Việt Nam – Nhật Bản: tương đồng và dị biệt trong không gian Khổng giáo (phần 1)

(TRẢ LỜI PHỎNG VẤN BÁO VĂN HOÁ NGHỆ AN, phần 1)

1.      Lâu nay, trong giới học giả vẫn quan niệm có một không gian văn hóa Khổng giáo. Ngoài Trung Quốc, Việt Nam, thì Nhật Bản cùng với Hàn Quốc/Triều Tiên cũng thuộc về không gian này. Xin ông cho biết những đặc trưng cơ bản, nổi bật nhất của không gian văn hóa này?

Không gian văn hoá Khổng giáo như ông nói, tức là “Khu vực văn hoá chữ Hán” (Hán tự văn hoá quyển, tiếng Nhật gọi là ‘Kanji bunka ken’) được hình thành vào khoảng đầu công nguyên cùng với sự bùng nổ của đế quốc Hán, một trong hai đế chế mạnh nhất thế giới bấy giờ, mà đế chế kia là La Mã ở Địa Trung Hải (từ thế kỷ I đến thế kỷ V sau CN). Châu tuần xung quanh văn minh Hán bấy giờ là các tiểu quốc thuộc quần đảo Nhật Bản, Tam quốc thuộc bán đảo Triều Tiên, các tiểu quốc vùng Hoa Nam và tận cùng ở cực Nam là nước Văn Lang-Âu Lạc của chúng ta. Việt Nam ta bị hút vào khu vực văn hoá chữ Hán, cũng có nghĩa là từ bỏ cơ tầng văn hoá bản địa là Đông Nam Á.

Đặc trưng nổi bật nhất của khu vực văn hoá này là: dùng chữ Hán làm văn tự,  chịu sức ép đồng hoá của văn hoá Hán, vừa học tập nền văn hoá Hán để làm giàu cho văn hoá của mình, đồng thời vừa kháng cự văn hoá Hán – “giải Hán hoá” để bảo tồn văn hoá truyền thống. Cho đến nay cả ba nước này đều thành công: đều trở thành các quốc gia văn minh, hiện đại ở mức độ khác nhau với nền văn hoá phong phú đa dạng kết hợp Đông Tây, lại vừa giữ vững được văn hoá dân tộc mình.    

2.      Quá trình truyền bá - tiếp nhận văn hóa Hán ở Việt Nam và Nhật Bản là bằng chính sự tỏa sáng, lan tỏa của các giá trị hay là thông qua sự cưỡng bức về chính trị - quân sự? Quá trình đó ở Việt Nam và Nhật Bản có gì khác và giống nhau?

Nói riêng về Việt Nam và Nhật Bản, quá trình tiếp nhận văn hoá Hán ở hai nước khác nhau khá sâu sắc. Do điều kiện địa lý tự nhiên, Việt Nam ở sát Trung Quốc trong khi Nhật Bản thì cách biển. Vì thế Việt Nam bị Trung Quốc xâm lược, gây sức ép thường xuyên, nên việc tiếp nhận văn hoá Hán chủ yếu là do bị cưỡng bức, trong khi đó Nhật Bản chủ động cử các đoàn sứ giả văn hoá sang Trung Quốc học tập – người Nhật gọi là “Khiển Tuỳ sứ”, “Khiển Đường sứ” (sứ giả sang Tuỳ, Đường). Cần phải nói rõ thêm, trong khi nền văn minh Ấn Độ lan truyền sang các nước xung quanh chủ yếu bằng con đường hoà bình thì văn minh Trung Hoa lan truyền chủ yếu bằng con đường bạo lực: xâm lược, mở rộng bờ cõi – mà người Trung Hoa nói là để “giáo hoá”. Trong lịch sử, Nhật Bản chỉ bị Trung Quốc xâm lược hai lần. Cả hai lần đều do quân Nguyên Mông tiến hành vào thế kỷ XIII (lần 1 vào năm 1274, lần 2 vào năm 1281, cả hai lần đều bị bão góp phần đánh bại). Nhật Bản chưa bao giờ nội thuộc Trung Quốc, trong khi đó nước ta bị mất vào tay Trung Quốc cả hàng ngàn năm Bắc thuộc và 20 năm thời quân Minh xâm lược.

 

3.      Giáo dục đóng vai trò như thế nào trong quá trình Hán hóa để hình thành không gian văn hóa Hán này? Vai trò của giáo dục ở mỗi nước, Việt Nam và Nhật Bản, khác nhau như thế nào trong quá trình ấy?

