24042024Wed
Last updateTue, 23 Apr 2024 10am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Xứ quê đất mẹ - ký ức sâu đằm, khát khao mãnh liệt một hồn thơ

oàn Trọng Huy(*),Tạp chí Văn hóa & Du lịch , số 18 (72), tháng 7.2014)

TÓM TẮT

Viết về quê hương, Tố Hữu đã đưa ra một định nghĩa kép, một hàm nghĩa đan lồng nhuần nhuyễn: 1. Quê hương - vùng quê sinh sống hay vùng quê tình cảm, đồng thời là vùng quê sáng tác, tức vùng quê nghệ thuật; 2. Quê hương - Đất nước, Tình yêu quê - Lòng yêu nước. Đó là đặc điểm trữ tình chính trị hay trữ tình công dân của thơ Tố Hữu.

 Ảnh: Nhà thơ Tố Hữu

 1. Ai cũng có quê hương, nơi sinh thành của mình, thậm chí sống chết một đời ở đó. Khi trưởng thành, do hoàn cảnh học tập, làm ăn, hoạt động, ta có thể chuyển đi cư trú ở một nơi khác - những vùng quê, miền quê mới. Thậm chí, đó lại có thể là nơi ăn đời, ở kiếp. Do vậy, có những người hầu như “mất gốc”, chỉ còn quê cha đất tổ để đi về hương khói, hoặc để lưu dấu trong lý lịch. Vì thế, xuất hiện những mối quan hệ và tình cảm khác nhau về quê hương, nhưng dù sao thì vẫn là “đất có tổ, người có tông”.

Nhà thơ Tố Hữu là một trường hợp đặc biệt về quê hương.

Cậu bé Nguyễn Kim Thành được sinh ra ở Hội An - Quảng Nam, nhưng quê gốc cả nội, ngoại lại ở đất Phù Lai, xứ Huế. Cậu học tới trung học, rồi tham gia cách mạng cũng tại đây. Bị bắt và chịu tù đày xa quê hương nhiều năm cho đến ngày dựng cờ giải phóng quê hương với cương vị là Chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa Huế đã lãnh đạo quần chúng nổi dậy thành công vào ngày 23/8/1945.

Có một bước ngoặt trong cuộc đời Tố Hữu. Đó là những năm nhà thơ trốn tù về hoạt động bí mật, sau làm Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá, cho đến khi toàn quốc kháng chiến.

Thanh Hoá là mối tình đầu cách mạng, và cũng là nơi Tố Hữu bén duyên vợ chồng với cô gái xứ Thanh. Hai người được điều lên Việt Bắc, trải qua “chín năm nắng núi, mưa ngàn”, biết bao tình cảm “thiết tha, mặn nồng” với quê hương cách mạng. Sau đó, hai người về tiếp quản Hà Nội, “đóng đô” cho đến lúc nhà thơ Tạm biệt cuộc đời. Sinh con đầu lòng, dựng vợ gả chồng và có cháu nội, cháu ngoại ở đây. Như vậy, con cháu của nhà thơ đều là người Hà Nội “chính hiệu”.

Cuộc đời của Tố Hữu, trên đại thể là một sự di chuyển lớn, từ đất Thần kinh vàng son đến Thủ đô nghìn năm văn vật, trải qua hơn 80 năm thăng trầm theo lịch sử cách mạng và kháng chiến.

Điểm lý lịch cuộc đời của Tố Hữu như vậy để thấy rằng, nhà thơ có nhiều vùng quê hương với hàm nghĩa thật bao quát, rộng lớn, mang nặng tình cảm thân thiết, thiêng liêng đặc biệt.

