Những chuyến đi khảo sát quần đảo Hoàng Sa thời Nguyễn của người Việt Nam qua tư liệu Hán Nôm

In bài này

20170902 Hoang Viet

Ảnh: Sách Hoàng Việt địa dư chí 皇越地輿志 của Lương Thúc Đàm

Lần theo sử sách chúng ta thấy, nhà nước Việt Nam từ thời Lý đã quan tâm tới việc đo vẽ bản đồ lãnh thổ quốc gia. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục 欽定越史通鋻綱目thì: “Năm 1076,… Lý Thường Kiệt đã cho vẽ bản đồ hình thế núi sông ở ba châu Bố Chính, Ma Linh và Địa Lý”(1). Sách Đại Việt sử ký toàn thư 大越史記全書ghi: “Năm Chính Long Bảo Ứng thứ 10 (1172) đời vua Lý Anh Tông, mùa xuân tháng 2, nhà vua lại đi tuần các hải đảo ở địa giới các bang Nam Bắc, vẽ bản đồ(2). Các triều vua sau này đã noi theo triều Lý tiếp tục thực hiện việc đo vẽ bản đồ đất nước. Thời Lê Thánh Tông (năm 1470) định bản đồ trong cả nước và sau có tập Hồng Đức bản đồ 洪德版圖. Thời Lê Trung hưng, Đỗ Bá vẽ Thiên Nam tứ chí lộ đồ 天南四至路圖. Thời Nguyễn có bản đồ đời Đồng Khánh với tiêu đề Đồng Khánh địa dư chí 同慶地輿志. Còn ghi chép về địa lý đất nước, từ thời Lê sơ chúng ta đã có tác phẩm Nam Việt dư địa chí 南越輿地誌 của Nguyễn Trãi (1380 - 1442), ghi về địa lí Việt Nam từ thời Kinh Dương Vương đến thời Lê. Các thế kỉ sau, loại sách dư địa chí do người Việt Nam biên soạn tiếp tục phát triển. Thời Mạc Cảnh Lịch (1548 - 1553) có cuốn Ô châu cận lục 烏州近錄 do Dương Văn An biên soạn viết về địa lí Ô châu (vùng đất từ Quảng Bình đến Quảng Nam). Thời Lê Trung hưng có Phủ biên tạp lục 撫邊雜錄 do Lê Quý Đôn soạn năm Lê Cảnh Hưng thứ 37 (1776) ghi chép về địa lí, lịch sử xứ Thuận Hóa và Quảng Nam. Đặc biệt đến triều Nguyễn, thể địa chí ở nước ta rất phát triển, như: Đại Nam quốc cương giới vựng biên 大南國疆界彙編của Hoàng Hữu Xứng, Đại Việt địa dư toàn biên 大越地輿全編của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, Hoàng Việt địa dư chí 皇越地輿志, Nam quốc địa dư chí 南國地輿誌 của Lương Thúc Đàm, v.v...(3). Điều này chứng tỏ, Việt Nam trong lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước, từ thời Lý đến thời Nguyễn, nhà nước đã luôn quan tâm đến cương giới lãnh thổ của tổ quốc, cả đất liền lẫn hải đảo. Việc khảo sát, đo đạc bản đồ đất nước diễn ra khá thường nước diễn ra khá thường xuyên, nhất là thời Nguyễn và quần đảo Hoàng Sa cũng luôn nằm trong kế hoạch khảo sát, đo đạc, cắm mốc và vẽ bản đồ của nhà nước.

Các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế đã căn cứ vào các tư liệu lịch sử, bản đồ bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau ở trong nước cũng như ngoài nước, để chứng minh sự thật lịch sử là: Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông, từ lâu đã được dân tộc Việt Nam gìn giữ, quản lý, khai thác và khẳng định chủ quyền của mình. Trong bài viết này, chúng tôi tiếp tục đưa ra những tư liệu Hán Nôm ghi chép về những chuyến đi khảo sát quần đảo Hoàng Sa vào thời Nguyễn của người Việt Nam để làm phong phú thêm những tư liệu nhằm tiếp tục khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông là phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam.

