Một số địa danh Việt Nam đáng chú ý

Ở bất cứ nơi đâu trên đất nước ta, nếu là người không tìm tòi, chúng ta cũng bắt gặp một số địa danh khó hiểu và khi đã biết, ta cũng thấy vô cùng thú vị. Trong bài này, chúng tôi xin cung cấp một số địa danh mà các nhà nghiên cứu đã xác định nguồn gốc và ý nghĩa của chúng.

 

1.Trước hết là một số địa danh ở Nam Bộ.

Bảy Háp là tên một con sông ở tỉnh Cà Mau, chảy từ thành phố Cà Mau vào vịnh Thái Lan, dài 48km, cửa sông rộng 500m.

Bảy Háp: Nguyên có một mùa cá tôm, gia đình một ngư phủ đánh bắt được kỷ lục 7 háp. Có hai cách giải thích háp: 1.Bảy háp có trọng lượng 42.000kg (Nghê Văn Lương). 2. Háp là đơn vị trọng lượng tương đương 50kg: 1 háp là 10 yến, 1 yến là 10 nan, 1 nan thì phỏng chừng 1 livre (= nửa ký) (P. de Béhaine). Vậy bảy háp tương đương 350kg. Trọng lượng kỷ lục này trở thành tên sông. Số lượng tính theo cách thứ hai hợp lý hơn.

Cao Lãnh từng là quận và tỉnh lỵ của tỉnh Kiến Phong trước ngày 30-4-1975. Sau ngày giải phóng, Cao Lãnh trở thành tỉnh lỵ, huyện và thành phố của tỉnh Đồng Tháp.

Cao Lãnh có nguồn gốc như sau: Ông Đỗ Công Tường, người miền Trung vào Nam lập nghiệp. Ông có tên thường gọi là Lãnh, làm chức câu đương (chuyên giải quyết các xích mích trong làng) nên người ta thường gọi ông là Câu Lãnh. Ông có một khu vườn rộng, sau cắt một phần làm cái chợ và người dân quen gọi là chợ Câu Lãnh. Vợ chồng ông là người nhân đức (xin chết thế dân làng trong một trận dịch) nên dân làng rất kính phục. Vì thế, người địa phương xây đền thờ ông, rất lớn, ngày ngày khói hương nghi ngút.Nơi ông ở được gọi là Câu Lãnh, về sau bị nói chệch thành Cao Lãnh, theo hiện tượng biến âm: tậu (ruộng)- tạo (ruộng), (cô) đầu-(cô) đào, bầu (cử) – bảo (cử),…Năm 1999, UBND TP.HCM lấy tên Đỗ Công Tường đặt cho một con đường ở phường 16, quận Tân Bình. Đường dài 340m, lộ giới 12m vì ông đã có công khẩn hoang, lập làng, lập chợ ở Nam Bộ và có đạo đức.

Cần Thơ ban đầu là tên một con rạch chảy ra sông Hậu ở phía hữu ngạn, phía đông thành phố Cần Thơ, rộng 19,48m, sâu 12,175m. Năm 1899, Cần Thơ trở thành tỉnh

lần đầu; đến năm 1991,  trở thành tên tỉnh lần hai. Năm 1970, là tên thị xã của tinh Phong Dinh. Nay trở thành thành thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 2003 và tên cây cầu trong mấy năm gần đây.

Cần Thơ gốc Khmer Kìn Tho, nghĩa là “cá sặt rằn”, cũng gọi là “cá lò tho”, vì trong lòng rạch có nhiều cá này. Các giả thuyết do Cầm Thi (giang), Cần Thơm nói chệch là không có cơ sở khoa học.

Trương Vĩnh Ký cho rằng Cần Thơ gốc Khmer Prêk Rưsei/Kompong Rưsei, là “xứ/bến tre”. Ý kiến này chưa thuyết phục.

Mô Xoài /Mọi Xoài

Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức đã 12 lần nhắc tới một địa danh chỉ 6 đối tượng ở Bà Rịa-Vũng Tàu nay (núi, sông, thành, luỹ, đạo, đồn) viết bằng hai chữ Mỗi (Hán) và Xoài (Nôm).

 

Với chữ Hán Mỗi chỉ có thể đọc thành Mọi chứ không thể đọc thành được.Hơn nữa, nếu là Mô (Xoài) thì trong chữ Hán đã có chữ Mô (mô phạm, quy mô). Vậy chỉ có thể là địa danh Mọi Xoài.

Như vậy, sở dĩ có địa danh Mọi Xoài vì nơi đây có nhiều đồng bào dân tộc Châu Ro sinh sống và có nhiều cây xoài rừng.

2.Kế đến là một số địa danh ở Trung Bộ.

