Người lặng lẽ ở số 9 Nguyễn Đình Chiểu

Các thi sỹ Việt Nam hiện đại ít ai có cảm quan thơ về sự lặng im và yên tĩnh một cách trang trọng trong một tập thơ như ông ấy. Người đã từng triết lý rằng chỉ có biển khơi mới thấu hiểu vì sao con người lại không tìm được sự yên tĩnh trong đời. Và vì thế không biết từ bao giờ và ở đâu, người ta đã đánh mất sự yên tĩnh của bản thân mình như là mất đi một giá trị nhân văn. Chỉ mong được một ngày lặng lẽ trong cõi một mình. Bởi thế cho nên khi đặt bút viết về người ấy, tôi nghĩ ngay đến việc ông đã mai danh ẩn tích giữa chốn đô hội có nhẽ quá 15 năm rồi, liệu có đụng vào cái khoảng trống bình lặng của người ta hay không? Ngày 23-1 chuyển bài cho ông. Ngày 25-1 tôi được trả lời. Phải chờ … sau đại hội nhà văn mới được đăng báo. Chao ôi, Nhà văn là nhà văn. Tôi đã rời xa chốn quan trường được mấy niên rồi mà giờ lại gặp được hình thù gần giống như của nó. Của ông ấy. Của tôi. Và của nhiều người khác nữa. Của bầu trời phương đông nghìn năm phủ bóng mây chiều. Có phải một lúc nào đó tôi đã không hiểu lời Nguyễn Đình Thi: Người viết phải nhạy cảm với nỗi đau vô hình của cuộc sống? Vả lại ông có khiến đâu mà tôi viết? Âu là cái duyên kiếp của một kẻ lãng du trong cõi văn chương vô định không cần tính đếm này? Hoặc bởi tại tôi yêu cái lý thuyết lặng lẽ của ông lúc nào mà cũng chẳng hay?

Trong số các nhà văn đương thời tôi quen biết, hiếm ai có cử chỉ thân thiết như ông. Dù là điện thoại hay giao tiếp thông thường, ông hay gọi tên bút danh của tôi đầy đủ. Nghe trân trọng và gần gụi. Ở đời này, thi nhân tìm đến nhau chỉ để ngập chìm trong cái thế giới ảo đôi khi hão huyền của thi ca mà thôi. Tự soi mình vào trong đó và nhận ra cái tạng của nhau. Của những kẻ trót đem thân dính vào nghề nghiên bút. Người ta thích nhau phần nhiều chẳng vì cái gì cả. Chỉ vì cùng yêu một vần thơ lạ đã treo tít tắp ở đâu đó nơi chân trời trong cái thế giới tinh thần mênh mông đầy trắc ẩn mà các văn sỹ ngàn đời đã sáng tạo ra.

Vào những lúc thư nhàn, tôi thường mở cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại, xuất bản năm 2010, ra xem. Giống như mở Kinh Tân ước hay Hà Nội 36 phố phường của Thạch Lam. Xem đi xem lại để thưởng mạn. Cuốn sách đó xếp các nhà văn theo thứ tự a, b, c. Mỗi người chỉ được một trang. Tất cả đều có ảnh. Thi thoảng là một bức họa chân dung sơ sài nơi góc giấy nhỏ bằng mặt bao diêm. Phần nhiều họ đăm chiêu. Ít có khuôn mặt hớn hở lắm. Ở trang 548 hiện diện một người với mái tóc đen để dài. Ôm lấy khuôn mặt trầm lặng. Vòng tóc dày chạy xung quanh che kín cả một bên vầng trán. Dưới đó thường trực cặp kính trắng. Chắc là gọng nhựa. Bộ tóc và khuôn mặt nói rằng người ấy còn trẻ. Và vì nó mà có thể người ta cũng gặp nhiều khúc đoạn trường lắm đây? Và còn gì nữa chắc không phải một sớm một chiều để hiểu hết được cuộc đời của một nhà văn? Sinh năm 1944 ở Đà Lạt. Quê cha Hà Tĩnh. Quê mẹ Bình Định. Quãng đâu năm 2010, tôi gặp ông ấy mới ngỡ ngàng vầng tóc đen kia đã ngắn lại và bạc trắng trường đời. Giọng nói pha Bắc trộn Nam. Không còn có cái pure của một đôi vùng ven biển miền Nam Trung Bộ khi mà nguyên âm a ở giữa những từ có dấu nặng và ở cuối từ có phụ âm P, kiểu như mập mạp, múa sạp, xe đạp … thi a được chuyển thành u. Bộ điệu lúc nào cũng tỏ ra cẩn trọng. Có vẻ của một chính ủy …hay một quan chức hàng tỉnh miền trung du Bắc Bộ luôn biết khép mình vào kỷ cương ở chốn quan trường hơn là một nhà văn. Không giống những gì đã vẽ trong sách nữa. Vâng – ông là nhà thơ Ngô Thế Oanh.