1. Những ghi chép trong sử sách thời Nguyễn

Thời Nguyễn, khi hàng hải ở Việt Nam phát triển, các vua Nguyễn hàng năm thường xuyên phái người ra quần đảo Hoàng Sa để đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ mang trình tấu triều đình. Chúng tôi xin nêu một số chuyến đi khảo sát quần đảo Hoàng Sa của người Việt Nam vào các triều vua thời Nguyễn như sau:

Bộ Đại Nam thực lục 大南實錄 do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn từ năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) đến năm Duy Tân thứ 3 (1909) và lần lượt cho in từ năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) đến năm Duy Tân thứ 3 (1909). Đây là bộ sử biên niên của triều Nguyễn, ghi lại giai đoạn lịch sử 300 năm, từ khi Nguyễn Hoàng xưng chúa ở Đàng Trong (1558), đến năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), được chia làm 2 phần: Đại Nam thực lục tiền biên 大南實錄前編gồm 12 quyển và Đại Nam thực lục chính biên 大南實錄正編gồm 548 quyển. Bộ ván khắc Đại Nam thực lụchiện đang được lưu giữ tại Trung tâm lữu trữ quốc gia 4 (Đà Lạt), được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới năm 2009, văn bản in hiện đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Theo những ghi chép trong bộ Đại Nam thực lục chính biên, vua Gia Long khi thiết lập vương triều Nguyễn, đã tiếp tục công việc của các chúa Nguyễn và phái người đi thăm dò đường biển ra đảo Hoàng Sa, để tiếp tục đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ và khẳng định chủ quyền của nhà nước Đại Nam đối với quần đảo này, xin nêu một số ví dụ:

Năm Gia Long thứ 14 (1815), vua Gia Long đã sai đội Hoàng Sa đi thăm dò đường biển, đi ra quần đảo Hoàng Sa: “乙亥嘉隆十四年春二月...(4)遣黃沙隊范光影等往黃沙探度水程/ Tháng 2 năm Ất Hợi niên hiệu Gia Long thứ 14 (1815). Sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Văn Ảnh ra Hoàng Sa thăm dò đường biển”. (A.2772/9, Đệ nhất kỷ, Q.50, tờ 6a). Năm Gia Long thứ 15 (1816), vua Gia Long lại tiếp tục phái đội Hoàng Sa đi thăm dò đường biển, đi ra quần đảo Hoàng Sa: “丙子嘉隆十五年春三月... 命水軍及黃沙隊乘船往黃沙探度水程/ Tháng 3 mùa xuân năm Bính Tý niên hiệu Gia Long thứ 15(1816). Sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền đến Hoàng Sa thăm dò đường biển”. (A.2772/9, Đệ nhất kỷ, Q.52, tờ 15a). Và một điều hết sức quan trọng mà Đại Nam thực lục ghi được là “丁丑嘉隆十六年夏六月... 瑪羔船泊沱曩以黃沙圖獻賞銀二十兩/ Tháng 6 mùa hạ năm Đinh Sửu niên hiệu Gia Long thứ 16 (1817). Thuyền Ma Cao đậu tại Đà Nẵng đem bản đồ Hoàng Sa dâng trình. (Nhà vua) thưởng cho 20 lạng bạc”. (A.2772/9, Đệ nhất kỷ, Q.55, tờ 19b). Như vậy, tiếp theo các chúa Nguyễn, vua Gia Long đã luôn quan tâm tới quần đảo Hoàng Sa, coi đây là lãnh thổ thiêng liêng của quốc gia, thường xuyên phái người ra đây để thăm dò. Điều đặc biệt là, tàu thuyền của nước ngoài có bản đồ Hoàng Sa đã đem trình vua Gia Long, mà không trình bản quốc, điều này cho thấy, trong quan niệm và nhận thức của họ quần đảo Hoàng Sa là của Đại Nam bấy giờ và phải dâng trình vua Đại Nam, nhà nước đang quản lý quần đảo này.

