Trao đổi góp vài ý kiến với bài về bài thơ "Gửi vợ thứ ba" của Trần Thiện Chánh của Cao Tự Thanh

In bài này

Tạp chí Xưa - Nay số 208 tháng 3 năm 2004 có đăng bài Về những bài thơ của Trần Thiện Chánh của Quang Hùng. Trong bài viết, tác giả có giới thiệu nguyên văn ba bài thơ của Tuần phủ Ninh Bình Trần Thiện Chánh gửi cho ba bà vợ: một ở Gia Định, một ở Nha Trang và một ở Huế. Theo tác giả, bài thơ Gởi bà ở Nha Trang : “Vì không có bài nào khác để đối chiếu, lại không có cả chữ Hán nguyên bản để dò lại cách phát âm và tự dạng nên đành tạm chấp nhận… Cho nên, chúng tôi đành phải “đoán mò” để dịch nghĩa bài thơ trên (anh Vũ Đức Sao Biển, đoán và dịch nghĩa)…”. Tôi đã đọc khá kỹ bài Gởi bà ở Nha Trang của Trần Thiện Chánh mà Vũ Đức Sao Biển đã đoán định và dịch nghĩa, thì quả thật thấy nhiều chỗ bất ổn, không thông nghĩa. Tôi đang có ý định thử đính chính lại những chữ bất ổn trong bài thơ trên, với mong muốn giúp mình hiểu đúng một tác phẩm của tiền nhân, nhưng rồi công việc bề bộn, chưa thực hiện được. Do vậy, khi được đọc bài Về bài thơ gởi vợ thứ ba của Trần Thiện Chánh của tác giả Cao Tự Thanh đăng trên Tạp chí Xưa - Nay số 210, tháng 4-2004, trong đó có “Giới thiệu bản phục hồi bước đầu và bản dịch bài thơ nói trên”, tôi thật sự thích thú.

Đọc kỹ bài viết của tác giả Cao Tự Thanh, tôi thấy bài thơ Gởi bà ở Nha Trang của Trần Thiện Chánh mà Quang Hùng công bố ở số báo trước đã được “phục hồi” khá hợp lý, nghĩa đã tương đối thông. Còn có đúng với “nguyên bản” của Trần Thiện Chánh không thì điều đó chưa thể đoán chắc được. Chỉ có điều, tôi tán đồng cách làm việc của tác giả Cao Tự Thanh, và cũng cho rằng: “Muốn phục hồi nguyên bản trong trường hợp bài thơ này thì phải căn cứ vào ngữ âm Nam Bộ, chủ đề bài thơ và thi pháp cũng như thi luật thơ Đường để giải thích và hiệu đính những chỗ sai…”.

Tác giả Cao Tự Thanh chắc chắn cũng đồng ý với tôi rằng: nếu chỉ dựa vào phần phiên âm Hán Việt văn bản bài thơ của Trần Thiện Chánh, lại do “một nông dân chất phác, chữ Hán biết lom lem”, nhớ, rồi đọc lại để mong phục hồi được “nguyên bản”, thì vừa thật khó, vừa rất ít hy vọng chính xác. Tuy nhiên, đọc bài thơ đã được tác giả Cao Tự Thanh “phục hồi” so sánh với bài của do Vũ Đức Sao Biển “đoán định” thì thấy bài của Cao Tự Thanh thông nghĩa hơn, chữ nghĩa chắc hơn. Nhưng, dưới đây, tôi cũng xin trao đổi thêm với tác giả Cao Tự Thanh về phần chữ Hán và phần dịch nghĩa bài thơ này.

1. Về ghi sai chữ: câu 7 - 8:

“Ký ngữ tầm mai đa thiểu khách
Hoàn sầu
mai diệc sấu nam chi.”

Cả hai chữ mai, đều viết nhầm là “ - mai”: có nghĩa là từng cái, từng chiếc… hoặc họ Mai (như Mai Thúc Loan chẳng hạn), thực ra trong văn cảnh đó là mai = cây mai. Tôi đoán rằng đây là sự thiếu sót của người chép chữ Hán, chứ không thuộc về tác giả Cao Tự Thanh. ở hai câu thực, 3 – 4:

“Khách lý sơ cuồng hoàn tiếu ngã
Hoa biên liễm nhiễm cánh bằng thùy?”

mà được dịch là:

Đất khách ngông cuồng lại tự cứu mình
Bên hoa khép nép biết cậy vào ai ?

thì chưa thật sát nghĩa.

Câu 3: “Khách” lý mà dịch là “Đất khách” là không đúng. “Sơ cuồng” nguyên nghĩa là ít cuồng (thường được dùng theo nghĩa bóng là giả cuồng) mà dịch là “ngông cuồng” thì nặng quá.

