Hương bưởi cù lao Bạch Đằng

Người dân đôi bờ sông Đồng Nai còn truyền tụng câu ca dao:

                          “ Cù lao gạo trắng nước trong

                         Ai đi đến đó lòng không muốn về

Cù lao Bạch Đằng thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương không chỉ có gạo trắng, nước trong mà còn nổi tiếng trước giờ là xứ bưởi, một miền nông thôn yên ả như cô gái quê đằm thắm, dịu dàng. Cù lao này làm bạn với sông Đồng Nai tự thưở nào mà chẳng ai biết rõ. Sông ôm trọn cả bốn bề cù lao và mang phù sa bồi đắp cho đất đai tươi tốt, sinh thành những vườn bưởi xanh um và cho con người nơi đây nét hiền hòa, thanh lịch, mến khách đến lạ. Bạch Đằng mang đến cho Bình Dương một thương hiệu độc đáo nhưng cũng rất riêng, đó là bưởi. Bưởi không chỉ là kết tinh của đất trời, mà còn là người, là văn hóa. Hương bưởi cù lao Bạch Đằng cứ thế mà lẳng lặng bay theo gió, nhẹ nhàng trôi theo nhịp lớn ròng của con nước, tiếng lành đồn xa…

Cù lao Bạch Đằng có diện tích hơn 1.000 ha và trên 6.000 dân sinh sống, họ chủ yếu làm nghề nông. Các cụ cao niên nói, nếu nhìn kĩ hình thể, Bạch Đằng giống như con cá chim đang bơi giữa biển. Ngày trước, cù lao Bạch Đằng còn được gọi là cù lao 6 làng gồm: Làng Bình Hưng, làng Tân Long, làng Điều Hòa, làng Tân Trạch, làng An Chữ, làng Bình Chữ. Nay, các địa danh này vẫn còn nhưng được gọi là ấp. Năm 2010, người dân Bạch Đằng vui mừng với sự kiện khánh thành cây cầu nối cù lao với bờ, không còn cảnh sông nước cách trở mỗi ngày. Là một địa phương đang xây dựng nông thôn mới, cho nên ai về Bạch Đằng sẽ cảm nhận được nơi đây đang thay da đổi thịt từng ngày. Nhà cửa và đường sá khang trang hơn, khách phương xa đã tìm đến đây để tận hưởng không khí trong lành, cảnh vật thanh bình của xứ cù lao.

Ai về Bạch Đằng mà không thưởng thức quả bưởi chín vừa hái trên cành, chưa đi dạo trong vườn để ngắm những trái bưởi đung đưa và không mua vài trái về làm quà là một thiếu sót lớn. Bưởi Bạch Đằng trước giờ nổi tiếng ngon, nay giống bưởi đường lá cam là phổ biến nhất, hầu như nhà ai cũng trồng. Giống bưởi này cho trái nhỏ, độ chừng 1kg đến 1,3 kg, vỏ bóng, màu xanh và có độ mỏng, khi ăn có vị ngọt thanh. Còn hơn 50 năm trước, người dân Bạch Đằng chuyên trồng giống bưởi thanh trà và bưởi ổi, sau mới trồng bưởi đường lá cam. Dân trồng bưởi Bạch Đằng lâu năm còn cho biết xứ này có nhiều giống bưởi như: Bưởi hồng, bưởi ổi, bưởi thanh trà, bười long, bưởi xiêm giang, bưởi chua, bười đường da láng, bưởi đường da cóc, bưởi da xanh,… Nhưng thú vị nhất có lẽ là giống bưởi ổi. Cây bưởi ổi có mặt trên đất cù lao lúc nào thì các cụ cao niên cũng không rõ, nhưng biết là rất lâu đời. Khác với những giống khác, bưởi ổi chừng 3 năm mới cho ra trái một lần. Trái có đặc điểm là nhỏ, độ chừng bình trà, khi chín có màu vàng, da sần sùi, hình dạng giống như quả ổi, đặc biệt nó tỏa ra một mùi thơm lạ, nhẹ nhàng và rất thanh ngay từ lúc ở trên cành. Dân địa phương còn kể một giai thoại về giống bưởi này như sau: Có một nhà kia, cuối năm hái bưởi ổi cúng trên bàn thờ tổ tiên, được vài ngày thì chuột chạy làm rớt trái bưởi xuống dưới kẹt tủ. Đến gần tết năm sau, khi chủ nhà dọn dẹp bàn thờ, nhặt trái bưởi ở kẹt tủ đã héo, da cứng ngắt nhưng vẫn còn mùi thơm. Họ mang ngâm nước độ vài tiếng cho mềm vỏ và dùng dao gọt. Trái bưởi khi gọt thấy vỏ mỏng dánh, ăn rất ngon và ngọt, nước nhiều, hương bưởi vẫn còn thoang thoảng. Giống bưởi ổi đang được bà con cù lao trồng trở lại như để khẳng định vị thế riêng của thương hiệu bưởi Bạch Đằng với bưởi Tân Triều của Đồng Nai, bưởi da xanh của Bến Tre, bưởi năm roi của Vĩnh Long.

Bưởi Bạch Đằng cho trái cả năm, nhưng rộ nhất là vào dịp Tết Đoan Ngọ và Tết Nguyên Đán. Chu kì phát triển của trái bưởi từ 5 đến 6 tháng. Sau Tết Nguyên Đán, cây bưởi bắt đầu ra hoa, tỏa hương ngào ngạt hàng đêm và một mùa trái mới lại bắt đầu. Trái lớn dần cho đến dịp Tết Đoan Ngọ là thu hoạch. Kinh nghiệm của bà con là khi nào trái bưởi chuyển màu hơi vàng, phần dưới đít nở gai, màu đen là chín tới. Nhưng với người dân Bạch Đằng, mùa bưởi tết là quan trọng nhất, giá bưởi ở thời điểm này cao gấp đôi bình thường, nhờ vậy mà cuộc sống người trồng bưởi ngày càng khá giả, sung túc. Để có mùa bưởi tết, đầu tháng 6 âm lịch, người ta tranh thủ tưới nước, bón phân để cây cho ra hoa mới kịp vụ. Dịp gần Tết Nguyên Đán, thương lái tranh nhau đến thu mua ở các vườn. Bưởi được phân thành nhiều loại, giá cao gấp đôi ngày thường, loại đặc biệt có giá trên 1 triệu đồng một chục gồm 12 trái. Vậy mà vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Với bạn bè xa và chỗ thâm giao đó đây, bà con Bạch Đằng còn gửi biếu bưởi, nhất là dịp tết, để thắt chặt tình thâm, làm cho hương bưởi lan xa hơn qua cách bày tỏ tình cảm con người với nhau.

Sống với bưởi lâu đời, người dân Bạch Đằng tích lũy khá nhiều tri thức liên quan đến loại cây này. Muốn có cây bưởi sai quả, trái ngọt, nhiều nước và sống lâu thì phải trồng trên đất có nhiều phù sa của sông Đồng Nai bồi đắp, có nguồn nước ngọt quanh năm và không được nhiễm phèn. Cho nên, tuy cùng nằm trên đất cù lao, nhưng chỉ có hai ấp Tân Trạch và Điều Hòa lại là nơi trồng bưởi tốt, ngon và nhiều nhất. Cây bưởi trồng chừng 4 năm thì cho trái, cây tốt và khỏe cho hơn 200 trái mỗi vụ, tuổi của cây từ 20-25 năm. Gốc bưởi già được gọi là bưởi lão, tuy cho trái nhỏ nhưng ngọt và ngon hơn. Người dân Bạch Đằng còn tận dụng vỏ bưởi để ung muỗi, phơi khô nấu nước uống chữa bệnh mỡ máu, tiểu đường. Riêng trái bưởi thanh trà được cho là có thể điều hòa được chứng cao huyết áp nếu ăn mỗi ngày. Bà con cù lao dùng bưởi để chế biến nhiều món ăn đặc trưng riêng, ai ăn cũng phải ghiền và nhớ mãi. Đầu tiên là món gỏi bưởi được làm bằng ruột bưởi trộn với đu đủ, đậu phộng, rau răm, thịt,…và không thể không thiếu được con tôm càng xanh bắt được trên sông Đồng Nai. Người ta còn tận dụng phần trung bì của vỏ để nấu món chè bưởi đậm đà. Vào mùa bưởi chín, tận dụng những trái bưởi nhỏ, không đẹp mắt, ở các nhà vườn còn chế biến rượu bưởi. Họ phân công một người lột vỏ ra và một người tách từng muối bưởi để tránh cho rượu khi uống có vị the. Sau đó vào keo theo công thức một lớp bưởi đến một lớp đường, để chừng 2-3 tháng là có thể uống được. Rượu có màu vàng cánh dán, rất thơm và ngọt, tốt cho tiêu hóa nhưng cũng dễ say. Rượu bưởi dùng để cho các cụ nhấm nháp trong bữa ăn cho dễ tiêu, hay dùng để biếu và đãi bạn bè phương xa, là cơ hội cho du khách hiểu hơn về tấm lòng của người Bạch Đằng. Những lúc bưởi trổ hoa nhiều, nghe kể lại, người con gái Bạch Đằng hái hoa nấu nước gội đầu cho tóc thêm mượt mà óng ả. Cù lao Bạch Đằng vốn nổi tiếng là miền gái đẹp, vẻ mặn mà, ăn nói có duyên, tính tình thuần hậu. Mùi hoa bưởi nồng nàn trên mái tóc của người con gái xứ này đã quyến rũ bao chàng trai xứ khác. Vì vậy mới có câu ca dao sau:

