Suy nghĩ về việc dạy và học môn ngữ văn từ bậc phổ thông trung học đến bậc đại học

Cải cách, đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục là một vấn đề bức thiết đã và đang thu hút sự quan tâm của những người làm công tác giáo dục cũng như của toàn xã hội trong những năm gần đây. Trong khi ở bậc tiểu học và bậc phổ thông đã có những chuyển động đáng kể trong việc thử nghiệm và ứng dụng phương pháp giảng dạy mới, chương trình sách giáo khoa mới thì hiện nay, ở bậc Đại học và Sau đại học, sự biến chuyển chưa thực sự rõ rệt và mạnh mẽ. Nếu giữa các bậc đào tạo không có quy trình cải cách, đổi mới một cách đồng loạt và đồng bộ thì sau một khoảng thời gian sẽ tạo ra sự đứt gãy và độ chênh trong chương trình giáo dục, từ đó, tác động đến người học và khiến cho những gì họ được tiếp thu từ bậc đào tạo  này đến bậc đào tạo khác trở nên khập khiễng. Do đó, chúng tôi thiết nghĩ, một vấn đề quan trọng mà những người tham gia vào công tác giáo dục cũng cần phải quan tâm một cách thoả đáng là mối quan hệ giữa việc dạy và học ở các cấp bậc đào tạo khác nhau. Trong khuôn khổ bài tham luận này, người viết đi sâu vào vấn đề về mối quan hệ trong giảng dạy, học tập bộ môn Ngữ văn ở bậc phổ thông trung học và bậc đại học. Đây là hai bậc học có tính liên cận nhưng đồng thời lại có sự chuyển đổi sâu sắc về mục tiêu, tính chất, chương trình và phương pháp giáo dục. Với vai trò là người từng trực tiếp tham gia học tập và hiện đang giảng dạy ở cả hai bậc đào tạo trên, người viết xin trình bày một vài suy nghĩ của mình về vấn đề này, mong phần nào đóng góp vào quá trình cải cách, đổi mới giáo dục ở bậc đại học.

Có thể nói rằng, các môn học cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học xã hội vẫn khiến dư luận tập trung chú ý và đặt ra những vấn đề về nhu cầu đổi mới từ nội dung chương trình đến phương pháp giảng dạy. Phương thức học tập thụ động, mang tính truyền thụ một chiều từ phía người dạy đến người học khiến cho việc học tập trở nên nhàm chán, mất hứng thú và cứng nhắc, việc đánh giá kiểm tra cũng bị bó hẹp trong khuôn khổ và người học chỉ như những cỗ máy sao chép lại từ phía người giảng dạy. Quá trình dạy và học chỉ là một quá trình cung cấp - tiếp thu khô cứng chứ không phải là quá trình trao đổi năng động, tích cực, không kích thích người học suy nghĩ, tìm tòi, phát hiện và sáng tạo cái mới để nâng cao năng lực tư duy của bản thân. Do đó, đối với các môn khoa học xã hội nói chung và môn Ngữ văn nói riêng, bên cạnh việc đổi mới chương trình, yêu cầu về đổi mới phương pháp đào tạo vô cùng quan trọng và cần thiết.