Thời vua Minh Mệnh, việc thăm dò và khảo sát đo đạc quần đảo Hoàng Sa được nhà nước tiến hành thường xuyên, có qui mô hơn và cụ thể hơn. Theo ghi chép của Đại Nam thực lục, cụ thể như sau: “甲午明命十五年春三月... 遣監城隊長張福仕與水軍二十餘人乘船往廣義黃沙處描取圖本/ Tháng 3 mùa xuân năm Giáp Ngọ niên hiệu Minh Mệnh thứ 15 (1834). Sai Giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi vẽ bản đồ”. (A.2772/26, Đệ nhị kỷ, Q.122, tờ 32b). Hai năm sau, việc khảo sát quần đảo Hoàng Sa được vua Minh Mệnh ra lệnh hết sức cụ thể và với qui mô lớn hơn, hơn nữa vua Minh Mệnh còn cho cắm mốc để khẳng định chủ quyền quốc gia: “丙申明命十七年春正月... 工部奏曰本國海彊黃沙處最是險要前者曾派描繪圖本而形勢廣邈僅得一處亦未明浙所應年常派往遍探以熟海程請自本年以後每屆正月下旬遴派水軍弁兵及監城乘烏船一艘以二月上旬抵廣義據廣義平定二省雇撥民船四艘向引駛往黃沙的處不拘何島嶼沙洲凡駛到者即照此處長橫高廣周圍及四近海水淺深有無暗沙石磧險易形勢如何詳加相度描取圖本再照起行日由何海口出洋望何方向駛到此處據所歷水程計算約得几里又於其處望入海岸正對是何省轄何方向斜對是何省轄何方向約略隔岸几里一一點說明白遞回程進帝允其奏遣水軍率隊范有日率兵船往準帶隨木牌十到處豎立為誌(牌長五尺闊五寸厚一寸面刻明命十七年丙申水軍正隊長率隊范有日奉命往黃沙相度至此留誌等字) / Tháng Giêng, mùa xuân năm Bính Thân niên hiệu Minh Mệnh thứ 17 (1836)… Bộ Công tâu: Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất hiểm yếu. Trước đây đã sai người vẽ bản đồ mà hình thế xa rộng, mới chỉ được một nơi, cũng chưa rõ ràng. Hàng năm thường phái người đi thăm dò khắp nơi để thông thuộc đường biển. Từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, xin phái Biền binh thủy quân và Giám thành đáp một chiếc thuyền, đến thượng tuần tháng hai thì đến hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê bốn thuyền của dân, theo hướng đến đúng xứ Hoàng Sa, không cứ đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, phàm khi đến nơi thì xem xét ngay xứ đó chiều dài, chiều rộng, chiều cao, chu vi và mực nước biển chung quanh nông sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải đo đạc tường tận, vẽ thành bản đồ. Lại xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, ngắm phương hướng nào đến xứ đó, căn cứ vào đường đi, tính ước lượng bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ biển, chiếu thẳng vào tỉnh hạt nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm, nhất nhất ghi lại, thuyết minh rõ ràng, đem về dâng trình. Nhà vua chuẩn y lời tâu, sai Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi, lại chuẩn cho mang theo (mỗi thuyền) 10 cọc gỗ đến nơi đó dựng lên để đánh dấu. (Mỗi cọc gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày một tấc. Trên mặt cọc gỗ khắc các chữ Minh Mệnh thập thất niên = Năm Minh Mệnh thứ 17 (1836). Năm Bính Thân, Chánh đội trưởng Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa đo đạc và cắm mốc”. (A.2772/32, Đệ nhị kỷ, Q.165, tờ 24b-25a). Với những quan tâm của vua Minh Mệnh và sự cố gắng của các quan viên, nên vào năm 1838, vua Minh Mệnh đã có bản vẽ tường tận hơn về quần đảo Hoàng Sa: “戊戌明命十九年秋七月朔…工部員外郎杜懋賞奉派往黃沙公回以圖進帝以其經歷多所相度詳悉比節次派員稍勝杜懋賞及在行人等各加賞衣褲錢之/ Ngày 1 tháng 7 mùa thu năm Mậu Tuất niên hiệu Minh Mệnh thứ 19 (1838). Công bộ Viên ngoại lang Đỗ Mậu Thưởng vâng mệnh đi thực hiện công vụ ở Hoàng Sa trở về đem bản đồ dâng trình. Nhà vua thấy (viên này) đi thăm dò nhiều nơi, đo vẽ tường tận, so với phái viên các lần trước thì hơn hẳn. Đỗ Mậu Thưởng và các người cùng đi, mỗi người được thưởng thêm áo quần và tiền. (A.2772/32, Đệ nhị kỷ, Q.194, tờ 7b-8a).

