19042024Fri
Last updateFri, 19 Apr 2024 10am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Biểu hiện của quá trình biến đổi các tổ hợp phụ âm bl, ml, mnh, tl trong ngữ liệu chữ quốc ngữ thế kỉ XVII – đầu thế kỉ XIX

 

1. Dẫn nhập

Chữ Quốc ngữ thế kỉ XVII - đầu thế kỉ XIX cho thấy rất rõ sự tồn tại của các tổ hợp phụ âm đầu tiếng Việt /bl/, /ml/, /mɲ/, /tl/ (ghi bằng chữ viết: bl, ml, mnh, tl). Bốn tổ hợp phụ âm này được ghi đầy đủ trong Dictionarivm Annamiticvm Lvsitanvm, et Latinvm ope (Từ điển Annam - Lusitan - Latinh; Cũng gọi Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latinh) của A. de Rhodes [1] [3].

Trong tiếng Việt ngày nay, /bl/, /ml/, /mɲ/, /tl/ không còn tồn tại nữa. Cách viết tương ứng bl, ml, mnh, tl, cũng tiêu biến theo. Thế kỉ XVII đến đầu thế kỉ XIX là khoảng thời gian các tổ hợp phụ âm đó hoàn tất quá trình biến đổi của chúng. Vấn đề đặt ra là: các nguồn ngữ liệu viết bằng chữ Quốc ngữ trong khoảng thời gian này có phản ánh gì về quá trình biến đổi của các tổ hợp phụ âm đó hay không; nếu có, thì cụ thể là như thế nào ?

2. Nguồn ngữ liệu khảo sát.

Để trả lời câu hỏi nêu trên, chúng tôi khảo sát các văn bản dưới đây: (con số trong dấu ngoặc vuông [...] chỉ dẫn xuất xứ của nguồn ngữ liệu ghi trong danh sách "Các nguồn ngữ liệu được khảo sát" ở cuối bài).

a) Những văn bản viết bằng chữ quốc ngữ thế kỉ XVII:

- Từ điển Annam - Lusitan - Latinh (Dictionarivm Annnamiticvm Lvsitanvm, et Latinvm ope) [3].

- Lịch sử nước An nam. Bento Thiện viết năm 1659 [2, tr.187 - 198]

- 01 bức thư của  Bento Thiện viết năm 1659 [2, tr.185 - 186].

- 01 bức thư của Igesico Văn Tín viết năm 1659 [2, tr.183- 184].

- 02 bức thư (số hiệu 1, 2) của Domingo Hảo viết năm 1687 [1, tr. 32 - 35].

- 03 bức thư (số hiệu 3, 4, 5) viết năm 1688, 1689 [1, tr.36 - 42].  

b) Những văn bản viết bằng chữ Quốc ngữ thế kỉ XVIII:

- 35 bức thư, tờ trình, mang số hiệu từ 6 đến 40 [1, tr.3 - 129], chủ yếu do người Việt viết từ năm 1702 đến hết thế kỉ XVIII (có 1 văn bản viết vào năm 1802). Toàn bộ các văn bản trong nguồn ngữ liệu [1] đều có ảnh bản in kèm.

- Tự vị Annnam Latinh [5] (Dictionarium Annamitico-Latinum. 1772-1773)

c) Những văn bản viết bằng chữ Quốc ngữ thế kỉ XIX:

- Sách sổ sang chép các việc (gọi tắt là Sách sổ sang ...) của Philiphê Bỉnh [4], viết năm 1822 (bổ sung một số chi tiết vào mấy năm sau đó: 1824, 1825, 1826, 1827, 1829, 1830, 1831, 1832).

- Hai bức thư (số 41, 42) viết năm 1818, 1825 [1, tr.130-135].

- Dictionarium Annamitico-Latinum (Nam Việt Dương hiệp tự vị. 1838).

3. Phương pháp khảo sát và phân tích ngữ liệu.

Khi khảo sát các nguồn ngữ liệu nói trên, đối với Từ điển Annam - Lusitan - Latinh [3], chúng tôi dựa vào ngữ liệu được ghi bằng chữ Quốc ngữ trong từ điển, đối chiếu kiểm tra với phần dịch sang tiếng Việt in kèm, kiểm tra qua bản scan từ điển gốc. 

Các văn bản khác, chúng tôi khảo sát trên ảnh chụp (in trong các nguồn ngữ liệu được ghi ở danh sách cuối bài này), so sánh với phần phiên chuyển sang chữ Quốc ngữ hiện đại in kèm.

Sau khi thu thập các từ có bl, ml, mnh, tl ghi các tổ hợp âm đầu tương ứng /bl/, /ml/, /mɲ/, /tl/, chúng tôi phân tích ngữ liệu để đánh giá về quá trình và mức độ biến đổi trong thời gian đang xét của chúng các tổ hợp âm đầu đó.

4. Kết quả khảo sát

4.1. Các nguồn ngữ liệu thế kỉ XVII

4.1.1. Từ điển Annam - Lusitan - Latinh [3].

Kiểm đếm toàn bộ từ điển này, gồm các mục từ và lời dẫn giải bằng tiếng Việt trong tất cả các mục từ, chúng tôi thấy số lượng từ còn lưu giữ bl, ml, mnh, tl được ghi nhận trong từ điển như sau:

Số từ có bl: 101 từ (97 ở vần B, và 4 từ: cắp blaó [tr. 54], lê blệt [tr.135], bồ blin [tr.151], blay tay [tr. 200]).