Trước hết, về mặt tính chất, chương trình Ngữ văn ở bậc đại học phải tương hợp và tiếp nối chương trình ở bậc phổ thông. Vì vậy, đội ngũ giảng dạy bậc đại học phải luôn nắm vững vàng nội dung sách giáo khoa Ngữ văn phổ thông để hiểu rõ học sinh đã được trang bị những kiến thức gì và theo phương pháp giảng dạy như thế nào. Có như vậy, giảng viên một mặt, tránh việc lặp lại những kiến thức mà sinh viên đã được tiếp thu ở bậc phổ thông, mặt khác, mới có thể biết được trình độ của sinh viên, hiểu rõ họ cần cung cấp những kiến thức gì, theo hướng nào và bằng cách nào. Hiện nay, trong khi chương trình sách giáo khoa Ngữ văn là chương trình chuẩn, áp dụng chung cho cả nước thì nội dung các môn học thuộc chuyên ngành Ngữ văn ở các trường đại học, cao đẳng có đào tạo lại tuỳ thuộc vào giảng viên phụ trách môn học. Khuynh hướng này tạo điều kiện cho giảng viên chủ động, linh hoạt trong quá trình giảng dạy, có thể liên tục bổ sung những kiến thức mới mẻ, tân tiến, hiện đại. Thế nhưng, trên một khía cạnh khác, lại dễ xa rời nhu cầu của hay vượt quá trình độ của người học, khiến sinh viên không tiếp thu kịp, hoặc có khi, lại quá cũ kĩ và chỉ thuần lặp lại những vấn đề cơ bản. Do đó, giáo trình ở bậc đại học phải mang tính tiếp nối, có mối liên hệ chặt chẽ và được xây dựng trên cơ sở chương trình sách giáo khoa phổ thông để đưa người học dần dần từng bước tiếp cận với những tri thức mới dựa trên nền tảng kiến thức đã được trang bị.

Đồng thời, cùng với tính tiếp nối, nội dung chương trình ở bậc đại học phải có tính nâng cao và chuyên sâu so với bậc phổ thông. Ở trường phổ thông, kiến thức mà học sinh có được là kiến thức ở mức độ cơ bản, nền tảng. Ở bậc đại học thì đó phải là kiến thức chuyên ngành để trang bị cho sinh viên một cách toàn diện và chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu cho định hướng ngành nghề trong tương lai của sinh viên. Tuy vậy, việc nâng cao kiến thức chuyên sâu cũng cần được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ và theo từng cấp bậc một để sinh viên có thể tiếp thu dần dần. Các môn học, các chuyên đề phải được sắp xếp theo một trật tự phù hợp với năng lực và trình độ của sinh viên từ những môn học, chuyên đề cơ bản đến các môn học, chuyên đề mang tính chuyên sâu.

Khi chuyển đổi chương trình đào tạo qua các bậc học, một điểm quan trọng cần lưu tâm đến nữa là mức độ và khả năng thích ứng của sinh viên ở bậc học mới và cao hơn. Trong môi trường đại học, từ nội dung đến phương pháp, cách thức giảng dạy và học tập đều có sự khác biệt so với bậc học phổ thông. Nếu từ phổ thông cơ sở lên phổ thông trung học, học sinh chỉ gặp phải những thay đổi nhỏ trong chương trình và phương pháp học tập thì ở môi trường đại học, độ chênh lệch lại khá lớn. Có sinh viên thích ứng khá nhanh, nhưng cũng có sinh viên thích ứng rất chậm. Do đó, chính người trực tiếp giảng dạy phải hỗ trợ sinh viên ngay từ đầu để giúp họ nhanh chóng lấy được sự thăng bằng trong môi trường mới và có kết quả học tập tốt.  Muốn vậy, giảng viên phải có giáo trình, giáo án hoàn chỉnh, đầy đủ để giới thiệu cho sinh viên nắm được khung sườn nội dung môn học, tài liệu tham khảo, cách thức tiếp cận vấn đề… Nội dung học tập mang tính chuyên sâu và vô cùng đồ sộ dễ khiến sinh viên mất khả năng xác định hướng đi chính và dễ bị rối nên chính giảng viên sẽ cung cấp những điểm trọng tâm, chính yếu như những kim chỉ nam để người học có thể thấy được hướng đi và cách đi.

