Bashô - Nguyễn Trãi - Nguyễn Du, những hồn thơ đồng điệu

Nói đến thơ ca Nhật Bản, người ta nghĩ ngay đến Matsuo Basho (Mat-su-ô Ba-sô/ Tùng Vĩ Ba Tiêu, nhà thơ lớn nhất mọi thời của xứ sở Phù Tang, người đã đưa thể thơ haiku (hai-kư) lên đến đỉnh cao...Ở Việt Nam tên tuồi Basho đã được nhiều người biết đến, nhưng người ta thường nghĩ về ông như một Thiền sư và tuy có biết thơ haiku của ông là có giá trị,, nhưng đại đa số đều cho là rất khó hiểu và xa lạ. Đồng thời do vấn đề chuyển ngữ mà nhiều bài dịch thơ của ông đã trở nên ngô nghê hoặc bí hiểm như một công án. Tuy nhiên tìm hiểu kĩ về ông chúng ta thấy, Basho là một nhà thơ phương Đông, một nhà thơ gắn liền với thời đại mà ông sống, vì thế nếu nhìn từ văn học Việt Nam thì thấy hồn thơ của ông cũng rất gần gũi với những nhà thơ lớn của chúng ta, nhất là với Nguyễn Trãi và Nguyễn Du. Ngược lại nhìn Nguyễn Trãi, Nguyễn Du qua cái nhìn đối sánh với Basho chúng ta cũng phát hiện ra nhiều điểm mới lạ.
 

Thoạt nhìn Basho, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, người ta cứ nghĩ ba ông dường như chẳng có gì giống nhau, ngoài chuyện cả ba đều là những nhà thơ hàng đầu trong nền văn học cổ điển của mỗi dân tộc. Quả là có như vậy. Basho xuất thân là một võ sĩ, lớn lên không làm nghề gì nhất định, sống gần như một tu sĩ  Thiền tông, cuối đời lang thang du hành khắp Nhật Bản. Còn Nguyễn Trãi là người anh hùng cứu quốc của dân tộc Việt Nam, là quân sư của Lê Lợi, là quan đầu triều thời Lê sơ. Nguyễn Du cũng là vị quan lớn của triều Nguyễn, làm đến chức Tham tri, Chánh sứ phái bộ sang Trung Quốc. Basho chịu ảnh hưởng sâu sắc Thiền tông, còn Nguyễn Trãi thì Nho-Lão, Nguyễn Du lại là nhà nho tài tử. Về thơ, Basho làm thơ haiku, Nguyễn Trãi làm thơ chữ Hán, thơ thất ngôn xen lục ngôn, Nguyễn Du làm thơ chữ Hán, lục bát và song thất lục bát – mỗi một thể thơ lại có những nguyên tắc mĩ học rất khác nhau v.v. và v.v.

 

Chúng ta có thể tìm thấy vô số những điều khác nhau giữa ba nhà thơ Nhật Bản và Việt Nam này, nhưng đằng sau những dị biệt đó, chúng ta lại thấy từ trong thẳm sâu những hồn thơ giống nhau một cách kì lạ.

 

1. Basho với Nguyễn Trãi

 

            Có thể nói Basho và Nguyễn Trãi đều là những nhà thơ của thiên nhiên. Thơ của hai ông thể hiện một tình yêu thiên nhiên và một triết lí về thiên nhiên vô cùng sâu sắc. Basho và Nguyễn Trãi đều thực hiện những cuộc hành trình đến với thiên nhiên. Trên con đường đó họ cố gắng vứt đi những cái phiền toái, hư ngụy của cuộc đời thế tục để đến với tự nhiên, và cũng là đến với cái bản nguyên trong mỗi con người.

 

Cuộc đời của Basho là một cuộc du hành dài đi đến khắp những miền đất xa xôi của Nhật Bản. Đây là hình ảnh của ông trước khi lên đường :

 

“Suốt bao năm nay, như một áng mây ngàn bị cơn gió lôi cuốn, ý tưởng phiêu bạt trong tôi chẳng lúc nào nguôi, thúc giục tôi dấn bước lang thang qua các bến bờ (...) Tôi vá lại quần, thay quai nón. Ngay khi châm đầu gối bằng ngải cứu nhằm sửa soạn cho cuộc hành trình, tôi đã không ngớt miên man nghĩ đến vầng trăng ở Mat-su-shi-ma.” (Oku no hosomichi) [2]

 

Bước chân Nguyễn Trãi cũng đã in dấu trên nhiều miền đất Việt Nam qua cuộc kháng chiến lâu dài chống quân Minh xâm lược. Sau cuộc kháng chiến, ngay trên địa vị là công thần khai quốc của triều đại mới, Nguyễn Trãi vẫn thường ước mơ được trở về với thiên nhiên thanh sạch, hoang sơ:

 

            Hà thời kết ốc vân phong hạ

 

            Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên

 

            (Bao giờ làm được nhà dưới núi mây

 

Múc nước suối nấu chè, gối đầu lên đá ngủ)

 

                                                                                Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác

 

            Cảnh thanh dường ấy chẳng về nghỉ

 

            Lẩn thẩn làm chi áng mận đào

 

                                                            Mạn thuật 13

 

      Và ông đã trút bỏ công danh để sống giữa thiên nhiên với một hình hài thật giản dị:

 

            Hài cỏ đẹp chân đi đủng đỉnh,

           Áo bô quen tật bận xênh xang

 
 

                                                                                Tức sự 4

 

Thiên nhiên như một tiếng gọi huyền bí, một mối dây ràng buộc với tâm hồn nhà thơ - “Non nước cùng ta đã có duyên” (Tự thán 4), Nguyễn Trãi đã viết như thế.

