Nghĩ thêm về việc phân kỳ văn học Hán Nôm Việt Nam

Việc tổng kết trong đó có phân kỳ văn học Hán Nôm Việt Nam không phải là chuyện gì mới, nhưng đến nay công việc này vẫn chưa được tiến hành một cách triệt để nên kết quả vẫn chưa đạt tới mức độ chính xác và hợp lý cần có. Chẳng hạn một số công trình, giáo trình văn học sử vẫn gọi chung văn học viết Việt Nam thời gian 1778 – 1802 là văn học thời Tây Sơn hay văn học Tây Sơn, nhưng ở Đàng Trong cũ nói chung hay Nam Bộ nói riêng thì lại có chính quyền Nguyễn Ánh ra sức phản kích và một dòng văn học chống Tây Sơn khá thuần nhất. Hay trước nay văn học Hán Nôm Việt Nam từ 1858 trở đi chủ yếu chỉ được tìm hiểu trên cơ sở các tác giả và tác phẩm yêu nước chống Pháp và chỉ đến khoảng đầu thế kỷ XX, nên sau khi triều đình nhà Nguyễn chấm dứt nền khoa cử Hán học từ 1919 thì gần như mặc nhiên được coi là đã chấm dứt, mặc dù thực tế cho thấy nó vẫn kéo dài đến Cách mạng Tháng Tám 1945. Hạn chế về quan niệm và phương pháp nghiên cứu trước tháng 4. 1975 đã đưa tới tình hình nói trên, nhưng việc tổng kết trong đó có phân kỳ văn học không toàn diện và chính xác như vậy tới lượt nó lại hạn chế việc nghiên cứu văn học Hán Nôm Việt Nam trên nhiều phương diện. Việc phân kỳ văn học Hán Nôm Việt Nam mà đặc biệt là từ thế kỷ XVIII trở đi do đó là vấn đề cần được đặt ra.

Nhìn chung việc phân kỳ văn học Hán Nôm Việt Nam trước thế kỷ XVIII trước nay không có gì cần bàn cãi, tức có thể hoàn toàn thống nhất về các thời kỳ chủ yếu như văn học Hán Nôm thời Bắc thuộc, văn học Hán Nôm thời Lý Trần (bao gồm cả thời nhà Hồ), văn học Hán Nôm thời Lê Mạc (bao gồm cả thời chiến tranh Nam Bắc triều) và văn học Hán Nôm thời Hậu Lê (1593 – 1789). Dĩ nhiên những đường ranh thời gian nói trên có co giãn theo khu vực địa lý, chẳng hạn văn học Hán Nôm thời Hậu Lê ở Đàng Trong đã từng bước chuyển qua một cơ cấu tác giả – tác phẩm và nội dung tư tưởng – nghệ thuật khác hẳn từ 1600 (1). Hay ở Đàng Ngoài thì có thể lấy việc Quang Trung đại phá quân Thanh năm 1789 làm thời điểm chấm dứt của văn học thời Hậu Lê, nhưng ở Đàng Trong thì phải lấy thời điểm chúa Nguyễn Duệ tông Phước Thuần bị Tây Sơn bắt giết năm 1777 làm cái mốc chấm dứt, vì việc Nguyễn Nhạc lên ngôi vua, chính thức mở ra một vương triều mới năm 1778 cũng mở ra một thời kỳ mới cho văn học Hán Nôm Việt Nam trên địa bàn này. Tuy nhiên dù sao thì những xáo trộn chính trị – xã hội cụ thể mang tính địa phương nói trên cũng chỉ là những biểu hiện của trào lưu thống nhất quốc gia dấy lên sau khi Tây Sơn khởi nghĩa, nên có thể hợp nhất văn học ở miền Bắc dưới triều Tây Sơn của Quang Trung từ 1789 với văn học ở miền Nam sau khi Nguyễn Nhạc lên ngôi năm 1778 dưới tên gọi Văn học thời nội chiến cuối thế kỷ XVIII (1778 – 1802). Từ “nội chiến” ở đây hoàn toàn có cơ sở, vì không nói tới Nguyễn Ánh ở Gia Định hay nhiều cựu thần Lê Trịnh ở miền Bắc chống đối Tây Sơn, ngay Tây Sơn của Quang Trung cũng từng xung đột với Tây Sơn của Thái Đức ở Quy Nhơn năm 1786, Thiếu phó Trần Quang Diệu và Tư khấu Võ Văn Dũng cũng từng đem quân đánh nhau ở Phú Xuân năm 1795 khiến Cảnh Thịnh phải sai Phan Huy Ích viết bài Dụ nhị súy quốc âm hiểu văn để giảng hòa, ở Thăng Long cũng có tác giả Chiến tụng Tây Hồ phú đứng trên lập trường Lê Trịnh chống lại tác giả Tụng Tây Hồ phú ca ngợi triều đình Bảo Hưng năm 1801, văn học Tây Sơn chỉ là một bộ phận trong thời kỳ này.

