25042024Thu
Last updateTue, 23 Apr 2024 10am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Văn học Ethiopia thế kỷ XIII-XVI

Người dịch: Trần Thị Phương Phương (*)

TÓM TẮT

Văn học Ethiopia là tên gọi để chỉ nền văn học viết bằng ngôn ngữ Ge’ez thuộc nhóm phía bắc của nhánh tiếng Semite Ethiopia. Trong giai đoạn từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVI, cùng với quá trình phát triển của lịch sử và tôn giáo của dân tộc, văn học Ethiopia đã dần phát triển từ các tác phẩm văn bia đến các thể loại sách thánh, truyện thánh, sử ký, sách phụng vụ,… từ văn học mang dấu vết đa thần giáo đến văn học Thiên Chúa giáo và để lại những dấu ấn đặc sắc.

Thiếu nữ Ethiopia 

Văn học Ethiopia là tên gọi để chỉ nền văn học viết bằng ngôn ngữ Ge’ez thuộc nhóm phía bắc của nhánh tiếng Semite Ethiopia. Ngôn ngữ này không còn là sinh ngữ từ hơn một ngàn năm trước, tuy nhiên hầu như cho đến thế kỷ XX, nó vẫn giữ ý nghĩa như một ngôn ngữ văn học và cho đến nay vẫn là ngôn ngữ phụng vụ trong nhà thờ Ethiopia. Truyền thống thành văn ở Ethiopia về nguồn gốc là cổ hơn so với việc sử dụng tiếng Ge’ez trong các tác phẩm thành văn. Truyền thống đó bắt nguồn từ những tác phẩm văn bia của vương quốc Aksum cổ đại – vương quốc mà các nhà nghiên cứu cho rằng đã được những người dân di cư từ phía nam bán đảo Arabia lập nên và phát triển bên bờ biển châu Phi nhờ vào vị trí thuận lợi trên con đường giao thương lớn ở Hồng Hải. Từ tên gọi của hai bộ lạc Nam Arabia là Habashat và Ge’ez vốn đã di cư từ Yemen đến vùng Aksum vào thiên niên kỷ I trước công nguyên, mà có tên gọi cho cả quốc gia Habashat (Abyssinia) lẫn ngôn ngữ Ge’ez. (Tên gọi trong Kinh Thánh “Ethiopia” trở thành tên tự xưng của nhà nước Ethiopia rất lâu sau đó, vào các thế kỷ XIII-XIV và có liên quan với cái gọi là “cuộc phục hồi triều đại Solomon” và những huyền thoại về triều đại xuất phát cũng từ nguyên nhân này).

Người ta cho rằng những người dân di cư từ Nam Arabia đã mang theo cả những cơ sở của nhà nước lẫn truyền thống văn tự dưới dạng được gọi là văn bia các vua được khắc trên đá bằng mẫu tự Sheba viết theo trật tự thông thường của tiếng Semite từ phải sang trái. Đến đầu công nguyên, cùng với sự phát triển của những quan hệ thương mại và văn hóa với thế giới Hy Lạp, ngôn ngữ chính thức thứ hai của vương quốc Aksum là tiếng Hy Lạp. Các văn bia trở thành song ngữ. Chúng kể bằng lối văn cô đọng về các chiến công của các vua, liệt kê tỉ mỉ tên các dân tộc bị chinh phục, các nguồn lợi chiếm được, các vật hiến sinh và quà tặng dâng lên thần linh. Thời kỳ thịnh vượng của vương quốc Aksum diễn ra vào thế kỷ IV, và vào nửa đầu thế kỷ này, vua Ezana đã đưa ra cải cách chữ viết của nhà nước: sinh ngữ Ge’ez trở thành ngôn ngữ chính thức, để phù hợp với nó mà về sau đã thay đổi hình thức các ký hiệu mẫu tự Sheba để chỉ không những các phụ âm, mà cả các nguyên âm. Tiếng Ge’ez trở thành ngôn ngữ viết với hướng viết từ trái sang phải. Chính vào thời bấy giờ nền văn học đặc thù Ethiopia đã nảy sinh. Vua Ezana mong muốn củng cố liên minh chính trị với Byzance nên đã khuyến khích Thiên Chúa giáo trong nước và đưa nó trở thành quốc giáo thay cho chủ nghĩa đa thần trước đó. Hai cải cách đó đã để lại dấu ấn sâu sắc trong toàn bộ sự phát triển về sau của văn hóa Ethiopia.

Thường trên các tượng đài văn bia viết bằng tiếng Ge’ez có thể thấy cả sự tiếp tục truyền thống Sheba cổ xưa lẫn cơ sở phát triển của văn học trung đại tương lai của Ethiopia. Tuy nhiên, việc nghiên cứu “văn bia các vua” cho thấy, rằng tuy mang nội dung tự sự, chúng trước hết vẫn là các văn bia tưởng niệm. Chúng được hướng tới không phải cho những người đã chết, mà phần lớn họ là người không biết chữ. Đó là những “văn bản thần linh” (chữ viết luôn được xem là có nguồn gốc thần linh) được viết ra để hướng tới thần linh và có ý nghĩa như việc dâng lên thần linh một cách biểu trưng món quà là kết quả chuyến viễn chinh hay chinh phục của nhà vua. Nhà vua ra lệnh khắc lên đá câu chuyện về những sự kiện trong chuyến hành binh bách chiến bách thắng của mình với sự liệt kê tỉ mỉ tất cả những chiến lợi phẩm giành được và những vùng đất đã thuần phục được, đặt phiến đá đó lên làm bệ thờ hay tấm bia cạnh ngọn đèn thờ thần linh, cho rằng thần linh khi nhận được món quà biểu trưng đó sẽ tiếp tục quan tâm đến việc bảo vệ ông ta. Nhà vua cũng quan tâm đến quà tặng của mình, đe dọa sẽ trừng phạt khủng khiếp đối với kẻ nào phá hoại cùng cả họ tộc của hắn. Ở đây, văn tự hoàn thành chức năng ma thuật mang tính xã hội, ủng hộ mối quan hệ giữa xã hội, mà nhà vua là đại diện, với thần linh.

Được dựng theo kiểu mẫu đó có cả công trình văn bia cuối cùng của vua Ezana về chuyến hành binh chống lại người Nubia, nơi nhà vua hướng tới không còn là các thần linh đa thần giáo, mà là tới Chúa của đạo Thiên Chúa. Có lẽ sau khi tiếp nhận Thiên Chúa giáo và hoàn thành chuyến hành binh thắng lợi, vua Ezana không thể phá vỡ một cách thô bạo những thể chế và phong tục cổ mà thần dân của ông tuân theo, và cả đạo quân đều nhìn thấy điều kiện để có thành công may mắn chung. Bởi vậy ông dâng lên thần linh hai tượng đài: một ở Meroe nơi các chiến thắng xảy ra, và cái thứ hai ở Shado gần Aksum, trong khu hoàng gia, mà không quan tâm đến việc điều này có phù hợp với những quan niệm đa thần giáo hay những quan niệm Thiên Chúa giáo mới mẻ hay không. Mặc dù trong văn bản của bản thân tấm bia không gặp tên của các vị thần đa thần giáo, nhưng đồng thời cũng không có cả Ba Ngôi, Jesus, Maria. Vị chúa Thiên Chúa giáo thống nhất chỉ được nhắc đến trong các tính ngữ rất gần với vô số các tính ngữ chỉ các thần linh đa thần giáo.

