Nhận xét về việc giảng dạy một số môn văn học và nghệ thuật ở một trường đại học Mỹ

Trong đợt sang Mỹ theo chương trình Scholar Exchange do tổ chức American Council of Learned Societies (ACLS) tài trợ từ tháng 1-5.2007 (đúng 1 học kỳ), tôi được phân công về trường Đại học Findlay thuộc bang Ohio. Ngoài việc thực hiện 1 số yêu cầu do tổ chức này và trường đưa ra, tôi có dịp tham dự 1 số môn học văn học và nghệ thuật (vì trường Findlay có chia ra 3 trường, trong đó có trường họ gọi là Liberal Arts – tương tự như xã hội nhân văn của mình thêm một số môn nghệ thuật) với tư cách là observer (quan sát viên). Tôi đã thu thập nhiều kinh nghiệm cho bản thân trong việc dạy và tiếp thu các môn học thuộc nhóm ngành xã hội nhân văn, nghệ thuật rất có ích cho quá trình giảng dạy của tôi khi về nước. Sau đây là một số nhận xét của tôi. Đương nhiên: 1, những nhận xét này mang tính chủ quan, chỉ để tham khảo chứ không mang tính chất đánh giá. 2, đây là những môn học do các giáo sư của trường Findlay giảng dạy, có thể, cũng với môn học này nhưng giáo sư trường khác sẽ có phương pháp giảng dạy khác, nên cũng không mang tính áp đặt và tiêu biểu.

Bốn môn học mà tôi tham dự là:

1. Theatre Literature – 18th Century to the Present (Văn học sân khấu, từ thế kỷ 18 đến nay, do GS. Scott Hayes hướng dẫn – họ dùng từ “instructor”(người hướng dẫn) không dùng từ “lecturer” hay “teacher”)

2. Writing and Literature ( Viết văn và văn học, do GS. Gary Johnson hướng dẫn)

3. Topics in Literature: Fiction on Film ( Đề tài trong văn học- từ tiểu thuyết đến điện ảnh, do GS. Nicole Diederich hướng dẫn)

4. Introduction to Theatre ( Nhập môn Sân khấu, do GS.Jerry Deall hướng dẫn)

Sau đây là nhận xét của tôi về

I.        KỸ NĂNG

Buổi học đầu tiên luôn là buổi để sinh viên tự giới thiệu, giáo viên phát đề cương chi tiết môn học, giới thiệu rõ quá trình thực hiện đề cương này. Đề cương được phát cho từng sinh viên, trong đó ghi rõ tên, mã số môn học, giờ học, phòng học, tên giáo viên hướng dẫn môn học, giờ giáo viên có mặt ở văn phòng riêng (office hours, giáo viên có 1 phòng làm việc riêng và phải tuân thủ giờ làm việc để sinh viên đến hỏi bài), mục đích môn học, tư liệu tham khảo, cách thức thi và làm bài tập ở nhà (có giáo viên yêu cầu trong môn học của mình phải làm 3 hoặc 5 bài tập nhỏ ở nhà…), cách cho điểm (thông thường điềm môn học là điểm cộng của: điểm chuyên cần, điềm bài tập, điểm bài quizze ở lớp (quizze là những bài kiểm tra nhỏ theo hình thức trắc nghiệm hoặc trả lời câu hỏi nhằm kiểm tra sinh viên), điểm thi giữa kỳ, thi cuối kỳ…), và quan trọng nhất là lịch học rất chi tiết, ngày nào học cái gì, sinh viên phải chuẩn bị đọc cái gì…

Tất cả các môn học mà tôi theo dự giờ, giáo sư đều sử dụng thành thạo vi tính và sử dụng power point để dạy.

Trước khi bắt đầu giờ học luôn là màn kiểm tra sĩ số sinh viên (vì điểm của sinh viên có điểm chuyên cần nên họ kiểm tra khá nghiêm, vắng 3 buổi thì xem như không được thi môn đó).

Các lớp học đều được trang bị máy tính, máy chiếu, giáo sư chỉ việc cắm USB vào là dạy, trường nối mạng wifi nên khi cần, giáo sư chỉ việc download chương trình trên mạng về để chiếu cho sinh viên xem.

