biểu của Võ Trường Toản, Nguyễn Thông viết: “Sở học của Tiên sinh lấy chữ Thành làm chủ đích; trước hết lấy phương diện Trị tánh tình làm phương thiết thực”([11]).

(3) Võ Trường Toản chú trọng đến phương diện thực tiễn của học vấn, điều này phù hợp với  tư tưởng “Tri hành hợp nhất” của Vương Dương Minh. Cũng trong văn bản kể trên, Nguyễn Thông viết: “Sở học của Sùng Đức thật là thiết thực uyên thâm rất hiệp với tư tưởng thánh hiền xưa vậy.”([12]). “Thiết thực” (thiết thiệt) còn được nói nhiều lần nữa trong bài văn bia của Nguyễn Thông ở Văn Thánh miếu Vĩnh Long.  

Võ Trường Toản cũng như học trò của ông có nói đến các bậc thầy của Võ Trường Toản là Vương Thông thời Tùy, Chu Hi đời Tống. Thực ra thì các nhà Dương Minh học không hề phủ nhận toàn bộ tư tưởng Tống nho, nhưng với những vấn đề then chốt trong tư tưởng Võ Trường Toản có thể nghĩ đến Võ Trường Toản đã không chỉ dừng lại ở Tống Nho mà đi xa hơn nữa, tiếp thu cả tư tưởng Dương Minh học, trở thành nhà Dương Minh học đầu tiên và tiêu biểu nhất của nước ta tiền cận đại.

Đến đầu thế kỷ XX, cùng với sự bùng nổ của Phong trào Duy tân, các chí sĩ Việt Nam một lần nữa tiếp thu mạnh mẽ Dương Minh học cận đại có tính thực tiễn và cách mạng từ Nhật Bản – giống như những người đồng chí của họ ở Trung Quốc, Triều Tiên.

   3. TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA VÕ TRƯỜNG TOẢN VÀ HỌC PHONG NAM BỘ

Võ Trường Toản không để lại sự nghiệp trước thuật gì ngoài bài Hoài cổ phú, thế nhưng sĩ dân Nam Kỳ vẫn đặc biệt kính trọng ông coi ông là người thầy chung. Võ Trường Toản có nhiều học trò xuất sắc, đó là: Ngô Tòng Châu – bề tôi trung nghĩa, bậc khai quốc công thần của triều Nguyễn; là Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tĩnh – được người đời xưng tụng là “Gia Định tam gia” do tài thơ và tài văn võ song toàn của họ; là Phạm Ngọc Uẩn, Lê Bá Phẩm – những học trò giỏi; là ông Chiêu ông Trúc – hai nhà ẩn dật đức hạnh thanh cao... Những nho sĩ Nam Kỳ sau Võ Trường Toản, dù không học ông, nhưng cũng coi ông là thầy, như Phan Thanh Giản – vị tiến sĩ đầu tiên của Nam Kỳ, Nguyễn Thông – nhà thơ, nhà giáo hàng đầu của Nam Kỳ, như Nguyễn Đình Chiểu – thầy thuốc, thầy giáo, nhà thơ của sĩ dân Lục tỉnh... Phan Thanh Giản đã kể chi tiết việc dời mộ Võ Trường Toản từ Bình Dương (Gia Định) về Ba Tri (Vĩnh Long) để thấy được thái độ của người sau với Võ Trường Toản: “Cùng với người đồng quận tiên sinh là Nguyễn Thông, Đốc học tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi hội các thân sĩ mưu toan việc dời mộ (...) Nhờ quan học sứ Nguyễn Thông đứng làm chủ tang; đồ tang phục thì chiếu theo lễ tế thầy xưa mà sắp đặt (...) Tại tỉnh, các bạn đồng liêu, dưới phủ huyện, huấn giao, sĩ tử, có các thân sĩ hai tỉnh An Giang, Hà Tiên cùng với các sĩ phu ba tỉnh vùng Gia Định lưu ngụ trong ba tỉnh này đều tham dự vào lễ kiết táng.” (Gia Định xử sĩ Sùng đức Võ tiên sinh bi minh)([13]). Vậy tư tưởng giáo dục của Võ Trường Toản để lại gồm những gì, và điều ấy đã hình thành nên học phong Nam Bộ như thế nào? Theo chúng tôi có 3 điểm nổi bật sau đây.