2. Các vùng quê ấy, trước hết đều mang nặng những kỷ niệm sâu đằm như ký ức, được lịch sử hoá, làm tổ trong tâm hồn. Đó là những nơi đã chứng kiến quãng đời hoạt động hết sức sôi nổi, kiên cường đầy gian khổ và cả hiểm nguy, có đủ các cung bậc vui buồn, mừng tủi, hân hoan, lẫn cay đắng, xót xa. Tuy nhiên, nơi nào cũng chứa đựng ý chí tự hào khát vọng mãnh liệt xây dựng, đấu tranh.

Xứ Huế một thời ấu thơ với những kỷ niệm xa xôi “tuổi chín, mười” êm dịu như giấc ngủ “ấm tròn lưng” - với tiếng “ru nhè nhẹ” mà xót xa “đời mẹ buồn lo mãi/ Thắt ruột, mòn gan, héo cả tim”. Rồi khi nhà thơ bị tù đày: “Roi điện cùm xai toé máu tươi”, và nỗi đau cảnh ngày Bắc, đêm Nam, chua xót lắng nghe “Những tiếng giày đinh đạp núi đồi” suốt bao nhiêu năm.

Huế là mảnh hồn máu thịt với Tố Hữu là như vậy.

Quê mẹ được sáng tác ngay trong đêm 30 Tết hoà bình đầu tiên ở Hà Nội (1955) với nỗi nhớ da diết và niềm hy vọng thiết tha: “Đường vào sẽ lại nối đường ra/ Như con của mẹ về quê mẹ/ Huế lại về vui giữa Cộng hoà”. Mang nỗi niềm canh cánh bên lòng, khi đi thị sát chiến trường (1972), nhà thơ cũng ngóng về quê hương trong một tình cảm da diết: “Nỗi niềm chi rứa, Huế ơi!/ Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên” (Nước non ngàn dặm). Năm 1999, khi thăm miền Trung và quê hương trong cảnh lũ lụt, nhà thơ đã gửi về nỗi xót xa và ước vọng: “Huế ơi khổ cực muôn vàn/ Ước gì góp được một bàn tay con”.

Trong đời, Tố Hữu luôn có một niềm ân hận lớn - đằng đẵng bao nhiêu năm không về được quê lo hương khói: “Trăm lạy mẹ nấm mồ lạnh vắng”. Mãi cuối đời, nhà thơ mới toại nguyện: “Xin rước Người lên nghỉ chốn thiên thai”, để mẹ siêu sinh tịnh độ vĩnh hằng. Chuyến đi có tính chất “trối già” vào tháng 3/2000, nhà thơ lại Về quê, Nghe cu cườm gáy, lòng bồi hồi mơ màng “bên bờ nghĩa trang”, “vẳng nghe tiếng mẹ ru hời...” - khi đã vào tuổi 80!

Xứ Thanh được mệnh danh là “Quê anh”, bởi Tố Hữu đã có thời kỳ hoạt động oanh liệt ở đây. Khi đó, nhà thơ đã phải sống chui lủi, thấp thỏm ngày đêm trong căn buồng nhỏ xíu bí mật “buồng mẹ - buồng tim giấu chúng con”. Mái tranh nghèo xơ xác ấy, vừa là trụ sở cơ quan Tỉnh uỷ, vừa là Toà soạn báo in tay - Đuổi giặc nước. Nơi này đã trở thành căn cứ đầu não chỉ huy kháng chiến chống Pháp, chống Nhật khắp một vùng. Cũng chính tại đây, nhà cách mạng trẻ đã thành danh, thành người lãnh đạo cao nhất ở địa phương. Đây cũng chính là nơi nhà thơ đã kết duyên với cô nữ sinh Đồng Khánh Huế - một nhà hoạt động cách mạng trẻ tuổi, có khí phách từ thời kỳ bí mật đến khi tham gia Cách mạng tháng Tám.

