20042024Sat
Last updateFri, 19 Apr 2024 10am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Phụ nữ và văn học kỷ hành

 Những nhà du lịch chuyên nghiệp cũng như những nhà văn, nhà thơ xuất sắc đều là những nhà khám phá vĩ đại. Họ thích đào sâu vào những vùng đất lạ lẫm, xa xăm, những cánh rừng hoang dã, những con người, xã hội để khám phá ra bí ẩn của chúng. Họ sở hữu kho vô tận sự hiếu kỳ và bí mật. Họ sẽ sử dụng kinh nghiệm, con mắt chuyên nghiệp để quan sát những phong tục và văn hóa của loài người. Là chứng nhân của thiên nhiên và những phong cách sống, họ sẽ sử dụng những quan sát đó để phản ánh những thiếu sót, khiếm khuyết của xã hội mà họ đang sống.

Họ ghi lại suy nghĩ của mình và mô tả những hoàn cảnh mà họ trải qua trên những cung đường đi. Văn học kỷ hành thường là tự thuật (autobiography) mà những trải nghiệm mà họ đem đến cho người đọc là khác nhau: thiên nhiên, phong tục, tôn giáo… Những cuộc du hành của  các nhà khám phá châu Âu là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà văn và kịch tác gia: Spencer, Shakespeare, Byron và Milton thường đề cập đến đề tài lữ hành trong tác phẩm của mình.

Trong nhiều thế kỷ, văn học kỷ hành ảnh hưởng đến khá nhiều tác giả, ví dụ như những tác phẩm của Mark Twain (1835-1910) là một dạng đặc biệt của văn học kỷ hành – văn học phiêu lưu (Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn, Đi nước ngoài, Đời sống trên dòng sông Mississippi …). Ngày nay, nhiều nhà tiểu thuyết xây dựng tác phẩm dựa trên hoạch định của một chuyến du lịch- đất liền hay ngoài khơi, trong nước hay ngoài nước, cuộc du lịch đó có thể thật hay tưởng tượng… Từ Daniel Defoe (1660-1731) với Robinson Crusoe (1719) đến Jonanthan Swift (1667-1745) với Gulliver phiêu lưu kí (1726)

1.“ĐI” KHÔNG CÒN LÀ ĐẶC QUYỀN CỦA ĐÀN ÔNG

Ngày xưa chỉ có đàn ông là được quyền đi nhiều, những thành ngữ “lang bạt kỳ hồ”, “tứ hải chi nội giai huynh đệ”… đều ám chỉ đàn ông. Đối với các nhà văn, đi nhiều là một tiêu chí của chất lượng “Độc phá vạn quyển thư, hành quá vạn lí lộ”( đọc hàng vạn quyển sách, đi hàng vạn dặm đường), ca dao Trung Quốc đã nói như vậy. Nhiều tác giả cổ điển Trung Quốc cũng đã thành công trong việc chuyển tải những phát hiện của văn học kỷ hành đến những ‎y nghĩa mà văn học biểu hiện. Ngô Thừa Ân với Tây Du Kí là một ví dụ điển hình. Đặc biệt đối với Trung Quốc, một quốc gia rộng lớn thì việc các văn thi nhân đi du lịch và viết về hành trình của mình càng nhiều hơn (Khuất Nguyên, Tư Mã Thiên, Lí Bạch, Đỗ Phủ…)