3.1. Chú trọng ở đạo nghĩa

Võ Trường Toản đã để lại một bài phú để giáo dục đạo đức, đó là bài Hoài cổ phú hay gọi đầy đủ hơn là Hiếu trung hoài cổ phú. Như tên gọi của nó, bài phú ngợi ca những tấm gương trong lịch sử đã nêu cao đạo trung hiếu. Mở đầu bài phú tác giả nói vạn vật dù tốt đẹp đến đâu cuối cùng cũng sẽ tàn lụi, vạn vật đều biến đổi theo quy luật đất trời :

               Rỡ rỡ cúc ba thu, ba thu lụn cúc đà tàn héo;

Hây hây sen chín hạ, chín hạ qua sen cũng rã rời.

Cho hay vực thẳm nên cồn;

Khá biết gò cao hóa bể.   

   Con người cũng theo quy luật ấy, đều qua đi. Thế nhưng trong dòng chảy thời gian vô thường bất tận ấy, vẫn có những giá trị bất hủ:

               Cho hay dời đổi ấy lẽ thường;

               Mới biết Thảo Ngay là nghĩa cả.

   “Thảo Ngay” đó là cách Việt hóa, nhân dân hóa khái niệm Trung Hiếu.  Bài phú đưa ra hàng loạt tấm gương Thảo Ngay bất tử trong lịch sử: Vua Thuấn hiếu hạnh làm thay đổi được tính nết cha và mẹ ghẻ; Mẫn Tử Khiên bị mẹ ghẻ cho mặc áo mỏng vào mùa đông rét mướt mà chẳng kêu ca; Tôn và Tường khóc khi tìm măng vào mùa đông, nằm trên giá lạnh để bắt cá, lòng hiếu cảm đến trời...Rồi những tấm lòng cô trung của Tỷ Can, Hàn Dũ, Tô Võ, Nhạc Phi, Văn Thiên Tường... cũng sống mãi với sử xanh, đời đời bất diệt. Bài phú kết lại:

               Trời mỏn đất già, danh hỡi rạng, lụy non Ngưu nghĩ cũng sụt sùi;

               Biển khô đá rã, tiết nào phai, sử họ Mã chép còn tỏ rõ.

   Đạo nghĩa mà Võ Trường Toản và các học trò của ông đề cao đó là gì? Theo tôi:

-          Đó là lòng trung hiếu, như đã nói ở trên

-          Đó là tinh thần xả sinh thủ nghĩa

-          Đó là lòng Thành: chân thành, thành thực

-          Đó là tiết nghĩa, là Tinh thần trọng nghĩa khinh tài, “Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã”

như tổng kết của Phan Thanh Giản và Nguyễn Thông([14]).

3.2. Chú trọng ở thực tiễn

   Võ Trường Toản không nói trực tiếp về việc này, nhưng tinh thần thực tiễn thể hiện qua việc giảng dạy những điều thiết thực, dạy người ta trở thành người hữu ích. Nhiều lần các học trò của ông nói đến tinh thần này:

-          “Học mà dụng tất cả công phu để giữ được điều ấy thì học mới thiết thiệt (thiết thực)” (Nguyễn Thông: Vĩnh Long Khổng Tử miếu hậu ký)([15])

-          “Sở học của Sùng Đức thật là thiết thực uyên thâm rất hiệp với tư tưởng thánh hiền xưa vậy.” (Nguyễn Thông: Bài viết sau mộ biểu Sùng Đức Võ Phu tử)([16])

Có lẽ với tư tưởng này, Võ Trường Toản đã đào tạo ra những học trò văn võ toàn tài, giúp rập hiệu quả cho công cuộc trung hưng của nhà Nguyễn. Đó là một Ngô Tòng Châu văn chương giỏi, chỉ huy đánh trận giữ thành đều nổi tiếng; một Trịnh Hoài Đức làm thơ cũng giỏi, viết văn cũng hay, chỉ huy quân sự, lãnh đạo chính trị, đi làm ngoại giao đều xuất sắc. Cái học phong ấy còn được tiếp tục ở Phan Thanh Giản, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Trần Thiện Chánh...

Tinh thần trọng thực tiễn còn thể hiện ở phong cách kẻ sĩ có “Tục chuộng khí tiết, Khinh tài trọng nghĩa, sĩ phu ham đọc sách, cốt yêu cầu cho hiểu rõ nghĩa lý, mà lại vụng nghề văn từ” như Đại Nam nhất thống chí viết([17]).

