Hán Nôm học uyên ương

In bài này

20171016 LHP HNM

Ảnh: Cả gia đình (góc trái) chụp hình lưu niệm với ông Dương Trung Quốc -  Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam và các thầy cô Khoa Văn học trong Hội thảo Hà Đình Nguyễn Thuật - Danh nhân văn hóa tổ chức tại Quảng Nam, tháng 9/2015. Ảnh: NVCC

 

Đó là đôi vợ chồng anh Hồ Ngọc Minh và chị Lý Hồng Phượng vừa bảo vệ thành công luận văn cao học ngành Hán Nôm tại Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM với điểm loại xuất sắc. Điều ấn tượng ở đôi uyên ương này là họ đã phải chật vật vượt qua khó khăn trong cuộc sống và của ngành học để có kết quả học thuật rất đáng trân trọng.

“Thật ra, chuyện mình và vợ cùng tốt nghiệp cao học Hán Nôm là một sự trùng hợp. Nhiều nhà nghiên cứu Hán Nôm trẻ đầy tài năng gần đây đóng góp nhiều công trình dịch thuật, nghiên cứu đặc sắc, họ xứng đáng để được viết hơn mình. Tụi mình cũng như bao học viên của các ngành học khác, cũng vừa học, vừa làm, tất bật với gia đình nên không có gì đáng để viết đâu”, cuộc trò chuyện đầu tiên với anh qua điện thoại cứ trôi đi như thế.

Phải thuyết phục anh rằng, câu chuyện về anh và chị trong bài viết này sẽ góp thêm, dù thật dung dị và nhỏ bé, niềm cảm hứng và sự sẻ chia của người đi trước cho những sinh viên vốn vô cùng ít ỏi đang theo học ngành Hán Nôm, anh mới chần chừ rồi gật đầu. Phía sau lời đồng ý ngại ngùng ấy là 10 năm vợ chồng anh chờ đợi để được theo học cao học Hán Nôm.

Nhất nhật phu thê

Một ngày của anh chị bắt đầu bằng việc dậy thật sớm để cùng nhau đưa con gái đến trường. Lo xong việc đưa đón, anh về nhà kê đơn bốc thuốc, chị lụi cụi sau bếp nấu nướng quét dọn rồi phụ anh. “Từ ngày cưới nhau, hai vợ chồng mình hầu như cùng nhau làm mọi việc. Cùng làm chung công ty, cùng chọn trường và đưa con đi học. Đối với chuyện cao học, vốn hai vợ chồng cùng niềm đam mê nên khi có lớp cả hai cùng tiếp tục song hành”.

Có những buổi học, ngày thi, hay đợt hội thảo khoa học mà anh chị cùng tham gia lại trùng vào ngày con nghỉ nên phải dắt con theo vì không có ai để gửi. “Việc con đến lớp cùng ‘học’ với cha mẹ trở thành chuyện bình thường, các thầy cô cũng thông cảm hay gọi đùa bé là ‘nhà khoa học trẻ tuổi nhất’”. Với anh chị, dù việc lớn nhỏ nào cũng không thể thiếu người còn lại, bởi lẽ nhất nhật bất kiến như tam thu hề.

Quê anh tận Khánh Hòa còn chị ở Tây Ninh. Vào Sài Gòn trọ học, Hán Nôm học với anh chỉ là chút kỷ niệm của cậu bé năm 6 tuổi khi về quê thăm người ông họ. “Lúc đó còn quá nhỏ, mình không biết những chữ ngoằn ngoèo này là gì, chỉ biết ông viết gia phả dòng họ bằng văn tự này. Mỗi dịp mình về thăm quê đều được ông đem ra cho xem và đọc mình nghe từng chữ một”. Nhưng đó chỉ là cuộc gặp tình cờ với Hán Nôm cho đến khi anh - một sinh viên chưa từng bị rớt môn lại không thể vượt qua môn học này.

Năm II đại học, anh được học môn Chữ Nôm cơ sở do thầy Nguyễn Ngọc Quận giảng dạy. “Nói chung mình học các môn khác không tệ lắm, vì vẫn được nhận học bổng của trường. Nhưng khi thi kết thúc môn này, mình lại không vượt qua được. Điều đó vừa khiến mình rất buồn lại vừa kích thích mình để ý nhiều hơn đến những gì liên quan Hán Nôm” - anh bộc bạch.