Bước vào chương trình sách giáo khoa Ngữ văn bậc trung học phổ thông hiện nay một cách cụ thể, nghĩa là chương trình cải cách được áp dụng từ năm 2006, chúng tôi nhận thấy nội dung còn nghiêng nặng về văn học sử Việt Nam từ văn học dân gian đến văn học hiện đại và các bài học về văn học nước ngoài khá ít ỏi, tản mác, chỉ mang tính giới thiệu tác giả và tác phẩm tiêu biểu một cách sơ lược. Do đó, học sinh phổ thông trung học chưa được cung cấp cái nhìn mang tính khái quát nền tảng về văn học nước ngoài, đặc biệt là các nền văn học lớn. Ở bậc đại học, văn học nước ngoài được chú trọng và đưa vào giảng dạy nhiều hơn. Tuy nhiên, có một thực trạng là hiện nay, chương trình học lại phụ thuộc vào tình hình thực tế của đội ngũ giảng viên hơn là nhu cầu nội dung giảng dạy, nghĩa là có giảng viên phụ trách chuyên sâu về nền văn học của nước nào thì sinh viên sẽ được tiếp cận với nền văn học của nước đó. Do đó, một nhu cầu cực kì bức thiết là chúng ta cần hoàn thiện đội ngũ giảng viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn đa dạng. Trước hết, đối với sinh viên, có thể giới thiệu một cách tổng quan về các khu vực văn học để họ có thể nắm được một cách khái quát đặc trưng, thành tựu của cả nền văn học thế giới. Tiếp cận lịch sử văn học của những nền văn học lớn như Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hy La… thì chỉ mới đáp ứng điều kiện cần chứ chưa đáp ứng điều kiện đủ và còn mang tính lẻ tẻ, rời rạc, đi sâu nhưng lại vụn vặt, chỉ nhìn chi tiết mà không nắm được cái khái quát. Người học phải có cái nhìn bao quát cả nền văn học thế giới từ những khu vực văn học cụ thể có những đặc trưng chung: Văn học Đông Á, Đông Nam Á, văn học châu Mỹ, văn học châu Âu, văn học châu Mỹ và Mỹ Latin, văn học châu Phi, châu Úc… Nội dung này cũng đã được bắt đầu chú ý bổ sung, tuy nhiên, chưa toàn vẹn và đầy đủ. Đồng thời, với mục tiêu giới thiệu khái quát nền văn học khu vực, cần cung cấp cho người học những kiến thức mang tính vấn đề để họ có thể nhận diện tính chất đặc trưng của từng khu vực văn học và của văn học thế giới chứ không chỉ đơn thuần chọn lọc một số nước, một số tác giả tiêu biểu để giới thiệu và phân tích, giảng giải.

Ở bậc phổ thông, học sinh đã được tìm hiểu khá kĩ lưỡng về văn học Việt Nam và phương pháp tiếp thu chủ yếu là phân tích tác phẩm cụ thể, tìm hiểu khái quát một số tác gia lớn, các giai đoạn văn học trong phân kì lịch sử văn học Việt Nam. Chính vì vậy, ở bậc đại học, việc đi vào tìm hiểu các tác giả, tác phẩm khiến cho nội dung học tập bị đơn giản hoá, lặp lại và trở nên cũ kĩ. Sinh viên cần tiếp cận với những luận điểm mang tính vấn đề bao  quát, gắn liền với cái nhìn có tính lí luận dựa trên cơ sở khái quát hoá những kiến thức phổ thông. Do đó, chương trình giảng dạy không cần đi nặng về văn học sử mà đặt ra những vấn đề, những quan điểm lý luận, nhìn từ điểm nhìn của phương pháp, cách thức tiếp cận…