Xuất phát từ quan niệm Nho giáo Trung Quốc, đàn bà chỉ ở nhà, quanh quẩn ra vào lầu son, gác tía. Thơ Đường có một dòng “khuê oán”, “cung oán” đã mặc nhiên giới hạn không gian của người phụ nữ là “khuê, cung”, đàn bà chỉ ở cung cấm, khuê phòng, ít khi ra ngoài đường, nói gì là đi đây đi đó. Cùng lắm lịch sử ghi nhận nàng Lí Thanh Chiếu (1084-1151), thời cuộc đẩy đưa khi nhà Bắc Tống tan rã, nàng lưu lạc khắp nơi theo bước đường tấn công của quân Kim, tha hương, khốn khó, từ của bà lúc này mang hơi hướm kỷ hành một cách bắt buộc do gia đình ly tán, mang âm điệu trầm uất bi thương, từ “Trung Châu thịnh nhật, khuê môn đa hạ” (Kinh đô thời thịnh, buồng the nhàn rỗi (Trung Châu tức Biện Kinh, kinh đô đời Tống), đến Kim Hoa, nơi có Song Khê mà bà làm bài từ Vũ Lăng Xuân nổi tiếng: “Chỉ khủng Song Khê trách mãn châu, tái bất động, hứa đa sầu” (Chỉ sợ Song Khê thuyền nhỏ nhoi, sầu nhiều, thuyền chở không trôi). Bà đi từ Trường An cho đến tận góc biển phương trời (kim niên hải giác thiên nha- Thanh bình điệu)… Đi để là chứng nhân cho một giai đoạn đau khổ và uất hận của thời đại, khi nhà Nam Tống bán nước cầu vinh không chịu tấn công ra phía Bắc để lấy lại đất nước, cam tâm để đất Bắc cho nhà Kim. Tuy vậy, cái “chủ nghĩa xê dịch” của bà là do thời thế, chứ không phải tự nguyện.

 

Ở Việt Nam thời phong kiến, không phải là không có những phụ nữ nổi loạn, không chịu ép mình ở một chỗ. Bà huyện Thanh Quan là một ví dụ: bà đi từ Thăng Long thành (Thăng Long thành hoài cổ), đến tận mảnh đất có thể xem là tận cùng phái Nam lúc bấy giờ: Đèo Ngang (ai cũng biết, vì bài thơ của bà quá nổi tiếng). Đi và làm thơ. Nữ sĩ thứ hai còn ngang tàng, phóng khoáng hơn, nàng đi hầu hết các địa danh vùng miền đất nước, làm thơ về các nơi chốn đó. Thơ nàng, ngoài những nội dung xưa nay thường nói đến như nữ quyền, chống đối lễ giáo phong kiến… còn là thơ kỷ hành, là văn học kỷ hành đúng nghĩa. Từ kinh thành Thăng Long, đến chùa Hương, chùa Quán Sứ, Đền Trấn quốc, hang Cắc Cớ, hang Thanh Hóa, đèo Ba Dội, đền thái thú Sầm Nghi Đống….Hầu hết những bài thơ kể trên đều mang phong vị lữ hành. Đó chính là Hồ Xuân Hương.

2. “ĐI NHƯ LÀ SỐNG”

Thời hiện đại là thời kỳ chứng kiến những bước đường phiêu du của các nhà văn nữ, đặc biệt là khi ba cao trào nữ quyền thế giới lan rộng sang những nước phương Đông. Sang đến đầu thế kỷ XXI, nhiều nhà văn nữ đã chọn cho mình lối sống lang bạt, đi và viết, xem đi là một lẽ sống

            Tam Mao, một nhà văn Đài Loan, nhà văn được xem là lang bạt vì hồi kí của bà có tên Tam Mao lưu lãng kí. Cả cuộc đời kỳ lạ của bà là những chuyến đi: châu Âu, Mỹ, châu Phi… để lại hơn 20 tác phẩm. Cuộc đời bà phản ánh trong những trang viết, tạp bút, du ký mà bà đã đi qua. Những nhân vật nữ của bà tượng trưng cho hình ảnh phụ nữ Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc từ thập niên 1970 đến 1980, thời kỳ mà hành trình phiêu lưu đến những vùng hoang mạc xa xôi như Sahara đối với phụ nữ là không phổ biến cho lắm. Nổi tiếng nhất là Tam Mao lưu lãng ký (三毛流浪记, Ký sự về cuộc lưu lãng của Tam Mao), Sa ha ra đích cố sự (撒哈拉的故事, Câu chuyện Sahara), Mộng lý hoa lạc tri đa thiểu (梦里花落知多少, Nằm mộng hoa rụng biết bao nhiêu?), Khốc khấp đích lạc đà (哭泣的駱駝,Lạc đà khóc), Vạn thủy thiên sơn tẩu biến (万水千山走遍, Muôn sông ngàn núi chạy khắp), Vũ quí bất tái lai (雨季不再来, Cơn mưa cuối không trở lại), Ngã đích bảo bối(我的寶貝,Báu vật của tôi), Tống nễ nhất thất mã (送你一匹马, Tiễn anh lên ngựa), Ngã đích khoái lạc thiên đường (我的快樂天堂, Thiên đường vui vẻ của tôi), Lan tự chi ca (蘭嶼之歌, Bài ca đảo Hoa Lan), Thanh tuyền cố sự (清泉故事, Câu chuyện suối trong), Lưu tinh vũ (流星雨, Mưa sao trôi), Tùy tưởng ( 隨想, Suy nghĩ tản mạn), Khuynh thành 倾城 …

