Cuộc gặp gỡ Đông Tây và cơ duyên tiến bộ của văn học các nước Đông Á (Qua thực tiễn văn học Trung Quốc và Việt Nam)

  1. Văn học Đông Á  cùng chung một chữ Duy Tân

      Nghịch lí của lịch sử, tiếng súng pháo thuyền các nước tư bản phát triển phương Tây bắn vào các nước phong kiến cổ lỗ lạc hậu Đông Á[1], mở màn chế độ thực dân đã làm giới trí thức các nước ấy bùng tỉnh, đem văn hoá, văn học phương Tây đến cho các nước ấy và dấy lên ở đó một cuộc cách mạng văn hoá, văn học sâu sắc chưa từng có trong truyền thống các nước đó, kéo dài cho đến tận ngày nay.

      Sức mạnh của phương Tây bắt nguồn từ tư tưởng tự do, dân chủ, khoa học, giải phóng cá tính và sức sáng tạo có sức hấp dẫn cực kì to lớn đối với nhân dân, trước hết là tầng lớp trí thức các nước Đông Á. Nhiều nhà trí thức Trung Quốc, Việt Nam đã nhìn thấy sức mạnh ấy từ những năm 50 - 60 của thế kỉ XIX[2], nhưng chỉ có Nhật Bản đã đi tiên phong, bắc được nhịp cầu thành công với văn hoá phương Tây, xây dựng nước Nhật hùng cường, dấy lên phong trào du học Nhật Bản ở tất cả các nước Đông Á vào khoảng giao thời hai thế kỉ XIX-XX. Từ Nhật Bản, sang Trung Quốc đến Việt Nam kẻ trước, người sau đều thống nhất trong hai chữ Duy Tân. Nhật Bản thành công, Trung Quốc và Việt Nam thất bại, song cả ở hai nơi phong trào Duy Tân đã dấy lên phong trào khai sáng, thay đổi giáo dục, gửi lưu học sinh, ra báo chí, xuất bản “Tân thư”, chấn hưng thực nghiệp. “Tân thư” đối với người Đông Á có nghĩa là một hệ thống kinh điển mới thay thế cho kinh điển Trung Hoa đã lỗi thời. Duy Tân Trung Quốc là khúc dạo đầu của phong trào Ngũ Tứ, còn Duy Tân Việt Nam trong điều kiện thuộc địa, nhanh chóng bị đàn áp[3], nhưng đã kịp để lai dấu ấn trong đời sống xã hội và văn học. Sau đó là những cuộc tiếp xúc trực tiếp với văn hoá các nước phương Tây thông qua du học, phiên dịch hoặc đọc trực tiếp tác phẩm văn học, triết học bằng tiếng Âu châu. Trong điều kiện  nửa thực dân nữa phong kiến của Trung Quốc cũng như trong điều kiện thuộc địa của Việt Nam sự tiếp xúc trực tiếp với phương Tây ngày càng gia tăng. Ở Trung Quốc từ thời Ngũ Tứ đã dấy lên cuộc cách mạng văn học rầm rộ làm xuất hiện nền văn học mới hiện đại (tân văn học). Ở Việt Nam chậm hơn mười năm mới xuất hiện văn học hiện đại 1932 – 1945. Cho đến cuối thể kỉ XX, “Cải cách khai phóng” của Trung Quốc hay “Đổi mới” của Việt Nam từ trong bề sâu của khẩu hiệu đều vẫn không xa rời, mà tiếp tục hai chữ “Duy Tân”.

  1. Cuộc cách mạng thay đổi hình thái văn học

Văn học Việt Nam trong thời viễn cổ ở cơ tàng văn hoá dân gian chịu ảnh hưởng văn hoá Nam Á, thời trung đại chịu ảnh hưởng văn học Hán, nằm trong khu vực văn hoá chữ Hán. Vào thời cận đại chế độ khoa cử chữ Hán bị bãi bỏ, việc học chữ Pháp và chữ Quốc ngữ thịnh hành, văn học Việt Nam dần dần thoát li ảnh hưởng trực tiếp của văn học Trung Quốc, văn học hiện đại Trung Quốc tính từ thời Ngũ Tứ và văn học hiện đại Việt Nam từ đầu thế kỉ XX là quan hệ song hành, cùng thực hiện thay đổi hình thái văn học do ảnh hưởng văn học phương Tây trải qua những thay đổi tương đồng về nhiều mặt.

    Đặc điểm nổi bật của cuộc đổi mới văn học là thay đổi hình thái văn học[4]. Chủ nghĩa tư bản, như Mác và Ăngghen đã nói trong Tuyên ngôn Đảng cộng sản năm 1848[5], kế thừa ý tưởng của Goethe nêu ra năm 1827, khắc phục sự biệt lập, cục bộ của mỗi nước riêng biệt của xã hội phong kiến để hình thành một nền văn học thế giới[6]. Muốn giao tiếp trong thế giới ấy thì văn học cũ phải “Duy tân”, nếu không muốn bị cô lập.