Bà Nà là núi ở huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng, cao 1.487m. Tại đây có khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà-núi Chúa, diện tích 43.327ha, nơi du lịch, nghỉ mát và an dưỡng.

Có người cho rằng do Po Na(gar) mà ra. Chúng tôi nghĩ rằng Bà Nà có lẽ đã bắt nguồn từ tên của dân tộc Ba Na, vì các lý do sau: 1.Dân tộc Ba Na có cư trú ở vùng núi tỉnh Quảng Nam cũ (Đặng Nghiêm Vạn); 2. Bà Nà cũng gọi là Bà Na hay Ba Na (Đinh Xuân Vịnh); 3. Ngôn ngữ Ba Na cũng gọi là Bà Nà (Nguyễn Tài Cẩn); 4. Hai thanh ngang và huyền có quan hệ chuyển đổi: (bao) nhiêu-nhiều, (ngày) nao-nào, (nhà) ngươi-người,…; 5. Nhiều đd bắt nguồn từ tên dân tộc (tộc danh), như: (cao nguyên) Mạ, Gia Lai, Lào, Bulgaria, Moldova, Paris (thủ đô của Pháp),…(Lê Trung Hoa).

Ngôi làng Pháp trên đỉnh Bả Nà 

Bình Định ban đầu mang tên Qui Nhơn. Dưới thời Nguyễn Nhạc (Tây Sơn),  một thành trì được xây dựng trên nền cũ của thành Đồ Bàn, kinh đô Chiêm Thành, được gọi là thành Hoàng Đế. Tháng 6 âm lịch-1799, sau khi hạ thành Quy Nhơn, Nguyễn Ánh đổi tên là thành Bình Định. Năm 1814, thành được dời đến thị xã An Nhơn, cách thành cũ 10 dặm và xây dựng mới. Nay không còn dấu tích.

Một phường của thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định cũng mang tên Bình Định, diện tích 6,08km2, dân số 16.884 người (2010).

Bình Định còn là tỉnh ở phía nam Trung Bộ, gồm thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và 9 huyện.

Bình Định là “dẹp yên giặc giã hay những cuộc nổi dậy”; ở đây Nguyễn Ánh muốn chỉ việc chấm dứt nhà Tây Sơn.

Bãi Vọt là địa điểm thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, dưới chân núi Hồng Lĩnh.

Bãi Vọt là “bãi có nhiều cây vọt”(Đinh Xuân Vịnh). Cây vọt là một loại dương xỉ, có thân nhỏ, dài, thường dùng làm roi để quất nên có từ tổ roi vọt.

Tam Kỳ là thành phố ven biển, tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam, nằm bên quốc lộ 1A, dt. 92km2, ds. 103.730 người (2006), gồm 9 phường: An Mỹ, An Phú, An Sơn, An Xuân, Hoà Hương, Hòa Thuận, Phước Hoà, Tân Thạnh, Trường Xuân và 4 xã: Tam Ngọc, Tam Phú, Tam Thanh,  Tam Thăng.

Tam Kỳ là từ Hán Việt có nghĩa là “ngã ba”vì từ quốc lộ 1A, có một ngả đường chạy về hướng đông.

Núi Thành là huyện của tỉnh Quảng Nam, thành lập ngày 3-12-1983, diện tích 533km2, dân số 142.020 người (2008), gồm một thị trấn và 14 xã. Núi Thành còn là tên thị trấn của huyện.

Núi Thành vốn là tên dãy núi nối tiếp nhau chạy dài như một bức tường thành trên địa bàn.

3.Sau cùng là một số địa danh ở Bắc Bộ.

Bái Tử Long là vũng biển trong vịnh Hạ Long, thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Có người cho rằng vì vịnh đẹp như vịnh Tulon ở Pháp nên người Pháp gọi là Baie Tulon, sau người Việt chuyển hoá thành Bái Tử Long (Nguyễn Dược-Trung Hải). Thật ra, ở Pháp không có địa danh Tulon, mà chỉ có Toulon (đọc là “tu-lông”), tỉnh lỵ tỉnh Var, nằm bên bờ Địa Trung Hải. Vậy dạng gốc là Baie Toulon. Việc giải thích này có lý, vì có hiện tượng mượn âm trong tiếng Việt: những từ ngữ có âm thanh hoặc hình thức na ná tiếng Việt, người Việt dùng từ ngữ Việt để biểu thị; như Ksách (từ Khmer, nghĩa là “cát”) được Việt hoá thành Kế Sách (huyện, tỉnh Sóc Trăng), Rury (tên kỹ sư người Pháp sửa sang đèo này) bị biến thành Rù Rì (đèo ở phía bắc tp. Nha Trang),….