Thanh Hoá được định nghĩa một cách tình cảm: “Quê em mà cũng quê anh từ nào” là vì thế. Sau này, khi về thăm lại vùng quê ấy, nhà thơ khẳng định lại: “Em ơi, Hoằng Hoá, quê chung” (Hoằng Hoá). Ấy là tính khoảng thời gian 40 năm xa cách của nhà thơ, kể từ khi hai người rời xứ Thanh lên Việt Bắc công tác rồi Lại về Thủ đô (1946 - 1986). Nhớ thương quê hương duyên tình mà hào hùng một thời “Xé trời đạn lửa, bom đào, đất rung” (Tĩnh Gia).

Với Tố Hữu, tâm tình Việt Bắc hết sức đặc biệt. Nhà thơ cùng cơ quan Trung ương đã ở đó trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Bài thơ “chia ly” chứa đựng bao nỗi niềm. Nỗi nhớ bao la như một điệp khúc luyến láy, xoáy sâu vào tâm hồn: “Mình về mình có nhớ ta” - gợi cả một lịch sử: “Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”. Nỗi nhớ như một nhãn tự đặc sắc của bài thơ tâm tình dài dặc: “Nhớ chiến khu”, “nhớ những ngày”, “nhớ những nhà”. Rồi “nhớ người mẹ nắng cháy lưng”, “nhớ sao lớp học i tờ”... Tố Hữu nhớ người, nhớ cảnh, nhớ bốn mùa: “Rừng xanh” mùa xuân “nắng ánh”. Rừng xuân, rừng hè, rồi “Rừng thu trăng rọi hoà bình”. Nhà thơ nhớ hôm qua hào hùng - “Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây”, và mong đợi ngày mai với viễn cảnh tươi sáng - “Ngược xuôi tàu chạy, bốn bề lưới giăng”. Tình cán bộ - nhân dân luôn là tấm lòng thuỷ chung muôn đời: “Ngược xuôi đôi mặt một lời song song”.

Hà Nội hiện ra bao dáng vẻ, sắc thái tình cảm với Tố Hữu. Là Hà Nội “Cay đắng tám năm ròng… Xé ruột lòng thao thức” cũng là Hà Nội bất khuất, vùng lên một thời để vẫn là “Hồ Gươm xanh thắm quanh bờ” như “thiên thu Hồn nước” (Lại về). Hà Nội có tâm tình thiết tha với im lìm “tiếng guốc” thời Ra trận, lại có tâm thế hứng khởi tột độ “Pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ”. Bảo tàng chiến tích chống chiến tranh hủy diệt thế kỷ độc nhất vô nhị thế giới đấy! Chiến công là của chung nhân loại: “Tự hào thay, trái tim Hà Nội/ Phải đây đường lịch sử ghé qua?” (Vui thế, hôm nay…)

Không kém đặc sắc là sự phát hiện “Hà Nội duyên thầm, lặng lẽ xuân… Xin sáng lòng ta một chữ Nhân” (Duyên thầm). Hà Nội mỹ lệ duyên dáng - Thành phố Hoà bình - tượng trưng cho chủ nghĩa nhân văn truyền thống những nghìn năm. Hà Nội suy nghiệm thanh thản vào cuối đời thơ vẫn thơ mộng hào hùng trong cuộc Du xuân: “Ngát bụi trần, tìm gió mát Hồ Tây/ Màn sương xanh lãng đãng nước cùng mây/ Nhớ ngàn xưa Trưng Vương đầu voi lẫm liệt/ Trận Nghi Tàm, sông Dâm Đàm đỏ huyết”. Mãi mãi niềm tự hào trong thách thức lịch sử:Nghìn năm qua, đất nước bao lần lừng lẫy chiến công/ Dân tộc anh hùng. Rạng rỡ Thăng Long”.

3. Với Tố Hữu, cái riêng bao giờ cũng gắn với cái chung, cái chung luôn được đặt trên cái riêng như nguyên tắc ứng xử.

Quê hương gắn với những vùng, miền lớn nhỏ. Có thời, Miền Nam trong thơ Tố Hữu như một đề tài máu thịt. Chế Lan Viên đã nhận xét về Phía Mẹ - phía quê nhà là như vậy [3].