Số từ có ml:          26 từ (23 ở vần M và 3 từ: hèn mlạt [tr.114], khóa mlạc [tr.127], mlút [tr.142]).

Số từ có mnh: 02 từ (ở vần M)

Số từ có tl: 106 từ (102 ở vần T và 4 từ: bơi tlẻi [tr.42], tlẻ mỏ [tr.151], tla [= kéo ra ngoài; tr.236], tlắt [= trắt; tr.237])

Nếu kiểm đếm số lần được ghi (xuất hiện) trong toàn bộ từ điển, thì thấy:

bl xuất hiện 396 lần (101 từ có bl được ghi nhận 396 lần trong từ điển)

ml xuất hiện 112 lần (26 từ có ml được ghi nhận 112 lần)

mnh xuất hiện 05 lần (2 từ có mnh được ghi nhận 5 lần)

tl xuất hiện 433 lần (106 từ có tl đượcghi nhận 433 lần) 

Các số liệu trên đây cho thấy sự tồn tại, hoạt động của các tổ hợp phụ âm đầu tương ứng /bl/, /ml/, /mɲ/, /tl/ trong Từ điển Annam - Lusitan - Latinh là không đồng đều; trong đó, số từ còn giữ tl bl chênh lệch nhau không đáng kể, nhưng cả hai loại này đều áp đảo tuyệt đối so với số từ còn giữ mlmnh, đặc biệt là mnh

Khoảng cách về số lần được ghi nhận của 105 từ còn giữ tl so với số lần được ghi nhận của 101 từ còn giữ bl tuy có giãn ra, nhưng tl cũng không phải là áp đảo so với bl (433 / 396). Nếu so sánh số lần được ghi nhận của các từ có tl, bl với số lần được ghi nhận của các từ có mlmnh thì hai loại đầu vẫn áp đảo tuyệt đối so với hai lại sau. Xin xem bảng số liệu tổng hợp lại dưới đây:

 

tl

bl

ml

mnh

Số mục từ còn giữ tổ hợp

106

101

26

02

Số lần tổ hợp được ghi nhận

433

396

112

05

 

Bảng 1. Số từ còn lưu giữ tl, bl, ml, mnh và số lần chúng được ghi trong trong Từ điển Annam - Lusitan - Latinh.

4.1.2. Các văn bản chữ Quốc ngữ hữu quan được khảo sát cũng thể hiện một số song thức (double) từ vựng. Điều này, trước hết, được ghi nhận trong Từ điển Annam - Lusitan - Latinh. Qua những lời diễn giải của tác giả từ điển (De Rhodes) như: “cùng một nghĩa”, “có người nói”, “tốt hơn”, “xem”... chúng ta có thể thấy rõ rằng: vào thời từ điển được biên soạn, hai dạng trong mỗi song thức đó tồn tại như là "biến thể" của nhau. Tác giả từ điển nhận ra thực tế này, chủ động thu thập vào bảng từ, đồng thời, tỏ thái độ đánh giá về mức độ phổ biến, mức độ “chuẩn mực” của chúng. Chúng tôi đã thu thập được các song thức trong Từ điển Annam - Lusitan - Latinh như sau:

- 11 từ có song thức với âm đầu là bl - tl [2]

người con trai       blai - tlai                        (cái) bàn      blan - tlan

trát                       blat - tlat                        trát              blét - tlét / tlát, / trát.

(cá) trích               blích - tlích                     ton hót        blon ngót - tlon ngót

cùm                       blang - tlang                   trỏ               tlỏ - blỏ

trọn                       tlọn - blọn                      trớt (môi)    tlớt - blớt   

lúc lắc                   blúc blác / blốc blác - tlúc tlác

 

- 05 từ có song thức với âm đầu là bl - l hoặc bl - b

(cái) bàn               bàn - blan                       trốc/lốc                 blốc - loúc 

lõ                          lỏ - blỏ                           truông                  bluông - luóng

liệt                        blẹt - liệt [3]

 

- 01 từ có song thức với âm đầu tl – t

bơi trải                 bơi  lẻi - bơi  tải

 

- 03 từ có song thức với âm đầu là bl - tr   

ma trơi                  ma blơi - ma trơi           

(dối) trá                blá - trá

trở (về)                 blở - trở

 

- 10 từ có song thức với âm đầu là ml - l  

điên khùng           lả - mlả                           nhặt             lặt - mlặt

lỡ/nhỡ                   lỡ - mlỡ / mlở                 lụt               lụt - mlụt

lút                         lút - mlút                        nhạc           mạc - mlạc

(sứt) mẻ                mlác - mác                     lể/nhể           mlể - lể

lớn                        mlớn - lớn                      lọ/nhọ         mlọ - lọ

 

- 04 từ có song thức với âm đầu là ml - mnh [hoặc  l, nh]

nhầm                    mlầm - mnhầm, lầm, nhầm                        

nhặt                      mlặt - nhạt, mnhạt

nhạt                      mlạt - nhạt

nhẽ/lẽ                    mnhẽ - mlẽ 

 

- 04 từ có song thức với âm đầu là tl - l

tránh                     lánh - tlánh                    líu lo           líu lo - tlíu tlo

lộn lạo                  lộn lạo - tlộn tlạo           lúc lắc         tlúc tlác - lúc lác

 