 

Với Basho, núi Fuji không chỉ có một ngọn núi ở ngoài đời, còn có một ngọn núi khác sống trong hồn nhà thơ, ngọn núi ấy sẽ hiện lên trong niềm luyến tiếc khi ngọn Fuji thật bị chìm trong sương:

 

Sương mù bao phủ                               Kiri shigure

 

Fu-ji chìm khuất rồi                               Fuji wo minu hi zo

 

núi hiện hình trong tôi. [3]             omoshiroki.

 

                                                                        Nozarashi kikô     

 

Còn với Nguyễn Trãi, núi mây là khách khứa, bầu bạn. Vào những ngày mây mù che phủ không gặp được bạn, nhà thơ bâng khuâng, buồn bã biết bao:      

 

                        Láng giềng một áng mây bạc,

 

                        Khách khứa hai ngàn núi xanh,

 

                        Có thuở biếng thăm bạn cũ,

 

                        Lòng thơ muôn dặm nguyệt canh ba.

 

                                                            Bảo kính cảnh giới 42

 

Thiên nhiên trong thơ Basho và Nguyễn Trãi có vũ trụ lớn lao: trăng sao, núi sông, hồ biển... và cũng có những vật nhỏ bé bình thường: con quạ, con ếch, con cá, con mực, chấy rận, hoa dã quì, hoa thu (hagi)... và con cò, con vện, rau muống, rau mùng tơi, hoa đào, hoa xoan... Trong mỗi một sinh vật nhỏ bé như vậy, hai thi sĩ đều thấy nó như có linh hồn, sống bình đẳng và cảm thông được với con người.

 

Basho lên đường đến vùng Đông Bắc xa xôi, không chỉ bạn bè lưu luyến, mà cả cá, chim cũng buồn thương:

 

Mùa xuân lên đường                             Yuku haru ya

 

mắt cá đẫm lệ                           tori naki uo no                       

 

chim chóc khóc thương.                        me wa namida.                       

 

                                                                                           Oku no hosomichi

 

            Basho chia tay thì chim và cá khóc. Nguyễn Trãi đến thì chim mừng vui và trăng theo gánh nước mà theo về :

 

                        Khách đến chim mừng hoa xảy động

 

                        Chè tiên nước kín nguyệt đeo về

 

                                                                                                            Thuật hứng 3

 

      Nguyễn Trãi nâng niu một con cá, một cánh hoa tàn, một bóng trăng, một tiếng chim:

 

                        Đìa tham nguyệt hiện chăng buông cá

 

                        Rừng tiếc chim về ngại phát cây

 

                                                                                                Mạn thuật 6

 

Trăng, hoa, hương trong thơ Nguyễn Trãi như một linh hồn đang sống, hơn thế nữa, như một người bạn, một người tình. Thi nhân chở trăng về (Thuật hứng 24, Tự thán 38), để trăng đeo theo gánh nước của mình (Thuật hứng 3, 6), cho trăng xem thơ (Mạn thuật 13), hớp lấy bóng trăng (Ngôn chí 10)...Và thi nhân hé cửa đêm để chờ hương quế, thi nhân sợ một bóng hoa tan biến mất đi:

 

            Hé cửa đêm chờ hương quế lọt

 

            Quét hương ngày lệ bóng hoa tan

 

                                                                                Bảo kính cảnh giới 33

 

            Tình yêu thiên nhiên trong thơ Bashô và Nguyễn Trãi không chỉ thể hiện một mĩ cảm thông thường, đằng sau nó có cả một sự minh triết về những quy luật lớn lao và bí ẩn của vũ trụ. Những hiện tượng của tự nhiên như âm thanh, màu sắc, mùi hương... đều có sự tương giao và chuyển hóa lẫn nhau.

 

            Tiếng nước vang lên từ cú nhảy của một con ếch cũng mang trong nó triết lí về một vũ trụ tương giao với nhau :

 

Ao cũ                                                   Furu ike ya

 

con ếch nhảy vào                                  kawazu tobikomu                               

 

vang tiếng nước xao [4]                            mizu no oto                                                                                                                                                                     Kawazu awase

 

            Cánh hoa anh đào mỏng manh tưởng như chẳng có liên quan, tác động gì đến hồ nước, thế mà nó có thể làm mặt hồ nổi sóng. Bài haiku rất đẹp dưới đây ẩn chứa cả một triết lí sâu sắc :

 

                        Từ bốn phương trời xa              Shihô yori       

 

                        cánh hoa đào lả tả                                 hana fukiirete                         

 

gợn sóng hồ Bi-wa                                Niho no nami                         

 

            Shirouma

 

                Tiếng ve là thanh, đá là vật. Nhưng trong cảnh u tịch, vắng lặng của chiều tà, khi tất cả đều im ắng hết lại có thể nghe được tiếng ve, tiếng ve rền rĩ như thấm vào đá :

 

Vắng lặng u trầm                                   Shizukasa ya                                      

 

thấm sâu vào đá                                    iwa ni shimi iru                                  

 

tiếng ve ngâm.                           semi no koe.   