Ví dụ: Khi được học về Ibsen trong môn Văn học sân khấu, từ thế kỷ 18 đến nay, sinh viên được xem 1 đoạn phim nói về ảnh hưởng của Ibsen đến sân khấu thế giới và tư tưởng thời đại qua bộ phim Ibsen Immortal (Ibsen bất tử), hấp dẫn quá, sau giờ học, tôi đã hỏi giáo sư tìm bộ phim đó ở đâu, thì được chỉ vào thư viện của trường, trên mạng trường có nguyên bộ phim đó, tôi đã download và lấy được khá nhiều phim hay phục vụ cho việc giảng dạy. Tương tự, khi học về kịch Molliere, giáo sư download 1 đọan kịch Tartuff bằng tiếng Pháp, và ông ta kiêm luôn người diễn viên đọc những  đoạn thoại bằng tiếng Anh. Hoặc khi dạy về sân khấu và các bộ phận của nó (môn Nhập môn sân khấu), giáo sư chiếu nguyên đọan phim về sân khấu Hy lạp cổ đại, cũng rất dễ dàng tìm thấy trên mạng của trường, chỉ cần vào trang web, gõ mật khẩu (là số ID, mã số sinh viên) là có thể xem được.

Điều này cho thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin là rất bình thường và hiệu quả đối với các môn học xã hội nhân văn.

Tương tự, khi tham dự hội thảo Châu Á học do tổ chức Nghiên cứu châu Á (Associated of Asian Studies –AAS) ở Boston tháng 4.2007, tôi được tham dự 1 buổi báo cáo của 1 giáo sư Mỹ khi áp dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy văn học. Ông ta dẫn chứng việc dạy phần Tam quốc chí diễn nghĩa trong môn Văn học Trung Quốc rất thú vị như sau: chiếu 1 đoạn phim Tam Quốc chí diễn nghĩa, phần trận đánh Xích Bích (khi minh họa nghệ thuật miêu tả chiến tranh của La Quán Trung), sau đó cho sinh viên nghe 1 bài thơ của Đỗ Mục (Xích Bích hoài cổ), và 1 bài từ của Tô Đông Pha (Niệm nô kiều) về cùng đề tài để cho thấy sự phong phú và ảnh hưởng của lịch sử đến nhiều thể loại văn học (truyện, thơ, từ, hy khúc…). Tất cả những tư liệu đó đều được download trực tiếp trên mạng cho sinh viên xem. Còn ở ta, giáo viên thường phải tự thu thập, mua, mượn những tư liệu cần thiết cho môn học của mình mà không có bất cứ một sự hỗ trợ nào.

Một lớp học của trường chỉ khoảng từ 15-20 sinh viên, cá biệt có những lớp chỉ có 7-8 sinh viên nhưng họ vẫn dạy vì là hệ tín chỉ.

Hầu hết các giờ học chỉ kéo dài 1 tiết (1 tuần học 3 buổi) hoặc 1 tiết rưỡi (1 tuần 2 buổi), riêng môn Đề tài trong văn học- từ tiểu thuyết đến điện ảnh thì 3 tiết  (1 tuần 1 buổi), vì môn học này cần xem phim, cứ 1 buổi xem 1 bộ phim, buổi sau thảo luận nên thời gian cần dài hơn.

Với thời lượng ngắn, lên lớp chủ yếu giáo sư chỉ nói qua loa những y chính chứ không “thao thao bất tuyệt” (give lecture) như ở ta, sinh viên về nhà phải đọc sách nhiều, để lên lớp có thể bắt kịp y thầy nói, và cũng để trả lời những câu hỏi bất chợt của thầy. Vì vậy mà giờ học của sinh viên chỉ khoảng 12 tiết/tuần (tức là sinh viên chỉ lấy khoảng 4-5 môn học thôi) để còn có thời gian đọc sách, tìm tư liệu, viết bài tập…

Quan sát cách học của sinh viên, tôi thấy thực ra sinh viên của nước họ bị buộc phải làm việc theo một quy trình như vậy nên học siêng năng chứ không phải là họ thông minh hơn mình, nếu gặp giáo sư nào dễ thì họ cũng sẵn sàng lười 1 cách vui vẻ.