- 22 từ có song thức với âm đầu là tl - tr

kéo ra

 tla - tra

(cây) trám    

tlám - trám           

trường (học)         

tlàng - tràng         

trường (dài)          

tlàng - tràng

tràng hạt

tlàng hột - tràng hột

tràng thuế

tlàng - tràng

tróng (cổ)

tláõ - tráõ

(bên) trong 

tlaõ - trũ

trong (-sạch)

tlaõ - traõ

trát (nhà)

tlát - trát

(ăn) trắt 

trắt - tlắt

trấu

tlấu - trấu   

(trơ) trẽn 

tlẽn (tlàng) - trẽn

trọc

trọc - tlọc   

trông

tloũ - troũ

trống (cái-) 

tróũ - tlóũ

trống trải   

tlóũ tlaỉ - tróũ trải

trơn

tlơn - trơn

trớp (- bánh)

tlớp - trớp  

trợt/trượt

tlợt - trợt

trủng (thủng)

tlủng - trủng        

trứng

tlứng - trứng         

 

4.1.3. bl, ml, mnh, tl trong những nguồn ngữ liệu khác.

Khảo sát ngữ liệu trong các văn bản do chính người Việt viết, gồm:

- Hai văn bản của Bento Thiện: (Lịch sử nước An nam viết năm 1659 [2] và một bức thư viết năm 1659 [2]);

- Một bức thư của Igesico Văn Tín viết năm 1659 [2];

- Hai bức thư của Domingo Hảo (số hiệu 1, 2) viết năm 1687 [1];

- Ba bức thư (số 3, 4, 5) [1];

chúng tôi thấy tình hình như sau:

          a) Trong các nguồn ngữ liệu này, mnh không thấy được ghi nhận.

b) Cũng như trong Từ điển Annam - Lusitan - Latinh, trong các nguồn ngữ liệu này, bên cạnh tl ghi tổ hợp phụ âm /tl/, có tr ghi âm / ƫ /. Tuy nhiên, tr vẫn chưa hoàn toàn thay thế tl. Chẳng hạn, ta có thể gặp trong các văn bản đó:

- Những từ được ghi tr như: trị (vì), trăm, trứng, trong (sạch), (bên) trong, (hột) trai ... Ví dụ:

Nước Ngô tlước hết mới có vua trị là Phục hi...  [2, tr.187], ... cùng thổi một trăm nong cơm, cùng một trăm cong rượu ... [2, tr.187], ... một trăm trứng nở ra được một trăm con blay ... [2, tr.187], ... lấy nước giếng ấy mà rửa thì lại trong tốt [2, tr.188], ... thì trong nhà có kẻ làm tôi chẳng ngay...[2, tr.188], ... biến ra hột trai ở ngoài biển đông [2, tr. 188]...

- Những từ vẫn được ghi tl như: tlên (trên), tlẻ (trẻ), tlâu (trâu), tlước (trước), tlểy (trẩy), tlông (trông) ... Ví dụ:

... lòng càng tlông nhớ thầy liên [2, tr. 183], ... song le thầy đã tlẩy khỏi [2, tr. 183], Nước Ngô tlước hết mới có vua trị là Phục hi...  [2, tr.187], .... mồ côi cha còn tlẻ, mà mẹ khiến đi chăn tlâu, mà các tlẻ đặt mình lên làm tướng mà đánh nhau cùng tlẻ làng khác ... [2, tr. 188]...        

- Những từ vẫn được ghi bl như: blả (trả), blời (trời), blở (trở [về]), blai (- gái), blái (trái) ... Ví dụ:

... chửa có mấy nơi blở lại xưng tội ... [1, tr. 32], các bổn đạo kẻ chợ đã blở lại nhiều [1, tr. 33], ... DC [Đức chúa] blời blả công cho Thầy ... [2, tr. 184], ... nhà blai đi hỏi, lấy blầu cau mà nói cùng nhau [2, tr. 194], ... lạy cháu mà blở về [2, tr. 188], Blở. blở lại. blở đi blở lại [3].

c) bl, ml cho thấy hai tổ hợp /bl/, /ml/ vẫn được duy trì “bền vững” ở những từ như: blầu (trầu), (người) blay, blời (trời), blả (trả), mlời, mlớn, mlẽ ... Ví dụ:

 ... một trăm trứng, nở ra được một trăm con blay ... [2, tr. 187]; DC [Đức chúa] blời blả công cho Thầy ... [2, tr. 184]; ... nhà blai đi hỏi, lấy blầu cau mà nói cùng nhau [2, tr. 194]; ... chửa có mấy nơi blở lại xưng tội ... [1, tr. 32]; ... các bổn đạo kẻ chợ đã blở lại nhiều [1, tr. 33]; ... bắn súng mlớn cho quen [2, tr. 193]; ... phong cho Hồ vương làm quan mlớn [2, tr. 190].

4.1.4. Các kết quả khảo sát nêu trên đây cho thấy những điều được phản ánh trong Từ điển Annam - Lusitan - Latinh và trong các nguồn ngữ liệu khác cùng thời, là  phù hợp với nhau. Các nguồn ngữ liệu đó đều thể hiện rằng:

- Sự biến đổi của /bl/, /ml/, /mɲ/, /tl/ vào thời gian này vẫn đang tiếp tục; chưa, hoặc chưa hoàn toàn kết thúc. Các song thức từ vựng phản ánh quá trình vừa biến đổi vừa đồng qui của /bl/ với /tl/, /ml/ với /mɲ/ … cũng đang tiếp tục diễn biến (xem danh sách các từ có song thức với các cặp âm đầu nêu bên trên).