Giáo dục và văn học là 2 con đường quan trọng nhất để đưa văn hoá Hán vào nước ta. Nói một cách chính xác, suốt 1000 năm Bắc thuộc, do nội lực của văn hoá Việt mà văn hoá Trung Quốc không truyền vào nước ta được bao nhiêu. Chúng ta không có một đội ngũ trí thức Nho học, một nền văn hoá chữ Hán hoàn chỉnh vào thời Bắc thuộc. Chỉ đến khi chúng ta giành được độc lập, để xây dựng nền văn hoá của mình, chúng ta mới du nhập một cách có hệ thống văn hoá, trong đó có văn hoá tổ chức nhà nước (văn hoá chính trị) và giáo dục vào nước ta.

Điều khác biệt quan trọng giữa Việt Nam và Nhật Bản chính là chế độ khoa cử. Việt Nam du nhập toàn bộ chế độ khoa cử của Trung Quốc có từ đời Tuỳ để lựa chọn đội ngũ lãnh đạo, trong khi đó Nhật Bản hoàn toàn không, họ vẫn áp dụng chế độ thế tập ở trung ương cũng như ở các phiên địa phương. Chế độ khoa cử là một bước tiến lớn trong lịch sử văn minh Trung Quốc. Việt Nam áp dụng chế độ khoa cử này, trong giai đoạn đầu có thể lựa chọn được nhiều nhân tài từ các tầng lớp khác nhau, tạo ra một hình thức “dân chủ” nhất định trong lòng xã hội phong kiến. Nhưng càng về sau, cái học khoa cử càng ngày càng trở nên lạc hậu, vu khoát, xa rời thực tiễn, nó đã tạo ra một tầng lớp trí thức hư học, hoàn toàn không hiểu biết gì về tình hình thế giới cũng như những tiến bộ về kinh tế kỹ thuật của các nước, vì vậy các nho sĩ Việt nam đã thất bại trước sức mạnh đại bác của phương Tây. Trong khi đó ở Nhật Bản, chế độ thế tập lúc đầu rất khắc nghiệt, hạn chế con đường tiến thân của các tầng lớp dưới. Quyền lực chính trị ở Nhật Bản đều nằm trong tay tầng lớp quân nhân (Mạc phủ, võ sĩ), nhưng đến giai đoạn cuối của chế độ phong kiến, Nhật Bản lại thoát ra khỏi cái bẫy hư học của tầng lớp Nho sĩ, họ theo kịp với sự biến chuyển của thời đại. Do tầng lớp võ sĩ mạnh mẽ hơn và thực tiễn hơn nho sĩ, Nhật Bản đã vượt qua được thách thức của các nước phương Tây.

 

4.      Vẫn biết mọi sự so sánh là khập khiễng, đặc biệt là so sánh về văn hóa. Dẫu sao thì chúng tôi vẫn muốn ông cho biết sự phát triển của nền văn học Nhật Bản và Việt Nam sau khi tiếp thu chữ Hán và văn học Hán đã có những tương đồng và dị biệt gì đáng kể nhất?

Nền văn học Nhật sau khi tiếp thu chữ Hán đã mau chóng được bản địa hoá, tạo thành nền văn học bằng tiếng Nhật hết sức phong phú. Từ thời Nara (TK.VIII) Nhật Bản đã có tuyển tập thơ ca bằng tiếng Nhật rất đồ sộ là Vạn diệp tập/ Manyoshu với gần 4500 bài thơ của hơn 400 tác giả có tên và nhiều tác giả khuyết danh khác. Thời Heian (TK.VIII- TK.XII), Nhật Bản đã có dòng văn học nữ lưu với thơ ca, nhật ký, tuỳ bút và cả tiểu thuyết trường thiên bằng tiếng Nhật, trong đó tiểu thuyết Truyện Genji của nữ sĩ Murasaki Shikibu (TK.XI) trở thành tác phẩm đỉnh cao của văn học cổ điển Nhật Bản, và là một trong những tiểu thuyết sớm nhất của nhân loại. Các học giả Nhật Bản đã sớm có ý thức gìn giữ loại văn học bằng tiếng mẹ đẻ và công khai tự hào về nó, như ta đã thấy trong lời tựa tập thơ ca nổi tiếng Cổ kim Hoà ca tập biên soạn vào thế kỷ X.

Về Việt Nam, văn học chữ Hán hình thành khá sớm, nhưng quả thực tôi không hiểu tại sao văn học viết bằng chữ Nôm lại hình thành muộn như vậy – mãi đến thế kỷ XIII mới có. Thành quả văn học Nôm lớn nhất và sớm nhất hiện còn là Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi viết vào thế kỷ XV. Tôi cũng không hiểu tại sao ở ta ý thức gìn giữ, tự hào về văn học viết bằng tiếng dân tộc lại khá yếu như vậy. Trong các thi tuyển như Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên, Trích diễm thi tập của Trần Đức Lương (TK.XV),… tuyệt nhiên không tuyển một bài thơ Nôm nào!  

