Chùa Cầu và tấm bia bùa ở Hội An

In bài này

Cách Chùa Cầu Hội An về phía Bắc chừng hơn 100m, trên trục đường Phan Châu Trinh, dưới một gốc đa cổ thụ, tán lá sum sê, xanh nghít có một tấm bia bùa. Gọi là bia bùa vì nó là một tấm bia đá, trên có khắc một đạo bùa hay gọi là một đạo thần phù. Tấm bia bùa là phát hiện của các nhà nghiên cứu Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp. Tấm bia và công trình Chùa Cầu Hội An có những mối quan hệ nào không?

Chùa Cầu – lịch sử và truyền thuyết

Khi nhắc đến Chùa Cầu thì dường như người Hội An nào cũng nhớ đến một tương truyền về mối bang giao hữu hảo lâu đời giữa xứ sở Phù Tang xa xôi với xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn từ thế kỷ 16; nhớ đến mối lương duyên của chàng thương nhân Nhật Bản Araki (Hoàng Mộc Tông Thái Lang ở Nagasaki) và công nương Ngọc Hoa, con gái nuôi của chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635); và nhớ đến truyền thuyết về một con thuỷ quái (Linh Cù) rất to lớn, nằm sâu trong lòng đất; đầu ở Ấn Độ, lưng ở Việt Nam, đuôi ở Nhật Bản, mỗi khi con linh Cù khó ở, cựa mình, quẫy đuôi thì Nhật Bản bị động đất, sóng thần…

Những câu chuyện ấy đã thêu dệt nên truyền thuyết về sự ra đời của Chùa Cầu Hội An – (người ta cho rằng) Chùa Cầu Hội An là nơi thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ, trông như một thanh gươm của ngài Bắc Đế Trấn Vũ cắm sâu vào lưng con thủy quái để trấn yểm không cho nó cựa quậy mà gây họa cho nhân gian. Nếu chỉ nhìn phần nổi lên trên mặt nước của Chùa Cầu từ xa, ta có thể thấy Chùa Cầu như phần chuôi của một thanh gươm đang cắm sâu vào lòng đất. Nhưng khi đọc những bi ký trùng tu, liễn đối hoành phi và xà cò của Chùa Cầu ta không hề tìm thấy dấu hiệu nào nói về sự trấn yểm này.

Chùa Cầu và tấm bia bùa ở Hội An - 6

Chùa Cầu Hội An còn có tên gọi khác là cầu Nhật Bản, nhưng nó có phải là kiến trúc của người Nhật không thì chưa rõ. Chỉ biết trong tấm bia đá “Trùng tu Lai Viễn Kiều” ghi lại công việc sửa chữa vào năm Đinh Sửu (1817) đời Gia Long như sau: “Minh Hương Hội An phố giới ư Cẩm Phô hữu (một số chữ bị mất) khê hữu kiều cổ dã tương truyền Nhật Bản nhân sở tác, kinh phụng” (Địa giới phố Minh Hương Hội An ở Cẩm Phô có (một số chữ bị mất) khe, có cầu, ngày xưa cũng tương truyền rằng người ở nước Nhật Bản đã phụng cúng kinh tài để dựng nên – Huỳnh Dõng dịch).

Chùa Cầu là một công trình kiến trúc cổ trên chùa dưới cầu. Chùa Cầu được xây dựng khoảng thế kỷ thứ 17 trong 3 năm từ năm Thân đến năm Tuất (người ta nói như thế là vì ở hai mố cầu Đông – Tây có đặt hai cặp linh thú bằng gỗ Khỉ – Chó), Chùa Cầu còn có tên Lai Viễn Kiều, do chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) đặt từ năm 1719. Theo niên đại ghi ở xà cò và văn bia, thì Chùa Cầu đã được trùng tu vào các năm 1817, 1865, 1915, 1986, vì thế, mà dần mất đi các yếu tố kiến trúc Nhật Bản, và đậm phong cách Việt, Hoa hơn.