3.3. Học vị đời

   Võ Trường Toản không ra làm quan do hoàn cảnh và quan niệm của ông, nhưng học trò của ông như đã nêu trên đều là những người xuất sắc. Có lẽ do điều kiện tự nhiên và kinh tế ở Nam Kỳ có nhiều ưu đãi, nên kẻ sĩ ở đây nếu muốn làm giàu thì có rất nhiều cơ hội, vì thế họ làm quan chủ yếu là để thi thố tài năng và để giúp đời, chứ không đặt nặng vấn đề học như một kế sinh nhai, như một cách thức để “xoay bạch ốc lại lâu đài”, biến “thanh khâm thành cẩm tú” như không ít kẻ sĩ các địa phương khác. Hãy nghe tâm sự của Nguyễn Thông, một nhà nho tiểu biểu của Nam Kỳ:

               Kẻ nam nhi đường đường lưng dài vai rộng,

               Phải làm cho tiếng tăm cùng dấu vết in khắp tám cõi.

               Nếu không thế thì cưỡi ngựa chơi ở Ngũ đô,

               Không thế thì dong thuyền dạo Ngũ hồ.

               Tay trái cầm đàn Triệu, tay phải nâng sáo Tề.

               Uống rượu ngon bồ đào, ăn cá chẽm Tùng Giang.

               Việc gì phải lặn lội hiểm nguy tìm chức tước,

               Ngựa gầy mũ rách rồi buồn nỗi cùng đường.

(Nam nhi đường đường hảo thân thủ

               Đương sử danh tích trì bát khu.

               Bất nhiên kỵ mã du Ngũ đô,

               Bất nhiên khinh chu phiếm Ngũ hồ,

               Tả ủng Triệu sắt hữu Tề vu,

               Bồ đào mỹ tửu Tùng Giang lô.

               Hồ nãi khóa khanh tẩu hiểm mịch quan tước,

               My thông phá mão bi cùng đồ.)

                                                   Tiến tửu ca([18])

   Nói về sự nghiệp giáo dục của Võ Trường Toản, Nguyễn Thông có câu thơ rất hay: Bậc đại hiền sinh ra không phải để làm quan mà là để dạy người ta làm quan:

               Thiên sinh đại hiền vị giác thế,

               Huân liệt bất tại đăng nham lang

               (Trời sinh ra bậc đại hiền để dạy dỗ cho đời,

               Công nghiệp không phải ở chỗ làm quan cho triều đình)([19]).

 

KẾT LUẬN

Từ cái nhìn toàn cảnh Nho học Đông Á, ta có thể thấy Nho giáo Việt Nam cũng có những bước đi đồng hành với Nho giáo trong khu vực, dù tính chất và mức độ cũng khác biệt ít nhiều. Dương Minh học - một khuynh hướng Nho học có tính chất khai phóng, chú trọng ở thực tiễn, có thể cũng đã được tiếp thu ở Việt Nam. Thời điểm tiếp thu là khoảng TK.XVIII tương đương với thời gian Dương Minh học du nhập vào Hán Quốc, tiếp thu ở địa phương mà mức độ kinh tế hàng hóa, giao lưu quốc tế khá rộng rãi, đó là Nam Kỳ. Nhà Dương Minh học sớm nhất và tiêu biểu nhất là Võ Trường Toản. Võ Trường Toản đã mở ra một học phái mới có nhiều yếu tố Dương Minh học và tạo ra học phong Nam Kỳ có những sắc thái riêng, trong đó yếu tố trọng Đạo nghĩa, trọng thực tiễn, học vị đời là những nội dung nổi bật. Mặt tích cực và cả mặt tiêu cực của học phong Nam Kỳ và rộng ra là giáo dục ở Nam Bộ cũng liên quan khá chặt chẽ với truyền thống đó.      

                                                                           Tháng 5 năm 2013

                                                                                     Đ.L.G

(Tạp chí Hán Nôm số 5, tháng 11 năm 2013)



CHÚ THÍCH

([1]) Nam Kỳ: Chúng tôi dùng tên gọi có tính lịch sử do vua Minh Mạng đặt ra năm 1832. Nam Kỳ được dùng cho đến năm 1948 mới được gọi là Nam Bộ.

([2]) Theo Lương Khê văn thảo – Bổ di, Vĩnh Thanh Phan Thanh Giản trước, Các con: Liêm (Thúc Thanh), Hương (Trọng Thăng), Tôn (Quý Tương) hiệu khảo. Bản dịch của Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh trong bài  Khổng học ở đất Đồng Nai”, Đại Việt tập chí, số 22-23 năm 1943.

