Hội thảo khoa học cấp Quốc gia: Chữ quốc ngữ: sự hình thành, phát triển và những đóng góp vào văn hóa Việt Nam

               Tính đến năm 2015, chữ quốc ngữ - thứ chữ viết ghi âm mà chúng ta dùng hiện nay đã tròn 400 năm. Từ khi hình thành cho đến nay, dù trải qua nhiều biến đổi, thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, sự tồn tại và hoàn thiện của chữ quốc ngữ là điều đáng ghi nhận và trân trọng.

               Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển trong suốt 400 năm, đồng thời đánh giá những đóng góp của chữ quốc ngữ vào nền văn hóa Việt Nam, ngày 03 tháng 10 năm 2015, Hội thảo cấp Quốc gia về chữ quốc ngữ: sự hình thành, phát triển và những đóng góp vào văn hóa Việt Nam do ba đơn vị là Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG-HCM, Trường Đại học Phú Yên và Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Vietstar Resort (Núi Thơm, An Phú, Tuy Hòa, Phú Yên).

               Tham dự Hội thảo có đông đảo các nhà nghiên cứu, các học giả từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước, như: Trường ĐH KHXH&NV- ĐHQG-HCM, Viện Ngôn ngữ học, Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, Trường ĐH KHXH&NV- ĐHQG-Hà Nội, Trường Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Khoa học Huế, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Phú Yên, Trường ĐH Quy Nhơn, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên-ĐHQG-HCM, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM,…; đặc biệt có sự tham dự của một nhà nghiên cứu đến từ Đại học Osaka (Nhật Bản).

Hình 1: Toàn cảnh Hội thảo

               Mở đầu Hội thảo, thay mặt cho BTC, PGS.TS. Võ Văn Sen – Hiệu trưởng Trường  ĐH KHXH&NV- ĐHQG-HCM đọc diễn văn khai mạc. Trong đó, PGS không chỉ nhấn mạnh về những vấn đề cốt lõi trong quá trình hình  thành và phát triển của chữ quốc ngữ mà còn nhấn mạnh đến sự phối hợp tổ chức của cả ba đơn vị, cùng với sự hiện diện của hàng trăm nhà nghiên cứu, học giả trong cả nước trong Hội thảo này. PGS.TS. Võ Văn Sen cũng đề cao vai trò của chữ quốc ngữ, trên nền tảng: “Ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc” (Wilhelm von Humboldt). Ông khẳng định: “Tiếng Việt và chữ quốc ngữ là tinh thần, là linh hồn của dân tộc Việt. Quốc tuý ấy cần được dung dưỡng để phát triển mạnh mẽ”.  

Hình 2: PGS. TS. Võ Văn Sen đọc diễn văn khai mạc Hội thảo.

               Ông Trần Quang Nhất – Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên, đại diện cho UBND tỉnh nói lời cảm ơn và tặng hoa cho PGS. TS. Võ Văn Sen; đồng thời, ông cũng gửi gắm niềm tự hào: “Là một trong những nơi phôi thai chữ quốc ngữ, Phú Yên hiện là nơi lưu giữ hai cuốn sách in đầu tiên bằng chữ quốc ngữ của giáo sĩ Alexandre de Rhodes tại nhà thờ Mằng Lăng, xã An Thạch, huyện Tuy An”.

Hình 3: Ông Trần Quang Nhất – Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên phát biểu ý kiến. 

               Thay mặt cho đơn vị chủ nhà, CVCC. ThS. Trần Văn Chương – Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên cũng có đôi lời chia sẻ rất ngắn gọn và chân tình. Ông thay mặt cho toàn thể cán bộ, giảng viên Trường ĐH Phú Yên gửi lời cảm ơn đến toàn thể người tham dự, nhất là các nhà tài trợ về sự cộng tác cũng như sự hiện diện trong Hội thảo.

 Hình 4: BTC tặng hoa cho các nhà tài trợ.

Tiếp tục chương trình, Chủ tọa đoàn gồm có: PGS.TS. Võ Văn Sen (Hiệu trường Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM), TS. Hoàng Minh Đạo (Viện Phó Viện NCPT Phương Đông), CVCC. ThS. Trần Văn Chương (Hiệu trưởng Trường ĐH PHú Yên), GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp (Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học), GS.TS. Nguyễn Đức Dân (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) bắt đầu điều khiển Phiên toàn thể.

 

 Hình 5: Chủ tọa đoàn điều khiển Phiên toàn thể.