    Hình thái văn học mới - hiện đại là văn học có tính thế giới, thể hiện ở sự giao lưu Đông Tây rộng rãi, không còn đóng khung trong khu vực, mặc dù giao lưu Đông Á trong thời đại mới có một ý nghĩa khác hẳn với gao lưu Đông Á thời truớc, làm cầu nối ra thế giới. Trong nền văn học mới của bất cứ nước nào đều dễ dàng nhận thấy tính liên văn bản mới, giúp người đọc tham gia vào một thế giới mới.

    Hình thái văn học mới thích ứng với trạng thái tri thức mới và tư duy mới mà nền sản xuất tư bản chủ nghĩa đã phát minh từ thời Phục hưng, gần nhất là từ giữa thế kỉ XVII đến thế kỉ XX: chủ nghĩa lí tính, khoa học, chủ nghĩa cá nhân, thuyết tiến hoá, tư tưởng nhân quyền và dân quyền, tư tưởng dân chủ, tư tưởng tự do, kinh tế học, xã hội học, luật học, ngôn ngữ lô gích.... Các thứ chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tượng trưng...là hiện tượng văn học - con đẻ của hệ hình tri thức mới, tư duy mới, tình cảm mới.

     Hình thái văn học mới phải sử dụng một ngôn ngữ mới, khác xa thứ tử ngữ của văn chương truyền thống, mà cũng khác xa ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày. Ngôn ngữ văn hoá, văn học cũ lâm vào tình trạng “mất tiếng nói” (thất ngữ). Ở Trung Quốc việc dịch thuật tác phẩm văn học phương Tây bằng văn ngôn của Lâm Trữ (Cầm Nam) tuy có ảnh hưởng rất lớn, có những chỗ dịch hay mà Tiền Chung Thư khen, song nói chung, do không biết tiếng, dịch tên tác phẩm, tên tác giả không đúng, tuỳ tiện cắt bỏ, rút gọn, thay đổi trật tự văn bản, thêm lời bình luận, lại còn đưa thêm tiêu chí dịch “nhã” bên cạnh tiêu chí “tín, đạt”, thể hiện một thị hiếu cũ kĩ, dẫn đến những chỗ được coi là “không nhã” thì không dịch hoặc là dịch khác đi...Đó là bằng chứng cho thấy văn học mới đòi hỏi phải có một ngôn ngữ mới tương thích[7]. Văn bạch thoại hiện đại không phải thứ bạch thoại của các truyện thoại bản, của sinh hoạt hằng ngày. Văn quốc ngữ Việt Nam viết bằng mẫu tự La Tinh cũng không phải là văn Nôm hay chỉ là lời ăn tiếng hàng ngày được viết bằng chữ quốc ngữ, mà là ngôn ngữ hình thành trên nền tảng tri thức hiện đại. Các nhà ngữ học đã chứng minh tính hiện đại về hệ thống từ vựng, cách cấu tạo từ và cách liên kết mới. Không có ngôn ngữ ấy không chuyển tải được tinh thần mới, ý thức mới, không có văn học mới. Hàng loạt từ ngữ mới về đủ các mặt chính trị, kinh tế, khoa học, xã hội, tâm lí...chưa từng có, ví dụ như khoa học, dân chủ, tự do, nhân quyền, triết học, văn hoá, văn học...[8]

     Hình thái văn học mới thực hiện một chức năng thẩm mĩ theo sự phân công của xã hội, không còn nặng về công cụ giáo hoá như văn học trung đại, mà nổi bật lên chức năng thẩm mĩ[9].

    Trong hình thái văn học mới văn học dịch là một bộ phận hợp thành hùng hậu. Văn học Trung Quốc từ sau cao trào dịch kinh từ thời cổ đại, đến thời cận đại mới bắt đầu cao trào dịch thuật mạnh mẽ[10]. Việt Nam đầu thế kỉ XX mới thực sự mở đầu một thời đại dịch thuật. Lúc này văn học Trung Quốc mới thực sự đuợc coi là văn học nước ngoài và quy mô dịch sách Trung Quốc thật là rộng lớn[11]

     Hình thái văn học mới bao hàm cả nghiên cứu, lí luận phê bình văn học. Theo lí thuyết tiếp nhận, văn học không tồn tại bên ngoài tiếp nhận, do đó nếu văn học là sáng tác về nhân sinh thì lí luận phê bình là văn học về văn học. Hình thái truyền thống gắn với những thi thoại, bình điểm, Hình thái mới gắn với hệ tri thức mới về văn học. Bộ Trung Quốc tân văn học đại hệ do Triệu Gia Bích chủ biên (1935 -1936) gồm 10 tập, hai tập đầu dành cho lí luận. Bộ Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan(1942) cũng thâu thái cả các công trình lí luận, phê bình văn học. Tất nhiên do thời điểm lịch sử mà Hải Triều, Đặng Thai Mai chưa có măt. Khiếm khuyết đó sau này Thanh Lãng đã bổ sung.

    Có thể hiểu tính hiện đại của hình thái văn học mới là các thuộc tính, phẩm chất hình thành trên nền tảng hệ tri thức hiện đại. Hệ tri thức ấy đổi thay, tính hiện đại của văn học cũng đổi thay theo. Đó là lí do sau hiện đại xuất hiện hậu hiện đại.