Văn học Hán Nôm Việt Nam thời Nguyễn dĩ nhiên chính thức bắt đầu từ 1802, sau khi Gia Long đem quân ra Bắc tiêu diệt vương triều Tây Sơn, thống nhất đất nước. Và sau văn học Hán Nôm thời Nguyễn là văn học Hán Nôm thời Pháp thuộc từ 1862 đến 1945, tức bắt đầu từ năm triều đình Tự Đức ký nhường ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ và đảo Côn Lôn cho Pháp. Dĩ nhiên đường ranh thời gian “Pháp thuộc” này cũng co giãn theo khu vực địa lý, ví dụ trên địa bàn Trung Bắc thì phải tính từ Hòa ước Patenôtre 1884 theo đó triều đình nhà Nguyễn chính thức thừa nhận sự “bảo hộ” của Pháp, hoàn toàn không còn là một chủ thể công pháp quốc tế nữa. Cần nhắc lại rằng văn học Hán Nôm Việt Nam thời kỳ này có nhiều dòng khác nhau, trong đó văn học yêu nước chống Pháp là dòng chủ lưu chứ không phải là dòng duy nhất.

Khởi đi từ việc phân kỳ rạch ròi hơn như trên, có thể nghĩ thêm về việc nhìn nhận “Văn học Hán Nôm Việt Nam thời Pháp thuộc”. Văn học Hán Nôm tất nhiên bao gồm các tác phẩm văn học viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, nhưng tình hình văn tự dưới thời Pháp thuộc bắt buộc những người nghiên cứu phải chấp nhận một biệt lệ, hay nói chính xác hơn là thừa nhận một thực tế. Chữ Nôm (cũng có thể gọi là chữ quốc ngữ Nôm) và chữ quốc ngữ Latin thật ra chỉ là hai hệ thống ký hiệu để ghi âm tiếng Việt, chỗ khác nhau chỉ là chữ quốc ngữ được (hay có thể được) chuẩn hóa cao hơn, có số ký tự ít hơn, số chữ đồng dạng (cũng là đồng âm) cao hơn vân vân. Chỉ nói trong phạm vi Nam Kỳ thì nhiều tác phẩm thơ Đường luật, văn tế của Huỳnh Mẫn Đạt, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Văn Lạc cuối thế kỷ XIX hiện nay chỉ còn văn bản chữ quốc ngữ Latin chứ không có văn bản chữ Nôm, nhiều tác phẩm thơ Đường luật, văn tế của Nguyễn Liên Phong, Lê Quang Chiểu, Đỗ Minh Tâm đầu thế kỷ XX nếu viết lại bằng chữ Nôm rồi nói đó là tác phẩm chữ Nôm cũng không có gì không được. Rõ ràng ở đây hình thức văn tự và thể loại truyền thống không đủ để nhìn nhận nhiều tác phẩm văn vần tiếng Việt được sáng tác dưới thời Pháp thuộc. Cho nên phải có thêm những tiêu chí khác.

Ngày 1. 5. 1904 tức 16 tháng 3 năm Giáp thìn 1904 ở Nam Kỳ xảy ra một trận sóng thần do động đất từ đáy biển tạo ra gây thiệt hại rất lớn. Sự kiện này ghi lại một dấu vết đặc biệt đậm nét trong ký ức của cộng đồng Việt Nam ở Nam Kỳ thế kỷ XX, với thành ngữ “Bão lụt năm Thìn” và hàng ngàn tác phẩm truyện kể, vè, thơ, câu đối, văn tế của nhiều tầng lớp nhân dân. Chỉ nói trong phạm vi các tác phẩm được công bố trên Nông cổ mín đàm thì cũng có tới gần trăm bài thơ và văn tế, hầu hết đều mang thi pháp và thể loại có thể xếp vào dòng văn học Hán Nôm. Sau bài phú Thiên tai khả lân điếu bỉ trầm dân và hai bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú Trời bão của Phó tổng Bảo Lộc Nguyễn Hữu Đức ở Bến Tre ngày 26. 5. 1904, Nông cổ mín đàm liên tiếp đăng tải nhiều thơ văn của Đinh Thiều Quang, Phạm Hữu Thành, Nguyễn Trung Thành, Hồ Ninh Tịnh, Đỗ Quang Đẩu, Trần Duy Thanh, Lê Xuân Thới, Nguyễn Chánh Sắc, Trịnh Hoài Nghĩa, Trần Đắc Sang, Hồ Trí Viễn, Bùi Hạo Thiên, Lê Đạo Ngạn, Nguyễn Sơ Khai, Nguyễn Đảnh Nại, kẻ xướng người họa rất sôi nổi… Khưu Anh có Liệt phong phú (phú), Nguyễn Tam Ích có Thiên biến vịnh (thơ lục bát), Trần Quang Văn có Đàm ca hồng thủy điếu bỉ sanh linh, Điếu tế trầm dân (văn tế), Gò Công phong vịnh hồng thủy biến sanh (thơ song thất lục bát), Tây Hiên có Cụ phong sậu võ (thơ lục bát), Huỳnh Ngọc Nhuận có Điếu chư trầm vong (văn tế)… Sau đây là phần Tán và đoạn cuối phần Ai trong bài Điếu tế trầm dân của Cựu Tri bộ Trần Quang Văn ở Gò Công:

Hỡi ôi!
Núi Quy Sơn sựng sựng, trời khéo day khi lở lại khi bồi, Sông Bức Thủy vơi vơi, nước không cấm cơn đầy xây cơn cạn.
Cuộc phù thế như ngọn đèn nhấp nháng, thoạt mới nhen gió tạt ỷ khôn che, Đường tử sinh dường bóng nguyệt linh lang, vừa lố mọc mây tuôn đà khó cản.
Ùn thương cẩu khi không kết oán, giết sống người chẳng đợi tuổi trăm năm, Ngọn thủy triều bỗng chốc sanh sân, chém tươi chúng không chờ ngày quyết đán.
… Mặt rã rượi chồng ngồi nhắc vợ, ngày thời chạy bát cơm đầy dĩa cá, tối thì lo vá vai xé vạt, phải em còn đỡ anh lúc cơ hàn, Lòng xốn xang cha lại kể con, lớn thời sai bán củi quế đổi gạo châu, nhỏ thì bắt vấn thuốc têm trầu, phải trẻ sẵn giúp già cơn bát loạn.
Sách có chữ dưỡng nhi đãi lão, mẹ hết trông Khảo Thúc tái sanh, Lại có câu phu xướng phụ tùy, chồng hết tưởng đồng trinh tục mạng.
Thôi từ nay vợ xa chồng con xa mẹ, đoái giậu đông trông khóm bắc, trời khéo gây cho gan ruột héo don, Thôi từ nay da lìa vóc thịt lìa xương, bươi đống rác vạch chòm rêu, đất nỡ khuấy cho cốt hài tiêu tán.
Nhìn tử mộ hồn mê phách sảng, chất ngất như mả lạp Ngụy Khôi, Đoái Giai thành đởm liệt tâm kinh, thon von vi khu phần Tiết đảng.

Không nói tới những thành ngữ Việt Hán như Dưỡng nhi đãi lão, Phu xướng phụ tùy, Hồn mê phách sảng, Đởm liệt tâm kinh, đoạn trích nói trên còn có một số điển cố trong văn chương Hán Nôm như Thương cẩu, Khảo Thúc, Tiết đảng… mà những người không hiểu biết văn học Hán Nôm khó mà nhận ra hay hiểu rõ. Tiêu chí để nhìn nhận từng trường hợp cụ thể trong các tác phẩm loại này là một vấn đề còn cần được thảo luận, nhưng rõ ràng ở một mức độ rất đáng quan tâm, văn học chữ quốc ngữ Latin mà chủ yếu là bộ phận văn vần dưới thời Pháp thuộc vẫn còn chịu ảnh hưởng thi pháp của văn học Hán Nôm truyền thống (2). Đây là xuất phát điểm để những người nghiên cứu suy nghĩ thêm về nhiều tác phẩm văn vần tiếng Việt không thuộc bộ phận “thơ mới” gần như đã hoàn toàn bị bỏ quên trong nhiều công trình, giáo trình về văn học viết Việt Nam thời kỳ 1862 – 1945.

Tháng 1. 2014

(1) Xem thêm Cao Tự Thanh, Văn học Đàng Trong, in trong Văn học Việt Nam thế kỷ X – XIX, Những vấn đề lý luận và lịch sử, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007.
(2) Xem thêm Nguyễn Khuê, Cao Tự Thanh, Một trăm câu hỏi đáp về văn học Hán Nôm ở Gia Định – Sài Gòn, Nxb. Văn hóa Văn nghệ, 2011, câu 086, 089.

 

Nguồn: http://hocsinhmiennam.com/nghi-ve-viec-phan-ky-van-hoc-han-nom-viet-nam/

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website