Còn giáo sư của họ thì có 1 điều kiện làm việc quá ly tưởng, thư viện đầy sách, 1 giáo sư có thể mượn tối đa 60 quyển sách trong vòng 1 năm mới đem trả, trên mạng trường hoặc mạng liên kết các trường với nhau trong cùng bang cũng có sách để mượn vô cùng tiện lợi. Giờ dạy thì không nhiều như ở mình. Tuy vậy, họ cũng có những áp lực riêng: ví dụ việc dạy sao cho hấp dẫn vì nếu không thì sinh viên không đăng ky giờ học của mình, ảnh hưởng đến uy tín và việc làm (có thể mất việc), cũng phải nghiên cứu và tìm tòi sáng tạo, áp dụng kỹ thuật, công nghệ thông tin vào môn học…

II.     CÁCH THỨC ĐÁNH GIÁ SINH VIÊN

Như trên đã nói, điểm số cuối cùng của sinh viên là nhiều phần tổng hợp lại. Giáo viên chủ động trong việc đề ra các tỉ lệ điểm cho môn của mình. Ví dụ trong môn Văn học sân khấu, từ thế kỷ 18 đến nay giáo viên ghi rõ:

Bài thi 1: 15% số điểm

Bài thi 2: 17% số điểm

Tham dự lớp: 15%

Bài tập về nhà 1: 15%

Bài tập về nhà 2: 13%

Thuyết trình: 15%

Trả lời Quizzes: 10%

Môn Nhập môn sân khấu còn chi tiết hơn:

Điểm tham dự lớp: 10%

Bài tập 1: 10%

Bài tập 2: 5%

Bài tập 3: 5%

6 quizzes: 20%

Thi giữa kỳ: 15%

Thi cuối kỳ: 15%

Dựng 1 màn trong một vở diễn: 5%

Thiết kế trang phục và thuyết minh: 5%

Bài thu họach cuối khóa: 10%

Điểm thi được phân thành nhiều loại:

A: 940 – 1000, A-: 900 – 939, B+: 870 -899, B: 840 – 869, B- : 800 – 839

C+: 770 – 799, C: 740 -769, C- : 700 – 739, D+ : 670 – 699, D: 600 -599, F: 0-599

(Hoặc có khi là thang điểm 100, hoặc thang điểm 10, nhưng cách phân loại thì như nhau)

Ví dụ một đề Quizze:

Môn Viết văn và văn học, sinh viên phải chuẩn bị ở nhà truyện “Trong nghĩa trang nơi Al Jolson được chôn cất”. Đến lớp, sinh viên được phát 1 bảng câu hỏi và trả lời trong khoảng 10 phút 4 câu hỏi sau ra giấy:

1.                  Người dẫn chuyện của câu chuyện này không bao giờ xuất hiện và kể cho chúng ta nghe về sự kiện. Tại sao vậy? Ai là nhân vật trong truyện, cái gì đã xảy ra?

2.                  Ở chương 1, là câu chuyện về những con đường. Làm cách nào tác giả - hay người dẫn chuyện - lại đạt hiệu quả đó?

3.                  Đọc trang 349 kỹ. Miêu tả cái gì đã xảy ra và nó ảnh hưởng đến cả 2 nhân vật chính như thế nào?

4.                  Đọc lời đề từ cuối truyện, tại sao bạn nghĩ tác giả viết câu chuyện này?

Ví dụ một đề Paper (bài tập ở nhà)

Môn Đề tài trong văn học- từ tiểu thuyết đến điện ảnh, sinh viên phải làm 2 bài tập về nhà , mỗi bài tập chiếm 20% số điểm. Sau đây là đề bài

Bài tập 1: tiểu thuyết là gì? Tại sao kịch lại được xem như tiểu thuyết và thay đổi như thế nào khi “dịch” từ kịch sang phim sẽ làm “tăng” hay “giảm” giá trị từ tác phẩm nguyên gốc.

Dùng 1 hay 2 vở kịch mà chúng ta đã đọc để phát triển, tranh luận về vấn đề trên.

Môn Nhập môn sân khấu có bài tập như sau:

Bài tập gồm 3 trang,

Trang 1: Chọn 1 diễn viên và thảo luận về tác phẩm của người đó.

