Xiêm La quốc lộ trình tập lục - Giới thiệu và trích dịch

Trong quá trình sưu tập các loại tư liệu Trung Quốc liên quan đến lịch sử biển Đông, vào đầu năm 2010 tôi tình cờ bắt gặp một tài liệu Hán Nôm Việt Nam được xuất bản ở Hồng Kông, mang tiêu đề Xiêm La quốc lộ trình tập lục 暹羅國路程集錄 do Tống Phước Ngoạn 宋福玩 và Dương Văn Châu 楊文珠 soạn tập, lời tấu dâng sách đề năm Gia Long cửu niên (1810). Thời điểm ra đời của sách này sau Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1806 - Lê Quang Định) 4 năm và trước Gia Định thành thông chí (1820 - Trịnh Hoài Đức) 10 năm, tuy nhiên, Hoàng Việt nhất thống dư địa chíGia Định thành thông chí đến nay đã rất phổ biến và hầu như là tài liệu không thể thiếu trong việc nghiên cứu địa lý lịch sử Nam Bộ, riêng Xiêm La quốc lộ trình tập lục thì ít khi được nhắc đến. Tài liệu khá đặc biệt này bị lẩn khuất bao nhiêu năm qua hình như bởi nhiều nguyên nhân. Hiện tôi đã dịch, chú giải xong tài liệu này (Việt văn) và đang tìm hiểu thêm về những ưu khuyết điểm của nó. Bài viết sau đây giới thiệu chung về bản in ở nước ngoài (nguyên tác Hán-Nôm), về nội dung nguyên tác và một số nhận định của dịch giả về giá trị lịch sử và giá trị tham khảo của Xiêm La quốc lộ trình tập lục, đồng thời cũng giới thiệu một đoạn liên quan đến bờ biển Việt Nam. Nhận thấy đây là tài liệu sớm và hình như là đầu tiên ghi chép khá rõ về hiện trạng bờ biển cùng nhiều hải đảo phía cực nam và tây nam nước ta, nên trong bản dịch và chú giải e có chỗ sơ suất, rất mong bạn đọc chỉ giáo và góp ý giúp cho.

I - Giới thiệu bản in năm 1966 tại Hồng Kông

Xiêm La quốc lộ trình tập lục là tập thứ hai trong “Đông Nam Á sử liệu chuyên san” do Ban Nghiên cứu Đông Nam Á – Phòng Nghiên cứu Tân Á thuộc Hương Cảng Trung Văn Đại Học xuất bản năm 1966 [Collected Records of Itineraries to Siam – Historical Material Series No.2 – Southeas Asia Studies Section – New Asia Research Institute – The Chinese Universty of Hong Kong, Hong Kong, 1966]. Cơ quan này, dưới sự tác động của Giáo sư Trần Kinh Hoà [Ch’en Ching-ho / 陳荆和], đã biên tập xuất bản nhiều tài liệu địa lý và lịch sử có xuất xứ từ Việt Nam hoặc liên quan đến Việt Nam, series về địa lý tập 1 bắt đầu từ năm 1962 với Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức, series về lịch sử tập 1 bắt đầu từ năm 1965 với Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực  1.


Ấn bản Xiêm La quốc lộ trình tập lục gồm ba phần,

 

phần I : bài khảo cứu bằng Trung văn của Trần Kinh Hoà (24 trang), bài khảo cứu giản lược bằng Anh ngữ (6 trang)

phần II : nội dung Xiêm La quốc lộ trình tập lục của Tống Phước Ngoạn và Dương Văn Châu, được in lại nguyên văn Hán Nôm qua hình thức sắp chữ rời thay cho văn bản gốc chép tay (64 trang)

 

phần III :  các phụ lục gồm bảng Đối âm địa danh, chú thích về một số địa danh và địa đồ sơ lược các địa danh tiêu biểu của Trần Kinh Hoà và Mộc Thôn Tông Cát [Kimura Sokichi]  (30 trang).

 

banthao

Xiêm La Quốc lộ trình tập lục, nguyên bản do Trần Kinh Hòa tìm thấy trong kho lưu trữ Châu Bản nhà Nguyễn, năm 1959.

Trong bài khảo cứu (phần I) ông Trần Kinh Hoà thuật lại rằng vào mùa hè năm 1959, trong lúc xắp xếp phân loại thư mục Châu bản triều Nguyễn tại Huế, ông bắt gặp xấp tài liệu có tiêu đề Xiêm La quốc lộ trình tập lục nằm lẫn trong nhóm hồ sơ lưu trữ. Khi đối chiếu sử liệu nhà Nguyễn qua Đại Nam Thực lục Chánh biên đệ nhất kỷ, Đại Nam liệt truyện Sơ tập và sử liệu Xiêm qua Biên niên sử hai đời vua Rama I – Rama II [do Đàm Long Thân vương / Prince Damrong biên soạn] 2 xác định nguồn gốc tài liệu này là chắc chắn. Kết quả nghiên cứu của ông Trần Kinh Hoà cho thấy ‘Lời tấu’ của Tống Phước Ngoạn và Dương Văn Châu đề năm Gia Long thứ chín (1810) đặt ở đầu tập tài liệu Xiêm La quốc lộ trình tập lục trùng khớp với những ghi chép trong sử Việt và sử Xiêm. Căn cứ theo ‘Lời tấu’ thì tập tài liệu này vốn là văn bản được kèm theo bức địa đồ Xiêm La cũng do sứ đoàn thực hiện, và khi về dâng lên cùng lúc, nhưng ông Trần nói rằng, ông không tìm thấy bức địa đồ.

Bài khảo cứu trích lục 6 đoạn trong Đại Nam Thực lục Chánh biên đệ nhất kỷ, 1 đoạn trong Đại Nam liệt truyện Sơ tập và 3 đoạn trong Biên niên sử hai đời vua Rama I – Rama II [dịch sang Trung văn từ Thái ngữ], những đoạn có liên quan trực tiếp đến xuất xứ Xiêm La quốc lộ trình tập lục tiêu biểu như sau :

Tháng 11, năm Kỷ Tỵ, Gia Long thứ tám (1809) “ Phật vương mới của nước Xiêm La sai bề tôi bọn Phi Nhã Sĩ Xú Ly Giá Ba Ha đến dâng sản vật địa phương và cáo tang Phật vương trước… Sai Tống Phước Ngoạn, Phạm Cảnh Giảng, Dương Văn Châu, Võ Doãn Thiếp sung làm Chánh phó sứ hai sứ bộ sang Xiêm ” (ĐNTL - Chánh biên đệ nhất kỷ, quyển 39)

Tháng 5, năm Canh Ngọ, Gia Long thứ chín (1810) “ Bọn Tống Phước Ngoạn và Phạm Cảnh Giảng từ nước Xiêm trở về, dâng địa đồ nước Xiêm ” (ĐNTL - Chánh biên đệ nhất kỷ, quyển 40).

Năm Gia Long thứ chín, Tống Phước Ngoạn đi sứ Xiêm La trở về, dâng địa đồ nước Xiêm ” (Đại Nam liệt truyện Sơ tập - quyển 14, Truyện Tống Phước Ngoạn) 3.

Tiểu lịch năm 1172, Phật lịch năm 2353, năm Ngọ, Hoàng Thượng lên ngôi năm thứ 2, tháng 5 [Tây lịch 4/4 đến 2/5 năm 1810]. Sứ đoàn do Quốc vương Việt Nam Gia Long sai đến đã tới thành Bangkok. Đoàn sứ phân hai nhóm, nhóm thứ nhất đến điếu tang Quốc vương trước 4, mang theo lễ phúng gồm 100 tấm lụa ‘kwian kho’, 100 tấm vải trắng ‘tang kia’, 5 hộp sáp ong, 5 hộp đường cát, 10 hộp kẹo dừa, 10 hộp đường phèn 5, tất cả các món đều đặt trước linh vị. Nhóm sứ đoàn thứ hai ra mắt Tân Vương 6, trình quốc thư, chúc mừng Hoàng thượng lên ngôi, cùng dâng lễ vật mừng tặng gồm 100 tấm lụa, 100 tấm lụa hồng, 100 tấm lụa nhiều màu, 100 tấm vải trắng, 3,3 kg kỳ nam hương, 5 kg nhục quế 7. Quốc vương tiếp quốc thư và tiếp đãi sứ đoàn long trọng y theo thông lệ đã có trước đây. Quốc vương đã phái thuyền ngự đến Samut Prakhan 8 để tiếp nhận quốc thư, riêng phái 8 chiếc thuyền rồng để đón sứ đoàn và 8 chiếc thuyền quân lễ theo hộ tống. Về đến Kinh thành, đội nhạc lễ cung đình hướng về phía sứ đoàn Việt Nam cử nhạc nghênh tiếp rồi đưa đến nghỉ ở nhà khách. ..” (Biên niên sử hai đời vua Rama I – Rama II ) 9

Trong một đoạn khác, Biên niên sử hai đời vua Rama I – Rama II nói rõ hơn về nội dung quốc thư của vua Gia Long gởi Quốc vương Xiêm, trong đó có nội dung yêu cầu vua Rama II triệu hồi các nhóm quan quân từ thời vua P’ya Taksin vẫn còn đóng rải rác ở đất Sài Mạt [Hà Tiên], để phía Việt Nam tiếp quản trọn vẹn vùng đất này, vua Rama II đã chấp thuận yêu cầu ấy bằng văn thư hồi đáp gởi đến vua Gia Long, giao cho sứ đoàn mang về.

Nhìn chung, bài khảo cứu của ông Trần Kinh Hoà tập trung vào ba ý chính.

1. Chứng minh tập tài liệu mang tiêu đề Xiêm La quốc lộ trình tập lục là một tài liệu do sứ bộ Việt Nam thực hiện, đúng như thời điểm được đề trên Lời tấu. Xác định tài liệu này là bản thuyết minh cho bức địa đồ Xiêm La cũng do sứ đoàn thực hiện cùng trong thời gian đi sứ, phù hợp với Lời tấuvẽ thành một tập địa đồ và chép thành một tập lộ trình đường thuỷ đường bộ, nay về xin dâng lên.”

2. Khái quát bối cảnh chính trị đương thời của Việt Nam và Xiêm La, các quan hệ ngoại giao hữu hảo và cũng ngầm đề cập vấn đề tác động nhằm tăng cường ảnh hưởng của mỗi nước đối với Cao Miên trong khoảng thời gian tại vị của vua Gia Long và vua Rama I, Rama II.

3. Tóm lược nội dung chính văn Xiêm La quốc lộ trình tập lục, nêu vài đặc điểm của tập tài liệu, đánh giá đây là sử liệu quý về lĩnh vực giao thông đường bộ đường thuỷ thuộc phạm vi khu vực.


Phần III của bản in, tức các phụ lục do Trần Kinh Hoà và học giả Nhật Bản Kimura Sokichi thực hiện, tập trung vào việc đối chiếu các địa danh mà văn bản gốc ký âm bằng chữ Nôm với ngôn ngữ hiện nay, các địa danh thuộc lưu vực sông Hậu và vùng biển Cà Mau, Kiên Giang được đối chiếu với tiếng Việt với sự trợ giúp của Giáo sư Bửu Cầm (Viện Khảo cổ, Sài Gòn) 10, các địa danh trên đất Cao Miên, Xiêm La, Đồ Bà được đối chiếu với tiếng Khmer, tiếng Thái, tiếng Mã Lai. Các bảng đối chiếu này đã tạo ít thuận lợi trong việc dịch tài liệu sang tiếng Việt, tuy nhiên có nhiều địa danh đối chiếu không thích hợp và nhiều địa danh nằm ở dạng tồn nghi, tổng cộng các địa danh đối chiếu sai, đánh dấu tồn nghi và bỏ trống (không đối chiếu) ước chừng phân nửa tổng số.


Như chúng ta đã biết qua các công trình khảo cứu và hiệu khám các sách An Nam chí lược, Hải ngoại kỷ sự, Đại Việt sử ký toàn thư11 của Giáo sư Trần Kinh Hoà, các công trình này cho thấy ông là một học giả uyên bác, nhiều công trình khác cho thấy ông rất quan tâm và đã góp phần đáng kể nhằm phát triển học thuật trong lĩnh vực nghiên cứu di sản Hán Nôm Việt Nam, đặc biệt là mảng sách sử địa. Về uy tín cá nhân, ông Trần từng giảng dạy tại Viện Đại học Huế, năm 1959, khi Viện Yên Kinh Đại học Harvard tài trợ chương trình Phiên dịch sử liệu do Viện Đại học Huế tổ chức, ông Trần được cử làm Tổng thư ký, ông cũng kiêm nhiệm chủ trì việc thống kê Châu bản triều Nguyễn (từ tháng 7 đến tháng 12 năm 1959).

Về văn bản Xiêm La quốc lộ trình tập lục, theo ông Trần mô tả, văn bản này được chép theo lối chữ khải (chân), rõ ràng và chữ viết rất đẹp [tiếc là nó không được  minh hoạ một vài trang ảnh chụp], bản gốc chép tay mà ông Trần căn cứ để sắp chữ để thực hiện bản in hiện nay tôi chưa tìm được, về việc này, có thể ông Trần cầm bản gốc sang Hongkong để khảo cứu và làm căn cứ sắp chữ cho tiện việc xuất bản, cũng có thể ông Trần chỉ sao chụp để làm việc, rất tiếc là trong bài giới thiệu ở đầu bản in, ông Trần không nói rõ việc này. Trong thời gian chờ đợi có được bản gốc để bổ chính, trước mắt, bản dịch tiếng Việt và nghiên cứu dưới đây đều dựa trên văn bản in lại năm 1966 đã giới thiệu như trên.


II. Nội dung tài liệu Xiêm La quốc lộ trình tập lục

Toàn văn Xiêm La quốc lộ trình tập lục (sau đây viết là Tập lục) ước khoảng 2 vạn 8 ngàn chữ 12, gồm Lời tấu và 6 phần chép về 6 tuyến hành trình, tóm tắt như sau :

1/ Lục hành thượng lộ [đường bộ mạn trên]

Từ doanh Nam Vang (Phnom Penh) khởi hành, đến Bát Tầm Bôn (Battambang), đến thành Vọng Các (Bangkok), đến Thượng Thành (Ayutthaya), đến các nơi giáp giới Phù Ma (Burma/ Myanma), đến bờ tây bán đảo Mã Lai qua đảo Phổ Cát (Phuket), qua địa giới Đồ Bà (Jawa-Malaysia) xuống Cù Lao Cau (Penang) v.v. Các tuyến đường bộ này ghi chép hơn 30 địa danh.