([3]) Hoàng Tuấn Kiệt: Từ Nho học Đông Á bàn về cách Jeong Je-du giải thích thuyết “Tri ngôn dưỡng khí” của Mạnh Tử (黃俊傑(臺灣大學敎授): 從東亞儒學視域 論鄭齊斗對孟子「知言養氣」的解釋), http://huang.cc.ntu.edu.tw/pdf/CCB4112.pdf

([4]) Vương Văn Thành công toàn thư, dẫn theo Phùng Hữu Lan (Lê Anh Minh dịch), Lịch sử triết học Trung Quốc, tập 2, NXB. KHXH, 2007,  tr.666

([5]) Trần Vinh Tiệp: Vương Dương Minh truyện tập lục tường chú tập bình, Đài Bắc, Đài Loan học sinh thư cục, 1983, Quyển Thượng, điều 81, tr.107

([6])Phùng Hữu Lan, Lịch sử triết học Trung Quốc, Lê Anh Minh dịch, tập 2, NXB. KHXH, 2007, tr.659

([7] ) Dẫn theo Hoàng Tuấn Kiệt, tài liệu đã dẫn.

([8]) Phùng Hữu Lan viết: “Theo Vương Dương Minh, lương tri tức là bản tính trời phú cho ta, tức là bản thể của tâm ta. Nó tự nhiên, sáng láng, linh diệu, và minh giác. Hễ một ý niệm phát ra, thì lương tri của  tâm ta sẽ biết ngay nó là thiện hay ác. Bất kể những gì lương tri chúng ta nhận biết thiện hay ác, chúng ta phải thành thực yêu hoặc ghét. Như thế chúng ta không tự lừa dối lương tri của mình và chúng ta có thể làm cho ý của mình trở nên chân thành (Thành ý). Không tự lừa dối lương tri tức là thực hành cách vật trí tri, thành ý chính tâm; cũng tức là thực hành minh minh đức.” (Phùng Hữu Lan: Lịch sử triết học Trung Quốc, sđd, tr.664). Vương Dương Minh viết: “Lại có kẻ muốn thân dân, nhưng không biết dừng ở chí thiện. Đã vậy còn nhấn chìm tư tâm vào chuyện vụn vặt tầm thường, cho nên họ sai lầm ở quyền mưu và trí thuật mà không có lòng chân thành nhân ái và trắc ẩn (nhân ái trắc đát chi thành). Họ là bọn hám danh lợi, môn đồ của Ngũ bá. Đó đều là sai lầm do không biêt dừng ở chí thiện vậy.” (dẫn theo Phùng Hữu Lan, sđd, tr.661)

([9]) Theo Lương Khê văn thảo – Bổ di, Vĩnh Thanh Phan Thanh Giản trước, Các con: Liêm (Thúc Thanh), Hương (Trọng Thăng), Tôn (Quý Tương) hiệu khảo. Bản dịch của Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh trong bài  Khổng học ở đất Đồng Nai”, Đại Việt tập chí, số 22-23 năm 1943.

([10]) Đinh mão tam nguyệt nhị thập bát nhật thiên táng Sùng Đức Võ Phu tử thuật sự húc đồng học chư tử (Ngày 28 tháng 3 năm Đinh Mão dời mộ Sùng Đức Võ Phu tử thuật lại để khuyên các học trò), trong Tác phẩm Nguyễn Thông, Cao Tự Thanh-Đoàn Lê Giang biên soạn, Sở Văn hóa và Thông tin Long An xuất bản, 1984, tr.115-116

([11]) Bản dịch của Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh trong bài  Khổng học ở đất Đồng Nai”, Đại Việt tập chí, số 22-23 năm 1943

([12] ) Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh, Tài liệu đã dẫn.

([13] ) Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh, Tài liệu đã dẫn.

([14])  Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh, Tài liệu đã dẫn.

([15] ) Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh, Tài liệu đã dẫn.

([16] ) Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh, Tài liệu đã dẫn.

([17] ) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Gia Định, mục Phong tục.

([18] ) Tác phẩm Nguyễn Thông, Cao Tự Thanh-Đoàn Lê Giang biên soạn, Sở Văn hóa và Thông tin Long An xuất bản, 1984, tr.82-83

([19])  Đinh mão tam nguyệt nhị thập bát nhật thiên táng Sùng Đức Võ Phu tử thuật sự húc đồng học chư tử, trong Tác phẩm Nguyễn Thông, sđd, tr.115-116