- Từ điển Annam - Lusitan - Latinh cho thấy tuy số từ lưu giữ /tl/ còn nhiều, (106 từ, với 433 lần được sử dụng) nhưng ở mục từ tla của từ điển này, A. de Rhodes có một nhận xét quan trọng. Ông viết: “Tla. …Có người nói: tra, tức là đổi, l, thành r, và cũng thông thường như vậy trong các tiếng kế tiếp sau”. Điều này ít nhất cũng có nghĩa rằng kể từ mục từ tla trở xuống trong từ điển, tất cả những từ nào được ghi/phát âm với tl đều đã có thể phát âm thành tr / ƫ /. Nhưng tại sao Rhodes vẫn ghi tl ở hàng loạt trường hợp như nó vốn có ? Chắc chắn ông đã lựa chọn và ghi theo quan điểm đánh giá của mình: cái nào là “tốt hơn”, cái nào mới chỉ là “có người nói” trong thời gian thu thập ngữ liệu. Đây chính là một nghiệm chứng được ghi nhận về tình trạng đang biến chuyển rất mạnh từ /tl/ sang / ƫ / vào khoảng giữa thế kỉ XVII (từ điển ấn hành năm 1651).

Sau ghi chú trên đây, trong vần T của từ điển, A. de Rhodes thu thập, ghi nhận một dãy khá dài, gồm 86 mục từ với tr ( / ƫ / ). Theo kiểm đếm của chúng tôi, trong số các từ được ghi với tl hoặc tr, có tới 22 từ có song thức với tl - tr, như đã nêu bên trên.

Trong khi đó, ở các văn bản chữ Quốc ngữ khác do người Việt viết thì hình như các tác giả đó có ý phân biệt nguồn gốc Hán Việt - phi Hán Việt của từ, nên các từ Hán Việt gần như nhất loạt được ghi với tr, không ghi tl. Ví dụ, trong một câu, giữa một từ Việt (trước) và một từ Hán Việt (trị), B. Thiện viết: Nước Ngô tlước hết mới có vua trị là Phục hi ...  [2, tr.187].

4.2. bl, ml, tl trong các nguồn ngữ liệu thế kỉ XVIII, XIX.

4.2.1. Các nguồn ngữ liệu thuộc thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX mà chúng tôi khảo sát không còn ghi nhận mnh.

4.2.2. bl

- Trong 35 bức thư thế kỉ XVIII (từ thư số 6 viết năm 1702 đến thư số 40 viết năm 1802) [1, tr.43 - 129], bl được ghi ở 9 từ.

- Trong Sách sổ sang... (đầu thế kỉ XIX), bl được ghi ở 12 từ.

- Trong hai bức thư số 41, 42 (đầu thế kỉ XIX) [1, tr.130-135], bl được ghi ở 07 từ.

          Tổng hợp lại, chúng tôi có danh sách những từ trong các nguồn ngữ liệu này còn viết với bl (biểu thị /bl/) như sau [4] :

 

TỪ

SỐ LẦN ĐƯỢC GHI  TRONG NGỮ LIỆU t.kỉ XVIII                (35 bức thư)

SỐ LẦN ĐƯỢC GHI                                      TRONG NGỮ LIỆU t.kỉ XIX

Thư số 41, 42

Sách sổ sang ...

blả [trả]

6

2

83

blá [trá- dối trá]

11

1

15

blai [(người) trai]

 

 

15

blái [quả]

 

 

21

blàn [tràn]

 

1

 

blang [trăng]

 

 

3

bláo [tráo (trở)]

1

 

 

blo [tro]

1

 

2

blọn [trọn 

11

 

18

blối [trối (trăng)]

2

1

15

blồng  [trồng] 

 

 

2

blở [trở (xuống)]

7

1

1

blời [trời]

20

1

52

blớn [lớn]

1

1

88

 

Bảng 2. Danh sách từ còn được ghi với bl và số lần chúng được ghi trong ngữ liệu.

4.2.3. ml

- Trong 35 bức thư thế kỉ XVIII, từ thư số 6 đến số 40,  ml được ghi ở 6 từ.  

          - Trong Sách sổ sang ... (đầu thế kỉ XIX), ml được ghi ở 02 từ.

          - Trong hai bức thư thế kỉ XIX (số 41, 42), ml được ghi ở 04 từ.

          Tổng hợp lại, chúng tôi có danh sách những từ còn viết với ml (biểu thị /ml/) trong ba nguồn ngữ liệu này như sau [5]:

 

TỪ

 

SỐ LẦN ĐƯỢC GHI   TRONG NGỮ LIỆU  t.kỉ XVIII             (35 bức thư)

 

SỐ LẦN ĐƯỢC GHI                    TRONG NGỮ LIỆU t.kỉ XIX

Thư số 41, 42

Sách sổ sang ...

mlắm [6] [lắm]

 

1

 

mlầm [lầm]

2

1

 

mlẽ [lẽ] 

55

2

34

mlỡ [lỡ] 

3

 

 

mlở (bláo -) [tráo trở]

1

 

 

mlời [lời]

111

3

67

mlớn [lớn]

5

 

 

 

Bảng 3. Danh sách từ còn được ghi với ml và số lần chúng được ghi trong ngữ liệu.

Bảng số liệu trên đây chứng tỏ đầu thế kỉ XIX, /ml/ vẫn dai dẳng tồn tại ở một vài từ.

4.2.4. tl  

tl không được ghi nhận lần nào trong 05 bức thư (số 1, 2, 3, 4, 5) cuối thế kỉ XVII [1], 37 bức thư, tờ trình (từ văn bản số 6 đến số 42) thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX [1] và toàn bộ Sách sổ sang chép các việc (đầu thế kỉ XIX).