 

                                                                                                                Oku no hosomichi

 

            Một buổi sáng trên đường du hành, Basho cảm nhận thấy hương hoa mơ thoảng qua, như thực như hư, không biết từ đâu đưa lại. Cũng lúc ấy vừng đông cũng vừa hé. Mặt trời và hoa mơ, vũ trụ lớn lao và một làn hương cực kì mỏng manh có liên hệ với nhau không nhỉ? Bashô viết về điều ấy trong một bài haiku có vẻ cực kì đơn giản, có mấy câu thế này :

 

Trên sườn núi bất ngờ               Ume ga ka ni

 

            mặt trời mọc rực rỡ                               notsuto hi no deru                  

 

            từ hương hoa mơ.                                 yamaji kana.

 

                                                                                                                              Oi nikki

 Nghệ thuật có thể tác động được vào vũ trụ - Nguyễn Trãi nói như thế. Một câu thơ hay có thể làm vầng trăng cao hơn. Liên tưởng độc đáo ấy của Ức Trai làm cho câu thơ mang dáng dấp của một câu thơ tượng trưng thời hiện đại :

 

                                    Khách lạ đến, ngàn hoa chửa rụng

                                    Câu màu ngâm, dạ nguyệt càng cao

 

                                                                                    Thuật hứng

 

            Tiếng hát của ông chài, tiếng sáo của kẻ mục đồng có thể tác động đến hồ nước, đến cả vầng trăng trên trời :

 

                        Ngư ca tam xướng yên hồ khoát

 

                        Mục địch nhất thanh thiên nguyệt cao

 

                        (Ông chài cất lên tiếng hát làm cho mặt hồ phủ khói mở rộng ra

 

Trẻ mục đồng thổi một tiếng sáo làm cho trăng trên trời cao hơn)          

 

                                                Chu trung ngẫu thành 2

 

            Thiên nhiên và con người không là hai mà là một – tương nhập và tương tức, con người trở về với thiên nhiên, thiên nhiên thẩm thấu vào con người. Cả Bashô và Nguyễn Trãi đều viết như vậy :

 

            Lang thang đồng nội                              Nozarashi wo

 

để cho mưa gió                                     kokoro ni kaze no

 

thấm vào hồn tôi.                                  shimu mi kana.

 

                                                                                                Nozarashi kikô

 

                        Hái cúc ương lan hương bén áo

 

                        Tìm mai đạp nguyệt tuyết xâm khăn

 

                                                                                                                Thuật hứng 15                     

 

Thi nhân như Bashô, Nguyễn Trãi là những thi sĩ vĩ đại của thiên nhiên, không chỉ ở chỗ hai ông đã sáng tạo ra những câu thơ tuyệt đẹp về phong cảnh thiên nhiên, mà còn ở chỗ hai ông là những người dẫn đạo cho một cuộc hành hương lớn lao trở về với thiên nhiên, trở về với cội rễ, với nguồn sống bất tận của con người. Đó là điều mà trong thời đại thống trị của kĩ thuật như ngày nay, người ta lại càng cảm thấy hai ông có lí.   

 

 

 

2. Basho với Nguyễn Du

 

Basho không phải là Thiền sư, nhưng cuộc sống của ông giống như một người tu Thiền. Một con người như thế tưởng là đã hết “thất tình lục dục”, đã hết động tâm với những hình sắc của cuộc đời. Và như vậy thì ông có gì chung đâu với Nguyễn Du, nhà thơ của niềm cảm thương, của nỗi đau đời! Không phải như thế, Basho là một thi sĩ, một hồn thơ nhạy cảm. Basho và Nguyễn Du đều là những thi sĩ của tình yêu thương. Nhiều người nghiên cứu phương Tây viết về Basho thường hay nhấn mạnh vào vấn đề mĩ học của haiku, mà ít chú ý đến thế giới tình cảm trong thơ ông. Basho không phải là một người duy mỹ chủ nghĩa, những bài thơ haiku của ông sẽ chẳng thể nào sống trong lòng người nếu nó không phải là những bài ca về tình yêu, về thân phận của con người. 

 

Đây là những dòng haiku về tình bạn. Basho khóc cho một người tri âm, một người yêu mến thơ haiku đã chết mà mình chưa kịp gặp mặt:

 

Lay động nấm mồ                                 Tsuka mo ugoke                     

 

tiếng tôi khóc bạn                                 waga naku koe wa                 

 

gió mùa thu.                                          aki no kaze                                                                                                                                                              Oku no hoso michi

 

            Thi sĩ nhìn mùa xuân qua đi, nhưng hình bóng cố nhân ở quê cũ Ômi vẫn cứ còn lại mãi trong nỗi nhớ của mình:

 

Mùa xuân qua đi                                   Yuku haru wo             

 

sao cứ nhớ mãi                                     Ômi no hito to                        

 

người cũ ở Ô-mi.                                  oshimikeru                             

 

                                                                                        Sarumino

 

Cố nhân là một người trong làng phong nhã thời cổ, hay người bạn cũ, hay là nàng Juteini (Ju-tei-ni) ngày xưa?