Xứ quê cũng chính là Đất mẹ. Tình quê hương cũng biểu hiện lòng yêu nước cụ thể, thiết tha và mãnh liệt của người chiến sĩ cách mạng: “Anh là nhà thơ của phía Mẹ, phía quê hương. Nhưng Anh cũng là nhà thơ lớn của dân tộc, nghĩ về phía khác nữa” [3]. Ta có thể hiểu Mẹ Quê hương cũng chính là Mẹ Tổ quốc.

Trong Dậy lên thanh niên (1940), Tố Hữu có đề từ Lời Tổ quốc. Mẹ Tổ quốc, lúc này là một hình tượng mang tính lịch sử. Phải đến khi dấn thân vào hoạt động, nhà cách mạng trẻ mới nhận ra quê hương, đất nước bằng những hình ảnh trực quan sinh động với vẻ đẹp “đơn sơ mà lộng lẫy” của Tổ quốc.

Tình yêu nước bao giờ cũng bắt nguồn từ tình yêu quê hương: từ xóm làng, đình chùa, miếu mạo, từ con đường, đồng bãi, ngọn suối, dòng sông,... Đó là tấm lòng “xanh biếc” như nước Hương Giang, cũng như chí khí “đỏ rực” “như núi Thiên Thai” (Quê mẹ). Đó là trái tim - “vẫn ngày đêm tự tình” với quê hương. Đó là bước chân - “Đường làng lạ mấy cũng quen” khi “vào Hương Thuỷ”, khi “ra Phong Điền”. Và kỳ diệu là sông Hương, núi Ngự - “Bên kia Vọng Cảnh, bên này Thiên Thai/ Bức tranh non nước tuyệt vời” (Bài ca quê hương).

Đặc biệt, vùng quê hương thân thiết của nhà thơ đã trở thành vùng quê hương sáng tác đặc sắc. Đó là một sự thật tuyệt đẹp của tâm hồn thơ. Bởi, cảnh cũng là tình, cảnh gợi tình, tình nên cảnh, tình cảnh quấn quyện riêng chung. Việt Bắc “Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy” trong tình chung “Ngàn năm xưa, nước non Hồng”. Tố Hữu trở về Thủ đô trong cảnh vui sướng rạt rào và tâm niệm: “Hồ Gươm xanh thắm quanh bờ/ Thiên thu hồn nước mong chờ bấy nay” (Lại về). Huế của thi nhân cũng là của muôn đời trong cuộc hội ngộ mẹ - con: “Ôi Huế ngàn năm Huế của ta... Huế lại về vui giữa Cộng hoà” (Quê mẹ). Toàn thắng về ta sáng tác vào 1/5/1975, thì cũng thời gian ấy Bài ca quê hương ra đời với niềm hân hoan, bồi hồi khó tả: “Câu Nam ai hoá bài ca anh hùng”. Việt Bắc là bài tráng ca trữ tình. Về chiến khu xưa, Như một cuộc hành hương vẫn tâm tình thuỷ chung trong sáng hơn 40 năm sau (1997): “Măng đắng ngon, thêm nhớ trám bùi”.

Thực ra, biển được miêu tả như một vùng quê đặc biệt chỉ hiện ra thấp thoáng trong thơ, nhưng cũng thật sâu đậm. Vùng ven biển Hậu Lộc - nơi Tố Hữu sống những ngày mới ra tù, hoạt động kháng chiến đã trở thành miền ký ức đỏ thắm tâm hồn. Trở lại thăm quê mẹ nuôi sau 19 năm, nhà thơ đã để lại một khúc ca giàu triết lý: “Ôi có phải sóng bồi thêm bãi trước/ Hay biển đau xưa rút nước xa rồi?”.

Câu thơ gợi nhớ tới quan niệm “bể khổ”, “bể trầm luân” của đạo Phật.