Tuy nhiên, ở đây có một số ngữ liệu khác cùng thời kì, cần được lưu ý:

- Tự vị Annam Latinh của Pignau de Behaine (1772 - 1773) [5] vẫn ghi nhận tl hai lần: tla “tra xét” và tla trỉ “tra xét nguyên cớ”, trong khi cũng ghi tratra trỉ hoàn toàn đồng nghĩa. Các trường hợp còn lại, đều đã ghi với tr, không ghi tl.

          - Cuốn sách Một chuyến du hành tới xứ Nam Hà trong các năm 1792 - 1793 (A voyage to Chochinchina in the years 1792 - 1793) của Barrow J. (1792-1793) có ghi nhận tl ở từ trứng [ telung ], kl ở từ trăm [ klang ]. (Barrow J.,  tr. 90-93).

Về hai hiện tượng ghi tl này, phải thấy một tình hình là: Từ điển Annam - Lusitan - Latinh của A. De Rhoeds thu thập cả tiếng Việt Đàng Ngoài lẫn tiếng Việt Đàng Trong, còn Tự vị Annam Latinh của Pigneau de Behaine chỉ thu thập tiếng Việt Đàng trong. Bảng từ vựng mà J. Barrow ghi chép là ghi tiếng Đàng Trong. Vào thời ra đời của Tự vị Annam - Latinh, trong các văn bản chữ Quốc ngữ do người Đàng Ngoài viết [7], tl có lẽ đã biến chuyển hết sang tr, còn đối với tiếng Đàng Trong, nếu có thấy tl ở đâu đó, thì chắc chắn đó cũng chỉ là chút tàn dư còn sót lại của tổ hợp âm này. 

          Như vậy, có thể nói, khoảng nửa cuối thế kỉ XVIII, chữ viết tl  đã coi như không còn sử dụng nữa. Tổ hợp phụ âm /tl/ tương ứng mà nó biểu thị, căn bản đã hoàn thành quá trình biến đổi thành / ƫ /.

4.2.5. Diễn biến của /bl/, /ml/ thể hiện trong ngữ liệu thế kỉ XVIII, XIX.

Trong phần này, chúng tôi chỉ nói về diễn biến của /bl/, /ml/ mà không nói về /tl/, vì tình trạng của nó đã được trình bày tại điểm 4.2.4. bên trên.

Các ngữ liệu khảo sát được đều cho thấy: đến đầu thế kỉ XIX, chữ viết blml vẫn còn. Điều này chứng tỏ rằng các tổ hợp phụ âm đầu tương ứng do chúng biểu thị vẫn chưa hoàn tất quá trình biến đổi. Tuy nhiên, so với tình hình được phản ánh trong các nguồn ngữ liệu thế kỉ XVII, /bl/, /ml/ trong các nguồn ngữ liệu đầu thế kỉ XIX đã có sự khác biệt khá rõ về mức độ phổ biến của chúng.  

          a) Diễn biến của /bl/

          - Trong Sách sổ sang ..., ở nhiều từ đã hình thành “cặp biến thể” có âm đầu là /bl/ (bl) và /j/ (gi) cùng tồn tại như một song thức; và gi /j/ đã được dùng nhiều hơn gấp bội, áp đảo hẳn so với bl /bl/. Đây là một khác biệt lớn của /bl/ so với chính nó trong thế kỉ XVII. Ví dụ, trong Sách sổ sang chép các việc:

blả được ghi 83 lần                  - giả được ghi 3 lần,

blai (15 lần)                             - giai (3 lần)                  

blái (21 lần)                             - giái (5 lần)

blối (blăng) (15 lần)                - giối (giăng) (8 lần)

blồng (2 lần)                            - giồng (8 lần)

blo (2 lần)                                - gio (5 lần) ...

Tuy nhiên, tình thế giằng co giữa /bl/ với  /j/ và / ƫ / (tương ứng về mặt chữ viết là bl, gi, tr) diễn ra không đều đặn ở tất cả mọi từ. Ví dụ, từ blở [về] chỉ được ghi 01 lần trong Sách sổ sang… (... mà tôi bl xuống thì thấy các Thầy đang ăn ... [4, tr. 152]), nhưng khi kiểm đếm chỉ hai đoạn của tác phẩm này, đoạn một từ trang 1 đến trang 228 và đoạn hai từ trang 549 đến trang 597 (tổng cộng là 277 trang), chúng tôi đã thấy có 58 lần ghi giở [về]. Lý do có lẽ là ở chỗ, Philiphê Bỉnh là người của phương ngữ Bắc; ông có ý phân biệt và:

- Nhất loạt viết gi - cho giở [về] (vì /bl/ biến đổi, cho /j/ - gi trong phương ngữ Bắc).

- Cũng như B. Thiện thế kỉ XVII, ông nhất loạt viết tr - cho trở ([cản] trở - từ Hán Việt) cùng các từ Hán Việt khác và những từ mà âm đầu / ƫ / của chúng vốn xuất phát từ /tl/. Chứng cớ rõ nhất cho ý thức phân biệt này của Philiphê Bỉnh là ông viết “nhiều con trẻ blai”[4, tr.401], bởi vì trtrẻ bắt nguồn từ tl (tlẻ), còn /bl/ trong blai sẽ biến đổi và cho /j/ - gi trong phương ngữ Bắc, rồi về sau đồng qui vào tr tong phạm vi toàn quốc.