2/ Lục hành hạ lộ [đường bộ mạn dưới]

Từ bờ biển phía đông Xiêm La, nơi hòn Dương Khảm (Ko Chang) khởi hành, đến thành Chân Bôn (Chantaburi), đến các nơi phía đông nam ven bờ vịnh Xiêm La. Ghi chép 14 địa danh.

3/ Nhai hải thuỷ trình [đường thuỷ ven biển]

Từ cửa Ba Thắc (Bassac) 13 sông Hậu khởi hành, theo bờ biển qua Hòn Khoai, qua Rạch Giá, Hà Tiên, Kompong Som, ven theo bờ biển Xiêm La đến Long Nha (sau là Singapore), qua bờ tây bán đảo Mã Lai, đến Penang, Phuket v.v. Ghi chép 195 địa danh (gồm cửa biển, thành trấn ven biển, vịnh, đảo…), trong đó hơn 40 địa danh thuộc Việt Nam.

4/ Dương hải thuỷ trình [đường thuỷ ngoài khơi]

Từ Mũi Cà Mau nơi Hòn Khoai (Poulo Obi) khởi hành, đến Phú Quốc, đến Hòn Thiết Miệt (Ko Samet), đến Hòn Xỉ Khống (Ko Si Chang), đến cửa biển Bắc Nam (Mae Chaophraya ), đến Sâm Lô Đột (Khao Sam Roi Yot), đến Láng Son (Mae Nam Langsuan), Lục Khôn (Nakhon Sithamamarat), đến Phổ Cát (Phuket) v.v. Ghi chép 25 địa danh.

5/ Dương hải tung hoành chư sơn thuỷ trình [đường thuỷ ngoài khơi ngang dọc các đảo]

(phần này ngắn, dẫn toàn văn)

Từ Hòn Khoai, theo hướng Khôn [tây nam] băng qua biển khơi 4 ngày đêm đến Cù lao Liêu [Ko Laut] 14. Từ Cổ Ong [Kas Rong] theo hướng tây băng qua biển khơi, xuôi theo gió đông, cánh buồm quay hướng bắc, thuỷ trình 2 ngày đêm đến cửa biển Xây Gia [Chaiya]. Từ khảm Thốt Nốt [Sattahip] theo hướng tây băng qua biển khơi, xuôi theo gió đông, cánh buồm quay hướng bắc, thuỷ trình 1 ngày đến Sâm Lô Đột [Khao Sam Roi Yot]. Từ Ban Kha Sỏi [Bang Phaso – thuộc Chonburi] theo hướng tây băng qua biển khơi, xuôi theo gió đông, cánh buồm quay hướng bắc, thuỷ trình 2 ngày đến cửa biển Me Tôn [Mae Nam Mae Klong]

Từ Phú Quốc theo hướng Thân [tây tây nam] băng qua biển khơi, xuôi theo gió đông, cánh buồm quay hướng bắc, thuỷ trình 1 ngày đến hòn Thổ Châu. Từ Cổ Ong theo hướng Thân băng qua biển khơi, xuôi theo gió đông, cánh buồm quay hướng bắc, thuỷ trình nửa ngày đến Hòn Thăng [Kas Tang]. Từ hòn Thổ Châu theo hướng Nhâm [cận chánh bắc] băng qua biển khơi, xuôi theo gió đông, thuỷ trình 2 ngày đến Hòn Thăng.

Từ hòn Thổ Châu theo hướng nam băng qua biển khơi, xuôi theo gió đông, thuỷ trình 1 ngày đến Hòn Bà. Từ Hòn Thăng theo hướng nam băng qua biển khơi, xuôi theo gió đông, thuỷ trình 1 canh đến Hòn Bà. 15


6/ Hải môn thuỷ trình [đường thuỷ theo cửa biển]


Toàn văn Lời tấu (tạm dịch)


Chánh sứ Khâm sai thuộc nội Cai cơ, thần, Tống Phước Ngoạn,

Phó sứ Thị nội Tham luận, thần, Dương Văn Châu,

Chúng thần dập đầu cúi đầu trăm lạy kính cẩn tâu

Vâng mệnh nhận sắc sai đi sứ nước Xiêm, tìm hiểu những điều thấy biết về núi sông đường sá, gặp được Đạo nhân tên Sài [thầy] Thuỵ 16 thuyết minh hướng dẫn các đường thuỷ đường bộ từ cửa biển Ba Thắc đến mương Xa Láng 17, từ núi non đầu nguồn cho đến biển cả ngoài khơi, tổng quát cặn kẽ. Chúng thần đem những điều ấy hỏi lại Cai đội Thạnh, Thông ngôn Biển, và [người ở] sở Phú Quốc là Lái An, Lái Tâm 18, cùng các lưu dân kiều ngụ [ở Xiêm] 19, qua lời những người này thì thấy rằng phần lớn giống nhau, sai biệt rất ít. Chúng thần bèn tổng hợp chọn lựa các thuyết làm thành toát yếu, vụng về vẽ thành một tập địa đồ và chép thành một tập lộ trình đường thuỷ đường bộ, nay về xin dâng lên.

 

Nhưng chúng thần ngu muội kém cỏi, lo lắng hồi hộp, không kìm được run sợ, vạn lần mong Hoàng Thượng sáng suốt.

Cẩn thận tâu rõ, ngày mùng mười tháng bảy năm Gia Long thứ chín.



Hầu hết các lộ trình được ghi chép dựa trên các tiêu chí : xác định khởi điểm (mô tả địa lý tự nhiên, nhân văn) – phương hướng đến – tình trạng đường sá, quang cảnh hai bên đường (hoặc sông ngòi, bờ biển) – thời gian hành trình – các ngã rẽ (thông tin gần giống như đường chính) – điểm đến.

Phần đường thuỷ chiếm 9/10 nội dung Tập lục. Về địa lý tự nhiên, chép sơ lược địa hình cảnh quan, động thực vật, khoáng sản, chép kỹ về chiều rộng, độ sâu các cửa biển. Về địa lý nhân văn, chép sơ lược về các di tích, kiến trúc, cư dân, sinh hoạt đời sống, chép rõ tình hình binh bị (các đồn ải biên phòng, quân số). Hầu hết địa danh trên đất Việt Nam viết bằng chữ Nôm, địa danh ở Cao Miên và Xiêm La phiêm âm Nôm hoặc chuyển nghĩa Nôm, danh vật dùng lẫn Hán và Nôm.

 

Về tác giả Tập lục


Tống Phước Ngoạn người gốc Quý huyện, tỉnh Thanh Hoa [Tống Sơn, Thanh Hoá], là “ công thần Vọng Các ”, trong nhóm các tướng theo Nguyễn Ánh sang Xiêm lần thứ hai sau khi viện binh Xiêm bại trận. Theo đến Vọng Các tỵ nạn lần này (tháng 3 năm 1785) gồm hơn 200  quan binh, đi trên 5 thuyền. Quan văn võ cao cấp gồm 1 Thiếu phó, 1 Chưởng cơ, 1 Lưu thủ, 10 Cai cơ. Tống Phước Ngoạn là 1 trong 10 cai cơ, ngang bậc Nguyễn Văn Thoại, cao hơn Nguyễn Văn Thành (Cai đội) và Lê Văn Duyệt (Thuộc nội cai đội). Tháng 7 năm 1787, theo Nguyễn Ánh trở về nước, sau khi khôi phục thành Gia Định được phong Trung quân doanh hữu trực vệ uý, lại thăng Trưởng chi chi chánh tiền, chi hữu thuận doanh Tả thuỷ, năm 1799, thăng làm Lưu thủ 20, năm Tân Dậu (1801) thăng Chưởng cơ 21. Tháng 11 năm 1809, đi sứ nước Xiêm, khoảng đầu tháng 7 năm 1810 trở về, dâng địa đồ nước Xiêm. Tháng 3 năm 1811, thăng Khâm sai Chưởng cơ, lại cử làm Chánh sứ đi sứ sang Xiêm, mang quốc thư bàn với vua Xiêm về việc nội bộ Chân Lạp. Năm 1814, phụ trách ngành giao thông vận tải. Năm 1816, có tội bị cách chức. (tóm lược theo Đại Nam thực lụcĐại Nam liệt truyện). Biên niên sử Việt Nam in ở Siam (năm 1900 và 1965) có lẽ nhầm về âm đọc nên tên Tống Phước Ngoạn được viết là Tống Phước Vàng 22.

Tiểu sử Dương Văn Châu nhất thời chưa sưu tra đầy đủ, Đại Nam liệt truyện không thấy chép, Gia Định thành thông chí - Thành trì chí chép Dương Văn Châu với tước Châu Quang Hầu khi làm Tham hiệp trấn Hà Tiên năm 1810. Đại Nam thực lục chép về Châu hai đoạn, một là việc được cử làm Phó sứ cùng đi với Tống Phước Ngoạn, lúc này đương chức Tham luận thị nội ; hai là, sau khi đi sứ về Dương Văn Châu được cất làm Tham hiệp Hà Tiên cùng với Hiệp trấn Nguyễn Đức Hội trợ lý cho Trấn thủ Nguyễn Văn Thiện. Khi Trấn thủ chết, Châu và Hội vốn có hiềm khích từ trước bộc lộ xung đột, dẫn bè phái đánh nhau làm náo động cả Trấn, cả hai bị bắt giải về Huế, Châu bị xử trảm quyết, Hội bị xử trảm giam hậu.



III. Vài nhận định về Xiêm La quốc lộ trình tập lục


Trong kho tàng di sản Hán Nôm Việt Nam, loại tài liệu như Xiêm La quốc lộ trình tập lục là loại đặc biệt hiếm thấy. Về tính chất và mục đích ghi chép, Tập lục này khác hẳn Hải trình chí lược được viết bởi Phan Huy Chú vào 23 năm sau.

Điều cần xác định trước tiên là Tập lục này không phải là quyển sách du ký mà là tập tư liệu đính kèm theo tập địa đồ, nên nội dung không gần với văn chương mà gần với khoa học. Trang sử quân sự triều Nguyễn thời Gia Long sẽ có thêm tư liệu về công tác tình báo quốc ngoại qua các ghi chép trong Tập lục này chăng. Đằng sau hoạt động tìm hiểu các đầu mối giao thông và thực lực binh bị của một nước khác, người ta có thể phân tích tầm nhìn chiến lược của vua Gia Long khi đang kẹt ở tình thế phải cảnh giác trong nguy cơ tiềm ẩn có thể đối đầu với một nước đã có ơn với mình. Cuộc tiến công Hà Tiên và An Giang năm 1833 với lực lượng hùng hậu của quân Xiêm cho thấy mối lo của Gia Long không phải là điều sợ bò trắng răng trời đổ sập.

Có thể lùi lại vài mươi năm về niên đại đánh dấu thành tựu của khoa kỹ thuật vẽ địa đồ nếu từ trước đến nay chúng ta lấy niên điểm Đại Nam nhất thống toàn đồ - 1838 làm dấu mốc. Địa đồ nước Xiêm dù không còn nhưng qua hơn 300 địa danh và sự mô tả chi tiết về khoảng cách trên một địa bàn rộng lớn được ghi chép trong tập lục cho thấy quy mô của tập địa đồ này. Một mô tả địa lý bằng văn tự thật sự có giá trị khi căn cứ vào nó người ta có thể phác dạng hiện trạng địa lý một cách tương đối, ghi chép trong Tập lục còn lại có thể đạt được điều này. Tống Phước Ngoạn ở Xiêm hơn hai năm, gần 20 năm chiến trận chủ yếu trên mặt trận đường thuỷ, gặp một đạo sĩ giang hồ hành tung bí hiểm và các tay lái tàu sành sỏi vân vân e không phải là sự tình cờ và cũng nhờ vậy mà người ta có thể hiểu và không bất ngờ về chất lượng của Tập lục này.

Tập lục này còn mang vóc dáng Thuỷ kinh chú 23, trên một địa bàn hẹp hơn. Những cửa sông bề ngang bao nhiêu tầm bề sâu mấy thước cách nay 200 năm của hàng loạt con sông từ tây Nam Bộ Việt Nam, ven biển quanh co chạy dài cho đến khắp bán đảo Mã Lai là sử liệu thuộc phần tự nhiên và môi trường, và đây có lẽ là các ghi chép giàu tính thực tế mang giá trị tham khảo lâu dài đáng kể. Những dòng sông ở vùng đất mới tây Nam Bộ từ sông Hậu đến mũi Cà Mau luôn bị tác động bởi thuỷ triều từ biển và phù sa từ nguồn, cồn bãi trên sông và nơi cửa biển cứ vài mươi năm lại đổi khác. Năm 1810, Tập lục chép Ba Thắc là cửa biển chính của sông Hậu “ Cửa biển rộng khoảng 2 dặm, nước sâu 8 thước24, cửa Tranh Đề (Trần Đề / Trấn Di) không thấy nói đến, Nam Kỳ lục tỉnh địa dư chí (1872) chép “ Cửa biển Trấn Di bề ngang 1.173 trượng, nước lớn sâu 10 thước, nước ròng xuống 4 thước 25. Trong cửa biển có nhiều chầm bùn cồn cát nổi ngầm, dời đổi không chừng khó bề ghi nhận26, Đại Nam nhất thống chí (1875) chép về các sông lớn của nước ta khi nói đến sông Hậu chỉ nêu có 2 cửa Định An và Trấn Di 27, …và cách nay khoảng 40 năm cửa Ba Thắc mất hẳn, tức sông Cửu Long chỉ còn tám cửa.

