Cách gọi “Việt âm” trong phức thể danh xưng Việt âm thi tập từ góc nhìn của ngữ văn học chữ Hán Việt Nam trung đại

In bài này

20180305 viet am thi tap

1.越音詩集Việt âm thi tập là bộ thi tuyển đầu tiên của quốc gia Đại Việt độc lập tự chủ. Từ ý tưởng biên tập thể hiện trong bài tựa viết năm 1433 của Phan Phu Tiên - người khởi đầu biên tập; biểu dâng sách viết năm 1446 của Chu Xa - người tiếp tục chí hướng của Phan Phu Tiên; bài tựa cho in viết năm 1459 của Lý Tử Tấn - người phê điểm theo đề nghị của Chu Xa cũng như qui trình biên tập, phê điểm, dâng vua ngự lãm, sắc tứ san hành, đã cho thấy đây là tập đại thành của nền thi học quốc gia Đại Việt độc lập tự chủ, với khoảng hơn 300 năm (từ thời Trần cho đến đầu thời Lê). Theo Phan Phu Tiên, đây là bộ thi tuyển thu nhận thơ ca chữ Hán của người Nam, người Bắc có quan hệ với bản quốc “Phu Tiên tôi chẳng lượng sức mình thiển lậu, dám đem những điều mình nghe, thấy được, trước đây cũng như bây giờ, phàm những tác phẩm hay của người Nam, người Bắc có quan hệ với bản quốc cũng như những câu quê mùa cục mịch, có được đến mấy thiên, đặt tên là “Việt âm thi tập” (Tựa của Phan Phu Tiên). Với Chu Xa, “Thần trộm thấy, sử quan Phan Phu Tiên ngày trước có biên tập Việt âm thi tập nhưng rất chưa đầy đủ. Thần lại tiếp tục chọn thêm rồi xin quan Kinh diên Nguyễn Tử Tấn phê điểm, tu chỉnh biên thành 6 quyển. Còn như thơ của người Bắc và người Nam làm quan ở Bắc thì chép thành quyển Phụ lục. Sau khi tu sửa thành một bản, trang hoàng thành tập, kính cẩn dâng lên ngự lãm” (Biểu dâng sách của Chu Xa). Với Lý Tử Tấn, “Nước Việt ta từ buổi lập quốc đến giờ, người có thơ nổi tiếng ở đời, thật là nhiều lắm, như các vua Thánh Tông, Nhân Tông, Minh Tông, Nghệ Tông triều Trần; các ông như Chu tiên sinh hiệu Tiều Ẩn, Phạm công người Hiệp Thạch, Lê công người Lương Giang, Nguyễn công tự Giới Hiên, anh em ông họ Phạm người Kính Khê đều có thi tập lưu truyền ở đời. Sau này do binh hỏa, số còn lại chỉ một phần trăm, phần nghìn mà thôi. Phan quân thời còn ở Quốc sử đã muốn sưu tập thơ của vua tôi các đời gần đây để cho hậu học. Bởi vậy, ông đã sưu tập những bài còn sót lại của người trước và chọn cả những tác phẩm ma nhai của vua Thái Tổ, Thái Tông cũng như thơ của các bậc túc nho có công danh triều ta, thảy được hơn mấy trăm bài, đặt tên là VIỆT ÂM” (Tựa của Lý Tử Tấn). Như vậy, từ khi khởi thảo của Phan Phu Tiên, bổ sung của Chu Xa hay qua phê điểm của Lý Tử Tấn hay trong Sắc vua ban cho phép được khắc in trong phức thể danh xưng VIỆT ÂM THI TẬP lúc nào cũng có 2 chữ “VIỆT ÂM”. Hơn nữa, Lý Tử Tấn còn dùng hai chữ “VIỆT ÂM” làm tên cho cả thi tập này. Với người hiện đại, “Việt âm thi tập” dễ được hiểu là “Tập thơ ca tiếng Việt” nhưng thực chất đây lại là thi tập chữ Hán, Hán văn. Tại sao thi tập Hán văn lại được đặt tên là “Việt âm” ? Điều này đã làm cho bất kì ai khi giới thiệu về nó cũng phải chú giải thêm. Chẳng hạn, nhà thư mục học Hán Nôm Trần Văn Giáp đã viết “Tên sách Việt âm thi tập trong trường hợp này có nghĩa là “Tập thơ tiếng nói của người Việt” (viết bằng chữ Hán). Đáng chú ý là trong Thư viện KHXH lúc trước có một bộ sách khác cũng mang tên Việt âm thi tập, với ý nghĩa là “Tập thơ bằng tiếng Việt” (viết bằng chữ Nôm). (Trần Văn Giáp trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tr.29). Hai chữ VIỆT ÂM đã được làm định ngữ cho danh xưng “Việt âm thi tập” cho dù đó tuyển tập thơ chữ Hán. Điều này chỉ có thể hiểu được khi đặt nó trong cảnh huống xã hội-ngôn ngữ Việt Nam các thế kỉ của thời trung đại, từ góc nhìn của ngữ văn học chữ Hán Việt Nam trung đại. Theo góc nhìn đó, Việt âm thi tập mang trong mình những ý nghĩa và giá trị từ hai phương diện. Một là, từ phương diện “cái biểu đạt (chữ Hán, văn ngôn chữ Hán, âm đọc chữ Hán). Hai là, từ phương diện “cái được biểu đạt” (những vấn đề thuộc phạm trù nội dung có liên hệ với bản quốc, phong hóa của bản quốc). Bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến hai chữ “Việt âm” về phương diện “cái biểu đạt” từ góc nhìn của ngữ văn học chữ Hán Việt Nam trung đại mà thôi.

2. Thời trung đại, thường sử dụng ngôn ngữ chữ viết chung cho cả một vùng. Ở phương Tây là tiếng và chữ La tinh. Ở phương Đông là văn ngôn và chữ Hán. Do vậy, người Việt trong quốc gia Đại Việt đã dùng văn ngôn chữ Hán như là một hệ thống ngôn ngữ văn tự phục vụ cho các yêu cầu và mục đích xây dựng quốc gia độc lập của mình nên đã làm cho hệ thống ngôn ngữ văn tự dùng chung cho cả khu vực ấy mang sắc thái, bộ mặt Việt Nam cả ở phương diện “cái biểu đạt” và “cái được biểu đạt”. Trên phương diện “cái biểu đạt”, VIỆT ÂM mang trong mình những nội dung nhằm trỏ cái hệ thống ngôn ngữ được cố định bằng chữ Hán đó đã được Việt hóa ở những mức độ và bình diện có thể. Hệ thống ngôn ngữ này bao gồm các bình diện như: ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp. Riêng về phương diện ngữ âm, hệ thống ngôn ngữ Hán này đã được Việt hóa, đọc theo âm Hán Việt, trở thành cái gọi là “cách đọc chữ Hán của người Việt”. Do vậy, VIỆT ÂM đã được dùng làm phần xác định (định ngữ) cho danh xưng VIỆT ÂM THI TẬP, một thi tập thu tuyển thơ ca chữ Hán của người Việt.

Trong nhiều thế kỉ của thời trung đại ở Việt Nam, chữ Hán, Hán văn tuy có nguồn gốc là nước ngoài nhưng trong nhận thức nói chung của quốc gia, “Hán văn là quốc văn”, “Khổng học là quốc học”. Có được điều đó, ngoài sự quyết định mang tính lịch sử của nhân tố thời trung đại lại còn có sự góp sức của chữ Hán nữa.

Chữ Hán là loại văn tự cho phép có nhiều cách đọc. Nếu ở Trung Quốc thời trung đại, chữ Hán được dùng như là phương tiện siêu phương ngữ đảm bảo cho sự thống nhất thông tin và thống nhất văn hoá ở dạng viết, thì việc dùng chữ Hán ở ngoài Trung Quốc là một trong những nhân tố tạo nên sự tương đồng văn hóa khu vực. Song, ở ngoài Trung Quốc, mỗi nước lại sử dụng chữ Hán theo cách riêng của mình, tạo nên sự dị biệt bên cạnh sự tương đồng ấy. Tương đồng và dị biệt, chung nhưng vẫn riêng là hai mặt của một quá trình đồng văn Đông Á trung đại trên cơ sở sử dụng ngôn ngữ văn tự Hán.

Tương đồng và dị biệt của việc sử dụng ngôn ngữ văn tự Hán thể hiện cả ở phương diện “các biểu đạt” và “cái được biểu đạt”, cả ở mức độ tổng thể cũng như cụ thể. “Các biểu đạt” ở đây ngoài chữ Hán ra còn là hệ thống ngôn ngữ viết tiếng Hán. Hệ thống ngôn ngữ viết tiếng Hán thường được gọi là “văn ngôn”. Văn ngôn là ngôn ngữ viết tiếng Hán mô phỏng theo ngôn ngữ các văn bản cổ thuộc hàng “kinh điển”, gồm các trước tác của Nho gia cũng như của các trào lưu tư tưởng và học thuật khác thuộc phạm trù “bách gia chư tử”. Các văn bản cổ này của tiếng Hán về cơ bản đều dựa trên khẩu ngữ tiếng Hán thời Chu Tần. Do nhiều nguyên nhân của lịch sử, trong khoảng thời gian hơn hai ngàn năm (từ thời Tần (221 TCN) đến những năm đầu của thế kỷ XX, người Trung Quốc chủ yếu viết theo văn ngôn ở các lĩnh vực như: nghi thức hành chính, giáo dục, học thuật, sáng tác văn học… Cái “ngôn ngữ sách vở”, “ngôn ngữ văn vẻ” ấy được mã hóa theo các dạng thức văn pháp trong các kinh điển cổ. Việc viết văn bản mới được diễn ra theo cách “điền từ” vào các khung mẫu ngôn ngữ có sẵn từ các kinh điển cổ. Do được mã hoá như thế, văn ngôn có khả năng vượt lên mọi rào cản ngôn ngữ nói không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở ngoài Trung Quốc để trở thành công cụ giao tiếp siêu ngôn ngữ. Văn ngôn trở thành công cụ giao tiếp chung ở dạng viết cho cả một vùng Đông Á. Hiện tượng “bút đàm” thường diễn ra giữa những người Đông Á trong quá khứ dựa trên cơ sở ngôn ngữ học như thế của văn ngôn.

Còn về văn tự, mỗi chữ Hán mang trong mình ba mặt: hình thể - âm đọc - ý nghĩa. Hình thể và ý nghĩa của chữ Hán được dùng chung và thống nhất cho mọi nơi, mọi lúc, cho nên sự tương đồng là chủ yếu, là bắt buộc. Sự khác biệt thể hiện rõ nhất ở phương diện âm đọc. Có vài loại cách đọc chữ Hán ở Trung Quốc ở các thế kỉ thời trung đại như: cách đọc theo vận thư, cách đọc theo phương ngữ, cách đọc theo lịch đại, cách đọc theo thời điểm…

Còn ở ngoài Trung Quốc có cách đọc chữ Hán ở Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam. Với Triều Tiên đó là Hán Triều (Hán - Hàn). Với Nhật Bản là Hán Nhật. Các nước ngoài Trung Quốc đều tiếp thu một lối đọc chữ Hán nào đó của chữ Hán, sau đó lối đọc này lại chịu ảnh hưởng của tập quán phát âm của người đi mượn và hình thành nên biến thể âm đọc chữ Hán riêng của mình. Giờ đây cách đọc chữ Hán như thế ở Việt Nam gọi là “cách đọc Hán Việt”. Còn ở thế kỷ XV nó được gọi là VIỆT ÂM.

3. Việt âm cho chữ Hán tức là cách đọc chữ Hán của người Việt, thực chất là cách đọc Hán Việt. Chữ Hán và tiếng Hán, văn ngôn Hán được du nhập vào nước Việt hơn 10 thế kỉ của thời Bắc thuộc (thế kỉ II TCN - thế kỉ X). Trong thời Bắc thuộc ấy, về cơ bản âm đọc chữ Hán ở đất Việt phương Nam cũng theo tình hình âm đọc chữ Hán ở phương Bắc. Suốt hơn một ngàn năm Bắc thuộc, người Việt đã bao phen nổi dậy chống ách đô hộ phương Bắc (Hai Bà Trưng, Triệu Thị Trinh, Lý Bí, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng…) nhưng vẫn chưa giành được quyền tự chủ hoàn toàn và vững bền. Nắm bắt được thời cơ chín muồi vào giai đoạn Ngũ đại Thập quốc (đầu thế kỉ X), họ Khúc, họ Dương đã nổi dậy giành quyền tự chủ. Ngô Vương Quyền sau đó đã đánh bại quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng (938). Chiến thắng này mở ra thời đại độc lập tự chủ hoàn toàn và vững bền của nước Việt. Các triều đại sau (Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần…) nối tiếp xây dựng và củng cố nền độc lập tự chủ. Trong các điều kiện và hoàn cảnh của thời trung đại, các triều đại đó vẫn dùng chữ Hán, Hán văn làm hệ thống ngôn ngữ chữ viết cho nước Việt theo các cách thức và yêu cầu của mình. Nếu ở thời Bắc thuộc, người Việt đọc chữ Hán giống như người Hán vì họ học trong các trường người Hán mở ở Giao Châu hay họ sang Trung Quốc, đến tận kinh đô Tràng An du học, thì giờ đây, họ tự dạy cho nhau ở tại đất Việt. Lối đọc chữ Hán ở Việt Nam vì thế không còn trực tiếp theo cách đọc chữ Hán của người Trung Quốc nữa. Một biến thể Việt Nam của cách đọc chữ Hán đã hình thành. Đó là cách đọc Hán Việt. Cách đọc Hán Việt thường được xác định là cách đọc chữ Hán của người Việt Nam để đọc toàn bộ kho tàng chữ Hán. Cách đọc này bắt nguồn từ lối đọc chữ Hán được dạy trong các trường ở Giao Châu những thế kỉ cuối cùng thời Bắc thuộc (thế kỉ VIII-IX) và sau đó đã có những thay đổi cho phù hợp với tập quán phát âm của người Việt.

Xu hướng cho sự phù hợp với tập quán phát âm của người Việt để hình thành cách đọc này là sự lẫn lộn lúc đầu, nhập một lúc sau ở hệ thống phụ âm đầu. Lúc đầu thì lẫn lộn một cách lẻ tẻ ở những phụ âm đầu lưỡi, khó phát âm đối với người Việt. Lẫn lộn ở các thanh mẫu chương, trang, tri; định-thấu; thuyền-xương; trừng-triệt; tùng-sơtâm, thư, sinhtịnh, thanh, xương, sơ; triệt-thanhtriệt-tri. Sau đó, có hiện tượng nhập một ở hệ thống phụ âm hữu thanh và vô thanh; tắc xát với phụ âm xát; tắc xát với phụ âm tắc.

Có hiện tượng rụng ở giới âm. Do sự chênh lệch (Hán có -j-; -i-; -w-, -u-; Việt chỉ có -w-) nên có hiện tượng -j- hoặc hòa vào phụ âm, hoặc nhập vào -i-; -i- rồi -i- cũng bị loại trừ.

Tiếng Hán cuối đời Đường có hệ thống âm cuối giống như hệ thống âm cuối thuần Việt, có hệ thống nguyên âm đơn giản dễ lọt vào hệ thống nguyên âm tiếng Việt, cho nên ở hệ thống vần bộ tình hình đơn giản hơn. Hầu như toàn bộ hệ thống vần bộ của tiếng Hán xuất phát điểm cho cách đọc Hán Việt đã được lưu lại ở hệ thống vần bộ Hán Việt.

Hệ thống 4 thanh điệu tiếng Hán (bình, thượng, khứ, nhập) chuyển thành hệ thống 6 thanh trong Hán Việt. (ngang, huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng). (1, tr.320-332).

Kết quả của sự biến đổi cách đọc chữ Hán ấy là sự hình thành Việt âm mà ta giờ đây gọi là âm Hán Việt. Việt âm chính là âm đọc chữ Hán của người Việt nếu xét về bình diện ngữ âm.

Tiến trình hình thành âm đọc chữ Hán của người Việt - Việt âm đã diễn ra trong một khoảng thời gian khá dài. Độc lập tự chủ của nhà nước Đại Việt là nhân tố chủ chốt cho sự hình thành của Việt âm. Các nhà nghiên cứu thường cho rằng, quãng thời gian từ thế kỉ X đến thế kỉ XII là quãng thời gian Việt hóa; quãng thời gian từ thế kỉ XII trở về sau, âm Hán Việt diễn biến theo lịch sử ngữ âm tiếng Việt (Nguyễn Tài Cẩn, Sđd, tr.320-332).

Ở khoảng thế kỉ X có chuyện xướng họa thơ văn bằng khẩu ngữ giữa người Nam kẻ Bắc như Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi. Khi Lý Giác sứ giả nhà Tống sang nước ta, vua Lê Đại Hành đã sai pháp sư Thuận giả làm người coi sông ra đón. Pháp sư Thuận và sứ giả Lý Giác xướng họa thơ văn bằng khẩu ngữ (Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, tập I, Nxb. KHXH, H. 1989, tr.224). Còn sau đó khoảng 2 thế kỉ, khi Nguyễn Trung Ngạn (1289-1300) trong chuyến đi sứ nhà Nguyên (1314-1315) thì không còn có thể xướng họa với văn nhân Trung Quốc bằng khẩu ngữ nữa. Các thơ sau đây của ông có thể là minh chứng cho sự khác biệt đó:

共欲啣盃終日語 , 却愁南北不同音” (阮中彥和仁傑韻 )

Cộng dục hàm bôi chung nhật ngữ

Khước sầu Nam Bắc bất đồng âm.

Những muốn nâng ly trò chuyện mãi

Lại buồn nam bắc chẳng cùng âm”.

(2, tr.221)

“Nam Bắc bất đồng âm” tức là hai bên không hiểu nhau qua khẩu ngữ nữa. Không thể xướng họa thơ văn bằng khẩu ngữ nữa, “bút đàm” trở thành phương thức trao đổi tình cảm đôi bên. Việt âm đã hoàn toàn khác âm đương thời của người Trung Quốc. Cùng với Việt âm, chữ Hán, Hán văn đã thành chữ Hán, Hán văn của người Việt. Hán văn với lối đọc Việt âm dần trở thành như là quốc văn của người Việt trong cảnh huống xã hội-ngôn ngữ Đại Việt các thế kỉ trung đại.

4. Với Việt âm, Hán văn trở thành công cụ cần yếu cho người Việt xây dựng nền học vấn Đại Việt, trong đó trước tiên phải kể đến thi học. Nền thi học Đại Việt qua các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê sơ như là những viên đá lát đường cho một nền thi học của quốc gia Đại Việt độc lập tự chủ. Những giai phẩm của nền thi học đó với lối đọc Việt âm đã được thu nhận vào bộ thi tuyển đầu tiên của quốc gia Đại Việt vào nửa đầu của thế kỉ XV sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống xâm lược nhà Minh. Về sau này, trong suốt tiến trình hành chức của ngữ văn chữ Hán ở các thế kỉ trung đại, các nhà ngữ văn Việt Nam truyền thống luôn đề cao văn thể Lý - Trần, một nền văn thể Hán văn được Việt hóa về nhiều phương diện, trong đó trước hết và dễ nhận ra nhất là Việt hóa về âm đọc, được đọc theo Việt âm. Văn thời Lý như văn thời Hán, hùng tú tự nhiên. Thơ thời Trần tinh vi trong trẻo có thể vốc lên được. “Ta thường xét văn hiến nước ta, văn đời Lý thì già dặn súc tích, phảng phất như văn thời Hán…”. “Nước ta, thơ đời Trần tinh vi trong trẻo, đều có sở trường tột bực, cũng như thơ đời Hán, đời Đường bên Trung Hoa” (Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút, bản dịch. Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1989, tr.136, 143, 144). Quả là, lối đọc chữ Hán của người Việt với cách gọi “Việt âm” thật là một kỳ tích của văn hiến Đại Việt.

Chữ Hán, Hán văn với Việt âm đã trở thành một hệ thống ngôn ngữ văn tự viết trí tính, văn hoá cao, mang tính chất và tầm vóc quốc gia cho nhà nước Đại Việt độc lập tự chủ. Điều này cực kì quan trọng ở buổi “lập quốc” ấy. Hãy đọc lại một đoạn điệp văn của nhà Tống gửi cho Lê Hoàn vào tháng Tám năm Canh Thìn niên hiệu Thiên Phúc (980) trước khi chúng đưa quân vào xâm lăng Đại Việt để thấy cái nhìn ngạo mạn của phong kiến phương Bắc. “Trung Hoa đối với Man Di cũng như thân người có tứ chi, vận động duỗi co tùy ở tim mình, cho nên nói tim là chủ. Nếu ở một tay, một chân mà mạch máu ngưng đọng, gân cốt không yên thì phải dùng thuốc thang mà chữa. Chữa mà không công hiệu thì phải châm cứu cho kỳ khỏi, không phải là không biết thuốc thang thì đắng miệng mà châm chích thì rách da. Phải làm như thế là vì tổn hại ít mà ích lợi nhiều. Kẻ làm vua thiên hạ cũng phải làm như vậy chăng? Cho nên Thái Tổ Hoàng Đế ta, nhận ngôi do nhà Chu nhường, đổi tên nước ấy là Tống, văn vật trong sáng, một phen biến đổi theo xưa, ở ngôi đế vương mà nhìn dân Man Di mắc bệnh. Cho nên, năm thứ nhất, thứ hai thì thuốc thang cho các đất Kinh, Thục, Tương. Đầu năm thứ ba, thứ tư thì châm cứu cho các miền Quảng, Việt, Ngô, Sở… Chỉ có Giao Châu của ngươi ở xa cuối trời, thực ngoài năm cõi. Nhưng phần thừa của tứ chi, ví như ngón tay, ngón chân của thân ngươi, tuy chỉ có một ngón bị đau, bậc thánh nhân lại không nghĩ đến hay sao?”

Đoạn cuối của điệp văn đã đề ra không biết bao nhiêu là tối hậu thư cho vua tôi nhà Tiền Lê cũng như cho nước Việt nói chung “…Lễ phân phong đã sắp đặt sẵn, còn đợi ngươi đến chúc sức khỏe ta… Dân của ngươi bay nhảy (ý nói người hoang dã), còn ta thì có ngựa xe; dân ngươi uống mũi (nay người man ở miền rừng núi Giao Quảng vẫn còn tục ấy) còn ta thì có cơm rượu để thay phong tục của nước ngươi, dân ngươi búi tóc còn ta thì có áo mũ, dân ngươi nói tiếng chim, còn ta thì có Thi, Thư để dạy lễ cho dân ngươi. Cõi nóng chói chang, khói hơi mù mịt, ta toả mây Nghiêu, tưới cho mưa ngọt. Khí biển hầm hập, cháy mây chảy đá, ta gảy đàn Thuấn, quạt làn gió thơm. Sao trên trời nước ngươi, chẳng ai biết tên gì, ta quay chòm Tử Vi để ngươi biết chầu về. Đất ngươi nhiều ma quỷ, ai cũng sợ chúng quấy, ta đã đúc vạc lớn (để yểm trừ), khiến chúng không làm hại. Ra khỏi chốn đảo di của ngươi mà xem nhà Minh Đường, Bích Ung chăng? Trút quần áo cỏ lá của ngươi mà mặc áo cồn hoa thêu hình rồng núi chăng? Ngươi có theo về hay không…” (Ngô Sỹ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư,bản dịch, Nxb. KHXH, H, 1993, tập I, tr.218-219).

Trong hoàn cảnh như thế, đánh bại các cuộc xâm lăng của phong kiến mới chỉ là võ công. Còn phải có văn trị nữa. Do vậy, với Việt âm, người Việt có thể bàn viết về những vấn đề của Thi, Thư, Lễ, Nhạc, điển chương chế độ mà phong kiến Trung Hoa thường coi như lãnh địa riêng của mình như điệp văn ngạo mạn trên đây đã dẫn. Với Việt âm, người Việt có thể bàn về đạo lí cương thường, giáo lí thánh hiền, tự mình xây dựng văn hiến và trở thành nước có văn hiến mà một trong những minh trưng cho văn hiến Đại Việt là thành tựu của nền thi học Đại Việt. Sưu tập thi học Đại Việt là một trong những việc của công tác chỉnh lí và minh trưng văn hiến Đại Việt. Việt âm thi tập được biên tập mở đầu cho công cuộc chỉnh lí và minh trưng văn hiến Đại Việt đó. Về sau, công việc này được các nhà ngữ văn truyền thống tiến hành thường xuyên. Dưới đây là một số hợp tuyển thơ văn tiêu biểu cho truyền thống thi học Việt Nam theo tinh thần của Việt âm:

1.越音詩集Việt âm thi tập, 6 quyển, Phan Phu Tiên biên tập (1433), Chu Xa tiếp tục (1446), Lý Tử Tấn phê điểm, viết tựa, khắc in năm 1459. Sưu tập thơ của 119 nhà gồm vua, quan, danh nho, cao tăng với 624 bài từ thời Trần đến Lê sơ.

2. 古今諸家精選Cổ kim chư gia tinh tuyển. Dương Đức Nhan biên thứ, Lương Như Hộc giám định, sưu tập thơ của 13 thi gia đời Trần kể từ Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trung Ngạn trở xuống, gồm 472 bài.

3.群賢賦集Quần hiền phú tập, Hoàng Tụy Phu biên tuyển.

4. 摘艷詩集 Trích diễm thi tập, 14 quyển, Hoàng Đức Lương soạn tập, tuyển chọn thơ của các nhà thơ có tiếng đời Trần và đầu đời Lê, tựa của Hoàng Đức Lương, ghi năm Hồng Đức thứ 28 (1497).

5. 全越詩錄, Toàn Việt thi lục, 20 quyển, Lê Quý Đôn vâng chỉ biên tập, chép thơ từ đời Lý đến đời Hồng Đức triều Lê, gồm gần 200 thi gia.

6. 皇越文海, Hoàng Việt văn hải, 10 quyển, Lê Quý Đôn vâng chỉ biên tập, thu lượm các bài từ thời Lý đến đời Hồng Đức triều Lê.

7. 歷朝詩鈔 Lịch triều thi sao, Bùi Huy Bích tuyển lục, xếp theo thể thứ, chia làm 6 quyển, chép thơ của các nhà từ Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng.

8. 皇越詩選Hoàng Việt thi tuyển, 6 quyển, Bùi Huy Bích biên tập, thu thập thơ của các triều Lý, Trần, Lê gồm 167 nhà, 562 bài, sách in.

9. 皇越文選Hoàng Việt văn tuyển, 8 quyển, Bùi Huy Bích biên soạn, sách in, thu thập 111 bài văn.

10. 明都詩彙Minh đô thi vựng, Bùi Nhữ Tích biên tập, Bùi Ngạn Cơ hiệu đính, biên soạn vào đầu thế kỉ XIX, thu nhận thơ của các nhà từ thời Trần đến Lê, Tây Sơn.

11. 名詩合選 Danh thi hợp tuyển, 12 quyển, Trần Công Hiến biên tập, Hải Học đường, Gia Long năm thứ 13 (1814).

12. 越詩續編Việt thi tục biên, 3 quyển, Nguyễn Thu (1799-1855) biên soạn, chép tiếp thơ của các nhà từ Mạc đến Hậu Lê, gồm 58 nhà, 583 bài.

13. 國朝詩錄, Quốc triều thi lục, 6 quyển, Trần Văn Cận biên soạn, chép hơn 1700 bài của hơn 100 tác gia (trừ các vua) từ đời Gia Long (1802) đến Bảo Đại (1929), phần nhiều là những bài chưa tuyển vào Hoàng Việt thi tuyển.

(Nguồn: Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập II, Nxb. KHXH, H. 1990, tr.26-56).

Có thể gộp các bộ hợp tuyển thi văn trên đây vào một số nhóm sau:

- Nhóm có tính chất nhà nước, được phụng chỉ soạn, được sắc tứ san hành như: 越音詩集Việt âm thi tập全越詩錄, Toàn Việt thi lục皇越文海, Hoàng Việt văn hải;

- Nhóm có tính chất toàn quốc, lịch triều như: 歷朝詩鈔Lịch triều thi sao皇越詩選Hoàng Việt thi tuyển皇越文選Hoàng Việt văn tuyển; 明都詩彙 Minh đô thi vựng名詩合選 Danh thi hợp tuyển;越詩續編Việt thi tục biên;國朝詩錄 Quốc triều thi lục.

Hai nhóm trên có thể được ghép lại thành một nhóm chung hơn thành nhóm các bộ thi văn hợp tuyển quốc gia.

Nhóm có tính chất thi tuyển theo luật thơ, phép làm thơ, tinh tuyển nghiêng về thi luật văn như: 古今諸家精選Cổ kim chư gia tinh tuyển摘艷詩集 Trích diễm thi tập

Các hợp tuyển thi văn trên đều hướng đến hợp tuyển quốc gia. Ở đây chúng ta thấy mối quan hệ giữa quốc gia đất nước với triều đại cụ thể (quốc triều). Đành rằng, các nhà biên tập luôn dành cho triều đại mình đang phục vụ những dòng viết đầy ca ngợi với tổng xưng là “quốc triều”, còn các triều đại trước thì được liệt kê bằng tên của chính từng triều đại nhưng dù có thế đi chăng nữa, tinh thần quốc gia đất nước vẫn là tinh thần trùm phủ, bao quát. Ta có thể dẫn ra ở đây một loạt danh xưng của các bộ hợp tuyển như thế: Việt âm thi tập, Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt thi tuyển, Hoàng Việt văn tuyển…mà Việt âm thi tập là sự khởi đầu.

5. Như vậy, là sản phẩm Việt Nam của việc sử dụng ngôn ngữ văn tự Hán, công cụ viết giao tiếp cho cả khu vực Đông Á vào các thế kỉ của thời trung đại, chữ Hán, Hán văn đã được Việt hóa để được gọi là Việt âm trên phương diện “cái biểu đạt” cũng như “cái được biểu đạt”. Điều này đã cắt nghĩa vì sao bộ thi tuyển đầu tiên của quốc gia Đại Việt được đặt tên là “Việt âm thi tập”. Ở phương diện “cái biểu đạt”, tức là ở phương diện ngôn ngữ văn tự Hán từ góc nhìn của ngữ văn học chữ Hán Việt Nam trung đại, ta thấy Việt âm mang trong mình những ý nghĩa chủ yếu dưới đây:

Việt âm là cách gọi để chỉ hệ thống ngôn ngữ văn tự Hán đã được Việt hoá về nhiều phương diện cho sự nghiệp xây dựng nền văn hiến Đại Việt, trong đó dễ nhận ra nhất là ở phương diện âm đọc, Âm đọc chữ Hán mà người Việt đọc theo cách Việt hóa của mình đã được gọi bằng cách gọi Việt âm.

Việt âm trong các thế kỉ trung đại là quốc văn của người Việt cho dù ngôn ngữ viết của nó vẫn là văn ngôn chữ Hán. Do đó, Việt âm trở thành và mang tinh thần bản quốc, một bản quốc đang lên, đang ở buổi “tân cường” như Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã nói trong lời dặn với vua Trần.

Việt âm mang tinh thần Việt, cốt cách Việt, khác biệt Việt nếu so nó với những gì thuộc về phạm trù Hán văn nói chung.

Việt âm thể hiện cách tiếp cận Việt trong mối liên hệ và đối lập Nam-Bắc. Chữ Hán, Hán văn vốn là sản phẩm do nguồn gốc từ Trung Quốc và nhiều lúc là công cụ cho sự nô dịch của phong kiến phương Bắc, nhưng khi được người Việt sử dụng, các công cụ có tính chất ngoại lai ấy đã trở thành cái để phân biệt người Nam và người Bắc. Đối lập Nam-Bắc là nhận thức chủ đạo cho mọi sự biên tập của Phan Phu Tiên, và Chu Xa, hai đồng biên tập của Việt âm thi tập. Tạo nên đối lập Nam-Bắc của quá trình dùng chữ Hán, Hán văn với Việt âm chính là một trong những nhân tố đảm bảo cho nền độc lập của nước Đại Việt. Có rất nhiều ý nghĩa của định ngữ “Việt âm” trong phức thể danh xưng “Việt âm thi tập” mà người hiện đại chúng ta có thể nói về nó. Tựu trung lại, từ góc nhìn của ngữ văn học chữ Hán Việt Nam trung đại, Việt âm, chính là cách dùng hệ thống ngôn ngữ văn tự chữ Hán ở quốc gia Đại Việt thời phong kiến tự chủ trong các mối liên hệ vừa tương ứng vừa đối lập với hệ thống ngôn ngữ văn tự Hán nói chung. Việt âm là quốc văn của quốc gia Đại Việt độc lập tự chủ, là giá trị Đại Việt trong thực tế sử dụng ngôn ngữ văn tự Hán ở Việt Nam thời phong kiến độc lập tự chủ, khởi đầu từ thế kỉ thứ X và liên tục trong các thế kỉ dưới các triều Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần - Hồ và Lê sơ cũng như cả sau này nữa. Việt âm đã góp phần tích cực của mình cho một nước Đại Việt có văn hiến.

Sau buổi thắng cường Minh bạo tàn, cần phải sưu tập và minh trưng văn hiến đó, trong đó có phương diện thi học. Các nhà biên tập và chỉnh lý thi học Đại Việt thế kỉ XV như Phan Phu Tiên, Chu Xa đã dùng cách gọi “Việt âm” để xác định tên cho sưu tập thơ ca Đại Việt của mình.

Sự xác lập cách gọi “Việt âm” trong thời điểm đó mang trong mình nghĩa kép. Một mặt, nó khẳng định giá trị và tinh thần Đại Việt đã đạt được trong việc sử dụng ngôn ngữ văn tự Hán từ buổi độc lập cách đó suốt mấy thế kỉ. Giá trị và tinh thần đó sẽ là nền tảng cho tinh thần học vấn Đại Việt các thế kỉ về sau. Mặt khác, đó cũng là một hành động nhằm phủ định những tư tưởng học thuật nô dịch mà giặc Minh cuồng bạo đã gieo rắc trên đất nước ta trong thời gian chúng chiếm đóng. Trở về với Việt âm là trở về với các giá trị Đại Việt của thời lập quốc sau một ngàn năm Bắc thuộc.

Theo nghĩa đó, Việt âm nói riêng và thi ca được sưu tập trong Việt âm thi tập nói chung thực sự là một trong những giá trị cổ điển Đại Việt, giá trị cổ điển Việt Nam, góp phần minh trưng cho văn hiến Đại Việt cũng như minh trưng cho một nước Đại Việt có văn hiến.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Nguyễn Tài Cẩn, Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H. 2000.

2. Nguyễn Tài Cẩn: Ảnh hưởng Hán văn Lý - Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn, Nxb. Giáo dục, H. 1998.

3. Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập II, Nxb. KHXH, H. 1990.

4. Phạm Đình Hổ: Vũ trung tùy bút, bản dịch. Nhà xuất bản Tp. Hồ Chí Minh, 1989.

5. Ngô Sỹ Liên: Đại Việt sử kí toàn thư, bản dịch, tập I, Nxb. KHXH, H. 1993.

6. 越音詩集Việt âm thi tập, kí hiệu A.1925, Viện Nghiên cứu Hán Nôm./.

Phạm Văn Khoái

PGS.TS. Trường Đại học KHXH và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 5 (120); tr. 26-35, 2013