     Cuộc cách mạng văn học bắt buộc phải đối lập, tách rời, đứt đoạn với truyền thống của dân tộc, trong đó có văn hoả Trung Hoa, bởi không có phủ định, đứt gãy không thể có đổi mới. Trong khoảng hai nghìn năm văn hoá chữ Hán và văn học Trung Quốc đã ảnh hưởng cả một vùng Đông Á rộng lớn, có thể ví như ảnh hưởng của văn hoá Hy La đối văn học châu Âu. Địa vị thống trị của tử ngữ văn ngôn cùng hệ thống kinh điển của nó đã kìm hãm và trói buộc sự phát triển của tư tưởng xã hội. Bây giờ muốn đổi mới thì phải rời bỏ nó cùng với nhiều tuyền thống khác. Đó là một yêu cấu có tính quy luật. Nhà lí luận Anh Anthony Giddens cho rằng “Phi diên tục hay nói cách khác là tính đứt đoạn là đặc trưng cơ bản của tính hiện đại.”[12] Nhà lí luận Trung Quốc Uông Huy cho rằng “Tính hiện đại không chỉ là hơn hẳn quá khứ, mà còn có nghĩa là thông qua sự đối lập, cắt đứt với quá khứ mà xác lập bản thân nó”[13]Quay lưng với văn hoá truyền  thống Trung Hoa mà các nước Đông Á chịu ảnh hưởng sâu sắc. Bản thân người Trung Quốc cũng quay lưng với truyền thống của mình, “đập đổ cửa hàng họ Khổng”(打倒孔家店 - 吴虞). “Đập đổ của hang họ Khổng” có nghĩa là đập đổ những cương thường, lễ giáo thống trị hàng nghìn năm. Phan Bội châu khi xuất dương tìm “Tân thư” đã nói: “Sách thánh hiền xưa đã nhạt màu”(Nguyên văn : Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si - Xuất dương lưu biệt). Phan Châu Trinh chủ trương: gạt bỏ truyền thống tư tưởng Trung Quốc, chọn tư tưởng nhân quyền phương Tây. Hướng hẳn về văn hoá hiện đại văn học phương Tây, hấp thu tối đa các thành tựu của họ nhằm xây dựng nền văn học mới, hiện đại của mình, bởi đó là cái tiêu biểu cho hình thái mới. Ngôn ngữ văn học phương Tây không phải là ngôn ngữ cổ đại hay trung đại phương Tây, mà là hiện đại. Hệ thống thể loại văn học phương Tây cũng không phải là hệ thống có từ thời Aristote hay thời trung đại phương Tây. Như thế việc học phương Tây là học một hình thái văn học mới của nhân loại mà các nước Đông Á không có, chứ không phải giản đơn chỉ là Âu hoá hay phương Tây hoá.

 

  1.  Phương Tây hoá như một ẩn dụ về văn học giao lưu thế giới hiện đại

     Trong diễn ngôn hiện đại người ta thường nói tới “châu Âu” hay đúng hơn là “phương Tây” , bởi phương Tây bào gồm nước Mĩ, châu Mĩ La tinh, đôi khi bao gồm cả Nhật Bản trong đó, mặc dù Nhật là nước phương Đông. Nhưng Châu Âu hay phương Tây, cho dù đã tham gia vào khối này, liên minh nọ thì đó vẫn là khu vực bao gồm nhiều nước có truyền thống văn hoá khác nhau: Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan, Áo, Ba Lan, Hungari... Ngày nay châu Âu sẽ bao gồm cả nước Nga mênh mông, sau khi nhà nước xã hội chủ nghĩa nước này sụp đổ và cả phe mà mó đại diện cũng không còn. Thổ Nhĩ Kì đã gia nhập Liên minh châu Âu và có tác giả đoạt giải Nobel, cũng cần xem là nước “châu Âu”. Nigeria, Nam Phi thuộc châu Phi, có nhà văn đoạt giải Nobel hẳn cũng nên xem là “châu Âu”...Các nước Argentina, Columbia...mà văn học tiếng Tây Ban Nha rất phát triển hẳn cũng là châu Âu hoặc Phương Tây. Ấn Độ với R. Tagor tác phẩm viết bằng tiếng Anh cùng Nhật Bản với Yasunari Kawabata, Oe Kenzaburo viết bằng tiếng Nhật, Cao Hành Kiện tuy mang quốc tịch Pháp mà vẫn đậm dà một tâm hồn Trung Hoa...  đoạt giải Nobel nên xếp vào châu nào trong bản đồ văn học hiện đại? Hẳn nhiên giải thưởng văn học Nobel không tránh khỏi mang nhãn quan phương Tây và giới hạn ý thức hệ, song ít nhất cũng đại diện cho hệ giá trị hiện đại của thế giới về văn học. Bản sắc văn học của họ rất đa dạng, nhiều khác biệt, có khi không dung hoà, vậy nói Âu hoá hay phương Tây hoá là “hoá” theo nước nào ? Ngày nay Âu hoá hay phương Tây hoá chỉ là một ẩn dụ nói về trình độ phát triển của văn học thế giới trên cơ sở hệ tri thức hiện đại mà phần còn lại của thế giới sẽ hướng theo trên con đường tiến bộ. Hiện tượng mà nước Nhật nhiều khi được xem như thế giới “phương Tây” nói lên rằng, nếu có một nước nào khác phi phương Tây mà đạt đến trình độ kinh tế, văn hoá, tư tưởng, văn học hiện đại ngang phương Tây thì không có nghĩa là nó sẽ lập ra một trung tâm mới thu hút thế giới. Đó nhiều lắm cũng chỉ là một dân tộc tiên tiến trong cái đa dạng của các nước tiên phong đã có mà thôi. Vì là một ẩn dụ, cho nên nhiều khi do nhu cầu tư tưởng mà chỉ trích “Âu hoá” hay “phương Tây hoá” cần phân biệt ý nghĩa địa phương và ý nghĩa ẩn dụ. Nếu là sự tiếp thu vượt lên các nước cụ thể thì đó đã là một sáng tạo vượt bậc. Sáng tác của Tagor, Kawabata, Kenzaburo, Marquez, Cao Hàn Kiện, Palmuk...nói lên xu thế của nền văn học có tính thế giới.