Nhìn trên toàn cục, đến giai đoạn này, /bl/ đã ở sát điểm được  /j/ (gi) và / ƫ / (tr) thay thế hoàn toàn.

- Điểm tương đồng trong diễn biến của /bl/ giai đoạn thế kỉ XVII và giai đoạn thế kỉ XVIII, đầu XIX là vẫn thực hiện phương cách: cho rụng yếu tố trước hoặc sau đi. Quá trình biến đổi và đồng qui kết quả biến đổi của /bl/ đến lúc này cũng vẫn chưa hoàn thành triệt để. Chứng cớ là:

Trong các văn bản thế kỉ XVIII được khảo sát ở đây, có:

lọn (01 lần, tại thư số 14)                           blọn (11 lần, tại các thư khác),

lối [trối] (1 lần tại thư số 38)             blối [trối] (03 lần, tại thư số 38, 39, 41).

Trong các nguồn ngữ liệu đầu thế kỉ XIX có:

lọn     (04 lần: 2 lần trong thư số 41 [1]; 2 lần trong Sách sổ sang ...)

blọn   (18 lần trong Sách sổ sang…)    

lớn     (01 lần trong Sách sổ sang ... tr.123)

blớn   (88 lần trong Sách sổ sang ... )

b) Diễn biến của /ml/  

Trong 35 bức thư thế kỉ XVIII, số từ còn lưu giữ /ml/ là 06 từ.

Trong Sách sổ sang... và thư số 41, 42, thế kỉ XIX chỉ có 04 từ lưu giữ /ml/. Tuy nhiên, trong 04 từ này thì:

- mlắm có thể ngờ là bị viết nhầm (đã trình bày bên trên, trong bảng danh sách những từ có âm đầu ml)

- mlầm được ghi một lần trong thư số 41 [1, tr. 130-133], còn Sách sổ sang ... đã nhất loạt ghi nhầm trong cả ba lần dùng (tại trang 104 và 241).

- mlẽ, mlời vẫn được ghi nhận trong Sách sổ sang ...

Điều này cho chúng ta một thông tin khá rõ: đến đầu thế kỉ XIX, /ml/ đã tới chân cột mốc đánh dấu sự hoàn thành quá trình biến đổi của nó.

5. Nhận xét

5.1. Những khảo sát về chữ Quốc ngữ trong các văn bản thế kỉ XVII - đầu thế kỉ XIX được trình bày trên đây cho thấy những chứng tích rõ ràng về bốn tổ hợp phụ âm đầu tiếng Việt /bl/, /ml/, /mɲ/, /tl/. Chúng đang trên đường biến đổi và sự biến đổi của chúng không đồng đều. Tính không đồng đều đó thể hiện ở số lượng từ còn lưu giữ các tổ hợp phụ âm đó và kèm theo, là số lần được ghi chép (xuất hiện, sử dụng) của chúng trong các nguồn ngữ liệu.

5.2. Trong thế kỉ XVII, một cách chính thức và được đưa vào Từ điển Annam - Lusitan - Latinh, các tổ hợp  /bl/, /ml/, /mɲ/, /tl/ của tiếng Việt vẫn đang tồn tại và hoạt động. Lúc này, tổ hợp âm đầu /mɲ/ (ghi bằng mnh) gần như đã biến đổi xong hoàn toàn, chỉ còn được bảo lưu trong 02 mục từ với 05 lần xuất hiện trong Từ điển Annam - Lusitan - Latinh.

Các văn bản khác không thấy ghi nhận trường hợp nào còn giữ mnh.  

/tl/ (tl)còn được lưu giữ trong nhiều từ nhất (105 từ, với 433 lần được ghi), tiếp theo, đến vị trí thứ hai là /bl/ (bl - lưu giữ trong 101 từ với 396 lần được ghi), thứ ba là /ml/ (ml - lưu giữ trong 26 từ với 112 lần được ghi). Số liệu này có thể được dùng để đánh giá mức độ tiệm cận dấu mốc hoàn tất của quá trình biến đổi. Theo đó, /ml/ đã đến gần nhất, thứ đến là /bl/. Riêng /tl/ vẫn còn ở vị trí xa hơn so với dấu mốc hoàn tất quá trình biến đổi.

Bên cạnh các diễn biến trên đây, các loạt song thức từ vựng cũng cho chúng ta thấy: quá trình biến đổi và đồng qui của một số tổ hợp cũng đang diễn ra. Ví dụ, đồng qui kết quả biến đổi của /bl/ với kết quả biến đổi của /tl/; kết quả biến đổi của /ml/ với kết quả biến đổi của /mɲ/:

người trai    blai - tlai                        (cái) bàn      blan - tlan

ma trơi        ma blơi - ma trơi            trở (về)        blở - trở

lỡ/nhỡ         lỡ - mlỡ / mlở                 lụt               lụt - mlụt

nhặt             mlặt - nhạt, mnhạt                   nhầm          mlầm - mnhầm, lầm, nhầm …                   

Quá trình biến đổi và/hoặc vừa biến đổi vừa đồng qui của /bl/, /ml/, /mɲ/, /tl/ vẫn đang tiếp diễn. Chính vì vậy, trong quá trình này, tuỳ từng trường hợp (từ) cụ thể mà âm đầu vẫn còn là /tl/ (tl), /bl/ (bl), /ml/ (ml) hay là /b/, /t/, /l/ hay đã là / j /  (gi), / ƫ / (tr).