Việc tiếp nhận đạo Thiên Chúa cùng với sự phân chia tất yếu quyền lực thành chính trị và tinh thần đã dẫn đến sự sa sút dần và tiêu vong của truyền thống văn bia trước kia. Cùng với việc nhập đạo Thiên Chúa, chữ viết mất đi ý nghĩa là phương tiện pháp thuật. Thay thế cho văn bia Aksum là truyền thống thành văn của các tác phẩm về hình thức là sách và về nội dung chủ yếu mang tính nhà thờ. Văn học Thiên Chúa giáo phát triển trước tiên trên cơ sở những bản dịch từ các tiếng Hy Lap và Syria. Ban đầu, các bản dịch gần như hoàn toàn được dịch bởi các tu sĩ người Syria chạy đến Aksum vào thời gian bị phái Monophytism (Nhất bản tính – xem Jesus chỉ có bản tính Thiên Chúa, không có bản tính người – ND) ở Byzance truy đuổi. Truyền thuyết còn lưu lại ký ức về quốc tịch Byzance của những người nhập cư này: việc xây dựng các tu viện Ethiopia cổ được truyền thuyết gán cho “chín người khả kính”, và các truyện đời của họ được biên soạn gần chín thế kỷ sau đó cho biết về nguồn gốc “La Mã” (tức Byzance) của họ, và với sự khoa trương ca tụng vốn tiêu biểu cho thể loại truyện thánh đã đưa họ gần như trở thành người thuộc gia tộc hoàng đế.

Văn tự Thiên Chúa giáo cũng gắn với nhà nước Aksum, và những thời kỳ tăng cường hoạt động dịch thuật và sáng tác văn học trùng với những thời kỳ hưng thịnh của vương quốc Aksum. Trong thời kỳ đầu tiên như thế (cuối thế kỷ IV – đầu thế kỷ V), Kinh Thánh đã được dịch, và có lẽ thời gian này việc quy điển đã được ấn định với 81 cuốn sách thánh, trong đó có cả các kinh ngụy tác như “Isaiah thăng thiên”, “Sách khải huyền của Ezdra”, “Sách Jubilees”, “Sách Enoch”, và các sách khác. Những nghiên cứu văn bản học cho thấy các sách Cựu Ước được dịch từ tiếng Hy Lạp, còn bản dịch Tân Ước mang những dấu vết rõ rệt của văn bản Syria. Vào thời kỳ thịnh vượng thứ hai của Aksum (cuối thế kỷ VI – đầu thế kỷ VII), giới tu sĩ Ethiopia phát triển và xuất hiện những bản dịch các quy tắc của Pachomius, cũng như truyện đời của Paul xứ Thebes và của Antonius Vĩ đại. Liên quan tới những cuộc tranh luận về giáo lý thời đại bấy giờ có luận văn “Về đức tin chính thống” của Cyril Alexandria, tên của tác giả được đặt cho cả tập sách; từ tiếng Hy Lạp có bản dịch các tập truyện về các loài muông thú và đất đá (bestiary) rất thú vị, như “Physiologus” là một bách khoa thư độc đáo thời đại bấy giờ rất phổ biến trong thời trung cổ cả ở phương Tây lẫn phương Đông.

Tính chất dịch thuật của văn học thời đại Aksum được lưu giữ cả trong thời kỳ sau đó, điều thường khiến người ta nghĩ về sự thiếu độc lập của nó. Tuy nhiên, tôn giáo mới nghĩa là thay đổi không chỉ những quan niệm thuần túy tôn giáo, mà còn cả những quan niệm triết học, tư tưởng, luật pháp, nghệ thuật, và cũng nghĩa là vay mượn cả một tập hợp các tác phẩm của văn hóa tín ngưỡng. Cũng như tôn giáo có nguồn gốc Nam Arabia đã làm nảy sinh cả nền văn bia về hình thức, nội dung, thậm chí cả về ngôn ngữ tương đồng với văn học Nam Arabia ở Aksum thời tiền Thiên Chúa giáo, thì việc tiếp nhận Thiên Chúa giáo đã kéo theo việc hấp thu truyền thống văn học mới hoàn toàn xa lạ, với những tác phẩm về nguồn gốc gắn với văn hóa Cận Đông và Địa Trung Hải. Ở đây cần nhấn mạnh rằng sự tiếp nhận tương tự các tác phẩm văn hóa tinh thần không đồng nhất với sự sao chép giản đơn. Cần phải tìm đặc thù dân tộc và tính độc đáo văn học trong các tác phẩm mang tính lịch sử và sử ký nhiều hơn là trong các kinh điển nhà thờ.

Nguyên nhân sự nghèo nàn các tác phẩm còn truyền lại đến nay từ các thời kỳ vương quốc Aksum là sự suy tàn của nó vào cuối thế kỷ IX. Thời đại loạn lạc tiếp sau đó không thuận lợi cho sự phát triển và lưu giữ các tác phẩm thành văn. Cường quốc thương mại một thời từng vươn tầm ảnh hưởng của mình ra hai bờ của Hồng Hải và, theo lời của B.A. Turaev, từng “đóng vai trò không phải cuối cùng trong lịch sử thế giới”, đã chấm dứt sự tồn tại của mình do sự suy tàn của thương mại trên Hồng Hải vì bị các cuộc xâm lược của Ba Tư phá vỡ, còn sau đó là do việc xuất hiện và phổ biến Hồi giáo. Tuy nhiên, nhà nước Ethiopia không bị tiêu vong cùng với sự sụp đổ của vương quốc Aksum. Những mầm mống của chủ nghĩa phong kiến xuất hiện từ thời vương quốc Aksum được củng cố và phát triển trong môi trường xã hội nông nghiệp ở các vùng phía bắc cao nguyên Ethiopia. Trung tâm của nhà nước Ethiopia chuyển từ Aksum đến sâu phía trong đất nước là vùng Lasta, nơi vào thế kỷ XI đã hình thành vương quốc phong kiến sơ kỳ được cai trị bởi vương triều Zagwe. Vào năm 1270, trung tâm này chuyển dịch tiếp về phía nam, khi quyền lực tối cao của đất nước rơi vào tay Yekuno Amlak, đại diện của vương triều địa phương vùng Amhara.

