Kết quả nghiên cứu về tư liệu gia lễ Việt Nam của Giáo sư Shimao Minoru trong bài viết "Confucian family ritual and popular culture in Vietnam"

In bài này

20190617 Tho mai gia le

Ảnh: Bìa sách Thọ Mai gia lễ

Bài viết Confucian Family Ritual and Popular Culture in Vietnam (Gia lễ Nho giáo và Văn hóa Dân gian Việt Nam - VVB) của Giáo sư Shimao Minoru 嶋尾稔được in trong Memoirs of the Research Department of the Toyo Bunko (Kỉ yếu của Phòng nghiên cứu thuộc Đông Dương văn khố - VVB) số 69 xuất bản năm 2011, trang 57 - 96.

Shimao Minoru 嶋尾稔là Giáo sư Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa thuộc Đại học Keio(慶應義塾大学), chuyên gia nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á, dành nhiều tâm huyết nghiên cứu lịch sử, văn hóa, phong tục Việt Nam. Trong chương trình nghiên cứu văn hóa Việt Nam,Giáo sư Shimao Minoru dành khá nhiều trang viết khảo cứu tư liệu gia lễ.Liên tục từ năm 2006 đến 2009, trên Tạp chí của Viện nghiên cứu Ngôn ngữ Văn hóa của Trường Đại học Keio các số 37 năm 2006(2), số 38 năm 2007(3), số 39 năm 2008(4), số 40 năm 2009(5), Shimao Minoru công bố nhiều kết quả nghiên cứu về Thọ Mai gia lễ chủ yếu ở phương diện cơ sở tư liệu hình thành tác phẩm. Tháng 10 năm 2009, Shimao Minoru có bài viết Sự dung nạp và phát triển của gia lễ ở Việt Nam trong Hội nghị thường niên của hội nghiên cứu sử học Hiroshima của trường Đại học Hiroshima công bố kết quả nghiên cứu về tiếp nhận gia lễ ở Việt Nam. Trên cơ sở kế thừa và tổng hợp thành quả nghiên cứu trước đó, tháng ba năm 2010, Shimao Minoru nghiên cứu gia lễ Việt Nam trong mối quan hệ với văn hóa dân gian Việt Nam, kết quả được công bố trong bài viết Gia lễ và Văn hóa dân gian Việt Nam(6). Năm 2011, bài viết được được chính tác giả chuyển thể Anh ngữ in trong Memoirs of the Research Department of the Toyo Bunko (the Oriental Library) số 69 với nhan đề Confucian Family Ritual and Popular Culture in Vietnam. Với độ dài 40 trang, ngoài phần giới thiệu (Introduction), kết luận, thư mục tài liệu tham khảo, bài viết gồm bốn phần:

1. Tư liệu gia lễ Việt Nam: giới thiệu thư mục (The Various Vietnamese Versions: A Bibliographical Introduction)

2. Sự ảnh hưởng của gia lễ Trung Quốc đối với Việt Nam (The Adoption of Chinese Family Ritual in Vietnam)

3. Việc truyền bá gia lễ của các triều đại Việt Nam (Family Ritual in Relation to Indoctrination Efforts)

4. Gia lễ và văn hóa dân gian (Family Ritual and Popular Culture)

Bài viết tập trung vào đối tượng là bốn tác phẩm gia lễ Việt Nam lịch đại: Tiệp Kính gia lễ, Hồ Thượng thư gia lễ, Thọ Mai gia lễ, Văn Công gia lễ tồn chân; nghiên cứu ở các phương diện văn bản học, quá trình hình thành tư liệu gia lễ Việt Nam (động cơ, cơ sở hình thành); thông qua tư liệu, Shimao Minoru nhìn nhận gia lễ trong mối quan hệ với văn hóa dân gian. Kết quả nghiên cứu về tư liệu gia lễ Việt Nam ở góc độ văn bản học được trình bày trong phần “1.The Various Vietnamese Versions: A Bibliographical Introduction”. Kết quả nghiên cứu trong đó rất có giá trị đối với nghiên cứu hệ thống tư liệu gia lễ Việt Nam.

