19042024Fri
Last updateFri, 19 Apr 2024 10am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

“I’ll wait for the next one”: Một bi kịch dài từ 4 phút 34 giây

Phim ngắn thường là nghệ thuật của những khoảnh khắc và cũng là những khoảnh khắc nghệ thuật. Với I’ll wait for the next one, đạo diễn Phillippe Orreindy đã mang lại cho điện ảnh Pháp nói riêng và điện ảnh thế giới nói chung một khoảnh khắc đơn sơ của đời thường nhưng chứa đựng sức lắng đọng sâu thẳm mang chiều kích của nỗi bi kịch xót xa ẩn sâu trong mỗi con người. Thời lượng 4 phút 34 giây của bộ phim chỉ tái hiện lại một lát cắt trong cuộc đời một người phụ nữ không tên, nhưng lại khiến cho những ai ngồi trước màn ảnh có thể chết lặng đi và thấm thía đến tận cùng cả một cuộc đời cô đơn và nỗi khát khao hạnh phúc đến khắc khoải của người phụ nữ ấy.

 

Xuyên suốt bộ phim, máy quay đi theo bước chân của người phụ nữ từ lúc cô bước chậm rãi trên sân ga điện ngầm, xuống cầu thang cuốn, đi ngang qua đôi trai gái đang âu yếm nhau và lên xe tàu điện ngầm. Nhân vật nữ được xây dựng trong tư thế của một nhân vật không thoại. Kênh giao tiếp bằng ngôn từ hoàn toàn bị cắt đứt và khán giả chỉ có thể khám phá thế giới nội tâm sâu kín của người phụ nữ này bằng hệ hình ảnh – ngôn ngữ mang tính chất liệu của nghệ thuật thứ bảy. Những khuôn hình đầu quay cận cảnh bước chân nhân vật đi chậm rãi trên sân ga, sau đó dịch chuyển lên phiá trên thành khuôn hình cận cảnh khuôn mặt mang nỗi ưu tư nặng trĩu rồi lại trở về khuôn hình cận cảnh những bước chân. Những bước chân thong dong không vội vã, dường như đượm một nỗi niềm trầm lắng ẩn náu bên trong và nét mặt im ắng, u sầu như những hình ảnh được mã hoá chứa đựng tín hiệu bộc lộ tâm trạng nhân vật. Tín hiệu ấy dần sáng lên bằng những hình ảnh dựng nối tiếp ở các khuôn hình sau. Trên chiếc thang cuốn, nhân vật nhìn thấy đôi trai gái hôn nhau và ngoái nhìn theo. Hình ảnh đôi trai gái được đặt ngoài giới hạn tiêu cự của ống kính, trở nên mờ nhoè và chỉ hiện trên màn ảnh trong khoảng 3 giây nhưng lại cuốn theo ánh mắt của người phụ nữ đang đi một mình trên sân ga. Ống kính máy quay chọn góc độ hướng từ trên xuống, quay cận cảnh gương mặt ngoái nhìn và ánh mắt đau đáu dõi theo đôi trai gái của người phụ nữ đã tạo ra khuôn hình có sức hút mạnh mẽ đối với người xem. Đến đây, thế giới bên trong của nhân vật nữ gần như đã được phơi lộ bằng những hình ảnh mang tính chi tiết. Đó là một thế giới của nỗi cô đơn, trống vắng, một thế giới khao khát tình yêu trong trái tim người phụ nữ đứng tuổi. Chỉ trong 10 giây đầu tiên và chỉ bằng hình ảnh, đạo diễn đã mang lại cho bộ phim một không khí, một đường dẫn đi vào câu chuyện và một nhân vật có đủ tâm thế, tâm trạng lẫn tư thế khiến người xem hiểu, đồng cảm và soi rọi vào để thấy chính nỗi niềm của bản thân mình cũng như của bản thể nhân loại trong nhân vật ấy.

 

Tình huống thực sự được mở ra khi nhân vật bước chân lên chuyến tàu và nhìn thấy chàng thanh niên 29 tuổi đang rao trước đám đông về niềm khao khát tìm kiếm một người bạn tình, một tình yêu đích thực với giao ước rằng người phụ nữ nào đồng ý làm người yêu của anh ta và có cùng quan niệm về tình yêu với anh ta thì bước xuống trạm dừng kế tiếp. Tình huống được bắt đầu như một trò đùa nơi công cộng và đạo diễn đã để cho chàng thanh niên tương tác với đám đông nhằm thuyết phục cả những người đang đi cùng chuyến xe lẫn khán giả ngồi trước màn ảnh tin vào sự chân thành của nhân vật. Sự chân thật của chàng trai vấp phải những vật cản đối nghịch: tiếng cười của đám đông khi mọi người đều tin rằng đây chỉ là một trò đùa do một gã trai trẻ bày ra, những lời nói đầy giễu cợt và quan niệm mang tính phủ định về tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc của người đàn ông trên toa tàu - kẻ sẵn sàng đưa số điện thoại của vợ mình cho anh thanh niên và buộc anh ta phải cam kết không được phàn nàn gì sau khi đã gặp vợ mình. Thế nhưng, chàng trai đã ứng phó với tất cả những vật cản ấy để đi đến chỗ dần dần thuyết phục mọi người tin vào động cơ, mục đích và ý muốn của mình. Đến lúc này, trò đùa bắt đầu dịch chuyển thành sự thật. Lời nói, cử chỉ, hành động của người thanh niên phối hợp với ống kính máy quay dịch chuyển liên tục lấy cận cảnh gương mặt chàng thanh niên và người phụ nữ. Sự khẩn khoản, thành thật của nhân vật anh thanh niên cùng nét mặt dần rạng rỡ, dần đầy tin yêu và hạnh phúc với nụ cười nở trên gương mặt, trên ánh mắt lấp lánh của người phụ nữ khiến tất cả những ai đang ngồi trước mành hình cũng đều quy tụ ý nghĩ vào giao điểm ý muốn của hai nhân vật. Họ có cùng một khao khát, một mục đích và chính khán giả cũng mong muốn như nhân vật, mong muốn cho hai nhân vật thực hiện được mục đích của họ. Khi chiếc tàu điện ngầm đỗ ở trạm kế tiếp, trong tiếng còi dồn dập báo hiệu thời gian dừng tàu sắp hết, người phụ nữ đã quyết định xuống trạm. Hành động của nhân vật nữ nhất quán với mục đích, mong muốn của bản thân nhân vật và của người xem. Thế nhưng, ngay trong khoảnh khắc ấy, nhân vật nam lại hành động ngược lại và phá vỡ tính nhất quán ấy. Điểm độc đáo của bộ phim nằm ở cái kết đầy bất ngờ này, như nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn đã nhận xét: “Đến cuối bộ phim, nhân vật và khán giả cùng có chung một ý muốn. Thế nhưng, kết thúc lại đi ngược với ý muốn ấy. Đó là một kết thúc không chờ đợi”. Cả nhân vật nữ và khán giả cùng bị đánh lừa, bị ý muốn dẫn dắt lạc hướng và cũng thảng thốt, bàng hoàng trước hành động của nhân vật nam, trước một cái kết nằm ngoài mong muốn.

 

Bên cạnh đó, ngoài cái kết bất ngờ, theo quan điểm của người viết bài này, sự  thành công của “I’ll wait for the next one” còn nằm ở nghệ thuật cài đặt các yếu tố đối lập nhau và sự hoán chuyển các yếu tố ấy một cách tinh tế, tài tình. Nhân vật nữ không thoại, chỉ hoạt động bằng cử chỉ, nét mặt và hành động được đặt cạnh nhân vật nam toàn thoại, nhiều thoại, thoại liên tục. Thế nhưng, thế giới bên trong của nhân vật nữ lại là thế giới mở. Người xem có thể nhìn thấu vào thế giới ấy và nhận diện tâm trạng, nỗi đau của nhân vật. Trong khi đó, nhân vật nam lại hoàn toàn khép kín và là tên chủ tướng điều khiển cả một cuộc đánh tráo, vừa đặt ra tình huống, vừa lật ngược tình huống trong bộ phim. Có lúc nhân vật này từng khiến cho người xem nghĩ rằng họ có thể hiểu được anh ta, để rồi, cuối cùng, thế giới bên trong của nhân vật thực ra lại hoàn toàn đóng khép, mặc dù đây là nhân vật giao tiếp bằng lời thoại nhiều nhất, tương tác với các nhân vật khác, với đám đông ở mất độ đậm đặc nhất phim. Nhân vật có thoại lại trở thành nhân vật không bộc lộ, nhân vật đánh lừa khán giả. Còn nhân vật không thoại là nhân vật bộc lộ, khơi mở nội tâm. Tình huống phim đặt ra như một trò đùa và ngay từ ban đầu, các nhân vật trong phim cũng như khán giả cũng đã có thể tiên liệu trước, phỏng đoán trước những cái kết khác nhau: từ cái kết bi kịch đến cái kết có hậu. Thế nhưng, cái độc đáo của bộ phim và sự tài tình của đạo diễn, của nhà biên kịch là đã “bỏ bùa mê” được nhân vật và khán giả, dẫn dắt họ đi từ chỗ nghi ngờ đến chỗ tin cậy vào chàng thanh niên để rồi nhập mong muốn của các nhân vật và của khán giả vào làm một. Chính vì vậy, một cái kết được dự định trước, được nghi ngại trước vẫn hoàn toàn đầy bất ngờ và gieo trạng thái cảm xúc về sự thất vọng xâm lấn toàn bộ màn ảnh, toàn bộ người xem. Chỉ trong 4 phút 34 giây, bộ phim đã dịch chuyển qua một quá trình phát triển: đi từ những cảnh không thoại (đoạn mở đầu với người phụ nữ đi trên sân ga) đến những cảnh đậm đặc thoại (đoạn trong tàu điện ngầm) rồi kết thúc ở cảnh không thoại (người phụ nữ với gương mặt ngơ ngẩn, đau khổ, bẽ bàng và thất vọng); từ tính bi vừa phải (nỗi buồn của người phụ nữ ở đoạn mở đầu) đến tính hài hước (đoạn đùa cợt trên tàu điện ngầm) rồi tính bi trở lại tăng cấp, đột ngột và mạnh mẽ (đoạn kết với nỗi đau đớn, xót xa của người phụ nữ bị đùa cợt). Ống kính máy quay cũng hoán chuyển nhân vật trung tâm trên màn hình: người phụ nữ chiếm giữ vị trí nhân vật trung tâm ở phần đầu bộ phim, thế nhưng, ở những cảnh quay trên tàu điện, cô trở thành một nhân vật thầm lặng, gần như xen lẫn vào đám đông “khán giả” trước “màn trình diễn” của chàng thanh niên đang đóng vai nhân vật chính và đến cuối phim, người phụ nữ đơn độc, đứng lẻ loi trên sân ga nhìn chuyến tàu đi vụt qua lại trở thành nhân vật trung tâm của màn ảnh. Tình huống trò đùa gần như trở thành một sự thực đầy tin cậy và đầy sức thuyết phục, rồi cuối cùng, lại trở thành trò đùa.

 

Nhân vật nữ và khán giả dường như được chập làm một với nhau và bị dẫn dụ qua các chi tiết, các tình tiết cho đến tận đoạn kết cuối cùng. Tiến trình hoán chuyển giữa các yếu tố này không tạo thành một vòng tròn của sự lặp lại mà hình thành nên vòng xoắn ốc để ở đó, những yếu tố ban đầu được nhấn mạnh, được tô đậm ở cái kết. Nỗi buồn, nỗi cô đơn của người phụ nữ trở thành nỗi đau, thành bi kịch, thành sự cô độc tuyệt đối, thất vọng trở thành tuyệt vọng, những khao khát ẩn kín bị bộc lộ và rồi rơi vào chỗ không lối thoát. Người phụ nữ trở nên đáng thương và cô lẻ trong tình cảnh đầy chua xót mà nhân vật rơi vào.

 

Trong 4 phút 34 giây ngắn ngủi, “I’ll wait for the next one” cũng lựa chọn một lát cắt ngắn ngủi trong cuộc sống của người phụ nữ (có thể là một buổi chiều trên toa xe điện ngầm để đi về nhà) nhưng lại khơi dậy và tái hiện cả một nỗi đau dài của con người, của kiếp người. Đó là bi kịch của nỗi cô đơn không thể cứu vãn. Và đau đớn hơn, xót xa hơn, đó là bi kịch của một nỗi đau, một khát vọng bị đùa cợt. Nhiều khi chỉ vì vô tình, chỉ vì một mục đích riêng tư, chỉ trong một phút giây, con người có thể thọc vào nỗi đau của một người khác và chà đạp trên nỗi đau đó bằng niềm vui mang tính trò đùa của mình. Dư vị của nỗi buồn xót xa lắng đọng lại trong khoảng lặng thảng thốt, bẽ bàng trên gương mặt người đàn bà quá lưá lỡ thì đã kéo dài hơn 4 phút 34 giây và chạm đến vô tận. Với một màu sắc khác, một phong cách khác, bằng một thể loại khác, “I’ll wait for the next one” đã chạm vào điểm gặp gỡ với nhiều tác phẩm khác cùng hướng đến bi kịch cô đơn của con người như những thước phim của Tsai Ming Laing ở Đài Loan, của Igmar Bergman ở Thụy Điển, của Đặng Nhật Minh ở Việt Nam… Một bộ phim ngắn về một tình huống, một khoảnh khắc, một câu chuyện nhỏ nhưng lại có sức tái hiện cả một bi kịch lớn của nhân loại. Trong cái khuôn hạn định của thời lượng, “I’ll wait for the next one” nói riêng và những bộ phim ngắn thành công nói chung đã tạo ra khả dồn nén và sức chưá vô tận những tầng vỉa ý nghĩa đời sống bằng nghệ thuật riêng biệt, độc đáo của thể loại phim này. Và những thước phim ấy trước hết luôn là nghệ thuật của khoảnh khắc, để rồi, thực sự là nghệ thuật vượt lên trên khoảnh khắc để chưá đựng sự vô tận của đời sống.

 

I'll Wait for the Next One...

(Tên tiếng Pháp: J'attendrai le suivant... )

Đạo diễn: Philippe Orreindy

Biên kịch: Thomas Gaudin

                 Philippe Orreindy

Năm phát hành: 29/9/2002

Diễn viên: Sophie Forte, Thomas Gaudin, Pascal Casanova

Giải thưởng:

-         Đề cử Oscar dành cho phim ngắn năm 2003

-         Đạt giải phim ngắn hay nhất trong LHP New York, LHP Thế giới Montréal (2002)…

 

 

Nguồn: http://www.thegioidienanh.vn/20090826113623104p111c138/ill-wait-for-the-next-one-mot-bi-kich-d224i-tu-4-ph250t-34-gi226y.htm