 

(Từ trái qua: TS. Hoàng Minh Đạo; CVCC. ThS. Trần Văn Chương; PGS.TS. Võ Văn Sen; GS.TS Nguyễn Văn Hiệp

và GS.TS. Nguyễn Đức Dân)

                Phiên toàn thể được mở đầu với báo cáo đề dẫn “Một số vấn đề về chữ quốc ngữ” của GS.TS. Nguyễn Thiện Giáp (Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG Hà Nội). Báo cáo đề dẫn tập trung vào hai phương diện: những vấn đề mang tính học thuật (sự hình thành, biến đổi, định dạng của chữ quốc ngữ; vai trò và những bất hợp lý của nó;…); và những vấn đề liên quan đến chính sách ngôn ngữ (phổ biến chữ quốc ngữ; quy định chức năng và vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ). Nội dung báo cáo gần như khái quát cho toàn phiên Hội thảo.

   Hình 6: GS.TS. Nguyễn Thiện Giáp đọc báo cáo đề dẫn.

               Cũng ở Phiên toàn thể, các cử tọa còn được nghe các tham luận: Về sự hình thành và thay đổi hệ thống chữ viết ở Việt Nam và Đông Á (GS.TSKH.Viện sĩ Trần Ngọc Thêm, Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM); Chữ quốc ngữ- những chặng đường phát triển qua báo chí (GS.TS. Nguyễn Đức Dân, Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM); Quá trình biến đổi chữ quốc ngữ từ “Phép giảng 8 ngày” của A. de Rhodes (1651) đến “Đại Nam quấc âm tự vị” của Huình Tịnh Paulus Của (1895) và thực trạng hiện nay: thảo luận một số cách viết hiện chưa thống nhất trong chính tả tiếng Việt (GS.TS. Nguyễn Văn Khang; Viện Ngôn ngữ học); Vì sao Romaji - ký tự Latinh hóa trong tiếng Nhật - đã không trở thành văn tự phiên âm chính thống duy nhất trong tiếng Nhật? (TS. Phan Thị Mỹ Loan; Trường ĐH Osaka, Nhật Bản); Tìm hiểu nét đặc trưng về mặt ngữ âm của thổ ngữ Quảng Nam tại Hội An và tìm hiểu dấu vết của nó trong cuốn “Từ điển Việt – Bồ - La” (HVCH. TOHYAMA Emi; Khoa Ngôn ngữ học Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội); Chữ quốc ngữ hiện nay qua các con số thống kê (PGS.TS. Đinh Điền; Trường ĐH KH Tự nhiên TP.HCM). Có thể nói, các tham luận này không chỉ cho thấy sự phát triển chữ quốc ngữ trong thế tự thân mà còn cho thấy sự tương liên của nó với các ngôn ngữ láng giềng cũng chịu ảnh hưởng từ hệ thống chữ viết Latinh. Đồng thời, hai cuốn sách bằng chữ quốc ngữ đầu tiên được xuất bản cũng được đưa ra thảo luận về sự biến đổi trong cách sử dụng con chữ cũng như giá trị nền móng của nó đối với sự phát triển của chữ quốc ngữ về sau.

               Đến buổi chiều, Hội thảo tiếp tục phiên làm việc ở hai tiểu ban: Tiểu ban 1 – Những vấn đề tổng quan về chữ quốc ngữ; Tiểu ban 2 – Những đóng góp của chữ quốc ngữ vào văn hóa Việt Nam. Đúng như phần nội dung đã nêu, hai tiểu ban dưới sự điều khiển của tọa đoàn đã tiếp tục báo cáo các tham luận và cũng đã có những trao đổi, chia sẻ cũng như tranh luận thiết thực, mang tính xây dựng cao.

               Cũng trong Hội thảo, GS.TSKH Lý Toàn Thắng (Viện Ngôn ngữ học) đã có những ý kiến phát biểu rất xác đáng. Ông cho rằng, nên lập một “Hội bảo vệ và phát huy các chữ viết ở Việt Nam” để các nhà nghiên cứu, các học giả có thêm nhiều cơ hội trao đổi, nghiên cứu và đưa ra nhiều lý giải, minh chứng cho chữ viết của dân tộc.

Hình 7: GS.TSKH Lý Toàn Thắng phát biểu ý kiến.

 Kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Công Đức (Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHH&NV TP.HCM) thay mặt BTC đọc báo cáo tổng kết. PGS.TS. Nguyễn Công Đức thay mặt BTC cảm ơn sự hiện diện của các cử tọa và các ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, các học giả. Ông cũng một lần nữa khẳng định: “Hội thảo lần này là cơ hội giúp cho các nhà nghiên cứu nhìn lại một hành trình dài, gần 400 năm hình thành và phát triển của chữ quốc ngữ. Thứ chữ viết ấy, dù còn nhiều bất hợp lý như chúng ta vẫn nhắc nhưng cho đến hôm nay, sự phát triển và hoàn thiện của nó là một điều rất đáng trân trọng  và cần được phát huy”.

 

  Hình 8: PGS.TS. Nguyễn Công Đức đọc báo cáo tổng kết Hội thảo.

 

Hình 9: Các đại biểu và Ban tổ chức Hội thảo chụp hình lưu niệm. 

 

 

 

Danh mục website