 

4. Số phận và sứ mệnh văn học dân tộc các nước Đông Á trong cuộc gặp gỡ Đông Tây       

      Xu thế thế giới hoá văn học không có nghĩa là  một sự hoà đồng làm mất bản sắc dân tộc. Không ít ý kiến quan ngại khuynh hướng “Âu hoá” (phương Tây hoá) sẽ làm mất đi bản sắc dân tộc trong văn học các nước Đông Á, song thực tế, xét theo dòng chủ lưu thì không hoàn toàn như vây. Có lẽ không ai chịu nhiều ảnh hưởng nước ngoài như Lỗ Tấn. Truyện ngắn và thơ văn xuôi của ông chịu ảnh hưởng của Gogol, Dostoievski, Turgenev, Chekhov, Nietsche, Andreev, Freud, Cervantes, Caragial, Trù Xuyên Bạch Thôn...Nhưng tác phẩm của ông được công nhận là giàu tính dân tộc bậc nhất. Hoài Thanh thừa nhận “mỗi nhà thơ Việt Nam như mang nặng trên đầu năm bảy nhà thơ Pháp”, “nhưng hồn thơ Pháp hễ chuyển được vào thơ Việt là đã Việt hoá hoàn toàn”. “Những sự mô phỏng ngu muội lập tức bị đào thải”[14]. Thạch Lam cũng nói, mỗi nhà viết phóng sự Việt Nam trong đầu chứa vài ba tên tuổi phóng sự người Pháp, nhưng thực tế các phóng sự Việt Nam giai đoạn ấy đều mang đậm phong cách Việt Nam[15]. Nhà văn Nam Cao trong Đời thừa nhân vật chính có khát vọng sáng tạo trong ngữ cảnh toàn thế giới, và ý thức một cách đau đớn sự bất lực của mình.

    Xu hướng thế giới hoá biểu hiện trước hết ở các trào lưu sáng tác cuốn hút hầu hết văn học các dân tộc đi vào dòng chảy của nó như chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại ...(Các trào lưu văn học thế kỉ XX ở Trung Quốc, các trào lưu văn học thế kỉ XX ở Việt Nam) Sự giao lưu tạo thành thành truyền thống mới, bản sắc mới của văn học dân tộc (Thơ mới Trung Quốc và thơ mới Việt Nam đều có các trào lưu hiện thực, lãng mạn và hiện đại chủ nghĩa)[16]. Ngôn ngữ dân tộc đổi mới phát huy những tiềm năng biểu hiện thẩm mĩ chưa từng có. Văn học tự sự đi theo các hình thức mới (Sự chuyển biến hình thức tự sự trong văn học Trung Quốc và Việt Nam[17]).

    Phê bình, lí luận văn học các nước Đông Á cũng đi theo các khuynh hướng phê bình văn học phương Tây: từ chủ nghĩa ấn tượng, văn hoá lịch sử, tiểu sử học, phân tâm học, thi pháp học, phê bình mẫu gốc, xã hội học (kể cả xã hội học thực dụng dung tục!), mỗi khuynh hướng đều có một vài đại diện tiêu biểu. Có thể nêuứo sánh ít nhiều khập khiểng các đại diện tương ứng như Chu Dương, Phùng Tuyết Phong - Hải Triều, Đặng Thai Mai, Hà Xuân Trường; Hoài Thanh – Lí Kiến Ngô; Mao Thuẫn - Trần Thanh Mại, Trương Tửu...Nói khập khiểng vì nhiều trường hợp  nhà lí luận phê bình văn học Trung Quốc xuất hiện trước hơn, tầm cỡ hơn, nhưng về sự điêu luyện có trường hợp nhà phê bình văn học Việt Nam chuyên nghiệp hơn. Có nhiều trường hợp không tìm thấy tương ứng[18]. Như vậy từ sáng tác đến phê bình văn học từ nay văn học các nước Đông Á không thể nào tách rời được các tiến trình chung của văn học thế giới.