Chùa Cầu Hội An là một công trình kiến trúc cổ rất độc đáo. Gọi là chùa nhưng không thờ Phật mà thờ thần. Điều này khá phổ biến ở Hội An. Ngoài các chùa thờ Phật có lâu đời của thiền phái Phật giáo Lâm Tế, thì hầu hết các hội quán của người Hoa, nơi thờ các vị thần đều được gọi là chùa như chùa Phúc Kiến (Kim Sơn tự), chùa Hải Nam, chùa Ông…

Chùa Cầu và tấm bia bùa ở Hội An - 1

Thác bản của tấm bia bùa

Tấm bia bùa và Chùa Cầu Hội An là 2 di tích nằm cách xa nhau, không cùng nằm trong một quần thể. Giữa 2 di tích này có mối quan hệ nào không? Và Chùa Cầu có trước bia bùa hay cùng niên đại? Và mỗi di tích ấy có ý nghĩa gì? Và có mối quan hệ gì đến cấu trúc tâm lý và văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của cư dân bản địa và ngoại kiều cư trú tại thương cảng cổ Hội An trong thời đại này? Trả lời và nhận thức được những vấn đề trên quả thật là một điều lý thú.

Bia bùa – mô tả và phân tích

Bia là một tấm đá có kích thước khoảng 0,5m x 1,0m. Không ghi niên hiệu.

Bên trái bia là hình vẽ của chòm sao Bắc Đẩu, một chòm sao sáng nhất trong chòm Đại Hùng (phương Bắc) ngư dân gọi là sao Bánh Lái, nông dân gọi là sao Cái Gàu (hình giống gàu sòng) chòm có 7 ngôi sao:

  1. Thiên Xu (Tham Lang)
  2. Thiên Tuyền (Cự Môn)
  3. Thiên Cơ (Lộc Tồn)
  4. Thiên Quyền (Văn Khúc)
  5. Ngọc Hoành/ Thiên Hành (Liêm Trinh)
  6. Khai Dương (Vũ Khúc)
  7. Dao Quang (Phá Quân)

Giữa bia có hàng chữ Hán lớn: Bắc Đế sắc lệnh lập cực ngự phong yểm thuỷ đạo (Bắc Đế sắc lệnh lập điểm này để chống gió bão và chặn dòng nước dữ).

Bên phải bia là câu thần chú của đạo Phật Mật tông, dịch ra Hán ngữ: ÁN MA NI BÁT MÊ HỒNG – Tiếng gầm thét làm kinh hồn yêu quái (Câu thần chú này rất phổ biến).

Dưới cùng, tấm bia có 3 chữ Hán “Thái Nhạc Sơn” (hay còn gọi là Thái Nhạc, Thái Sơn, Chung Nam Sơn là hòn núi lớn nhất trong Ngũ nhạc của Trung Hoa (năm ngọn núi), là tổ địa của Toàn Chân giáo, Võ Đương phái, một phái võ truyền thừa của Đạo giáo Trung Hoa). Học thuyết của Đạo gia là “hành vô vi”, quan niệm về vũ trụ là theo thuyết Thái cực, Ngũ hành (tương sinh, tương khắc, tương thừa, tương vũ), tu luyện thuận theo lẽ tự nhiên, các đạo sĩ thường quan tâm đến luyện linh đơn để giúp con người trường sinh, luyện bùa chú để hàng trừ tà ma, yêu quái.

Nền văn hóa tâm linh như bốc quẻ, coi ngày, chiêm tinh, bói toán, tính ngày tháng tuổi tác, xung khắc âm dương, ngũ hành của Việt Nam phần lớn ảnh hưởng từ nền văn hóa Đạo giáo này. Hiện nay ở Hội An, nền văn hóa này chỉ tồn tại qua các hoạt động tâm linh như: xin xăm, xin bùa, coi ngày cưới gả, xây nhà, xây mộ, tục đốt vàng mả, cúng ông Táo, dựng cây nêu,… chứ không tồn tại đầy đủ một nền văn hóa tín ngưỡng như Phật giáo hay Khổng giáo.