5.3. Thế kỉ XVIII - đầu XIX. Nếu tập hợp kết quả khảo sát được trong các nguồn ngữ liệu thế kỉ XVIII - đầu XIX (xin lưu ý là gồm cả hai cuốn từ điển lớn trong đó: Tự vị Annnam Latinh [Dictionarium Annamitico-Latinum, 1772-1773] và Nam Việt Dương hiệp tự vị [Dictionarium Annamitico-Latinum,1838]), lập bảng so sánh với kết quả thu thập được trong Từ điển Annam - Lusitan - Latinh (thế kỉ XVII) chúng tôi thấy tương quan sau đây:

 

 

TỔ HỢP ÂM ĐẦU

 

SỐ TỪ CÒN GIỮ TRONG CÁC NGUỒN NGỮ LIỆU

 

TĐ Annam - Lusitan - Latinh

Thế kỉ XVIII - đầu XIX

/ tl / (tl)

106

01 [8]

 / bl / (bl)

101

14

   / ml / (ml)

26

6 [9]

      / mɲ / (mnh)

02

0

 

Bảng 4. Số từ còn lưu giữ bl, ml, mnh, tl trong Từ điển Annam - Lusitan - Latinh và trong các nguồn ngữ liệ thế kỉ XVIII - đầu XIX.

Nhìn vào bảng này, so sánh số lượng từ lưu giữ tổ hợp phụ âm và số lần chúng được ghi nhận, sử dụng (xem bảng 1, bảng 2, bảng 3, bảng 4) bên trên, ta có thể thấy rằng: thế kỉ XVIII, đến đầu thế kỉ XIX, /tl/ có sự “tăng tốc” trong biến đổi và đã hoàn tất quá trình biến đổi của nó. Tự vị Annam - Latinh (Dictionarium Annamitico Latinum,1772 - 1773 của P. Pegneaux de Béhaine chỉ còn ghi có một từ lưu giữ tl, không ghi nhận từ nào có bl. Đến Dictionarum Annamitico Latinum của AJ.L.Taberd (1838), tuy trong trang X, phần mở đầu của từ điển này có nói đến bl, tl, nhưng trong bảng từ của từ điển này đã không cung cấp một từ nào còn lưu giữ bl, tl nữa.

Về tổ hợp phụ âm bl, ml, trong các ngữ liệu thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX được khảo sát, có 14 từ còn giữ / bl /, 06 từ còn giữ / ml /. Điều này cho thấy, đến lúc đó, hai tổ hợp / bl /, / ml / vẫn chưa hoàn toàn biến đổi xong mà mới chỉ coi như đã tiệm cận điểm hoàn tất. Như vậy, đã có sự thay đổi về mức độ hoàn thành quá trình biến đổi [10]: /tl/ biến đổi xong hoàn toàn, /ml/ đến gần dấu mốc hơn, /bl/ vẫn còn ở xa dấu mốc hơn /ml/.

5.4. Khảo sát thực tế việc ghi tiếng Việt trong các văn bản viết bằng chữ Quốc ngữ thế kỉ XVII đến đầu thế kỉ XIX có thể thấy được rất nhiều thông tin về nhiều mặt (ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa, ngữ pháp, ngữ dụng, phong cách…) của Việt ngữ đương đại. Trong phạm vi ngữ âm, dựa vào chính cách ghi bằng chữ Quốc ngữ trong các văn bản hữu quan, trước đây, chúng tôi cũng đã tìm thấy những bằng chứng để xác định phụ âm /ɓ/ (được ghi bằng chữ b) trong Việt ngữ thế kỉ XVII - đầu XIX (Vũ Đức Nghiệu, 2014). Những khảo sát trình bày trên đây của chúng tôi về mức độ biến đổi của /bl/, /ml/, /mɲ/, /tl/ là thêm một số trường hợp cụ thể nữa. Các nguồn ngữ liệu viết bằng chữ Quốc ngữ (đặc biệt là chữ Quốc ngữ giai đoạn thế kỉ XVII - XIX) vẫn đang chờ đợi tiếp tục được khai thác để nghiên cứu những vấn đề trong lịch sử của tiếng Việt./.

CÁC NGUỒN NGỮ LIỆU ĐƯỢC KHẢO SÁT

[1]        Chữ quốc ngữ thế kỷ XVIII. (Gồm 42 văn bản thư viết từ năm 1687đến năm 1825). Đoàn Thiện Thuật phiên chú  giới thiệu. Nxb. Giáo dục. Hà Nội 2008.

[2]        Lịch sử chữ quốc ngữ. (Gồm 3 văn bản: Lịch sử nước Annam [Bento Thiện viết]; Thư năm 1659 của  Bento Thiện; Thư năm 1659 của Igesico Văn Tín). Đỗ Quang Chính. Tủ sách Ra khơi, Sài gòn,1972, Nxb. Tôn giáo, 2008.

[3]        Từ điển Annam - Lusitan - Latinh. (Dictionarivm Annnamiticvm Lvsitanvm, et Lainvm ope). Rhodes, A.de. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.

[4]        Sách sổ sang chép các việc. Philiphê Bỉnh. Viện Đại học Đà Lạt, 1968.

[5]        Tự vị An nam La tinh (Dictionrium Anamitico Latinum). Pigneaux de Behaine, P. (Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu). Nxb. Trẻ.1999.

[6]        Dictionarium Annamitico-Latinum (Nam Việt Dương hiệp tự vị). Aj.L. Taberd (Nhà xuất bản Văn học - Trung tâm nghiên cứu quốc học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1          Barker M. E. (1963). Proto Vietmuong initial labial consonants. Văn hóa nguyệt san. 12, tr.491-500. Sài gòn.