            Tác phẩm của bà là kinh nghiệm trong việc học hành và cuộc sống của bà ở nước ngoài. Những cuốn sách này bán rất chạy ở cả Đài Loan và Trung Quốc, bà còn có nhiều độc giả hơn sau cái chết kỳ lạ của bà năm 1991.

            An Ni Bảo Bối, một nhà văn nữ Đại lục rất trẻ, là nhà văn Trung Quốc hàng đầu của văn học trên mạng. An Ni Bảo Bối hay các nick name trên mạng cô là: Anni Baobei, anny baby, anni babe đã trở nên quen thuộc với dòng văn học mạng ở Trung Hoa đại lục.Tất cả tác phẩm của cô như Đảo Tường Vy, Hoa bên bờ, Cuối tháng 8, Giã biệt Vi An, Phút giây trống rỗng , Thất Nguyệt và An Sinh, Chuyện hai ba, Hoa Sen… đều lọt vào danh sách những cuốn sách ăn khách nhất Trung Quốc, phát hành rộng rãi ở Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Đức… tác động sâu sắc tới đông đảo độc giả, luôn nằm trong top 20 tác giả có sách bán chạy nhất Trung Quốc trong 5 năm qua. Truyện của cô thường mô tả đời sống nội tâm thầm kín, những số phận éo le, những con người lang thang, phiêu bạt trong thành phố công nghiệp và hiện đại hóa, tìm kiếm cái tôi trong tình yêu và ảo giác… tiểu thuyết của cô cũng thường có một cấu trúc lan man và cách viết như tạp văn, những cảm nhận, suy tư, tâm sự của những người trẻ cô đơn trong những thành phố lớn và lang thang trên những cung đường vô định. Và đó là lí do người trẻ tuổi yêu thích văn của cô.

            Ví dụ với Đảo Tường Vy. Một cô gái Trung Quốc thực hiện một hành trình đơn độc qua Việt Nam, Campuchia, Tây Tạng, Hồng Kông…Du hành nhưng cũng là thực hiện một cuộc phiêu lưu trong tâm tưởng. Nội dung tập truyện nằm ngay tiêu đề: Cứ đi. Cứ đi. Và Tình yêu.

            Du hành nhưng là để tìm về kí ức. Có những kí ức trĩu nặng, buồn đau, nhưng cũng có những mảng màu nhẹ nhàng, tĩnh tại. Đặc biệt là một kí ức sâu sắc với người Bố. Đó là những âm thanh vang vọng của nội tâm một cách chân thành. Ra đi cũng là tìm kiếm chính mình trong tình yêu. Tình yêu là một ảo giác nhưng đông thời cũng là những cảm giác có thực và là những khát khao có thực.