                         “ Bạch Đằng đi dễ khó về

                         Trai đi có vợ, gái về có con

Cù lao Bạch Đằng không chỉ làm cho du khách ấn tượng về những vườn bưởi xanh um, trái đầy cành mà còn là xứ sở của văn minh miệt vườn với nhiều điều thú vị. Phải đi hết một vòng đất cù lao mới thấy rõ điều đó. Mỗi ấp của Bạch Đằng đều có chùa và đình, đây là những thiết chế văn hóa gắn liền với đời sống tinh thần của người dân. Di Đà Cổ Tự là một ngôi chùa cổ của cù lao Bạch Đằng, có niên đại trên 200 năm, mặt nằm hướng ra sông Đồng Nai khá đẹp, xung quanh là ruộng đồng và vườn cây trái tạo nên sự thanh thoát cho chốn thiền môn. Còn đình Tân Trạch là ngôi đình lớn nhất trên đất cù lao, gắn liền với cư dân nơi đây từ buổi đầu khẩn hoang và còn giữ lại sắc phong của vua Tự Đức, được xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Người dân Bạch Đằng còn lưu giữ nhiều phong tục của ông bà họ từ buổi đầu đến đây lập nghiệp. Đó là tục cúng chủ đất vào dịp thanh minh (tháng 3 âm lịch). Người ta nấu chè xôi, gà luộc và không thể thiếu con cá lóc nướng cúng ngoài sân rồi sau đó thả bè chuối mang theo những lễ vật này ra sông Đồng Nai để tống tiễn đi những xui rủi. Đặc biệt, họ còn mang dao, rựa, cuốc, xẻng, nón lá,…cũ kĩ bày ra bên mâm lễ vật. Ngày nay, vào dịp tết Nguyên Đán, khá nhiều gia đình còn giữ lệ đóng giếng lại từ tối 30 đến tận mùng 3 tết. Sau khi cúng giếng xong mới được múc nước sử dụng. Cũng vào ngày này, người ta bày mâm cúng tết cây, sau đó lấy tờ giấy tiền vàng bạc dán lên cây bưởi trong vườn để mong mùa sau sai quả, chủ nhà được sung túc, họ còn gọi đây là tết cây. Nhà cửa ở đây được xây phổ biến theo kiểu nhà chữ đinh, trước là trồng hoa, kiểng và phía bên hông, sau nhà là vườn bưởi xanh um, trĩu quả. Bước vào nhà, khách sẽ có cảm giác mát rượi và thấy trong nhà sạch sẽ, đồ đạc ngăn nắp. Du khách có thể cảm nhận điều này khi thăm nhà cổ của ông Đỗ Cao Thứa ở ấp Bình Chữ. Người dân cù lao nổi tiếng trước nay là hiếu khách và thân thiện, cởi mở, rất lịch sự, phóng khoáng, đặc biệt là học hành giỏi giang. Có khách phương xa đến thăm, chủ nhà ra vườn hái trái bưởi chín rồi tự tay lột đãi khách, hàn huyên tâm sự xong thì gửi thêm vài trái về làm kỉ niệm, ăn cho vui. Sông Đồng Nai còn ban tặng tôm cá cho người dân cù lao sinh sống hàng trăm năm nay với nhiều thứ cá ngon: Cá duồn, cá cầy, cá chẻm, cá lăng,…Bởi vậy, mới có câu ca dao sau:

                 “ Bạch Đằng ăn cá bỏ đầu

           Lợi Hòa thấy vậy xỏ xâu đem về

                     Về nhà má hỏi cá đâu?

            Cá con câu được có đầu không đuôi

 Về với cù lao bưởi Bạch Đằng, người ta sẽ quên đi phiền muộn, những bận rộn và căng thẳng của chốn thị thành đông đúc. Đi lang thang đâu đó bên sông Đồng Nai lúc trời vừa hửng nắng sớm, ngắm những vườn bưởi lúc sương còn đọng trên lá và cành hay bắt gặp một nụ cười thân thiện của người cù lao, cảm nhận một làn gió mát nhẹ thoảng hương bưởi bay qua sẽ cho du khách những trải nghiệm thú vị về một miền quê của Bình Dương còn giữ được nhiều nét xưa, một không gian sinh thái độc đáo. Bạch Đằng xứng đáng được đầu tư cho phát triển du lịch xanh trong tương lai.

Nguồn: Văn nghệ Bình Dương  Xuân Ất Mùi 2015

Danh mục website