Điều khác biệt nữa là nền văn học của chúng ta gần như không có văn xuôi, tiểu thuyết bằng ngôn ngữ dân tộc (chữ Nôm), trong khi đó Nhật Bản có rất nhiều và rất sớm, như đã nói ở trên.   

 

5.      Văn hóa Hán đối với 3 dân tộc – quốc gia lân bang, muốn hay không là lớp trên trong trầm tích văn hóa bản địa của mình. Theo quan sát và nghiên cứu của ông thì ở Nhật Bản và ở Việt Nam,“tầng” văn hóa Hán nơi nào dày hơn, hay là mức độ “Hán hóa” ở đâu sâu sắc hơn?

Không thể nói một cách dứt khoát tầng văn hoá Hán ở Việt Nam hay Nhật Bản dày hơn, mức độ “Hán hoá” ở nước nào sâu sắc hơn. Kho tàng học thuật với Kinh, Sử, Tử, Tập chữ Hán ở Nhật Bản rất đồ sộ. Văn học chữ Hán của hai nhóm Ngũ sơn ở Kyoto và Kamakura rất phong phú, Nhật Bản có rất nhiều học giả Nho học, Phật học uyên bác và trước tác nhiều. Để dễ hình dung, riêng sách nghiên cứu về học thuyết Vương Dương Minh của Nhật Bản phải xếp một giá sách lớn với đủ loại dày mỏng, tuyển tập toàn tập khác nhau. Ở Việt Nam thì sách chuyên về Vương Dương Minh chỉ có mấy quyển, chủ yếu soạn vào TK.XX, và chưa bao giờ có toàn tập Vương Dương Minh cả. Ở Nhật Bản có những chuyên gia về cổ văn tự (chữ khoa đẩu, chữ triện, lệ…) mà người Trung Quốc phải mời sang giúp, nhưng ở Việt Nam hầu như không có trường hợp nào. Ở Nhật Bản có hàng mấy chục, hàng trăm người làm từ khúc chữ Hán, nhưng Việt Nam chỉ có chừng mươi người. Ở Nhật Bản hiện nay, một học sinh tốt nghiệp phổ thông đều phải biết gần 2000 chữ Hán, ở Việt Nam hiện nay thì chỉ có sinh viên chuyên ngành Hán Nôm là có học chữ Hán, còn lại gần như không biết một chữ Hán nào, tất nhiên chữ Nôm cũng không!

  

6.      Sự tác động hay là vai trò của văn hóa Hán đối với quá trình phát triển của các nước trong không gian Khổng giáo như thế nào?

Có lẽ người Nhật không bị cái bẫy khoa cử làm hỏng đội ngũ trí thức của mình vào giai đoạn cuối của thời trung đại như ở Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam. Người Nhật biết tiếp thu nhiều nguồn học thuật Trung Quốc, chọn lấy những tinh hoa để phát triển. Đơn cử như Nho học, vào giai đoạn cuối trung đại (thời Edo) Nho học Nhật Bản có rất nhiều dòng phái: Chu Tử học phái theo Tống Nho, Cổ học phái với khuynh hướng chú giải  kinh điển độc lập với Tống học, Dương Minh học phái chú trọng ở thực tiễn, phái Công lợi chủ trương đưa Nho học vào kinh doanh v.v. Trong khi đó ở ta chỉ có mỗi cái học khoa cử theo Tống Nho, rồi ông Bùi Huy Bích còn soạn gọn lại thành sách Toát yếu để “luyện thi”, thế rồi cứ “thi thiên, phú bách, văn sách năm mươi” (thuộc nghìn bài thơ, trăm bài phú, 50 bài văn sách) rồi lều chõng đi thi. Học như thế, thi như thế, nhai lại mãi cái bã người ta đã nhả từ lâu như thế, văn chương thù tạc tự bốc thơm nhau như thế, thì làm gì mà chẳng yếu đuối, chẳng “ngu hèn” như các chí sĩ duy tân đầu thế kỷ XX đã tự phán một cách cay đắng!

(còn tiếp)

 

Đoàn Lê Giang, PGS, TS

Trường Đại học KHXH và NV – ĐHQG TP.HCM

Nguồn: Tạp chí Văn hoá Nghệ An số 279 ra ngày 27/10/2014

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website