            Những triết lí về tình yêu, cuộc sống, con người rất nhẹ nhàng bày tỏ trong từng trang sách. Đề tài và con người trong tác phẩm của cô thì có vẻ phá cách, nổi loạn, nhưng triết lí và văn phong thì cực kỳ Á Đông, nhẹ nhàng, mông lung, tĩnh tại, nhân vật thì thấm đượm tinh thần sabi (cô tịch), lời văn thì mang nét yugen (u huyền), và man mác một niềm aware (bi cảm) giống như trong văn học cổ điển Nhật Bản. Không có sự bùng nổ thác loạn như của Vệ Tuệ, Miên Miên, Xuân Thụ…mà trong sáng, nhiệt thành, đằm thắm. Đọc An Ni Bảo Bối giống như lật giở từng trang nhật kí của tâm hồn. Tôi ngờ rằng những bạn trẻ đã tìm được sự an ủi, sẻ chia qua từng trang viết của cô. Có lẽ họ đã gặp trong những sáng tác của cô một sự đồng cảm kỳ lạ từ những bối cảnh của đời sống hiện đại bận rộn đầy áp lực và ở đó, con người ta trải qua sự mệt mỏi, dằn vặt và đầy suy tư về những mối quan hệ giữa người và người cứ ngày một tan biến. Và đó là lí do sách cô bán chạy. An Ni Bảo Bối thường tạo dựng những kiểu nhân vật rất riêng. Lẩn quất trên trang viết của cô là một kiểu phụ nữ vừa cô đơn, vừa cứng cỏi, phức tạp, đa cảm, lạc loài. Và nhạy cảm. Mỗi nhân vật là một số phận nhưng sự nghiệp, tình yêu hay gia đình đều không phải là nơi trú ngụ an toàn cho họ. Thích đi du lịch, nhưng thực chất là để cô độc trên từng hành trình. Đi để đi. Để không thể dừng. Đó là một biểu tượng cho một cuộc hành trình không có đích đến. Đó là sự tìm cách giải thóat của những tâm hồn kiêu hãnh nhưng đầy tự ti. Kiểu nhân vật ấy trở thành một điểm nhận biết cho tác phẩm của An Ni Bảo Bối, như phản ảnh một phần tâm trạng đa phức của cô.

            Ở Việt Nam, theo đánh giá của chúng tôi có ít nhất ba nhà văn nữ được xem là những nhà văn xê dịch, đi nhiều, và viết văn trên những cung đường đi, đó là Trang Hạ, Ngô Thị Giáng Uyên và Dương Thụy. Tác phẩm của họ phản ánh rất rõ quan điểm văn chương: đi và viết, phản ánh rất rõ những vùng đất mà họ đi qua, văn hóa và con người nơi đó.

            Trang Hạ, nổi tiếng là một dịch giả văn học mạng, mà đình đám là Xin lỗi em chỉ là con đĩ của Tào Đình. Nhưng cô còn nổi tiếng hơn với bức ảnh nằm dài trên mô tô như một tuyên ngôn “đời ta là những chuyến xe” được trưng bày ngạo nghễ trên blog cá nhân. Những đống lửa trên vịnh Tây Tử là tập truyện ngắn mang chất kí sự những vùng đất cô đã đi qua trên đất Đài Loan. Nơi đó có những con người, cảnh ngộ, và trên hết, là tâm trạng của một người đàn bà mỏng manh, yếu đuối, cô đơn vì đã trót chọn cho mình con đường phiêu lưu không dừng lại, đam mê tự do và khao khát tận hưởng, nhưng cũng sợ bị tổn thương và tuyệt vọng. Hình ảnh người đàn bà day dứt giữa nghĩa vụ và cá nhân Trang Hạ viết cũng chính là số đông phụ nữ chỉ dám mơ ước mà không dám thoát ra thực tế.