Về mảng lý luận văn học, học sinh chỉ cần được cung cấp một số khái niệm mang tính căn bản và nền tảng vì đây là một lĩnh vực đòi hỏi tư duy logic, khái quát cao và tương đối khó so với trình độ tiếp thu ở bậc phổ thông. Vì vậy, ở bậc đại học, sinh viên gần như phải tiếp cận kiến thức lý luận văn học từ phần nguyên lý nền tảng đến phần chuyên sâu. Nên chăng, ở bậc phổ thông, cần đơn giản hóa hơn các kiến thức lý luận chứ không đưa học sinh tiếp cận những nguyên lý, những kiến thức sâu như hiện nay vì trong thực tế, học sinh chưa thể hiểu thấu đáo và không thể nhớ sâu những điều đã học. Và như vậy có nghĩa là mục tiêu đào tạo bị lãng phí. Thay vì vậy, học sinh có thể học các khái niệm cơ bản và thực hành ứng dụng vào những kiến thức văn học sẵn có. Ở bậc đại học, việc sắp xếp các chuyên đề lý luận văn học theo trình tự như hiện nay khá hợp lý khi đi từ những nguyên lý cơ bản đến kiến thức chuyên sâu. Tuy nhiên, mảng kiến thức này đang cần được hiện đại hóa và tiếp thu các thành tựu đương đại của nền lý luận văn học thế giới để có thể giới thiệu với sinh viên tình hình, diễn biến và những xu hướng vận động mới mẻ, tân tiến hiện nay.

Hiện nay, chương trình Ngữ văn bậc phổ thông trung học được biên soạn theo hướng rèn luyện kĩ năng đọc - hiểu - cảm nhận của học sinh và thực hiện tính tích hợp từ nội dung đến phương pháp giảng dạy. Các bộ phận Văn học, Tíêng Việt và Tập làm văn được giảng dạy theo hướng tích hợp dọc và tích hợp ngang với nội dung tương ứng và bổ trợ lẫn nhau. Ở lớp 10, học sinh được chủ yếu rèn luyện kĩ năng đọc văn bản. Đến lớp 11, các bài học được sắp xếp theo đặc trưng thể loại trong từng giai đoạn văn học. Ở lớp 12, nội dung giảng dạy lại chú trọng vào việc cảm thụ tác phẩm một cách sáng tạo và vận dụng ngữ cảnh xã hội rộng lớn để tìm hiểu tác phẩm. Như vậy, tính tích cực, chủ động trong tiếp nhận văn học dần được hình thành và nâng cao ở học sinh. Vì vậy, ở môi trường đại học, giảng viên cần chú ý tạo điều kiện để năng lực này được phát huy và trau dồi thêm. Ở mỗi môn học, ngay từ đầu, người dạy nên cung cấp danh sách tác phẩm, tác giả cần đọc để sinh viên tự tìm hiểu và luyện tập thao tác phân tích các vấn đề khái quát. Sau đó, giảng viên cung cấp điểm nhìn, phương pháp tiếp cận, cách thức chiếm lĩnh vấn đề để sinh viên thực hiện trên những tác phẩm cụ thể. Chẳng hạn giảng viên không cần cung cấp cho sinh viên bối cảnh văn hoá - lịch sử - xã hội của nền văn học và phân tích nền văn học ấy mà để sinh viên tự tìm hiểu, khám phá. Điều mà giảng viên cần mang đến cho sinh viên hơn là cách thức nhìn nhận đặc trưng của một nền văn học trong mối quan hệ với bối cảnh văn hoá - lịch sử - xã hội của nó, nghĩa là không cung cấp “cái gì, là gì” mà cung cấp “như thế nào, làm thế nào” để có thể tư duy ra “cái gì, là gì” ấy.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc giảng dạy theo hướng tích hợp ở chương trình phổ thông cũng có mặt hạn chế riêng. Sự tích hợp về nội dung ở các bài học có tính tương cận, bổ trợ cho nhau tuy làm cho kiến thức tiếp thu được trở nên chặt chẽ, mang tính xâu chuỗi, tương tác lẫn nhau nhưng đồng thời lại dễ khiến cho học sinh cảm thấy rối, không nhận ra đâu là kiến thức nền tảng, đâu là kỹ năng, đâu là hệ thống, đâu là bổ trợ. Đồng thời, tính công thức hóa của việc tích hợp dễ khiến các bài học trở thành những nội dung minh họa lẫn nhau theo một mẫu hình được định sẵn. Đồng thời, tư duy đọc ở học sinh phổ thông vẫn phải là đọc theo hướng dẫn tìm hiểu chứ chưa thể đạt đến trình độ tự đọc. Chính vì vậy, ở bậc đại học, giảng viên cần nắm rõ đặc tính và mức độ này của chương trình học Ngữ văn phổ thông để có phương hướng điều chỉnh, bổ sung và nâng cao năng lực tự đọc cho sinh viên theo các cấp độ tăng dần.