Tập lục chép địa danh trên đất Việt Nam toàn bằng tục danh theo dạng chữ Nôm, nhiều chữ lạ, ngoài việc thêm tư liệu cho các nghiên cứu về ngôn ngữ, các dạng chữ gốc địa danh còn là nguồn tham khảo hay cho ngành địa danh học, giúp xác định nhiều địa danh gốc Việt hay gốc Khmer, Mã Lai khá phức tạp ở Nam Bộ. Tỉ như, qua Tập lục này có thể biết thêm một tên khác của đảo Phú Quốc là Hòn Độc [(石凡) (虫蜀)] rõ ràng qua tự dạng chữ Nôm, địa danh Rạch Giá 28 được chép thêm mấy chữ “ nơi này có nhiều cây giá ”, những ghi chép dạng này là yếu tố giúp xác định từ nguyên địa danh đáng tin cậy, chữ “ giá mộc 架木 ”trong văn bản cho biết đây là loại cây thân gỗ lâu năm, khỏi phải lẫn lộn với giá treo đồ hay giá mầm đậu đính kèm trong tô hủ tíu hoặc động thái nhấp nhấp muốn đánh nhau mà Huình-Tịnh Paulus Của cho cùng nghĩa trong Đại Nam quấc âm tự vị. Địa danh ở Xiêm La và các nơi dùng hai hình thức ghi nhận, hoặc ký âm như Langsuan thì viết là Láng Son ; hoặc chuyển nghĩa như Penang / Pinang (tiếng Mã Lai nghĩa là cây cau) thì viết là Cù Lao Cau, trường hợp này cũng đặc biệt vì các tác giả Tập lục đã không dùng cách chuyển nghĩa đã có trước của người Trung Hoa đối với hòn đảo này là Tân Lang Dự 29. Nhiều tên động thực vật, đồ vật dùng thẳng chữ Nôm, như để chỉ dầu ôliu thì viết là ‘dầu trám’ mà không viết ‘cảm lãm du’, viết ‘tàu, ghe’ mà không viết ‘thuyền, đĩnh’ và để chỉ tàu lớn của phương Tây thì phiên thẳng từ tiếng Mã Lai gốc Tamil ‘kapal’ để viết là ‘cấp bản’ mà không viết ‘hạm’. Hình như các tác giả Tập lục cố ý hạn chế hết mức trong việc dùng chữ Hán đối với các loại cây, con và đồ đạc.

Ông Trần Kinh Hoà đã thấy ngay rằng Tập lục này là tư liệu rất quý về lịch sử giao thông trong khu vực, điều này ai cũng phải thừa nhận. Tôi bổ sung thêm nhận định này, nếu đem so với một ghi chép cùng tính chất là phần “ Nam Dương ký ” trong Hải quốc văn kiến lục (1730) của Trần Luân Quýnh thì Tập lục này vượt xa mấy lần. Nam Dương ký chép theo lời thuật lại của các thương nhân nên đại khái sơ lược, tuy đề cập đến nhiều nước nhưng không nơi nào được mô tả địa lý cụ thể, phương hướng căn cứ trên la bàn chia 12 cung [tức mỗi cung ứng với góc 30 độ], lộ trình không có tuyến đường ngắn 30. Tập lục được những người trực tiếp điều khiển phương tiện hải hành ghi chép nên khá chính xác, cách định phương hướng cho thấy sự áp dụng la bàn chia 24 cung [tức mỗi cung ứng với góc 15 độ], phần chép các tuyến đường dài băng ngang/dọc biển khơi và các tuyến đường ngắn từ cửa sông/cảng này đến nơi khác lân cận, có nhiều đoạn đường ngắn chỉ đi mất nửa canh [~17 km]. So sánh này không nhằm ý nói trình độ thiên văn học hay la bàn của Việt Nam khá hơn Trung Hoa, mà chỉ nói đến việc ứng dụng la bàn khác nhau, việc diễn tả sơ sài hay tường tế tuỳ thuộc vào mức độ tiếp cận thực địa của những người ghi nhận. Một ghi chép khác của Việt Nam trước Tập lục bốn năm cũng sơ lược đáng nói, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (đd.) khi viết về bên ngoài đã bộc lộ sự lơ mơ chiếu lệ “…phía nam cách Hà Tiên rất xa có một hòn đảo lớn, gọi là hòn Phú Quốc, trên đó có dân cư, từ đảo Phú Quốc theo hướng Tây băng qua biển thì đến thành Vọng Các31, đoạn văn này không cho biết từ đất liền ra Phú Quốc bao xa và đã định hướng từ Phú Quốc đến Vọng Các không chính xác, đúng ra phải theo hướng tây bắc [sai lệch đến 45 độ], cũng không nói đi bao lâu thì tới.

Từ năm 1810, tài liệu Xiêm La quốc lộ trình tập lục và địa đồ Xiêm La được dâng lên rồi cất vào kho lưu trữ hay một văn phòng đặc biệt nào, có thể vì lý do tham khảo hạn chế mà nó ít được biết tới. Tài liệu này đáng ra phải được các sử quan và đại thần nhà Nguyễn tham khảo vào việc biên soạn các vấn đề liên quan, ít nhất phải thấy bóng dáng của nó trong các lần :

1/ Năm Tự Đức thứ 5 (1852), Cơ Mật Viện phụng soạn Cao Miên Xiêm La sự tích 32 , đây không phải là tập truyện cổ tích như cách nói ngày nay, mà là tập sách tập hợp sự kiện theo lối biên niên từ lúc khởi đầu các mối quan hệ thời các chúa Nguyễn cho đến hết triều Thiệu Trị (1847).

2/ Năm Tự Đức thứ 29 (1876) sung các chức Khảo duyệt bộ sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nguyễn Thông là một, sở dĩ phải nhắc đến riêng cá nhân Nguyễn Thông vì sau công tác đọc duyệt bộ sử lớn này ông đã thu hoạch kiến thức nhân dịp được đọc nhiều sử liệu để viết riêng bộ Việt sử thông giám cương mục khảo lược 7 quyển 33. Sách này chỉ dành 2 quyển để nói chuyện chuyên môn công vụ, 1 quyển viết về lịch sử địa lý An Nam và 4 quyển về lịch sử địa lý mấy nước gần. Trọn quyển 6 nói về nước Xiêm La, không thấy Nguyễn Thông trích dẫn hoặc nhắc đến Xiêm La quốc lộ trình tập lục, mặc dù đã trích lục đến 13 nguồn tài liệu Trung Hoa mà trong đó nhiều sách viết sau năm 1810 và không xác thực như ghi chép của Tống Phước Ngoạn.

3/ Đại Nam liệt truyện Chính biên sơ tập 34 hoàn thành năm 1889, dành 3 quyển để viết về ngoại quốc, phần viết về Xiêm La khá nhiều chi tiết nhưng vẫn không thấy bóng dáng Tập lục và cuộc đi sứ của Tống Phước Ngoạn.

Các sự kiện nêu trên đây vốn có quan hệ mật thiết với Tập lục đang xét, những lý do ẩn khuất nào đó hay chỉ vô tình bị bỏ quên mãi đến năm 1959.  Sau khi ấn bản Xiêm La quốc lộ trình tập lục ra đời, nó cũng rất ít khi được nhắc đến, lần đầu tôi thấy tên sách này trong phần “Thư mục tham khảo” của ông Tạ Trọng Hiệp đặt ở cuối sách / bản dịch Hải trình chí lược in tại Pháp năm 1994 35, trong bảng thư mục này nó được ghi “ Chen Ching-ho éd., 1966, Xiêm-La quốc lộ-trình tập-lục de Tống Phúc (Phước) Ngoạn & Dương Văn Châu, Xianggang, Zhongwen daxue, Xinyayanjiusuo ”. Thư mục ghi vậy, nhưng khi đọc hết cả các chú thích trong bản dịch Hải trình chí lược tôi không thấy có dấu hiệu tham khảo, không nhắc đến hoặc trích dẫn câu nào từ Tập lục này. Hình như ông Tạ Trọng Hiệp đã không mấy quan tâm hoặc chưa kịp lưu ý đến nó. Xiêm-La quốc lộ-trình tập-lục lại được nhà sử học trứ danh là Tiến sĩ Geoff Wade lưu ý,  bài khảo cứu “ A maritime route in the Vietnamese text Xiêm-la-quốc lộ-trình tập-lục (1810) ” của ông đã in trong một tuyển tập do Giáo sư Nguyên Thế Anh và Yoshiaki Ishizawa biên tập xuất bản vào năm 1999 36, và năm 2003 Wade lại đề cập đến nó trong một công trình nghiên cứu tổng quan về các nghiên cứu có hệ thống của phương Tây đối với lịch sử hàng hải vùng Đông Á 37. Qua các nghiên cứu và nhận định của Wade, Xiêm La quốc lộ trình tập lục được học giới bên ngoài biết đến như là một ghi chép mang tính chỉ nam hàng hải trong phạm vi mà nó đề cập.

Tiếp đến, thấy Tập lục này được tham khảo trong công trình nghiên cứu “ Tương quan Xiêm - Việt cuối thế kỷ 18 ” của Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính (Hoa Kỳ) 38. Gần đây, Giáo sư Nguyễn Thế Anh cũng đề cập đến Xiêm-La quốc lộ-trình tập-lục trong bài viết bằng Anh ngữ “ Thai-Vietnamese Relations in the First Half of the Nineteenth Century as seen through Vietnamese Official Documents ”, bài viết này in chung trong một tuyển tập nghiên cứu do Volker Grabowsky biên tập, xuất bản tại Thailand (2011), với đoạn văn liên quan : “ And yet, in 1810 a memorial entitled Xiêm-La quốc lộ-trình tập-lục (Collected Routes to the Country of Siam) and containing detailed descriptions of land and sea routes to Siam had been submitted to the Vietnamese Emperor (see Wade 1999)39.

Từ khi xuất bản, Xiêm-La quốc lộ-trình tập-lục được vài học giả ngoại quốc và học giả người Việt hải ngoại tham khảo nghiên cứu, trong khi ở Việt Nam hình như chưa được nhắc đến, điều này khiến chúng ta có thể nói rằng, tư liệu Hán Nôm về địa lý lịch sử khá đặc biệt này rơi vào tình trạng bị lãng quên tại nơi xuất xứ của nó suốt 200 năm qua 40.

Gia Định, cuối tháng 12 năm 2011

Phạm Hoàng Quân


Trích dịch :  Đoạn trích dưới đây là đoạn đầu Phần 3



Nhai hải thuỷ trình
[đường thuỷ ven biển]


Quy ước khi đọc bản dịch

* Khoảng cách : Canh ~ 60 dặm ; Dặm (Thanh/ TQ) ~ 576 m ; Tầm ~ 8 thước ; Thước ~ 32 cm [tầm và thước chỉ phỏng định, chưa ổn]

* Phương hướng : trong nguyên văn Tập lục, cách định/chỉ hướng phần nhiều ghi theo quy ước của hệ đồ hình la kinh, dùng đơn tự gồm 12 địa chi, 8 thiên can (bỏ 2 can Mậu & Kỷ), và 4 quái (Càn Tốn Khôn Cấn), cộng 24 chữ để biểu thị cho 24 hướng. So với La bàn hệ nguyên vòng [Bắc : 000 độ tăng theo chiều kim đồng hồ đến 360 độ] mỗi chữ (chỉ hướng) có khoảng lệch góc 15 độ. Bản dịch giữ nguyên văn để dễ kiểm tra và cho đối chiếu La bàn chuẩn quốc tế theo Hệ 1/4 vòng, hệ này chia nguyên vòng thành 4 phần bằng các đường N-S và E-W, N và S được lấy làm điểm gốc, giới hạn góc chỉ tính từ điểm N hoặc S về hai phía E, W, giới hạn từ 0 đến 90 độ. Phần quy chiếu đặt trong ngoặc vuông, thí dụ : hướng Thân [S 60 W], S và W tạo góc 90 độ, S tiến 60 độ đến W, trường hợp này cho thấy hướng Thân ứng với một điểm chệch khỏi Tây Nam (S 45 W) mà chưa đến Tây Tây Nam (S 67.5 W). Bốn góc tính gồm : SW, SE, NW, NE.

* Địa danh : nhằm lưu giữ mặt chữ, sẽ đưa tất cả tự dạng gốc (hầu hết là chữ Nôm) xuống phần chú thích.

Đối với các tên riêng chữ Nôm (địa danh và vật danh), có nhiều chữ lạ mà các bộ gõ (tôi) đang dùng không có, các chữ này sẽ được ráp từ các bộ Thủ chữ Hán, theo cách : đặt các bộ thủ gần nhau trong ngoặc đơn để chỉ một chữ Nôm, ráp phải trái : không dấu ( ), ráp trên dưới : dấu chéo ( / ). Thí dụ, chữ Hòn trong nguyên bản được viết bởi trái Thạch phải Hoàn, sẽ viết (石丸) ; chữ Mũi trong nguyên bản được viết trên Sơn dưới Mỗi, sẽ viết (山/每).

Từ cửa biển Ba Thắc (1), cửa rộng khoảng 2 dặm, nước sâu 8 thước, hai bên là rừng ngập nước, theo hướng Thân [S 60 W], bờ biển quanh co, thuỷ trình 1 canh đến cửa biển Mỹ Thanh (2), cửa này rộng 25 tầm, nước sâu 4 thước, hai bên là rừng ngập, cách khoảng 1 dặm về hướng đông phía ngoài biển là bãi bùn, dài rộng độ chừng 2 dặm, tục gọi là Cồn Mũi Áo (3), cồn này lúc nước triều dâng  nhìn không thấy, triều rút thì thấy.

Từ cửa biển Mỹ Thanh đi theo hướng Vị [S 30 W], ven bờ là rừng ngập, bên trong là ruộng muối, dân làm nghề đánh cá, thuỷ trình 4 canh đến cửa biển Gành Hào (4), cửa này rộng khoảng 30 tầm, nước sâu 4 thước, hai bên là rừng ngập và dừa nước.

Từ cửa biển Gành Hào theo hướng Vị [S 30 W], bờ biển là rừng ngập, thuỷ trình 2 canh đến cửa biển Bồ Đề (5), cửa này rộng 30 tầm, nước sâu 4 thước, hai bên là rừng ngập và dừa nước. Từ cửa Bồ Đề đi theo hướng Thân [S 60 W], bờ biển là rừng ngập, thuỷ trình 1 canh đến cửa biển Rạch Gốc (6), cửa này rộng khoảng 16 tầm, nước sâu 4 thước, hai bên là dừa nước, dân có nghề làm tôm khô.