Trong một bộ sử khác của triều Nguyễn là Quốc triều chính biên toát yếu 國朝正編撮要cũng ghi chép khá chi tiết về việc người Việt Nam đo vẽ quần đảo Hoàng Sa: “遣水軍率隊范有日率兵船往廣義駛往黃沙的處不拘何島嶼何沙洲凡長橫高廣周圍及四近有無暗沙石磧險易形勢如何海口所應水程算的幾里海嶼是何處地方一一明白準帶隨木牌到處豎立為誌描繪圖本遞回程進/ Sai Thủy quân Suất đội Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đến Quảng Ngãi, thẳng tới bãi Hoàng Sa, không kể đảo nào, cồn cát nào, chiều dài, chiều ngang, chiều rộng, chiều cao, chu vi và bốn phía gần đó có bãi cát, bãi đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở thế nào? Từ cửa biển ra đó đường thủy bao nhiêu dặm, gần bờ biển địa phương nào? Nhất nhất ghi chép rõ ràng, chuẩn cho mang cọc gỗ cắm mốc làm dấu, đo vẽ bản đồ đem về dâng trình”. (VHv.1581/2, tờ 118a-118b).

2. Các văn bản pháp qui của nhà nước thời Nguyễn

Bên cạnh những tư liệu lịch sử ghi lại các đợt đi khảo sát, đo vẽ và cắm mốc ở quần đảo Hoàng Sa của người Việt Nam thời Nguyễn, còn các tài liệu mang tính pháp qui của nhà nước ban hành cũng ghi chép hết sức tường tận về vấn đề này, đó là tài liệu Châu bản 硃本. Châu bản là các tập văn bản được vua ngự phê hay ngự lãm và có ghi bút tích bằng mực son. Qua các điều tra lưu trữ thì Châu bản hiện nay chỉ còn ở triều Nguyễn. Hiện ở Trung tâm Lưu giữ Quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đang quản lý 734 tập của các thời vua triều Nguyễn, mỗi tập có tới vài trăm văn bản(5). Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng đang quản lý 64 cuộn microfilm Châu bản triều Nguyễn do Thư viện Viện Harvard-Yenching Hoa Kì trao tặng(6). Châu bản là những tài liệu lịch sử còn giữ được nguyên bản và độc bản, mang đậm nét dấu ấn của một thời đại; là nguồn tư liệu hết sức có giá trị khi nghiên cứu lịch sử, chính trị, văn hóa, pháp luật, kính tế, v.v... của đời sống xã hội đương thời.

Qua khảo cứu chúng tôi tìm thấy có vài chục văn bản Châu bản triều Nguyễn ghi chép khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam và do nhà nước Việt Nam quản lý. Về việc các vua triều Nguyễn đãpháingười đi thăm dò, khảo sát đường biển, cắm mốc và vẽ bản đồ ở quần đảo Hoàng Sa đã được các Châu bản ghi lại cũng khá đầy đủ và chi tiết.

- Châu bản thứ nhất: ghi ngày 12 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836). Phần chữ Hán xem Ảnh 1.

Dịch nghĩa:

Ngày 12 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836)

Bộ Công phúc trình:

Nay tiếp nhận công văn của Nội các vâng mệnh giao cho Bộ thần (trong đó) có Châu phê: Các thuyền được phái đi Hoàng Sa, mỗi thuyền mang 10 mộc bài (cột gỗ, mỗi cột dài 4 đến 5 thước, dầy 1 tấc - dòng chữ này do nhà vua Minh Mệnh viết bên cạnh) viết to khắc sâu dòng chữ: Ghi họ tên viên Cai đội thủy quân năm Bính Thân Minh Mệnh thứ 17 (1836) vâng mệnh đi khảo sát Hoàng Sa. Đến Hoàng Sa thì cắm mốc đánh dấu. Hãy tuân mệnh.