Qua một đường phố ở quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, ta bắt gặp tên Hàng Xũ. Rồi cũng qua khu vực này, từ  đường Hàng Đậu tới đường Trần Quang Khải, ta gặp Lò Xũ. Xũ là gì? Xũ là “quan tài”. Vậy Lỏ Xũ là “nơi sản xuất quan tài” và Hàng Xũ là đường phố chuyên bán quan tài.

Yết Kiêu là tên phường của tp. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và cũng là tên phường của quân Hà Đông, thành phố Hà Nội. Đồng thời là tên xã của huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Xưa nay chúng ta rất quen thuộc với biệt danh của vị tướng này của Trần Hưng Đạo. Nhưng rất ít người biết họ tên thật của ông. Xin đọc các dòng sau đây.

Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế, quê ở xã Yết Kiêu nay, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, một danh tướng của Trần Hưng Đạo, có tài bơi lặn, lập được nhiều chiến công, được tôn vinh thành hoàng của nhiều làng (Nguyễn Như Ý).

Một câu thơ rất quen thuộc với chúng ta của nhà thơ Tố Hữu khi ca tụng chiến công Điện Biên Phủ:

Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam

Hoa mơ lại nở, vườn cam lại vàng

Nhưng rất ít người hiểu rõ nguồn gốc và ý nghĩa của ba địa danh này.

Mường Thanh là cánh đồng trong lòng chảo trung tâm tp. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Người Thái xem đây là đất tổ của dân tộc mình. Cánh đồng dài 23km, rộng 7-9km. Tổng diện tích 120km2. Hiện nay, cánh đồng còn 10 xã vùng lòng chảo Điện Biên. Năm 1954, ở đây, quân ta đã đại thắng quân Pháp, buộc chúng đầu hàng. Nay địa danh này trở thành tên phường của tp. Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Mường Thanh gốc Thái, Mường, Tày-Nùng. Mường: làng, bản, vùng. Thanh có dạng gốc Then (Thiên), nghĩa là “trời”. Còn có các tên khác đồng nghĩa với Mường ThenMường Bón, Mường Phạ “Mường Trời”(Nguyễn Văn Âu).

Hồng Cúm là địa điểm có sân bay ở phía nam Mường Thanh trong lòng chảo Điện Biên, tỉnh Điện Biên, nơi có những trận đánh lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ vào tháng 4 và 5-1954.

Hồng Cúm gốc Tày-Nùng, Thái, nguyên dạng Hong Cúm, nghĩa là “thung lũng có nhiều bồ bằng mây”. Bồ bằng mây là đồ dùng để đựng quần áo, vì chạy giặc, bị vất lung tung (Hoàng Văn Ma).

Him Lam là phường của thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, diện tích 5,89km2, dân số 6.633 người (1999).

Him Lam gốc Tày-Nùng, Thái Hin Lăm/Đăm, nghĩa là “đá đen”(Hoàng Văn Ma).

Tóm lại, chúng ta rất cần hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của các địa danh trên đất nước ta. Bởi lẽ càng hiểu rõ ý nghĩa của chúng, ta càng hiểu rõ lịch sử và văn hóa dân tộc. Càng hiểu rõ văn hóa và lịch sử dân tộc, ta càng tự hào về đất nước và càng quyết tâm bảo vệ đất nước mình.

 

                        TÀI LIỆU THAM KHẢO

1-Béhaine, P. P. de, Tự vị An Nam-Latinh (Dictionarium Anamitico-Latinum, 1772-1773), Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, tp.HCM, Nxb Trẻ, 1999.

2-Đặng Nghiêm Vạn, Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia tp. HCM,, 2003.

3-Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam, HN, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002.

4-Hoàng Văn Ma, Về địa danh vùng Tày Nùng, trong “Những vấn đề ngôn ngữ học”, HN, Viện Ngôn ngữ học, 2002, tr 202-213.

5-Lê Trung Hoa, Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam, HN, Nxb Văn hóa Thông tin, 2013.

6-Nghê Văn Lương, Cà Mau xưa, HN, Nxb Thanh niên, 2003.

7-Nguyễn Dược, Trung Hải, Sổ tay địa danh Việt Nam, HN, Nxb Giáo dục, 2005.

8-Nguyễn Như Ý (cb), Nguyễn Thanh Chương, Bùi Thiết, Từ điển địa danh văn hóa và thắng cảnh Việt Nam, HN, Nxb KHXH, 2004.

9-Nguyễn Tài Cẩn, Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo), HN, Nxb Giáo dục, 1995.

10-Nguyễn Văn Âu, Một số vấn đề về địa danh học Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2000.

11-Trương Vĩnh Ký, x. Lê Hương, Người Việt gốc Miên, tr. 253 – 264. Thái Văn Chải dịch các địa danh gốc Khmer trong sách này.

 

Nguồn:  Kiến thức ngày nay, số 886, ngày 20-3-2015, tr. 9-11,82.

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website