Có nhiều cái nhớ trong trang 548. Nhưng nhớ hơn cả là suy nghĩ về nghề văn của ông. “Điều đòi hỏi trước hết và chủ yếu ở một người viết là sự lương thiện”. Quan niệm này chưa hẳn đã được mọi người đồng ý. Nhưng tôi quý ông cũng điều trước hết không phải bởi sự ru hời của văn chương. Bởi tại chính cái quan niệm mà ông suốt đời hành xử theo phương châm ấy. Mặc dù mở đầu tập Tâm hồn, sứ mệnh của nhà thơ được Ngô Thế Oanh diễn tả cay đắng hơn nhiều.

Ngô Thế Oanh thuộc lớp các nhà thơ chống Mỹ cứu nước. Sau khi tốt nghiệp Văn khoa tổng hợp Hà Nội, công tác ở báo Tiền Phong một thời gian. Đầu năm 1971, ông tình nguyện đi chiến trường khu 5. Chiến trường Quảng Đà ác liệt. Sống và viết ở đó cho đến ngày giải phóng. Một người mình hạc xác ve như vậy làm sao có thể vượt qua được những thử thách khốc liệt để trở về? Và điều lương thiện trong những điều lương thiện, ông đã góp phần gìn giữ Nhật ký Chu Cẩm Phong đến ngày về lại Hội An trao một phần tài liệu ấy tận tay cho mẹ liệt sỹ. Sau nhiều năm hòa bình, cái thị trấn ven biển nhỏ bé ấy, có lần tôi đến làm việc tại một cơ quan. Thấy bàn thờ hương khói ở trong đó. Hỏi ra mới biết người ta đào móng sửa lại nhà thấy nhiều bộ xương người. Rõ ràng là người ở bên ta. Cách ngôi nhà ấy không xa, ở góc vườn có một cây xoài lá xanh đến mức kỳ lạ. Sau rồi phát hiện được ngôi mộ tập thể khác ở gần đó. Khai quật lên thấy còn lẫn nhiều xác bộ đội với bi đông và dép cao su. Nhiều đến hàng trăm. Của năm 68. Tôi bỏ ý định mua chiếc đèn treo giấy đỏ ở phố cổ mang về Bắc. Sợ là mỗi buổi tối mùa đông thắp lên lại như thấy mình có lỗi. Cái thị trấn ven biển còn ở lại rất nhiều người vô danh dưới đất. Nhật ký của Chu Cẩm Phong là nhật ký của một thời đại. Một thế hệ. Không đếm được có bao nhiêu người đã ngã xuống và mình đầy thương tích ở mảnh đất này? Thật xúc động những trang ghi về các văn nghệ sỹ. Bùi Minh Quốc. Dương Thị Xuân Quý. Phan Huỳnh Điểu. Nguyễn Trọng Định. Cao Duy Thảo … Hiểu và trân trọng hơn một thế hệ cầm bút đã sống và viết hết mình. Hiểu những trải nghiệm của con người khiêm nhường ấy đã thử thách điều gì trong những năm bom đạn. Hiểu thêm cái triết lý, ở đời này đôi khi người ta im lặng còn hơn là nói rất nhiều. Hiện tại còn nợ nần quá khứ nhiều quá. Không biết có bao nhiêu người ở lại dưới gốc cây bờ cỏ. Xưa là bãi chiến trường. Từ khói lửa chiến tranh triệu triệu người trở về. Có những ai chỉ bình yên với cái chữ khiêm nhường ấy thôi? Không chút gì đòi hỏi bổng lộc hay chức tước cao sang. Tuổi cao tóc trắng chỉ vì yêu thơ mà hàng ngày vẫn lăn lộn đến cơ quan làm việc. Nóng bức cũng như mưa rét. Không biết có bao nhiêu vị khách văn chương đến nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu lên tầng 4 Tạp chí Thơ đã có những ai biết con người lặng lẽ đó thời trai trẻ sống và viết ở chiến trường chẳng khác gì Chu Cẩm Phong hay nữ văn sỹ họ Dương, tác giả của tập Hoa rừng … Ông sống như một ẩn sỹ giữa biết bao nhiêu là vinh hoa của thời bình. Tạp chí Thơ bao lâu rồi vẫn thanh bạch như tên gọi và xiêm áo của nó. Nó ít mùi vị thị trường nhất trong số hàng nghìn tạp chí đủ loại hàng ngày, hàng giờ đang khiêu khích người đọc và thách thức với chân thiện mỹ của văn chương và cuộc sống.