Từ cửa Rạch Gốc đi theo hướng Thân [S 60 W], bờ biển là rừng ngập, đi 1 canh đến núi Hòn Khoai (7), phía bắc núi/hòn có dân sinh sống, làm nghề đốt than, dầu rái, làm rừng. Núi cao nhiều từng, cây cối xanh tốt, có khe nước, giếng đá. Một hòn phụ như quả núi nhỏ ở hướng đông, tợ như rùa vàng, tục gọi là Hòn Lao (8), trong phụ thêm một núi đá nhỏ, tợ như voi nằm, tục gọi Hòn Khô (9). Nơi Hòn Khoai này ghe tàu các nước qua lại thường ghé lấy củi lấy nước, sau đó định hướng đi về các nơi. Phía tây bắc núi, biển rộng khoảng 2 dặm, bờ biển là rừng rú, tục gọi là Mũi Tẩu Cốc (10). Phía đông bắc núi, biển rộng khoảng 2 dặm, bờ biển là rừng ngập, tục gọi là Mũi Tẩu Cò (11).

Từ Hòn Khoai theo hướng Càn [N 45 W], bên bờ toàn rừng ngập, thuỷ trình 1 canh rưỡi đến hai cửa biển Bãi Ông, Đầm Cùng (12). Cửa rộng khoảng 1 dặm, nước sâu 8 thước, hai bên là rừng ngập. Cửa này chia hai dòng, một dòng hướng Dần [N 60 E], ăn thông Đầm Cùng, tức là rạch Đầm Cùng ; một dòng hướng Hợi [N 30 W], ăn thông đạo Long Xuyên, tức là rạch Bãi Ông. Từ cửa Đầm Cùng theo hướng Nhâm [N 15 W], bờ biển là rừng ngập, thuỷ trình 1 canh đến cửa biển Ông Đốc (13), cửa rộng 30 tầm, nước sâu 4 thước, hai bên là dừa nước. Ra ngoài biển, theo hướng Thân [S 60 W], thuỷ trình khoảng 1 canh, phía ngoài là núi hòn nhiều lớp, cây cối tươi tốt, các hòn nhỏ vây quanh nhiều đá nhọn hiểm, tục gọi là Hòn Chuối (14), không có người ở, ghe tàu không thể dừng đậu. Phía nam núi, cách ra biển khoảng 2 dặm, có dãy đá nhỏ.

Từ cửa biển Ông Đốc, bờ biển là rừng ngập, thuỷ trình 1 canh đến núi nhỏ [hòn] Đá Bạc (15), núi này gần bờ biển rừng ngập, có suối nhỏ chảy đến ngọn cùng, dân cư ruộng đất, nhiều cá sấu, nhiều muỗi.

Từ hòn Đá Bạc đến Bãi Nai (16), thẳng theo hướng Tý [N], bờ biển là rừng ngập, thuỷ trình 2 canh đến cửa biển Thứ Chín, Thứ Mười (17), cửa rộng khoảng 5 tầm, nước sâu 2 thước, ra biển khơi phía tây thuỷ trình 2 canh đến hòn Cổ Trôn [Nam Du] (18), hòn này có nhiều núi/ hòn lớn nhỏ thành nhóm phụ cận, phía đông hòn có núi nhỏ, tục gọi là Hòn Màu (19), nơi xuất sản loại đá đen dùng để thử vàng, ghe thuyền qua lại thường hay dừng đậu.

Từ rạch Thứ Mười theo hướng Sửu [N 30 E], bờ biển là rừng ngập, thuỷ trình 1 ngày đến hai cửa biển Cửa Lớn, Cửa Bé (20), cửa này chia hai dòng, một dòng hướng Mão [E] rộng khoảng 90 tầm, nước sâu 10 thước, hai bên là dừa nước, tục gọi là Cửa Lớn, ăn thông qua cửa biển Mỹ Thanh ; một dòng hướng Sửu [N 30 E] rộng khoảng 70 tầm, nước sâu 8 thước, hai bên là dừa nước, tục gọi là Cửa Bé, ăn thông vào Láng Sen (21), cho đến sông lớn Cần Thơ (22).

Từ Cửa Bé theo hướng tây, bờ biển là dừa nước và rừng ngập, thuỷ trình 3 khắc [45’] đến cửa biển Rạch Sỏi (23), cửa rộng khoảng 7 tầm, nước sâu 1 thước 5 tấc, hai bên là rừng ngập.

Từ cửa biển Rạch Sỏi theo hướng Canh [S 75 W], bờ biển là rừng ngập, thuỷ trình 1 canh đến cửa biển Rạch Giá (24), cửa rộng khoảng 20 tầm, nước sâu 3 thước, hai bên là rừng ngập, có nhiều cây giá, ngoài cửa về hướng nam [đúng ra là tây nam ?] ra biển 1 canh đến Hòn Tre (25), hòn này núi quanh rừng lớp, tre trúc um tùm.

Từ Rạch Giá theo hướng Thân [S 60 W], bờ biển là rừng ngập, thuỷ trình 1 canh đến cửa biển Vàm Răng (26), cửa rộng khoảng 18 tầm, nước sâu 4 thước, hai bên là rừng ngập, dân làm nghề đánh cá và làm mắm cá (27), lấy sáp ong.

Từ cửa Vàm Răng theo hướng Khôn [S 60 W], bờ biển là rừng ngập, thuỷ trình 1 canh đến núi Hòn Đất (28), núi này cây cối sum suê, dân trồng cây thuốc lá, làm dầu rái, đốt than, lấy tổ ong.

Từ bờ biển Hòn Đất theo hướng Vị [S 30 W], thuỷ trình ngoài khơi khoảng nửa canh đến Hòn Rái (29), hòn này từng lớp chập chùng, cây cối sum suê, nhiều người dân sinh sống, làm các nghề dầu rái, than củi, lấy hải sâm.

Từ Hòn Đất theo hướng Thìn [S 60 E], ra khơi nửa canh đến Hòn Tre.

Từ Hòn Đất theo hướng Tuất [N 60 W], bờ biển là rừng ngập, thuỷ trình 1 canh đến cửa biển Vàm Rầy (30), cửa rộng khoảng 10 tầm, nước sâu 3 thước, hai bên là rừng ngập, dân làm nghề đánh cá và lấy tổ ong.

Từ Vàm Rầy theo hướng tây, bờ biển là rừng ngập, thuỷ trình 1 canh đến Hòn Chông (31), núi này đá nhọn lởm chởm chập chùng, phía đông núi là rừng tạp bùn lầy, tục gọi là Vịnh Bồn (32), có con sông, phía tây sông là núi, phía đông sông là rừng ngập, sông rộng khoảng 8 tầm, nước sâu 4 thước, hai bên nhiều dân cư ruộng đất, ngoài biển phía tây nam nhiều núi hòn xúm xít, tục gọi là Hòn Hộ (33), núi vòng quanh xây từng, cây cối sum suê.

Từ Hòn Chông bờ biển núi vòng chập chùng quanh co, cây cối sum suê, thuỷ trình 1 canh đến Bãi Ớt (34), ở đây có người Đường [Hoa] sinh sống, làm ruộng vườn, cây trồng tạp nhạp.

Từ Bãi Ớt theo hướng bắc, bờ biển núi vòng chập chùng, cây cối xanh tốt, thuỷ trình 1 canh đến Rạch Hàu (35), hai bên sông là núi đá tảng, cây cối xanh tốt, sông rộng khoảng 8 tầm, nước sâu 2 thước, nhiều người Đường [Hoa] sinh sống, canh tác ruộng vườn.

Từ Rạch Hàu theo hướng bắc, bờ biển núi non hiểm trở chập chùng, thuỷ trình nửa canh đến cửa biển Hà Tiên (36), cửa rộng khoảng 2 dặm, hai bên phải trái có núi lớn núi nhỏ, tục gọi là Hòn Sú Lớn ở bên đông, còn Hòn Sú Nhỏ (37) ở bên tây. Cửa biển này chia ba dòng, một dòng, giữa dòng từ ngoài biển hướng vào bờ tây, dòng chảy gần sau lưng Hòn Sú Lớn, ăn thông sông lớn Hà Tiên ; một dòng, giữa dòng từ biển vào theo hướng tây nam, là cửa giữa, ăn thông sông lớn Hà Tiên, hai bên gần hai Hòn Sú Lớn Nhỏ, cửa này rộng khoảng 40 tầm, nước sâu 5 thước (38), ăn thông sông lớn Hà Tiên, ghe thuyền thường ra vào ; một dòng, giữa dòng từ bên trái ngoài biển vào theo hướng đông nam, gần Hòn Sú Nhỏ, ăn thông đến trấn Hà Tiên, rộng khoảng 70 tầm, nước cạn, ghe thuyền không ra vào được.

Bên trong cửa biển, ba dòng chảy hợp nhau nhập vào sông lớn Hà Tiên, đến giữa một đầm rộng khoảng 1 dặm, lượn một đoạn bao quanh bờ tây, trên bờ tây là gò đất lớn, tức là trấn Hà Tiên. Trấn này có quan Kinh trấn giữ, nhiều sắc dân cư trú, phố chợ sầm uất, các sắc dân sinh sống đông đúc, ghe buôn của người Đường [Hoa] neo đậu. Phía sau trấn về hướng tây nam có ngọn núi cao xanh tốt, bên núi có tháp, tục gọi núi này là Ngũ Hổ Sơn [五虎山] , trong núi nhiều cọp dữ. Phía đông trấn cách sông lớn là khoảnh rừng ven bờ và núi cao, rừng cây xây từng sum suê, bên bờ sông là khoảnh rừng, tục gọi là Tô Châu [蘇洲] , người Đường, người Đồ Bà (39) và người Hoa Lang (40) đều lập phố xá ở đó, có ba bốn giếng nước. Đằng sau trấn  phía tây nam ven bờ biển núi ôm vòng che nhiều lớp, cây cối sum suê, tục gọi là núi Mũi Nai (41), (42). Ngoài cửa biển ra khơi theo hướng nam, núi hòn xúm xít, cây cối sum suê, nhiều tre trúc, tục gọi là Hòn Tre (43).

Từ trấn Hà Tiên theo hướng tây cho đến Mũi Nai, bờ biển bìa rừng quanh co, núi gập gềnh cây cối từng chòm xanh tốt, thuỷ trình 2 canh đến núi Gành Bà [Kép] (44), rừng cây tươi tốt, người Đường sinh sống, trồng cây thuốc lá, ngoài có cù lao lớn, núi nhỏ phụ theo một dãy, tục gọi là Hòn Tai (45).

Từ Gành Bà theo hướng Thân [S 60 W], bờ biển là rừng núi cho đến Vịnh Ách [Kep Baech] (46), thuỷ trình 2 canh đến cửa biển Cần Bột [Kampot] (47), phía đông cửa này có núi, phía tây cửa là rừng cây bãi cát, cửa rộng khoảng 15 tầm, nước sâu 3 thước, có đồn Phân thủ (48), người Cao Miên sinh sống.

Từ cửa biển Cần Bột theo hướng Vị [S 30 W], bờ biển núi vòng, cây rừng sum suê, thuỷ trình 1 canh đến núi lớn, đây là dãy núi hùng vĩ ở Cao Miên, từng từng lớp lớp, cây cối sum suê. Ở hướng nam là nơi biển lớn bao quanh có một cửa, tục gọi là cửa Cửa Dương (49), cửa rộng khoảng 7 tầm, nước sâu 3 thước,  đường đi quanh co, có người của sở Thủ Ngự đặt đồn Phân thủ. Núi này tục gọi là sở Phú Quốc (50), còn gọi Hòn Độc (51), nhiều trâu rừng, dân cư đông đúc, chuyên đi lấy huyền thạch (52), trầm hương, tổ ong, hải sâm, các thứ mây thuỷ đằng, thiết đằng, long đằng và làm các nghề đánh cá, nước mắm. Phía tây là ngọn núi cao, hình tợ thuổng sắt, tục gọi là Hòn Siêu [Koh Seh] (53), hòn này trông ngang núi Tà Lang [Koh Thmei] (54).

Từ núi Tà Lang theo hướng Tuất [N 60 W], bờ biển cây rừng tươi tốt, thuỷ trình 1 canh đến đầm Xà Hót [Prek Toeuk] (55), đầm rộng khoảng 8 dặm, trong có cửa sông, tục gọi là cửa Rạch Sa Úc/Uất [sông Dat Sap] (56), rộng khoảng 20 tầm, nước sâu 3 thước, hai bên là rừng rú, người Man canh tác ruộng nương, làm các nghề lấy trần hoàng, thiết đằng, thuỷ đằng, tục gọi nơi này là Mũi Sa Úc/Uất (57).

Từ Xà Hót theo hướng nam, bờ biển là núi rừng vòng vẹo quanh co, cây cối tươi tốt, đến cửa biển Húc Cà Ba [Kaky] (58), cửa rộng khoảng 30 tầm, nước sâu 8 thước, hai bên núi cao rừng thẳm, có quan Xiêm trấn thủ (59), dân sống bằng nghề rừng, xả ván, dầu rái, đốt than, thuỷ đằng, thiết đằng. Ngoài cửa ra biển phía nam có ba dãy núi, chập chùng hiểm trở, cây cối sum suê, chia biển thành 3 lối qua, tục gọi là Hòn Than [Koh Ta Kiev] (60), ngoài ba dãy núi là một vịnh cong, là bãi cát có khe nước, ghe buôn qua lại có thể dừng nghỉ, lất củi lấy nước.

Từ Hòn Than theo hướng Tân [N 75 W], bờ biển quanh co núi chồng nhiều lớp, cây cối tươi tốt, thuỷ trình 2 canh đến vịnh Sủng Kè [vịnh Ream] (61), cách một khoảng ngoài biển là núi, vòng quanh hiểm trở, cây cối tươi tốt, tục gọi là Hòn Lang (62), Hòn Sỏi (63).

Từ Sủng Kè theo hướng Canh [S 75 W], bờ biển núi cao nhiều lớp, uốn lượn quanh co, cây cối tươi tốt, thuỷ trình 3 canh đến dãy núi dài, tục gọi là Cù lao Ông Mai [Koh Rung Samloem] (64).