Về sau, việc đổi thay các vương triều dưới ngòi bút của các nhà viết sử của nhà thờ được hiểu như sự “phục hồi” vương triều hợp pháp của các vua Aksum, những người đến lượt mình tự xem là xuất phát từ vua Solomon trong Kinh Thánh và hoàng hậu Sheba. Người Zagwe xuất hiện như những kẻ tiếm đoạt mà Chúa cho phép chiếm ngai vàng của con cháu Solomon trong 135 năm. Mặc dù không còn tác phẩm văn học nào thời kỳ Zagwe còn truyền đến nay, nhưng khó có thể nói về sự suy tàn sáng tạo thời đại này. Những ngôi nhà thờ vĩ đại được chạm khắc từ một khối đá lớn ở Lasta cho thấy tác động của ảnh hưởng văn hóa Armenia, Syria, Ai Cập, và thậm chí cả Ấn Độ. Những ảnh hưởng đó dĩ nhiên không chỉ hạn chế trong lĩnh vực kiến trúc. Các tác phẩm văn học thuộc về thời đại Solomonid sơ kỳ là những thành tựu nghệ thuật bậc cao đến mức có giả thuyết về một truyền thống khá phát triển và lâu đời của sáng tác văn học. Việc các tác phẩm của thời kỳ Zagwe có lẽ chỉ nên phần nào quy cho nguyên nhân là bị phá hủy do những loạn lạc trong nước đi cùng với cuộc lật đổ vương triều năm 1270. Ở đây hoàn toàn có thể giả thiết về sự kiểm duyệt gay gắt của các vua Solomonid, những người cũng là kẻ tiếm đoạt vương triều trước đó và vì thế muốn củng cố tính hợp pháp cho quyền lực của mình và tiêu hủy ký ức về những người tiền bối.

Dù thế nào đi chăng nữa thì cùng với sự sụp đổ của vương triều Zagwe vào năm 1270 đã kết thúc một thời kỳ trong sự phát triển nhà nước và văn hóa của Ethiopia. Như I.Yu. Krachkovsky đã viết, “năm 1270 đánh dấu một thời đại mới đối với Abyssinia không chỉ trong lịch sử, mà cả trong văn học của nó. Việc củng cố quyền lực bằng “vương triều Solomonid”, nâng mình thành vua và nhà thơ của Jerusalem đã tác động đến sự phục hưng về chính trị và tinh thần. Tầm mức khai sáng được nâng lên nhờ vào mối giao lưu thường xuyên với Ai Cập, và truyền thống văn học về sau không bị gián đoạn một cách gay gắt như đã từng diễn ra vào thời kỳ trước đó”. Quả thực, các tượng đài của truyền thống văn học và lịch sử xuất hiện không có sự gián đoạn đáng kể nào từ thế kỷ XIV cho đến tận đầu thế kỷ XX.

Nền sử ký Ethiopia bắt đầu từ sáng tác độc thần giáo được mang tên “Vinh quang các vua”. Các nhà nghiên cứu gọi nó là sử thi dân tộc, ý nói đến ảnh hưởng của nó đối với sự hình thành ý thức dân tộc Ethiopia. Tác phẩm 117 chương này bao gồm những tư liệu văn học và các điển tích đa dạng – từ các sách Thánh kinh và ngụy kinh đến các tập truyện dân gian, và từ các sáng tác của các cha đạo đến những mô phỏng Koran. Tuy nhiên, dù đa dạng về chất liệu sử dụng như vậy, nhưng tư tưởng của “Vinh quang các vua” được trình bày hết sức nhất quán, nhằm chứng minh rằng Ethiopia là một Israel mới, còn dân tộc Ethiopia là dân tộc được Chúa lựa chọn, vua của Ethiopia vượt trội hơn tất cả các vua khác và quyền cai trị thế giới được chuẩn bị để dành cho họ.

Trong phần mở đầu chiếm 16 chương trình bày những luận điểm của thánh Gregory (nhân vật văn học trong đó tập hợp những đặc điểm của Gregory Nhà khai sáng của Armenia và Gregory Người tạo phép lạ của Ai Cập), trong đó ông đi đến kết luận, rằng vinh quang của các vua không phụ thuộc vào sức mạnh quân sự, sự giàu có trên trần thế hay ánh hào quang của cung điện. Tiếp sau đó là câu chuyện về ý nghĩa cao cả của Hòm Giao Ước và việc Chúa lựa chọn con cháu của Abram cho đến David. Phần chính (75 chương) là một “cuốn sách” cổ được tìm thấy ở nhà thờ Sophia, trong đó kể lại huyền thoại nổi tiếng về nguồn gốc các vua Ethiopia từ vua Solomon con trai David và hoàng hậu Sheba, và về việc con trai họ là Menelik đánh cắp Hòm Giao Ước từ Jerusalem. Như vậy, các vua của Ethiopia vừa là hậu duệ của Abram và David, vừa là những người có được vật linh thiêng nhất là Hòm Giao Ước được Chúa giao trên núi Zion, nghĩa là có cơ sở để kỳ vọng về việc được Chúa lựa chọn.

Vì lý do đó là vua Solomon nằm mơ một giấc mơ tiên tri, rằng mặt trời ghé xuống Judah chiếu sáng một chút, rồi đi về Ethiopia, nơi sẽ chiếu sáng vĩnh cửu. Tiếp theo đó là câu chuyện, rằng trong tất cả các vua trên thế gian bắt đầu từ Shem, chỉ có các vua Ethiopia có quyền con trưởng (tức quyền thừa kế đặc biệt – một điển tích trong Kinh Thánh Cựu Ước - ND) và thuyết giáo “đức tin chính thống”, bởi các vua Thiên Chúa Giáo “La Mã” (tức Byzance) đã “bóp méo đức tin”. Trong phần vĩ thanh chiếm 23 chương, quyền được Chúa lựa chọn của Israel bị phủ nhận hoàn toàn, và khẳng định thắng lợi tương lai của một Israel Mới là Ethiopia, kẻ có được cả vật thiêng cao nhất là Hòm Giao Ước núi Zion lẫn “đức tin chính thống hiện hữu cho đến ngày Chúa phán xử”. “Vinh quang các vua” là tác phẩm mang tính toàn dân tộc, nơi mà theo lời của Donald Levin, “đã làm rạng danh không phải một bộ tộc, một khu vực, một nhóm ngôn ngữ riêng lẻ nào, mà là dân tộc Ethiopia với sự lãnh đạo của vị vua của mình”. Ý nghĩa của nó khó có thể phủ nhận. “Vinh quang các vua”, theo ý kiến của người Ethiopia, là minh chứng tất yếu về sự biệt lệ của Ethiopia như người thừa kế hợp pháp Giao Ước Do Thái. (Điều này cũng tương tự như tư tưởng quen thuộc đối với độc giả Nga về “La Mã thứ ba”).

