Du lịch về xứ Quảng Nam qua những vần ca dao

 

             (Lê Tiến Dũng, Tạp chí Văn hóa & Du lịch, số 18 (72), tháng 7.2014)

TÓM TẮT

 

Du lịch về xứ Quảng qua những câu hát dân gian thực chất là đọc những câu ca dao về xứ ấy. Du lịch về xứ Quảng Nam ta đã gặp bao nhiêu cảnh, bao nhiêu người, cùng chung một điểm là bộc trực, thẳng thắn, “hay cãi” nhưng đấy là vùng đất có những con người nhân nghĩa, ân tình, thủy chung.

(Hình ảnh: Phố cổ Hội An)

1. Ai đi qua Quảng Nam thường nghe trong tâm thức một câu hát nói về miền đất này. Một câu hát sâu nặng nghĩa tình, nghe như một câu tổng kết cho cảnh và người của miền đất “trung dũng, kiên cường”:

“Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm,

Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say

Bạn về đừng ngủ gác tay

Nơi mô nghĩa nặng, ân đầy thì theo”.

Câu trên còn có rất nhiều dị bản. Sinh viên Đại học Sư phạm Huế đã sưu tầm trên mười dị bản khác nhau. Sau đây chỉ nêu lên một vài câu tiêu biểu:

“Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm,

Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say

Ðối với ai ơn trọng, nghĩa dày,

Một hột cơm cũng nhớ,

Một gáo nước đầy vẫn chưa quên.

Hoặc:

“Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm,

Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say

Em thương anh cha mẹ không hay

Như ngọn đèn giữa gió biết xoay phương nào?”

Và:

“Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm,

Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say

Thương nhau chưa đặng mấy ngày

Đã mang câu ơn trọng nghĩa dày bạn ơi!”

Các câu trên tuy có khác nhau, nhưng câu nào cũng diễn tả rõ tính tình người dân đất Quảng: bộc trực, bén nhạy, nhớ ơn, trọng nghĩa đối với các ân nhân của mình. Quảng Nam là một tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, là vùng đất còn lưu giữ nhiều dấu tích của nền văn hóa Chămpa. Tên gọi Quảng Nam có nghĩa là “mở rộng về phương Nam”. Quảng Nam nằm ở chính trung điểm đất nước theo trục Bắc - Nam, là nơi giao hòa của những sắc thái văn hóa giữa hai miền và giao lưu văn hóa với bên ngoài, điều này góp phần làm cho Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa.

Quảng Nam nằm ở miền Trung của Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 860 km về phía Bắc, cách Thành phố Hồ Chí Minh 865 km về phía Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng; phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum, phía tây giáp tỉnh Sekong (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), phía Đông giáp biển Đông. Quảng Nam có 18 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 thành phố và 16 huyện, với 244 xã, phường, thị trấn.

Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 1.043.836,96 ha, trong đó đất chưa qua sử dụng là 2.932,98 ha. Hệ thống sông ngòi tự nhiên dài khoảng 900 km, phân bố khá đều trong toàn tỉnh với 2 hệ thống sông chính là sông Thu Bồnsông Tam Kỳ. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều hồ lớn, như: Phú Ninh, Khe Tân, Việt An, Thạch Bàn, Phú Lộc, Vĩnh Trinh, Phước Hà, Cao Ngạn,... Đường bờ biển dài 125 km, ven biển có nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng, như: Hà My (Điện Bàn), Cửa Đại (Hội An), Bình Minh (Thăng Hoa), Tam Thanh (Tam Kỳ), Bãi Rạng (Núi Thành)... Tính đến hết năm 2010, dân số Quảng Nam là 1.435.629 người, với mật độ dân số trung bình là 139 người/km2; có 4 tộc người thiểu số cư trú lâu đời là người Cơ Tu, người Co, người Gié Triêng, người Xê Đăng và một số tộc người thiểu số mới di cư đến với tổng số dân trên 10 vạn người, chiếm 7,2% dân số toàn tỉnh. Với 81,4% dân số sinh sống ở nông thôn, Quảng Nam có tỷ lệ dân số sinh sống ở nông thôn cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước. Trước kia Quảng Nam là đất Chiêm Thành. Năm 1306 theo thỏa ước giữa vua Chiêm Thành là Chế Mân và vua Đại ViệtTrần Nhân Tông thì vua Chế Mân dâng hai châu Ô tức Thuận Châu (nam Quảng Trị, Huế) và châu Rí tức Hóa Châu (một phần Huế, bắc sông Thu Bồn) làm sính lễ cưới con gái vua Trần Nhân Tông là công chúa Huyền Trân. Người Việt dần định cư tại hai vùng đất mới; người Chiêm Thành lùi dần về vùng đất còn lại phía Nam của vương quốc.