Ngô Thế Oanh xuất bản thơ không nhiều. Tôi đọc thơ của ông ấy chủ yếu qua văn chương mạng. Tình yêu nhận từ đất. In chung năm 1977. Tâm hồn. Nhà xuất bản Đà Nẵng in 1995. Thanh Thảo bảo Ngô Thế Oanh là người tìm kiếm mình chứ không tìm kiếm thơ. Người tìm cách làm sáng rõ những khoảng còn mù mờ trong bản thể mình. Chỉ ngần ấy thôi, đủ làm một Ngô Thế Oanh khiêm nhường và khác biệt. Gửi sông Thu Bồn. Vô danh. Trong cánh rừng giá lạnh. Ghi vội ở Bảo An Đông. Khoảng lặng yên tháng 4 … cho thấy một chặng đường của nhiều đời người từ chiến tranh về với hòa bình. Thơ Ngô Thế Oanh như những ngọn gió thổi không nguôi từ miền ký ức và hoài niệm. Chất ký sự in đậm trong thơ. Bài thơ dài Ghi vội ở Bảo An Đông thấp thoáng nhật ký chiến trường kiểu Chu Cẩm Phong. Vô Danh kể về sự mất mát hy sinh. Ngô Thế Oanh có cách nói của riêng mình. Một sự giản lược nghiệt ngã. Những tên tuổi. Những cuộc đời khát vọng. Giờ chỉ còn giản lược: Vô danh.

Đôi khi tôi lẩn trốn cuộc đời vào những fugue của Johann Sebastian Bach, đã lắng đọng trong đời sống tinh thần của nhân loại giai điệu trầm buồn. Nhớ lại câu chuyện kể bằng thơ của Ngô Thế Oanh về người con gái yêu những fugue ấy vang lên dưới vòm các thánh đường tới cõi vô cùng thanh khiết. Sau chiến tranh, ông tình cờ nghe được những fugue của Bách từ ngôi nhà bị bom đánh sạt như một lời năn nỉ con người hãy yêu nhau và gìn giữ tình yêu. Vì sự thôi thúc ấy, thi sỹ đã đi tìm lại người xưa. Nhưng chẳng bao giờ gặp nữa. Chỉ còn lại trên những gì đổ vỡ của chiến tranh. Những fugue tha thiết một thời giờ như là những vết thương xót xa lắng lại. Với Ngô Thế Oanh, thơ đồng hành với ký sự cùng với triết lý và suy tưởng mà Kỉ niệm trên những fugue cùng một số bài thơ khác viết sau hòa bình càng tỏ rõ sự trưởng thành theo khuynh hướng này. Người đàn bà hát. Nhà thơ. Trên một khúc Prelude của Sopanh. Đêm thức nhớ một nhà thơ Đường. Độc thoại Oxíp Mandestan. Trở lại với Ham lét. Tự họa 1987 … là những ví dụ.