Trong lời ghi cuối sách “Vinh quang các vua” chỉ rõ, rằng cuốn sách từ lâu đã được dịch từ tiếng Coptic sang tiếng Arab bởi hai người tên Abul Izz và Abul Farag nào đó, sau đó được cha Isaac giám mục Công đồng Aksum dịch sang tiếng Ge’ez. Ngôn ngữ của tác phẩm tràn đầy các từ ngữ Arab đã khẳng định sự hiện diện ít nhất là bản chép lại bằng tiếng Arab; sự tồn tại của nguyên bản tiếng Coptic thì đáng nghi ngờ hơn. Tuy nhiên, mối quan hệ nhất định của “Vinh quang các vua” với văn học Coptic đã tồn tại và tiếp tục trong thể loại tác phẩm của Ethiopia. Về thể loại, “Vinh quang các vua” thuộc loại tiểu thuyết lịch sử nhà thờ vốn không có ở Ethiopia, nhưng lại rất phổ biến nơi người Coptic. Về điều này B.A. Turaev đã viết: “Thiên kiến dân tộc chủ nghĩa thường tìm được vị trí cho mình, và ở phương diện này đặc biệt tiêu biểu là những truyện của Coptic về các Công đồng Chung được biên soạn phần nhiều dưới hình thức các tiểu thuyết lịch sử nhà thờ, mà những người xuất thân Ai Cập được xem là đóng vai trò gần như quyết định”. Nếu như nhớ rằng chiếm một trong những vị trí quan trọng nhất trong “Vinh quang các vua” là những diễn thuyết hư cấu trong Công đồng Niceae của Gregory Thaumaturgus (Gregory Người tạo phép lạ) người Ai Cập và của Giám mục La Mã Dometius, trong đó đầy những tiên tri về tương lai vĩ đại của Ethiopia, thì có thể thừa nhận tác phẩm này là bản Ethiopia của một tiểu thuyết bao gồm cả những huyền thoại về hoàng hậu Sheba rất phổ biến ở cả hai bờ Hồng Hải. Tuy nhiên, nếu như đối với người Coptic, thể loại này có chức năng như một sự an ủi đặc biệt, trong đó, như theo diễn đạt của B.A. Turaev, “một dân tộc từng có thời rất vĩ đại, nhưng giờ đây bị nô lệ nhiều thế kỷ, trở nên tin vào bản thân và tiếp tục xem mình cao hơn tất cả”, thì đối với người Ethiopia, “Vinh quang các vua” là cơ sở tư tưởng tự nhận thức của họ, là “phả hệ dân tộc” như Eduard Ullendorff đã gọi nó.

Sự phồn thịnh của văn học Thiên Chúa giáo ở Ai Cập thế kỷ XIII được phản ánh chậm hơn một chút cả trong văn học Ethiopia. Đến cuối thế kỷ XIII, người Ethiopia có thể làm quen với những bản dịch của các tác phẩm văn học phụng vụ nhà thờ của người Coptic, như “Sinogos”, “Didascalia” (Giáo huấn của thánh tông đồ), cũng như với các tác phẩm văn học sử của Thiên Chúa giáo, như “Sử ký” của al-Makin mà người Ethiopia gọi là George con trai của Amid, và bản tiếng Arab của bộ “Lịch sử các chiến thắng và thất bại của người Do Thái” của Josippon cải biên từ “Chiến tranh Do Thái” của Josephus Flavius, nhưng lại được gán cho một người khác đồng thời với cuộc bao vây Jerusalem là Joseph ben Gorion. Thuộc thời gian này còn có bản dịch “Truyện về Alexander” từ bản tiếng Arab của Callisthenes Ngụy danh. Có lẽ khi đó cũng đã xuất hiện cả bản cải biên độc đáo của Ethiopia tác phẩm này dưới nhan đề “Về những hạnh tích và việc trị vì của vua Alexander được Chúa lựa chọn”, nơi Alexander được miêu tả như một vị thánh đã được mạc khải bí mật về Chúa Cứu thế sẽ đến.

“Vinh quang các vua” được viết vào thời kỳ trị vì của vua Ethiopia Amda Seyon (1314-1344), người không chỉ đã dẹp tan được nhiều đối thủ Hồi giáo của mình, mà con buộc họ trở thành chư hầu và vì vậy mở rộng lãnh thổ của vương quốc gần như gấp ba lần. Những cuộc viễn chinh bách chiến bách thắng của vị vua Thiên Chúa giáo được ca tụng trong “Truyền thuyết về cuộc hành binh của vua Amda Seyon”, tác phẩm sớm nhất trong số các sử ký của vương quốc Ethiopia mà chúng ta biết đến. Về sau, truyền thống chính thống này tiếp tục mà không có sự gián đoạn đáng kể nào cho đến đầu thế kỷ XX. Xét về những thành tựu mang tính văn học và về vị trí mà “Truyền thuyết về cuộc hành binh của vua Amda Seyon” có được trong văn học Ethiopia, thì có thể xác định nó bằng định nghĩa mà D.S. Likhachev đã đưa ra cho “Bài ca về đạo quân Igor”, là “một sự phản ánh văn hoa sử thi sơ kỳ phong kiến”. Nó là một hiện tượng không thường gặp trong văn học trung đại, khi cá nhân sáng tạo mạnh mẽ của tác giả đã tạo nên một kiệt tác vượt ra khỏi hệ thống thể loại tiêu biểu cho văn học thời đại của nó.

Ở đây, tự sự lịch sử kết hợp một cách táo bạo với những môtíp sử thi. Vua Amda Seyon hiện ra như một anh hùng sử thi: “Chàng chồm dậy như con báo, phóng như sư tử lên lưng con ngựa… và nói với người hầu…: “Hãy từ bên phải tiến vào giữa những kẻ bất tín”. Vua thì tiến lên từ bên trái nơi có rất nhiều kẻ bất tín. Chàng không sợ điều đang ở sau lưng mình, không nhìn ra sau gáy khi những mũi tên bắn như mưa, những mũi giáo bằng sắt và bằng gỗ đâm như thành lũy về phía chàng. Chúng lại gần, bao vây chàng bằng những thanh gươm. Chàng đối mặt, cứng như đá, sẵn sàng đón nhận cái chết và phá vỡ hàng lối của kẻ thù. Và khi đâm trúng một tên, chàng làm một tên khác kinh hãi và kết cả hai vào cùng một mũi giáo với sức mạnh của Chúa. Ngay lập tức những kẻ bất tín run sợ, bỏ chạy và không thể đối mặt với chàng, bởi chàng từ lâu đã được tôi rèn trong chiến đấu và không ai có thể đứng vững trước chàng… Chàng xuống ngựa, cầm lấy tấm khiên của mình và đánh bại những kẻ bất tín. Và khi cánh tay phải của chàng yếu mệt, thì chàng đánh bằng tay trái, còn khi tay trái yếu, thì chàng đánh bằng tay phải… Khi nhà vua tiêu diệt hết những kẻ ở bên phải, chàng quay sang những kẻ bên trái và sát phạt chúng như ngọn gió thổi bay cát bụi, và giết hết những kẻ bất tín. Từ sáu giờ cho đến lúc mặt trời lặn, tay chàng dính chặt vào thanh giáo bởi máu người do giết quá nhiều. Người ta khó khăn lắm mới giải phóng được cánh tay chàng và lấy cây giáo ra khỏi nó”. Những đoạn riêng lẻ trong “Truyền thuyết…” rất gợi nhờ đến các thành ngữ của một số “văn bia các vua” thời Aksum, đặc biệt là các văn bia dài dòng của vua Ezana. Tuy nhiên, khó có thể xem đây là sự mô phỏng trực tiếp hay sự vay mượn kế thừa văn học. Đúng hơn sự tương đồng này gắn với việc những hình tượng, những tỷ dụ và ẩn dụ tương tự xuất phát từ những cội nguồn dân gian chung.