Ngành học Hán Nôm còn hé mở cho những sinh viên tỉnh lẻ như anh thêm nghị lực khi không phải trả học phí cho trường và được nhận học bổng nếu học tốt. “Một tháng gia đình chu cấp 200 - 300 ngàn cho mình chi tiêu mọi thứ từ ăn, ở, học hành. Sinh viên nào đạt học bổng loại giỏi sẽ được 180 ngàn, loại khá là 120 ngàn, còn loại xuất sắc tới 250 ngàn. Những năm 2000, số tiền này đối với sinh viên tụi mình là những ưu đãi thật sự hấp dẫn”.

Vào đại học sau anh một khóa, chị nói chỉ biết mình chọn Hán Nôm vì rất thích Việt sử thời phong kiến. Cái thời đoạn mà nếu chỉ đọc bằng quốc ngữ, với chị đã vơi đi phần nào những trầm hùng, hào hoa trong muôn vàn trang sách mà cổ nhân nhọc công biên soạn. Đi qua tháng năm giảng đường miệt mài dò dẫm từng con chữ cổ, những niệm ý thuở đầu của chị giờ đây đã dành trọn cho chữ Nôm. Để rồi trong luận văn cao học của mình, hơn 300 chữ Nôm mới được chị cùng người thầy hướng dẫn tìm thấy từ tác phẩm Kim cổ kỳ quan - một tác phẩm viết bằng chữ Nôm về tôn giáo nổi tiếng của Nam bộ. Nhưng đó là câu chuyện của hơn 10 năm sau.

Tốt nghiệp đại học, chị làm việc cho một công ty chuyên về từ điển, anh bươn chải với đủ ngành nghề như viết báo, dịch sách, làm công ty cùng chị rồi lại nghỉ đi học ngành y. Hỏi anh theo Hán Nôm khó tìm việc như vậy sao còn kiên trì học? Anh nói: “Thời chiến cha ông mình còn học được, huống chi thời bình, có khó mấy cũng phải học. Tuy khó tìm việc đúng chuyên ngành và cũng không thể có lương như người học kinh tế, nhưng vẫn có thể mưu sinh được. Nếu thực sự học đến nơi đến chốn thì chỉ sợ người học Hán Nôm không có sức mà làm hết việc”.

Tất bật mưu sinh là vậy nhưng anh chị vẫn muốn bước tiếp con đường mà thuở đại học hai người chỉ vừa mới dạo quanh. “Khi đó Sài Gòn chưa có nơi nào đào tạo, muốn học cao học Hán Nôm phải ra Hà Nội. Điều kiện cá nhân không cho phép, nên mình tạm dừng để lo mưu sinh và chờ đợi”. Nhưng anh chị đâu biết rằng lần chờ đợi này đã phải mất hẳn 10 năm.

Cuộc chạy tiếp sức của nhiều thế hệ

Ngày biết tin trường chiêu sinh học viên, anh cùng chị chạy vội đến trường tìm hiểu thông tin rồi đăng ký. “Bỏ dở cả 10 năm, phần lớn kiến thức ngày trước đã mai một rất nhiều. Học Hán Nôm là phải tiếp xúc mặt chữ liên tục, nếu không luyện mỗi ngày sẽ quên sạch trơn. Lúc ôn thi, cả hai vợ chồng khá lo vì không biết có thi đậu nổi không. Có nhiều chữ mình nhớ nghĩa nhưng không biết cách ghi, lại có chữ nhìn rất quen nhưng quên mất thuộc nghĩa. Nhưng cũng may, cả hai vợ chồng đều vượt qua kỳ tuyển sinh đó”.

