Đọc sách Nhân học & cuộc sống-Đôi điều suy nghĩ

Vào tháng 11 năm 2014, Hội Dân tộc học và Nhân học thành phố Hồ Chí Minh đã cho ra mắt quyển sách  Nhân học & cuộc sống (tập 2) với chuyên khảo về Tôn giáo tín ngưỡng. Quyển sách dày 459 trang, là tuyển tập 31 bài viết công phu của các nhà nghiên cứu.

Tín ngưỡng tôn giáo tuy không là lĩnh vực mới mẻ trong giới nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam, nhưng lại là một vấn đề nóng trong thời gian gần đây, cần được nghiên cứu toàn diện và có chiều sâu hơn nữa. Ở phương Tây, ngành Nhân học (Anthropology) với chuyên ngành Nhân học tôn giáo đã có nhiều thành tựu trong việc nghiên cứu và lý giải bản chất cũng như các hiện tượng, hành vi của tín ngưỡng tôn giáo của các tộc người ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhân học còn là ngành học mới phát triển ở nước ta và vì vậy, chúng tôi muốn nói rằng đây là một công trình mang hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam. Giá trị khoa học và tính mới của quyển sách là ở chỗ đó. GS.TS.NGND. Ngô Văn Lệ- Chủ tịch hội đã chia sẻ nhận định này của chúng tôi trong phần Lời nói đầu của sách:Tín ngưỡng tôn giáo là một vấn đề nóng trong thế giới đương đại, nên thu hút sự quan tâm của các ngành khác nhau, trong đó có ngành Nhân học. Bằng một tâm huyết với nghề, các tác giả trong bài viết của mình, từ các góc độ khác nhau đã cố gắng phác họa các bức tranh toàn cảnh về tín ngưỡng tôn giáo qua góc nhìn Nhân học”.

Ngoài ra, tôi còn có một cảm nhận riêng rằng, thấm đẫm qua từng trang sách là nhịp thở của đời sống tín ngưỡng tôn giáo nước ta đương đại, sự thể hiện niềm đam mê của việc nghiên cứu điền dã-một phương pháp đặc thù của ngành Nhân học, và là những đúc kết có giá trị khoa học từ thực tiễn, thậm chí có cả những nỗi niềm trăn trở làm sao để các tôn giáo phát huy vai trò của mình cho sự phát triển đất nước hiện nay.

Một điều rất có ý nghĩa khoa học là các tác giả đã triển khai một cách nhuần nhuyễn các lý thuyết và khái niệm của Nhân học vào các trường hợp và bối cảnh cụ thể của các hành vi tín ngưỡng tôn giáo. Đọc kĩ và nghiền ngẫm các bài viết, Những chiến lược sống của người Công giáo trong bối cảnh xã hội Việt Nam đương đại (từ hai trường hợp nghiên cứu cộng đồng Công giáo di cư tại Hố Nai và Cái Sắn) (Nguyễn Đức Lộc), Ý nghĩa của tôn giáo trong bối cảnh xã hội Nam Bộ hiện nay: Nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ (Ngô Thị Phương Lan, Hoàng Ngọc An), Đạo Cao Đài, Hòa Hảo trong quan điểm của các học giả thuộc trường phái “Phong trào tôn giáo mới” (Trương Văn Chung),…sẽ cho thấy rõ điều đó.

Mặt khác, một số tác giả đã nổ lực rất nhiều để lí giải và tìm hiểu đặc trưng, so sánh cũng như nhận diện những biến đổi của một số hình thức tín ngưỡng tôn giáo hiện nay ở nước ta, qua các bài viết Tương đồng và dị biệt giữa Phật giáo Việt Nam-Lào-Campuchia (Hòa thượng Thích Thiện Tâm), Văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer trong văn hóa truyền thống Nam Bộ: truyền thống và biến đổi (Phan Thị Hồng Xuân, Đồng Quang Quân), Tìm hiểu về tính địa phương của các tôn giáo bản địa Nam Bộ (Nguyễn Văn Tiệp),…

Tôn giáo không chỉ có chức năng phản ánh thực tại cuộc sống mà nó còn tác động đến hiện thực xã hội, là động lực chi phối sự phát triển đời sống con người. Đó là một cách nhìn mới mẻ và thú vị, phù hợp với xu hướng nghiên cứu tôn giáo của quốc tế hiện nay. Do đó, không thể không nhắc qua các bài viết: Ảnh hưởng và tác động của các giá trị tôn giáo đối với đời sống xã hội vùng Nam Bộ (Ngô Văn Lệ), Vai trò của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa trong đời sống văn hóa, xã hội Nam Bộ cuối thế kỉ XIX và một số vấn đề cần quan tâm hiện nay (Đinh Văn Hạnh), Yếu tố văn hóa Phật giáo trong cơ chế quản lí xã hội truyền thống phum sóc của người Khmer ở Nam Bộ (Nguyễn Khắc Cảnh), Ảnh hưởng của tôn giáo đến ăn uống của người Chăm ở tỉnh Tây Ninh (Nguyễn Thị Minh Nguyệt),…

Phật giáo là một chủ đề mà tôi quan tâm khi đọc cuốn sách này. Mỗi bài viết của chủ đề này là một nghiên cứu mới về Phật giáo trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là mối quan hệ giữa tôn giáo này với đặc điểm xã hội-văn hóa vùng đồng bằng Nam Bộ. Để hiểu hơn về đặc điểm của Phật giáo Khất sĩ nên đọc Sức hấp dẫn của Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam (Nguyễn Công Lý). Ông đã đưa ra 6 nguyên nhân làm cho hệ phái này phát triển, thu hút người dân và thể được tính dung hợp giữa 2 truyền thống Nam truyền và Bắc truyền: Hình ảnh của đoàn du tăng khất thực hóa duyên, sống đời phạm hạnh, tôn chỉ và chí nguyện “Y bát chơn truyền, Nối truyền Thích Ca chánh pháp”, phương pháp tu tập đúng đắn, tên gọi trú xứ theo Phật giáo Nguyên thủy từ thời Đức Phật còn tại thế, kiến trúc độc đáo và thể hiện nhiều ý nghĩa của chánh điện và bảo tháp nơi tịnh xá, cuối cùng là việc thực hành nghi lễ, kinh văn đọc tụng bằng tiếng Việt, chủ yếu theo thể thơ song thất lục bát, rất phù  hợp với dân tộc nên dễ đọc, dễ tụng, dễ nhớ, dễ thuộc. Phật giáo Việt Nam mang đặc điểm nhập thế và đồng hành cùng dân tộc, xưa cũng như nay. Bài viết của Hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo Bình Dương hiện trạng và giải pháp (Dương Hoàng Lộc) đã chỉ ra được mối quan hệ giữa Phật giáo với an sinh xã hội ở một địa bàn cụ thể, gợi mở cho nhiều hướng để Phật giáo Bình Dương mở rộng các hoạt động từ thiện xã hội nhằm phục vụ tốt hơn cho cộng đồng, thể hiện sâu sắc tinh thần từ bi của Đức Phật đến xã hội.

Chủ đề Phật giáo Nam tông Khmer có rất nhiều bài viết hay, phân tích sâu sắc. Bài nghiên cứu Phật giáo Theravãda trong đời sống người Khmer Nam Bộ-nhìn từ khía cạnh tiền hôn nhân và đạo đức lối sống gia đình (Đặng Thị Kim Oanh) đề ra vai trò của việc tu học của thanh niên Khmer không chỉ là học giáo lý nhà Phật và còn được giảng dạy về nhân cách, phẩm chất, đạo đức, nhất là trách nhiệm làm chồng và qui tắc ứng xử vợ chồng. Khi ra đời, nhờ vậy mà họ được cộng đồng thừa nhận là người đã trưởng thành, đủ điều kiện lập gia đình. Bài viết đã một lần nữa nhấn mạnh đến chức năng giáo dục của Phật giáo trong đời sống xã hội, văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ. Tác giả Phan Anh Tú qua bài nghiên cứu tâm huyết Môi trường tự nhiên của người Khmer Nam Bộ nhìn từ quan điểm sinh thái học Phật giáo Theravãda, đã gợi mở một hướng nghiên cứu mới. Đó là môi trường được phản ánh qua quan niệm tâm linh và Phật thoại, đồng thời cũng thể hiện bằng những việc làm thiết thực để bảo vệ cây cối và muôn vật sinh sống trong khuôn viên các ngôi chùa Phật giáo Theravãda và trong phum sóc của cư dân Khmer Nam Bộ. Ở đây, sư sãi ở các chùa đã có công rất lớn giáo dục tín đồ bảo vệ môi trường và tôn trọng sự sống muôn loài. Bài viết Sự chuyển đổi tôn giáo trong người Khmer ở Trà Vinh (Trần Hồng Liên) chỉ rõ thực trạng cải đạo từ Phật giáo sang Tin Lành của một bộ phận người Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh hiện nay. Vấn đề này rất đáng cho ta suy ngẫm.

Càng nói nhiều về quyển sách này thì càng thấy thú vị, hấp dẫn và có bao điều đáng bận tâm suy nghĩ. Nhưng với tôi, ý nghĩa lớn nhất của sách là sự đóng góp của các tác giả trong việc phổ biến tri thức Nhân học, tri thức tín ngưỡng và tôn giáo đến bạn đọc gần xa với nhiều các góc nhìn mới mẻ. Nó rất cần thiết và là người bạn đồng hành cho những ai muốn đi trên con đường nghiên cứu rất hấp dẫn này. Còn với tôi, đây là một niềm vui trong những ngày bận bịu cuối năm.

Nguồn: Báo Giác Ngộ, số 774 ngày 12/12/2014

 

Danh mục website