 

Còn đây là những dòng haiku về tình yêu với mảnh đất mà mình gắn bó. Kyoto một thời thời tuổi trẻ, 20 năm sau trở lại, nghe tiếng chim hototogisu (đỗ quyên) :

 

Chim đỗ quyên hót                                Kyô nite mo                            

 

ở Kinh đô                                             Kyô natsukashi ya                  

 

mà nhớ Kinh đô                                    hototogisu

 

                                                                                        Onogahi

 

Ở giữa Kinh đô mà nhớ Kinh đô ngày xưa, một Kinh đô đầy kỉ niệm, một Kinh đô đẹp đẽ đã vĩnh viễn qua rồi. Đó là tiếng chim và cũng là nỗi lòng của người.

 

Ê-đô, quê hương thứ hai, thuở nào là đất khách, đến khi về quê, ngoảnh nhìn lại mới thấy Ê-đô thật là quê nhà:

 

Đất khách mười mùa sương                   Aki to tose                              

 

            về thăm quê ngoảnh lại              kaette Edo wo                        

 

Ê-đô là cố hương.                                 sasu kokyô.                                                                                                                                                                             Nozarashi kikô

 

Những bài haiku như thế khiến cho ta liên tưởng đến những bài thơ viết về tình bạn, tình quê hương của Nguyễn Du : Ký hữu, Tặng nhân, Tống Ngô Nhữ Sơn công xuất trấn Nghệ An, Mộng đắc thái liên, Long Thành cầm giả ca, Truyện Kiều ...và những bài thơ khóc tri âm của Nguyễn Du: khóc cho một người tri âm hơn 200 năm trước khổ vì “văn chương vô mệnh” (Độc Tiểu Thanh ký), một người tri âm hơn ngàn năm trước khốn cùng cả đời chỉ vì thơ hay :

 

            Dị đại tương liên không sái lệ

 

            Nhất cùng chí thử khởi công thi ?

 

                                                Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ

 

            (Đời khác thương nhau mà nhỏ lệ

 

            Ông cùng đến vậy tại thơ hay ?)

 

Còn đây là những câu lục bát tràn trề tình cảm nhớ quê hương trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:

 

- Đoái trông muôn dặm tử phần

 

            Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa

 

-         Mối tình đòi đoạn vò tơ

 

Giấc hương quan luống lần mơ canh dài

 

Những câu thơ trên cũng cho thấy khuynh hướng đề cao tình cảm trong sáng tác văn học là điểm chung giữa Basho và Nguyễn Du, dầu cách thức thể hiện mỗi người một khác, một đằng cố nén lại, giấu đi, còn một đằng thì bộc lộ, dãi bày.

 

Cũng như Nguyễn Du, Basho đi nhiều, trải nhiều, từ những đô thị náo nhiệt của những người thị dân mới phất lên đòi quyền hưởng thụ,  đến những cánh đồng khô cằn, những làng quê xơ xác của những người nông dân cơ cực, đói nghèo. Ông chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh thương tâm và ông lặng lẽ ghi lại bằng những bài haiku quen thuộc của mình. Trong thơ ông có thấp thoáng hình ảnh của chúng sinh đau khổ: những em bé nghèo, những cô gái bán thân, những người nông dân, những người đánh cá, những người lính bỏ thây nơi chiến địa..., không khác gì trong thơ Nguyễn Du, chỉ có điều ông thể hiện bằng một cách thức khác, kín đáo hơn, mơ hồ hơn, như là truyền thống của thơ ca Nhật Bản.

 

Một lần du hành, đi ngang qua cánh rừng, Bashô thấy một chú vượn đang lạnh run lên trong cơn mưa mùa đông. Nhà thơ thầm ước phải chi có một chiếc áo tơi che mưa, che lạnh cho khỉ. Bài haiku vang lên từ nỗi lòng ấy :

 

Mưa đông giăng đầy trời                       Hatsu shigure

 

một chú khỉ đơn độc                             saru mo komino wo               

 

cũng mong chiếc áo tơi.                         hoshigenari.               

 

Sarumino 

 

Chú khỉ đơn độc trong bài thơ gợi lên hình ảnh những người nông dân Nhật Bản, những em bé nhà nghèo, co ro trong mưa lạnh. Bài haiku thể hiện lòng từ bi đối với cỏ cây chim muông, cũng là lòng yêu thương với những người đói khổ.

 

Một lần khác đi ngang qua cánh rừng, Bashô nghe thấy tiếng vượn hú. Tiếng vượn hú có gì đâu mà lạ, ta có thể gặp khá nhiều trong thơ xưa, như trong thơ Lí Bạch : “Lưỡng ngạn viên thanh đề bất tận” (Tiếng vượn đôi bờ kêu chẳng dứt), trong thơ Đỗ Phủ : “Phong cấp thiên cao viên khiếu ai” (Gió gấp, trời cao vượn  nỉ non). Nhưng với Bashô, tiếng vượn ấy không phải gợi lên một nỗi bi ai trừu tượng nào đó, mà làm cho nhà thơ nhớ đến tiếng khóc thê thiết, não lòng của một em bé bị bỏ rơi trong rừng :

 

Vượn hú não nề                                    Saru wo kiku hito       

 

hay trẻ bị bỏ rơi than khóc ?                  sutego ni aki no                      

 

gió mùa thu tái tê.                                  kaze ikani.                                                                                                                               Nozarashi kikô

 