Trong “Truyền thuyết…”, tác giả cố gắng thể hiện sự vượt trội tất yếu của vua Amda Seyon trước kẻ thù. Nhằm mục đích này còn có cả việc miêu tả tỉ mỉ những đạo quân lớn của kẻ thù, chỉ ra số lượng ít ỏi của quân nhà vua và liệt kê các đạo quân Ethiopia đã không cùng với vua trong giây phút nguy hiểm. Tất cả những điều này, như I.Yu. Krachkovsky đã viết, “thậm chí tạo nên một hiệu quả bi kịch mạnh mẽ”. Như vậy, nếu như “Vinh quang các vua” tạo cơ sở cho sự vượt trội của các vua Ethiopia phát xuất từ những sự kiện linh thiêng và lịch sử nhà thờ, thì “Truyền thuyết về cuộc hành binh của vua Amda Seyon” là sự minh họa cụ thể lịch sử quan điểm đó dựa trên các ví dụ của quá khứ không xa lắm.

Việc mở rộng biên giới của Ethiopia Thiên Chúa giáo nhờ những chiến thắng của Amda Seyon và những người kế thừa ông, cũng như việc chiếm “các vùng đất đa thần giáo” đã đặt ra trước nhà thờ nhiệm vụ thiết lập trật tự việc phụng vụ. Đồng thời buộc phải hợp nhất nhà thờ Ethiopia với tòa giám mục Alexandria. Nhiệm vụ tăng cường văn học phụng vụ nhà thờ được giải quyết chủ yếu dựa trên những bản dịch từ tiếng Arab các sách phụng vụ của nhà thờ Coptic. Dưới thời trị vì của Amda Seyon, bản in mới của “Sách các giờ kinh phụng vụ” được giám mục Georgy xứ Gasecca soạn, sách lễ đưa tang của Coptic được dịch sang tiếng Ethiopia, lưu hành tập các quy định của nhà thờ mà người ta cho rằng do người sáng lập tu đoàn Ai Cập là Antonius Vĩ đại biên soạn. Truyền thống của Ethiopia gán phần lớn các bản dịch cho tổng giám mục Victor (1348-1388) có biệt danh “Salama thứ hai” để tưởng niệm về người làm lễ rửa tội cho Ethiopia và là người dịch Kinh Thánh đầu tiên (tức Frumentius biệt danh “Salama” ở thế kỷ IV, người rửa tội cho vua Ezana). Victor đã dịch tập “Nghi thức Tuần Thánh” bao gồm các nghi thức và bài giảng cho mỗi ngày của Tuần lễ Thánh, và tập tụng ca “Ai ca của Maria”. Gắn với tên tuổi của vị tổng giám mục này là bản dịch luận văn rất thú vị “Pilate trở thành thánh khổ nạn như thế nào”, tác giả của nó được cho là một người Syria làm giám mục tên Haryakos.

Việc các nhà viết sách tăng cường quan tâm đến văn học dịch và phụng vụ là cơ sở cho nhận xét của I.Yu. Krachkovsky, rằng văn học Ethiopia “được tạo nên không chỉ bởi nhân dân cho nhân dân, mà còn bởi các tu phòng cho các tu phòng”. Nhận xét này dù rất sắc sảo, nhưng chỉ đúng một phần. Dĩ nhiên, văn học Ethiopia, giống như mọi nền văn học thành văn trung đại, cũng được tạo nên trong giới chức nhà thờ-nhà nước. Tuy nhiên, nền văn học đó, bao gồm cả văn chương phụng vụ, được tạo nên phần lớn cho nhân dân, dẫu là để tác động về mặt tư tưởng đến họ. Tất cả điều đó đã ghi dấu ấn trong văn học thời đại phong kiến và đem lại cho nó tính chất nhà thờ-nhà nước, vốn tiêu biểu cho thế giới quan phong kiến. Thế giới quan đó hình thành trong điều kiện những quyền lợi của nhà nước và nhà thờ đan xen chặt chẽ với nhau, và đối với lịch sử Ethiopia, hình ảnh người cha đạo-chính trị gia cũng quen thuộc như hình ảnh vị vua-nhà thần học.

Sự phát triển tiếp theo sau của văn học Ethiopia trong thế kỷ XV diễn ra trong những điều kiện khi “bước lên ngai vàng của Abyssinia là nhân vật hùng mạnh Zara Yakob (1431-1468), một Philipp đệ nhị của châu Phi, vị vua-nhà thần học, tên đồ tể của những kẻ dị giáo và là người bảo trợ cho phép tắc của nhà thờ”. Đến giữa thế kỷ XV, sự mở rộng lãnh thổ của nhà thờ và nhà nước về cơ bản đã dừng lại, bắt đầu thời kỳ khai phá những vùng đất chiếm được, thời kỳ phát triển chủ nghĩa phong kiến vào bề sâu, điều không thể có được nếu không có cải cách cơ bản các thể chế cả của nhà thờ lẫn của nhà nước. Nhà thờ Ethiopia mất đi sự thống nhất trước kia, điều này là hậu quả của sự mở rộng ảnh hưởng của nhà thờ đến lãnh thổ mà về diện tích và số dân cao hơn nhiều lần so với Lasta của thời Zagwe, Amhara của thời Solomon. Vào thế kỷ XV, những người theo giáo phái của Eustaphius phủ nhận vai trò của cha đạo, xuất hiện những xu hướng dị giáo của những người được gọi là “Stephanites” (tức những người theo giám mục Estifanos là người có tư tưởng chống đối nhà thờ chính thống Ethiopia và hoàng đế Zara Yakob - ND) và “Michaelites” (giáo phái gọi theo tên của Michael xứ Cesena, chủ trương sống hèn mọn, vì thế phản đối việc nhà thờ sở hữu tài sản, đất đai - ND), trong một số vùng mới Thiên Chúa giáo hóa có sự phục sinh những tín ngưỡng đa thần giáo trước kia với xu hướng chống lại nhà thờ và nhà nước rõ rệt. Đàn áp những chống đối mang tính tôn giáo chống lại trật tự phong kiến đang được thiết lập cũng như việc tái lập liên minh đã bị lung lay giữa nhà thờ và nhà nước trở thành mối quan tâm chính của vua Zara Yakob và thành mục đích những cải cách của ông. Trước hết, nhà vua công kích dữ dội những người theo truyền thống đa thần: “Vào thời của vua Zara Yakob có một nỗi kinh hoàng và run sợ ghê gớm nơi tất cả người dân Ethiopia bởi sự phán quyết của ông và bởi sức mạnh của ông, đặc biệt bởi những kẻ đã nói “Chúng tôi cúi lạy thần Dasak và quỷ sứ” và bôi nhọ nhiều người đáng kính bằng lời nói dối trá của mình. Nhà vua nghe được điều này đã xử tử họ theo lời khuyên của những kẻ dối trá đó, rồi lấy tên Chúa ra thề: “Máu của họ sẽ tưới lên Người”. Zara Yakob cũng tàn sát ghê gớm như vậy với những người bị buộc tội tà giáo: “Khi đó nhà vua tập hợp tất cả những người Công giáo và những người hành hương đến từ Jerusalem, ra lệnh đưa họ ra tòa. Và xử họ từng người một với đủ kiểu hành hình cho đến khi chết”. Đặt ra cho mình nhiệm vụ tái lập cả liên minh giữa nhà thờ với nhà nước, lẫn sự thống nhất nội bộ nhà thờ, Zara Yakob buộc phài dùng đến hoạt động văn học. Trong tác phẩm lớn của mình “Sách Ánh sáng”, ông trình bày những chỉ đạo nhắm tới việc lập trật tự nghi lễ nhà thờ, xác định mối quan hệ qua lại giữa giới tu sĩ với người thế tục, giữa nhà thờ với chính quyền nhà vua. Tác phẩm lớn thứ hai của Zara Yakob là “Sách Giáng sinh” nhằm chống lại các phái dị giáo Stephanites và Michaelites. Ông còn được cho là tác giả của hai tập tụng ca cho mỗi ngày là “Lời ngợi ca thượng giới và trần gian” và “Lạy Chúa, hãy trị vì” là tập hợp những bài ca với các câu thơ có vần được trình bày theo trật tự thời gian của năm.