Bên cạnh đó, sách giáo khoa Ngữ văn bậc phổ thông hiện nay rất chú trọng vào chức năng ứng dụng của văn bản. Vì vậy, học sinh được cung cấp các thao tác văn bản ứng dụng khá kĩ lưỡng như nghị luận xã hội, nghị luận văn học, cảm thụ và phân tích các văn bản thuộc nhiều thể loại khác nhau, thực hiện các văn bản mang phong cách báo chí: viết tin, phỏng vấn…, văn bản thuết minh…,  luyện tập các thao tác ngôn ngữ : các cách tạo câu, đoạn, các phương thức sử dụng từ…  Học sinh không chỉ nắm lý thuyết mà quan trọng hơn, thực hiện thao tác thực hành, áp dụng chúng vào cuộc sống. Trong khi đó, việc mở rộng khả năng ứng dụng thực tiễn mang tính tác nghiệp, định hướng nghề ở bậc đại học của chương trình đào tạo lại chưa được chú tâm và phát triển. Sinh viên cần được tìm hiểu về nhu cầu xã hội đối với những người được đào tạo theo chuyên ngành Ngữ văn để có cái nhìn khái quát mang tính định hướng cụ thể, rõ ràng, hướng kiến thức học tập của mình vào thực tiễn đời sống xã hội một cách linh hoạt, chủ động. Bên cạnh đó, đào tạo cho sinh viên các kĩ năng tác nghiệp trong những ngành nghề thuộc lĩnh vực văn học hoặc có mối quan hệ chặt chẽ với lĩnh vực văn học: báo chí, điện ảnh, sân khấu, giảng dạy ngữ văn… Có như vậy, sinh viên mới nhận thức được mức độ cần thiết và quan trọng của việc trang bị tri thức hoàn chỉnh, toàn diện và chuyên sâu. Đồng thời, sinh viên làm quen dần với các thao tác nghề, hiểu được yêu cầu của công việc và không lúng túng, mất phương hướng khi áp dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống. Đây là bước phát triển nâng cao khả năng ứng dụng của ngành Ngữ văn ở bậc đại học vốn đã được bước đầu cung cấp cho học sinh ở bậc phổ thông.

Mặt khác, có một khía cạnh tuy nhỏ, nhưng cũng cần đề cập đến là vấn đề kiểm tra và đánh giá trong quá trình đào tạo. Việc kiểm tra và đánh giá phải phù hợp với mức độ đào tạo, qua đó, thể hiện được trình độ, năng lực của người học.  Thế nhưng, thực tế cho thấy rằng hiện nay, ở bậc đại học, mức độ kiểm tra, đánh giá sinh viên giữa các môn học không đồng đều và thậm chí, có những trường hợp không thoả đáng. Có nhiều đề thi, đề kiểm tra quá đơn giản, dễ dãi, hạ mức đánh giá xuống cấp độ phổ thông và không kích thích năng lực sáng tạo, trau dồi và nâng cao kiến thức ở sinh viên. Chủ trương đào tạo ở bậc đại học là tạo điều kiện để sinh viên tự học, tự nghiên cứu, thế nhưng, việc kiểm tra đánh giá nhiều khi lại chỉ ở mức độ “trả bài” và lặp lại những kiến thức cũ mà một học sinh trung học cũng có thể đáp ứng được khiến cho việc đào tạo ở bậc đại học không đạt đúng múc tiêu, sinh viên dễ trở nên ù lì, thụ động, chỉ học một cách đối phó chứ không trang bị cho mình một nền tảng kiến thức khoa học nền tảng, vững chãi.