Kỷ niệm Hòn Mê, Hòn Nẹ - những hòn đảo nhỏ ven biển xao động một thời, như sống lại trong cảnh: “Phấp phới buồn dong, nắng biển khơi”. Đó là chuyện trở về vào năm 1961 (Mẹ Tơm). Cuối đời, kỷ niệm biển vẫn rất đầm ấm, dù đã 25 năm trôi qua (Hậu Lộc). Xưa, Tố Hữu lội bộ trên cồn cát mà lòng mát rượi trong tiếng hát ngân nga. Nay, nhà thơ “mát chân lối cát” “Ra về ấm mãi lòng ta với đời”, “cảnh biển vui sóng giỡn”, cũng vì đằm thắm nụ hôn “bạn già” trong tình sâu, nghĩa nặng.

Kỳ lạ là ấn tượng biển lan toả mạnh mẽ bùng lên nơi Vũng Tàu - Côn Đảo vào dịp đốt thử vỉa dầu giếng khoan số 4. Thực và mơ đan xen nhau trong Ngọn lửa - đó là “ngọn lửa tình yêu lớn”, làm “Biển Đông rộn rã sáng cơ đồ” gây xúc động kỳ diệu bằng niềm vui “Ta nhìn ngọn lửa cay mi mắt”. Lúc này là mười năm sau đại thắng mùa xuân 1975, nước ta đang nỗ lực xây dựng lại đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!” như mong ước của Bác Hồ. Đặc biệt, chuyến thăm Biển mơ (1999) mang khát vọng cháy bỏng. Giữa “Sóng vờn quanh đảo nhảy” là ước mong “Người thợ đào than, cho đời lửa sống/ Được bay bổng cùng Hạ Long thơ mộng?”.

Cũng do ấn tượng sâu đậm mạnh mẽ với quê hương biển đảo đất nước, vào những ngày cuối đời, Tố Hữu đã đưa ra những dự cảm linh diệu về viễn cảnh rực rỡ của một biển Đông tuyệt đẹp. Quốc gia biển Việt Nam hùng cường sẽ toả sáng trên Thái Bình dương - dầu khí đỏ khơi xa hoà sắc quốc kỳ “in máu chiến thắng mang hồn nước”: “Nối đuôi nhau, những con tàu phấp phới lá cờ ta/ Vượt sóng lớn, ra khắp đại dương hùng vĩ” (Cảm nghĩ đầu xuân 2002).

Tố Hữu từng yêu quê hương vùng bán sơn địa ngạt ngào hương sắc “Rừng vàng biết mấy mà cân/ Núi đồi hương quế, hương trầm bay quanh” (Như Xuân), nhà thơ cũng khát vọng quê hương biển đảo sẽ hiện thực hoá kho “biển bạc” cho sự giàu mạnh của đất nước.

*

Ta có thể thâu tóm ở đây đôi điều về tâm hồn một nhà thơ lớn.

Quê hương là những gì cụ thể qua con mắt nhìn: “là chùm khế ngọt”, “là con đò nhỏ”... và cả những gì cảm nhận mơ hồ mà thấm đượm - “là hương hoa đồng nội” bay trong giấc ngủ như sự vỗ về êm dịu, “là vòng tay ấm” giữa đêm mưa giá lạnh như sự chở che ấm áp (Đỗ Trung Quân). Tình quê hương có lúc đằm thắm, ngọt ngào, cũng có khi đớn đau, chua xót: Núi Đôi - Vũ Cao, Quê hương - Giang Nam.

Thơ Tố Hữu xem ra có tất cả những điều đó, và còn có thêm, có khác đôi điều, cần được nhấn mạnh.

Nhà thơ đã đưa ra một định nghĩa kép, một hàm nghĩa đan lồng nhuần nhuyễn: 1. Quê hương - vùng quê sinh sống hay vùng quê tình cảm, đồng thời là vùng quê sáng tác, tức vùng quê nghệ thuật; 2. Quê hương - Đất nước, Tình yêu quê - Lòng yêu nước. Đó là đặc điểm trữ tình chính trị hay trữ tình công dân của thơ Tố Hữu.

