Cương vực xứ Đoài - tỉnh Sơn Tây đến triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ 19 còn là một vùng đất rất rộng lớn. Các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý chia đất nước thành các lộ, đạo, gọi là đạo Đà Giang. Đến triều Trần vùng đất ấy là lộ Tam Giang. Đầu đời hậu Lê vẫn gọi như thế. Tiếp đến đời Quang Thuận năm 1466, khi vẽ lại bản đồ, chính thức vào năm 1491 đời Hồng Đức gọi là Sơn Tây. Khoảng từ 1509 đến 1516 bấy giờ mới chuyên gọi là Sơn Tây. Năm 1803 vua Gia Long chỉ dụ trấn Sơn Tây cùng với 11 trấn khác trực thuộc Tổng trấn Bắc Thành. Năm 1831 vua Minh Mệnh chia Bắc Kỳ thành 15 tỉnh, trong đó có tỉnh Sơn Tây. Theo Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực, viết bao quát các sự kiện trong khoảng 46 năm từ 1802 đến 1847, sách được in sau năm 1851, tỉnh Sơn Tây bao gồm 5 phủ: Vĩnh Tường, Lâm Thao, Quốc Oai, Quảng Oai, Đoan Hùng. Tức là các tỉnh Sơn Tây, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên hồi giữa thế kỷ 20. Nhưng rồi người ta quen nói Xứ Đoài là tỉnh Sơn Tây, nơi đậm đặc nhất cái chất văn vật thuần phác của xứ ấy. Nguyễn Trãi ca ngợi vùng Sơn Tây con người thuần hậu, phong tục chất phác. Danh sỹ Lý Tử Tấn (1378-1452) người đồng khoa với Nguyễn Trãi cũng có nhận xét tương tự như bạn của mình.
Núi Tản Viên, tên Nôm gọi là Ba Vì
Nét đặc sắc nhất về văn hoá vùng sơn địa cũng là hồn cốt của đất xứ Đoài là 3 ngọn núi thiêng làm thành vòng cung huyền thoại ẩn chứa nhiều điều bí ẩn nhất của lịch sử, những băn khoăn và khát vọng của con người về một cuộc sống bình an. Vòng cung ấy chạy từ Đông sang Tây bắt đầu từ núi Tản Viên, tên Nôm gọi là Ba Vì, tiếp đến là núi Câu Lậu chùa Tây Phương và cuối cùng là núi Phật Tích chùa Thày. Ba ngọn núi thiêng làm thành vòng cung nhỏ bé và cổ xưa nhất của cái muôn năm nằm gọn trong lòng địa vực Sơn Tây. Vòng cung huyền thoại của miền văn hoá phía tây thành Thăng Long, nơi thần linh và phật của nền văn minh cổ ngự trên đỉnh tam giác châu thổ sông Hồng. Không ở đâu như ở đây, thế giới các vị thần lại chung sống với con người nhiều như thế. Phật, thần linh với chuyện con người là một. Một thế giới siêu thực lấp lánh ánh sáng trần gian và được mô phỏng theo đời sống của con người.