Shimao Minoru có cái nhìn khá toàn diện về tư liệu gia lễ Việt Nam lịch đại, ông nhận định ngoài Tiệp Kính gia lễ, Hồ Thượng thư gia lễ, Thọ Mai gia lễ, không có tác phẩm gia lễ khác được khắc in. Với đối tượng chính là bốn tác phẩm nói trên, ngoài khái quát về tác giả, hoàn cảnh ra đời, kết cấu hình thức các tác phẩm, Shimao Minoru đi sâu tìm hiểu những vấn đề còn đang tranh cãi, hoặc chưa được giải đáp, hoặc chưa được ai đề cập, đồng thời đề xuất một số phát hiện mới liên quan đến tư liệu gia lễ Việt Nam, như vấn đề văn bản và tác giả Tiệp Kính gia lễ, vấn đề tác giả Thọ Mai gia lễ. Trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu từ năm 2006 đến năm 2009, bài viết dành khá nhiều trang viết về Thọ Mai gia lễđặc biệt là tổng hợp thông tin nghiên cứu về vấn đề tác giả. Chúng tôi nhận định, trong một số phát hiện mới của Shimao Minoru, bài viết của Trần Thị Kim Anh: Ai soạn “Thọ Mai gia lễ” đăng trên Nguồn sáng dân gian năm 2003 đóng vai trò quan trọng. Nhờ bài viết của Trần Thị Kim Anh, Shimao Minoru có thêm tư liệu chứa đựng thông tin về Tiệp Kính gia lễ, Hồ Thượng thư gia lễ, Thọ Mai gia lễ, đó là tác phẩm Vũ trung tùy bút. Từ Vũ trung tùy bút (bản R.1069 lưu trữ tại Thư viện Quốc gia), mục “Quán tẩy chi thiết”Shimao Minoru không những tìm được thông tin về tác giả Thọ Mai gia lễ (Trần Thị Kim Anh đã đề cập trước đó) mà còn có thể tìm hiểu kĩ hơn về tác giả Tiệp Kính gia lễ.

Ngoài nghiên cứu về tư liệu gia lễ hiện còn, thông qua một số tư liệu Hán Nôm, Shimao Minoru còn thu thập nhan đề một vài tác phẩm gia lễ hiện đã thất lạc, như Gia lễ của Trần Tú Dĩnh, Chu Văn Công gia lễ tứ đại bổ chính diễn nghĩa quốc âm.

Đầu năm 2012, chúng tôi công bố một số kết quả nghiên cứu về tư liệu gia lễ Việt Nam trong báo cáo tập sự tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Nhờ thông tin do thầy giáo chúng tôi cung cấp, và thông qua một số webside, chúng tôi có được một số bài nghiên cứu viết bằng tiếng Nhật và tiếng Anh của Shimao Minoru về tư liệu gia lễ Việt Nam. Đọc bài viết của Shimao Minoru, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì những gì chúng tôi vừa công bố đã được Giáo sư đề cập và công bố từ trước, như vấn đề văn bản Tiệp Kính gia lễ, vấn đề tác giả Thọ Mai gia lễ. Với nguồn tài liệu phong phú kể cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Nhật, bài nghiên cứu của Giáo sư đã cung cấp cho chúng tôi một số nguồn tư liệu có thông tin liên quan đến tư liệu gia lễ Việt Nam. Tuy vậy, nghiên cứu của Giáo sư Shimao Minoru mang tính tổng hợp về văn hóa Việt Nam và tư liệu gia lễ được nghiên cứu với tư cách là một thành phần trong đó, vì thế tư liệu gia lễ mới được đề cập ở góc độ thư mục học, đồng thời phạm vi tư liệu mới chỉ xoay quanh những tác phẩm nhan đề “Gia lễ”, hoặc những tác phẩm có uy tín, chưa thống kê một cách hoàn chỉnh hệ thống tư liệu gia lễ Việt Nam, trong khi đó tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện còn lưu trữ ít nhất 12 tác phẩm thuộc môn loại này(7) như Thanh Thận gia lễ, Tam lễ tập yếu, Tứ lễ lược tập, Tang lễ bị kí… Tuy vấn đề tác giả Tiệp Kính gia lễ, Thọ Mai gia lễ đã được Giáo sư đề cập và phân tích với nhiều luận cứ khoa học nhưng chưa đưa ra kết luận cụ thể, hơn nữa vấn đề văn bản tác phẩm cũng chỉ dừng lại ở mức độ thống kê, chưa mô tả kết cấu, khảo dị văn bản, đặc biệt với Thọ Mai gia lễ tác phẩm khá phức tạp về mặt văn bảntuy được dành nhiều trang viết nhất nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ thống kê và mô tả sơ bộ hình thức dị bản. Ngoài đó ra, bài viết còn một vài khiếm khuyết nhỏ, như ở mục “3.1. Các điều giáo hóa trong nửa cuối thế kỉ 17”, Shimao Minoru đã trích thông tin ở điều 41 trong Lê triều giáo hóa điều lệ: “Tang gia, trung nguyên tiết đương tuân gia lễ” 喪家中元節當循家 禮, nhưng nguyên văn chính xác phải là “Tang gia, trung nguyên tiết đương tuân gia thể” 喪家中元節當循家体.