    Xét về tiến trình, tiến trình hiện đại hoá ở các nước xã hội chủ nghĩa cũng diễn ra quanh co, phức tạp, phụ thuộc vào cục diện thế giới.. Cả Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã có thời hiên đại hoá theo hưỡng xã hội chủ nghĩa cho đến khi hệ thống ấy sụp đổ. Văn học dân tộc phần lớn các nước trải qua quá trình ba giai đoạn của thế kỉ XX: giai đoạn đầu thế kỉ phát triển theo hướng tự do, đa nguyên, giai đoạn giữa, phát triển theo hướng xã hội chủ nghĩa khép kín, duy nhất, độc tôn, đối lập, bài xích lại hầu hết các khuynh hướng khác trên thế giới; giai đoạn cuối thế kỉ, sau khi mở cửa, đổi mới hay sụp đổ, văn học lại giao lưu, hội nhập quốc tế trên nền tảng toàn cầu hoá tri thức và văn học phát triển đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của tinh thần con người.[19]  Trong tiến trình này sự mâu thuẫn giữa khuynh hướng văn học chính trị hoá cực đoan mang tính chất thực dụng với văn học bình thường trong khu vực văn học các nước xã hội chủ nghĩa đã làm chậm bước phát triển của văn học theo hướng hiện đại, làm giảm sút  sự đa dạng thẩm mĩ.

    Trong quá trình đó văn học dân tộc mỗi nước vẫn có bản sắc riêng, nét ưu trội riêng, thành tựu riêng. Nhiều văn học dân tộc châu Á, châu Phi, châu Mĩ La Tinh có thành tựu nổi bật thể hiện qua nhiều giải thưởng văn học lớn mang tầm quốc tế. Đó là bằng chứng hùng hồn cho bản sức dân tộc trong thời hội nhập. Tất nhiên mức độ đi ra thế giới của các nền văn học dân tộc có những khó khăn chung và riêng. Văn học thời kì mới của Trung Quốc đã ồ ạt tràn vào Việt Nam với những tác giả như Kim Dung, Mạc Ngôn, Vương Mông, Giả Bình Ao, Phùng Kí Tài, Dư Hoa, Trương Hiền Lượng, thậm chí cả Vệ Tuệ, Xuân Thụ... Nhưng theo nhận xét của Ban Blanchard thì văn học Trung Quốc đi ra thế giới còn rất ít, ngoại trừ phim của Trương Nghệ Mưu về Cao lương đỏ. Tình hình văn học Việt Nam đi ra thế giới cũng gặp khó khăn tương tự, có điều khác là Trung Quốc hầu như không dịch văn họcViệt Nam, ngoại trừ Ông cố vấn của Hữu Mai[20]

    Văn học dân tộc hình thái mới không chỉ thoả mãn nhu cầu thẩm mĩ của bạn đọc dân tộc mình mà còn có yêu cầu cao hơn, đáp ứng niềm quan tâm của độc giả thế giới. Như thế văn học dân tộc còn có sứ mệnh mới không thể chối từ. Sự giao lưu giúp người ta tự ý thức, phát hiện rõ hơn bản sắc dân tộc. Gần 70 năm trước Hoài Thanh đã viết: “Ảnh hưởng Pháp đã giúp ta nhận thức cái cá tính của ta. Hoặc trở về thơ Việt xưa, hoặc tìm đến thơ Đường, thơ Pháp, đi đâu thì ta cũng cốt tìm ta. Ta tìm và nhiều lần ta đã gặp.”[21] Đó không chỉ giản đơn là cái “ta” cổ xưa, mà là cái ta hiện đại, cái ta mà cổ nhân chưa từng biết, từng biểu đạt. Ngày nào sự xê dịch của Nguyễn Tuân được coi là một cái lập dị, nhưng ngày nay, khi kinh tế phát triển, đời sống cải thiện, người Việt Nam hiện đại không ai muốn giam mình sau “luỹ tre xanh” (mà nay đâu còn?!), để xê dịch, du lịch nhiều nơi trong nước, ngoài nước. Ngày nào Vũ Trọng Phụng còn chế giễu các thứ thời trang trong cửa hiệu Âu hoá của vợ chồng Văn Minh, thì ngày nay các thời trang đó trong chừng mực đạo đức cho phép đang có xu hướng đáp ứng thị hiếu của giới trẻ. Cứ nhìn các mẫu áo dài tuyền thống hở lưng, hở cổ, hở ngực thì sẽ thấy sự đa dạng trong thị hiếu ăn mặc. Tất nhiên, sự đối lập, đứt đoạn nói trên không bao giờ là tuyệt đối. Cứ xem thơ mới, ngoài những tính chất rất Tây trong thơ Thế Lữ, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên... dấu ấn thơ Việt, ca dao, thơ Đường đều rõ nét. Không chỉ trong thơ, trong truyện ngắn, tiểu thuyết, trong phóng sự, tuỳ bút đều thế cả, ví dụ như truyện ngắn và tuỳ bút của Nguyễn Tuân. Nhưng điều đó cũng không tuyệt đối. Trào lưu thơ hiện đại đang làm những điều mà các nhà thơ mới táo bạo nhất cũng chưa nghĩ đến. Khi cả thế giới mặc áo hở cổ thì người Việt khi giao tiếp thiết nghĩ không phải lúc nào cũng cài kín cổ. Ngược lại cũng vậy. Thiết nghĩ đó cũng là quy luật chung trong văn học của mỗi dân tộc hiện đại. Tính dân tộc là một phạm trù động, phát triển chứ không phải khép kín, bất biến. Đó là vì văn học không chỉ phát triển theo chiều dọc lịch sử mà còn phát triển theo chiều ngang thông qua giao lưu. Cả hai chiều đều quy định lẫn nhau, thúc đẩy lẫn nhau[22]. Vấn đề là tìm được nhiều điểm gặp gỡ giữa văn học dân tộc và văn học các dân tộc khác trên thế giới.