Tam Quan chùa Tây Phương trên núi Câu Lậu
Lê Quý Đôn (1726-1784) trong sách Kiến văn tiểu lục đã miêu tả vũ điệu của núi từ vùng Tây Bắc nước ta đổ xuống đồng bằng để gặp Tản Viên như sau: Mạch núi từ Mường Thanh xuống tầng tầng lớp lớp kéo đến liên miên chằng chịt, đến đây mọc ngang ra ba ngọn, mặt tả trông về Sông Đà, phong cảnh tốt tươi, khí thế nghiêm chỉnh, có chỗ như là tàn quạt lâu đài là trấn sơn một nước. Ngọn giữa rất cao, phụng thờ thượng đẳng linh thần. Bộ bách khoa Vân đài loại ngữ cũng của Lê Quý Đôn, viết năm 1773, có nêu ý kiến của học giả Khuất Đại Quân, người nước Tàu, ca ngợi Đại Việt: Long mạch chạy qua như muôn vàn đợt sóng, nhảy nhót không ngừng thẳng đến Giao Châu mới kết thành đất nước. Tôi có dịp bay từ Viên Chăn về Hà Nội, từ trên cao nhìn xuống quả đúng như Lê Quý Đôn miêu tả, khi thấy ngọn Tản Viên mờ ảo trong mây, biết mình về đến nhà rồi, sau khi xem những màn khiêu vũ trùng điệp của núi dưới bao nhiêu mây trắng trời xanh. Nguyễn Trãi (1280 – 1442) trong sách Dư địa chí nhận xét: Núi có 3 ngọn cao chót vót như cái tán. Vì thế gọi là Tản Viên. Núi ấy là núi tổ của nước ta đó… Thần núi Tản Viên gọi là trụ quốc đại vương, linh hiển có tiếng. Vua Nhân Tông triều Lý sai thợ làm đền thờ trên ngọn núi thứ nhất có lầu tới 20 tầng. Nếu bên kia sông Hồng là chuyện của con người với 18 đời vua thì bờ bên này lại là chuyện của các vị thần. Tản Viên mang lễ vật voi chín ngà gà chín cựa để hỏi con gái vua Hùng làm vợ. Đến bây giờ, hàng năm, Tản Viên vẫn xuống núi đi lễ Tết bố vợ là vua Hùng theo con đường vượt sông Đà ở bến đò làng Khê Thượng đúng vào lúc trừ tịch đêm giao thừa để sang núi Nghĩa Lĩnh. Dân làng ấy, vốn là quê hương của thi sỹ Tản Đà, vẫn không ngừng nghỉ chuẩn bị đại lễ cho đức thánh Tản cùng đoàn tùy tùng sang sông làm nghĩa vụ trần thế.
Chùa Thầy ở Sài Sơn, dưới chân núi Phật Tích
Phan Huy Chú (1782-1840) viết Lịch triều hiến chương loại chí 10 năm (1809-1819) mô tả núi Tản Viên mọc lên la liệt, núi cao sông lớn hơn cả các nơi. Phong khí và nhân vật gần giống như đời. Thói quen theo tính thật thà. Một khu có hình thế tốt đẹp, là chỗ đất có khí thế hùng hậu.
Lý Tế Xuyên viết, tục biên Việt điện U linh có bài tựa sách ghi năm 1329 đời Trần Hiến Tông: Ở vùng chân núi Tản Viên có châu Đường Lâm của Bố cái đại vương sinh năm 761, người có sức khỏe bắt hổ vật trâu đã đánh đổ phủ đô hộ của giặc phương Bắc, lập nền độc lập đất nước, sách Viêm giao trung cổ ký của Cao Xuân Dục ghi được 11 năm; có người nói 7 năm hồi đầu thế kỷ thứ 8 sau Công nguyên. Ngô Quyền cũng quê ở tại đấy; người đã đánh tan quân xâm lược phương Bắc, chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc, vào năm 938. Vùng đất này, còn có bà Man Thiện, đẻ ra 2 chị em sinh đôi Trưng Trắc, Trưng Nhị. Nay vẫn còn miếu thờ gọi là Miếu mèn và mả dạ. Việt sử thông giám cương mục, viết theo chỉ dụ của vua Tự Đức ngày 22-1-1856 chép rằng: Trận chiến đấu của quân Hai Bà Trưng với giặc Hán, xảy ra ở Lãng Bạc, tức là Hồ Tây bây giờ. Quân ta bị thua rút lui. Hai bà nhảy xuống sông Hát Giang tuẫn tiết. Bà Man Thiện đánh nhau với quân Hán ở vùng chân núi Tản viên và Hòa Bình. Cũng thua trận. Nhảy xuống sông Hồng tự vẫn.