                Nhật Bản ngày xưa vào những năm mất mùa đói kém, nhiều gia đình nông dân túng quẫn quá, không nuôi nổi con, đành phải đưa con bỏ vào rừng. Thậm chí có khi còn đang tâm giết cả những đứa trẻ sơ sinh vì không nuôi nổi tất cả. Những đứa trẻ như vậy tiếng Nhật gọi là những đứa trẻ “mabiku” (tỉa bớt). Sống trong thời đại ngày nay ít ai tin có chuyện đó, vậy xin hãy nghe bài ca gọi hồn của Ujo [5], gọi những linh hồn trẻ thơ. Trẻ em bị “tỉa bớt”, linh hồn bé bỏng như những bong bóng xà phòng - đẹp, thơ dại và mong manh, không bay cao lên được, mới đến mái nhà đã vỡ tan ra :

 

                                                         Bong bóng xà phòng

 

                                           Bay lên  mái nhà

 

                                           Bay lên  mái nhà

                                           Vỡ tan ra

                                           Gió ơi đừng thổi

 

                                           Bong bóng ơi bay đi

 

 

 

                                           Bong bóng xà phòng vỡ tan ra

 

                                           Vỡ tan ra, không bay lên được

 

                                           Vỡ tan ra, khi mới chào đời

 

                                           Gió ơi đừng thổi

 

                                           Bong bóng ơi bay đi

 

Tình yêu thương của Basho dành cho trẻ em đói khổ, đoản mệnh rất gần với tâm hồn Tố Như. Chúng ta hãy nhớ lại những câu thơ nhói lòng của Nguyễn Du về những trẻ nghèo trong Sở kiến hành Văn tế thập loại chúng sinh.

 

Trẻ em và phụ nữ là nơi hội tụ của những tấm lòng từ ái như Nguyễn Du và Basho. Nguyễn Du viết rất nhiều và rất xúc động về “phận đàn bà” như trong Điếu La Thành ca giả, Độc Tiểu Thanh ký, Long Thành cầm giả ca, Sở kiến hành, Truyện Kiều, Văn chiêu hồn... Ông chiêu tuyết cho những người đàn bà cùng khổ nhất - những cô gái phải bán thân nuôi miệng, với Tố Như họ chẳng phải loại người gì ô uế cả, mà chỉ là những kiếp lỡ làng:

 

                        Cũng có kẻ lỡ làng một kiếp

 

                        Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa

 

Basho không viết nhiều về phụ nữ như Nguyễn Du, nhưng chỉ qua một vài bài thôi ta cũng thấy ông rất giống với Nguyễn Du. Như Nguyễn Du, ông cũng chiêu tuyết cho những cô gái bán thân (tiếng Nhật gọi là “du nữ / yùjo”), tất nhiên  bằng cách riêng của ông: ông đưa họ từ bùn đen lên ngang với đồng loại, với người thi sĩ - cư sĩ, và tìm thấy ở họ vẻ đẹp của hoa :

 

Chung một mái trọ                                     Hitotsu ya ni                                       

 

phòng bên những du nữ ngủ                       yùjo mo netari                                    

 

trăng và hoa thu.                            hagi to tsuki.                                      

 

Oku no hosomichi               

 

            Ông nói giữa ông, một thi sĩ, cư sĩ với các cô “du nữ” khốn khổ kia do ngẫu nhiên mà chung một quán trọ, một quán trọ đời, có quan hệ gì với nhau không nhỉ? Không mà có, như thể ánh trăng với hoa hagi.

 

Đứng về phía con người, Nguyễn Du lên án chiến tranh, coi nó là việc “dãi thây trăm họ làm công một người”, ông thương những người lính “bỏ cửa nhà đi gánh việc quan”, mà chết oan uổng vì “đạn lạc tên rơi” (Văn tế thập loại chúng sinh). Qua sông Gianh, ông thương xót cho những người lính bỏ thây nơi chiến địa, trên đống xương vô định bây giờ cỏ dại mọc đầy:

 

            Tam quân cựu bích phi hoàng diệp

 

            Bách chiến tàn hài ngọa lục vu

 

                                                            Độ Linh Giang

 

Lũy cổ ba quân cành lá rụng

 

            Xương khô trăm trận góc gai chồng [6]

 

Basho cũng có một tứ thơ gần giống như vậy:

 

Những chiến binh ngã xuống     Natsu kusa ya                                                

 

giấc mộng chưa thành               tsuwamono domo ga                          

 

cỏ mùa hạ ngút xanh.                            yume no ato.  

 

                                                                        Oku no hosomichi                       

 

Chúng ta còn có thể nói nhiều hơn nữa về những nét tương đồng giữa hồn thơ  Basho với Nguyễn Du như : tình yêu thương dành cho những phận người lam lũ, những triết lí, cảm nghiệm về cuộc đời v.v.

 

*

 

Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao một nhà thơ haiku đậm chất Thiền như Basho lại có thể tương đồng với một nhà thơ-nho sĩ như Nguyễn Trãi, đồng thời cả với một nhà nho tài tử như Nguyễn Du?

 

Có thể tìm câu trả lời từ những sự tương đồng giữa Basho, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du sau đây.

