Hãy là cánh diều tiếp đất (Hành trang tối thiết yếu cho con đường du học)

              Tôi là giáo viên dạy văn ở một trường trung học phổ thông chuyên, nơi mà đa phần học sinh và phụ huynh đều ấp ủ giấc mơ du học ngay từ khi mới vào trường.Nhiều năm qua, tôi đã tiễn nhiều thế hệ học sinh của mình lên đường du học, và số lượng đó mỗi năm mỗi tăng.Du học đang trở thành một cánh cửa lựa chọn hiển nhiên cho con của các gia đình có điều kiện kinh tế và của những học sinh có năng lực muốn mở rộng chân trời. Trong bài viết này, tôi không bàn đến nguyên nhân và những được mất của xu thế này, tôi chỉ muốn đặt một câu hỏi, họ, những du học sinh đã chuẩn bị gì cho hành trang du học và trở thành công dân quốc tế của mình.

              Câu chuyện của tôi bắt đầu trong một giờ giảng văn Văn học trung đại Việt Nam cho những học sinh lớp 10 đang ấp ủ giấc mơ một hai năm nữa sẽ đường hoàng bước vào giảng đường của các đại học danh tiếng thế giới. Cái mà họ đang học song song với chương trình học chính quy là các bộ đề SAT, là các môn học để thi bằng tú tài quốc tế, các chứng chỉ văn bằng…, những tấm vé vào cổng cần thiết của các trường đại học trên thế giới. Giữa những kiến thức mới lạ và có giá trị thực tiễn cấp thời như thế, bài giảng về hành trình văn học trung đại Việt Nam, từ Lý Trần đến Lê Nguyễn, từ chữ Hán đến chữ Nôm, từ Lý Công Uẩn đến Nguyễn Du… như một nốt nhạc lạc lõng, như một câu chuyện đời xưa rất xưa chẳng thể nào liên quan tới đời sống đang căng tràn sức trẻ, đang phấp phới hi vọng, đang hăm hở dấn bước của các chàng trai cô gái tuổi hoa niên. Tôi đành phải tạm dừng bài giảng để hỏi han các em về những kế hoạch tương lai, về những con người các em muốn trở thành. Đa phần đều nói về những giấc mơ các đại học trên thế giới, và những tháng năm làm việc, trưởng thành trong môi trường quốc tế.Để một khoảng lặng, tôi hỏi, vậy các em có bao giờ nghĩ giữa môi trường học tập và làm việc với nhiều người nước ngoài, bản sắc, căn tính của cá nhân mình là gì để mình không thấy lạc lõng, để mình tự tin hơn chưa? Các em đều đáp rằng chưa từng nghĩ tới. Và tôi bảo các em, những bài giảng như bài giảng hôm nay sẽ giúp các em từng bước định hình căn tính, cái mà người phương Tây vẫn thường hỏi các em “What is your identity?” Bởi khi các em sống ở nước ngoài, trước khi biết em là A, B, C…, người ta đều gọi em là người Việt Nam, dù muốn dù không, em không chỉ hiện hữu với tư cách một cá nhân, em còn hiện hữu với những giá trị quan của một cộng đồng. Vì thế, hãy học kỹ, nhớ sâu, hãy để tâm hồn mình thấm những giá trị, những tình tự ngàn đời của dân tộc để mình sẽ như con diều thong dong bay lượn khi đã có một chỗ nối với cội nguồn. Trong ánh mắt các em hôm ấy, tôi đã thấy khát vọng bay cao của những con diều nối sợi dây của mình với đất mẹ.Và bài giảng của tôi không còn lạc lõng giữa những phương trời viễn mộng của các em nữa. 