Lịch sử của Thần và của người dường như cứ bện chặt vào nhau, bổ sung cho nhau, làm nên những tầng văn hóa vang vang tiếng người. Đại việt sử ký toàn thư, bản in theo Nội các quan, khắc mộc bằng chữ Hán năm chính Hòa thứ 18 (1697), sản phẩm nhiều đời của các nhà sử học danh tiếng. Lê Văn Hưu thế kỷ 13. Phan Phu Tiên, Ngô Sỹ Liên thế kỷ 15. Phạm Công Trứ, Lê Hy thế kỷ 17 đã trang trọng ghi chuyện thần núi Tản Viên kết hôn cùng Mị Nương như là những trang chính sử đẹp nhất của đất nước buổi đầu khai mở nền quốc thống của nước nhà – Thời đại Hùng Vương. Vì vậy, các triều đại phong kiến Việt Nam có truyền thống phong chức tước cho thần. Việt điện U linh cho biết: có 3 đợt phong đầu tiên vào đời Trần. Trùng Hưng thứ nhất 1285. Trùng Hưng thứ 4 - 1288. Hưng Long thứ 21 - 1313. Theo đó Tản Viên được phong đợt đầu với tước Hựu Khánh Khuông quốc hiển ứng đại vương. Truyền thống này được tiếp tục cho đến hết triều Nguyễn đầu thế kỷ 20. Đó là truyền thống đưa các vị thần vào đời sống trần tục của con người. Họ không xa lạ với con người.
Văn chương Việt Nam hiện đại có lẽ Nguyễn Nhược Pháp và Nguyễn Tuân là dấu ấn hơn cả về sự giao hòa thần linh và con người ở đây. Nguyễn Nhược Pháp năm 1935 cho in tập Ngày xưa khi ông mới 21 tuổi. Bài thơ dài Sơn tinh Thủy tinh dựng lại bằng thơ đám cưới của Tản Viên - Mị Nương xinh đẹp tóc xanh viền má hây hây đỏ, miệng thắm san hô, tay trắng nõn nà khiến chàng Sơn Tinh chết mê chết mệt. Trận đánh kinh thiên động giữa hai vị thần chỉ vì cùng yêu người con gái của trần gian. 41 năm sau, vào tháng 9-1976, Huy Cận cũng viết Sơn Tinh Thủy Tinh, nhưng cái phần thần linh dường như đã phai đi khá nhiều.
Thiên tùy bút Trên đỉnh non Tản của Nguyễn Tuân được coi là một trong số ít tác phẩm hay của thể loại đó trong văn chương thế kỉ 20. Truyện kể các vị thần trên núi gặp năm lụt lội lại tìm người ở Chàng Thôn, một làng nghề dưới núi Câu Lậu để sửa chữa nơi ở của thần tại đền Thượng, đền Hạ, đền Trung. Kíp thợ ngõa người trần mắt thịt được phát những hòn cuội đập ra là lúa gạo. Cuội xanh là lúa tẻ, cuội vàng là lúa nếp và cuội trắng đập ra hòa với nước suối uống say như uống rượu... Nguyễn Tuân ơi là Nguyễn Tuân! Trên đỉnh non Tản của ông thời hiện đại, Tản Viên lại một lần nữa sống như người giữa trần thế. Tôi cứ băn khoăn tại sao nói đến nơi này người ta lại ca ngợi xứ Đoài mây trắng như là một biểu hiệu của quê hương. Có lẽ vì nhiều lý do. Nhưng trên đỉnh Tản Viên quanh năm thường thấy lững lờ một vầng mây trắng. Còn ngày trời xanh thì không thấy bóng Ba Vì; bởi lẽ màu xanh của núi và màu xanh của trời mang mác ở khắp nơi. Những ngày đó, phía sau ngọn núi thường lững lờ những dải mây bông lững thững trắng trên mặt nước Đà Giang như trầm ngâm gìn giữ những gì bất tử của quá khứ.
Đi theo những câu chuyện về đức thánh Tản rầm rì khắp nơi mọi chốn ở xứ Đoài từ ngàn năm nay vẫn thế để tới núi Câu Lậu về hướng Đông chếch Nam chừng 3 chục dặm sẽ tới chùa Tây Phương trên đỉnh Câu Lậu. Nhà sư Huyền Quang, đệ tam tổ phái Trúc lâm, thời nhà Trần, có viết bài thơ Thạch Thất bằng chữ Hán như sau:
Bán gian Thạch Thất hòa vân tục
Nhất lĩnh xối y kinh tuế hàn
Tăng tại thiền sàng, kinh tại án,
Lô tàn cốt lục nhật tam can.
Nghĩa là: nửa gian nhà đá mây bao bọc, một tấm áo bông buổi lạnh lùng, sư ngủ giường thiền kinh để án, mặt trời 3 trượng củi lò không. Tiến sĩ Lý Văn Phượng, người Hán sinh 1500, làm quan ở Quảng Tây. Vào năm 1540, ông ấy có viết Việt Kiệu Thư, trong đó nói rằng Núi Câu Lậu ở huyện Thạch thất theo Hán thư có giống Tiềm Thủy ngưu. Cát Hồng đời Tấn muốn luyện đan nên xin làm huyện lệnh Câu Lậu. Thơ Đỗ Phủ đời Đường có câu: Giao Chỉ đan sa trọng. Người Giao, Ái trác việt mưu trí. Người Hoan, Diễn thuần hậu, hiếu học. Người từ vương hầu trở xuống đều đi chân đất không lấy gì làm thẹn… Lê Hoàn, Mạc Đăng Dung khi đã quý hiển rồi vẫn còn chân đất lội xuống nước bắt cá… Thường ngày không đội mũ. Ngồi xếp bằng khoanh hai chân… Con gái vùng ven biển tháng giêng đến tháng 3 cùng nhau nắm tay áo mà hát ở ngoài nội.
Phan Huy Chú viết rằng: Núi Câu Lậu có tên là Tây Phương, ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, chân núi có sông Tích. Cảnh thú vắng vẻ. Núi này toàn là núi đất sắc đỏ. Chùa Tây Phương trên đỉnh núi bắt đầu được xây dựng từ thế kỉ thứ 8, một trong hai ngôi cổ tự bậc nhất nước ta và được trùng tu, xây dựng lại nhiều lần. Thời Mạc Phúc Nguyên (1547-1561). Đời vua Lê Thần Tông năm 1632... Từ chân lên đỉnh núi có 238 bậc đá ong. Thụy Nham hầu Phan Huy Ích (1751-1822) làm bài minh khắc trên mặt chuông. Giờ chuông vẫn treo tiếng ngân của Phật trên đỉnh núi linh thiêng này rằng Đạo gửi ở không, cội gốc khôn cùng. Tư tưởng căn bản này đã được các bậc thiền sư, trí giả và quân vương nước ta nam mô niệm phật từ thời nhà Lý đến thời hiện đại. Vua Lý Thái Tông (1028-1054), vua thứ hai triều Lý có bài kệ rằng:
Bát nhã chân vô tông,
Nhân không ngã diệc không.
Quá, hiện, vị lai Phật,
Pháp tính bản lai đồng.
Nghĩa là: Trí tuệ thật không có tung tích, người không hư ta cũng không hư, các vị Phật quá khứ, hiện tại hay là vị lai, căn nguyên pháp tính xưa nay vẫn giống nhau. Mỗi khi lên chùa Tây Phương tôi thường dùng bài thơ này để tĩnh lặng ngắm nhìn và tự lý giải 18 khuôn mặt khác nhau của các vị la hán trong chùa đại diện cho nỗi buồn, niềm vui, sự băn khoăn, khát vọng, sự chịu đựng… của đủ cả các cung bậc trầm luân mà nhiều hơn cả là nỗi buồn và sự bình tâm của trần thế. Lần nào cũng vậy không thể lý giải được vì mùi hương trầm ở đây lan tỏa khiến ta sa vào cõi trí tuệ không có tung tích. Huy Cận nổi tiếng sau tập Lửa thiêng 1941 đến Vũ trụ ca ngay sau đó thì như tự đánh mất mình. Phải chờ đến ngày 27/12/1960, lên đỉnh núi Câu Lậu gặp các vị La Hán chùa Tây Phương mới tìm lại lửa thiêng theo tinh thần Phật: Một câu hỏi lớn không lời đáp, cho đến bây giờ mặt vẫn chau.
Thế là câu chuyện về sự giao hòa giữa thần linh và con người đến chùa Tây Phương này để hòa đồng giữa Phật với người trong đời sống trần tục khổ đau và hy vọng. Những người thợ ở Chàng thôn đã được Nguyễn Tuân đưa lên đỉnh non Tản trùng tu lại đền cho thần thì ở đây chính những người ấy đã tạc ra các vị La Hán theo khuôn mặt người ở xứ Đoài, thường rất trầm lặng và buồn như một điều không khác được của thập loại chúng sinh. Con người ở dưới chân núi Câu Lậu đã tạo ra Phật theo vóc dáng và suy tư của người vẫn âm thầm sinh sống ở đây từ ngàn đời nay.
Từ chùa Tây Phương, Phật và Người đi bộ qua những cánh đồng bằng phẳng và làng xóm thanh bình miền nam xứ Đoài. Núi Phật tích chùa Thầy ở ngay trước mặt. Dường như bắt gặp một tiến trình ngược lại. Ở đây con người từ con người hoá thân thành thần linh.
Lê Quý Đôn viết trong Vân đài loại ngữ: Cách phía tây quốc đô ta 30 dặm, có một quả núi gọi tên là Bồ Đà Sơn, còn có tên gọi là Sài Sơn. Trên núi ấy có một động nhỏ là nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh đời Lý tu đắc đạo rồi hóa ở đây. Phong cảnh núi ấy thanh nhã. Xung quanh đều là ruộng phẳng.
Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí viết: Chùa Phật Tích có tên nữa là chùa Sài Sơn, còn gọi là Cổ Sài. Cảnh núi rất đẹp. Chân núi có hồ. Trên núi có hang là chỗ Từ Đạo Hạnh trút xác ở đây. Ở vách đá có vết đầu và gót chân. Trong núi có viện Bồ Đề, am Hương Hải đều là Từ Đạo Hạnh làm ra.
Vào năm Bính Thân 1776, Phạm Đình Hổ (1768-1839), Nguyễn Áng (1770-1815) cùng đi thăm chùa Thầy có viết bài ký Chơi núi Phật Tích thấy ghi trong sách Tang thương ngẫu lục của hai ông làm năm 1780, được người đời sau khắc in năm 1896 tả rõ chùa Phật Tích do Từ Đạo Hạnh dựng nên. Giữa thờ Phật. Bên tả bên hữu thờ Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông – là người mà Từ Đạo Hạnh đã hóa thành.
Việt điện U linh ( viết khoảng 1329), Lý Tế Xuyên kể rõ. Đạo Hạnh, Minh Không, Giác Hải cùng đi tu thành chính quả. Đạo Hạnh về chùa Thiên phúc Sài Sơn trụ trì. Lúc ấy vua Lý Nhân Tông (1072-1127) không có con trai. Cầu tự mãi không được. Em trai Nhân Tông là Sùng Hiền Hầu cầu tự cho minh. Bấy giờ Sùng phu nhân đang tắm trong phòng. Bỗng thấy Đạo Hạnh hiện hình trong thùng nước tắm. Sùng Hiền Hầu bảo vợ: Thấy hình ở trong bồn nước nghĩa là chân nhân đã nhập thai rồi. Ngày 7/3 năm Đại Khánh thứ 3 (1112) Đạo Hạnh từ cõi niết bàn về cõi đời thác sinh làm con trai họ Sùng. Người ấy sau này là vua Lý Thần Tông. Thế là chuyện tình ở núi Tản Viên giữa Sơn Tinh với Mị Nương đậm đà tính chất thần linh bao nhiêu thì chuyện tình ở núi Phật Tích chùa Thầy lại mang màu sắc dân gian thế tục bấy nhiêu. Một người trút xác trở thành thần để đầu thai vào kiếp người trần tục gợi lên bao nhiêu lẽ đời đằng sau câu chuyện ấy. Văn hóa đã chỉ cho chúng ta thấy sự thiêng liêng của việc sinh nở đầy tục lụy làm cho cuộc sống cực nhọc này nhân bản hơn. Cao đẹp hơn. Thanh thản hơn.