Những tác phẩm văn chương phụng vụ và thần học mới, không còn là bản dịch mà là nguyên bản đã xuất hiện như vậy. Dĩ nhiên, Zara Yakob không phải là nhà văn Ethiopia duy nhất thời bấy giờ, tuy nhiên chính ông đã “định hướng” hoạt động văn học. Theo sáng kiến của ông, bản dịch sang tiếng Ethiopia tác phẩm Synaxarium, tức tập hạnh tích các thánh của nhà thờ Coptic trình bày theo lịch đã được thực hiện. Bản dịch này đòi hỏi bổ sung thêm truyện đời các thánh Ethiopia, điều tạo điều kiện cho sự phát triển thể loại văn chương tiểu sử của dân tộc. Đến thế kỷ XV, người Ethiopia đã quen thuộc với những tác phẩm của thể loại truyện thánh, chẳng hạn như các truyện thánh Basil và Mina đã được dịch vào cuối thế kỷ XIV. Vào thế kỷ XV, xuất hiện truyện các thánh Ethiopia thời kỳ Aksum là Isaac Garima và Pantelewon – tác phẩm của giám mục Aksum là Joan, người đến Ethiopia vào năm 1454 cùng với các đại giáo chủ Coptic. Vào thời kỳ này còn có tập các truyện đời của các thánh Ethiopia khác, của “các vua mộ đạo” Aksum là Caleb và Gabra Mascal. Thời đó truyện đời các vua Zagwe là Naakueto Laab và Lalibela, những người mà tên tuổi gắn với truyền thuyết về việc xây dựng tổ hợp các nhà thờ ở Lasta được chạm khắc bằng đá đã được biên soạn.

Truyện thánh của Ethiopia được biên soạn nhiều thế kỷ sau những sự kiện được miêu tả, như một tư liệu lịch sử không thú vị lắm. Chúng đầy những ngoại đề mang tính mỹ từ, những miêu tả điều thần kỳ, và đôi khi là những vay mượn trực tiếp từ các tác phẩm truyện thánh được dịch. Thuộc vào những thể loại văn học mới đối với Ethiopia, bên cạnh những truyện thánh, còn có thể loại truyện phép lạ: “Những phép lạ về Đức Mẹ”, “Những phép lạ của Michael”, “Những phép lạ của Chúa Cứu thế”, “Những phép lạ Thánh Ba Ngôi”. Nghiên cứu văn học truyện thánh của Ethiopia nói chung và Synaxarium của Ethiopia nói riêng cho thấy rằng nó khác với thể loại này của Coptic không chỉ ở việc bổ sung các thánh của dân tộc. B.A. Turaev viết về điều này như sau: “Các nhà nghiên cứu đã kinh ngạc vì ngày 25 tháng Sane (tức ngày 2/7 theo Công lịch) là ngày của vị thánh có tên Pilate và lễ trọng kỷ niệm kẻ giết Chúa này, nhưng họ không biết rằng đó còn chưa phải là điều tệ nhất: bên dưới ngày 29 tháng Genbot (6/6) có thể đọc thấy: “ngày mất của hoàng đế Alexander, con trai của Philipp. Chúa cầu nguyện cho ông và thương xót chúng ta; Amen”, còn dưới ngày 29 tháng Sane (6/7) là “ngày mất của Marcus, hoàng đế La Mã”. Nếu như Alexander Macedonia còn có thể nâng lên thành tiên tri vì những hiến tế trong đền Jerusalem, thì với Marcus Aurelius, kẻ xua đuổi người Thiên Chúa giáo, thì không có cơ sở nào để làm lễ mừng…”

Giờ đây, nhờ những nghiên cứu đồ sộ của Enrico Cerulli, vấn đề này có thể được xem là đã giải quyết: sự xuất hiện của Pontius Pilate, Marcus Aurelius và Alexander Macedonia trong danh sách các thánh của Ethiopia từng làm các nhà nghiên cứu trước kia bị sốc đó có liên quan với văn học dịch – đó là các huyền thoại cổ của Pháp và của Ý về việc thần linh kêu gọi những kẻ xua đuổi người Thiên Chúa đến với “đức tin đích thực”, và “Truyện về Alexander” nổi tiếng. Các huyền thoại châu Âu thâm nhập vào Cận Đông cùng với quân Thập tự chinh và vào thế kỷ XIII đã được dịch sang tiếng Arab ở Syria; truyện về Alexander cũng được dịch sang tiếng Ethiopia từ tiếng Arab. Tất cả những điều này không chỉ minh chứng cho sự tồn tại của những mối quan hệ văn học với các nước Địa Trung Hải, mà còn cho thấy tính chất của việc tiếp nhận các tác phẩm dịch ở Ethiopia trung đại. Văn học Ethiopia với chức năng tôn giáo và nhà nước không cho phép đưa tính chất giải trí lẫn hư cấu nghệ thuật trong các tác phẩm của mình. Còn khó hơn nữa đối với các nhà văn Ethiopia nếu cho phép sự tồn tại của những đặc điểm tương tự trong văn học dịch được soi chiếu bởi uy tín cao cả của tòa giám mục Alexandria. Bởi vậy, tất cả các tác phẩm dịch đều hoàn toàn được tiếp nhận như một sự thật linh thiêng, còn các nhân vật của chúng là những người hành động đúng như được miêu tả. Bởi thế mà các huyền thoại của châu Âu đã được đưa vào những tập truyện phép lạ, còn các nhân vật của chúng thì được nhà thờ Ethiopia xếp vào hàng các thánh. Liên quan đến truyện về Alexander cũng vậy. Sức hấp dẫn của tiểu thuyết phiêu lưu này không thể không thu hút các nhà văn Ethiopia, nhưng trong mắt họ, giá trị của tác phẩm này trước hết nằm ở tính giáo huấn và sự thật lịch sử mà họ tìm thấy trong đó.