              Tôi đã gặp ở nước ngoài những người bạn Việt Nam đang sống đời du học sinh với ước mơ một tương lai tươi sáng.Họ phải vừa học, vừa làm thêm giữa một cộng đồng rất ít người Việt. Hàng ngày, họ nói tiếng nói không phải tiếng Việt, ăn cơm không phải cơm Việt, hoà nhập vào một cộng đồng mới mong tìm một chỗ đứng, nhưng những con mắt xung quanh vẫn không thể chấp nhận họ như một người thuộc về cộng đồng, vẫn không thể không nhìn nhận họ như một người nước ngoài. Giữa những cái nhìn xa lạ, giữa những “ghẻ lạnh” vô hình đó, cái gì sẽ giúp họ bớt cô đơn, bớt lạc lõng, cái gì sẽ giúp họ tiếp tục ngẩng cao đầu mà bước? Chẳng gì khác là một sự xác lập và ý thức rõ về căn tính cá nhân và căn tính dân tộc mình. Họ trở về trong những căn gác trọ đêm đêm với một câu vọng cổ buồn cất lên từ một miền ký ức thăm thẳm nào đó của tuổi thơ.Họ gắng tìm mua cho được cái bánh chưng để ăn quấy quả trong ngày Tết. Họ bày mâm cũng giao thừa với đủ nghi thức, hoa quả, trầm hương trong đêm trừ tịch. Họ nấu một bát phở, một tô bún bò Huế với đủ hương vị của quê nhà…Những thứ họ chưa từng một lần làm khi ở Việt Nam, giờ đây họ lại có nhu cầu thực hiện chúng để thấy mình hiện hữu, để thấy yên tâm vì mình cũng có một nơi để thuộc về. Khoan hãy nói họ sẽ làm được gì cho quê hương, chính những khoảnh khắc đó, chính quê hương, dân tộc đã nâng đỡ họ để họ có thể tiếp tục con đường của mình. 

              Tôi cũng đã gặp những người Việt đã rời quê hương du học từ những thập niên 1960-70 với ước mong sẽ về phụng sự đất nước.Nhưng, thời cuộc đã vĩnh viễn khép lại giấc mơ của đời họ.Họ phải ở lại xứ người, tạo dựng cuộc đời mới với những giấc mơ mới. Nhưng, thẳm sâu trong họ giấc mơ về một quê hương cất cánh vẫn cháy âm ỉ. Tôi gặp họ giữa xứ người, họ trò chuyện với tôi bằng một thứ tiếng Việt rất xưa, rất đẹp, của nhiều thập kỷ trước, họ kể cho tôi về những ấp ủ thời trai trẻ của họ, họ kể cho tôi về những con đường, những ngôi trường, những hàng cây của Sài Gòn thuở họ cất bước ra đi. Và họ nói về giấc mơ Việt Nam mà họ đã và đang thực hiện cho quê hương dù ở cách xa vạn dặm.Ở họ, dường như ý niệm mình là người Việt chưa bao giờ thôi thường trực, họ nghĩ về dân tộc như nghĩ về chính bản thân mình, họ hiểu dân tộc mình một cách tường tận và vì thế họ biết mình phải làm gì cho đất nước. Tôi tự hỏi, đa phần, họ đều lìa Tổ quốc khi mười tám đôi mươi, phần thời gian họ sống ở nước ngoài còn nhiều hơn cả ở quê hương, cái gì đã neo giữ họ lâu như vậy với cội nguồn? Qua lời của họ, tôi biết chính những bài học từ thuở vỡ lòng đến hết trung học của một nền giáo dục minh định được các giá trị và bản sắc của dân tộc đã thấm sâu vào họ, cho họ một bản lĩnh, một căn tính vững chắc của cá nhân và cộng đồng để những tháng năm ngược xuôi nơi xứ người, họ vẫn luôn có một quê hương tinh thần nuôi dưỡng và yểm trợ. 

              Khi mà nền giáo dục đại học trong nước vẫn còn rất nhiều bất cập, khát vọng được thụ hưởng một nền giáo dục tốt hơn là một khát vọng chính đáng.Tôi yêu những bầu trời rộng lớn mà học trò tôi đang muốn lượn bay.Các em giỏi giang và đầy nhiệt huyết, các em sẽ bay rất cao, rất xa. Tôi chỉ lo cho những lạc lõng, những bất định, những hư vô mà các em sẽ vấp phải khi lượn bay trên những bầu trời xa lạ mà không xác định rõ căn tính của mình. Tôi mong trong ba lô hành trang lên đường của các em, ngoài những tri thức của nhân loại, hãy để một phần nền tảng nhất cho những giá trị, những căn tính, những tình tự của dân tộc, của quê hương, của gia đình, nền tảng sẽ nâng đỡ và chắp cánh cho các em nơi xứ người. 

              Chúng ta đang đặt những câu hỏi về hay ở cho du học sinh, rồi lên án các em khi không về xây dựng đất nước. Thiết nghĩ, khi các em muốn là cánh diều thì cứ để các em tung bay. Khi các em được nối chặt với mặt đất của quê hương, khi các em xác định rất rõ mình là ai trong vai trò một công dân quốc tế, ngại gì chuyện các em không đóng góp được cho quê hương, dù cho ở xứ sở nào.

 

Thông tin truy cập

60778130
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
22300
10454
60778130

Thành viên trực tuyến

Đang có 745 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website