Ảnh hưởng của ngôn từ ngữ lục Thiền tông Trung Hoa đến ngôn từ ngữ lục Thiền tông Việt Nam thời Lý - Trần

In bài này

20180815 tvLT

Ngữ lục Thiền tông là một trong những kinh điển của Thiền tông, vốn xuất phát từ Trung Hoa và truyền sang nước ta từ thời Đường. Chính vì vậy, Thiền tông Việt Nam không những mô phỏng cơ sở triết học Thiền tông Trung Hoa mà còn chịu sự ảnh hưởng sâu sắc cả về mặt kinh điển, cụ thể là thể tài Ngữ lục Thiền tông.

Bài viết này bước đầu tìm hiểu sự ảnh hưởng của Ngữ lục Thiền tông Trung Hoa (đặc biệt là Ngữ lục Thiền tông thời Tống) đến Ngữ lục Thiền tông Việt Nam thời Lý - Trần về phương diện ngôn ngữ, cụ thể là ở hệ thống ngôn từ.

1. Sử dụng từ ngữ ẩn dụ: sử dụng những từ ngữ ẩn dụ với xu hướng ước lệ tượng trưng cũng là một trong những ảnh hưởng của Ngữ lục Thiền tông Trung Hoa đến Ngữ lục Thiền tông Việt Nam thời Lý - Trần. Đó là trường hợp ẩn dụ được công nhận là cách diễn đạt thích đáng nhất trong những trường hợp nào đó, trở thành mẫu mực, được nhiều người dùng và trở thành ước lệ.

Đó là từ nê ngưu (con trâu đất) để diễn tả chân tâm của đạo Phật. Trong Tổ Đường Tập từ nê ngưu được sử dụng 1 lần, còn trong Cảnh Đức truyền đăng lục, từ này được sử dụng 6 lần:

(1) 我見兩箇泥牛斗入海直至如今無消息- Ngã kiến lưỡng cá nê ngưu đấu nhập hải trực chí như kim vô tiêu tức - Ta thấy hai con trâu đất húc nhau phóng xuống biển, như nay không thấy tăm hơi gì cả (Cảnh Đức truyền đăng lục, Quyển 8, Hòa thượng Đàm Châu Long Sơn)

Tiếp thu từ nê ngưu, Tuệ Trung Thượng sĩ có bài thơ Thủ nê ngưu:

(2)一身獨守一泥牛,騰鼻牽來未肯休。將到曹溪都放下,茫茫水急打圓球。Nhất thân độc thủ nhất nê ngưuĐằng tỵ khiên lai vị khẳng hưu.Tương đáo Tào Khê đô phóng hạMang mang thủy cấp đả viên cầu- Một mình riêng giữ con trâu đất, Xỏ mũi dắt về chưa từng nghỉ. Đem đến Tào Khê để buông xuống, Dòng nước mênh mông cuốn cầu tròn.(Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục - Thi ca - Thủ nê ngưu).

Hình ảnh nê ngưu hống, mộc mã tê để nói về việc thầy dạy trò nhận.

(3) 更欲會他泥牛吼,審細須聽木馬嘶。Cánh dục hội tha nê ngưu hống, Thẩm tế tu thính mộc mã tê - Lại muốn biết ngài trâu đất rống, Cẩn thận nên nghe ngựa gỗ hí (Tổ Đường tập, Quyển 11, Thiền sư Duy Kính).

(4)問: 如何是雪嶺泥牛吼。師曰。天地黑。曰: 如何是雲門木馬嘶。師曰。山河走 - Vấn: Như hà thị Tuyết Lĩnh nê ngưu hống?. Sư viết: Thiên địa hắc. Viết: Như hà thị Tuyết môn mộc mã tê?. Sư viết: Sơn hà tẩu - Hỏi: “Thế nào là trâu đất Tuyết Lĩnh rống?”. Sư đáp: “Trời đất tối đen”. Lại hỏi: “Thế nào là ngựa gỗ Vân Môn hí?”. Sư đáp: “Sông núi đi” (Cảnh Đức truyền đăng lục, Quyển 19, Thiền sư Văn Yển).

Thiền sư Tông Cảnh, một đệ tử của Tuệ Trung Thượng sĩ đã tiếp thu và sử dụng hình ảnh này trong bài kệ tán tụng đạo đức thầy mình. Bài kệ này được giữ lại trong phần Chư môn tán tụng thuộc Thượng sĩ ngữ lục:

(5)昔年贈我泥牛吼,今日還他木馬嘶。Tích niên tặng ngã nê ngưu hống, Kim nhật hoàn tha mộc mã tê- Năm trước tặng ta trâu đất rống, Ngày nay trả Ngài ngựa gỗ hí(Thượng sĩ ngữ lục - Thượng sĩ hành trạng - Chư môn tán tụng).

Thầy truyền đạo là con trâu đất rống, trò thụ đạo là con ngựa gỗ hí; thầy rống thì trò hí, đối đáp rõ ràng. Trâu đất và ngựa gỗ đều là vật vô tri, vô phân biệt, vậy mà đối đáp nhau, như vậy là ngầm ý nói thầy dạy trò nhận với tâm không loạn tưởng, không phân biệt, như tự tại, qua đó trò lĩnh hội được tông chỉ của thầy.

Những từ manh quy, bì miết được Cảnh Đức truyền đăng lục sử dụng 3 lần, theo đó, Thiền uyển tập anh ngữ lục cũng sử dụng một lần để chỉ những người tu hành nhưng chưa ngộ đạo, còn loay hoay vướng mắc ở những khái niệm, cách suy luận thông thường.

Cụm từ ngữ ẩn dụ quen dùng của nhà Phật để chỉ việc người học đạo thỉnh vấn thiền sư, chỉ sự phối hợp thầy truyền trò nhận rất đồng thời tử thối mẫu trác (子啐母啄con kêu mẹ mổ) mà Thiền uyển tập anh sử dụng(trong Ngữ lục về Thiền sư Tín Học) trước đó cũng đã được Thiền sư Đạo Nguyên sử dụng trong Cảnh Đức truyền đăng lục - Quyển 29 (Ngữ lục về Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn). Gà mẹ ấp trứng, khi đủ ngày đủ tháng, trứng gà nở thành gà con, trong trứng gà con liền kêu (thối) chiếp chiếp. Gà mẹ nghe tiếng kêu liền mổ (trác) vỏ trứng cho gà con chui ra. Cũng giống như vậy, học trò theo học, công phu đã lâu, chỉ còn một chút nghi vấn, bèn đem hỏi thầy (thối), thầy nhân đó chỉ điểm (trác) để học nhân bùng vỡ khối nghi vấn đó mà kiến đạo.

Những từ ngữ ẩn dụ như mộc nhân, thạch nhân, thạch nữ, thiết nữ được Ngữ lục Thiền tông sử dụng để chỉ Đạo vận động sinh ra muôn hình muôn vẻ nhưng rất vô tâm. Từ 木人mộc nhân xuất hiện trong Tổ Đường tập 1 lần, trong Cảnh Đức truyền đăng lục 9 lần, trong Thiền uyển tập anh ngữ lục 1 lần, trong Thượng sĩ ngữ lục 2 lần ; 石女thạch nữ xuất hiện trong Cảnh Đức truyền đăng lục 6 lần, trong Thánh đăng ngữ lục 1 lần. 石人thạch nhân xuất hiện trong Tổ Đường tập 1 lầntrong Cảnh Đức truyền đăng lục 11 lần. Từ này không xuất hiện trong Ngữ lục Thiền tông Việt Nam, nhưng thay vào đó là từ 鐵女thiết nữ được Thiền uyển tập anh ngữ lục sử dụng 1 lần trong ngữ lục về Thiền sư Trường Nguyên:

(6) 作舞鐵女打鼓木人。Tác vũ thiết nữ, Đả cổ mộc nhân - Gái sắt đứng múa, Người gỗ đánh trống (Thiền uyển tập anh ngữ lục - Thiền sư Trường Nguyên)

Điều này cho thấy, không những Ngữ lục Thiền tông Việt Nam tiếp thu những từ ngữ ước lệ tượng trưng từ Ngữ lục Thiền tông Trung Hoa mà còn thay đổi, biến hóa cho phù hợp với hoàn cảnh ngôn ngữ Hán văn Việt Nam.

Những từ nương sinh diện, nương sinh khố (khuôn mặt mẹ sinh, cái khố mẹ sinh) là hai cụm từ cùng nghĩa với thuật ngữ bản lai diện mục để chỉ bản tâm của mọi người, để chỉ tự tính. Hai hình ảnh này cùng xuất hiện trong Thượng sĩ ngữ lục (phần Thượng sĩ hành trạng và phần Thi ca (bài Dưỡng chân) và trong Thánh đăng ngữ lục (trong phần ngữ lục về vua Trần Thánh Tông)Trong Ngữ lục Thiền tông Trung Hoa, tuy không thấy xuất hiện trong Cảnh Đức truyền đăng lục nhưng hai hình ảnh này trước đó đã cùng xuất hiện ở bài Lạc đạo ca của Hòa thượng Nam Nhạc Lãn Toản trong Tổ Đường tập:

(7) 身披衲,脚娘生褲。… 心是無事心,面是娘生面。Thân phi nhất phá nạp, cước trứ nương sinh khố… Tâm thị vô sự tâm, diện thị nương sinh diện - Thân khoác một chiếc áo rách, chân xỏ vào chiếc khố mẹ sinh… Tâm là tâm vô sự, mặt là mặt mẹ sinh (Tổ Đường tập - Quyển 3).

Những từ tùng phong, thủy nguyệt (gió ngọn thông, trăng đáy nước) là những hình ảnh ẩn dụ cho sắc thân con người. Đặc biệt, hình ảnh thủy nguyệt được Cảnh Đức truyền đăng lục sử dụng đến 10 lầnHình ảnh này được Thiền uyển tập anh ngữ lục sử dụng trong ngữ lục về thiền sư Minh Trí:

(8) 松風水月明,無影亦無形。色身這個是,空空尋響聲。Tùng phong thủy nguyệt minh, Vô ảnh diệc vô hình. Sắc thân giá cá thị, Không không tầm hưởng thanh - Gió ngọn thông trăng đáy nước sáng, Không ảnh cũng không hình. Sắc thân này cũng thế vậy, Hư không tìm tiếng vang!

Gió ngọn thông, trăng đáy nước tưởng như là hiện hữu nhưng kỳ thực không thể nắm bắt, sắc thân của con người cũng vậy, chẳng phải thực, chỉ là giả, là cái biểu kiến. Qua đó, Thiền sư Minh Trí muốn nói đến cách truyền đạo rất chuyên biệt của Thiền Tông. Đó là cách truyền giáo với chủ trương ngoài giáo điển, bất lập ngôn, bất lập văn tự. Vậy nên, truyền đạo thì tuỳ cơ, ngộ đạo, đắc đạo thì tùy người, còn giải thích cặn kẽ, cụ thể thì chẳng khác nào đi tìm tiếng vang, tiếng vọng trong hư không.

Từ bàn tinh (bóng sao trong chậu nước) là hình ảnh ẩn dụ để chỉ sự vật trên đời tất thảy đều hư ảo được nhắc đến trong lời giáo huấn học trò của Thiền sư Huyền Lượng:

(9) 汝莫錯認定盤星Nh mạc thố nhận định bàn tinh - Ngươi chớ nhận lầm bóng sao trong chậu nước (Cảnh Đức truyền đăng lụcQuyển 24 - Thiền sư Huyền Lượng).

Tiếp thu từ ngữ ẩn dụ này, Thiền uyển tập anh ngữ lục dùng trong lời kệ của thiền sư Giới Không dạy bảo học trò:

(10) 汝等後學門人, 莫認盤星軌則Nhữ đẳng hậu học môn nhânMạc nhận bàn tinh quỹ tắc - Những môn nhân hậu học các ngươi, Chớ xác nhận những con đường của bóng sao trong chậu.(Thiền uyển tập anh ngữ lục - Thiền sư Giới Không)

2. Sử dụng công án, thoại đầu, nghịch ngữ

Việc sử dụng những công án, thoại đầu, nghịch ngữ cũng là đặc điểm đặc hữu của thể tài Ngữ lục Thiền tông, đặc biệt là các nghịch ngữ. “Nghịch ngữ là phép tu từ kết hợp các khái niệm hoặc mệnh đề mâu thuẫn nhau về logic hình thức, biểu đạt một nghịch lí của cuộc sống hoặc của nhận thức, nhằm gây ấn tượng, tạo sắc thái biểu cảm và khêu gợi những suy nghĩ có tính chất trí tuệ lí thú về vấn đề trình bày từ những phương diện khác với quan niệm thông thường.”(Nguyễn Thế Truyền, 2005, tr.23). Như vậy, về bản chất, đó là những ngữ cú có cách thể hiện trước sau không thống nhất, mới đầu đọc lên thấy phi lý, nhưng ngẫm nghĩ kỹ lại thấy ý vị sâu xa. Chính vì thế mà các thiền sư coi nghịch ngữ là một phương tiện hữu hiệu để họ khai ngộ cho các đệ tử. Chính những nghịch ngữ đã tạo thành những đòn giáng mạnh vào tâm thức người học đạo, để họ lúc đầu bàng hoàng ngơ ngác, bắt buộc họ phải vận dụng mọi tiềm năng tâm và trí của mình vượt qua cái cửa ải bí hiểm và trắc trở của nhị nguyên đối lập, rồi sau đó bừng tỉnh giác ngộ và nhanh chóng đạt đạo.

Câu hỏi 如何是佛法大意Như hà thị Phật pháp đại ý ? - Thế nào là đại ý của Phật pháp? là câu hỏi rất thường gặp trong các cuộc vấn đáp Thiền học giữa các Thiền sư và học trò. Câu hỏi này xuất hiện 9 lần trong Tổ Đường Tập, 38 lần trong Cảnh Đức truyền đăng lục, 2 lần trong Thượng sĩ ngữ lục, 1 lần trong Thánh đăng ngữ lục. Để trả lời câu hỏi này, các Thiền sư thường không trả lời thẳng vào câu hỏi, mà dùng nhiều cách khác nhau như quát, hét, đánh, im lặng, hỏi vặn và dùng cả nghịch ngữ để bắt buộc học trò suy nghĩ, bừng tỉnh, thậm chí với mỗi thiền sinh, các Thiền sư lại dùng một nghịch ngữ khác nhau. Hòa thượng Nham Đầu trả lời bằng nghịch ngữ:

(11) 小魚吞大魚 - Tiểu ngư thốn đại ngư - Cá bé nuốt cá lớn (Tổ Đường tập - Quyển 12 - Hòa thượng Nham Đầu).

Thiền sư Trí Viễn ở Viện Tư Phúc, Phúc Châu trả lời bằng nghịch ngữ:

(12) 兩口無一舌Lưỡng khẩu vô thiệt - Hai cái miệng không có cái lưỡi nào (Cảnh Đức truyền đăng lục - Quyển 21 - Thiền sư Trí Viễn).

Thiền sư Thần Đỉnh thì trả lời học trò bằng nghịch ngữ:

(13) 虛空駕鐵船。岳頂浪滔天- Hư không giá thiết thuyền, nhạc đỉnh lãng thao thiên - Cưỡi thuyền sắt trên hư không, sóng vỗ dậy trời trên đỉnh núi (Cảnh Đức truyền đăng lục - Quyển 17 - Thiền sư Đạo Nhàn).

Còn Tuệ Trung Thượng sĩ thì trả lời bằng nghịch ngữ:

(14) 鰲頭打浪蛸螟眼,鵬翼摶風螻蟻腸Ngao đầu đả lãng tiêu minh nhãn, Bằng dực đoàn phong lũ nghị trường - Đầu trạnh vỗ sóng mắt sâu bọ, Cánh bằng nhốt gió ruột kiến trùng. (Thượng sĩ ngữ lục - Đối cơ).

Ở đây Thượng Sĩ diễn tả con rùa biển to mà mắt nhỏ giống như con sâu, con chim đại bàng lớn mà ruột nó nhỏ như con kiến con trùng. Nói ngược như vậy chính là để không cho người học đạo khởi tâm chấp trước mà lập tức bừng tỉnh giác ngộ.

Trong Cảnh Đức truyền đăng lục, quyển 3, bài thơ của Thiền sư Tào Sơn Bản Tịch, mỗi câu là một nghịch ngữ:

(15) 焰裏寒冰结,楊花九月飛.泥牛吼水面,木馬逐風嘶- Diệm lý hàn băng kết, Dương hoa cửu nguyệt phi. Nê ngưu hống thủy diện, Mộc mã trục phong tê - Trong lò, băng giá lạnh kết, Tháng chín hoa dương liễu bay. Trâu đất rống trên mặt nước, Ngựa gỗ hí phi đuổi theo gió.

Để ngụ ý, ẩn ý về những điều có tính chất huyền bí trong triết học Phật giáo, các Thiền sư lại dùng loại nghịch ngữ nêu lên sự phi lí về đặc điểm của sự vật, hiện tượng. Đó là trường hợp bài kệ của Đại sĩ Thiện Tuệ:

(16) 空手把鋤頭, 步行騎水牛, 人從橋上過,橋流水不流- Không thủ bả sừ đầu, Bộ hành kỵ thủy ngưu, Nhân tòng kiều thượng quá, Kiều lưu thủy bất lưu - Trống không nắn cán bừa, Đi bộ cưỡi lưng trâu, Người trên cầu qua lại, Cầu trôi nước chẳng trôi. (Cảnh Đức truyền đăng lục-Quyển 27-Đại sĩ Thiện Tuệ)

Tiếp thu ý tứ của nghịch ngữ này, Thiền sư Đại Xả có bài kệ:

(17)石馬齒狂獰,食苗日月鳴。途中人共過,馬上人不行 - Thạch mã xỉ cuồng ninhThực miêu nhật nguyệt minhĐồ trung nhân cộng quáMã thượng nhân bất hành - Ngựa đá có hàm răng hung dữ, Gặm cỏ non hý suốt đêm ngày. Trên đường, người qua kẻ lại tấp nập, Người ngồi trên ngựa vẫn không cất bước. (Thiền uyển tập anh ngữ lục - Thiền sư Đại Xả).

Có thể vì dụng ý nhấn mạnh vào cái khác thường nên chúng ta cũng thường gặp tên gọi của những sự vật, sự việc, những hiện tượng theo kiểu nghịch ngữ. Đó là “cây sáo không lỗ” (vô khổng địch), “cây đàn không dây” (một huyền cầm), đó là “rùa mù đào vách núi, Ba ba què trèo núi cao” (Manh quy xuyên thạch bích, Bì miết thướng cao sơn), là “cô gái sắt nhảy múa, anh chàng người gỗ đánh trống” (tác vũ thiết nữ, đả cổ mộc nhân)là “hoa nở trong lò” hay “hoa sen nở trong lò lửa” (Lô trung hoa, liên phát lô trung),…

3. Ảnh hưởng ngôn từ

Sự ảnh hưởng của ngôn từ Ngữ lục Thiền tông Trung Hoa đến ngôn từ Ngữ lục Thiền tông Việt Nam thời Lý - Trần còn thể hiện ở phương diện sử dụng những từ ngữ của Bạch thoại trung đại thời kỳ đầu - một hình thái ngôn ngữ viết của tiếng Hán.

Dễ nhận thấy nhất là sự tiếp thu những từ ngữ đa âm tiết như 以來dĩ lai, 原來nguyên lai, 一切nhất thiết, 到處đáo xứ, 本來bản lai, 從來tòng lai, 向來hướng lai, 一樣nhất dạng, 不必bất tất, 多少đa thiểu, 追尋truy tầm,… Những từ ngữ này hầu như không thấy xuất hiện trong những văn bản Văn ngôn.

Các từ到處đáo xứ, 本來bản lai, 從來tòng lai, 以來dĩ lai, 追尋truy tầm không xuất hiện trong Tổ Đường tập, thì đến Cảnh Đức truyền đăng lục cũng đã được sử dụng nhiều lần , cụ thể 到處đáo xứ được sử dụng 29 lần, 本來bản lai được sử dụng 121 lần, 從來tòng lai được sử dụng 24 lần, 以來dĩ lai được sử dụng 10 lần, 追尋truy tầm được sử dụng 7 lần. Những từ này đã được Ngữ lục Thiền tông thời Lý - Trần tiếp thu. Cụ thể là từ本來bản lai được Thượng sĩ ngữ lục sử dụng 7 lần, Thiền uyển tập anh sử dụng 6 lần và Thánh đăng ngữ lục sử dụng 4 lần. Từ 到處đáo xứ, 以來dĩ lai được sử dụng trong Thiền uyển tập anh ngữ lục, từ追尋truy tầm được sử dụng trong Thượng sĩ ngữ lục:

(18) 可憐刻舟客,到處意匆匆。Khả lân khắc chu khách, đáo xứ ý thông thông - Đáng thương thay kẻ khắc thuyền, khắp nơi ý hoang mang. (Thiền uyển tập anh ngữ lục - Thiền sư Viên Chiếu).

(19) 座主出家以來經愈幾夏? Toạ chủ xuất gia dĩ lai kinh du kỉ hạ ? - Tọa chủ đã xuất gia được mấy hạ? (Thiền uyển tập anh ngữ lục - Thiền sư Vô Ngôn Thông).

(20) 心道原虛寂,何處更追尋Tâm đạo nguyên hư tịch, Hà xứ cánh truy tầm - Tâm đạo vốn rỗng lặng, Chỗ nào lại đuổi tìm? (Thượng sĩ ngữ lục - Đối cơ).

Đặc biệt, các từ一切nhất thiết, 多少đa thiểu được các tác phẩm sử dụng với tần suất cao. Từ 一切nhất thiết được Tổ Đường tập sử dụng 168 lần và được Cảnh Đức truyền đăng lục sử dụng 284 lần, được Thượng sĩ ngữ lục sử dụng 6 lần, được Thiền uyển tập anh ngữ lục sử dụng 47 lần, được Thánh đăng ngữ lục sử dụng 4 lần. Từ 多少đa thiểu xuất hiện trong Tổ Đường tập 52 lần, trong Cảnh Đức truyền đăng lục 91 lần và cũng được Thiền uyển tập anh sử dụng:

(21) 持來多少時? Trì lai đa thiểu thời? - Trì kinh được bao lâu rồi. (Thiền uyển tập anh ngữ lục - Thiền sư Thanh Biện).

Qua các con số thống kê và các ví dụ phân tích có thể thấy việc sử dụng những từ đa âm tiết mới xuất hiện trong bạch thoại trung đại là hiện tượng chung diễn ra trong cả thể tài Ngữ lục Thiền tông ở cả thời Đường Tống (Trung Quốc) và thời Lý - Trần (Việt Nam).

Tiếp thu những từ đa âm tiết, đồng thời Ngữ lục Thiền tông Việt Nam thời Lý - Trần còn tiếp thu từ Ngữ lục Thiền tông Trung Hoa cả những nét nghĩa mới ở một số từ ngữ. Tiêu biểu nhất là từ道đạo. Trong văn ngôn, đạo thường được sử dụng với các nét nghĩa con đườnglí lẽ nhất định mà mọi người phải tuân theo và tôn giáo mà một nhóm người, một tập thể tin theo, thì ở trong các tác phẩm Ngữ lục Thiền tông, đạo còn được sử dụng với nét nghĩa mới là nói, nói rằng. Trong Tổ Đường tập, đạo với nét nghĩa mới này được sử dụng 257 lần và được sử dụng trong Cảnh Đức truyền đăng lục 483 lần. Vào Ngữ lục Thiền tông Việt Nam thời Lý - Trần, nó lại được sử dụng 10 lần trong Thiền uyển tập anh ngữ lục, được sử dụng 13 lần trong Thượng sĩ ngữ lục và được sử dụng 7 lần trong Thánh đăng ngữ lục.

(22) 師曰: “愿道什摩?” Sư viết: “Nguyện đạo thập ma ?” - Sư hỏi: “Muốn nói cái gì?” (Tổ Đường tập - Quyển 9 - Hòa thượng Dược Sơn).

(23) 有人云:“學人道不得,却請師道。”師曰:“我不辞向你道,已後欺我兒孫” Hữu nhân vân: “Học nhân đạo bất đắc, khước thỉnh sư đạo”. Sư viết: “Ngã bất từ hướng nhĩ đạo, dĩ hậu khi ngã nhi tôn”- Có người nói: “Học nhân nói không được, xin mời nhà sư nói”. Sư nói: “Ta không từ chối nói với nhà ngươi, sau này dối con cháu ta” (Tổ Đường tập - Quyển 19 - Hòa thượng Bách Trượng).

(24) 師謂仰山曰。寂子速道莫入陰界。Sư vị Ngưỡng Sơn viết: Tịch tử, tốc đạo mạc nhập âm giới - Sư nói với Ngưỡng Sơn: “Tịch con, nói mau, chớ vào giới âm”. (Cảnh Đức truyền đăng lục - Quyển 14 - Thiền sư Linh Hựu).

(25) 且古德道:尋文取證者益滯。Thả cổ đức đạo: "Tầm văn thủ chứng giả ích trệ..." - Vả lại bậc cổ đức nói rằng: "Kẻ tìm bằng chứng ở văn tự thì càng bế tắc". (Thiển uyển tập anh ngữ lục - Thiền sư Thiện Hội).

(26) 又問: 歸山道老僧百年後,向山下作一頭水牯牛,意旨如何? Hựu vấn: “Quy Sơn đạo: Lão tăng bách niên hậu, hướng sơn hạ tác nhất đầu thủy cổ ngưu”, ý chỉ như hà? - Lại hỏi: “Quy Sơn nói: Lão tăng trăm năm sau xuống núi làm một con trâu, ý chỉ thế nào? (Thượng sĩ ngữ lục - Đối cơ).

(27) 諸人,句作麼生道Chư nhân, cú tác ma sinh đạo? - Các người! Câu làm sao nói ? (Thánh đăng ngữ lục - Vua Trần Thái Tông).

hội trong văn ngôn thường có các nét nghĩa là "họp, gặp nhau, thời, nơi đông đúc,…". Ở trong tác phẩm Ngữ lục Thiền tông, 會hội còn có thêm nét nghĩa mới là hiểu, biết (thông qua quá trình học hỏi, tu dưỡng). Trong Tổ Đường tập, 會hội với nét nghĩa này được sử dụng 274 lần, trong Cảnh Đức truyền đăng lục được sử dụng 761 lần.

(28) 問如何是西來意?師曰會即不會,疑即不疑。Vấn: Như hà thị tây lai ý?. Sư viết: Hội tức bất hội, nghi tức bất nghi - Hỏi: “Thế nào là ý nghĩa của tây lai?”. Sư trả lời: “Biết tức là không biết, nghi ngờ tức là không nghi ngờ”. (Tổ Đường tập- Quyển 4- Hòa thượng Hạc Lâm).

(29)某甲不會乞師指示。Mỗ giáp bất hội, khất sư chỉ thị - Con không hiểu, xin sư chỉ thị (Cảnh Đức truyền đăng lục - Quyển 4 - Thiền sư SùngTuệ).

Nét nghĩa mới này của từ會hội cũng được Ngữ lục Thiền tông Việt Nam thời Lý - Trần tiếp thu từ Ngữ lục Thiền tông Trung Hoa,được Thượng sĩ ngữ lục sử dụng 7 lầnđược Thánh đăng ngữ lục sử dụng 4 lần, được Thiền uyển tập anh ngữ lục sử dụng 22 lần.

(30) 秖這話頭,汝還會麼? Chỉ giá thoại đầu, nhữ hoàn hội ma ? - Chỉ một câu thoại đầu, ngươi vẫn hiểu chứ? (Thiển uyển tập anh ngữ lục - Thiền sư Thiện Hội).

(31)師良久云會麼。進云不會。Sư lương cửu vân: “Hội ma?”. Tiến vân: “bất hội” - Lát sau sư hỏi: “Hiểu không”. Trả lời: “Không hiểu”. (Thượng sĩ ngữ lục - Đối cơ).

(32)調御良久曰會麼. 云不會。調御便打。Điều Ngự lương cửu viết: Hội ma? Vân: Bất hội. Điều Ngự tiện đả - Điều Ngự im lặng giây lâu, hỏi:Biết chăng? Tăng thưa: Chẳng biết. Điều Ngự liền đánh (Thượng sĩ ngữ lục - Vua Trần Nhân Tông).

Với những nét nghĩa mới mang đậm tính chất Bạch thoại trung đại giai đoạn đầu, đạo và hội đã góp phần làm cho ngôn ngữ các tác phẩm Ngữ lục Thiền tông Việt Nam thời Lý - Trần trở nên tươi tắn, sống động, khiến cho các cuộc vấn đáp Thiền học trở nên vui vẻ, khiến các thiền sinh nhanh chóng ngộ đạo.