Hán Nôm thật sự là một ngành học thách thức, thách thức sự kiên trì nhẫn nại, thách thức mức độ “lãng mạn” của người học. “Ngày nào cũng đối mặt với văn bản cổ, nên cái gì nhìn mãi có lúc cảm xúc chợt chai sạn. Học đó rồi cũng quên đó. Nhưng may mắn cho tụi mình là có những người thầy luôn biết truyền cảm hứng và lòng nhiệt huyết cho học trò. Suốt quá trình nghiên cứu và viết luận văn, mình thấy đó không chỉ là những người thầy, mà còn là cộng sự, đối tác và là bạn bè của người học. Tụi mình cùng các thầy trao đổi rất thoải mái nhiều vấn đề, không chỉ về học thuật mà còn về cuộc sống. Là người dẫn dắt nhưng các thầy hết sức khiêm tốn và bao dung, tất cả vì sự tiến bộ của học trò”.

Anh kể khi làm đề tài về thơ đi sứ của Hà Đình Nguyễn Thuật với thầy Lê Quang Trường, những tài liệu mà trong Nam hai thầy trò dốc công tìm hoài nhưng vẫn chưa đủ, thầy đã nhiệt tình hỏi thăm bạn bè, tìm được nhiều văn bản cổ khắp các thư viện miền Bắc. “Ngoài sự giúp đỡ của thầy, mình còn được anh Nguyễn Thanh Hoài, Trường Đại học Đà Lạt giúp sức, bằng cách nhiều lần vào Cục Lưu trữ quốc gia IV để lục tìm, đọc duyệt cẩn thận rồi gửi bản chụp cho mình, dù những lúc ấy anh đang rất bận việc gia đình. Nhờ đó, mình đã có được tư liệu quý để hoàn thành luận văn. Có lẽ đây là truyền thống của người học Hán Nôm, luôn tương trợ nhau hết lòng”.

Còn vợ anh, vì phải chăm sóc con gái nhỏ, lại thêm quán xuyến chuyện gia đình, nên “uỷ quyền” cho anh đồng hành cùng thầy Nguyễn Ngọc Quận, thực hiện cuộc hành trình theo dấu người xưa, nơi ông Ba Thới đã cho ra đời tác phẩm Nôm dài gấp nhiều lần truyện Kiều. Anh kể “Mình cùng thầy cỡi xe gắn máy hết gần một tuần, nhưng thật sự vẫn chưa thoả mãn. Hành trình bắt đầu từ Sài Gòn qua Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp rồi đến An Giang, vòng về Cần Thơ. Có khi phải băng đường lầy lội tới những chỗ xa, có lúc phải luỵ đò để đi tiếp. Vất vả nhưng khi được chạm tay vào những tấm văn bia, bản sách gốc bằng chữ Hán Nôm của tiền nhân để lại, thì bao mệt nhọc như tan biến”.

Dường như không chỉ riêng anh mà bất cứ ai học Hám Nôm đều hiểu rằng cái thú nhất của sự học là được điền dã. Có tới tận nơi để được thấy, được chạm vào những hàng chữ dọc câu đối, câu liễn, các văn từ, sách cổ hay các văn bia tại miếu mạo, đình chùa mới có thể cảm hết khí thái, hồn cốt của từng chữ Hán, Nôm. Bởi mỗi con chữ ấy đều mang lấy những thể phách riêng biệt. Chúng ẩn chứa trong mình là tâm thế và tư thế của người viết, từ thế bút, dáng bút, lực viết đến xúc cảm và cả tâm tưởng đều ngồn ngộn, chợt chực trào nhưng lại ẩn kín sâu xa. “Rất dễ nhận thấy, những sinh viên Hán Nôm sau khi điền dã xong, dẫu có chạy ngoài đường, ngang qua một ngôi chùa nào đó nằm xa xa trong hẻm, chắc chắn họ sẽ dừng lại để nhìn xem những chữ Hán, chữ Nôm được đề trên đó là gì”.

Lớp cao học Hán Nôm có ba thành viên, ngày bảo vệ luận văn chỉ anh chị kịp hoàn thành. Đó cũng là ngày anh chị vừa tròn 10 năm kết tóc. Chị nói, đây là một sự ngẫu nhiên, một kỷ niệm thú vị trong đời. “Lúc giáo vụ khoa liên hệ các thầy cô để lập hội đồng bảo vệ luận văn cho hai vợ chồng, thầy cô ai cũng báo bận hết, chỉ còn rảnh vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 9. Rồi không biết tình cờ thế nào, ngày bảo vệ lại trùng khớp như vậy”.

Cùng tốt nghiệp loại xuất sắc, nhưng với anh chị những hiểu biết của bản thân “thật không đáng để kể đến”. Bởi “cái khó của Hán Nôm là phải tự học, thời gian ở trường không thể giải quyết hết được. Ngày xưa các cụ chỉ đọc sách kinh nghĩa thôi mà đã mất cả chục năm chưa xong, nay mình chỉ học bốn, năm học kỳ ở trường, cho nên vẫn chưa đủ để hiểu đúng được, chứ đừng nói là hiểu sâu sắc. Các cụ bước vào trường rồi còn học trò như tụi mình mới đứng trước cổng mà ngắm nghía thôi”.

Anh chị cùng tâm sự chỉ ước ao trường có thể mở bậc tiến sĩ Hán Nôm để cả hai được học tiếp. “Học ở Hà Nội thì không thể được rồi, vì phải lo cho con cái nữa”. Con đường nghiên cứu Hán Nôm vẫn còn mênh mông lắm. “Chúng mình chỉ tiếc khối tư liệu Hán Nôm đồ sộ của đất nước tồn tại qua tháng năm, số ở trong dân, số ở trong các viện lưu trữ, vẫn chưa được khai thác hết, chưa kể việc chúng hư hỏng là điều khó tránh khỏi. Mà để giải mã hết kho tư liệu ấy, chúng ta cần một cuộc hành trình chạy tiếp sức của nhiều thế hệ. Nhiều nhà Hán Nôm học tiền bối đã tiên phong, các thế hệ thầy cô mình đã miệt mài, chúng mình cũng muốn tham gia vào hành trình ấy, và rất hy vọng các bạn trẻ sau này cũng sẽ hưởng ứng. Không phải ngẫu nhiên mà Nhà nước có những chương trình ưu đãi cho sinh viên Hán Nôm như vậy. Kinh tế và văn hóa là những trụ cột tạo nên một quốc gia cường thịnh, không thể thiên lệch về bên nào”.  

Cuộc trò chuyện của chúng tôi tạm kết trong những dòng chia sẻ của anh chị: “Ai trong cuộc đời cũng chọn cho mình một lối đi với muôn vàn lựa chọn để luôn cảm thấy mình hạnh phúc. Chúng mình hạnh phúc với lựa chọn học là nghiên cứu Hán Nôm, hy vọng tình yêu này sẽ dẫn lối giúp chúng mình hiểu thêm về những giá trị nguồn cội của dân tộc”.

 

Những học viên dấn thân

Với đề tài “Nghiên cứu và phiên dịch tác phẩm Mỗi hoài ngâm thảo của Hà Đình Nguyễn Thuật” do TS Lê Quang Trường hướng dẫn, anh Hồ Ngọc Minh đã phân tích những sai lầm trong dịch thuật của một số công trình đi trước, đồng thời phiên dịch, chú thích hơn 300 bài trong tác phẩm này. Còn chị Lý Hồng Phượng với đề tài “Chữ Nôm Nam bộ qua khảo sát tác phẩm Kim cổ kỳ quan của Nguyễn Văn Thới” do TS Nguyễn Ngọc Quận hướng dẫn đã đưa ra hơn 300 chữ Nôm chưa hề có trong các từ điển chữ Nôm trước nay. Ngày 21/8, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tổ chức lễ bảo vệ luận văn cho hai anh chị. Cả hai đều được hội đồng bảo vệ đánh giá kết quả xuất sắc với điểm số 9,5.

PGS.TS Đoàn Lê Giang - Trưởng Khoa Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM cho biết: “Vợ chồng anh Hồ Ngọc Minh và chị Lý Hồng Phượng là những học viên khai khóa với tinh thần cầu tiến, cần mẫn và đầy nhiệt huyết với ngành Hán Nôm học. Hán Nôm vốn là một ngành vừa khó học lại vừa khó về mặt mưu sinh cho người theo học. Khoa chúng tôi có được những học viên quyết dấn thân trên con đường khoa học chông gai như vậy thật đáng quý. Do đó, khoa sẽ giữ lại một trong hai anh chị để trở thành nghiên cứu viên của khoa, tiếp tục cống hiến và truyền cảm hứng cho các thế hệ tiếp nối.

Riêng đối với anh Hồ Ngọc Minh, anh không chỉ giỏi trong việc nghiên cứu mà còn biết vận dụng kiến thức về Hán Nôm vào lĩnh vực y học cổ truyền mà anh tích lũy trước đó. Nhờ nghiên cứu về Hán Nôm, anh có thể đọc được các tài liệu nguyên bản và các tài liệu tiếng Hoa, điều chế nhiều phương thuốc cổ truyền hữu hiệu để chữa bệnh cho nhiều người”.

 

Miễn học phí cao học ngành Hán Nôm

Hán Nôm học từng là một trong những lĩnh vực học thuật phát triển mạnh của Đại học Văn Khoa Sài Gòn với những tên tuổi học giả thời danh như: Nghiêm Toản, Bửu Cầm, Trần Trọng San, Lưu Khôn, Nguyễn Khuê… Tiếp nối truyền thống học thuật này, PGS.TS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM cho biết: “Hiện nay, chiến lược phát triển Hán Nôm của nhà trường tập trung vào hai nhiệm vụ: sưu tầm tư liệu và đào tạo nhân lực”.

Ông Sen cho biết, năm 2011, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM thành lập Phòng Tư liệu Hán Nôm và giao Khoa Văn học phụ trách thu thập các văn bản, tài liệu ở các tỉnh Tây Nam bộ. “Dự án ‘Sưu tầm tư liệu Hán Nôm ở Nam bộ’ là một trong nhiều dự án nghiên cứu về Hán Nôm học do ĐHQG-HCM hỗ trợ. Thông qua dự án này, hàng ngàn đầu tư liệu Hán Nôm được các giảng viên của trường đến gõ cửa hàng trăm đình chùa, miếu mạo hay các nhà sưu tập tư liệu Hán Nôm để thu thập và bảo quản tại Phòng Tư liệu Hán Nôm. Công việc thu thập và bảo quản các tư liệu Hán Nôm tuy tốn nhiều công sức nhưng đây là những di sản văn hóa của cha ông, không thể nào chậm trễ được. Hiện nay, nhà trường đã mở rộng khu vực thu thập đến các tỉnh Trung phần Việt Nam. Có thể nói rằng, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM là một trong những nơi hiếm hoi lưu giữ và bảo quản tư liệu Hán Nôm đầy đủ nhất miền Nam”.

Ông Sen còn cho biết, hằng năm, nhà trường tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo khoa học về Hán Nôm học, thu hút sự quan tâm của đông đảo học giả quốc tế. Gần đây nhất là tọa đàm về thơ đi sứ của các sứ giả Việt Nam ở Trung Quốc do GS Trần Ích Nguyên - Đại học Quốc lập Thành Công, Đài Loan là diễn giả chính.

Theo Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, song song với hoạt động sưu tầm tư liệu Hán Nôm, công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực này “là hết sức cấp bách”. Ngày 24/8, PGS.TS Võ Văn Sen ký quyết định miễn học phí cho học viên cao học chuyên ngành Hán Nôm từ năm học 2017-2018.

“Nhà trường luôn chú trọng đào tạo đội ngũ chuyên gia dịch thuật, nghiên cứu các tư liệu Hán Nôm. Nhiều chuyên gia nổi tiếng tầm quốc tế, tiêu biểu như TS Nguyễn Nam - hiện là chuyên gia của Viện Harvard Yenching, ĐH Harvard. Nếu không có đội ngũ chuyên gia này, thế hệ trẻ hôm nay sẽ không thể tiếp cận được di sản tinh thần mà cha ông tích lũy hơn một ngàn năm qua. Và đó sẽ là nhát cắt đoạn tuyệt với ý thức của dân tộc” - ông Sen nhấn mạnh.

 

(Bản tin ĐHQG-HCM, số 182 tháng 10/2017)