Lần này, viên Chánh Đội trưởng Thủy quân được cử đến Hoàng Sa là Phạm Hữu Nhật, giờ Mão hôm trước đã đi thuyền từ cửa Thuận An đến tỉnh (Quảng) Ngãi. Bộ thần xin cho chuẩn bị gấp cột gỗ đủ số, báo ngay cho tỉnh Quảng Ngãi, chuyển gấp (số cột gỗ ấy) cho viên này. Vậy xin phúc trình.

- Châu bản thứ hai: ghi ngày 13 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 18 (1837). Phần chữ Hán xem Ảnh 2.

Dịch nghĩa:

Thần Hà Duy Phiên, thần Lý Văn Phức vâng mệnh truyền dụ:

Trước đây đã phái Thủy sư, Giám thành cùng binh dân thuyền 2 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi đến khảo sát Hoàng Sa. Nay đã trở về. Trừ viên Thủy sư Suất đội Phạm Văn Biện do Kinh đô phái đi về quá hạn. Viên dẫn đường do tỉnh phái đi là Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh, lái thuyền Lưu Đức Trực tất cả gồm 4 người đã có chỉ trách phạt, đánh đòn. Còn binh dân cùng đoàn lênh đênh trên biển khơi cũng rất vất vả, nên xét ban ân binh đinh mỗi viên thưởng cho 1 tháng lương tiền, dân phu mỗi viên thưởng tiền 2 quan, trong đó các viên phu thuyền do tỉnh sai phái đi cho về quê làm ăn. Riêng viên Biền chức Giám thành phạm lỗi là Trương Viết Soái, trước là Đốc biện trông coi việc luyện thuốc súng đã có sơ suất mắc lỗi bị xử phạt trảm giam hậu (chém đầu nhưng giam đợi đến mùa thu mới xét xử), năm ngoái được sai phái đi Hoàng Sa và đi hiệu lực xây dựng thành Gia Định để chuộc tội. Nay lại được sai phái đi khảo sát Hoàng Sa, tuy đã đến khảo sát 11 nơi bãi cát và các đảo, việc đo vẽ bản đồ chưa thật chu đáo nên nhiều lần bị đầy đi làm việc khổ sai và cũng biết hối cải, nên gia ân tha cho viên Trương Viết Soái, cho về làm lính ở vệ Giám thành, đợi sau tùy việc sai phái để cho viên đó chuộc lỗi cũ. Hãy tuân mệnh.

Lại vâng mệnh ghi rõ 22 họ tên các viên binh đinh, 20 viên Thủy sư, 2 viên Giám thành và 31 dân phu đi Hoàng Sa đợt này, đính kèm phía sau.

Thần Nguyễn Văn Hựu vâng mệnh soạn thảo

Thần Hà Duy Phiên, thần Lý Văn Phức vâng mệnh đọc duyệt.

- Châu bản thứ ba: ghi ngày 2 tháng 4 nhuận năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). Phần chữ Hán xem Ảnh 3.

Dịch nghĩa:

Bộ Công tâu:

Vâng mệnh chiếu xét khoản cử người đến Hoàng Sa, Bộ thần đã bàn xin đến hạ tuần tháng 3 ra khơi đến (Hoàng Sa) để đo vẽ khảo sát toàn bộ xứ đó, đến hạ tuần tháng 6 thì trở về. Vâng theo sự phê chuẩn của nhà vua, đã sao gửi cho 2 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi thực hiện và tuyển chọn các viên Thị vệ, Khâm thiên Giám thành cùng Thủy sư, binh thuyền phái đi trước. Nay tiếp nhận được tờ tư của tỉnh Quảng Ngãi trình bầy cụ thể từng mục rằng binh thuyền ở Kinh được phái đi, ngày 21 tháng 3 đã đến. Dân thuyền tỉnh Bình Định ngày 3 tháng 4 cũng đã đến. Viên dẫn đường Phạm Văn Sênh ngày 9 tháng đó cũng đã đến. Theo sự trình bày chi tiết của Phái viên thì từ ngày 10 đến ngày 26 tháng 4, gió Đông liên tục thổi, không tiện cho việc ra khơi. Viên Cai tỉnh quan sát cũng thấy như vậy, khẩn thiết xin đợi đến khi có gió Nam thổi thì thuận tiện cho việc đưa thuyền ra khơi ngay và tiếp tục báo về. Bộ thần vâng mệnh chiếu xét: Việc đi khảo sát đo đạc ở Hoàng Sa đã có hạn định rõ ràng là hạ tuần tháng 3 thì xuất phát ra khơi, nhưng vì hướng gió và con nước chưa tiện, kéo dài (hạn định) đến hạ tuần tháng 4 mà vẫn chưa ra khơi được là quá hạn. (Bộ thần) căn cứ vào sự thực tấu trình đầy đủ.

Thần Lê Văn Côn vâng mệnh soạn thảo

Thần Hà Duy Phiên, thần Phạm Thế Trung vâng mệnh đọc duyệt.

- Châu bản thứ tư: ghi ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). Phần chữ Hán xem Ảnh 4.

Dịch nghĩa:

Bộ Công tâu:

Nay tiếp nhận các viên Đỗ Mậu Thưởng, Thị vệ Lê Trọng Bá thuộc ty của bộ thần (đi thực hiện công vụ ở Hoàng Sa) đã trở về. Bộ thần đã hỏi qua, các viên đó trình bày lần này (đoàn khảo sát) đã đến được 25 đảo thuộc 3 vùng (trong đó kiểm tra lại 12 đảo hàng năm các đoàn đã đến, 13 đảo chưa có đoàn nào đến). Nhưng theo viên dẫn đường Vũ Văn Hùng thì toàn bộ xứ Hoàng Sa có 4 vùng, lần này khảo sát được 3 vùng, còn một vùng ở phía Nam, nơi này cách nơi kia khá xa, gió Nam lại thổi mạnh, việc khởi hành đến đó không tiện, phải đợi gió thuận thì muộn, xin đợi đến sang năm (cử thuyền) đến đó. Lại xem xét 4 bản đồ mang về, (có 3 bức vẽ riêng từng vùng, một bức vẽ chung), cùng một bản nhật ký chưa được tu sửa hoàn chỉnh, xin cho Bộ thần thẩm tra kỹ và sức cho họ chỉnh sửa hoàn thiện để dâng trình. Lại theo những người này tường trình, trong chuyến đi này họ đã thu được 1 súng đại bác bọc đồng, các loại đá san hô đỏ, các loại chim, rùa biển. Nay đã mang về. Dám xin làm tờ tâu trình.

Thần Thang Huy Thận vâng mệnh soạn thảo.

Thần Hà Duy Phiên, thần Lý Văn Phức vâng mệnh đọc duyệt.

- Châu bản thứ năm: ghi ngày 19 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). Phần chữ Hán xem Ảnh 5.

Dịch nghĩa:

Quan Bố chính sứ tỉnh Quảng Ngãi được ghi công 7 lần là Đặng Đức Thiệm kính cẩn tấu trình việc xin miễn trừ các hạng thuế thuê thuyền đi làm việc công, cúi mong bề trên soi xét. Ngày tháng giêng năm nay, tiếp nhận lệnh sai người đi lo liệu việc công ở Hoàng Sa của Bộ Công, trong đó có một khoản: Năm nay kỳ hạn sai người ra khơi đến xứ Hoàng Sa để khảo sát, đo vẽ toàn bộ vùng đó, thời gian định vào hạ tuần tháng 3 đến hạ tuần tháng 6 thì về thẳng cửa Thuận An đến Kinh. Bộ thần ấy còn gửi tư lệnh cho tỉnh thần thuê, điều động trước 2 thuyền cùng dân phu và dân thuyền để chuẩn bị cho việc sai phái, thay người. Vâng theo chỉ chuẩn của nhà vua, lần này thần đã thuê, điều động 2 chiếc thuyền lớn tại bản hạt cùng với 2 thuyền của tỉnh Bình Định đang neo đậu tại đấy theo Phái viên đến Hoàng Sa thực hiện công vụ.