2          Barrow J. A voyage to Chochinchina in the years 1792 - 1793. (Một chuyến du hành tới xứ Nam Hà trong các năm 1792 - 1793). Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2011.

3          Соколовская К.Н. (1978). Mатериалы по сравнительно этимологическому словарю Вьиетмыонгских языков - исследования по фонологии и грамматике Восточных языков. Mосква.

4          Gregerson K. J. 1969. A study of midle Vietnamese phonology. Bulletin de la Societe des   Etudes Indochinoises, Saigon,  Vol. 44 (2), pp. 131 - 193.

5          Haudricourt A. G. 1950. Les consonnes préglottalisées en Indochine. BSLP 46.

6          Hoàng Dũng. 1991. Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre De Rhodes - nguồn cứ liệu  soi sáng quan hệ giữa các tổ  hợp kl, pl,  bl, tl và ml trong tiếng Việt. Ngôn ngữ, số 4, tr. 5-7.

7          Maspero H. 1912. Etudes sur la phonétique historique de la langue Annamite. Les initiales. BEFEO, Vol.12, no.1

8          Nguyễn Phương Trang. 2015. Chữ viết tiếng Việt cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX qua văn bản “Sách sổ sang chép các việc”. Từ điển học và Bách khoa thư, số 3 (35).

9          Nguyễn Tài Cẩn.        

- 1995. Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt. Nxb. Giáo dục. Hà Nội. - - 1998. Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá. Nxb. ĐHQG Hà Nội, 2001.

10        Nguyễn Văn Lợi. 2010. Phục nguyên hệ thống ngữ âm tiếng Việt thế kỉ XVII (Trên cơ sở   Dictionrium             Annamiticum Lusitianum et Latinvm (Từ điển Annam - Lusitan - Latinh)      của Alexandre de Rhodes). Từ điển học & Bách khoa thư. Số 5; tr.16 - 29.

11        Vũ Đức Nghiệu (2014). "Chứng tích của âm đầu */ɓ / trong một số văn bản viết bằng chữ Quốc ngữ thế kỉ XVII - đầu thế kỉ XIX". Ngôn ngữ, S.9, 2014; tr.32 - 44.



[1] Không kể tổ hợp phụ âm pl, và chữ viết tương ứng pl, tuy Rhodes không đưa vào Dictionarivm Annnamiticvm Lvsitanvm, et Latinhvm ope (Từ điển Annam - Lusitan - Latinh; Cũng gọi Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latinh) của A. de Rhodes [3] của ông, nhưng ông có đề cập trong phần Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông kinh: “... đôi khi, nhưng khá họa hiếm người ta còn thêm l vào p, thí dụ plàn ...” ([3], tr.8. Phần dịch tiếng Việt).

Ngoài ra, Barrow J. trong cuốn sách Một chuyến du hành tới xứ Nam Hà trong các năm 1792 - 1793 (A voyage to Chochinchina in the years 1792 - 1793) có cung cấp một danh sách ngắn từ ngữ, trong đó có 05 từ cho thấy: tiếng Việt Đàng Trong hồi đó có các âm được ghi bằng tổ hợp con chữ tương ứng là: bl (mat bloei - mặt trời,  blái - trái (cây), blang - trăng), tl (te lung - trứng), kl (klang - trăm). (Barrow J., 1792-1793; tr. 90-93].

Tuy nhiên, vì chỉ đang nói đến bl -, ml -, mnh-, tl - được ghi trong Từ điển Annam - Lusitan - Latinh, nên chúng tôi chưa nói đến những tổ hợp âm đó.

[2] Một nghiên cứu khác cung cấp 11 từ có song thức với bl - tl, đưa từ blả - tlả, không đưa từ blét - tlét (Hoàng Dũng, 1991). Chúng tôi chỉ thấy có dạng tlả [cái trã, cái niêu đất kho cá], không thấy tlả (= blả = trả [lại]).

[3] Từ này ghi ở mục từ ỐM

[4] Trong bảng này, con số ghi trong hàng, cột, là số lần tổ hợp được ghi trong nguồn ngữ liệu tương ứng. Riêng khi /bl/ được viết tắt là B trong cụm từ viết tắt DCB (Đức Chúa Blời), của Sách sổ sang … thì chúng tôi không tính, vì quá nhiều.

[5] Trong bảng số liệu này, con số ghi trong hàng, cột, là số lần tổ hợp được ghi trong nguồn ngữ liệu tương ứng.

[6] Đây là trường hợp duy nhất chúng tôi gặp được, ghi từ lắmmlắm. Tác giả của thư này là Pê Jacobe Vít Vồ Gortinense, viết năm 1818 gửi các thầy cả Annam ở Đàng trong nhân dịp Tết Nguyên Đán. Chúng tôi ngờ rằng tác giả viết không đúng do ảnh hưởng của cách viết những từ nghe gần tương tự.

[7] Xem thêm: Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên: Lời tựa cho cuốn Tự vị Annam Latinhh [5, tr. 13].

[8] Duy nhất ở từ tla trong Tự vị Annam - Latinhh (Dictionarium Annamitico Latinhum) năm 1772 – 1773.

[9] Không kể từ mlắm chúng tôi ngờ là viết nhầm. Xem chú thích 7.

[10] Nói như vậy là nói trên toàn cục của hệ thông chung. Trên thực tế, /bl/, /tl/ vẫn có thể được bảo lưu, ở một vài phương ngữ, thổ ngữ nào đó, không được sử dụng rộng rãi.