Một trong những hoạt động học thuật có tính chất hỗ trợ tích cực và góp phần năng cao năng lực tư duy cho sinh viên ở bậc đại học chính là hoạt động nghiên cứu khoa học. Ở bậc phổ thông, hoạt động này còn khá xa lạ. Chính vì vậy, khi bước chân vào đại học, sinh viên buộc phải làm quen từ đầu và tiến hành các bước thực tập trong nghiên cứu khoa học. Để tránh sự bỡ ngỡ cho sinh viên, có nên chăng, ngay từ bậc phổ thông, chương trình học có thể giới thiệu một số trích đoạn của các tác phẩm mang tính nghiên cứu và không chỉ đơn thuần phân tích nội dung mà chủ yếu chỉ ra những phương thức nghiên cứu cụ thể được ứng dụng trong các trích đoạn đó. Như vậy, ở bậc đại học, sinh viên đã được trang bị sẵn công cụ và có thể thực hành thao tác nghiên cứu một cách thành thục để có thể mang lại những phát hiện, khám phá mới mẻ, có giá trị chứ không chỉ dừng lại ở mức độ dò dẫm tìm hiểu cách thức, phương hướng và phương pháp nghiên cứu. Mặt khác, không phải bất cứ ai cũng có khả năng tham gia thực hiện nghiên cứu khoa học và đạt thành quả tốt. Năng lực học tập thì bất cứ sinh viên nào cũng có, chỉ  có điều họ khác nhau về mức độ nhưng năng lực nghiên cứu thì chỉ những người có tư duy logic, nhạy bén, có trực giác phát minh, có khả năng nhìn nhận vấn đề vừa khái quát vừa cụ thể… mới có thể tham gia vào công tác nghiên cứu được. Vì vậy, để nhân rộng mô hình hoạt động này và đưa sinh viên tiếp cận với tư duy nghiên cứu khoa học trực tiếp, chúng ta có thể thực hiện theo phương thức yêu cầu các sinh viên hoặc nhóm sinh viên đọc, tóm tắt, nhận xét và góp ý các công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên đã được thực hiện. Sau đó, tổ chức cho sinh viên tọa đàm để họ có thể trực tiếp trao đổi với nhau, qua đó, học tập lẫn nhau để rút ra những kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và tiếp thu, nâng cao về mặt kiến thức. Giảng viên trong quá trình giảng dạy,  bên cạnh việc truyền thụ nội dung, cũng cần chỉ ra phương pháp tiếp cận nghiên cứu của bản thân và của những người làm công tác văn học ở Việt Nam và trên thế giới. Có được những công cụ này, quá trình giảng dạy và học tập sẽ mang tính khoa học sâu sắc, logic và chạm đến chiều sâu của vấn đề, đồng thời, giúp cho người học có thể tự mình chủ động tư duy một cách tích cực, sáng tạo.

Trên đây là một vài suy nghĩ của người viết khi nhìn về mối quan hệ giữa việc dạy và học ở bậc phổ thông trung học và bậc đại học. Hẳn nhiên, những nhận xét và phân tích trên chưa thật thấu đáo, cặn kẽ, cần nhận thêm rất nhiều ý kiến trao đổi, bổ sung để có thể mang lại cái nhìn toàn diện và sâu sắc, thiết thực về vấn đề này. Từ đó, chúng ta có thể góp phần vào việc chỉnh sửa, đổi mới chương trình đào tạo Ngữ văn ở cả bậc phổ thông trung học và đại học, tạo sự tương hợp, tính liên kết giữa hai bậc học này và có cơ sở, nền tảng để hoàn thiện, nâng cao chất lượng chương trình, phương pháp đào tạo ở bậc đại học một cách khoa học, thiết thực.

 

Hồ Khánh Vân: Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh