Giá trị văn học Hán Nôm trong kiệt tác thế giới Hộ sanh đàn

In bài này

Dao Tan

Ảnh: Tác giả Đào Tấn

Qua những ghi chép của tiền nhân còn lưu lại trong các bộ sử sách, văn bia, thư tịch cổ cho thấy rằng: ở Việt Nam đã xuất hiện nghệ thuật ca nhạc từ rất sớm. Đến thế kỷ X, dưới triều đại phong kiến nhà Đinh, nghệ thuật ca múa nhạc, diễn trò phát triển khá phổ biến và đến triều đại Lý, Trần có nhiều tiến bộ về nội dung nghệ thuật cùng quy cách biểu diễn. Đại Việt sử ký còn ghi: "Con cái các nhà thế gia tập hát điệu phương Bắc. Lý Nguyên Cát dùng tuồng cổ, có tích Tây Vương Mẫu hiến bàn đào, người ra trò có danh hiệu là Quan nhân, Chu tử, Đán nương, Sửu nô cộng mười hai người đều mặc áo gấm thê, đánh trống, thổi sáo, gảy đàn, vỗ tay, gõ phách thay đổi nhau vào ra làm trò để cảm động lòng người, muốn cho buồn được buồn, muốn cho vui được vui... Nước ta có tuồng truyện bắt đầu từ đó". Như vậy, trên cơ sở nền nghệ thuật ca múa nhạc và diễn trò phát triển, nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam (tuồng, chèo) đã manh nha hình thành từ thời Trần và phát triển mạnh mẽ ở thế kỷ XVIII - XIX. Đặc biệt các ông vua triều Nguyễn rất mê tuồng, thậm chí còn tham gia viết tuồng và tổ chức hát tuồng thường xuyên trong cung đình như vua Tự Đức, vua Minh Mạng. Có nhiều vở tuồng được viết rất công phu, đồ sộ, phải biểu diễn hàng trăm đêm như vở Quần Phương hiến thụy lấy tên các loài hoa làm nhân vật, vở Vạn bửu trình tường lấy tên các vị thuốc làm tên nhân vật. Nổi bật nhất trong thời kỳ này là nhà soạn tuồng lỗi lạc Đào Tấn (1845-1907). Ông quê ở Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Làm quan tới Thượng thư, Tổng đốc, sung Khu mật viện đại thần nhưng ông vẫn dành thời gian soạn nhiều vở tuồng có giá trị kinh điển. Không những thế, ông còn lập ra Học Bộ Đình, đào tạo nên rất nhiều học trò như Đội Hiệp, Bát Phàn, Cửu Khi... trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng trong làng hát Bội. Vì vậy ông được thế hệ đời sau suy tôn là hậu tổ nghề tuồng. Trong nhiều tác phẩm xuất sắc của ông thì vở tuồng Hộ Sanh Đàn với tư tưởng chủ đề thấm đẫm chất nhân văn, bố cục chặt chẽ cùng văn chương trác tuyệt qua những nhân vật tiêu biểu như Tiết Cương, Lan Anh, Hồ Nô, Tiết Bất Nghĩa... đã được bình chọn vào tủ sách “Một trăm kiệt tác thế giới”.

Từ quan điểm nghệ thuật:

Thiên bất dự nhàn, thả hướng mang trung tầm tiểu hạ

Sự đô như hí, hà tu giả xứ tiếu phi chân

Có nghĩa:

Trời chẳng cho nhàn, vào chốn bận này tìm chút rảnh

Sự đời như kịch, há rằng trong giả lại không chân.

Đào Tấn đã mạnh dạn đưa một "ca đỡ đẻ" lên sân khấu tuồng vốn rực rỡ vàng son, đầy tôn nghiêm với cân đai áo mão. Cái tên Hộ Sanh Đàn (dàn Đỡ Đẻ) nghe thật lạ tai vì trước và sau Đào Tấn chưa có ai táo bạo dám nói đến vấn đề này và chuyện chửa đẻ được phơi bày trực tiếp trên sân khấu hết sức đẹp đẽ, quyến rũ lòng người.

Hộ Sanh Đàn được Đào Tấn viết vào những năm 1898 -1902. Dựa vào cốt chuyện thời Đường, Võ Tắc Thiên điên cuồng truy nã, sát hại con cháu dòng tộc các công thần mà tiêu biểu ở đây là vợ chồng Tiết Cương, Lan Anh. Trên đường chạy giặc, vợ chồng họ lạc nhau. Lan Anh bụng mang dạ chửa phải sinh nở giữa đường. Tiết Cương ghé vào nhà Tiết Nghĩa, bị phản bội bắt nạp cho triều đình. Cuối cùng, Lan Anh được thần phù hộ nên mẹ tròn con vuông, Tiết Cương được Ngũ Hùng, Tần Hán cứu thoát. Vợ chồng gặp lại nhau đầy nước mắt bi thương và sầu hận nhưng không kém phần mừng vui tin chắc ở tương lai như câu hát kết tuồng thật bi hùng:

“Thế cuộc nan bình duy hữu hận

Tha hương tương khế khởi vô tình

Thiên sơn hảo tác tam hùng hội

Hải vũ tùng kim bát biểu thanh”

Dịch: Cuộc thế khó san bằng nỗi hận

Những người khác xứ kết tình thân

Non cao đón khách anh hùng hội

Biển thẳm hẹn ngày sóng gió yên

Âm điệu bi hùng qua câu hát bằng bản dịch không thể chuyển tải mạnh mẽ bằng bản chính. Vì thế, giá trị văn chương chữ Hán của cụ Đào rất cao, nhiều chỗ có thể sánh ngang với thơ Đường. NSND Nguyễn Thị Hòa Bình (GĐ nhà hát tuồng Đào Tấn) là người thành danh với vai diễn Lan Anh đã từng nói: "Hát theo văn tuồng cũ thích hơn hát theo văn tuồng dịch". Ngay từ lớp tuồng đầu tiên chúng ta có thể so sánh giữa nguyên bản chữ Hán với bản tuồng dịch thì sẽ thấy ngay giá trị văn học Hán Nôm trong kiệt tác này như thế nào.

NGUYÊN TÁC LỚP I :

TIẾT CƯƠNG: Kinh địa từ tế tảo song linh

Triều binh phút công vi vạn đội

Ơn Tần thị phu thê cứu giải

Khiến Tiết gia tính mạng bảo toàn

Chi nữa Chốn Long San bao sá dặm ngàn

Nương điểu tích ngõ toan lần lõi

Hát Nam: Điểu tích ngõ toan lần lõi

Gẫm sự mình nhiều nỗi cay co

Hai vai thắt chặt tang hồ

Biển oan chưa lấp mật thù càng ngon

Tiếng dập dồn phong huyên nhạc hãm

Giục vó lừa chỉ dặm Long san

(Tam Tư ra gặp Tiết Cương, khấu)

TAM TƯ: Đại khiếu tha Tiết thị cường ngoan

Hảo khán ngã Tam Tư truy nã

Thằng thân hạ mã

Thúc thủ lai hàng

Đặng cho ta Ngõ ban sư trở lại nhà vàng

Bằng nghịch mạng ắt lầm trong mũi bạc

TIẾT CƯƠNG: Ngũ trung hoả phát hoả phát

Song nhãn yên khai yên khai

Huy thần phủ sát lai

Nễ tặc đồ hưu tẩu

(khấu, Tiết Cương chạy)

TAM TƯ: Truyền chư tướng hoang mang đoạt lộ

Truy tặc đồ vật khả trì diên

HẠ

BẢN DỊCH LỚP I

(Vũ Ngọc Liễn dịch)

TIẾT CƯƠNG: Kinh địa từ viếng mộ song thân

Triều binh phút bủa vây vạn đội

Ơn Tần thị vợ chồng cứu giải

Khiến Tiết gia tính mạng bảo toàn

Chi nữa Chỉ Long sơn bao sá dặm ngàn

Nương dấu thỏ ngõ toan lần lõi

Hát Nam: Dấu thỏ ngõ toan lần lõi

Nghĩ sự mình nhiều nỗi gay go

Hai vai thắt chặt tang hồ

Biển oan chưa lấp mật thù càng ngon

Tiếng quân reo như gió dồn núi sập

Giục vó lừa chỉ dặm Long sơn

TAM TƯ: Cả tiếng kêu Tiết thị cuồng ngoan

Hỏi có thấy Tam Tư truy nã

Khá trói mình hạ mã

Mau quỳ gối quy hàng

Để cho ta Sớm thu quân trở lại nhà vàng

Bằng nghịch mạng ắt lầm trong mũi bạc

TIẾT CƯƠNG: Lòng như lửa tạt

Mắt tợ khói bừng

Tay ta sẵn búa thần

Lũ giặc đừng hòng thoát

(Đánh nhau, Tiết Cương bỏ chạy )

TAM TƯ: Truyền các tướng mau mau vây bắt

Đuổi giặc thù chớ chớ chậm chân

VÀO - HẾT LỚP I

Đây là lớp tuồng mở đầu của Hộ Sanh Đàn, tuy ngắn nhưng khá nổi tiếng vì kỹ thuật biểu diễn của diễn viên nên còn được gọi là lớp Tiết Cương chống búa. Nhờ lời văn giàu hình ảnh, giàu cảm xúc nên tạo cho các nghệ sĩ đóng vai Tiết Cương dễ dàng thể hiện hình tượng một người anh hùng cô đơn, vì lòng hiếu thảo về viếng mộ cha mẹ trong khi chung quanh là muôn trùng hiểm nguy của kẻ thù vây bắt. Thoạt nhìn thì thấy bản dịch khá sát nghĩa, theo đúng tinh thần của nguyên tác nhưng đi sâu vào thực tế biểu diễn mới vỡ ra là thần bút của cụ Đào vẫn hơn hẳn chúng ta. Nguyên tác cho ta thấy Tiết Cương băng rừng núi bằng một chi tiết Nương điểu tích ngõ toan lần lõi, theo dấu vết chim rừng tìm đường qua gập ghềnh, hiểm trở. Dấu vết của chim có thể là lông chim rơi rụng, có thể là phân chim trên lá cây, người biểu diễn phải cúi xuống, ngẩng lên, vin cây, vạch lá, bước đi không thăng bằng, vẻ mặt căng thẳng âu lo, nghe ngóng quân thù đuổi bắt. Thế mà bản dịch lại cho Tiết Cương hát Nương dấu thỏ ngõ toan lần lõi. Dấu thỏ thì đâu phải là rừng hiểm ác và dấu thỏ thì chỉ có thể ở dưới đất chứ không thể có trên cây nên không tạo được thế diễn phong phú cho người nghệ sĩ. Những chữ song thân (cha mẹ) không hay hơn hai chữ song linh (cha mẹ đã mất), và gió dồn núi sập, lòng như lửa tạt, mắt tợ khói bừng đều không sánh nổi với phong huyên nhạc hãm, ngũ trung hỏa phát, song nhãn yên khai về tiết tấu, nhịp điệu câu văn phù hợp với tâm trạng căm uất của Tiết Cương khi đối chọi với Tam Tư. Rồi những chữ Hạ mã, truy nã vẫn phải để nguyên không dịch được để giữ hợp vận thơ, chứng tỏ rằng không hơn được bản chính. Khảo sát thêm một số câu hát nổi tiếng của nhân vật Lan Anh:

“Nhàn lai phong nguyệt cộng vô biên

Nhất động đào hoa biệt hữu thiên

Vị vấn kỷ sinh tu đắc đáo

La thường tuý trục nhật phiên phiên”.

Dịch: Trăng ngần, gió lộng thú vô biên

Một động đào hoa, một cõi riêng

Dám hỏi phúc này tu mấy kiếp

Ngày ngày xiêm áo đổi bao phen.

Rõ ràng là câu hát như một bài thơ độc lập thể hiện tâm tư tình cảm của của một nữ nhân hào kiệt, tuy ở núi rừng nhưng vẫn vui tươi vì tự do, vì hạnh phúc có gió trăng thanh nhàn làm bầu bạn. Câu hát này phảng phất thơ Đường nhưng đến câu hát của nhân vật Tú Hà (vợ Tiết Nghĩa) thì ta thấy Đào Tấn mượn khá nhiều chữ của các thi nhân Trung hoa nổi tiếng như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Khuất Nguyên, Trần Tử Ngang, Lưu Trường Khanh để tạo nên những câu hát xót xa, đau xé lòng người:

“Trì trì bạch nhật vãng

Níu níu bi phong sinh

Phu tế khinh bạc nhi

Tại thế bất xứng ý

Giang sơn điêu lạc xứ

Tử biệt dĩ thôn thanh

Mảnh gương phút đã tan tành

Xuân vi gió lạnh thu đình trăng trong”

Dịch: Ngày trắng tàn lay lắt

Gió buồn toả hắt hiu

Chồng là tên bạc ác

Ở đời làm sao được

Núi sông lay rụng hết

Thà chết chịu lặng thinh

Mảnh gương phút đã tan tành

Màn xuân gió lạnh thu đình trăng trong.

Chúng ta thấy bản dịch có ưu điểm là đem đến cho người xem đương đại hiểu được nội dung của câu hát nhưng xét về mặt diễn tả trên sân khấu, về nhạc điệu, hình ảnh câu văn thì nguyên tác vẫn hơn hẳn bản dịch. Nếu dịch cho thuận với nhạc điệu câu hát thì phải dịch trại đi như Nương điểu tích dịch là nương dấu thỏ. Còn dịch cho sát nghĩa, đúng từ thì mạch văn, tiết tấu, nhịp điệu câu hát lại không mạnh mẽ, không tạo được thế diễn cho người thể hiện. Vì vậy, ta có thể nói rằng: nguyên tác Hộ Sanh Đàn của cụ Đào cùng với giá trị văn học của chữ Hán đã góp phần không nhỏ để đưa vở diễn này thành kiệt tác thế giới.

Tuy nhiên điều cần nói ở đây là tác phẩm bằng chữ Hán dù có hay đến mấy thì cũng phải được dịch ra quốc ngữ cho người xem hôm nay hiểu được nội dung. Vậy thì vấn đề dịch, hiệu đính, chú giải cũng là một vấn đề hết sức quan trọng, đòi hỏi người làm công tác này phải tinh thông chữ Hán đồng thời phải giỏi cả quốc ngữ. Quả là một đòi hỏi khó khăn cho nghề tuồng. Hy vọng rằng, nhiều vị học giả uyên thâm Hán Nôm sẽ dành nhiều tâm huyết cho nghệ thuật tuồng, bắc được cây cầu để đưa khán giả hôm nay đến được với những tuyệt tác văn chương có ngọn nguồn từ nguyên bản chữ Hán./.

Nguyễn Gia Thiện

Nhà hát Tuồng Đào Tấn

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2008, tr.954-961. Phiên bản trực tuyến.