Từ Cù lao Ông Mai, bờ biển là núi cao chập chùng quanh co hiểm trở, cây cối tươi tốt, thuỷ trình 2 canh đến đầm Vịnh Thơm [Kompong Som] (65), tiếp đến đầm Sa Hào [?] (66), đầm rộng đi khoảng 1 canh, có dân Cao Miên canh tác ruộng nương, nơi này có các loại trần hoàng, sa nhân, bạch khấu. bờ bên tây là núi cao hiểm trở, cây chen trong đá, tục gọi là Mũi Trắc Ảnh [Che Ko] (67).

Từ Trắc Ảnh bờ biển núi non ôm vòng, thâm u kỳ thú, rộng khoảng 30 dặm, tục gọi là Vịnh Thơm, có quan Xiêm trấn thủ, quân số khoảng 300 suất, dân sống bằng nghề rừng, phía ngoài biển về hướng nam là ba dãy núi, ngọn cao vòng vẹo trùng điệp trắc trở, tục gọi là hòn Cổ Ong [Kas Rong] (68), cây cối tươi tốt, vùng biển này có đồi mồi, hải sâm.

Từ Cổ Ong theo hướng đông bắc [đúng là tây bắc] là dãy núi dài, đá tảng cây tạp, tục gọi là hòn So Đũa [?] (69), ngoài biển gần bờ là núi nhỏ, tục gọi là Hòn Thầy Bói [?] (70).

Từ Vịnh Thơm theo hướng Thân, bờ biển núi vòng, rừng cây tươi tốt, thuỷ trình 3 canh đến Hòn Tràm [Kas Samit ] (71), ngoài có núi dài, tục gọi là Hòn Ngang [?] (72) trong gần bờ biển ở hướng tây bắc là núi rừng tươi tốt, sinh nhiều loại mây (thiết đằng, thuỷ đằng, long đằng), cây tràm.

Từ Hòn Tràm theo hướng Thân [S 60 W], bờ biển núi vòng, rừng cây tươi tốt, đến ba núi nhỏ, tục danh là Hòn Táo [?] (73), trong có hai đường biển thông qua, nhiều đá hiểm nhấp nhô.

Từ Hòn Táo theo hướng Vị [S 30 W], núi vòng chập chùng quanh co, cây rừng tươi tốt, thuỷ trình 1 canh đến đầm Cổ Công [Kas Kong] (74), bờ đầm phía đông bắc là rừng rú, khoảng giữa đầm có nhánh sông, sông rộng khoảng 15 tầm, nước sâu 3 thước, hai bên là rừng ngập nước, tục gọi sông này là rạch Bà Sự [sông Taley] (75), dân cư đông đúc, làm nghề xả ván, ngoài cửa sông có núi nhỏ. Giữa đầm có đoạn cong, đầm rộng khoảng 1 dặm, nước sâu 2 thước, ghe thuyền có thể qua lại gần mé núi, khoảng này nước sâu 4 thước, phía ngoài núi vòng trắc trở, rừng cây tươi tốt, bờ tây bắc đầm là rừng rú, có cửa, cửa rộng chừng 12 tầm, nước sâu 4 thước, phía đông nam có gò nhỏ, nhiều cây dương, có ngôi miếu xưa, tục gọi là miếu Hoát Nhiên (76), các ghe cau (77),  ghe chở ong, đồi mồi, tổ yến thường hay ghé cúng lạy.


Thư mục tham khảo


Quốc Sử quán, Đại Nam thực lục Chính biên đệ nhất kỷ (1821), Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Viện Sử học, Nhà xuất bản Giáo Dục, 2007 (Tập Một)

Quốc Sử quán, Đại Nam liệt truyện Chính biên sơ tập (1889), Ngô Hữu Tạo - Đỗ Mộng Khương dịch, Cao Huy Giu hiệu đính, Viện Sử học, nxb Thuận Hoá, Huế, 2005. (Tập 2)

Quốc Sử quán, Đại Nam nhất thống chí (bản Tự Đức), Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Viện Sử học, nxb Thuận Hoá, Huế, 1992

Quốc Sử quán,  Đại Nam nhất thống chí, Lục tỉnh Nam Việt (bản Duy Tân), Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hoá Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1959.

Cơ mật viện, Cao Miêm Xiêm La sự tích (1852), bản chữ Hán chép tay, Thư viện Viện KHXH phía Nam, KH: HNv-204

Không rõ tác giả, Thông quốc diên cách hải chử (~1840), bản chữ Hán chép tay, Thư viện Viện KHXH phía Nam, KH: HNv-190.

Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1806), Bản chữ Hán và bản dịch của Phan Đăng, nxb Thuận Hoá, Huế, 2005.


Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí (1820). Bản chữ Hán và bản dịch của  Đỗ Mộng Khương - Nguyễn Ngọc Tỉnh, Đào Duy Anh hiệu đính, Viện Sử học, nxb Giaó Dục, Hà Nội. 1999.

Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí (1820), Lý Việt Dũng dịch, Huỳnh Văn Tới hiệu đính, nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2006.

Doãn Uẩn, Trấn Tây kỷ lược (1849), bản chữ Hán chép tay, Thư viện Viện KHXH phía Nam, KH: HNv-203.

Duy Minh Thị, Nam Kỳ lục tỉnh địa dư chí (1872), Thượng Tân Thị dịch quốc ngữ, Đại Việt tạp chí xuất bản năm 1944.

Trương Vĩnh Ký P.J.B., Petit cours de Géographie de la Basse-Cochinchine (1875), Tiểu giáo trình địa lý Nam kỳ, Nguyễn Đình Đầu lược dịch, NXB Trẻ, 1997.

Nguyễn Thông, Việt sử thông giám cương mục khảo lược, 7 quyển (1876), Bản chữ Hán chép tay, Phòng bảo quản Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, KH:  VHv- 1319. Bản in, Đỗ Mộng Khương dịch, Lê Duy Chưởng hiệu đính, Viện sử học, nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2009.

Phan Huy Chú, Hải trình chí lược (1833), bản dịch Pháp-Việt, Phan Huy Lê - Claudine Salmon & Tạ Trọng Hiệp, Cahier d’Archipel 25. Paris, 1994.

Đặng Xuân Bảng, Sử học bị khảo (~1876). Bản chữ Hán chép tay, Phòng bảo quản Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, KH:  A. 1490. Bản chữ Việt, Đỗ Mộng Khương dịch, Đỗ Ngọc Toại hiệu đính, Viện sử học, nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1997.

Nguyễn (Văn) Siêu, Phương Đình dư địa chí (1900), Ngô Mạnh Nghinh dịch, Cơ sở Báo chí và xuất bản Tự Do, Sài Gòn, 1960.

Uỷ ban KHXHVN - Ban Đông Nam Á, Thư tịch cổ Việt Nam viết về Đông Nam Á (phần Xiêm), bản đánh máy, Tài liệu lưu hành nội bộ, Hà Nội, 1977.

Uỷ ban KHXHVN - Ban Đông Nam Á, Thư tịch cổ Việt Nam viết về Đông Nam Á (phần Cam-Pu-Chia), bản đánh máy, Tài liệu lưu hành nội bộ, Hà Nội, 1977.

Bộ Ngoại giao - Uỷ ban Biên giới Quốc gia, Những vấn đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên biển Đông, Hà Nội, 2010.

Bộ Ngoại giao - Uỷ ban Biên giới Quốc gia, Biên giới trên đất liền Việt Nam - Cămpuchia, Hà Nội, 2010.

Bộ Ngoại giao - Uỷ ban Biên giới Quốc gia, Các điều ước quốc tế Việt Nam đã ký với các nước trong khu vực về phân định biên giới trên đất liền và trên biển, Hà Nội, 2010.

Bộ Ngoại giao - Uỷ ban Biên giới Quốc gia, Văn bản pháp lý liên quan đến công tác biên giới lãnh thổ Việt Nam, Hà Nội, 2010.

Lưu Văn Lợi, Những điều cần biết về Đất, Trời, Biển Việt Nam, nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2007.

Nguyễn Hồng Thao (chủ biên), Công ước Biển 1982 và chiến lược biển của Việt Nam, nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.

Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, nghiên cứu địa lý học lịch sử Việt Nam, nxb Khoa Học, Hà Nội, 1964.

Thái Văn Kiểm, Đất Việt trời Nam, nxb Nguồn Sống, Sài Gòn, 1960.

Trần Thanh Phương, Minh Hải địa chí, nxb Mũi Cà Mau, 1985

Sơn Nam, Tìm hiểu đất Hậu Giang, Phù Sa, Sài Gòn, 1959.

Sơn Nam, Lịch sử khẩn hoang Miền Nam (1973), nxb Trẻ, TP. HCM, 2009.

Nguyễn Văn Hầu, Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu giang, Hương Sen, Sài Gòn, 1972.

Phan Khánh, Nam Bộ 300 năm làm thuỷ lợi, nxb Nông nghiệp, Hà Nội, 2004.

Đoàn Nô, Ngư cụ thủ công chủ yếu và nghề cá ở Kiên Giang, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - nxb Văn hoá-Thông tin, Hà Nội, 2003.

Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam, nxb Thế Giới, 2008.

Lê Bá Thảo, Việt Nam, lãnh thổ và các vùng địa lý, nxb Thế Giới, Hà Nội, 1998.

Lê Bá Thảo, Thiên nhiên Việt Nam, nxb Giaó Dục, Hà Nội, 2006.

Nguyễn Chu Hồi, Cơ sở tài nguyên và môi trường biển, nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, H, 2005.

Vũ Trung Tạng, Sinh thái học các hệ cửa sông Việt Nam, nxb Giaó Dục Việt Nam, H, 2009.

Lê Đức An, Hệ thống đảo ven bờ Việt Nam, tài nguyên và phát triển, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nxb Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội, 2009.

Phạm Hoàng Hải (chủ biên), Các huyện đảo ven bờ Việt Nam, tiềm năng và định hướng phát triển, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nxb Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội, 2010.

Nguyễn Mạnh Hùng (chủ biên), Biến động bờ biển và cửa sông Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nxb Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội, 2010.

Nguyễn Văn Kim (chủ biên), Người Việt với biển, nxb Thế giới, Hà Nội, 2011.

Hoàng Chất, Nguyễn Điền, et’, Từ điển Khoa học trái đất và thiên văn học Anh - Việt / English-Vietnamese Dictionary of Earth Science and Astronomy, Nxb Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2005.

Tiếu Văn Kinh [Thuyền trưởng Hạng Nhất], Sổ tay hàng hải - Masters’& Deck Officers’ Handbook, (tập 1), nxb Giao thông vận tải, Hà Nội, 2010.

Bùi Đức Tịnh, Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ, nxb Văn nghệ TP. HCM, 1999.

Lê Trung Hoa, Địa danh học Việt Nam, nxb KHXH, Hà Nội, 2011.

Nguyễn Văn Khoan (chủ biên), Người Việt ở Thái Lan 1910-1960, nxb Công An Nhân Dân, Hà Nội, 2008.

D.G.E. Hall, Đông Nam Á sử lược, Nguyễn Phút Tấn dịch, Khai Trí, Sài Gòn, 1968.

Thái Thị Ngọc Dư (chủ biên), Địa lý các nước vùng Đông Nam Á, Bộ Giáo dục đào tạo - Viện đào tạo mở rộng (tài liệu lưu hành nội bộ), 1993.

Lương Ninh - Vũ Dương Ninh (chủ biên), Tri thức Đông Nam Á, nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.

Ngô Văn Doanh (chủ biên), Từ điển Văn hoá Đông Nam Á phổ thông, Viện Đông Nam Á - Trung tâm KHXH và Nhân văn Quốc gia, nxb Văn  hoá - Thông tin, Hà Nội, 1999.

Lê Hương, Sử Cao Miên, Khai Trí, Sài Gòn, 1970.

Nick Ray, et’ , Cambodia, Published by Lonely Planet, Singapore, 2010.

China Williams, et’, Thailand, Published by Lonely Plannet Publications Pty Ltd, Hongkong, 2009.

Simon Richmond, et’, Malaysia, Singapore & Brunei, Published by Lonely Planet Publications Pty Ltd, Hongkong, 2009.

David K. Wyatt, Thailand A Short History, Yale University Press, New Haven and London, United States of America by Edwards Brothers, Inc, Ann Arbor, Michigan, 1984.

Geoff Wade, “A maritime route in the Vietnamese text Xiêm-la-quốc lộ-trình tập-lục (1810)”. Commerce et navigation en Asie du Sud-Est, XIVe-XIXe siècle = Trade and navigation in Southeast Asia, 14th-19th centuries / Nguyên Thê Anh, Yoshiaki Ishizawa (eds.), Paris & Montréal (Québec) : I’Harmattan, 1998; Tokyo : Sophia University, c1999.

The Pre-Modern East Asian Maritime Realm : An Overview of European-Language Studies, Asia Research Institute. Working Paper No.16 / National University of Singapore, 2003.

Thongchai Winichakul, et’,  Southeast Asian Historiography Unravelling the Myths - Essays in honour of Barend Jan Terwiel. Edited by Volker Grabowsky, River Books Co., Ltd., Bangkok, 2011.

David Joel Steinberg, et’, In Search of Southeast Asia - A Modern History, Praeger Publishers, United States of America, 1971.

Puangthong Rungswasdisab, War and trade : Siamese interventions in Cambodia, 1767-1851, University of Wollongong Thesis Collection- Department of History and Politics - 1995.

邱 新民,東南亞古代史地論叢,南洋學會叢書之八,南洋學會 出版, 新加坡, 1969. [Khâu Tân Dân, Đông Nam Á cổ đại sử địa luận tùng, Nam Dương Học hội tùng thư - tập 8, Nam Dương xuất bản xã, Singapore, 1979.]

許 雲樵, 南洋史, 星洲世界書局有限公司印行, 新加坡 , 1961 [Hứa Vân Tiều, Nam Dương sử, Tinh Châu Thế giới thư cục hữu hạn công ty ấn hành, Singapore, 1961.]

劍橋東南亞史, 中國社會科學出版社,北京, 1995 [Kiếm Kiều Đông Nam Á sử, Trung Quốc Xã hội khoa học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1995. Bản dịch Trung văn từ The Cambridge History of Southeast Asia, Cambridge University Press, 1992.]

AJ.L. Taberd, Dictionarium Anamitico – Latinum / Nam Việt Dương hiệp tự vị (1838), Nxb Văn học - Trung tâm Nghiên cứu Quốc học (in chụp), Hà Nội, 2004.