Hơn ba thập niên đầu thế kỷ XVI là đỉnh cao sức mạnh của các vua Ethiopia. Việc củng cố nhà nước và nhà thờ Ethiopia đến lượt mình đã được phản ánh trong sự phát triển của văn học. Ở các tu viện và nhà thờ lập nên các trường học của nhà thờ, nơi xuất hiện nền ngữ văn Ethiopia. Tiếng Ge’ez, ngôn ngữ văn học và thần học, từ lâu đã trở thành tử ngữ và khó hiểu, bởi vậy người ta soạn ra những bộ từ điển dịch và giải thích những khái niệm sang tiếng Amhara, và chúng phát triển thành những bách khoa thư giản lược độc đáo. Ở các trường học đó cũng phát triển thể loại như thơ ca tín ngưỡng viết bằng tiếng Ge’ez. Ngay cả các ông vua cũng không xa lạ với việc sáng tác thơ ca. Vào thế kỷ XVI, các tác phẩm văn học Thiên Chúa giáo tiếng Arab tiếp tục được dịch; toàn bộ bộ luật kinh điển “Quyền của các vua”, mà cơ sở của nó là bộ Nomocanon tiếng Arab của Ibn al-Assal (thế kỷ XIII), cũng được dịch đầy đủ. Nhiều bản dịch từ tiếng Arab được truyền thống cho là của Enbakom, một thương nhân người Yemen di cư sang Ethiopia, cải sang đạo Thiên Chúa và về sau trở thành tu viện trưởng tu viện Debre Libanos. Vào năm 1553, ông dịch tiểu thuyết Thiên Chúa giáo “Truyện về Barlaam và Josaphat”. Có lẽ cũng ông vào năm 1565 đã dịch cả sử ký của Abu Shakir. Nhờ rất nhiều các bản dịch sang tiếng Ethiopia mà giữ được không ít tác phẩm sử ký Ai Cập mà nguyên bản đã bị tiêu hủy nơi quê hương của chúng (chẳng hạn như Sử ký của Joan Nikiu).

Mối quan tâm đến các tác phẩm dịch đi kèm với sự cách tân truyền thống sử ký của riêng mình. Vào thế kỷ XVI, thể loại sử biên niên của tu viện phát triển. Điểm xuất phát cho sự phát triển đó là những ấn bản được gọi là Phúc Âm vàng – là những bản Phúc Âm được minh họa rất phong phú có ở bất cứ tu viện hay nhà thờ nào cũng có, trong đó trên những trang được đặc biệt để lại ghi những chứng nhận quyền bất khả xâm phạm. Được đưa vào đây còn có những thông tin về những sự kiện tương đối quan trọng của đời sống tu viện. Những ghi chép đó nếu tách riêng có thể trở thành một sử ký của tu viện hay nhà thờ. Vẫn tiếp tục được phổ biến là những sử ký thế giới (chronograph) của Ethiopia, bắt đầu từ chuyện sáng thế với việc trình bày bắt buộc huyền thoại về nguồn gốc các vua Ethiopia từ Solomon, với việc liệt kê tên các vua Aksum và lịch sử “vương triều được tái lập” cho đến nhà vua đương đại với sử gia. Có lẽ do nhu cầu phải có những sử ký như thế mà vào thế kỷ XVI, những bộ sử biên niên ngắn gọn đã được biên soạn và được gọi là “sử ký yếu lược”.

Cao trào văn học bị gián đoạn vào thế kỷ XVI bởi “cuộc chiến tranh thần thánh” của người Hồi giáo chống lại Ethiopia Thiên Chúa giáo bắt đầu vào năm 1527 dưới sự chỉ huy của Ahmad ibn Ibrahim al-Ghazi, người được người Ethiopia đặt biệt danh là Grann, nghĩa là người thuận tay trái. Trước cuộc tấn công của quân Grann, đế chế rộng lớn đã bộc lộ sự tan rã, và chiến tranh đã biến thành cuộc thảm sát người Thiên Chúa giáo, đi kèm với việc thiêu cháy các nhà thờ và tu viện, tiêu hủy các thủ bản, giết hại và bắt dân Thiên Chúa giáo làm nô lệ. “Sử ký yếu lược” kể về những năm tháng bị xâm lược là một sự liệt kê đầy đau buồn những nhà thờ bị đốt, những tu sĩ bị giết, những trận đánh thất bại và những chỉ huy quân đội bị hy sinh. Vua Ethiopia Lebna Dengel chết khi bị quân Hồi giáo xua đuổi, nhưng con trai của ông là Gelawdewos (1540-1559), nhờ kêu gọi sự giúp đỡ của người Bồ Đào Nha và thống nhất dân tộc đã phải chịu đựng dưới ách xâm lược, đã đánh tan được quân Hồi giáo và tái thiết nhà nước Ethiopia.

Cần phải nhận thấy rằng trong khi củng cố nhà nước, Gelawdewos đã tập trung chú ý cả vào việc tái thiết nhà thờ. Ông cho dựng nhà thờ Tadbaba Maryam, biến nó thành một trung tâm hành chính nhà thờ mới của đất nước, ông khẩn cầu “tất cả mọi người của mọi nhà hãy hiệp làm một với các cha đạo của Tadbaba Maryam, cùng một ước nguyện, cùng một lời nói, cùng một ý tưởng, như Noah đã cầu khẩn các con trai mình”. Đồng thời văn học nhà thờ cũng phục sinh. Được biên soạn để phục vụ nhu cầu của người Thiên Chúa giáo bị buộc phải theo Hồi giáo là tác phẩm đặc biệt “Sách sám hối”, còn “Sách tội lỗi” thì dành cho những người Hồi giáo bị buộc phải cải đạo sang Thiên Chúa giáo. Nhắm tới việc chống Hồi giáo có cả cuốn sách “Cánh cổng đức tin” của tác giả Enbakom đã được nhắc tới ở trước, đó là lời biện giải cho Thiên Chúa giáo và sự liệt kê những ưu thế của nó trước Hồi giáo. Bản thân Gelawdewos cũng buộc phải cầm bút và soạn luận văn chống lại Công giáo La Mã, mà giới nhà thờ trách ông ham mê do thấy sự gần gũi của những người Bồ Đào Nha với nhà vua.