 

5. Thời cơ mới của văn học dân tộc

     Văn học các dân tộc Đông Á dù có truyền thống lâu đời hàng nghìn năm như thế nào, ngày nay cũng không thể trở về với truyền thống nghìn năm của họ, và cũng bất tất phải làm như thế. Cuộc sống ngày nay đã hoàn toàn khác xưa trên tất cả mọi mặt. Không chỉ các phương tiện, điều kiện sống đã khác, mà tâm hồn, tình cảm, thói quen cũng khác, không chỉ khác biệt chậm chạp mà khác biệt nhanh chóng. Tình yêu gia đình, Tổ Quốc, yêu con người, thiên nhiên vẫn mãnh liệt như xưa, nhưng biểu hiện đã không còn như trước. Sự giao lưu quốc tế không chỉ là điều kiện sống còn của đất nước mà còn là điều kiện phát triển của văn học dân tộc. Mở rộng giao lưu văn học chừng nào còn có thể, đó là thời cơ mới của văn học dân tộc của mỗi nước. Đó cũng là thời cơ của văn học Việt Nam, một nền văn học hưởng sự giao lưu quốc tế có lẽ là ít nhất trong khu vực.



[1] Châu Á theo phương vị địa lí chia thành Đông Bắc Á, Tây Á, Nam Á. Đông Nam  Á. Đông Á gồm các nước Đông Bắc Á và Đông NamÁ. Ở đây do hiểu biết hạn chế, chỉ đề cập Trung Quốc và Việt Nam. )

[2] Xem: Xu hướng đổi mới trong lịch sử Việt Nam, những gương mặt tiêu biểu, nxb. Văn hó thông tin, Hà Nội, 1998. Các nhân vật quan trọng ở Việt Nam như Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Lộ Trạch...Ở TrungQuốc có Nguỵ Nguyên, Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Nghiêm Phục, Quách Sùng Đào... Xem: 中国 近代文学的历史轨迹 Quỹ đạo của văn học cận đại Trung Quốc. Thượng Hải thư điếm, 1999.

[3] Xem: Nguyễn Văn Xuân. Phong trào Duy Tân, Lá Bối, Sài Gòn, 1969.

[4] Khái niệm hình thái văn học vừa dựa vào tiên đoán của Goethe và Các Mác, vừa dựa vào vai trò của loại hình tri thức trong sự phát triển văn hoá, văn học mà M. Foucault và J. - F. Lyotard đề xuất.

[5] C, Mác và Ăngghen. viết trong Tuyên ngôn Đảng cộng sản: “Thay cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và dân tộc vẫn tự cung tự cấp, ta thấy phát triểnnhững quan hệ phổ biến, sự phụ thuộcphổ biến giữa các dân tộc. Mà sản xuất vật chất đã như thế thì sản xuất tinh thần cũng không kém như thế, những thành qủ hoạt dộng tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc. Tính chất hẹp hòi và phiến diện dân tộc ngày càngkhông thể tồn tại được nữa,và từ nhữngnhững nền văn học dân tộc và địa phương muuom hình muôn vẻ, đangnảy nở một nền văn học toàn thế giới..” C. Mác, F. Ăngghen. Tuyển tập, Tập 1, nxb Sự thật , Hà Nội, 1980, tr. 545 – 546.

[6] Khái niệm văn học thế giới ngày nay có nhiều cách hiểu : tổng thể văn học các nước trên thế giói, tính loại hình của các nền văn học, giai đoạn văn học, thể loại văn học trên thế giới, hệ thống tác phẩm kinh điển làm thành ý niệm văn học thế giới, văn học tổng thể, chỉ các phong trào văn học lớn có sức cuốn hút văn học các nước. Chúng tôi hiểu văn học thế giới vừa dựa trên sự giao lưu văn học trên quy mô thế giới, vừa dựa trên nền tảng hệ thống tri thức toàn cầu mà sự giao lưu nhiều mặt mang lại..

[7] 施蜇存著翻译文学的输入Thi Triết Tồn. Sự du nhập văn học dịch. Lời dẫn nhập Tập văn học dịch, trong Trung Quốc cận đại văn học đại hệ. Trong sách: Quỹ đạo lịch sử của văn học cận đại Trung Quốc. Thượng Hải thư điếm, 1999.

[8] 高玉著现代汉语与中国现代文学Cao Ngọc. Hán ngữ hiện đại và văn học hiện đại Trung Quốc. Nxb KHXH Trung Quốc, Bắc Kinh, 2003.