20210322 7

Tấm bia bùa rất nhỏ nằm khuất kín dưới một gốc cây đa cổ thụ, được các nhà nghiên cứu Viện Viễn Đông Bác Cổ thu rập lưu trữ thác bản, chưa lý giải gì về mối quan hệ giữa tấm bia bùa với Chùa Cầu Hội An. Nội dung và hình vẽ bùa chú trên tấm bia nói lên điều gì về mối quan hệ giữa nó với Chùa Cầu Hội An, về quan niệm tâm linh và văn hóa tín ngưỡng của những cư dân Việt bản xứ và các ngoại kiều Hoa, Nhật ở Hội An xưa. Nói như nhà Tâm lý học trí khôn Piaget (Thụy Sĩ): “Chiếc bình cổ chứa đựng một nền văn minh”, qua tấm bia bùa này và Chùa Cầu Hội An, ta sẽ nhận thức được gì về nền văn hóa tâm linh của người Hội An xưa.

Theo tương truyền, mùa lũ lụt, phía Bắc Hội An có nhiều dòng nước xoáy theo con lạch nhỏ cứ đổ ra sông Thu Bồn, làm sụt lở đôi bờ của 2 phố Hoa và Nhật, giống như có con thuỷ quái (Linh Cù) hay giao long quậy phá làm ảnh hưởng đến sự giao thương qua lại giữa 2 bờ, nên phải xây dựng chiếc cầu bắc qua, đắp đê be bờ và làm thêm biện pháp tâm linh là trấn yểm thuỷ quái.

Tấm bia và nội dung của nó bao gồm những hình vẽ phù chú, bí ẩn; sắc lệnh của Bắc Đế và một câu thần chú của Phật giáo Mật tông dùng sức mạnh của hành thổ để khắc chế hành thuỷ, còn vẽ các đạo thần phù (bùa) trấn yểm yêu quái của đạo Lão. Trên những tấm đạo phù có viết các chữ nói về ngũ hành như mộc, hỏa, thổ (mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, thổ khắc thuỷ, các chữ nhật, nguyệt, tinh để chỉ về các hiện tượng mưa gió…).

Chùa Cầu và tấm bia bùa ở Hội An - 5

Một hiện tượng văn hóa cần được nghiên cứu

Như chúng ta biết, một hiện tượng văn hóa thường hay được gắn liền với một truyền thuyết hay một tương truyền lịch sử nào đó về xuất xứ của nó. Đó cũng là phương thức định danh cho các hiện tượng văn hóa. Khi người ta chưa biết rõ nguồn gốc xuất xứ của một hiện tượng văn hóa, một di tích lịch sử, một phong tục tập quán,… thì một truyền thuyết, một tương truyền, một câu chuyện cổ tích ra đời để lý giải về điều đó.

Truyền thuyết về Chùa Cầu Hội An và thanh gươm yểm trừ thủy quái Linh Cù của Bắc Đế Trấn Vũ không nằm ngoại lệ. Bằng phương pháp khoa học nào mà con người biết được Linh Cù to lớn nằm vắt qua 3 quốc gia Ấn, Việt, Nhật? Hay đó là cách giải thích cho lý do xây dựng một chiếc cầu bắc qua con kênh lộ giới giữa phố Minh Hương, Hội An – Cẩm Phô và dựng một tấm bia bùa trên một gò đất đầu dòng khe nhỏ nơi cửa ngõ đổ nước của những cái hồ rộng lớn phía Tây Bắc của Chùa Cầu, cũng là nơi mà tập trung nhiều nhất những thương khách người Chà Và (Ấn Độ), Nhật Bản, Khách trú (Trung Hoa) đang làm ăn buôn bán giao thương với cộng đồng người Việt bản xứ.

Chùa Cầu và tấm bia bùa ở Hội An - 3Lai Viễn Kiều

Phía Tây Bắc của phố cổ Hội An là một vùng trũng, có nhiều hồ, đầm, nước từ những nơi cao đổ về các vùng trũng này rồi chảy theo dòng khe ra sông Hội An. Chính vì thế, việc lưu thông, giao thương giữa Minh Hương và Cẩm Phô bị chia cắt bởi dòng khe này. Các thương dịch từ bến Cẩm Phô, Điện Bàn, Duy Xuyên, Trà My, Phước Sơn… đến phố cảng Hội An gặp nhiều trở ngại. Cho nên nó chính là nguyên do để xây dựng Chùa Cầu Hội An, Lai Viễn Kiều (Cầu đi lại, dành cho khách viễn lai, qua lại giao thương, mậu dịch). Đó mới là mục đích chính để xây dựng Chùa Cầu.