Nhưng thôi, phải trở về với cuộc đời trần tục này để xem các thi sỹ nói gì về chùa Thầy. Cao Bá Quát (1808-1855) đã viết 4 bài thơ chữ Hán cùng một đầu đề Buổi chiều đi chơi Sài Sơn với cảm hứng chung: Tìm về thanh thản, từ cõi tục đến với tĩnh lặng thiền. Tiếng chuông vắng bỗng ngân lên từ phía trên lầu dưới bóng tà dương. Đời người trăm năm đã qua mấy cuộc hưng vong. Tay cầm bông hoa sen mỉm cười. Tự mình hiểu mình, dửng dưng với chuyện làm quan. Rắp tâm dựng căn nhà đọc sách ở núi này. Nguyễn Văn Siêu (1799 -1872) có bài thơ Phật Tích Sơn hoài cổ. Ngọn tháp cô đơn sắp đổ nát vẫn còn chống chọi với gió mưa. Tấm bia tàn nghiêng muốn khụy đã minh chứng cho nhiều dâu bể. Hai bậc thần Siêu thánh Quát nhìn núi Phật Tích đầy hoài niệm mà đau đớn về việc đổ nát của thế cuộc, làm ta bận tâm không thể nào nguôi. Nhưng Phùng Khắc Khoan (1528-1636) danh sĩ nổi tiếng nhất xứ Đoài và Phan Huy Ích lại thổi vào thơ và thời cuộc sự bay bổng yên bình khi bước đến núi Sài Sơn. Phùng Khắc Khoan, người được Lê Quý Đôn nhận xét là bậc túc nho, ý tứ cách điệu, nhàn nhã bởi lên núi Thầy, Khắc Khoan thấy chân vượt ra khỏi trần thế lên 3 ngàn thế giới. Còn Phan Huy Ích lại vẽ ra phong cảnh yên bình nơi làng quê xứ Đoài dưới ngọn núi này. Người nông dân đội nón lá, mặc áo tơi, lưng mang bừa vào lúc gặp tiết xuân. Ngỡ là cảnh Phật đâu phải trốn trần gian.
Hồi cố giao nguyên xuân ý túc
Tiền thôn thoa lạp bội nhân sừ.
Từ buổi thiếu thời đến bây giờ đã ngoài bảy mươi, tôi lang thang không biết bao lần mà tưởng như chưa đi qua hết, chưa đến được cõi thanh tịnh của vòng cung Thần Phật ở ba ngọn núi thiêng. Chưa cảm thấy hết sự thanh tịnh vô cùng của ý phật mà có lần Lê Quý Đôn đã chép: Chim nhạn bay trên không, bóng nhạn in dưới nước. Nhạn không có ý để dấu vết lại. Nước không có ý giữ bóng nhạn lại làm gì. Vâng, đó là sự bất tử mà thần linh mang lại cho con người – sự bất tử của thanh thản bao bọc lấy thân phận con người để con người sống đẹp hơn, tốt hơn, có ý nghĩa hơn trên đường đời đầy giông bão và cát bụi. Cho nên văn hóa là sự giao thoa và kết nối giữa thần linh; hiện hình như là những giấc mơ của con người với con người – cái làm nên một trong những cốt cách văn hóa Việt Nam. Và thanh thản luôn luôn là một giá trị sống cho tất cả mọi người.
Hà Nội, Mùa thu
8/10/2022
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ ngày 5/11/2022