Trang 2: chọn 1 kỹ thuật/ thành phần/thiết kế và thảo luận

Trang 3: nhận xét chung.

III.   MỘT SỐ MÔ HÌNH THẢO LUẬN, THUYẾT TRÌNH

Môn Nhập môn sân khấu, giáo viên buộc sinh viên phải có kinh nghiệm sân khấu bằng cách làm những đề tài sau:

1.                  Trình diễn 1 cảnh từ danh sách cho sẵn. Lớp được chia nhiều nhóm nhỏ. Mỗi thành viên trong nhóm đều có công việc: đạo diễn, thiết kế sân khấu, đạo diễn sân khấu, âm thanh, diễn viên… Buổi trình diễn này sẽ được tổ chức vào tuần lễ cuối của môn.

2.                  Thiết kế và xây dựng một bộ trang phục trong 1 cảnh diễn, diễn viên phải ăn mặc thế nào cho phù hợp. Trình bày trước lớp và giải thích sao bạn lại chọn y tưởng đó và bạn thực hiện nó như thế nào.

Trong môn Viết văn và văn học có nhiều mô hình tổ chức seminar khá thú vị.

Ví dụ 1: Được gọi là bài tập cá nhân (individual work). Giáo viên yêu cầu đọc trước 1 truyện ngắn ở nhà (trong đề cương chi tiết có ghi rõ). Khi vào lớp, mỗi sinh viên viết lời bình luận về truyện ngắn đó  theo câu hỏi giáo viên đặt ra trên bảng (ví dụ: nhận xét về tình huống truyện, về nhân vật, về kết cục, về chủ đề…). Sau khi viết xong, viết tên mình và chuyền nhận xét cho người bên cạnh. Người bên cạnh đọc bình luận đó và viết nhận xét của mình về y kiến của người trước. Viết tên mình sau đó lại chuyền cho người bên cạnh. Người bên cạnh lại đọc và viết nhận xét tiếp, sau đó lại chuyền tiếp cho người bên cạnh. Sau 4 lần, nộp lại cho giáo viên. Đây được xem là bài viết trên lớp và chiếm 1 số điểm nào đó.

Ví dụ 2: Được gọi là bài tập nhóm (team work). Yêu cầu sinh viên viết sẵn 1 đoạn ngắn bình luận truyện đã đọc ở nhà theo đề cương. Vào lớp, chia lớp làm nhiều nhóm, mỗi nhóm khoảng 5 người, tổng hợp y kiến của các thành viên. Sau 10 phút, mỗi trưởng nhóm sẽ trình bày quan điểm của nhóm mình, các nhóm khác có quyền đồng y hay phản bác.

Ví dụ 3: được gọi là bài tập đôi (couple work). Sau khi đã viết sẵn bài làm của mình ra giấy, sinh viên được chia cặp và đọc nhận xét của nhau, sau đó tự thảo luận về phần viết của mỗi người.

Những hình thức trên khuyến khích sinh viên tự học, tự làm việc trước ở nhà, khuyến khích sinh viên trình bày quan điểm cá nhân trong lớp, trong nhóm, vì vậy mà sinh viên học được tác phong năng động, tự tin, thói quen tư duy phản biện trước mọi vấn đề. Giáo viên chỉ lắng nghe, thỉnh thoảng hỏi, gợi y, tuyệt nhiên sau đó không có kết luận hay tổng kết gì cả.

 

Trên đây là một số nhận xét của tôi với tư cách là người quan sát những giờ học đó. Dĩ nhiên, có một số điều có thể áp dụng, có một số điều rất khó vì cơ sở vật chất của ta, vì sĩ số sinh viên, vì tình hình sinh viên ta rất ít chịu đọc sách trước ở nhà, vì hệ thống thư viện sách và mạng chưa phổ cập… Tuy vậy, cũng xin viết ra đây để mọi người tham khảo và chia sẻ tìm kiếm một phương thức giảng dạy các môn khoa học xã hội nhân văn sao cho hiệu quả và hấp dẫn nhất.

Tp.Hồ Chí Minh, tháng 2 năm 2008

 

Trần Lê Hoa Tranh: TS, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website