Tôi thấy nhiều bản dịch thơ chữ Hán cổ như tập Ức Trai thi tập của Nguyễn Trãi chẳng hạn, dịch giả cũng thường dịch “sơ cuồng” thành “ngông cuồng”. Điều đó cho thấy các dịch giả không chú ý tới nghĩa của chữ “cuồng” trong cổ văn và những người được mệnh danh là “cuồng khách” trong văn chương Hán học xưa, là hạng người nào.

Trước hết, chữ “cuồng” trong văn chương cổ điển không hoàn toàn có nghĩa xấu như chữ “ngông cuồng”. Sách Từ Nguyên giải thích chữ “cuồng” () có 4 nghĩa (thì 2 nghĩa dưới hợp với điều chúng ta đang bàn):

a- “Chí đại ngôn đại viết cuồng (Luận ngữ) cuồng giả tiến thủ”. Nghĩa là: “Người mà chí quá lớn, lời nói quá cao thì gọi là cuồng. Trong bộ Luận ngữ, Khổng Tử từng nhận xét: Người cuồng có chí tiến thủ.”

b- “Phóng đãng viết cuồng (Luận ngữ): Cổ chi cuồng giả tứ; kim chi cuồng giả đãng”. Nghĩa là: “Người phóng đãng thì gọi là cuồng. Sách Luận ngữ viết: Kẻ cuồng thời xưa thì buông thả, kẻ cuồng thời nay thì phóng đãng”.

Như cách giải thích của Từ nguyên, thì sao có thể dịch “cuồng” là “ngông cuồng” được! Kẻ ngông cuồng thì ngay ngày nay cũng không chấp nhận được nói chi nhà Nho xưa. Vả lại, người xưa lại thường chỉ tự nhận mình “sơ cuồng” (cuồng nhẹ, cuồng ít thôi!). Tôi nghĩ từ “Sơ cuồng”, cũng như các từ “Học giả”, “Ký giả”, “Cao sĩ”… đã được Việt hóa, không cần dịch nữa, mà dịch ra thì hóa ra sai nghĩa và ngô nghê.

Ở đây, tôi thấy nên bàn kỹ đối với một số người mà văn học sử Trung Hoa, cũng như Việt Nam gọi là “Cuồng khách”, “Cuồng sĩ”. Để được thế nhân tôn xưng là cuồng sĩ, cuồng khách đâu phải là nhiều! Lịch sử Trung Quốc cổ trung đại trải dài như thế mà chỉ nghe nói có vài ba người, đó là Sở cuồng Tiếp Dư, Nguyễn Tịch, Lý Bạch…

Nguyễn Tịch sống vào thời Lưỡng Tấn, thời cực kỳ loạn lạc. Nguyễn Tịch vốn có cuồng danh, say mềm suốt ngày. Tư Mã Chiêu muốn kết thân gia với Nguyễn Tịch, ông bèn cố ý say luôn 60 ngày, làm cho người mai mối không làm sao có cơ hội gặp được ông, dù một lần, vì thế nên đành thôi. Kỳ thực, Nguyễn Tịch bề ngoài có vẻ phóng đãng mà bên trong rất thuần chính. Hành động phóng đãng đó hoàn toàn chỉ là một cách thế giả vờ để tránh họa. Đó là một kỹ xảo nhằm minh triết bảo thân mà thôi.

Lý Bạch (701-762) là con người cuồng phóng, không chịu một sự trói buộc nào. Đỗ Phủ trong bài Bất kiến (Lâu không gặp) đã viết về Lý Bạch như sau:

“Bất kiến Lý sinh cửu
Dương cuồng chân khả ai
Thế nhân giai dục sát
Ngô ý độc liên tài…”

(Đã lâu không gặp chàng Lý Bạch
Giả điên thực đáng thương
Người đời ai cũng muốn giết.
Ý ta riêng vẫn thương tài…).

Ở Việt Nam ta, chính Ức Trai tiên sinh trong bài Thuật hứng (số 23) cũng tự nhận:

“Bình sinh nhiễm được tật sơ cuồng
Con cháu nhiều ngày chịu khó dường.”

Đối với người Trung Hoa để làm được một bậc “cuồng khách” thì khó lắm thay! Cho nên, tại đền thờ Lý Bạch, một văn sĩ Trung Quốc là Đào Mộng Kinh đã đề tặng:

“Bạch công nhất khứ vô cuồng khách!
Thử địa thiên thu hữu thịnh danh.”

(Ông Bạch ra đi rồi, thì đời chẳng ai đáng gọi là cuồng khách.
Tại đất này, nghìn năm còn lưu giữ được danh lớn của ông).

Bây giờ, trở lại với câu thơ thứ 3:

“Khách lý sơ cuồng hoàn tiếu ngã.”

Cao Tự Thanh dịch là:

“Đất khách ngông cuồng lại tự cười mình.”