Thơ Ngô Thế Oanh giàu hoài niệm. Tôi đi theo mùa hạ ấy xa, mùa hạ ấy xa rồi khi một loài hoa trắng vẫn nở màu thanh khiết mà chẳng thể thản nhiên trước số phận con người như người đàn bà vận robe đen tóc màu huyền đen đêm đêm vẫn hát ở bar cà phê Hợp Phố. Như thi nhân thấy mình giống như mẩu thuốc lá bị quét khỏi quán cà phê trước giờ đóng cửa, để hiểu mỗi ngọn cỏ vô danh cũng bình đẳng với người. Nhưng hoa tường vi dại vẫn nở trong khu vườn yên lặng nắng hiền thảo như chưa bao giờ hiền thảo của thành phố tuổi thơ. Trở về già. Có một người đi về phương Nam. Chẳng thể đành lòng mùa thu tháng 9 tuôn một trời vàng điệp nơi phố phường Hà Nội … Cái hoài niệm cùng chất triết lý thâm trầm cứ lắng đọng dần theo năm tháng hòa bình sau chiến tranh trong thơ Ngô Thế Oanh. Và tôi hiểu vì sao mùa thu thanh bình lại tuôn những lớp lá không lời trên vai người thi sỹ. Những ngọn gió của ký ức là bài thơ tiêu biểu được viết theo hướng đó. Chất ký sự lan tỏa trong những dòng thơ coi trọng tính triết lý, suy tưởng làm sâu sắc và lay động số phận của những con người trong thơ phải chăng đã góp phần làm nên giọng điệu riêng của thi sỹ họ Ngô.

Tôi yêu Xuân Diệu từ buổi Tôi dạo tìm thơ gặp biệt ly của Thơ ThơGửi hương cho gió. Yêu cái chàng Xuân Diệu ngày xưa hay buồn lắm. Rồi một kỷ niệm buồn vô cớ xảy ra. Năm 1970. 1971. Xuân Diệu vào Văn khoa tổng hợp nói chuyện thơ. Cái bộ điệu đầu lắc lắc. Kính trắng đeo trễ. Quạt giấy mở ra đập phành phạch … khiến chàng giống một bà đầm già nhiều hơn là một thi nhân. Càng nói con đỉa vắt qua mô đất chết bao nhiêu … Càng làm cho tình yêu của tôi với chàng nguội lạnh. Sự thể ấy cứ âm thầm mấy chục năm chưa dứt cho đến khi gặp Ngô Thế Oanh, tình yêu Xuân Diệu từ buổi ban đầu mới nguôi ngoai trở lại.

Dường như giữa họ có sự đồng điệu. Xuân Diệu thường tự hào cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong. Có phải vì thế không mà người bạn vong niên của tôi luôn giành cho Xuân Diệu tình cảm đặc biệt. Sau năm 1975, thời còn công tác trong Nam đến mãi năm 1987, mỗi khi ra Hà Nội ông thường được Xuân Diệu trách yêu Sao em không đến chơi nhà … Sau Tết dương lịch vừa rồi, Ngô Thế Oanh bảo tôi Xuân Diệu cô đơn không có gia đình nên năm nào nhằm dịp tết cũng lên viếng mộ. Năm nay lên sớm vì cây hoa giấy mà Hội Nhà văn và Tạp chí Thơ trồng từ những năm trước đã bị khô. Cần chăm sóc. Hy vọng mùa hè này nhiều nắng. Cây sẽ nở hoa. Thực là cái tình riêng có của các thi nhân. Khi họ sống chỉ mải mê đi tìm cái đẹp cho đời. Đám thi sỹ là lớp người thanh bạch nhất. Họ quên mất cả bản thân. Ở nơi xa xôi trong chốn diêu linh, Xuân Diệu biết chăng những kẻ hậu thế lại lo lắng cho một nhành hoa dân dã nở trên bia mộ vào một ngày nắng đẹp như chứng tỏ sự bất tử của một thi tài. Như ghi lại tấm lòng của kẻ đi sau với một người đã sống chết vì thơ. Ngô Thế Oanh từng viết Chỉ hoa trên mộ nhà thơ là không biết tùy thời.

Tôi đến viếng mộ Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu, Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Quang Dũng … ở nhiều nơi trên đất nước ta. Ở đâu dường như tôi cũng thấy trong không gian yên tĩnh và oai nghiêm đâu đó mơ hồ ngọn gió ấm áp từ miền ký ức kể về sự bất tử của thi ca nhân loại và nhắc nhở tình đời và tình nghệ sỹ của những người đã tự nguyện đem đời mình đứng chân vào hàng ngũ thi nhân – Vẫn tha thiết thổi. Và tôi nhớ Độc thoại Oxíp Mandestan trong thơ Ngô Thế Oanh như nhắc nhở lòng mình

Hãy cố đứng lên màn cuối thiên bi kịch

Ta đâu phải người cuối cùng. Ta đâu phải kẻ đầu tiên

 

Xuân 2015.  

Nguồn: Văn nghệ số 35+36 ra ngày 29-8-2015            

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website