Qua khảo sát, thống kê và phân tích, chúng tôi thấy Ngữ lục Thiền tông Việt Nam thời Lý - Trần đã chịu sự ảnh hưởng nhất định từ Ngữ lục Thiền tông Trung Hoa về mặt ngôn từ. Đó là sự tiếp thu hệ thống từ ngữ chuyên dùng trong nhà Phật (lớp từ thuật ngữ nhà Phật và từ chuyển ngữ phiên âm tiếng Phạn), những từ ngữ ẩn dụ mang tính ước lệ tượng trưng, những thoại đầu, nghịch ngữ, những từ ngữ mang đặc trưng của Bạch thoại trung đại giai đoạn đầu. Sự tiếp thu này là một điều tất yếu. Thiền tông Việt Nam chịu sự ảnh hưởng của Thiền tông Trung Hoa, và vì thế Ngữ lục Thiền tông Việt Nam cũng chịu sự ảnh hưởng của Ngữ lục Thiền tông Trung Hoa cả về thể tài, kết cấu văn bản, cách thức sử dụng ngôn từ và hệ thống ngôn từ. Chính hệ thống ngôn từ được tiếp thu và sử dụng trong các tác phẩm là phương tiện hữu hiệu để chuyển tải nội dung Phật học, phục vụ mục đích ca ngợi các vị sư tổ, các vị thiền sư và mục đích hoằng dương Phật pháp của Ngữ lục Thiền tông Việt Nam thời Lý - Trần.

 

 

Tài liệu tham khảo

1.Đạo Nguyên soạn 道原撰:《景德傳燈錄》,海南出版社.2011.

2.Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Phân viện nghiên cứu Phật học, Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. KHXH, H. 2004.

3.Hồ Thích 胡適:白話文學史, 百花文藝出本社. 2002

4.Jerry Norman:【美】罗杰瑞著- 张惠英译Trương Huệ Anh dịch,汉语概说,语文出版社. 1995

5.Lê Mạnh Thát: Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2000.

6.Lê Mạnh Thát: Lịch sử Phật Giáo Việt Nam, 3 tập,Nxb. Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh, 2006.

7.Lê Mạnh Thát: Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam, 3 tập,Nxb. Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh, 2006.

8.Lý Việt Dũng: Tuệ Trung Thượng sỹ ngữ lục dịch giải, Nxb. Mũi Cà Mau, 2003.

9.Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga: Thiền uyển tập anh dịch, chú, giới thiệu, Phân viện Nghiên cứu Phật học và Nxb. Văn học, H. 1990.

10.Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập 1, Nxb. Văn học, H. 1992.

11.Nguyễn Thế Truyền: Nghịch ngữ - phép tu từ của những mâu thuẫn thống nhất, Tạp chí Ngôn ngữ, số 8, tr.23-36.

12.Phạm Văn Khoái: Một số suy nghĩ cơ sở làm tiêu chí cho sự phân kì Hán văn Việt NamTạp chí Hán Nôm, số 2/1998, tr.14-20.

13.Phạm Văn Khoái - Tạ Doãn Quyết: Hán văn Lý - Trần và Hán văn thời Nguyễn trong cái nhìn vận động của cấu trúc văn hóa Việt Nam thời trung đạiTạp chí Hán Nôm, số 1/2003, tr.36-42.

14.Phòng nghiên cứu và giảng dạy Tiếng Hán hiện đại, Khoa Trung văn Đại học Bắc Kinh 北京大學中文系, 現代漢語教研室 (1995),現代漢語, 商務印書館.

15.Thích Thanh Từ: Thánh Đăng Lục giảng giải, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.

16.Trương Bân chủ biên张斌主编《现代汉语》,语文出版社. 2003.

17.Viện Văn học: Thơ văn Lý - Trần, Tập 1, Nxb. KHXH, H. 1977.

18.Viện Văn học: Thơ văn Lý - Trần, Tập 3, Nxb. KHXH, H. 1978.

19.Viện Văn học: Thơ văn Lý - Trần, Tập 2, Q. Thượng, Nxb. KHXH, H. 1989.

20.Thiền uyển tập anh ngữ lục 禪苑集英語錄. Ký hiệu: A.3144, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

21.Thượng sĩ ngữ lục上士語錄. Ký hiệu: A.1932, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

22.Thánh đăng ngữ lục聖燈語錄. Ký hiệu: A.2569, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

23.Tĩnh, Quân (hai vị thiền sư thời Nam Đường) soạn 静筠二禅师 著《祖堂集》上海古籍出版社2011./.

ThS. Trịnh Ngọc Ánh (Trường CĐSP Hà Nội)

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 3 (118) 2013; tr. 65-73, phiên bản trực tuyến ngày 28.12.2014.