Ấy là vì tác giả cho rằng: “Khách lý sơ cuồng” là chỉ vào tác giả Trần Thiện Chánh! Thực ra, sơ cuồng, ở đây, Trần Thiện Chánh muốn nhắc đến một hạng người minh triết kiểu Nguyễn Tịch, Lý Bạch… đã vượt ra khỏi thế tục và cho rằng mình chưa thể làm như vậy được! Còn hai chữ “Khách lý”, không thể dịch là “Đất khách” (muốn nói ý này, người xưa hay dùng từ “Khách xá”: “Khách xá thê lương dạ tự niên” - (Quán khách lạnh lùng đêm dài như ngày ("trong số người khách" hoặc Nguyễn Trãi…). Còn “khách lý” thì xưa nay các thi nhân thường dùng để chỉ “trong cảnh làm khách” như câu thơ của Nguyễn Trãi dưới đây:

- “Khách lý giang sơn chỉ thử tình”
http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/icones/ecart_07.gif(Quy Côn Sơn chu trung tác)
(Trong cảnh làm khách đối với giang sơn chỉ chút tình này).

- “Khách lý khan vân tình dị thiết”
http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/icones/ecart_07.gif(Đề Hà hiệu úy Bạch Vân tự thán)
(Trong cảnh làm khách nhìn mây, tình dễ thiết tha).

Vì thế câu:

“Khách lý sơ cuồng hoàn tiếu ngã”

thì nên dịch là: Kẻ sơ cuồng trong số khách lại cười ta.

Tác giả Trần Thiện Chánh tự thẹn rằng mình không làm được như các bậc sơ cuồng trước đây, thoát ra khỏi mọi sự trói buộc của thế tục.

3. Về nhận định của tác giả

Ở cuối bài, Cao Tự Thanh nhận định về mấy câu cuối bài thơ của Trần Thiện Chánh như sau: “Tuy nhiên, nếu chữ “hữu” ở câu 6 là chữ “nữ” thì hai câu luận sẽ chặt chẽ hơn, cũng như chữ “mai” ở câu 7 khiến hai câu 7 - 8 có vẻ không ăn khớp lắm với toàn bộ bài thơ…”. Tôi lại nghĩ khác với Cao Tự Thanh. Tôi cho rằng câu luận để nguyên:

Mỹ nhân nguyệt hạ tinh thần viễn
Tiên hữu sơn trung tín tức kỳ.”

mới thật đối.

- Câu 5: Mỹ nhân (hàm ý nói về vợ mình).

- Câu 6: Tiên hữu (hàm ý nói về mình, tức tác giả Trần Thiện Chánh).

Còn thay bằng “Tiên nữ” như Cao Tự Thanh nghĩ, thì định chỉ ai ?!. Nên nhớ bấy giờ Trần Thiện Chánh đang làm quan tại vùng núi non Ninh Bình, ông tự xưng “Tiên hữu sơn trung” (Bạn của tiên ở trong núi) là vừa hợp cảnh vừa hợp tình.

Tôi có cảm tưởng Cao Tự Thanh thấy lạ tại sao chữ “mai” lại xuất hiện ở câu 7 của bài thơ ? Phải chăng với Cao Tự Thanh, “Mai” cùng với Trúc, Tùng thành “Đông hàn tam hữu” (Ba người bạn chịu rét mùa đông), tức tượng trưng cho bậc quân tử, đấng mày râu ? Hình ảnh về cây mai không ăn nhập gì với bài thơ gửi cho vợ này? Theo tôi, ở đây Trần Thiện Chánh đã sử dụng điển cố, xuất xứ từ bài Tạp thi của nhà thơ đời Đường, Vương Duy:

“Quân tự cố hương lai
Ưng tri cố hương sự.
Lai nhật ý song tiền
Hàn mai trước hoa vị ?”

(Bác từ trong quê ra
Hẳn biết việc trong quê
Ngày bác đi thì ở trước cửa sổ căng màn the.
Cây hàn mai đã chớm hoa chưa?).

Như vậy, cây mai ở đây, Trần Thiện Chánh muốn nói tới bà vợ của ông. Câu “Ký ngữ tầm mai” (Gửi lời hỏi về cây mai) là rõ ràng nhắc tới tứ của bài Tạp thi nói trên của Vương Duy. Hiểu như trên, thì câu:

“Ký ngữ tầm mai đa thiểu khách”

là một câu thơ khá sâu và khá ý nhị, và nên dịch là: Những khách “gửi lời hỏi thăm mai” cùng nhiều người.

Cuối cùng, tôi vẫn băn khoăn là không có nguyên bản bài thơ Gửi bà vợ thứ ba của Trần Thiện Chánh để tìm hiểu đúng với ý của ông. Còn, dựa trên bản “phục hồi” của Cao Tự Thanh trên đây, tôi thấy vẫn chưa thật yên tâm. Mặc dù vậy, tôi cũng mạnh dạn bàn góp với tác giả Cao Tự Thanh mấy ý kiến nhỏ trên đây, âu cũng là mong hiểu đúng một bài thơ của bậc tiền nhân đáng kính: Tuần phủ Trần Thiện Chánh./.

N.M.T

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 5/2004