 

Chú thích:

(1). Bài này in trong “Memoirs of the Research Department of the Toyo Bunko” số 69 xuất bản năm 2011).

(2). Shimao Minoru: Khảo sát cơ sở căn bản của Thọ Mai gia lễ, Tạp chí của Viện nghiên cứu Ngôn ngữ Văn hóa của Trường Đại học Keio, số 37, 2006, tr.141-158 嶋尾稔: “『寿梅家礼』に関する基礎的考察” 慶應義塾大学言語文化研究所紀要37 号. 141-158 (2006).

(3). Shimao Minoru: Khảo sát cơ sở căn bản của “Thọ Mai gia lễ”, (phần 2), Sđd. số 38, 2007, tr.123-143.

(4). Shimao Minoru: Khảo sát cơ sở căn bản của Thọ Mai gia lễ, (phần 3), Sđd. số 39, 2008, tr.215-231.

(5). Shimao Minoru: Khảo sát cơ sở căn bản của Thọ Mai gia lễ, (phần 4), Sđd. số 40, 2009, tr.247-257.

(6). Shimao Minoru: Gia lễ văn văn hóa dân gian Việt Nam,「ベトナムの家礼と民間文化」in trong sách do Eiji Yamamoto山本英史(Chủ biên)『アジアの文人が見た民衆とその文化』, 應 慶 義 塾 大學 出 版 会, 東 京, 2010.

(7). Qua khảo sát, nghiên cứu tình hình văn bản, chúng tôi xác lập hệ thống tư liệu gia lễ lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm gồm những tác phẩm sau:


S

t

t

Tên

tác

phẩm

Tác

giả

Niên

đại

Số lượng (kí hiệu)

Chủ

đ

Loại

văn

tự

In Viết tay
1.  Tiệp kính gia lễ 捷徑家禮

Ngô

Bình

Lê,

1707

in khắc

1[1]

Tang lễ Quyển một: Nôm; quyển hai: Hán
2. 

Hồ Thượng thư gia lễ

胡尚書家禮

Hồ

Dương

Hậu Lê:

1739, 1767

in khắc

2[1] 1[1] Tang lễ Quyển một: Nôm; Quyển hai: Hán
3.  1 tuyển tập
4.  Thọ Mai gia lễ 壽梅家禮

Hồ

Gia

Tân

Hậu Lê

25[1]

3[1]

Hôn lễ, Tang lễ,

Tế lễ

Nôm

xen Hán

5.  Thanh Thận gia lễ đại toàn 清慎家禮大全

Thanh

Thận tập thành

Hậu Lê

2[1]

Tang lễ,

Tế lễ

Nôm

xen Hán

6.  1 tuyển tập
7.  Tam lễ tập yếu 三禮集要

Phạm

Phủ

1782

4[1]

Hôn lễ, Tang lễ,

Tế lễ

Hán

8.  1 tuyển tập
9. 

Tứ lễ lược tập

四禮略集

Bùi

Lĩnh

1839

2[1]

Quan lễ, Hôn lễ, Tang lễ,

Tế lễ

Hán

10.  Văn Công gia lễ tồn chân 文公家禮存真

Đỗ

Huy

Uyển

1870

1[1]

Tang lễ,

Tế lễ

Hán

11. 

Nguyễn Thị gia huấn

阮氏家訓

Phượng Đình Nguyễn Mai Hiên cẩn chí

1849

1[1]

Quan lễ, Hôn lễ, Tang lễ,

Tế lễ

Hán

12.  Tang tế khảo nghi 喪祭考疑 ? 1894 1[1]

Tang lễ,

Tế lễ

Hán
13.  Tang lễ bị kí 喪禮備記 ? 1911 1[1] Tang lễ Hán
14.  Gia lễ lược biên 家禮略編 Sách do họ Trần giữ Nguyễn 1[1] Tế lễ Hán
15.  Gia lễ tạp nghi家禮雜儀 Trúc Đình chủ nhân Nguyễn Tuấn Ông

Nguyễn

1[1]

Luận Gia lễ nói chung

Hán

TỔNG SỐ 28 18
  46

 

VŨ VIỆT BẰNG

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.88-93, phiên bản trực tuyến ngày 23.02.2015.