Huình - Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc âm tự vị (1895), Khai Trí (in chụp), Sài Gòn, 1974.

L.m. An-tôn Trần Văn Kiệm, Giúp đọc Nôm và Hán Việt, Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm Hoa Kỳ - Nxb Đà Nẵng, 2004.

Nguyễn Đình Tư, Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.

Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam, nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.

Nguyễn Dược - Trung Hải, Sổ tay địa danh Việt Nam, nxb Giaó dục, Hà Nội, 2003.

Tập bản đồ hành chính Việt Nam – Administrative Atlas, nxb Bản Đồ, Hà Nội, 2003.

Tập bản đồ giao thông đường bộ Việt Nam,  nxb Bản Đồ, Hà Nội, 2004.

Trương Kỳ Quân (chủ biên), Tập địa đồ thế giới, cuốn 1 - Các nước Đông Á, Viện Nghiên cứu Quốc phòng - Sở Nghiên cứu Địa lý Trung Quốc xuất bản, Đài Bắc, 1965. [張其昀 (主編), 世界地圖集第一册-東亞諸國, 國防研究院-中國地學研究所 出版 , 臺北 , 1965.]

Richard Andree, Times (London, England) The Times atlas, House Square, London, E.C. 1895. (colophon :) Cassell & Company. Limited, Belle Sauvage Works, London, E.C. Bản kỹ thuật số “Siam and the Malay Archipelago” xem : David Rumsey Historical Map Collection .

Tiểu Dã Cương Nhất [Bộ trưởng Thuỷ lộ] (chủ biên), Hải đồ “Vịnh Xiêm La - Gulf of Siam”. Tỉ lệ 1 : 300.000. Bộ Thuỷ lộ san hành, Chiêu Hoà thứ 9 (1934) [ 暹羅海灣 , 日本水路部部長 小野彊一 (主編) 昭和 9年 3月27 日, 水路部刊行 ]

Nha Địa dư Quốc gia Việt Nam, Bản đồ Việt Nam - Lược đồ hình thể và đường sá. Tỉ lệ 1 : 2.000.000, in lần 3, Đà Lạt, 1962

Nha Địa dư Quốc gia Việt Nam, “Published by the National Geographic Service of Viet Nam”, (bản đồ tiếp hợp 12 mảnh). Tỉ lệ xích 1: 500.000,  in lần thứ I, Đà Lạt, 1964.

The National Geographic Magazine, “Southeast Asia”, Scale 1: 6.000.000. National Geographic Society, Washington, D.C. 1968.

Bản đồ hành chính Việt Nam – Lào - Cam Pu Chia”, tỉ lệ 1: 1.750.000, Cục Bản đồ - Bộ Tổng Tham mưu Q.Đ.N.D.V.N, Đà Lạt, 1990.

Bản đồ hành chính Việt Nam- Lào- Campuchia”, tỉ lệ 1: 1.750.000, Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt, 2004

Bản đồ hành chính Việt Nam – Lào - Cam Pu Chia”, tỉ lệ 1 : 2.400.000, Nhà xuất bản Bản đồ, 2010.

Các nước ASEAN”, tỉ lệ 1 : 7.000.000, Nhà xuất bản Bản đồ, 2010.

Tạ Ngọc Lan - Đoàn Đình Kiên, “Đồng bằng sông Cửu Long”, tỉ lệ 1: 500.000, Nhà xuất bản Bản đồ - Chi nhánh tại TP.HCM, 2008.


 

1 Các ấn phẩm của cơ quan này đại lược như sau : Series về địa lý gồm tập 1 nêu trên và các tập tiếp theo là, tập 2 Thập lục thế kỷ chi Phi Luật Tân Hoa kiều [十六世紀之菲律賓 華僑 - The Overseas Chinese in the Philippines During the Sixteenth century] của Trần Kinh Hoà, 1963; tập 3 Bắc thuộc thời kỳ đích Việt Nam [ 北屬时期的越南 - Vietnam During the Period of Chinese Rule] của Lữ Sĩ Bằng, 1964 ; tập 4 Thừa Thiên Minh Hương xã Trần thị chính phả [承天明鄕社陳氏正 譜 (khảo cứu của Trần Kinh Hoà về tập gia phả của dòng họ đại thần Trần Tiễn Thành, in kèm nội dung gia phả do Trần Nguyên Thước chép)]. Series về lịch sử tập 1 Quốc sử di biên, tập 2 Xiêm La quốc lộ trình tập lục, nhưng đến năm 1979 cơ quan này lại có thêm (hoặc đổi tên “sử liệu chuyên san” thành) “Sử liệu tùng san” với tập 1 Nguyễn Thuật vãng Tân nhật ký, in năm 1980 [tôi đã giới thiệu bản in sách này trong bài “Lược tả về sách Vãng sứ Thiên Tân nhật ký và Vãng Tân nhật ký” - tạp chí Nghiên cứu và Phát triển - Sở Khoa học công nghệ Thừa Thiên Huế - số 6 (71) năm 2008].

2 Sử ký các triều vua Rama I đến Rama IV (1782-1868) ban đầu do Chaophraya Thiphakorawong (1812-1870) thừa lệnh vua Rama V biên soạn, đến năm 1901, Prince Damrong cải chính nhiều sử liệu sai lạc trong hai triều Rama I và Rama II và biên soạn lại phần này theo hình thức biên niên, được xem như là một bộ phụ thêm vào Sử ký [Phraratchaphongsawadan Krung Ratanakosin Chabap Hosamuthaengchat : Ratchakan Thi I - Ratchakan Thi II. Samunakphim Khlang Witthaya, Bangkok, B.E. 2505 (1962)] (lược dịch nguyên chú của Trần Kinh Hoà). Bổ chú, Prince Damrong tức [Hoàng thân] Phraya Damrong Rajanubhab (1862-1943), là con của vua Rama IV, em khác mẹ với Rama V, năm 1892 giữ chức Bộ trưởng Nội chính, thực hiện nhiều cải cách quan trọng. Từ năm 1915 chuyên tâm nghiên cứu học thuật, trở thành nhà văn hoá lớn, người mở đầu cho nền sử học hiện đại Thái Lan, người sáng lập Thư viện Quốc gia, chủ tịch đầu tiên của Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thái Lan. Năm 1929 được phong tước vị Samdeeh (tước vị cao nhất trong hàng thân vương), sau năm 1932 sống tại Penang. Năm 1943 học trò của ông đã xuất bản Phraya Damrong toàn tập, hơn 100 tập. Năm 1962, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh, tổ chức UNESCO  đã phong tặng Prince Damrong danh hiệu Danh nhân văn hoá thế giới.

3 Hai đoạn ĐNTL và 1 đoạn Liệt truyện được ông Trần Kinh Hoà dẫn nguyên văn chữ Hán, các đoạn này tôi tra chiếu và sử dụng bản dịch Việt văn của Tổ phiên dịch Viện Sử học, bản in NXB Giáo Dục, 2007.

4 Tức sử gọi Rama I, vương hiệu chính thức là Phrabatsomdet Phraphutthayot Fa Chulalok [1782-1809]. Đại Nam thực lục (đã dẫn) chép là ‘Phật vương’.

5 theo ông Trần, nguyên văn Thái ngữ dùng đơn vị ‘hap’, ông dịch là ‘hợp/合’và ước tính 1 hap/hợp tương đương 60 kg, 100 cân Việt. Tôi tạm dịch là ‘hộp’ nhằm thể hiện sự trang trọng kính cẩn.

6 Tức sử gọi Rama II, vương hiệu chính thức là Phrabatsomdet Phraphutthaloetlanaphalai [1809- 1824]. Đại Nam thực lục (đã dẫn) chép là ‘Phật vương mới’.

7 theo ông Trần, nguyên văn Thái ngữ dùng đơn vị ‘chang’, ông dịch là ‘chương’ và ước tính 1 chang/chương = 600 gr. Tuy nhiên, khi tham khảo Puangthong Rungswasdisab (1995) [xem thư mục], thấy 1 chang = 1.66 kg, tôi căn cứ theo Puangthong Rungswasdisab , dịch thẳng ra số kg cho tiện đọc. Nguyên văn viết ‘lưỡng chương/ 兩章’, ‘tam chương/ 三章’, đổi ra là 3,3 kg và 5 kg. Lưu ý, các số liệu lễ phẩm chép trong Biên niên Xiêm có chênh lệch so với ghi chép trong Đại Nam thực lục.

8 Hải cảng, cửa sông Menam Chaophraya, sông lớn, chảy quanh kinh đô Vọng Các.

9 Đoạn văn này do ông Trần chuyển từ tiếng Thái sang tiếng Trung, tôi dịch theo bản tiếng Trung của ông Trần.

10 Trong bài giới thiệu, ông Trần Kinh Hoà tỏ lời cảm ơn Giáo sư Bửu Cầm về việc này, nhưng có sơ suất là viết sai tên thành 寶錦 [Bửu Cẩm].

11 An Nam chí lược, Hải ngoại kỷ sự và “ Thành trì chí ” (trong Gia định thành thông chí) có thể xem bản tiếng Việt, riêng Đại Việt sử ký toàn thư hiệu hợp bản được sắp chữ in lại nguyên tác chữ Hán, hiệu khám cẩn thận, phần khảo cứu bằng Trung văn và Hoà văn, bản in Nhật Bản, 1984 (quyển Thượng), 1986 (quyển hạ).

12 Trong bài khảo cứu, ông Trần chép sai là ‘18 vạn chữ’ (bản in, tr.16)

13 Ba Thắc, tên cửa biển, tên sông, gốc từ tiếng Khmer Bàsàk (neak Tà Bàsàk), người Pháp viết là Bassac. Trong lịch sử, địa danh cửa Ba Thắc được ghi nhận là tên chính của cửa sông Hậu trong  “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí - 1806”, “Gia Định thành thông chí - 1820”, địa đồ “Đại Nam Nhất thống toàn đồ - 1834”, “Nam Kỳ lục tỉnh địa dư chí - 1872”…, cá biệt thấy trên địa đồ “Đại Nam toàn đồ - 1838” - phụ bản in trong sách Hải trình chí lược - ghi tên cửa biển này là cửa Ba Xuyên (có lẽ do năm 1836 đổi tên phủ Ba Thắc thành phủ Ba Xuyên). Đặc biệt, trên bản đồ “An Nam Đại Quốc hoạ đồ” in phụ lục trong Dictionarium Anamitico-Latinum (1838) của A. L. Taberd lại viết chữ quốc ngữ là “ Cữa Ba thắc ”, cửa Trấn Di được viết là “ Cữa cha vang ”, cửa Định An được viết là “ Cữa vam rây ”. Các từ điển địa danh và sách địa lý tự nhiên Việt Nam hiện nay viết là Bát Xắc hoặc Ba Sắc. Là một trong chín cửa của sông Mekong, một trong ba cửa sông Hậu, nằm giữa cửa Định An và cửa Tranh Đề (Trần Đề), thuộc huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Cửa sông này đã bị bồi lấp khoảng năm 1970.

14 Trong Tập lục này thuỷ trình tính bằng canh và ngày, do ảnh hưởng cách tính trong các ghi chép hàng hải Trung Hoa, 1 canh ~ 60 dặm (tương đương 34 km), 1 ngày = 10 canh.

15 Đoạn cuối này tôi nghi chép sai hoặc sắp chữ sai, dựa theo hải trình thì Hòn Bà chỉ có thể là cách gọi Poulo Wai [hoặc viết là Hòn Way, đảo Vai, thuộc vùng biển Campuchia (Hiệp định 1982), bản đồ Việt Nam in cũng có khi viết sai là ‘đảo Voi’], đảo này nằm ở phia nam Hòn Thăng và phía bắc đảo Thổ Châu, nên từ Thổ Châu phải theo hướng tây bắc để đến, và từ Hòn Thăng theo hướng nam đến Hòn Bà là đúng nhưng không phải 1 canh mà phải mất khoảng 3 canh (hơn 90 km).

16 Đạo sĩ này có thể mang họ Sài tên Thuỵ, nhưng trong chữ nôm, Sài cũng đọc là Thầy [ông thầy], xét thấy các nhân vật được kể trong nội dung tờ tấu đều không chép họ mà chỉ ghi chức vụ, nghiệp vụ và tên, nên có thể hiểu ông Đạo này là thầy Thuỵ, theo cách gọi thầy chùa, thầy pháp, thầy cúng … khá phổ biến ở vùng tây Nam Bộ.

17 Mương 茫, chữ nôm, âm nôm từ chữ Muang (tiếng Thái) nghĩa thành trấn/vùng/ khu vực hành chính ; Xa Láng, tức Chalang / Thalang, cũng gọi Ujong Salang, nay là thành phố thuộc đảo Phuket (Siam).

18 Lái  梩, chữ nôm, chỉ người cầm lái, đồng nghĩa với tài công, đà công, thuyền trưởng. Trong câu ý nói “ hai người thuyền trưởng tên An, tên Tâm ”.

19 Đây là những người Việt ở lại Thái Lan đợt đầu, sau vụ tị nạn của Nguyễn Ánh (theo Người Việt ở Thái Lan 1910-1960 – Nguyễn Văn Khoan chủ biên, nxb Công An Nhân Dân, 2008). Theo Thái Văn Kiểm, năm 1780, 2 sứ giả là Cai cơ Tham, Cai cơ Tính do chúa Nguyễn phái tới cùng Mạc Thiên Tứ, Tôn Thất Xuân đến cầu viện trước đó (1776) và các thuộc hạ, gia quyến đều bị vua Xiêm sát hại vì nghi làm nội gián. Số Việt kiều định cư ở ở Bangkok từ trước cũng bị nghi ngờ, vua Xiêm lệnh cho đưa họ ra ở các tỉnh xa kinh đô. (Lịch sử bang giao giữa Việt Nam và Thái Lan, trong Đất Việt trời Nam, 1960).

20 Đại Nam liệt truyện chép thiếu mấy chữ, không rõ Lưu thủ ở Trấn nào.

21 Chi tiết này có thể Đại Nam liệt truyện lầm, vì trong Lời tấu (1810) Tống Phước Ngoạn vẫn còn xưng là Thuộc nội cai cơ. Chắc Liệt truyện chép lầm năm Tân Mùi (1811) ra Tân Dậu (1801).