- Văn bản thứ 6 (văn bản Lý Sơn), ghi ngày 15 tháng 4 năm Minh Mệnh thứ 15 (1834). Phần chữ Hán xem Ảnh 6.

Dịch nghĩa:

Quan Bố chính, Án sát tỉnh Quảng Ngãi thực hiện việc cấp bằng.

Theo tờ tư của Bộ Binh nhận được tháng trước nói rằng: Vâng theo sắc lệnh (của nhà vua) cho Bộ, bảo trước tiên hãy chuẩn bị điều động trước 3 chiếc chinh thuyền, cho tu sửa chắc chắn đợi tại Kinh, các phái viên và Biền binh thủy quân đi trước để hiệp đồng đến thám sát các xứ của Hoàng Sa. Hãy tuân mệnh.

(Kính vâng, tỉnh thần) chọn thuê, điều động trong tỉnh 3 chiếc thuyền nhanh, nhẹ cùng các vật dụng cần thiết của thuyền, các vật đó đều cho tu bổ. Lại chọn Vũ Văn Hùng, người từng được cử đi năm trước và chọn thêm những người thông thạo đường biển trong số dân phu ven biển sung làm thủy thủ chèo thuyền trước sau, cốt sao chọn được mỗi thuyền 8 người cộng 24 người. Đến hạ tuần tháng 3 thì thuận gió, cho thuyền ra khơi.

Nay các việc lo liệu xong xuôi, các phái viên đã đi thuyền nhẹ đến. Nay thấy số dân thạo sông nước là bọn Đặng Văn Xiểm có thể đảm nhận được việc lái thuyền, xứng đáng được cấp bằng, hãy đi một chiếc thuyền dẫn các viên thủy thủ đi theo các phái viên binh lính và Vũ Văn Hùng đến Hoàng Sa thực hiện công vụ. Chuyến đi này có tầm quan trọng đặc biệt, cần phải dốc sức thực hiện cho thực sự ổn thỏa. Nếu sao nhãng sơ suất định trọng tội.

Thời Thiệu Trị, việc phái người đi khảo sát quần đảo Hoàng Sa cũng nằm trong kế hoạch của nhà nước, do điều kiện khách quan cứ hoãn đi hoãn lại, nhưng dù sao cũng thể hiện một thái độ khẳng định chủ quyền của quốc gia Đại Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Chúng tôi xin giới thiệu 2 Châu bản thời Thiệu Trị.

- Châu bản thứ bảy: ghi ngày 26 tháng Giêng năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Phần chữ Hán xem Ảnh 7.

Dịch nghĩa:

Bộ Công tâu (Châu phê: đình (dừng lại): Vâng sắc giao cho Bộ lưu giữ hồ sơ ghi ngày tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) hoãn việc phái người đi thăm dò, khảo sát Hoàng Sa, đến năm sau phúc trình lại đợi chỉ. Hãy tuân mệnh. Nay xin phúc tâu việc có nên phái người đi [thăm dò, khảo sát Hoàng Sa] nữa hay không ? Tâu trình đợi chỉ.

- Châu bản thứ tám: ghi ngày 28 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Phần chữ Hán xem Ảnh 8.

Dịch nghĩa:

Bộ Công tâu (trong văn bản có chữ “đình” (dừng) do vua Thiệu trị phê): Chiểu theo lệ, xứ Hoàng Sa là cương giới trên biển của nước ta, hàng năm có phái binh thuyền đến thăm dò để thông thuộc đường biển. Ngày tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), vâng theo lời Thánh dụ: năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), hoãn việc phái binh thuyền (đi khảo sát), đến năm sau tiếp tục. Hãy tuân mệnh. Đến ngày tháng giêng năm nay, bộ thần đã trình đủ lý do xin tiếp tục, đã được Châu phê: cho (dừng lại). Vả lại sang xuân, đã đến kỳ đi khảo sát, mà việc cần thiết là phải chuẩn bị thật đầy đủ. Nhưng xét thấy lúc này công việc quá bận, nên việc đi khảo sát đầu xuân năm nay xin được dừng lại, đợi đến năm sau hãy cho tiếp tục”(7).