Hãy đọc Trên đường thiên lý: “Quê hương ta. Nghe phấp phới trong lòng... Ôi Tổ quốc! Đơn sơ mà lộng lẫy!”. Cái đẹp đặc sắc ở đây mang dáng vẻ mỹ lệ truyền thống: “Nghìn năm cũ đang hồi xuân thắm lại”, cũng như ở Xuân sớm: “Như nghìn năm đẹp nét xuân xưa”. Thơ Tố Hữu nêu cái đẹp hào hùng lịch sử: “Quê hương ta hỡi! Có ai ngờ/ Mỗi dòng kênh đó, bờ tre đó/ Máu đã rơi nhiều, đỏ ước mơ”.

Mái tranh nhưng, như câu ca, phải “ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương”. Quê hương là sự trải nghiêm cuộc đời cũng là truyền thống lịch sử. Tố Hữu hơn ai hết, tôn vinh đặc biệt truyền thống miền đất mang khí thế hào hùng “Ôi quê ta rất anh hùng!/ Nước non đâu cũng trùng trùng tiến quân” (Chuyện em), con người với vẻ đẹp anh dũng “Thừa Thiên, đẹp cảnh, đẹp người/ Núi xanh khí phách, biển ngời sức xuân” (Bài ca quê hương). Bất kỳ thời nào “vắt đất ra nước thay trời làm mưa” cũng là truyền thống lao động dũng cảm Việt Nam “Người quyết thắng, trời phải thua/ Có ai ra chợ mà mua anh hùng?” (Hoằng Hoá)

Có câu ca đã đi cùng năm tháng: “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”. Đạo lý dân tộc ấy cần được bổ sung thêm đạo lý cách mạng. Muốn thành “người tử tế, người lớn” - tức “làm người”, “ở đời” trong xã hội mới, thời đại mới như lời dạy của Bác Hồ, cần thương nhớ, mến yêu, còn cần phải biết đền ơn đáp nghĩa, tin tưởng, hy vọng mãnh liệt; đặc biệt phải nỗ lực sáng tạo, tận hiến cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng phát triển quê hương đất nước.

Đó chính là thông điệp tâm huyết mà thơ Tố Hữu muốn gửi cho tất cả. Có mạch ngầm văn bản ẩn tàng xuyên thấm từ lâu lắm. Từ Dậy lên thanh niên với đề từ Lời Tổ quốcĐi đề Tặng bạn trẻ - nhà thơ lớn như muốn đặc biệt gửi tặng và kỳ vọng thiết tha những chủ nhân quả cảm giàu “hùng khí” phấn đấu quyết liệt “vì mục tiêu độc lập tự do hạnh phúc” cho sự nghiệp chung đất nước núi sông hùng vĩ. Như tâm nguyện Cảm nghĩ đầu xuân 2002: “Cho Tổ quốc mai sau lên tuyến đầu nhân loại”.

 

Tài Liệu Tham Khảo

1. Giang Nam (2013), Tuyển tập thơ Giang Nam, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

2. Tố Hữu (2008), Toàn tập, Nxb Văn học, Hà Nội.

3. Chế Lan Viên (2009), Chế Lan Viên toàn tập, tập V, Nxb Văn học, Hà Nội.

 


MOTHERLAND: PROFOUND MEMORY AND PASSIONATE POETRY

 

ABSTRACT

 

            Writing about his motherland, To Huu coins a definition with double meanings that merge well together: 1. Motherland is a specific place from which someone originates and composes literature, which makes it the land of arts. 2. Motherland is the nation, which means the love for motherland is patriotism. With this definition in heart, To Huu composes poems that are often considered emotional-political or emotional- citizen responsible.



(*) PGS.TS., Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.