22 Trong bài viết “ Cách Đây Hơn 100 năm Một Bộ Chính Sử Việt Nam bằng chữ Hán được dịch sang chữ Thái ” của tác giả Thawi Swangpanyangkoon (Châu Kim Quới) đăng trong tạp chí Xưa và Nay số 110 tháng 02 năm 2002. Ông Châu Kim Qưới giới thiệu một quyển sử Việt Nam viết bằng chữ Hán là Việt Nam sử ký (không rõ tác giả) đã được một người Việt tên là Nguyễn Phước Dõng dịch sang tiếng Thái, in và phát hành năm 1900 với tựa đề Phôngxảvađan Yuôn [Biên niên sử Việt Nam]. [In lần hai tại Phrạ Nakhon, Bangkok, 1965]. Tôi thấy bản dịch này phiên âm sai tên riêng rất nhiều, tên Tống Phúc Ngoạn nằm trong đoạn văn sau : “ Những toán chạy thoát gặp nhau tại Hà-Tiên để lên đường sang Xiêm. Đi với chúa Nguyễn có rất nhiều người như : Tôn Thất Vi, Tôn Thất Duệ, Hà Văn Đưa, Trương Phước Trưng, Nguyễn Văn Dinh, Tống Phước Vàng, Trương Đức, Tống Lãnh, Nguyễn Văn Thành, Hà Công Vệ, Nguyễn Tường, Tống Dõng, Trương Phước Giai ”.

23 Thuỷ kinh chú, sách viết về các con sông lớn nhỏ ở Trung Quốc và các nước lân cận, của Lịch Đạo Nguyên (466-527), được nhiều tác giả đời sau bổ chú, qua đó người ta theo dõi được sự thay đổi dòng chảy hoặc bồi lấp của các dòng sông từ lịch sử đến hiện tại. Phần liên quan đến sông ngòi Việt Nam đã được dịch sang tiếng Việt [xem Thuỷ kinh chú sớ, Nguyễn Bá Mão dịch, nxb Thuận Hoá – Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, 2005]

24 dặm ~ 576 m , thước ~ 32 cm, tầm ~ 8 thước.

25 trượng, có thuyết cho ~ 5 thước, lại có thuyết cho ~10 thước, tôi sẽ nghiên cứu thêm về các đơn vị đo chiều dài [xích, tầm, trượng, thác, bộ, lý…] trong khoảng đầu triều Nguyễn [tạm gọi là giai đoạn ‘tiền Hội điển’] và sẽ bổ sung sau.

26 Nam Kỳ lục tỉnh địa dư chí, phần viết về tỉnh An Giang. Duy Minh Thị soạn năm Nhâm Thân (1872), Thượng Tân Thị dịch quốc ngữ, Đại Việt tạp chí xuất bản năm 1944.

27 Đại Nam nhất thống chí, quyển 31, phụ lục “ Các sông lớn của nước ta ”. Bản Tự Đức, Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Viện Sử học, nxb Thuận hoá, 1992 (tập 5, tr.273) [xem thêm chú thích 13, trên].

28 Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1806) của Lê Quang Định cũng chép tự dạng chữ Nôm Rạch Gía như Tập lục, nhưng không chú thêm về cây giá. [quyển 7, tờ 75a]. Bản chữ Hán in kèm theo bản dịch của Phan Đăng, nxb Thuận Hoá, 2005.

29 Các bản đồ thế giới do Trung Quốc in hiện nay vẫn gọi/ghi Penang là Tân Lang Dự và thành phố George Town là Tân Thành (Thành Cau).

30 Xem thêm Phạm Hoàng Quân, “Hải quốc văn kiến lục -- khảo sát và trích dịch”,  Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển - Sở Khoa học công nghệ Thừa Thiên Huế - số 6 (77) năm 2009.

31 sđd. bản dịch trang 329, bản chữ Hán quyển 7, tờ 75a.

32 Bản chữ Hán chép tay, Thư viện KHXH phía Nam, KH: HNv-204.

33 Bản chữ Hán chép tay, Phòng bảo quản - Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, KH:  VHv- 1319, Bản dịch Viện sử học, nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2009.

34 Bản dịch, tập 2, Viện Sử học, nxb Thuận Hoá, 2006.

35 Bản dịch song ngữ Pháp-Việt từ nguyên tác chữ Hán sách Hải trình chí lược của Phan Huy Chú, Cahier d’Archipel 25. 1994.

36 Commerce et navigation en Asie du Sud-Est, XIVe-XIXe siècle = Trade and navigation in Southeast Asia, 14th-19th centuries / Nguyên Thê Anh, Yoshiaki Ishizawa (eds.), Paris & Montréal (Québec) : L’Harmattan, 1998; Tokyo : Sophia University, 1999.

37 The Pre-Modern East Asian Maritime Realm : An Overview of European Language Studies, Asia Research Institute. Working Paper No.16 / National University of Singapore, 2003.  Nói thêm, chúng tôi đã giới thiệu về Tiến sĩ Wade qua bản dịch một công trình nghiên cứu của ông, xem “Minh thực lục _- một nguồn sử liệu Đông Nam Á”, tạp chí Nghiên cứu và Phát triển - Sở Khoa học công nghệ Thừa Thiên Huế - số 1,2,3 (78, 79, 80) năm 2010.

38 Nguyễn Duy Chính, “ Tương quan Xiêm - Việt cuối thế kỷ 18 ”, tạp chí Nghiên cứu và Phát triển - Sở Khoa học công nghệ Thừa Thiên Huế - số 6 (55) năm 2007, số 1 (56), 2 (57), 3 (58) năm 2008.

39 Southeast Asian Historiography Unravelling the Myths - Essays in honour of Barend Jan Terwiel. Edited by Volker Grabowsky, River Books Co., Ltd. Bangkok, 2011. [bài của Gs. Nguyễn Thế Anh, tr.294-305, đoạn trích có liên quan tại trang 294-295]

40 Tác giả trân trọng cám ơn anh Nguyễn Duy Chính, anh Nguyễn Bá Dũng đã góp nhiều ý kiến quý báu cho bài viết này. Nội dung phần giới thiệu này đã in trên Tạp chí Xưa & Nay số 395-396 tháng 1 năm 2012 với tiêu đề “ Xiêm La quốc lộ trình tập lục, tư liệu Hán Nôm về địa lý lịch sử thất lạc 200 năm ”, bản mới này có điều chỉnh vài chỗ và thêm phần Trích dịch một đoạn thuộc phần 3.  (dưới đây)

 

Chú thích phần trích dịch :

(1) Ba Thắc, cửa biển, (巴/ 三) 忒海門 tên sông Hậu, người Pháp viết Bassac. Trong các hiệp ước quốc tế / vùng hoặc phân định ranh giới Việt Nam - Campuchia, dùng tên ‘Tonlé Bassac’ để chỉ sông Hậu, hoặc dùng song song hai tên. Về thuật ngữ, văn bản Hán Nôm Việt Nam xưa phần nhiều dùng từ “hải môn” hoặc “hải khẩu” nghĩa là “cửa biển” để chỉ “cửa sông”, giới khoa học ngày nay thống nhất dùng từ “cửa sông (estuary/ river mouth)”, nhưng để theo gần nguyên văn, tôi dịch là ‘cửa biển’, xin hiểu như ‘cửa sông’. Xem thêm ở phần giới thiệu, chú thích số 13.

(2) Mỹ Thanh, cửa biển, 美 清 海 門. Trong Tập lục và nhiều sách địa dư, bản đồ  xưa đều viết là Mỹ Thanh 美 清, các sách và bản đồ ngày nay viết là Mỹ Thạnh, đây có lẽ là trường hợp lỗi sơ suất về chính tả quốc ngữ hồi đầu chuyển ngữ. Sông chảy trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

(3) Cồn Mũi Áo,  崑 (山/每) (魚幻)  chữ Mũi viết trên Sơn dưới Mỗi, chữ Áo phải Ảo trái Ngư.

(4) Gành Hào, cửa biển, 䃄蠔海 門 tên sông, bản đồ Taberd, 1838 (xem thư mục) ghi là ‘Gành hàu’, Trương Vĩnh Ký, 1875 (xem thư mục) cũng ghi ‘Gành-hàu’, nay viết Gành Hào, cũng là tên thị trấn ngày nay, thuộc tỉnh Bạc Liêu nơi giáp địa giới huyện Đầm Dơi tỉnh Cà Mau.

(5) Bồ Đề, cửa biển, 菩 –(艹/是 ) – 海門, tên sông, ăn thông qua sông Cửa Lớn, trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau ngày nay.

(6) Rạch Gốc, cửa biển, 瀝 㭲 海 門, sông nhỏ, Nam Kỳ lục tỉnh địa dư chí - 1872 viết là ‘Rạch Cốc’, Trương Vĩnh Ký ghi ‘Rạch-cóc’ Bản đồ tiếp hợp 12 mảnh 1964 (VNCH) viết Rạch Góc, đối với mặt chữ này, âm nôm đọc được 3 cách Gốc, Góc và Cóc (không đọc Cốc). Sông chảy trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau ngày nay.

(7) Hòn Khoai, (石丸)芌, Pulo Obi, tên hòn đảo lớn nhất trong cụm đảo Hòn Khoai, nay thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cụm đảo này gồm 5 đảo nhỏ : Hòn Khoai, Hòn Sao, Hòn Gò (còn gọi Hòn Gỗ, Hòn Tượng), Hòn Đồi Mồi và Hòn Đá Lẻ, cùng với 5 đảo rất nhỏ khác.

(8) Hòn Lao (石丸) 牢,  có thể sau này gọi là Hòn Sao. Hải đồ Nhật Bản viết ‘Hon Sao’. Bản in của ông Trần Kinh Hoà (sau đây gọi tắt là Trần bản) chấm câu sai nên đọc là ‘Hòn Lao Nội’ : “ tục danh Hòn Lao Nội, thử hữu phụ tiểu thạch sơn ”, nay hiệu đính lại là “ tục danh Hòn Lao, nội thử hữu phụ tiểu thạch sơn ”.

(9) Hòn Khô, (石丸) 枯, hải đồ Nhật Bản viết ‘Hon Go’, tức Hòn Gò/ Hòn Gỗ/ Hòn Tượng.

(10) Mũi Tẩu Cốc, (山/每)藪鵒.

(11) Mũi Tẩu Cò, (山/每)藪(孤鳥),  hai mũi Tẩu Cò và Tẩu Cốc có lẽ do quá trình bồi lấp lấn biển đã nhập lại thành thành Mũi Cà Mau.

(12) Bãi Ông - Đầm Cùng, 罷翁-潭窮,tên hai cửa biển, Bãi Ông nay gọi Mũi Ông Trang, Đầm Cùng nay gọi Cửa Bảy Hạp/Háp.

(13) Ông Đốc, cửa biển, 翁督海門.

(14) Hòn Chuối, (石丸)桎.

(15) Hòn Đá Bạc, (石丸) (石多)泊.

(16) Bãi Nai, 罷狔 có thể bãi cát ngoài Mũi Tràm. Nghi Trần bản sắp sai chữ Tung/túng  縱 ra thành chữ toại/ tuỵ 繸 rồi lại chấm câu sai nên đọc là Bãi Nai Tuỵ : “ tự Đá Bạc sơn dĩ chí Bãi Nai Tuỵ, hướng Tý, hải nhai lâm tẩu ”, chữ Toại /Tuỵ nguyên dạng chữ Hán trong trường hợp này e không phải mượn làm nôm, nay tạm hiệu đính, sửa chữ và chấm câu lại, chờ xét thêm “ tự Đá Bạc sơn dĩ chí Bãi Nai, túng hướng Tý, hải nhai lâm tẩu ”, bờ biển đoạn này thẳng hướng bắc nam, hiệu đính để dịch cho hợp là “ thẳng hướng bắc (tý) ”.

(17) Thứ Chín - Thứ Mười, cửa biển, 次(九畛) - 次 (迈十) 海門.

(18) Cổ Trôn, 古(扌崙), quần đảo Nam Du [Pulo Damar Group], Đại Nam nhất thống chí (bản Duy Tân) viết là Cổ Lôn Dự 古崙嶼, (Trần bản âm Cổ Son). Một hòn nhỏ phía đông bắc đảo lớn Nam Du được hải đồ Nhật Bản  viết theo kiểu không dấu là ‘Hon colon’, bản đồ VNCH (1962) ghi là Hòn Củ Tròn, bản đồ Việt Nam in hiện nay viết là Cỏ Lớn. Có thể Cổ Trôn hoặc Cổ Lôn là tên xưa của Hòn Nam Du hiện nay. Trên hải đồ Nhật Bản, đảo PHU - QUOC lại được mở ngoặc ghi thêm là (KOH TRON), rất gần với cách phiên âm Cổ Trôn, chưa tìm ra nguyên nhân của sự lấn cấn này.

(19) Hòn Màu/mào/mau, (石丸)(木茅), (Trần bản âm là Mào), Hải đồ Nhật Bản viết theo kiểu không dấu là Hòn Mau, bản đồ ngày nay cũng viết Hòn Mau.

(20) Cửa Lớn - Cửa Bé, cửa biển, (舉門) 吝 - (舉門) 閉 海門, tức sông Cái Lớn và sông Cái Bé.

(21) Láng Sen, (亻朗) 蓮.

(22) Cần Thơ, 芹苴, chữ Thơ này nhiều tự điển chữ Nôm đọc âm Thư.

(23) Rạch Sỏi, cửa biển 瀝 (石磊) 海 門, nay cũng là tên phường, phường Rạch

thuộc thị xã Rạch Giá.

(24) Rạch Giá, cửa biển 瀝 架 海 門, địa danh Rạch Giá được ghi nhận gần với tên gọi thực tế trong dân gian, cây giá còn có tên là tràm bông trắng, ong hút mật từ loại bông trắng này cho loại sáp trắng (bạch lạp), là sản vật quý phải tiến Kinh. Theo Đoàn Nô (xem thư mục) thì “ người Khmer gọi con Rạch Giá là Kra-mul-so (rạch sáp trắng) ”.

(25) Hòn Tre, (石丸)椥, dân quanh vùng còn gọi là đảo Rùa, cách Rạch Giá 30 km, nay là xã đảo, thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang.