Năm 1471, sau khi chiếm vùng đất phía Nam Thuận Hóa cho đến đèo Cù Mông, vua Lê Thánh Tông lập thêm đơn vị hành chính thứ 13 - Thừa Tuyên Quảng Nam gồm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (nay là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Danh xưng Quảng Nam xuất hiện từ đây.

            Sang thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, Quảng Nam thuộc quyền cai quản của chúa Nguyễn (từ năm 1570). Hội An được nhà chúa chọn là điểm giao thương duy nhất với thế giới khi đó nên nhiều thương gia nước ngoài hay gọi vùng đất này là “Quảng Nam Quốc”. Đến giữa thế kỷ 17, việc triều chính xứ Đàng Trong suy đồi, thuế thì nặng, quan lại thì lợi dụng địa vị, sinh sự làm khổ dân. Trước hoàn cảnh đó, khi phong trào Tây Sơn bùng nổ, dân Quảng Nam cũng nổi dậy. Mùa thu năm 1773 khi quân Tây Sơn kéo ra Quảng Nam, dân Quảng Nam đã phối hợp cùng nghĩa quân phục kích ở Bến Đá (Thạch Tân, Thăng Hoa, Quảng Nam) đánh bại quân của chúa Nguyễn do các tướng Nguyễn Cửu Thống, Nguyễn Hữu Sách chỉ huy. Nhà Tây Sơn tuy vậy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi. Năm 1806 vua Gia Long thống nhất đất nước. Về hành chính, vua chia đất nước thành 23 trấn và 4 doanh thuộc đất kinh kỳ gồm Trực Lệ - Quảng Đức, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam doanh. Năm 1831, vua Minh Mạng đổi trấn và doanh thành tỉnh. Quảng Nam chính thức trở thành tỉnh từ năm này.

      Sau khi thống nhất đất nước, chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quyết định sáp nhập hai tỉnh Quảng Nam, Quảng TínThành phố Đà Nẵng thành lập tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1997, tại kỳ họp thứ X của Quốc Hội, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được chia thành hai đơn vị hành chính độc lập gồm Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Tỉnh Quảng Nam mới có 14 huyện gồm Giằng, Hiên, Đại Lộc, Phước Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức, Tiên Phước, Trà My, Núi Thành và 2 thị xã: Tam Kỳ (tỉnh lị) và Hội An [Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia].

            2. Về Quảng Nam, chắc ai cũng nhớ vùng đất Hội An. Hội An là một thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam. Với yếu tố địa lý và khí hậu thuận lợi, Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, là nơi giao thương của những thuyền buôn đến từ Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ XVII và XVIII. Trong suốt hai cuộc chiến tranh, Hội An may mắn không bị tàn phá và tránh xa được quá trình đô thị hóa nhanh chóng vào cuối thế kỷ XX. Là vùng đất hội tụ nhiều nền văn hóa nên Hội An cũng mang nhiều dấu ấn của các nền văn hóa khác nhau. Điều này được thể hiện trong các công trình kiến trúc như hội quán, đền miếu mang dấu tích của người Hoa, nằm bên những ngôi nhà truyền thống của người Việt và những ngôi nhà được xây theo kiến trúc Pháp. Bắt đầu từ những năm 1980, những giá trị kiến trúc và văn hóa của phố cổ Hội An dần được chú ý khiến nơi này dần dần trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn ở Việt Nam. Ngày nay, đến với Hội An bạn sẽ được chiêm ngưỡng những ngôi nhà cổ đã có từ hàng trăm năm trước, và tận hưởng không gian êm đềm, cổ kính đặc trưng của thành phố này. Ca dao cũng nói về Hội An là đất hẹp, người đông:

“Hội An đất hẹp, người đông
Nhân tình thuần hậu là bông đủ màu”.

Phố Hội an nhỏ hẹp, nhưng ai đã ở Hội An một thời gian rồi, khi rời Hội An không sao quên được tình cảm nồng hậu của cư dân ở đây. Từ lâu lắm rồi Hội An là nơi buôn bán suầm uất. Hội An là thương cảng nên buôn bán hàng hoá sang đẹp, còn Kim Bồng, Trà Nhiêu là vùng ngoaị ô, chuyên sản xuất rau cải đem qua bán ở Hội An:

“Hội An bán gấm, bán điều

Kim Bồng bán cải, Trà Nhiêu bán hành”.