 

·        Tương đồng về nguồn học vấn

 

Nhiều người ngộ nhận một cách đơn giản là Basho chỉ có Thiền, Nguyễn Trãi chỉ có Nho-Lão, Nguyễn Du chỉ có tài tử. Điều ấy không đúng. Có thể nói nguồn tri thức mà ba nhà thơ này tiếp thu không thật khác nhau, mà chỉ khác nhau ở vai trò và mức độ đậm nhạt. Thiền và Lão Trang thì cả ba ông đều chịu ảnh hưởng. Nho đậm nhất ở Nguyễn Trãi, kế đến là Nguyễn Du, còn với Basho thì mờ nhạt nhất. Điều ấy không có nghĩa là Basho không biết đến Nho, vì thời Edo (Ê-đô), mạc phủ Tokugawa khuyến khích các samurai học tập Nho giáo, đặc biệt là Chu Tử học phái.

 

Nguyễn Trãi từng mong có thời gian để theo đạo Thiền :

 

            Lão khứ cuồng ngôn hưu quái ngã

 

            Lâm kỳ ngã diệc thượng thừa thiền

 

            (Già lại nói ngông đừng lạ nhé

 

            Chia tay, ta cũng muốn theo Thiền)

 

Tống tăng Đạo Khiêm qui sơn - Khương Hữu Dụng dịch

 

Nguyễn Du thì nói tâm mình thường an định không rời xa đạo Thiền (Thử tâm thường định bất li Thiền - Đề Nhị Thanh động).

 

Thiền nhưng cũng Lão Trang. Nhìn cuộc đời chỉ như một giấc mộng hư ảo là điểm chung của cả ba nhà thơ.

 

Nguyễn Trãi viết : “Hoàng lương mộng giác sự nan tầm” (Giấc mộng kê vàng tỉnh dậy việc khó tìm lại được – Đề Ngọc Thanh quán)

 

Nguyễn Du nói : bạn bè đừng cười tôi hay sầu mộng, trên đời này ai chẳng đang sống trong một giấc mộng lớn đó sao : 

 

                        Tri giao quái ngã sầu đa mộng

 

                        Thiên hạ hà nhân bất mộng trung

 

                                                                        Ngẫu đề

 

Còn Basho :

 

            Em là bướm ư                          Kimi ya chô

 

            ta là giấc mộng              ware ya Shôshi ga

 

trong hồn Trang Chu 4   yume gokoro

 

Thiền và Lão Trang khiến cho Nguyễn Trãi và Basho gần nhau trong cách nhìn vũ trụ. Theo đó con người và thiên nhiên là đồng nhất thể, con người và vạn vật không hề tách rời nhau, mà gắn bó với nhau trong một mối tương giao, tương nhập, tương tức. Trang Tử nói: “Trời đất với ta cùng sinh ra, vạn vật với ta là một” (Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, nhi vạn vật dữ ngã vi nhất- Nam hoa kinh - Tề vật luận). Bat-sui Tô-ku-shô diễn giải rõ hơn : “Trời đất với ta cùng một nguồn gốc, vạn vật với ta là nhất thể. Một hạt bụi nhỏ cũng không là một vật riêng biệt. Suối reo gió thổi là âm thanh của Tạo hóa, tùng xanh tuyết trắng là sắc màu của Tạo hóa” (Giả danh pháp ngữ)[7].

 

            Với Nguyễn Du thì Thiền, Phật và Lão Trang lại thể hiện một cái nhìn hư ảo về cuộc đời, đề cao cái tự nhiên trong con người, có tính cách phi chính thống của nhà nho tài tử, đồng thời cũng là phương tiện để chuyển tải những tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa.

 

Bên cạnh triết lí, Basho, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du đều chịu ảnh hưởng sâu sắc nền văn học cổ điển Trung Hoa. Trong nhiều bài haiku của Basho người ta cũng thấy thấp thoáng những tứ thơ, hình tượng thơ của Giả Đảo, Sầm Tham, Lưu Vũ Tích, Lý Bạch và nhất là Đỗ Phủ. Còn Nguyễn Trãi, Nguyễn Du thì đã rõ rồi.

 

Nguyễn Trãi nói :

 

                                    Đầu tiếc đội mòn khăn Đỗ Phủ

 

                                    Tay còn lựa hái cúc Uyên Minh

 

                                                                                    Mạn thuật 9

 

            Với Nguyễn Du thì Đỗ Phủ vừa là thầy, vừa là tri âm, ông coi Đỗ Phủ là bậc thầy của văn chương ngàn đời, suốt đời ông gắn bó không hề rời xa :

 

                                    Thiên cổ văn chương thiên cổ sư

 

                                    Bình sinh bội phục vị thường ly

 

                                                            Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ

 

Cùng học Đỗ Phủ, nhưng mỗi ông lại học một khác. Nguyễn Trãi học cái lo đời của Đỗ Phủ, Basho học cái thương đời, còn Nguyễn Du học cái đau đời của ông.

 

·        Tương đồng về thời đại

 

Bashô sống vào thế kỉ XVII; Nguyễn Trãi, thế kỷ XIV-XV; Nguyễn Du, thế kỷ XVIII-XIX. Bashô sống vào khoảng giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Du, không chỉ là chuyện mốc thời gian đơn thuần, mà là vấn đề thời đại. Đó là lí do khiến cho Bashô giống cả với Nguyễn Trãi và Nguyễn Du. Nguyễn Trãi sống vào lúc chế độ phong kiến đang lên và sau ông nó sẽ đạt đến đỉnh cao vào cuối thế kỉ XV. Nguyễn Du sống vào lúc chế độ phong kiến đang tan rã, kể cả khi có vẻ ổn định ít nhiều vào đầu triều Nguyễn, đồng thời các đô thị phong kiến cũng đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Còn Basho, thời đại mà ông sống là thời mạc phủ Tokugawa (Tô-ku-ga-wa) đang đi vào ổn định sau một thời kì tao loạn kéo dài vì nội chiến, các đô thị phong kiến bắt đầu mọc lên càng ngày càng nhiều và to lớn hơn, nhưng rồi nó cũng mau chóng đi vào khủng hoảng – khủng hoảng do những bất công xã hội khiến cho một bộ phận lớn dân chúng lâm vào con đường đói khổ, và khủng hoảng do sự lớn mạnh không ngừng của tầng lớp thị dân bắt đầu không bằng lòng với trật tự cũ. Thời Nguyên Lộc (1688-1703) là giai đoạn văn hóa thị dân (chônin bunka) phát triển mạnh mẽ nhất dưới thời mạc phủ Tokugawa. Thơ Basho không nằm trong loại hình văn hóa thị dân, nhưng không phải không chịu ảnh hưởng ít nhiều.

 

Điều ấy khiến cho ta hiểu trong thơ Basho vừa có cái bình yên, cái minh triết của hiền nhân như Nguyễn Trãi- tất nhiên một đằng là kiểu Thiền sư, một đằng là kẻ sĩ quân tử, lại vừa có cái xôn xao, động tâm của một thi sĩ thương đời, thương người như Nguyễn Du.

 

            Một trong những biểu hiện của khuynh hướng mới mẻ, có tính phi chính thống trong thơ Basho và Nguyễn Du là việc khẳng định văn học dân gian. Hai ông đều coi văn chương dân gian là người thầy đầu tiên của mình.

 

Nguyễn Du viết : “Thôn ca sơ học tang ma ngữ” (Bài học đầu tiên của tôi về thơ là lời của người hái dâu dệt vải – Thanh minh ngẫu hứng)

 

Basho viết gần như cùng một ý:

 

                          Thơ ca khởi đầu                                  Fùryù no

 

  bài ca người trồng lúa              Hajimeya oku no

 

                          trong miền quê thâm sâu 4                   Taue uta

 

                                                                                                Basho shichibu shù

 

            Điều này có vẻ cũng không khác với việc Nguyễn Trãi đưa lời ăn tiếng nói của nhân dân vào thơ của mình. Thực ra thì rất khác. Với Nguyễn Trãi, lời ăn tiếng nói dân gian là vấn đề Việt hóa ngôn ngữ thơ ca, còn với Basho và Nguyễn Du là vấn đề bình dân-dân chủ hóa văn chương.        

 

·        Tương đồng ít nhiều về cá tính sáng tạo

 

Trước hết cả Basho và Nguyễn Trãi, Nguyễn Du đều là những nhà thơ yêu mến thiên nhiên, yêu cái đẹp.

 

Nguyễn Trãi nói: “Túi thơ chứa hết mọi giang san” (Tự thán 2). Và ông viết nhiều bài thơ rất đẹp về thiên nhiên, đất nước của mình: một động Thanh Hư  “thác bay phới phới như gương”, “trăng lẫn nước” (Mộng sơn trung), một cửa biển Bạch Đằng hùng vĩ (Quá Bạch Đằng hải khẩu), một cửa Đại An “triều dậy nước ngang trời” (Vọng doanh), rồi cửa biển Thần Phù (Quá Thần Phù hải khẩu), núi Dục Thúy (Dục Thúy sơn)...Câu thơ dưới đây là một trong những câu thơ viết về thiên nhiên đẹp nhất của Ức Trai- nhiều người đã nói như thế:

 

                        Nước biếc non xanh thuyền gối bãi

                        Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu

 

                                                                        Bảo kính cảnh giới 26

 

Nguyễn Du trong các tác phẩm của mình, nhất là Truyện Kiều, đã vẽ nên những bức tranh thiên nhiên thật đa dạng, có những phong cảnh thiên nhiên như là biểu hiện cái đẹp của đất trời : mùa xuân thì “cỏ non xanh rợn chân trời”, mùa hạ thì “đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông”, có thiên nhiên như là lời nói thay cho cái xôn xao trong lòng người, và có thiên nhiên như là điềm báo cho số phận của nhân vật...

 

Với Basho, thơ haiku dường như không bao giờ vắng mặt thiên nhiên. Tâm hồn hướng về thiên nhiên của Basho có truyền thống từ tình cảm gắn bó với thiên nhiên của người Nhật, vừa là biểu hiện của phong nhã. Đây là cảnh sông Ki-yô-ta-ki (Sông Trong) thanh sạch và nguyên sơ :

Trăng mùa hè                                        Kiyotaki ya

 

chiếu lên sóng không bụi                       nami ni chirinaki

 

dòng Sông Trong.                                 natsu no tsuki.