Tác giả nêu một số ví dụ: như từ “văn hoá” xưa có nghĩa là văn trị giáo hoá, đối lập với vũ trị, vũ công, khác hẳn với nội dung văn hoá dịch từ “Culture” hiện nay; từ “khoa học” dịch từ “Science” là kiến thức được tổ chức, khác hẳn từ “cách trí”theo nghĩa cách vật trí tri. Từ “dân chủ” xưa  là “làm chủ cho dân” khác xa từ dân chủ dịch từ “Democracy” có nghĩa là một chế độ để người dân làm chủ nhà nước.; từ “văn học” xưa vốn là trước tác học thuật ...nay là dịch từ “literature”chỉ chung toàn bộ văn học, nghệ thuật ngôn từ. Trước đó chỉ có “văn” và”thơ”. Ví dụ Hợp tuyển thơ văn Việt Nam... Xem thêm: Trần Đình Sử. Từ Hán Việt gộc Nhật trong từ vựng tiếng Viêt, trong sách: Văn học và thời gian, nxb Văn học, Hà Nội, 2000.

[9] Ở Trung Quốc,người đầu tiên nêu tính chất thẩm mĩ của văn học, đối lập với chủ trương công lợi thực dụng của nho gia và Lương Khải Siêu là VươngQuốc Duy, sau đó là Chu Quang Tiềm. Ở Việt Nam người nêu bản chất thẩm mĩ đầu tiên là Thiếu Sơn chống lại tư tuởng thực dụng của Phạm Duy Tốn, Phạm Quỳnh, người nêu có hệ thống là Hoài Thanh chống lại quan điểm của Hải Triều. Mâu thuẫn thực dụng và thẩm mĩ kéo dài hầu như suốt cả thế kỉ XX. Ý thức thẩm mĩ trải qua mấy hình thái: thẩm mĩ tâm lí, thẩm mĩ lãng mạn, thảm mi hình thức, thẩm mĩ thần bí, thẩm mĩ tiêu dùng.

[10] Theo tài liệu công bố vào thời cận đại trong vòng 12 năm đã dịch156 loại sách, gồm 413 quyển . Riêng, một mình Lâm Trữ  đã dịch 185 cuốn. Thời vãn Thanh xuất bản 1500 tiểu thuyết, riêng tiểu thuyết dịch chiếm2/3. Thời Ngũ Tứ, theo thống kê trong sách Tân văn học đại hệ, Tổng mục phiên dịch cho biết 8 năm Ngũ tứ (1919 – 1927), xuất bản 187 tác phẩm dịch. Từ năm 1949 đến 1953 dịch 2151 loại tác phẩm, số lượng in có khi đạt tới 5 triệu bản một cuốn.(Tư liệu trong cuốn Khái luận văn học so sánh của Trần Đồn, Lưu Tượng Ngu, nxb Đại học sư phạm Bắc Kinh, 2000.

[11] 颜保著中国小说对越南文学的影响 Nhan Baỏ. Ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Quốc đối với văn học Việt Nam. Trong sách:Tiểu thuyết Trung Quốc tại Á Châu, Quốc tế văn hoá xuất bản công ty, 1989. Theo Nhan Bảo, chỉ riêng đầu thế kỉ XX đã có 316 tác phẩm văn học cổ điển Trung Quốc dịch sang chữ Quốc ngữ.

[12] Chuyển dẫn từ  Trần Gia Ánh.陈嘉映著 现代性与后现代性十五讲 15 bài giảng về tính hiện đại và tính hậu hiện đại, Đại học Bắc Kinh,  Bắc Kinh, 2006.

[13] 汪晖著韦伯与中国的现代性问题 Uông Huy. Max  Weiber và vấn đề tính hiện đại của Trung Quốc, trong Tuyển tập tự chọn của  Uông Huy, Sư phạm Quảng Tây xuất bản, 1997.

[14]  Xem Hoài Thanh. Một thời đại trong thi ca, trong sách: Thi nhân Việt Nam.

[15] Thạch Lam. Tuyển tập.

[16] Huy Cận, Hà Minh Đức chủ biên. Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thi ca, nxb Giáo dục, Hà Nội, 1993; Mai  Nhi Văn học hiện đại : Văn học Việt Nam, giao lưu và gặp gỡ. Nxb Văn học, Hà Nội, 1994.

谢冕著新世纪的太阳 二十世纪中国诗潮 Tạ Miện. Trào lưu thơ Trung Quốc thế kỉ XX, nxb Thời đại, Bắc Kinh, 1993; 骆寒超著二十世纪新诗宗论Lạc Hàn Siêu. Tổng luận thơ mới thế kỉ XX, nxb Học Lâm, Thượng Hải, 2001; 谭楚良著中国现代派文学史论Đàm Sở Lương, Bàn về lịch sử chủ nghĩa hiện đại Trung Quốc. nxb Học Lâm, Thượng Hải, 1996.

[17] 陈平原著 中国小说叙事模式的转变Trần Bình Nguyên.  Sự chuyển biến mô hình tự sự của tiểu thuyết Trung Quốc, Nxb Đại học Bắc Kinh, Bắc Kinh, 2003.; 米列娜编 从传统到现代  世纪转折时期的中国小说 Milêna. Từ truyền thống đến hiện đại - Tiểu thuyếtTrung Quốc trong thời kì bước ngoặt thế kỉ., Đại học Bắc Kinh, Bắc Kinh, 1991.