(26) Vàm Răng, 汛 (齒夌), nay gọi là Vàm Ráng, giữa Ba Thê và Sóc Xoài.

(27) nguyên văn viết “ thuỷ trần hàm / 水塵鰔 ”, nghi là để chỉ mắm cái, tạm dịch, chờ xét thêm.

(28) Hòn Đất, (石丸) 坦.

(29) Hòn Rái,(石丸) 獺, [Tamassou]. Trịnh Hoài Đức viết là Mãnh Hoả Dữ, Trương Vĩnh Ký viết “ Hòn Dầu-rái tức Mảnh-hoả dự ”.

(30) Vàm Rầy, cửa biển,  汛 喍 海門, (Rầy, Trần bản âm sai là Sài), âm nôm đúng là Rầy, Bản đồ tiếp hợp 12 mảnh 1964 (VNCH) viết là Vàm Rầy, bản đồ hiện nay viết là Vàm Rầy, có khi viết Vàm Rây. Trương Vĩnh Ký ghi là “ Vàm Ray tức sông An Thới ”. Nay thuộc huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

(31) Hòn Chông, (石丸) 蔠, nay gọi Mũi Hòn Chông, Trịnh Hoài Đức viết “ Kích Sơn tục gọi là núi Hòn Chông ”. Nay thuộc huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

(32) Vịnh Bồn, 泳湓, nay gọi là Vịnh Cây Dương.

(33) Hòn Hộ, (石丸)户,  Hộ có thể ký âm sai từ chữ Heo, theo mô tả thì đang nói về quần đảo Bà Lụa, trong đó Hòn Heo là lớn nhất.

(34) Bãi Ớt, (土 罷)(木乙), Trịnh Hoài Đức viết “ Châu Nham tục danh Bãi Ớt ”. Tức là cảnh “ Châu Nham lạc lộ ”, một trong thập cảnh.

(35) Rạch Hào/hàu, 瀝 蠔, có thể là tên khác của sông nhỏ Tà Săng, gần đó có địa danh Hoà Hầu. Khu vực nhà máy xi măng Hà Tiên ngày nay.

(36) Hà Tiên, cửa biển, 河僊海門.

(37) Hòn Sú Lớn, Hòn Sú Nhỏ, (犭臭)吝,(犭臭)乳, với cách viết này, đọc đúng âm là Xú, chữ  nhỏ viết sai là vú.

(38) hiệu khám, ở phần 6 Tập lục viết : rộng 30 tầm, sâu 4 thước.

(39) Đồ Bà, trong Tập lục này và sử Việt xưa nói chung, từ Đồ Bà để chỉ chung người Jawa trên các tiểu quốc trên bán đảo Mã Lai và vùng Nam Đảo. Tập lục dùng chữ Nôm lạ, [Đồ : ngoài Vi  囗, trong Giả  者; Bà : ngoài Vi  囗, trong Ba  巴] khác với cách viết của người Trung Hoa là  闍 婆.

(40) Hoa Lang, 花 娘, chỉ chung người phương Tây. Những đoạn khác trong Tập lục cũng riêng có chữ Hoà Lan [和郎] để chỉ người Hà Lan.

(41) Mũi Nai, (山/每) 狔, mỹ danh “ Lộc trĩ thôn cư ”, trong Hà Tiên thập cảnh.

(42) đoạn viết về cửa Hà Tiên này tương tợ như đoạn mô tả cảnh quang Hà Tiên ở phần 6.

(43) Hòn Tre, (石丸) 椥, trong quần đảo Hà Tiên (Q.Đ. Hải Tặc), hải đồ Nhật Bản có ghi tên các hòn ‘Hon Tre’, ‘Hon Tre Lớn’ ; bản đồ tiếp hợp 12 mảnh VNCH ghi Hòn Tre Nắm, bản đồ ngày nay không thấy ghi tên Hòn Tre mà ghi tên khác.

(44) Gành Bà, núi, 䃄 妑 山 Kep / Krong Kêb / Kep-sur-Mer, nay thuộc tỉnh Kampot, Campuchia. Trịnh Hoài Đức viết “ Tiên Cơ chuỷ [mũi Tiên Cơ] tục gọi Gành Bà ”, Trương Vĩnh Ký viết “ Hòn Gành-bà (En caractères chinois) Tiên-cơ-dốc sơn ”.

(45) Hòn Tai, (石丸)(耳思),  Koh Tonsay / Kaoh Tonsay/ Kas Antoy/ Hòn Antay,  nay thuộc vùng biển Campuchia. Hải đồ Nhật Bản ghi là Peaked I., cách gọi này cận âm với Kep Beach, xem dưới

(46) Vịnh Ách, 泳厄, Kep Beach, bản đồ Taberd ghi là ‘Vũng tôm’, Trần bản phỏng định (tồn nghi)) là ‘Veal Sbau ’.

(47) Cần Bột, cửa biển, 芹浡海門, Kampot, cảng, cửa sông Kossla. Cũng có khi đọc Cần Vọt.

(48) Đồn Phân thủ, tức do sở Thủ ngự thuộc trấn Hà Tiên quản lý, trong thời điểm ghi chép, đất Cần Bột còn do nhà Nguyễn kiểm soát.

(49) Cửa Dương, nguyên văn chép Cửa Dương môn (舉門) 楊門, nếu dịch sát phải là ‘cửa Cửa Dương’, hoặc ‘cửa Dương Môn’, trên dịch Cửa Dương cho dễ đọc. Hải đồ Nhật Bản ghi là ‘Duong Dong’, nay gọi là cửa Dương Đông, cũng là tên rạch Dương Đông.

(50) Phú Quốc, 富國. Tên đảo có từ thời Mạc Cửu ; “ Đại Nam nhất thống toàn đồ ” ghi là富國 [Phú Quốc] ; bản đồ Taberd ghi là ‘Cù lao Phú quốc’ ; trên bản đồ “ Siam and the Malay Archipelago ” trong tập The Times Atlas (1895) đảo này được ghi tên chính là ‘Koh Tron’ và tên phụ là ‘(Phu Quoc)’; trên hải đồ Nhật Bản, đảo này được ghi tên chính là ‘PHU-QUOC’ và tên phụ là ‘(KOH TRON)’.

(51) Hòn Độc, (石凡) (虫蜀), Tập lục cho thấy tên gọi này như là một tên khác của đảo Phú Quốc, trường hợp này có thể hồi ban sơ lấy tên một bãi trên đảo để gọi, xét thấy phía đông đảo Phú Quốc, khoảng giữa dãy núi Hàm Ninh có địa danh được hải đồ Nhật Bản ghi là ‘Bai Doc’, bản đồ tiếp hợp 12 mảnh VNCH (1964) ghi là Bãi Đốc, bản đồ ngày nay ghi là Bãi Bổn. Thêm một lấn cấn khác nữa là, Trương Vĩnh Ký, 1875 (đd) trong mục Iles, khu vực vịnh Siam ghi nhận 4 nhóm đảo, gồm 1/ Phú-quốc ; 2/ Les iles des Pirates ; 3/ Les iles Ba-lụa ; 4/ Pulo-Damar, trong 4 nhóm này, nhóm thứ 2 Les iles des Pirates rõ nghĩa là Q.đ. Cướp Biển (Hải Tặc), nhưng bản dịch của ông Nguyễn Đình Đầu (phần VI, Cù lao) thì lại dịch là ‘Quần đảo Hòn Độc’. Chờ xét thêm.

(52) Huyền thạch, một loại đá (hoá thạch) do nhựa cây bị chôn vùi lâu năm hoá thành, màu đen, ánh thuỷ tinh. Trịnh Hoài Đức (1820) và Duy Minh Thị (1872) đều có chép về loại đá này ở Phú Quốc, Trương Vĩnh Ký (1875) chép trong phần VIII, Produits là “ Jais de Phú-quốc ”.

(53) Hòn Siêu, (石凡) 鉊, Koh Seh / Koh Sek / Kaoh Ses. Trần bản âm sai là Hòn Minh. Hải đồ Nhật Bản (1934) ghi là ‘(Water I.) Tian Moi’, [Tiên Mối], tập địa đồ Thế giới (Đài, 1965) ghi là ‘I. A’ Leou’, bản đồ tiếp hợp 12 mảnh VNCH (1964) ghi là Hòn Nước. Bản đồ Việt Nam in ngày nay có khi ghi là Cô Xét.

(54) Tà Lang, 斜郎, Kok Thmei / Kaoh Thmei. Trần bản phỏng định (tồn nghi)) là ‘Phú Du ?’, phỏng định đúng. Hải đồ Nhật Bản ghi là ‘Phu Du (Middle I.)’ ; bản đồ tiếp hợp 12 mảnh VNCH (1964) ghi là Phú Dự ; bản đồ Việt Nam in ngày nay có khi ghi là Cô Thmây, có khi ghi là Koh Sramaoh, Cô Cra bay.

(55) Xà Hót, đầm, 蛇 唿 潭, đúng ra phải gọi vịnh, nay ứng với vùng vịnh nhỏ Prek Toeuk,  Trần bản khuyết (không đối chiếu).

(56) Sa Úc/ Uất, rạch,  沙郁 瀝,  sông Dat Sap, phía tây bắc đảo Thmei, sâu vào đất liền. Trần bản khuyết

(57) Sa Úc/ Uất, mũi, 沙郁(犭每).  Trần bản khuyết

(58) Húc Cà Ba, cửa biển, 旭 (木哥) 巴 海門, Trương Vĩnh Ký, 1875, ghi là Cửa Cà-ba, Trịnh Hoài Đức viết “ Cảng Hương Úc nơi địa giới phía tây trấn [Hà Tiên], phát nguyên ở núi Ca Ba, Cao Miên… ”, nay thấy ứng với cửa sông nhỏ Kaky, Trần bản âm sai là Húc Kha Ba và không đối chiếu.

(59) Vào thời điểm ghi chép, vùng bờ biển từ nơi này [cho đến địa giới Thái Lan ngày nay] vẫn dưới sự kiểm soát của Xiêm La, nay thuộc lãnh thổ Campuchia.

(60) Hòn Than, (石凡)  (口 難),  Koh Ta Kiev / La Baie I., trong nhóm đảo  Bay I., Riêm Bay. bản đồ tiếp hợp 12 mảnh VNCH (1964) ghi là Hòn Vũng. Trần bản khuyết.

(61) Sủng Kè, vịnh 寵 棋 泳, vịnh Ream thuộc Sihanouk ville. Sủng / Trũng Kè là nơi sinh Mạc Thiên Tích. Chữ nôm 棋 có thể đọc Kỳ, Cờ, Kè, nhưng địa danh này đọc là Trũng Kè, Trần bản âm là Sủng Cờ (không chính xác).

(62) Hòn Lang, (石凡) 榔,  có thể chỉ các hòn Mangrove I. (Paletuviers I.). Trần bản âm sai là Hòn Ràng và không đối chiếu.

(63) Hòn Sỏi, (石凡) (石磊), có thể chỉ hòn Square R. (Carre R.). Trần bản khuyết.

(64) Cù lao Ông Mai,  岣 嶗 翁 (口枚), Koh Rung Samloem.

(65) Vịnh Thơm, 泳 (艹/貪),Kompong Som. Trịnh Hoài Đức viết là cảng Hương Úc.

(66) Sa Hào, đầm,  沙 豪 潭,  không rõ. Trần bản khuyết.

(67) Mũi Trắc Ảnh, (山/每)(日/一/夕)影, ứng với vùng mũi Che Ko (gần Thmor Sor), chữ nôm lạ, gần giống chữ Trắc 昃, không rõ chữ gì, Trần bản âm là Trắc.

(68) Cổ Ong, hòn,  古蜂,  Kas Rong, Koh Rung. Trần bản khuyết.

(69) Hòn So Đũa, (石凡) 搊 (竹/杜), chưa tìm ra tên gốc, bản đồ tiếp hợp 12 mảnh VNCH ghi là Hòn Giữa, chờ xét thêm. Trần bản khuyết.

(70) Hòn Thầy Bói, 柴貝, chưa tìm ra tên gốc, chờ xét thêm. Trần bản khuyết.

(71) Hòn Tràm,  (石凡) 檻,Kas Samit. Trần bản âm sai là Hòn Ham, và không đối chiếu.

(72) Hòn Ngang, (石凡) 昂, chưa tìm ra tên gốc, chờ xét thêm. Trần bản khuyết.

(73) Hòn Táo, (石凡) 棗,chưa tìm ra tên gốc, chờ xét thêm. Trần bản khuyết.

(74)  Cổ Công, đầm,  古 公 潭, Kas Kong / Koh Kong. Nguyên bản viết đầm, đúng ra là vịnh, cũng là tên đảo, Kas Kong I.

(75) Bà Sự, rạch,  妑 事 瀝, sông Taley, hoặc gọi sông Chai teng. Trần bản khuyết.

(76) Hoát Nhiên,  豁 然, tên người, Trần chú : (ở phần 6) Sử nhà Nguyễn chép là Hoắc Nhiên, dẫn “ Đại Nam Thực lục tiền biên quyển 11, tháng 2 năm Đinh Dậu ”, Hoắc Nhiên là người Thanh, đầu đảng cướp biển, đặt sào huyệt ở vùng này, bị Mạc Thiên Tứ đem quân đến giết, dẹp đảng cướp. (bổ chú) Trịnh Hoài Đức cũng có chép việc này trong Thành trì chí. Thực lục , “ Thành trì chí ” và vài sách khác đều chép họ Hoắc, Tập lục chép lầm họ, và trong các họ người Trung Hoa, có họ Hoắc, không thấy có họ Hoát. Tục đi biển thường cúng lạy 2 dạng quỷ thần, một là thần phù hộ, là chỗ dựa tinh thần, kính mà cúng ; hai là cúng vái cô hồn các đảng, để đừng bị quấy phá, sợ mà cúng. Hoắc Nhiên chắc thuộc loại hai.

(77) nguyên bản là chữ Cào 搞, nghi là Trần bản sắp chữ sai từ chữ Cau 槔.

 

Nguồn: http://khoavanhoc.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=1054:xiem-la-quc-l-trinh-tp-lc-gii-thiu-va-trich-dch&catid=84:han-nom&Itemid=248

Danh mục website