 

                                                                                    Sono tayori                       

 

Còn đây thì hùng vĩ, với Ngân Hà bao la ở trên trời và đảo Sado (Sa-đô) của làng chài nhỏ nhoi thưa thớt giữa biển Nhật Bản thăm thẳm và hoang sơ :

 

Biển hoang sơ                                       Ara umi ya

 

Sông Ngân vắt ngang trời                      Sado ni yokotafu

 

tuôn xuống đảo Sa-đô              Ama no gawa

 

                                                                        Oku no hosomichi                       

 

Nguyễn Trãi, Basho, Nguyễn Du, cả ba nhà thơ đều cảm thấy cô độc giữa thời đại mình. Cô độc vì cuộc đời thì phàm tục, thi sĩ thì thanh cao, cô độc vì cả ba đều là những thi sĩ đi trước thời đại.

 

           Nguyễn Trãi và Basho đều từng nhiều đêm suy tư đến mất ngủ. Nguyễn Trãi thì :

 

                        Vò võ trai phòng vắng

 

                        Suốt đêm nghe tiếng mưa

 

                                                            Thính vũ, thơ chữ Hán

 

Còn Basho :

 

Lá chuối tả tơi                                       Bashô nowaki shite                

 

đêm nghe mưa tí tách                            tarai ni ame wo                      

 

xuống chậu sành không ngơi.                             kiku yo kana.  

 

Mukishiburi

            Nguyễn Du cô độc vì tìm thấy tri âm trên đời : ông không biết cho đến ba trăm năm nữa có ai hiểu nỗi lòng mình mà khóc thương cho mình chăng :

 

                                                Bất tri tam bách dư niên hậu

 

                                    Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

 

                                                                        Độc Tiểu Thanh ký

 

Basho cô độc vì cảm thấy con đường thơ của mình không còn ai theo nữa :

 

                        Con đường tôi đi                                  Kono michi ya                        

 

không còn ai đi nữa                              yuku hito nashini        

 

chiều tàn mùa thu.                                 aki no kure.                                    

 

                                                                                                                                        Oi nikki

 

Quan niệm của Ức Trai, Tố Như và Basho là đem nghệ thuật hướng vào con người, làm cho con người thanh cao hơn, nhân hậu và tinh tế hơn. Con đường thơ của các ông đi là con đường lớn của thơ ca : thơ ca hướng vào cái đẹp, cái đẹp trong thiên nhiên và cái đẹp trong tâm hồn con người. Thời đại khác nhau, đất nước khác nhau, nhưng con đường thơ ấy đã dẫn ba thi sĩ hàng đầu của Việt Nam và Nhật Bản đến với nhau, đến bằng những hồn thơ đồng điệu.

 
                                                                                                Tháng 2. 2003
 

                                                                                    Nguồn: Tạp chí Văn hoc số 6/ 2003

 

CHÚ THÍCH

 

 

 

 

 

 


[1] Matsuo Basho (1644 - 1694) là một trong những nhà thơ lớn nhất của Nhật Bản. Sinh ra ở Ueno (U-ê-nô), xứ Iga (I-ga, nay là tỉnh Mi-ê/ Mie) trong một gia đình võ sĩ cấp thấp. Thời thanh niên, lên Kyoto, kinh đô Nhật Bản bấy giờ để học văn học cổ điển, thơ haiku và Thiền tông. Khoảng năm 30 tuổi, ông chuyển đến Edo (Ê-đô, nay là Tokyo), đô thị vào loại lớn nhất Nhật Bản thời ấy, sinh sống và sáng tác. 10 năm cuối đời, để nuôi dưỡng tinh thần và cảm hứng thơ ca của mình, Basho làm những cuộc du hành dài đi hầu khắp đất nước, vừa đi vừa viết du kí và sáng tác thơ haiku. Ông mất năm 1694 ở Osaka, lúc mới 50 tuổi. Tác phẩm: Ngày đông (Fuyu no hi,  1684), Cánh đồng hoang (Arano, 1689), Áo tơi cho khỉ (Sarumino, 1691), Bao đựng than (Sumidawara, 1694), Du kí Lang thang đồng nội (Nozarashi kikô, 1685), Đoản văn trong đẫy (Oi no kobumi, 1688) ... và nổi tiếng nhất là Nẻo đường Đông Bắc (Oku no hosomichi, 1689).

[2] Lối lên miền Oku (Oku no hosomichi), Vĩnh Sính dịch, trong Việt Nam và Nhật Bản giao lưu văn hóa, NXB.Văn nghệ TP.HCM, 2001

[3] Bản dịch của chúng tôi. Dưới đây, các bản dịch haiku khác đều là của chúng tôi. Những bản dịch của dịch giả khác, chúng tôi sẽ ghi rõ.

[4] Nhật Chiêu dịch, trong Bashô và thơ haiku, Khoa Ngữ văn và Báo chí, ĐH Tổng hợp TP.HCM và NXB. Văn học xb, 1994.sđd

[5] Noguchi Ujô (1882-1945) : nhà thơ theo phong cách dân ca, đồng dao nổi tiếng đầu thế kỷ XX ở Nhật Bản. Tác phẩm : Cảng nổi sóng, Ông trăng đêm rằm...Bài thơ của ông chúng tôi dịch dựa theo sách Nihongo, Kekyusha xuất bản

[6] Ngô Linh Ngọc dịch

[7] Dẫn theo Ishida Ichirô : Nhật Bản tư tưởng sử khái luận, Cát Xuyên Hoằng Văn Quán, Tokyo, 1993, tr.142.

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website