[18] 刘峰杰著 中国现代六大批评家 Lưu Phong Kiệt. Sáu nhà đại phê bình văn học Trung Quốc. Đại học Bắc Kinh, Bắc Kinh, 2005 (Gồm Chu Tác Nhân, Mao Thuẫn, Lương Thực Thu, Li Kiến Ngô, Hồ Phong, Chu Dương); 温儒敏著 Ôn Nhu Mẫn. Giáo trình lịch sử phê bình văn học hiện đại Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh, Bắc Kinh, 1993 ( Gồm Vương Quốc Duy, Chu Tác Nhân, Thành Phỏng Ngô, Lương Thực Thu, Mao Thuẫn, Lí Kiến Ngô, Phùng Tuyết Phong, Chu Dương, Hồ Phong, Chu Quang Tiềm); 许道明著中国现代文学批评史新编Hứa Đạo Minh. Trung Quốc hiện đại vănhọc phê bình sử tan biên, Đại học Phúc Đán , Thượng Hải, 2002,  giới thiệu gần 40 nhà phê bình. Nguyễn Thị Thanh Xuân. Phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX (1900 – 1945), nxb Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2004; Trần Đình Sử. Lí luận phê bình văn học Việt Nam thế kỉ XX, trong sách: Văn học Việt Nam thế kỉ XX - những vấn đề lí luận và lịch sử, nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004.

[19] 余虹著 革命 审美 解构 Dư Hồng. Cách mạng, Thẩm mĩ, Giải cấu trúc. “Văn học thị dã võng trạm”White-collar.net, .24 – 2 – 2003. Tác giả chia lịch sử lí luận, phê bình văn họảnTung Quốc thế kỉ XX theo ba giai đoạn và xem xét theo khí niệm tính hiện đại và hậu hiện đại. Từ 1919 đến 1949 là gia đoạn phát triển đa nguyên, từ 1949 đến 1979 là thời kì tư tưởng chính trị chính đảng, từ 1980 về sau giai đoạn cải cách mở của, xu hướng đa nguyên. Lã Nguyên trong công trình chưa công bố Lí luận văn học Nga thời xô viết hậu kì (2008) cũng chia lí luận phê bình văn học Nga theo ba giai đoạn. Xem: Lã Nguyên. Số phận lịch sử của nền lí luận văn học chính thống xô viết, Tạp chí nghiên văn học, số 9 – 2008. Л. П. Егорова  П. К.  Чекалов  История руccкой литературы  XX  века, M., 1998. Tác giả chía lịch sử văn học Nga làm 3 giai đoạn, từ đầu thế kỉ XX là giai đoạn văn học đa nguyên, giai đoạn xô viết chình thống bắt đầu từ 1930 cho đến liên bang sụp đ, từ thời kì sụp đ về sau là thời kì hỗn loạn, hư vô. Chúng tôi cũng chia lịch sử lí luận phê bình văn học Việt Nam thế kỉ XX theo ba giai đoạn chính. từ đầu thé kỉ XX đến 1945 là giai đoạn đa nguyên. Từ giai đoạn 1945 đến 1986 – giai đoạn mác xít chính thống, Giai đoạn 1986 đổi mới, đa phương, đa dạng. Từ sự tương đồng về giai đoạn phát triển của lịch sử lí luận phê bình văn học các nước Liên Xô – Nga, Trung Quốc và Việt nam có thể thấy văn học dân tộc hiện đại phát triển theo những quy luật, xu thế chung của trào lưu thế giới, không còn hiện tượng độc lập, tự trị như cũ. Như  thế tức là tính dân tộc đã bị giới hạn bởi tính thế giới.    

[20] Xem bài phỏng vấn trên Trung Hoa độc thư báo, ngày 29 – 4 – 2009.  Trong bài báo ấy , theo ý kiến của bà  Jo Lusby, văn học Trung Quốc sở dĩ khó ra thế giới có lí do là tính dân tộc quá đậm thể hiện ở nhiều tri thức lịch sử Trung Quốc được đưa vào tác phẩm, khiến người đọc phương Tây rất khó tiếp cận.; Các nhà vănTung Quốc  như Trịnh Bá Nông, phó chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc phê bình giới xuất bản sách phương Tây chỉ quan tâm mảng sách cấm của Trung Quốc để thoả mãn nhu cầu tò mò mà ít quan tâm giá trị văn học. Điều đó có ảnh hưởng xấu đến sáng tác ở Trung Quốc. Một số nhà văn cố ý viết để bị cấm, tạo điều kiện để dịch ra nước ngoài. Về sách dịch Việt Nam ra nước ngoài, xin xem các bài báo phản ánh tình hình nhân dịp Hội nghị quốc tế về Quảng bá văn học Việt Nam từ 5 đến 10 – 1 – 2010 tại Hà Nội. Nhìn chung thế giới đang ít biết về văn học Việt Nam.

[21] Hoài Thanh. Thi nhân Việt Nam.

[22] Về các vấn đề này có thể xem: 钱中文著 文学理论 文学发展论 Tiền Trung Văn. Lí luận vănhọc – văn học phát triển luận, nxb. Văn khố Viện khoa học xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh, 1998, in làn thứ 4, 2007; 钱念孙著文学横向发展论 Tiền Niệm Tôn. Văn học hoành hướng phát triển luận, Thượng Hải văn nghệ xuất bản xã, 1989, 2001.

 

Trần Đình Sử, GS. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 

Danh mục website