            Ngày xưa, Hội An là nơi hẹn hò của tình yêu. Trai gái tập trung về đất Hội An cũng về nơi đô hội của tình yêu. Tình yêu ở phố Hội An cũng lãng mạn dành cho thi nhân và khách vãng lai:

Ai đi phố Hội, Chùa Cầu

Ðể thương, để nhớ, để sầu cho ai,

Ðể sầu cho khách vãng lai,

Ðể thương để nhớ cho ai chịu sầu”.                

            Hội An nơi hẹn hò của các cặp nhân tình trong các mùa chè. Hội An ở gần bờ sông và có một hệ thống kè rất vững chắc xây dựng từ lâu và trên bờ kè này có một bến tàu để các ghe thuyền bốc hàng gọi là cầu Rô Be. Công nhân chè chọn lá trà được phát cho một nệm bằng cói làm ghế ngồi, và một cái sàn tre để lựa chè trước khi đưa lên máy sấy. Hết mùa chè, nhà máy cho công nhân nghỉ việc, nam nữ chia tay hẹn gặp lại vào mùa sau. Các bài ca dao, câu hò từ tình yêu giữa đôi trai gái, có tính chất mộc mạc, chân tình, nói lên bản chất của người dân đất Quảng, vẫn luôn luôn tồn tại, không đổi thay:

“Thương nhau chớ quá e dè,

Hẹn nhau gặp lại bến Cầu Rô Be.

Thiếp nói thì chàng phải nghe

Thức khuya, dậy sớm, làm chè một ngày 12 xu

Mãn mùa chè, nệm cuốn sàn treo

Ta về, bỏ bạn, cheo leo một mình

Bạn ơi, bạn chớ phiền tình

Mùa ni không gặp, xin hẹn cùng mùa sau

Lạy trời, mưa xuống cho mau

Chè kia ra đọt, trước sau cũng gặp chàng”.

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/f/f3/PhoCoHoiAn.jpg

Phố cổ Hội An

Tháng 12/1999, phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Một vùng đất có vốn văn hóa lâu đời chúng ta tin sẽ ngày càng phát triển.

3. Hòn Kẽm, Đá Dừng cách thành phố Đà Nẵng khoảng 100 km về phía tây. Sương sớm ở vách núi quyện cùng hơi nước bốc lên từ mặt sông tạo nên màn sương lãng đãng che khuất ánh bình minh ló dạng. Cảnh vật thấp thoáng như bức tranh thuỷ mặc tao nhã.

Có một câu mà ai cũng thuộc nằm lòng là câu hát về Hòn Kẽm, Đá Dừng. Tác giả dân gian đã hai trái núi đầu nguồn sông Thu Bồn, ở giữa hai huyện Quế Sơn và Ðại Lộc, làm hình ảnh quê mẹ mà những cô gái lấy chồng xa nhà, mỗi khi ngó lên rất nhớ nhà:

“Ngó lên Hòn Kẽm, Ðá Dừng
Thương cha, nhớ mẹ, quá chừng bạn ơi,
Chiều chiều, ra đứng ngõ sau,
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều”.

            Hòn Kẽm Đá Dừng không chỉ thể hiện bởi cảnh quan sông núi hữu tình mà còn hấp dẫn bởi những dòng chữ cổ Chiêm Thành khắc trên những phiến đá nặng hàng mấy chục tấn, đứng sừng sững soi mình xuống dòng sông Thu Bồn. Du khách sẽ đi qua miền quê với sông núi hùng vĩ, những bãi dâu, bãi bắp xanh tốt, những vạn đò mua bán tấp nập trên sông. Tận hưởng cái cảm giác yên bình mà không phải nơi nào cũng có, phong thuỷ hữu tình, con người hoà hợp với thiên nhiên. Những đụn cát cao và dài nằm dọc theo sông, thi thoảng là những triền dâu những nương ngô, những xóm làng trung du yên ả, những con người hiền hậu và hiếu khách, những dòng sông lấp loáng những mơ ước và hoài niệm. Lúc này du khách sẽ cảm nhận sự thanh bình và yên tĩnh đến lạ kì mà thiên nhiên mang lại. Không chỉ đơn thuần là những phiến đá, dòng nước mà có cả sự tự hào dân tộc về cuộc khởi nghĩa nổi tiếng của nghĩa quân Nguyễn Duy Hiệu. Những câu hát buồn gắn liền với những mảnh đời vất vả mưu sinh.

http://i390.photobucket.com/albums/oo349/huuthanhdtd/honkemdadung.jpg

Một góc Hòn Kẽm

Dừng ở chợ Trung Phước, khách có thể qua sông ghé thăm Đại Bường-làng cây ăn quả nổi tiếng của Quảng Nam, nơi hội tụ những vị ngọt thanh khiết mà thiên nhiên ban tặng.