            Ngô Thị Giáng Uyên, mà tác phẩm nổi tiếng là tập bút kí Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương, ghi lại cảm xúc đi qua mười bốn nước Châu Âu- Anh, Áo, Bỉ, Đức, Hà Lan, Hi Lạp, Liechtenstein, Pháp, Scotland, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Xứ Wales, Ý. Từng là một học sinh giỏi, nhận học bổng danh giá đi Anh học MBA ở đại học Southampton. Trong quá trình học, cô đi du lịch qua nhiều nước và viết. Từng trang viết là từng sự chăm chút nhưng chất du kí hiện rất rõ, đi để lang thang, để ăn những món ăn mình thích, để hít hà mùi cà phê mình ghiền, để chụp những tấm ảnh mình ao ước... Sự giản dị và tự nhiên ấy thu hút người đọc trẻ tuổi, truyền vào trong họ niềm đam mê du khảo, chinh phục và khám phá cuộc sống. Tác giả đem cái nữ tính, tươi trẻ của mình vào trang viết, không triết lí sâu sắc, không nghị luận khô khan, tả mà hóa ra kể, như là viết nhật kí.

            Dương Thụy, tương tự như Ngô Thị Giáng Uyên, nhận học bổng đi Pháp du học, những khóa du học dài hạn và ngắn hạn tại Bỉ, Pháp, Anh... và sau khi tốt nghiệp cũng làm việc ở một số nước châu Âu không chỉ giúp cô trở thành một trong số ít cây bút trẻ có vốn tri thức dày dặn mà còn đủ vốn sống về mảng đề tài mà các nhà văn trong nước rất khó đụng đến: cuộc sống của giới sinh viên. Bước chân cô đặt chân trên hầu hết các nước châu Âu và một số nước châu Á. Ngoài những tập truyện ngắn, tiểu thuyết lấy bối cảnh nước ngoài như Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình, Oxford thương yêu, Bồ câu chung mái vòm, Hành trình những người trẻ... thì Venise và những cuộc tình gondola là tập bút kí du lịch đúng nghĩa khi cô đi qua các nước châu Âu như Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Áo... Viết trong tư thế của một người đi nhiều, học nhiều, ghi chép nhiều, hầu hết tác phẩm của Thụy đều có ít nhiều màu sắc báo chí (Dương Thụy từng làm việc như một nhà báo ở báo Hoa Học Trò) với nhiều chủ động đưa vào các thông tin về vùng đất, con người, cuộc sống của bối cảnh diễn ra câu chuyện. Qua tác phẩm của mình, cô muốn chia sẻ về những tâm tư của một người đi tìm kiến thức ở nơi xa, hạnh phúc nhiều nhưng khó khăn cũng không ít. 

            Đều là những nhà văn trẻ, từng đạt nhiều giải thưởng trong nước (Trang Hạ từng đạt giải Văn học tuổi xnah, Văn học tuổi 20..., Giáng Uyên đạt giải nhất thơ của tạp chí Áp Trắng...Dương Thụy đã có ba giải thưởng văn học... ), và có nghề nghiệp ổn định (Trang Hạ là phóng viên, Dương Thụy làm PR cho công ty dược phẩm Sanofi, Ngô Thị Giáng Uyên làm việc cho tập đoàn dược phẩm  Wyeth), họ tìm đến việc viết văn như một nhu cầu chia sẻ, và những trang viết du kí của họ là một thôi thúc trong tâm hồn muốn khám phá thế giới. Chân dung họ phản ánh một lớp người trẻ xông xáo, năng động, vươn lên, hòa nhập toàn cầu mà vẫn không mất đi bản sắc, cá tính của mình. Chúng ta đã có những nhà văn như Nguyễn Ngọc Tư chuyên viết về bản sắc nông thôn miền Tây, và để cho diện mạo văn học thêm phong phú, chúng ta có những nhà văn chuyên viết về những chuyến đi xa. Thành công của họ ở đây không nằm ở số lượng bài viết đăng báo hay số lượng sách bán được, mà là khả năng khơi dậy những giấc mơ trong tiềm thức người đọc về những miền đất lạ lẫm và xa xôi. Độc giả sau khi đọc xong những cuốn sách của họ sẽ cảm thấy thôi thúc được chuẩn bị hành lý vào balo hay vali, vẫy tay tạm biệt mọi thứ để đến với “ nơi nào cũng được, nơi nào cũng được” (Baudelaire).