Tuy nhiên, những thử thách đến với Ethiopia trong thế kỷ XVI chưa kết thúc. Vào giữa thế kỷ bắt đầu cuộc xâm lăng của các bộ lạc du mục Oromo, mà người Ethiopia gọi là người Galla. Cuộc chiến với các cuộc tấn công của các đạo quân linh hoạt của người Galla trở nên rất khó khăn; ngoài ra, nhà nước Hồi giáo Adal với trung tâm ở Harar là mối nguy hiểm thường trực. Vào năm 1559, Gelawdewos chết trong trận đánh với người thừa kế Grann là Nur ibn Mujahid, và sau một thời gian ngắn trị vì của em trai ông là Menas, bước lên ngai vàng là Sarsa Dengel, con trai Menas. Sarsa Dengel trong 34 năm trị vì đã củng cố được nhà nước, dập tắt các cuộc nổi loạn của quý tộc, đánh tan quân Thổ xâm chiếm vùng bờ biển Hồng Hải, và trong một thời gian đã chặn được sự tấn công của các bộ lạc Galla. Đi cùng với sự phục hưng chính trị này là cao trào văn học. Vào cuối thế kỷ XVI, trong văn học dịch Ethiopia xuất hiện tập sách của các môn đồ đầu tiên của Thiên Chúa giáo (patristic) “Đức tin các cha”, cũng như xuất hiện “Đại thư” – một bách khoa thư về thần học, được dịch từ tiếng Arab. Văn học bản ngữ cũng phát triển.

Cuối thế kỷ XVI là niên đại của tác phẩm được gọi tên là “Lịch sử Galla” do tu sĩ Bahrey soạn và vượt rất xa khỏi những khuôn khổ quen thuộc của các thể loại văn học trung đại. Trong tác phẩm này, Bahrey khách quan một cách hiếm thấy và với một hiểu biết lớn về sự việc đã trình bày lại lịch sử các cuộc tấn công của các bộ lạc Galla và tổ chức bên trong của họ, rồi sau đó đặt ra câu hỏi: “Người Galla thắng chúng ta như thế nào khi ta đông hơn họ và được trang bị quân sự nhiều hơn họ?” Để trả lời cho câu hỏi đó, Bahrey miêu tả bức tranh xã hội Ethiopia đương thời với ông và nhìn thấy nguyên nhân những thất bại của người Ethiopia ở sự chia rẽ: “Bởi người của ta chia thành 10 đạo quân, trong đó 9 đạo quân không ra trận và không xấu hổ vì sự sợ hãi của mình… Dù cho ta đông về số lượng, nhưng lại ít có khả năng chiến đấu và nhiều người không chiến đấu… Còn đạo quân thứ mười, đó là những người cầm giáo và khiên, người có thể chiến đấu và tham gia các cuộc hành binh theo bước nhà vua. Và bởi họ chiếm số ít nên đất nước chúng ta tiêu vong. Người Galla không có mười đạo quân mà chúng ta nói đến đó, và tất cả họ đều bị cuốn hút vào các trận đánh từ nhỏ đến lớn. Và bởi thế họ tiêu hủy chúng ta và đang giết chúng ta”. “Lịch sử Galla” là một ví dụ thú vị cho việc những hoàn cảnh đặc biệt đã làm nảy sinh những tác phẩm đặc biệt vượt ra khỏi hệ thống thể loại chung, đồng thời cũng ảnh hưởng đến sự phát triển về sau của văn học. Điều này đặc biệt tiêu biểu đối với văn học chính luận vốn gắn bó chặt chẽ với đời sống chính trị của đất nước. Thời bấy giờ, sử ký chính thống Ethiopia phát triển rất thành công. Vào thế kỷ XVI, có thể nói đã xuất hiện những tác phẩm hay nhất của thể loại này – đó là “Lịch sử vua Gelawdewos” và “Lịch sử vua Sarsa Dengel”. Ký ức về hậu quả của những thất bại chiến tranh còn quá tươi mới, và hình ảnh nhà vua được xây dựng không chỉ như một chân dung chân thực của một người thực, mà còn như một hình tượng lý tưởng mà ông cần phải tương thích. Sử gia của Gelawdewos miêu tả nhà vua trước trận đánh quyết định, trong đó ông đã hy sinh, như sau: “Một trong những người đứng trước ngài vào một trong những ngày đó đã nói với tôi: “Tôi đọc cho nhà vua một cách ngôn trong số những cách ngôn của các tiên tri lúc bấy giờ và nói: “Chiến thắng sẽ là của Người sau cái chết của nhiều người bởi mũi giáo kẻ thù”. Ông lập tức nhìn tôi với ánh nhìn dữ dội và nói với tôi bằng giọng mạnh mẽ: “Người mục đồng không được bỏ lại đàn chiên của mình và cứu linh hồn mình… Liệu có được hay chăng nếu ta cứu bản thân thoát chết mà để dân của ta phải chết, để phải thấy nước mắt của người vợ chết chồng, tiếng khóc của những đứa con chết cha, tiếng rên la của những người em có các anh trai bị giết? Tốt hơn là để ta chết vì Chúa và vì đàn chiên mà ta chăn dắt. Nếu như ta chết và đàn chiên của ta tan tác, thì Chúa sẽ không bắt ta phải trả lời cho việc đàn chiên tan tác; còn nếu ta vì sợ chết mà làm chúng tan tác, thì ta sẽ phải trả lời”.

“Lịch sử vua Sarsa Dengel” ít thi vị hơn so với “Lịch sử…” của nhà vua Gelawdewos trẻ tuổi đã ngã xuống “vì đàn chiên của mình”, và về phong cách thì gần với sử biên niên, mặc dù thiếu vắng tính khách quan của sử biên niên, mà đôi khi để ca tụng nhà vua, nhà viết sử đánh mất cảm xúc về sự chừng mực. Chẳng hạn như khi vùng Tigris bị tàn phá, sau một số cố gắng chống đỡ bằng lửa và gươm phải khuất phục, và sau những cuộc chiến tranh kéo dài được ban cho một năm được mùa, thì tác giả bèn gán cho nhà vua những thành tựu đó: “Và khi nhà vua đến từ đất Tigris, khắp đất nước bị chiến tranh tàn phá, trên những vùng núi và những thung lũng bắt đầu một sự trù phú mà trước đó chưa từng có, khiến người người bảo nhau: “Làm sao có được sự trù phú này nếu không có cánh tay của nhà vua cứu giúp, ban ân điển! Chúng ta ước sao nhà vua lại làm cho chúng ta bị tàn phá, bởi sau đó sẽ lại có được sự trù phú và phúc lành trên đất nước chúng ta!” Và cho đến nay họ sống trong chờ đợi và mong ước như vậy”. Tuy nhiên, những cường điệu như vậy là tiêu biểu cho phong cách sử ký trung đại Ethiopia.

Cao trào văn học bắt đầu vào cuối thế kỷ XVI tiếp tục phát triển cả trong suốt thế kỷ tiếp sau, được đánh dấu bằng sự xuất hiện của những tác phẩm có thể được xem là “đỉnh cao thể loại” của hai trào lưu chính trong văn học trung đại Ethiopia là sử ký dân tộc và truyện thánh.

 

Nguồn: Trích dịch từ: Lịch sử văn học thế giới, tập 3, Viện Văn học thế giới mang tên Gorky, NXB Nauka, Moskva, 1985. Toàn bộ bản dịch sang tiếng Việt tập sách này đang được Trung tâm Nghiên cứu Quốc học thực hiện và sẽ xuất bản trong năm 2014.

 

Nguồn: Tạp chí Văn hóa & Du lịch, số 18 (72), tháng 7.2014, tr.93-106

 

 



(*) PGS.TS., Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.