Từ ban sơ, Chùa Cầu được xây dựng không nhằm mục đích trừ yểm thủy quái Linh Cù. Bia bùa trên gò bờ Tây Bắc dòng khe và tẩm thờ Bắc Đế Trấn Vũ là 2 công trình xây dựng sau khi Chùa Cầu đã hoàn thành. Điều này cũng lý giải, người xưa đã bắt đầu xây dựng Chùa Cầu từ hướng Tây, phía bờ Cẩm Phô trước vì đó là nơi tập kết, vận chuyển vật liệu đá gỗ thuận tiện hơn. Cầu bắt đầu xây từ đầu năm Thân (khỉ) đến cuối năm Tuất (chó) mới hoàn thành. Nhìn hướng đặt 2 cặp linh vật khỉ – chó trên 2 đầu cầu, ta cũng dễ dàng lý giải được điều đó.

Tấm bia bùa phải chăng là kịch bản tâm linh để giải quyết câu chuyện truyền thuyết về con thủy quái Linh Cù, trấn an tâm lý, cũng là một biện pháp giải thích lý do của việc trấn yểm với nhân dân và quan lại ở địa phương (người xưa rất sợ phong thủy và trấn yểm). Nó hoàn toàn phù hợp với truyền thuyết về Bắc Đế Trấn Vũ.

Bắc Đế Trấn Vũ còn gọi là Bắc Đế Tinh Quân, huý danh là Chấp Minh là vị thần cai quản chòm sao Bắc cực, thống trị phương Bắc, Ngài là vị thần của Đạo giáo, kiêm quản lý các loài thuỷ tộc, theo hầu ngài là 2 tướng quy, xà (rùa, rắn) và Ngũ long thần tướng, tượng trưng cho sự trường tồn và sức mạnh siêu nhiên.

Nó cũng phù hợp trong cách lý giải của chúng ta về một Hội An, một thương cảng quốc tế sầm uất từ thế kỷ 16, nơi hội tụ và giao lưu, tiếp nhận nhiều nền văn hóa trên thế giới, nhất là nói về vấn đề Tam giáo đồng nguyên Phật, Lão, Nho đồng nhất trong quan niệm tín ngưỡng của người Việt xưa.

Qua những vấn đề đã trình bày ở trên, chúng ta đã có thể nhận thức được một đời sống rất phong phú của người Hội An. Không chỉ là một giai đoạn văn minh trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, mà phong phú cả trong đời sống văn hóa, tâm linh.

Truyền thuyết về Chùa Cầu và tấm bia bùa, dân gian gọi là “Ông Bùa”, ta có thể thấy cư dân Hội An từ rất lâu đời đã có niềm tin rất lớn vào phong thuỷ, về tâm linh, thậm chí ngay cả cách đặt tên cho một vùng đất, gởi tâm niệm cầu nguyện cho một đời sống bình yên như cái tên Hội An rất thân thương.

Chùa Cầu và tấm bia bùa ở Hội An - 4Tẩm thờ Bắc Đế Trấn Vũ

Tẩm thờ Bắc Đế Trấn Vũ ở Chùa Cầu, tấm bia bùa cùng với truyền thuyết về nó là những dấu vết của văn hóa tâm linh này còn lưu lại ở Hội An, một thành phố cổ đã được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, đáng được trân quý và bảo tồn bền vững. Các cấp quản lý cũng nên quan tâm đến một không gian trân trọng dành riêng cho tấm bia bùa, đừng để lu lấp như hiện nay và cũng nên có nhiều nghiên cứu kết nối hai địa chỉ văn hóa trên trong tổng thể của công tác bảo tồn di sản văn hóa của Hội An.

Huỳnh Dũng

Nguồn: Doanh Nhân Plus, ngày 03.3.2021.