Như vậy chúng ta có đến 6 tài liệu (trong đó có 5 Châu bản và 1 lệnh) thời Minh Mệnh ghi rõ việc hàng năm theo lệ từ tháng 3 đến tháng 6 cử người ra quần đảo Hoàng Sa khảo sát. Còn thời Thiệu Trị có 2 Châu bản có ghi việc đi khảo sát quần đảo Hoàng Sa nhưng do những điều kiện khác nhau nên phải hoãn lại. Đây là những văn bản pháp qui của nhà nước đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

3. Một vài nhận xét

Các tư liệu lịch sử và các công văn của nhà nước (Châu bản) đã thể hiện nhất quán, hàng năm người Việt Nam ra quần đảo Hoàng Sa để thăm dò đường biển, đo đạc, cắm mốc, xây đền miếu, dựng bia và vẽ bản đồ các khu thuộc quần đảo này. Điều này khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trong nhiều thế kỷ trước đây. Các tư liệu Hán Nôm viết về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và Biển Đông chúng tôi sưu tập được khá nhiều, sắp tới Viện Nghiên cứu Hán Nôm sẽ công bố cùng bạn đọc các tập sách, như: Một số tư liệu Hán Nôm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và Biển Đông, Thư mục Hán Nôm về biển đảo Việt Nam, v.v…

Các tư liệu lịch sử và các công văn của nhà nước (Châu bản) mà chúng tôi giới thiệu ở trên là những tài liệu rất đáng tin cậy, đây là những tài liệu xác tín đã được quốc tế công nhận. Mộc bản bộ Đại Nam thực lục đã được Tổ chức UNESCO công nhận là Ký ức tư liệu di sản thế giới. Còn Châu bản triều Nguyễn là những tài liệu gốc nguyên bản, còn dấu ấn tín của triều đình, còn nguyên châu phê của vua.

Hiện nay khu vực Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, các nước láng giềng trong khu vực này cần có một nhãn quan khoa học, tôn trọng lịch sử và công ước quốc tế.

 

Chú thích:

1. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tập 2, Nxb. KHXH, 1961, tr.248.

2. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, bản dịch, Nxb. KHXH, H. 1998, tr.325.

3. Tham khảo thêm Trịnh Khắc Mạnh: Khảo sát tài liệu Hán Nôm về dư địa chí hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Tạp chí Hán Nôm, số 3 (94) - 2009.

4. Dấu… là đoạn văn chúng tôi lược bỏ.

5. Mục lục Châu bản triều Nguyễn, Tập 1, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 2010.

6. Trịnh Khắc Mạnh: Công tác sưu tầm tư liệu Hán Nôm ở nước ngoài của Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong thời gian gần đây, Tạp chí Hán Nôm, số 3 (89) - 2008.

7. Các đoạn dịch trong bài viết này, chúng tôi có tham khảo các bản dịch trước (ghi ở phần Tài liệu tham khảo), xin chân thành cảm ơn.

* Bài viết được sự tài trợ của Quĩ Phát triển khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), chúng tôi xin chân thành cảm ơn.

Tài liệu tham khảo

- 大南實錄,A.2772/1-67.

- 國朝正編撮要, VHv.1581

- Đại Nam thực lục, bản dịch, Nxb. Giáo dục, H. 2001.

- Nguyễn Đăng Vũ - Nguyễn Xuân Diện: Khảo cứu tư liệu Lý Sơn, trong Thông báo Hán Nôm học năm 2009, Nxb. Thế giới, H. 2010.

- Nguyễn Nhã: Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, bảo vệ tại Đại học KHXH và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. HCM, năm 2002.

Trịnh Khắc Mạnh: Thêm một số tư liệu Hán Nôm ghi chép về Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Tạp chí Hán Nôm, số 1 (104) - 2011.

-Tuyển tập các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb. Tri thức, 2013./.

PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh, Viện Nghiên cứu Hán Nôm

(Tạp chí Hán Nôm, số 4 (119) 2013; tr. 3-14)