4. Mì Quảng là món ăn chủ lực, bình dân của đất Quảng. Nên đi đâu ở đâu, mà dân Quảng ăn được tô mì Quảng thì khoái khẩu. Từ lâu trong dân gian Quảng Nam mì Quảng đã trở thành câu hát mặn mà nhất:

“Ai đi cách trở sơn khê,
Nhớ tô mì Quảng, tình quê mặn nồng”.

            Tô mì Quảng được chế biến cũng rất bình dân. Lấy một nồi nhỏ nấu nước nhân, cho dầu phộng vào nồi, để thật sôi để khử mùi, cho một phần hành tỏi đã giã vào phi cho thơm, cho vào khoảng một muỗng cafe ớt màu cho lên màu đẹp. Tiếp theo cho phần gà lóc đã ướp vào xào chín thơm, đợi cho thịt gà săn lại cho một ít nước dùng vào, nêm nếm lại và đun khoảng 15 phút cho gà mềm. Nước nhân ngon phải hơi sánh, có vị thơm, hơi cay, màu đẹp và hơi mỡ màng một chút.

Lấy một nồi lớn hơn để nấu nước xương gà, công đoạn cũng như trên nhưng nước nhiều hơn để chan vào tô mì và thời gian nấu lâu hơn cho xương mềm. Nếu muốn nước ngọt hơn, có thể mua xương heo về hầm để lấy nước dùng, nếu ít cầu kỳ thì dùng nước lạnh cũng ngon vì mì Quảng ăn hơi khô nước, không như bún riêu hay bún bò phải ăn nhiều nước. Rồi làm một chén nước mắm để mà ăn với mì Quảng. Giã một ít ớt tỏi, cho chút đường, tí chanh và nước mắm ngon vào, để nếu lạt có thể cho thêm vào mì. Khi dọn ăn, cho mì vào tô, chan vào một ít nước nhân cùng thịt gà lóc trong nồi nước nhân, vài miếng xương gà và nước dùng từ nồi xương, nhớ vớt một ít dầu phộng nổi bên trên nồi, rắc ít đậu phộng và hành ngò. Để ăn ngon, chan thêm một chút nước mắm đã giã, bẻ ít bánh tráng nướng vào cùng với rau sống.

http://ngoinhaamthuc.vn/upload/images/miquang-2.jpg

Mì Quảng

5. Đèo Hải Vân trở thành con đường du lịch đẹp nhất Việt Nam như nó đã từng được phong tặng: “Đệ nhất hùng quan”. Đèo Hải Vân (còn gọi là Ải Vân) dài 21 km vắt ngang qua những ngọn núi cao ngất của dãy Trường Sơn nơi tiếp giáp với biển Đông. Đèo Hải Vân (có nghĩa là biển và mây vì sóng biển vỗ chân đèo và quanh năm mây mù bao phủ trên đỉnh) nổi tiếng là đường đèo đẹp nhất và cũng hiểm trở nhất Việt Nam trên hành trình vào Nam ra Bắc từ hơn 700 năm qua, với độ cao ở đỉnh đèo là 496 m so với mực nước biển.

Vào thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông trong một lần vi hành đã dừng lại trên đỉnh đèo ngắm cảnh làm thơ. Ngạc nhiên trước cảnh đẹp và sự hùng vĩ của trời mây nơi đây, nhà vua đã đặt cho Hải Vân tên gọi “Đệ nhất hùng quan”.

            Người ta còn kể rằng khi chúa Nguyễn Hoàng trấn giữ đất Quảng Nam, đường qua đèo Hải Vân rất ít người dám đi lại bởi một bên là núi cao hiểm trở với những vách đá dựng đứng, một bên là biển sâu thăm thẳm. Nơi đây là nơi cư ngụ của những loài thú dữ và bọn lục lâm thảo khấu hung ác. Đã có nhiều người bạo gan vượt đèo về phương Nam và đã không tìm thấy xác. Oan hồn của những người này vẫn ở quanh quất trên đèo, nên để tránh bớt tai bay vạ gió, cư dân địa phương và người đi đường thường lập các miếu thờ ven đường và hương khói quanh năm. Trong dân gian còn truyền lại câu ca “Đi bộ thì sợ Hải Vân/ Đi thuyền thì khiếp sóng thần hang Dơi”. Vua Minh Mạng sau khi lên ngôi cũng đã đến thăm cảnh đẹp của Hải Vân quan và cho dựng cổng đá tại đỉnh đèo có khắc chữ “Đệ nhất hùng quan”. Cổng đá nay vẫn còn sừng sững trên đỉnh đèo và được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

            Trong những ngày nắng đẹp, từ đèo Hải Vân nhìn bao quát về phía bắc là cảnh đồi núi trập trùng với mây trắng bay là đà, xa xa là đầm Lập An, làng chài Lăng Cô đẹp như tranh vẽ. Phía nam, sóng biển vỗ quanh theo triền núi, thấp thoáng những chiếc thuyền đánh cá của ngư dân rẽ sóng chạy ra khơi.

Du khách có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh thành phố Đà Nẵng bên bờ sông Hàn. Xa hơn một chút là đỉnh Sơn Trà quanh năm mây phủ với câu ca gợi cho người nghe nhớ về một mối tình trắc trở của một đôi trai gái ở hai bên đèo Hải Vân: “Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Lòng ta thương bạn nước mắt và lộn cơm”.

 

nui2.jpg

Đèo Hải Vân

6. Trước kia, từ vị trí một ngã ba, nay Tam Kỳ trở thành thành phố với nhiều giao lộ lớn. Hạ tầng phố phường đã xây dựng khá nhiều và quy mô, nhất là khu hành chánh, quảng trường,... Thị xã Tam Kỳ là một đô thị được hình thành từ lâu, có bề dày lịch sử. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, Tam Kỳ luôn có sự phát triển không ngừng, gắn liền với vùng đất Quảng Nam giàu truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, huyện Tam Kỳ có huyện lỵ là thị trấn Tam Kỳ. Đến ngày 30 tháng 1 năm 1951 thị xã Tam Kỳ được thành lập và được chọn là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam. Sau Hiệp định Genève năm 1954, dưới chính quyền Sài Gòn, huyện Tam Kỳ được gọi là quận Tam Kỳ và tỉnh Quảng Tín:

“Tam Kỳ, chợ Vạn bao lâu,

Ngó qua đường cái, thấy lầu Ông Tây”.

Đặc biệt Tam Kỳ có tiếng là xứ rượu ngon. Ca dao đã có bài nói về điều này:

“Nem chả Hoà Vang

Bánh tổ Hội An

Khoai lang Tiên Đoả

Thơm rượu Tam Kỳ”.

Tam Kỳ là nơi thắng cảnh, đô hội. Tại ngã ba Tam Kỳ, các vùng đất nối tiếp nhau, hình thành các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Tam Kỳ:

“Tam Kỳ chuyển xuống Ngã Ba

Gần nơi cửa xẻ ấy là Hà Quang

Hồ Còi, Ngọc Giáp rõ ràng

Kia kìa Tam Ấp, ba làng gần nhau

Tây Giang, Bến Đá cũng mau

Tiên Đoả, chợ Được đóng rày lao xao

Hiền Lương với lại Cát Cao

Trà Nhiêu làng yến lần vào Hội An”

*

Tóm lại, du lịch về xứ Quảng qua những câu hát dân gian thực chất là đọc những câu ca dao về xứ ấy. Du lịch về xứ Quảng Nam ta đã gặp bao nhiêu cảnh, bao nhiêu người. Tuy có khác nhau nhưng cùng chung một điểm là bộc trực, thẳng thắn, “hay cãi” nhưng đấy là vùng đất có những con người nhân nghĩa, ân tình, thủy chung.

 

Tài liệu tham khảo

1.      Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (2014), Mục Quảng Nam, truy cập ngày 23 tháng 6.

2.      Hoàng Văn Bổn (bs) (1985), Văn nghệ dân gian Quảng Nam Đà Nẵng, Sở Văn hoá & Thể thao Quảng Nam Đà Nẵng xuất bản.

3.      Nguyễn Quý Đại (2005), Quảng Nam qua ca dao, Văn hóa Việt, Sưu tầm ca dao, tục ngữ.

4.      Lý Trường Trân (2008), Quảng Nam qua ca dao, tục ngữ, Website: xuquang.com.

 

VISITING QUANG NAM THROUGH FOLK POEMS

 ABSTRACT

 People can mentally visit Quang Nam through reading folk poems about the land. On this special trip to Quang Nam, visitors meet not only beautiful sights but also people usually known as “arguefiers” who are famous for their straightforwardness and bluntness but very righteous and benevolent.


 

 

Danh mục website